1. Phi Luật Tân: Các Linh Mục được võ trang súng
Theo Thông tấn xã Fides từ Manila cho hay đã có hơn 200 linh mục Công Giáo và mục sư của các giáo phái Tin Lành đã nộp đơn xin giấy phép võ trang súng cầm tay ở Phi. Theo lời Giám đốc Cảnh sát Quốc gia Phi là ông Oscar Albayalde thì số liệu mới được công bố, (bắt đầu từ tháng 6 năm 2017), đã có 188 các linh mục Công Giáo và 58 các mục sư của các Giáo hội Kitô khác đã nộp đơn với Cảnh sát Quốc gia Phi để xin giấy phép được võ trang súng.
Ông Oscar Albayalde nói: “Chúng tôi có thể đáp ứng các yêu cầu này vì các thành viên của giáo sĩ và lãnh đạo các hội thánh được mang vũ khí khi đi mục vụ là những người có đủ điều kiện”.
Yêu cầu cấp giấy phép được võ trang súng trong giới các linh mục đã tăng nhanh sau những vụ sát hại các linh mục đã xảy ra trong mấy tháng qua. Ông Oscar Albayalde cho hay cảnh sát sẵn sàng hỗ trợ các linh mục muốn võ trang vũ khí, “chúng tôi sẵn sang hỗ trợ các bước bổ sung trong việc huấn luyện về võ trang và huấn luyện thiện xạ cho các vị lãnh đạo tôn giáo muốn sở hữu vũ khí”. Theo luật sở hữu súng, các linh mục nằm trong số những người được võ trang giống như: các phóng viên báo chí, luật sư và bác sĩ y sĩ vậy.
Trong những ngày gần đây, các giám mục và các nhà lãnh đạo tôn giáo góp ý rằng các linh mục và các vị làm mục vụ không nên mang vũ khí để tự vệ. Đức Giám Mục Jose Oliveros, của giáo phận Bulacan, nói rằng các linh mục nên là “người của hòa bình chứ không phải là kẻ gây chiến”. Chủ tịch Hội đồng Giám mục Phi là Tổng Giám mục Romulo Valles cũng phát biểu rằng dù các linh mục “luôn phải đối diện với nguy cơ tử vong trong việc thi hành chức vụ mục vụ”, nhưng các ngài không nên mang vũ khí, mà hãy “sẵn sàng hy sinh ngay cả mạng sống vì Chúa Kitô”.
2. Đức Thánh Cha tiếp tổng thống Pháp
Lúc 10 giờ 30 sáng 26/06, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp kiến tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại thư viện biệt điện tông tòa dưới bức tượng thánh cả Giuse và Chúa Giêsu trong vòng 57 phút. Theo ghi nhận của giới truyền thông, thời lượng này lâu hơn cuộc hội kiến trước đây với ông Obama.
Sau đó, tổng thống Macron đã giới thiệu với vị lãnh đạo tinh thần: phu nhân Brigitte, bộ trưởng ngoại giao Jean-Yves Le Drian, bộ trưởng nội vụ Gérard Collomb, luật sư Jean-Pierre Mignard, hai nhà văn Rémi Brague và Xavier Emmanuelli, nữ ký giả Caroline Pigozzi, bà Véronique Fayet, chủ tịch Tổ chức Cứu trợ Công Giáo.
Cũng vào dịp này, tổng thống Macron đã biếu Đức Thánh Cha ấn bản tiếng Ý ‘‘Cha sở miền quê’’ của nhà văn Công Giáo Georges Bernanos. Đức Thánh Cha trao tặng huy chương Thánh Martin cho tổng thống Pháp và mỗi vị trong đoàn tùy tùng.
Trước buổi triều yết, tổng thống Macron đã dùng điểm tâm với cộng đoàn Sant’Egidio là tổ chức Công Giáo thiết lập các hành lang nhân đạo đón tiếp người tỵ nạn Syrie vào châu Âu.
Trong tuần lễ vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói đến nhiệm vụ tiếp cư, đồng hành, tạo nơi ăn chỗ ở, giúp người tỵ nạn hội nhập theo khả năng của mỗi quốc gia. Ngài khuyến cáo các nước châu Âu nên gia tăng việc giúp các nước châu Phi thăng tiến giáo dục, tạo nhiều công ăn việc để giảm thiểu làn sóng nhập cư.
3. Các Giám Mục Canada nói sử dụng cần sa là một tội lỗi bất kể điều này được luật pháp cho phép hay không
Sử dụng cần sa sẽ vẫn là một tội lỗi trong mắt Giáo Hội Công Giáo, các giám mục Canada đã nói như trên, sau khi Thủ tướng Justin Trudeau của Canada tuyên bố rằng việc sử dụng cần sa để “giải trí” sẽ không còn bị luật pháp cấm nữa.
Ngoại trừ việc sử dụng cần sa cho mục đích y học, sử dụng cần sa phương hại đức tiết độ và nên tránh. Đức Ông Frank Leo, tổng thư ký Hội đồng Giám mục Công Giáo Canada nói.
Đức Ông Leo cho biết sách giáo lý Công Giáo khoản 1809 dạy rằng “Tiết độ là nhân đức luân lý giúp chúng ta điều tiết sức lôi cuốn của những thú vui và giữ sự chừng mực trong việc sử dụng các của cải trần thế. Nó giúp gia tăng ý chí làm chủ các bản năng và kiềm chế các ham muốn trong những giới hạn của sự lương thiện. Người tiết độ quy hướng các thèm muốn giác quan của mình về điều thiện, giữ được sự cẩn trọng lành mạnh, và không chiều theo sức mạnh của mình mà bước theo các dục vọng của con tim. Đức tiết độ thường được ca tụng trong Cựu Ước: ‘Con đừng buông theo các tham vọng của con, nhưng hãy kiềm chế các dục vọng” (Huấn Ca 18:30).Trong Tân Ước, nhân đức này được gọi là ‘sự chừng mực’ hay ‘sự điều độ’. Chúng ta phải sống ‘chừng mực, công chính và đạo đức ở thế gian này’ (Tt 2:12).”
Ngài nói thêm: “Nhân đức tiết độ, như được giải thích trong sách Giáo lý Giáo Hội Công Giáo,” đề nghị chúng ta tránh mọi loại dư thừa: sự lạm dụng thức ăn, rượu, thuốc lá hay thuốc men. “Một cách cụ thể, Giáo lý Công Giáo nhấn mạnh rằng việc sử dụng bất kỳ loại thuốc nào, ngoại trừ trong các điều trị, đều là một “hành vi phạm tội nghiêm trọng” vì việc sử dụng các loại thuốc như thế gây tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe và cuộc sống của con người.
Sau khi Tu Chính Án về cần sa của chính phủ Canada nhận được sự phê chuẩn tại Thượng viện vào ngày 21 tháng 6, Thủ tướng Justin Trudeau tuyên bố việc sử dụng cần sa sẽ không còn bị cấm tại Canada nữa từ ngày 17 tháng 10.
Theo luật mới, người lớn có thể sở hữu tới 30 gram cần sa, được trồng tối đa bốn cây cần sa cho mỗi gia đình và có thể sử dụng cần sa để chế biến các thực phẩm. Trẻ em từ 12 đến 18 tuổi bị cấm sở hữu nhiều hơn năm gram (tức khoảng từ 7 đến 10 điếu thuốc lá cần sa). Cần sa cũng sẽ được bán trong các cửa hàng quy định.
Đức Cha Terrence Prendergast, Tổng giám mục Ottawa, cho biết: “Việc sử dụng các chất để tiêu khiển – dù là cần sa, hay các loại thuốc khác và thuốc phiện – là một phần trong sự tiêu thụ liên tục các chất làm cho con người né tránh những gì họ coi là gánh nặng và thách đố của cuộc sống.”
“Các giám mục, linh mục, giáo lý viên, và nhân viên chăm sóc mục vụ cho người trẻ sẽ cần phải giảng dạy về sự tiết độ và cách thức chúng ta đương đầu một cách khôn ngoan với cuộc sống và đưa ra các quyết định mà chúng ta phải thực hiện, chứ không phải là né tránh”, ngài nói.
“Chúng ta cũng cần có những hướng dẫn cho các cha giải tội để giúp các ngài đưa ra các hướng dẫn khôn ngoan trong vấn đề này, cũng như khi đề cập đến các vấn đề đương đại khác như bệnh dịch hình ảnh khiêu dâm”.
Đức Tổng Giám Mục cũng nhấn mạnh rằng cha mẹ đóng một vai trò quan trọng trong việc hướng dẫn trẻ em tránh xa các loại rượu chè, cần sa và ma túy.
Trong năm 2017, Hội đồng Giám mục Công Giáo Canada đã ban hành một tuyên bố về cuộc khủng hoảng các chất ma tuý và các chất gây nghiện; và phê phán ý định hợp pháp hóa cần sa là “không khôn ngoan” và “có khả năng gây hại” cho xã hội.
4. Các giám mục ngăn chặn một cuộc tắm máu.
Nhận được tin khoảng 500 tay súng cuả quân đội và cảnh sát đã được điều động từ thủ đô Managua đến Masaya vào lúc 5g sáng và chuần bị cho một cuộc tấn công tàn sát mới tại thành phố ‘nổi loạn’ này, thì thay vì tiếp tục kế hoạch cầu nguyện cho hòa bình đã dự tính vào ngày 21 tháng Sáu tại thủ đô Managua, toàn thể các giám mục cuả tổng giáo phận Managua và 30 linh mục, cùng với đức sứ thần toà thánh là tổng giám mục Waldemar Sommertag, đã cấp tốc đi Masaya để tìm cách ngăn chận cuộc tắm máu sắp xảy ra.
Trước năm 1979, Masaya, 150 ngàn dân, cách thủ đô 30 dặm về phiá Nam, từng là thành trì của cuộc cách mạng Sandinista do ông Ortega cầm đầu.
Là một du kích cánh tả, ông Ortega đã lãnh đạo đất nước từ năm 1979 cho đến năm 1990 và sau đó đã trở lại làm tổng thống từ năm 2007, ông hiện đang phục vụ nhiệm kỳ thứ ba liên tiếp của mình, với vợ là bà Rosario Murillo làm phó tổng thống.
Nhưng vào ngày 18 tháng 4, Nicaragua bắt đầu rơi vào một cuộc khủng hoảng tàn nhẫn nhất kể từ thập niên 80, bắt đầu bằng các cuộc biểu tình chống lại việc cải cách an sinh xã hội rồi trở thành tiếng kêu của dân chúng đòi hỏi sự thay đổi dân chủ. Các cuộc biểu tình đã bị cảnh sát đàn áp mạnh tay, nhưng vẫn lan truyền nhanh chóng và sự ủng hộ của Ortega và Murillo càng ngày càng suy yếu hơn. Cho đến nay, hơn 200 người đã bị sát hại trong các vụ đụng độ và ám sát, trong đó có một gia đình bị thiêu sống ở Managua.
Thành phố Masaya, một lần nữa đi tiên phong trong cuộc đối lập, vào đầu tuần này tuyên bố là một thành phố nổi dậy chống chế độ Ortega, và lập tức bị tấn công “không cân xứng” bởi các lực lượng cảnh sát và bán quân sự.
Các lực lượng ủng hộ chính phủ sử dụng súng AK47 và Dragunov để bắn tỉa cư dân dân sự của thị trấn, người đứng đầu Hiệp hội Nhân quyền Nicaragua, là Alvaro Leiva cho biết.
“Thật là đau đớn khi phải nhìn thấy anh em chúng tôi chết tất tưởi như thế, “ một cư dân địa phương ở khu phố Monimbo nói với thông tấn xã AFP, Monimbo là một khu dân cư bị chọn làm mục tiêu chính của chiến dịch tấn công.
“Nếu chúng tôi có vũ khí thì cuộc diện đã khác, nhưng cuộc tranh đấu này là rất bất bình đẳng. Xin hãy giúp chúng tôi chống lại những kẻ giết người đang lùng giết chúng tôi,” ông nói.
Một phóng viên AFP ở Monimbo báo cáo rằng người dân địa phương đã chống lại bằng bom săng tự chế và lực lượng chính phủ đã đốt cháy một số nhà.
Nhiều người đã chạy ra đường, khóc, quỳ xuống đất và vẫy cờ trắng.
Hơn 20 người đã thiệt mạng tại Masaya.
Các giám mục cuả Nicaragua, là cơ chế duy nhất còn được người dân Nicaragua tin tưởng, đã được giao nhiệm vụ vào tháng trước để làm trung gian cho cuộc đối đầu ngày càng gay gắt giữa phe đối lập và chính phủ. Hội đồng giám mục Nicaragua đã triệu tập một cuộc đối thoại quốc gia. Vòng đàm phán mới nhất do các giám mục bảo trợ đã sụp đổ hôm thứ Hai. Các giám mục và phe đối lập cáo buộc chính phủ đã không thi hành thoả thuận là cho phép các tổ chức quốc tế đến điều tra bạo lực.
Vào thứ Năm vừa qua, các giám mục Nicaragua cho biết họ đi tới thành trì đối lập Masaya “để ngăn chặn một vụ thảm sát khác” sau khi nơi đó đã bị tấn công bởi các lực lượng trung thành với Tổng thống Daniel Ortega.
“Tôi muốn kêu gọi tới những người đến thành phố này để giết người, tôi muốn kêu gọi những tay súng bắn sẻ… Tôi muốn gọi điện cho Tổng thống Daniel Ortega và (Phó tổng thống và đệ nhất phu nhân) Rosario Murillo, là không nên có thêm một cái chết nào nữa ở Masaya, “ Đức Giám Mục phụ ta Silvio Baez Ortega nói với người dân địa phương bên ngoài nhà thờ St. Sebastian.
“Sự đau đớn ở Nicaragua là rất lớn”, Giám Mục Baez nói. “Những người không vũ trang đang bị tàn sát. Thành phố đang nằm trong tay những tên cướp. “
Khi các giám mục tiến vào Masaya, chuông nhà thờ của thành phố đã vang lên mà không dừng lại, không như các lần trước là để cảnh báo về sự xuất hiện của các đội ám sát cuả cảnh sát và quân đội, nhưng lần này là để loan báo một hy vọng. Việc xuất hiện cuả đức sứ thần và các giám mục trên bãi chiến trường là một việc làm cực kỳ nguy hiểm, nhưng khi nhìn thấy các giám mục diễn hành trên đường, toàn bộ dân chúng đã uà ra khỏi nhà và gia nhập. Tất cả cùng nhau, tiến bước trong im lặng, khiến cảnh sát và quân đội đã phải rút lui ra khỏi thành phố một cách vội vã.
Các giám mục đã rước Thánh Thể qua các đường phố, đi qua các chướng ngại vật và những cảnh hoang tàn cuả những cuộc tấn công trong quá khứ.
Đức Hồng Y Leopoldo Brenes Solorzano của Managua bước vào đồn cảnh sát và nói chuyện với Ủy viên Ramón Avellán, từng bị cáo buộc đã chỉ đạo các cuộc tấn công vào dân thường. Ngài đưa ra một danh sách các tù nhân mà ngài muốn được thả.
Sau hơn một giờ, Đức Hồng Y đã thông báo cho dân chúng: “Ủy viên Avellán đã cam kết ngăn chặn tất cả bạo lực, tôi nói với ông ta rằng nếu điều này không xảy ra, tôi sẽ gọi cho ông sau”.
Còn đức cha Baez, Giám Mục Phụ Tá của Managua, thì nhắc nhở dân chúng rằng “có một điều răn của Thiên Chúa áp dụng cho tất cả mọi người: Bay chớ giết người”.
Trong dịp này đức sứ thần đã nói với mọi người: “Đức Thánh Cha đã được thông báo về những gì đang xảy ra ở Nicaragua”. Sau đó, ngài kêu gọi dân chúng ở Masaya không sử dụng bạo lực, thúc giục mọi người tin vào Chúa như một phương tiện để vượt qua bạo lực.
Người dân địa phương đã tuá ra đường, nhiều người quì gối khi đám rước Thánh Thể đi qua.
Theo lời của tờ báo đối lập La Prensa, thì các giám mục “vừa ngăn chặn một vụ thảm sát khác”.
5. Đức Hồng Y Nichols nói: “Giáo Hội không được dấu nhẹm những thất bại lớn”
Trong thư mục vụ của Tổng Giáo Phận Westminter được đọc trong các nhà thờ khắp giáo phận vào ngày Chúa Nhật, 24 tháng Sáu, Đức Hồng Y Vincent Nichols đã nhìn nhận có những thất bại trong Giáo Hội Công Giáo và rằng “Không có lỗi lầm hay sai phạm nào nên được che dấu”
“Thực ra, chúng ta đã học những bài học đau đớn, rằng cố tình dấu nhẹm những thất bại lớn, nhất là việc liên quan đến những người dễ bị tổn thương nhất, đặc biệt sự bao che những thất bại và phản bội để nó tàn phá sứ vụ chia sẻ của chúng ta.
“Hôm nay, tôi bày tỏ sự đau buồn của tôi với những thất bại của chúng ta và tôi xin anh chị kiên nhẫn, chịu đựng và thật sự tha thứ.”
Trước đây Đức Hồng Y đã lưu ý rằng “qua nhiều thế kỷ một truyền thống tuyệt vời là duy trì lòng yêu mến thật sự đối với các linh mục và luôn sẵn sàng để nâng đỡ các ngài, qua thăng trầm của đời tận hiến, và tôi kêu gọi các tín hữu cầu nguyện cho các linh mục, và đặc biệt cho sáu tân linh mục sẽ được truyền chức thánh vào thứ Bẩy tới này.
Đức Hồng Y Nichols bắt đầu bức thư của ngài bằng việc ca ngợi Thánh Gioan Southworth, vị thánh tử đạo Công Giáo mà lễ kính của ngài được cử hành vào ngày 27 tháng Sáu. Thánh Southworth được truyền chức linh mục tại Chủng Viện Anh ở Douai, miền Bắc nước Pháp, mà năm nay sẽ mừng kỷ niệm thứ 450.
“Chủng viện này là một phần rất quan trọng cho sự sống còn và di sản của Giáo Hội, trước tiên là chủng viện Thánh Edmund ở Ware, Hertfordshire và đến Allen Hall, chủng viện của giáo phận của chúng ta.”
“Trong những tháng tới, kỷ niệm chủng viện Douai và tưởng nhớ rất nhiều các linh mục tử đạo, chúng ta sẽ cố gắng canh tân nhiệm vụ và mục đích linh mục của chúng ta.”
6. Thêm một vụ án được Tòa Tối Cao Hoa Kỳ lật ngược
Tòa Tối Cao Hoa Kỳ hôm thứ Hai đã hủy bỏ án lệnh của tòa tiểu bang Washington chống lại người làm hoa là bà Barronelle Stutzman vì đã từ chối làm hoa cho đám cưới của một cặp đồng tính vào năm 2013.
Tóa Tối Cao Hoa Kỳ đã trả vụ án lại cho Tòa Tối Cao bang Washington cùng với sự hướng dẫn phải xét vụ án dưới ánh sáng của quyết định vụ án Masterpiece Cakeshop vào đầu tháng trước.
Được biết vụ án Masterpiece Cakeshop, Tòa Tối Cao Hoa Kỳ đã đứng về phía người làm bánh Jack Phillips, là một Kitô hữu, đã từ chối làm bánh cưới cho cặp đồng tính. Tòa Tối Cao Hoa Kỳ phán quyết rằng Ủy Ban Nhân Quyền Calorado đã chứng tỏ sự thù nghịch không thể chấp nhận được đối với tôn giáo trong việc giải quyết vụ án đó.
Các luật sư của bà Stutzman đã lập luận rằng một sự thù hận tương tự chống lại tôn giáo cũng phơi bày ra trong việc xử kiện Stutzman bởi công tố viên ở Washington.
Kristen Waggoner, Phó chủ tịch Hiệp hội Bảo Vệ Tự do, nhóm bảo vệ cho cả hai vụ án Phillips và Stutzman nói rằng “Trong lúc công tố viên đã thất bại trong việc khởi tố một doanh nghiệp đã bị khiển trách và phân biệt đối xử chống lại khách hàng Kitô hữu, thì ông ta đã cứ nhất định tự mình theo đuổi các biện pháp chưa bao giờ có tiền lệ để phạt Barronelle, không chỉ trong phạm vi là một chủ cơ sở doanh nghiệp mà còn trong phạm vi cá nhân của bà.”
“Trong vụ án Masterpiece Cakeshop, Tòa Tối Cao đã lên án việc áp dụng loại luật tùy tiện, một chiều, phân biệt đối xử chống lại những người có đức tin. Cũng thế, trong lời tóm tắt mà công tố viên nôp trong vụ kiện Barronelle, ông ta đã nhiều lần nhắc lại và coi thường niềm tin của bà. Ông này đã so sánh niềm tin tôn giáo của bà về hôn nhân, mà Tòa Tối Cao nói rằng niềm tin tôn giáo ấy là “hợp lệ và đáng tôn trọng”, với sự phân biệt chủng tộc. Điều này mâu thuẫn với sự công nhận của Tòa Tối Cao trong vụ Masterpiece Cakeshop rằng không thích hợp cho chính quyền để đi song song giữa niềm tin tôn giáo và “bảo vệ nô lệ”
Vụ án ở Washington tập trung vào bà Barronell Stutzman, 73 tuổi là chủ nhân của tiệm hoa Arlene’s Flowers ở Richard, Washington.
Vào năm 2013, Rob Ingersoll, là bạn và là khách hàng của bà đã nhờ bà làm hoa cho đám cưới đồng tính của hắn.
Bà Stutzman biết rõ Ingersoll là một người đồng tính, luôn vui mừng khi bà làm hoa cho hắn vào những dịp sinh nhật hay những dịp đặc biệt khác.
Tuy nhiên, bởi vì bà tin rằng hôn nhân là một dấu ấn về sự liên hệ giữa Đức Kitô và Giáo Hội, vì thế bà bảo Ingersoll rằng bà không thể làm hoa cưới cho một đám cưới đồng tính.
Ingersoll lúc đầu nói rằng hắn hiểu bà và nhờ bà chỉ cho một người làm hoa khác. Nhưng sau đó ít lâu, người tình của hắn viết trên mạng xã hội rằng bà Stutzman từ chối tham gia đám cưới và thế là tin được mau chóng lan ra. Chẳng bao lâu sau đó, bà được báo là bà bị kiện bởi công tố viên của bang Washington và ACLU ( tạm dịch là Hiệp hội Tự Do dân quyền Mỹ).
Bà Stutzman là một tín hữu Tin Lành (Southern Baptist) đã nói rằng bà quan niệm làm hoa cho lễ cưới không chỉ là một việc làm. Bà bỏ nhiều tháng, có khi cả năm trời để tìm hiểu xem cô dâu chú rể muốn gì chuyển tải trong những lãng hoa ấy.
Bởi vì làm hoa cho đám cưới là một lao động mang tính yêu thương vì thế bà cảm thấy lương tâm bà không cho phép để làm hoa cho một đám cưới đồng tính.
Vào tháng Hai năm 2017, Tòa tối Cao bang Washington đã duy trì phán quyết của tòa dưới chống lại bà, thế là bà Stutzman lại kháng án lên Tòa Tối Cao Hoa Kỳ.
Trong khi sự thiệt hại thực sự mà cặp đôi đồng tính đòi bồi thường chỉ là $7, chi phí lái xe tới tiệm làm hoa khác, thì bà Stutzman rất có thể phải trả đến hơn $1 triệu để trả án phí cho gần một tá cái đám luật sư của ACLU chống lại bà trong vụ án. Như thế tài sản gồm nhà cửa, tiệm hoa, tiền để dành và những tài sản cá nhân khác của bà bị đe đọa phải bán vì vụ án này.
Qua bốn năm rưỡi, bà Stutzman nói rằng bà đã nhận được rất nhiều khuyến khích và ủng hộ của nhiều người, hội đoàn từ 58 quốc gia trên thế giới, nhưng cũng có những đe dọa chết người nên bà đã phải gắn hệ thống an toàn và thay đổi lộ trình hàng ngày của bà.
Trong một công bố vào đầu tháng này, bà Stutzman nói rằng bà phục vụ tất cả khách hàng, nhưng không thể tạo ra một sản phẩm mà nó đi ngược với niềm tin tôn giáo sâu xa của bà.
Bà nói rằng công tố viên ở Washington đã “ luôn phớt lờ cái phần này trong vụ án của tôi, cố tình phỉ báng tôi và niềm tin của tôi mà lẽ ra phải tôn trọng niềm tin tôn giáo của tôi về hôn nhân. Khi tòa án tiểu bang ra phán quyết chống lại tôi do công tố viên yêu cầu, tôi đã viết cho ông lá thư yêu cầu ông “ hãy bỏ” những thỉnh nguyện cá nhân mà nó có nguy cơ sẽ tước đi “ nhà cửa, doanh nghiệp và những tài sản khác của tôi”, nhưng ông ta đã không làm giúp tôi. Đối với ông, vụ án này là một ví dụ điển hình của tôi – nghiền nát tôi, tất cả chỉ vì ông ta không đồng ý với những gì tôi tin về hôn nhân.”
7. Tôn giáo ngày càng bị cấm cách trên thế giới.
Theo một tường trình vừa được phổ biến của viện nghiên cứu Pew thì những hạn chế của chính quyền về tôn giáo tiếp tục gia tăng trên toàn cầu vào năm 2016 dẫn đến căng thẳng tôn giáo với các đảng phái và các tổ chức chủ nghĩa dân tộc.
Bản tường trình viết “Điều này đánh dấu năm thứ hai trong một loạt gia tăng việc hạn chế tôn giáo trong mức độ tổng quát bị áp đặt bởi chính quyền hay các tổ chức khác trong 198 quốc gia được nghiên cứu của viện.”
Cuộc nghiên cứu khám phá ra rằng 42 phần trăm các quốc gia đã có việc hạn chế về tôn giáo ở mức độ cao, bao gồm những hành động thù nghịch bởi chính quyền hay các tổ chức khác. Con số đã gia tăng từ 40 phần trăm vào năm 2015 và 29 phần trăm và năm 2007.
“Điều này đánh dấu con số lớn nhất những quốc gia trong danh sách đứng đầu kể từ khi trung tâm nghiên cứu Pew bắt đầu phân tích những cấm cách đối với tôn giáo vào năm 2007.”
“Những nước có mức độ cấm cách “cao” và “rất cao” từ phía chính quyền…tăng từ 25 phần trăm vào năm 2015 tới 28 phần trăm vào năm 2016. Trong khi những nước có mức đô quấy phá “cao” và “rất cao” từ phía những tổ chức thù địch với tôn giáo… thì vẫn giữ nguyên mức độ vào năm 2016 là 27 phần trăm.
Những nước ở Trung Đông và Bắc Mỹ thì có mức độ cấm cách tôn giáo trung bình cao nhất từ phía chính quyền, trong khi các nước ở Âu Châu và Mỹ Châu thì chỉ ở từng khu vực có mức độ trung bình gia tăng từ phía những tổ chức thù địch tôn giáo.
8. Quan sát viên Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc phàn nàn rằng công nghệ kỹ thuật số mới đang được xử dụng để gây bạo lực đối với phụ nữ
Đức Tổng Giám Mục Ivan Jurkovic, Quan Sát Viên Thường Trực của Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc ở Geneva đã đưa vấn đề bạo lực đối với phụ nữ trong một cuộc họp của Ủy Ban Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc vào ngày 20 tháng Sáu.
Tòa Thánh đã đưa ra cảnh báo rằng những phương tiện truyền thông và công nghệ kỹ thuật số mới đang bị lợi dụng để gây bạo lực và ngược đãi đối với phụ nữ và trẻ em gái.
Đức Tổng Giám Mục Ivan Jurkovic, Quan Sát Viên Thường Trực của Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc ở Geneva đã phát biểu rằng “Bạo lực chống lại phụ nữ tiếp tục là một mối quan tâm lớn về nhân quyền trong thời đại của chúng ta.”
“Dù đã có những tiến bộ nhất định, bạo lực đối với phụ nữ và các trẻ gái, trong nhiều hình thức khác nhau và hoàn cảnh khác nhau, vẫn tiếp tục là một tai họa nghiêm trọng trong mọi tầng lớp của xã hội.”
Ngài nhấn mạnh rằng bạo lực thường gây ra những vết thương sâu xa và những hậu quả kéo dài gây xáo trộn sâu rộng trong cuộc đời của những cô gái trẻ, bà vợ, bà mẹ và công nhân.
Đức Tổng Giám Mục Jurkovic bày tỏ cảnh báo rằng sự ngược đãi phụ nữ càng tăng thêm do việc lợi dụng các phương tiện hiện đại về truyền thông và những công nghệ kỹ thuật mới này vẫn bất lực trong việc bảo vệ chính đáng nhân phẩm phụ nữ cũng như sự riêng tư và quyền tự do bày tỏ của họ.
Ngài nói rằng đây là thời gian cao điểm thuận lợi để ngăn chặn bạo lực đối với phụ nữ, đặc biệt, qua việc xử dụng hàng ngày các mạng xã hội không được bảo vệ có hiệu quả và các ứng dụng trên mạng khác nhau.
Ngài phàn nàn rằng thay vì đưa ra những dụng cụ quan trọng nhằm xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử cũng như sự bất bình đẳng căn bản và bạo lực đối với phụ nữ, thì kỹ thuật số lại thực sự trở thành một công cụ để gây ra những hình thức mới của bạo lực và lạm dụng đối với phụ nữ.
Quan sát viên của Tòa Thánh lưu ý rằng để đạt được sự tôn trọng đầy đủ phẩm giá của phụ nữ thì không chỉ đơn thuần là lên án bạo lực. Nhưng đòi hỏi nhiều nỗ lực mạnh mẽ và giáo dục để biết tôn trọng người khác, để nâng cao nhận thức, đặc biệt trong những thế hệ mới, về giá trị của một cuộc đối thoại đúng đắn, trong đó hiểu được đúng đắn về con người và về phẩm giá của họ là điều kiện tiên quyết dẫn đến cuộc trao đổi thực sư có hiệu quả giữa con người với nhau.