Hy sinh cho người mình yêu (14.08.2023 – Thứ Hai Tuần XIX Thường Niên)

Chuỗi Kinh cầu nguyện trong cơn Đại dịch Covid-19

Lời Chúa: Đnl 10,12-22 (Năm Lẻ), Mt 17,22-27

✠ Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu (Mt 17,22-27)

22 Khi ấy, Đức Giê-su và các môn đệ tụ họp ở miền Ga-li-lê, Người nói với các ông : “Con Người sắp bị nộp vào tay người đời, 23 họ sẽ giết chết Người, và ngày thứ ba Người sẽ trỗi dậy.” Các môn đệ buồn phiền lắm.

24 Khi thầy trò tới Ca-phác-na-um, thì những người thu thuế cho đền thờ đến hỏi ông Phê-rô : “Thầy các ông không nộp thuế sao ?” 25 Ông đáp : “Có chứ !” Ông về tới nhà, Đức Giê-su hỏi đón ông : “Anh Si-môn, anh nghĩ sao ? Vua chúa trần gian bắt ai đóng sưu nộp thuế ? Con cái mình hay người ngoài ?” 26 Ông Phê-rô đáp : “Thưa, người ngoài.” Đức Giê-su liền bảo : “Vậy thì con cái được miễn. 27 Nhưng để khỏi làm cớ cho họ sa ngã, anh hãy ra biển thả câu ; con cá nào câu được trước hết, thì bắt lấy, mở miệng nó ra : anh sẽ thấy một đồng tiền bốn quan ; anh lấy đồng tiền ấy, nộp thuế cho họ, phần của Thầy và phần của anh.”

 

Hy sinh cho người mình yêu (14.08.2023)

Ngày 14.08: Lễ Nhớ Thánh Mác-xi-mi-li-a-nô Ma-ri-a Kôn-bê, linh mục, tử đạo

“Họ sẽ giết chết Người, và Người sẽ trỗi dậy. Con cái được miễn đóng sưu nộp thuế.”

Tin Mừng hôm này  thuật lại việc Chúa Giêsu tiên báo Ngài sẽ phải chịu đau khổ nhục nhã và bị giết đi… thì các môn đệ buồn, vì trong họ lúc bấy giờ chỉ nghĩ đến một viễn cảnh Thầy mình vinh quang và họ theo Ngài cũng vì điều đó.

Khi Chúa Giêsu tiên báo về cuộc thương khó, các môn đệ không hiểu nổi nhưng lại không dám hỏi, vì các ông sợ phải đối diện với sự thật về đau khổ. Làm sao có thế chấp nhận được một kết cục bi thảm như thế, chẳng lẽ Thầy bị giết là mọi hoài bão của mình tan tành mây khói sao? Điều đó là không thể được.

Ngày nay, khi chọn theo Chúa, không ít các bạn trẻ mang trong mình hoài bão đổi đời, được chia sẻ chức vị, được kính trọng… Nếu được cảnh tỉnh thì họ không dám đối diện với sự thật là phải dấn thân hy sinh và tìm vinh quang cho Chúa chứ không phải cho mình. Chính vì thế mà chúng ta dễ oán trách khi gặp thất bại, dễ nghi ngờ khi gặp thử thách và dễ thoái lui trước những đau thương. Là Kitô hữu, chúng ta vẫn thích một sự dễ dãi hơn là những hy sinh sớm tối. Gặp khó khăn chúng ta không dám đối diện với sự thật mà tìm cách né tránh; gặp đau khổ thì dễ than trách hơn là nhẫn nhục lập công phúc trước mặt Chúa. Chúng ta dễ giữ đạo khi thấy mọi sự diễn ra êm ả, chúng ta dễ đi theo Chúa khi mọi chuyện êm đẹp trong cuộc sống. Nhưng khi gặp thử thách, chúng ta dễ phàn nàn, chúng ta trốn tránh trách nhiệm, chúng ta thoái lui.

Hôm nay Giáo Hội mừng lễ cha thánh Mác-xi-mi-li-a-nô Kôn-bê, ngài đã tự nguyện chết thay cho một người tù, ngài nói với cai ngục: “Tôi muốn thế chỗ ông kia. Ông ấy còn có gia đình, vợ con.” Thánh nhân bị giam chung với các tù nhân khác để cho chết dần chết mòn trong một căn phòng tăm tối đầy hơi ngạt. Thay vì kêu la, ngài lại hát thánh ca tạ ơn Thiên Chúa và Đức Mẹ. Vào ngày áp lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời (14.08.1941) chỉ còn bốn tù nhân sống sót, tên cai ngục đã chấm dứt cuộc đời ngài bằng một mũi thuốc độc chích vào cánh tay; xác cha được thiêu cháy vào ngày lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, Đấng mà ngài hằng tôn sùng và yêu mến.

Hình ảnh thật hiên ngang đi giữa những tù nhân đến phòng hơi ngạt, cha Kôn-bê cho thấy Thiên Chúa vẫn đang hiện diện, dù là trong cái “địa ngục trần gian”, dù là trong những hoàn cảnh bi thảm nhất, tuyệt vọng nhất, trong những tù nhân không còn hình dạng con người và ngay cả giữa những tên cai ngục tàn ác kia. Và ta thấy mỗi bước chân cha đi qua ghi lại dấu tích của một tình yêu hiến mình, cao cả, khơi lên niềm hy vọng cứu thoát đặt nơi Thiên Chúa, làm tươi mát những tâm hồn cằn cỗi trong kiếp sống bị đày đọa, kiếp sống mà cha cũng đang sống.

Và mỗi người chúng ta hãy theo lời khuyên của thánh nhân, đừng bao giờ thất vọng dù khi ta vẫn tiếp tục phạm tội trọng. Thất vọng là tội duy nhất mà Thiên Chúa không thể tha thứ. Hãy cố gắng học sống khiêm nhường và sẵn sàng đón nhận ân sủng mà Thiên Chúa ban cho ta. Hãy duy trì sống trong ân sủng và kiên nhẫn trông cậy vào Thiên Chúa. Ngài sẽ giải thoát chúng ta khỏi giai đoạn khó khăn.

Lạy Chúa, Chúa đã ban cho Giáo Hội một vị thánh tài đức và giàu lòng nhân hậu, luôn làm tất cả cho vinh danh Chúa và mang lại hạnh phúc cho người khác là thánh Mác-xi-mi-li-a-nô Kôn-bê. Nhờ lời thánh nhân cầu bầu, xin Chúa ban cho chúng con biết cam đảm làm chứng cho tình yêu tự hiến của Chúa giữa lòng thế giới hôm nay. Amen.

Joston

Đừng làm cớ vấp ngã (08.08.2022)

Ngày 08.08: Lễ Trọng Thánh Đa-minh, linh mục (Phụng Vụ Dòng)

“Họ sẽ giết chết Người, và Người sẽ trỗi dậy. Con cái được miễn đóng sưu nộp thuế.”

Tin Mừng hôm nay kể việc Chúa Giêsu báo cho các môn đệ biết: Người sẽ bị nộp, bị giết nhưng ngày thứ ba sẽ sống lại. Các ông nghe Chúa nói vậy thì buồn lắm, nhưng không dám nói gì, vì sợ Chúa quở mắng như đã quở ông Phêrô. Các ông buồn và hoang mang bởi vì bao nhiêu kỳ vọng các ông đặt vào Chúa Giêsu dường như tan biến. Khi chọn bước theo Chúa các ông mong rằng Chúa sẽ là người giải phóng đất nước khỏi sự đô hộ của đế quốc, sẽ đưa đất nước đến chỗ an khang thịnh vượng, sẽ là ông vua cai trị đầy uy quyền, và các ông tin như vậy, vì những điều Chúa nói, những việc Chúa làm đã giúp cho các ông tin như thế. Tuy nhiên, sứ vụ của Chúa Giêsu thì hoàn toàn ngược lại. Con đường cứu độ của Người là con đường vâng phục thánh ý Chúa Cha, mà ý Chúa Cha là muốn Chúa Giêsu phải chịu chết để cứu chuộc nhân loại, qua đó vinh quang Thiên Chúa được tỏ hiện. Vì vậy, Người đã vâng lời cho đến cùng để ý Chúa Cha được nên trọn vẹn.

Mặc dù có buồn và hoang mang, nhưng các môn đệ vẫn còn một tia hy vọng, bởi vì đằng sau lời loan báo thật bi đát đó, là lời khẳng định của Chúa Giêsu rằng ngày thứ ba Chúa sẽ sống lại. Chính lời khẳng định này như một sức mạnh để giúp các môn đệ vượt lên nỗi tuyệt vọng đang chiếm ngự cõi lòng của các ông.

Chúng ta hãy tin vào lời Chúa, tin vào quyền năng của Người. Những gian nan thử thách đòi buộc chúng ta phải nỗ lực vượt qua, và khi đã vượt qua thì Chúa đang chờ đợi chúng ta để Người ban cho chúng ta phần thưởng xứng đáng là ơn thiêng của Người. Chúng ta phải xác tín như vậy, vì Chúa là một người cha rất nhân từ, luôn dành những điều tốt đẹp nhất cho con cái mình, cho dù có những điều bị xem là gian truân, khó khăn ở thời điểm hiện tại nhưng lại là cơ hội để tôi luyện con người chúng ta và trở thành mối phúc về sau.

Phần sau bài Tin Mừng đề cập đến vấn đề nộp thuế cho Đền Thờ, Chúa Giêsu đã mạc khải Người chính là Con Thiên Chúa, Người có quyền không nộp thuế cho Đền Thờ – “vậy thì con cái được miễn”. Nhưng việc Chúa Giêsu nộp thuế chứng tỏ người chu toàn lề luật, sống khiêm nhường như những người Do-thái bình thường. Chúa Giêsu muốn nói rằng xét về bản tính Thiên Chúa, Người không phải nộp thuế, nhưng xét về bản tính loài người, Ngài cũng tuân giữ việc nộp thuế cho Đền Thờ như bất cứ ai. Chúa đã để lại cho chúng ta một mẫu gương khiêm tốn và chu toàn lề luật.

Chúng ta hãy cầu xin Chúa ban cho mỗi người chúng ta cái nhìn lạc quan, tích cực đối với những gian nan thử thách, những đau khổ mà mình phải đối mặt trong cuộc sống, để nhờ đó mà tâm hồn chúng ta sẽ có được sự bình an, và cũng có thể biến những hoàn cảnh khó khăn trở thành những cơ hội mang lại niềm hạnh phúc thật, niềm hạnh phúc mà Chúa sẽ dành cho những ai tin vào Người.

Hôm nay cũng là ngày Giáo Hội mừng lễ thánh phụ Đaminh, nhờ lời thánh Ðaminh cầu thay nguyện giúp, cùng với lời mời gọi của Tin Mừng, chúng ta hãy luôn tin tưởng vào Thiên Chúa, luôn hướng lòng lên trời để tìm vinh danh Chúa và mưu ích cho phần rỗi của mình, đồng thời loại bỏ những điều không phù hợp với thánh ý. Cũng xin cho chúng ta luôn biết tôn sùng Ðức Mẹ, siêng năng lần chuỗi Mân Côi cách sốt sắng để cầu nguyện cho hòa bình thế giới và cũng để ân sủng Chúa được thông ban cho chúng ta.

Joston

Cái cớ vấp phạm (09.08.2021)

Một hòn đá to nằm giữa đường thì cản trở rất lớn, nhưng không ai đi đường vấp phạm vào hòn đá. Một ngọn đồi thật to cản trở hai làng không thể đến với nhau, thì người ta tìm lối khác để đi.

Cũng vậy, hòn đá to giữa đường người ta xúm nhau lại để đưa nó ra chỗ khác rồi đi. Một hòn đá nhỏ nhô lên giữa đường, không làm cản trở đường đi, nhưng nó làm cho bao nhiêu người vấp phạm vào nó.

Như mặt đường nhựa, biết bao hòn đá chấp nằm im trong sự sắp xếp để tạo thành một mặt phẳng cho người ta đi lại, chỉ một hòn đá nhỏ nhô lên không chịu sự sắp xếp đã làm cho bao nhiêu người đi đường vấp ngã. Con người cũng vậy, những việc làm thiện hảo phúc đức thì không ai phạm vào để biến đổi nên thánh, nhưng những điều bé mọn lỗi lầm của anh em mình thì luôn vấp phạm để rồi chê bai chỉ trích, rồi xa cách nhau.

Sự vấp phạm của con người luôn đến từ những việc nhỏ nhặt như keo kiệt từng đồng với người nghèo khổ mà hào hoa với những nơi sang chảnh, tranh chấp nhau một vài tấc đất mà rộng rãi những công trình danh tiếng, rộng tay giúp đỡ người xa xôi mà ghét bỏ anh em mình… Đó là những vấp ngã về vật chất. Có những vấp ngã không thuộc về vật chất, đó là những vấp ngã phi vật thể, vấp ngã bởi lời nói, bởi lối sống, bởi quan niệm… đã làm cớ cho người khác vấp ngã.

Tin Mừng hôm nay kể về chuyện Chúa Giêsu nộp thuế, vì đồng bạc không đáng là bao mà nên cớ vấp phạm cho người khác, thì Chúa không làm. Chúa nói với ông Phêro: “Nhưng để chúng ta không làm cho họ vấp phạm, con hãy ra biển thả câu: con cá nào câu lên trước hết thì bắt lấy, mở miệng nó ra, sẽ thấy một đồng tiền, con hãy lấy tiền đó mà nộp cho họ, trả phần Thầy và phần con”. Chúa Giêsu đã tuân giữ cả những điều bé nhỏ để không làm cớ cho ai vấp phạm.

CẦU NGUYỆN

Lạy Chúa Giêsu Kitô, có rất nhiều điều con vấp phạm đến sa ngã, đó là:

– Con coi trọng của ăn trần tục nuôi sống xác thịt mà không biết trọng của ăn thiêng liêng nuôi dưỡng linh hồn con đời đời là Thánh Thể Chúa Giêsu.

– Con coi trọng sức mạnh của thể xác chóng qua mà không cần đến sức mạnh trường tồn của Thiên Chúa.

– Con luôn đi tìm danh lợi của cải trần thế chóng qua mà không lo tìm những sự thuộc về Thiên Chúa chẳng hề hư mất.

– Chúa ơi, đó là những hèn mọn làm con vấp phạm đã xa cách Chúa. Xin Chúa mở mắt cho con nhìn thấy những điều hèn mọn mà không vấp phạm.

– Xin cho con đừng trở nên như hòn đá nhô lên giữa đường, không chấp nhận hoà bình với anh em mà làm cớ cho người khác vấp phạm.

Hư Vô

Theo Đấng tự hạ (12.08.2019)

  “Con Người sắp bị nộp vào tay người đời”. (Mt 17, 22 )

Chúa Giêsu mặc dù là Con một Thiên Chúa, nhưng Ngài đã tự hạ mình cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập giá. Thời nay những ai đi theo đường lối Chúa, cũng ít nhiều phải trải qua những gian nan thử thách cam go, để giữ được ĐỨC TIN CÔNG GIÁO.

Huynh Đoàn Đa Minh của anh có hai vị là tân tòng, hôm rồi nghe một vị tâm sự:

 “Tôi trước đây vô thần, sống thả cửa theo sở thích cá nhân, ăn chơi tứ đổ tường có hết, rồi một hôm tôi phóng xe nhanh trên xa lộ, chẳng may khi rẽ vào khúc quẹo đã va quẹt đụng phải xe máy của nàng đang chạy cùng chiều, cả xe và người ấy bị đổ ngửa bên cạnh đường, bình thường như mọi khi thì tôi lạnh lùng ngang nhiên bỏ chạy luôn, chẳng rõ sao lúc này tôi đột ngột thắng xe dừng lại và đến đỡ người ta đứng lên, tôi thấy hai khủy tay nàng chảy máu trầy trụa, nhưng nàng vẫn im lặng chẳng thốt lời than trách, tôi lấy trong cốp xe mình ra một tấm khăn vải sạch và băng bó khủy tay cho nàng, bỗng nhiên tôi thấy vòng chuỗi hạt kinh nàng đeo ở cổ tay, lúc đó chắc là đau đớn lắm nên nàng bật khóc khi tôi bó vết hở làm chảy máu ở tay.

Tôi định kêu xe chở nàng vào bệnh viện, nhưng nàng từ chối nói là không sao ngồi nghỉ tí xíu sẽ chạy xe về. Sau đó tôi lẽo đẽo chạy xe theo nàng về nhà cho yên tâm vì sợ lỡ có chuyện gì thì tội nghiệp… Và cũng từ ngày đó, tôi bị thuyết phục bởi sự dịu dàng và lòng tốt của nàng, rồi tôi xin nàng cho tôi theo đến nhà thờ học ĐẠO và được vào ĐẠO. Nói thật lòng vô cùng khó khăn đối với một kẻ quen thói ăn chơi vương giả như tôi, bởi khi quen nàng và biết Chúa, thì tôi phải từ bỏ mọi thói xấu tật hư của mình thì mới được nàng nhận lời yêu tôi. Cuối cùng chúng tôi cũng đã nên vợ chồng. Vì nàng là một hội viên Đa Minh nên cũng mời gọi tôi tham gia để biết sống tốt đời đẹp ĐẠO.”

Lạy Chúa, chúng con chọn đi theo Chúa Giêsu, thì đồng nghĩa là chúng con cũng chọn con đường tự hạ, chọn thập giá của Ngài, chúng con phải biết khước từ những điều xấu xa tội lỗi, những thú vui chơi vô bổ ở đời này, để tập sống đạo đức thánh thiện theo Lời Chúa dạy, xin Chúa ban ơn giúp sức cho chúng con thực hiện được các điều ấy, để xứng đáng là con của Chúa. Amen.

BCT

Nương tựa vào Chúa (13.08.2018)

Ghi nhớ:

Khi Đức Giê-su và các môn đệ tụ họp ở miền Ga-li-lê, Đức Giê-su nói với các ông: “Con Người sắp bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, và ngày thứ ba Người sẽ trỗi dậy.” Các môn đệ buồn phiền lắm.

Khi thầy trò tới Ca-phác-na-um, thì những người thu thuế cho đền thờ đến hỏi ông Phê-rô: “Thầy các ông không nộp thuế sao?”  Ông đáp: “Có chứ!” Ông về tới nhà, Đức Giê-su hỏi đón ông: “Anh Si-môn, anh nghĩ sao? Vua chúa trần gian bắt ai đóng sưu nộp thuế? Con cái mình hay người ngoài?”  Ông Phê-rô đáp: “Thưa, người ngoài.” Đức Giê-su liền bảo: “Vậy thì con cái được miễn.  Nhưng để khỏi làm gai mắt họ, anh ra biển thả câu; con cá nào câu được trước hết, thì bắt lấy, mở miệng nó ra: anh sẽ thấy một đồng tiền bốn quan; anh lấy đồng tiền ấy, nộp thuế cho họ, phần của Thầy và phần của anh

Suy niệm:

Bài Tin Mừng hôm nay chia làm hai phần rõ rệt, phần đầu chỉ gồm hai câu vắn gọn, Thánh sử Matthêu nêu ra rất rõ ràng: “Con Người sắp bị nộp vào tay người đời”.
Đây cũng lần thứ hai Chúa Giêsu loan báo với các môn đệ về cuộc tử nạn của Ngài. Sự loan báo Con Người sắp bị nộp vào tay người đời, rồi bị giết, và cả đến tâm trạng đau buồn của các môn đệ. Cuộc sống chúng ta cũng vậy, có những lúc, gặp những sự cố rất đau buồn, thua thiệt, mất mát, buồn phiền, có lúc tưởng chừng buông xuôi, chán nản. Và đó cũng  là lúc Đức tin  tỏ ra,  dạy cho chúng ta nhận thấy sau bao biến cố đau thương, khổ cực, nhục nhã , hay ê chề đó, vẫn còn có Chúa quan phòng, nâng đỡ, vực đỡ khi mọi người biết nương tựa vào Chúa, là sự ẩn náu của con cái là nơi nương bóng  cao cả của người Cha vẫn hằng  chờ đợi ngày  trở về của con cái trong vòng tay yêu thương ấp ủ, để đem hạnh phúc viên mãn cho con cái mình mai sau.
Phần hai, nói đến việc Chúa Giêsu và các môn đệ nộp thuế cho đền thờ Giêrusalem.  Đóng thuế cho đền thờ ngày xưa, được tương đương với hai ngày công thời bấy giờ, kể cả những người sống ngoài Đất Thánh, phải đóng bằng tiền Do Thái để chi phí việc thờ phượng, Người ta bắt đầu thu thuế này quãng 15 ngày trước lễ Vượt Qua.
Thế nên khi Phêrô về tới nhà, Chúa Giêsu hỏi  ông:

– Anh Simon, anh nghĩ sao: vua chúa trần gian bắt ai đóng sưu nộp thuế? Con cái mình hay người ngoài?

Phêrô đáp:

– Thưa, người ngoài

Chúa Giêsu liền bảo:

–  Vậy thì con cái được miễn.

Người muốn ám chỉ quyền của Người trên Đền Thờ Giê-ru-sa-lem. Người chính là con Thiên Chúa, là chủ đền thờ, và không phải đóng thuế. Đồng thời, Chúa Giêsu còn ngụ ý nói với các môn đệ của Người. Phải chăng đây cũng là cách Chúa cho chúng ta hiểu rằng, từ nay đã chấm dứt chế độ phụng thờ cũ của đền thờ Giê-ru-sa-lem, để chuyển qua một nền phụng tự mới. Đó là tập trung vào chính Chúa Giêsu. Tuy nhiên xét về bản tính loài người, Chúa Giêsu đã tuân giữ việc nộp thuế bằng một phép lạ để các môn đệ thấy tỏ tường quyền năng của Người.

Ngày nay, Giáo hội vẫn dành cho mỗi Kitô hữu hoàn toàn tự do, không bắt đóng  bất cứ một khoản thuế nào. Tuy nhiên Giáo hội vẫn khuyến khích cần tới lòng quảng đại với lòng tự nguyện, hy sinh của mọi người, để cùng nhau chia sẻ vào công việc công ích chung cho Giáo hội, nhằm mục đích chính đem lời Chúa lan tỏa đến cho nhiều người chưa nhận biết Thiên Chúa. Thí dụ như: Giáo hội cần đến những người có tấm lòng rộng mở dâng cúng giúp người khó khăn neo đơn, đau ốm, tật nguyền v.v… hay cùng nhau chung tay xây dựng mái ấm tình thương, xây dựng những cây cầu đi lại vùng thôn quê hẻo lánh nhằm đem lại lợi ích cho cá nhân hay tập thể trong xã hội đang cần sự trợ giúp. Hoặc cùng nhau xây dựng Thánh đường để mọi người cùng nhau ca tụng và tôn vinh Thiên Chúa, hay  xây dựng nhà Giáo lý để nâng cao tầm hiểu biết về cách sống đạo của từng Kitô hữu hay đào tạo các em thiếu nhi, giáo lý viên hầu nước Chúa được khai mở đến tận cùng trái đất.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa, bổn phận của chúng con là biết xây dựng Nước Trời nơi trần gian này, bằng cách sống trọn vẹn giới răn mến Chúa, sống yêu thương mọi người, để chu toàn bổn phận người Kitô hữu là biết sống dâng hiến, phó thác qua lòng nhân từ của Thiên Chúa, để sống cho đi nhưng không với tha nhân. Hầu hưởng vinh phúc nới quê Trời. Amen.

Cách đóng thuế cho Đền thờ xưa và nay (14.08.2017) 

1. Ghi nhớ:

Khi Đức Giê-su và các môn đệ tụ họp ở miền Ga-li-lê, Đức Giê-su nói với các ông: “Con Người sắp bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, và ngày thứ ba Người sẽ trỗi dậy.” Các môn đệ buồn phiền lắm.

Khi thầy trò tới Ca-phác-na-um, thì những người thu thuế cho đền thờ đến hỏi ông Phê-rô: “Thầy các ông không nộp thuế sao?”  Ông đáp: “Có chứ!” Ông về tới nhà, Đức Giê-su hỏi đón ông: “Anh Si-môn, anh nghĩ sao? Vua chúa trần gian bắt ai đóng sưu nộp thuế? Con cái mình hay người ngoài?”  Ông Phê-rô đáp: “Thưa, người ngoài.” Đức Giê-su liền bảo: “Vậy thì con cái được miễn.  Nhưng để khỏi làm gai mắt họ, anh ra biển thả câu; con cá nào câu được trước hết, thì bắt lấy, mở miệng nó ra: anh sẽ thấy một đồng tiền bốn quan; anh lấy đồng tiền ấy, nộp thuế cho họ, phần của Thầy và phần của anh

2. Suy niệm:

Bài Tin Mừng hôm nay chia làm hai phần rõ rệt, phần đầu chỉ gồm hai câu vắn gọn, Thánh sử Matthêu nêu ra rất rõ ràng: “Con Người sắp bị nộp vào tay người đời”.
Phần hai, nói đến việc Chúa Giêsu và các môn đệ nộp thuế cho đền thờ Giêrusalem.  Đóng thuế cho đền thờ ngày xưa, được tương đương với hai ngày công thời bấy giờ, kể cả những người sống ngoài Đất Thánh, phải đóng bằng tiền Do Thái để chi phí việc thờ phượng, Người ta bắt đầu thu thuế này quãng 15 ngày trước lễ Vượt Qua.
Thế nên khi Phêrô về tới nhà, Chúa Giêsu hỏi  ông:

– Anh Simon, anh nghĩ sao: vua chúa trần gian bắt ai đóng sưu nộp thuế? Con cái mình hay người ngoài?

Phêrô đáp:

– Thưa, người ngoài

Chúa Giêsu liền bảo:

– Vậy thì con cái được miễn

Người muốn ám chỉ quyền của Người trên Đền Thờ Giê-ru-sa-lem. Người chính là con Thiên Chúa, là chủ đền thờ, và không phải đóng thuế. Đồng thời, Chúa Giêsu còn ngụ ý nói với các môn đệ của Người. Phải chăng đây cũng là cách Chúa cho chúng ta hiểu rằng, từ nay đã chấm dứt chế độ phụng thờ cũ của đền thờ Giê-ru-sa-lem, để chuyển qua một nền phụng tự mới. Đó là tập trung vào chính Chúa Giêsu. Tuy nhiên xét về bản tính loài người, Chúa Giêsu đã tuân giữ việc nộp thuế bằng một phép lạ để các môn đệ thấy tỏ tường quyền năng của Người.

Ngày nay, Giáo hội vẫn dành cho mỗi Kitô hữu hoàn toàn tự do, không bắt đóng  bất cứ một khoản thuế nào. Tuy nhiên Giáo hội vẫn khuyến khích cần tới lòng quảng đại với lòng tự nguyện, hy sinh của mọi người, để cùng nhau chia sẻ vào công việc công ích chung cho Giáo hội, nhằm mục đích chính đem lời Chúa lan tỏa đến cho nhiều người chưa nhận biết Thiên Chúa. Thí dụ như: Giáo hội cần đến những người có tấm lòng rộng mở dâng cúng giúp người khó khăn neo đơn, đau ốm, tật nguyền v.v… hay cùng nhau chung tay xây dựng mái ấm tình thương, xây dựng những cây cầu đi lại vùng thôn quê hẻo lánh nhằm đem lại lợi ích cho cá nhân hay tập thể trong xã hội đang cần sự trợ giúp. Hoặc cùng nhau xây dựng Thánh đường để mọi người cùng nhau ca tụng và tôn vinh Thiên Chúa, hay  xây dựng nhà Giáo lý để nâng cao tầm hiểu biết về cách sống đạo của từng Kitô hữu , hay đào tạo các em thiếu nhi, giáo lý viên hầu nước Chúa được khai mở đến tận cùng trái đất.

3. Cầu nguyện:

Lạy Chúa, bổn phận của chúng con là biết xây dựng Nước Trời nơi trần gian này, bằng cách sống trọn vẹn giới răn mến Chúa, sống yêu thương mọi người, để chu toàn bổn phận người Kitô hữu là biết sống dâng hiến, phó thác qua lòng nhân từ của Thiên Chúa, để sống cho đi nhưng không với tha nhân. Hầu hưởng vinh phúc nới quê Trời. Amen

Đức Giê-su là con Thiên Chúa

Về tới nhà, Đức Giê-su hỏi đón ông: “Si-mon, anh nghĩ sao? Vua chúa trần gian bắt ai đóng sưu nộp thuế? Con cái mình hay người ngoài?” Ông Phê-rô đáp: “Thưa, người ngoài.” Đức Giê-su liền bảo: “Vậy thì con cái được miễn.” (Mt 17,25-26)

Suy niệm: Là nhà truyền giáo, Chúa Giê-su tận dụng mọi cơ hội để loan báo Tin Mừng, loan báo chính Ngài, hầu người nghe được ơn cứu độ. Hôm nay cũng thế, Ngài cho Phê-rô biết Ngài là ai. Qua nghĩa vụ nộp thuế đền thờ, thứ thuế đòi buộc mọi người Do Thái trưởng thành phải thi hành, Chúa Giê-su xác nhận với Phê-rô rằng Ngài đích thực là Con Thiên Chúa như lời ông tuyên xưng: Đền Thờ là nhà của Thiên Chúa, mà Ngài là Con, không buộc phải đóng thứ thuế chỉ đòi buộc đối với thần dân.  Hơn thế, Ngài còn tỏ cho Phê-rô biết Ngài là chủ tể có quyền trên vũ trụ khi bảo Phê-rô đi câu cá, con cá có đồng bạc trong miệng, để đi nộp thuế. Phê-rô nhờ thế đã nhận biết Chúa Giê-su hơn, biết Tin Mừng Chúa Giê-su loan báo.

Mời Bạn: Thiên Chúa không muốn chúng ta đóng bất cứ thứ thuế nào cho Ngài; trái lại, Ngài muốn chúng ta có một kho tàng trên trời. Kho tàng đó là: “Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi làm cho chính Ta vậy.”

Sống Lời Chúa: Mỗi ngày làm một việc bác ái cho người anh em đang sống gần gũi với bạn.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin dạy con biết tận dụng mọi cơ hội để nói về Chúa cho anh chị em con, nói như một người con nói về cha yêu thương của mình, nói như chưa từng được nói, nói như người vừa tìm gặp được kho báu lớn lao trong đời.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *