Video: Căng thẳng giữa các Giáo Hội Kitô và Israel

https://youtu.be/7t42ggq9Jo0

1. Chuyện chưa từng có: Đóng cửa Đền Thờ Thánh Mộ để phản đối chính quyền Do Thái

Các cánh cửa của Đền Thờ Thánh Mộ tại Giêrusalem đã bị khóa lại kể từ hôm Chúa Nhật để phản đối “một chiến dịch sách nhiễu có hệ thống chống lại các Giáo hội và các cộng đồng Kitô tại Thánh Địa, và vi phạm thô bạo thoả ước Nguyên Trạng”

Hôm Chúa Nhật 25/2, thông báo của các nhà lãnh đạo của ba Giáo Hội chịu trách nhiệm coi sóc Đền Thờ Thánh Mộ, đã được dán phía trước lối vào Đền Thờ, nay đã bị niêm phong.

Ba vị lãnh đạo Kitô giáo, gồm có Đức Thượng Phụ Nourhan Manougian của Giáo Hội Armenia Tông Truyền, Đức Thượng Phụ Teofilo III của Chính thống Hy Lạp, và cha Francesco Patton là Bề Trên Dòng Phanxicô Quản Thủ Thánh Địa – đã cáo buộc Israel đã đẩy cuộc tấn công sách nhiễu của mình lên đến “một mức chưa từng có”.

Một trong những lý do của cuộc phản kháng này là việc áp đặt thuế địa phương của thành phố Giêrusalem gọi là thuế “Arnona”. Theo các thoả thuận giữa cộng đồng Kitô hữu và các cơ quan dân sự Israel, các Giáo hội được miễn nộp thuế. Vào ngày 14 tháng 2, các nhà lãnh đạo Kitô giáo đã phản ứng lại yêu cầu của thị trưởng thành phố buộc các cơ sở của các Giáo Hội phải đóng thuế địa phương. Các ngài nhắc lại rằng các Giáo hội đã phải đầu tư “hàng tỷ” Mỹ Kim vào việc “xây dựng trường học, bệnh viện và nhà cửa, nhiều cơ sở trong số này dành cho người cao tuổi và những người gặp khó khăn”.

Hôm Chúa Nhật, ba nhà lãnh đạo tố cáo “hàng loạt các thông báo gây ngỡ ngàng của chính quyền Do Thái và các lệnh tịch thu tài sản, các tài nguyên và tài khoản ngân hàng của các Giáo hội, để trừ vào các khoản thuế cũng như các thứ tiền phạt vì không chịu đóng thuế cho thành phố” do chính quyền thành phố Giêrusalem đưa ra trong những ngày gần đây. Các vụ tịch thu này, theo các vị đứng đầu các Giáo hội, là “những cố gắng nhằm làm suy yếu sự hiện diện của Kitô giáo ở Giêrusalem”, mà chung cuộc “nạn nhân lớn nhất là những gia đình nghèo sẽ không có lương thực và nhà ở, trong khi các trẻ em không được cắp sách tới trường”.

Các ngài cũng tố cáo một dự luật đang được đề xuất cho phép việc quốc hữu hóa các vùng đất của các Giáo hội, mà các ngài gọi là một hành vi “phân biệt đối xử và phân biệt chủng tộc”. Cuộc thảo luận của chính quyền Do Thái đã được lên kế hoạch hôm Chúa Nhật, nhưng đến sáng thứ Hai đã được hoãn lại.

Theo ba nhà lãnh đạo, đạo luật “ghê tởm” này “sẽ làm cho việc chiếm hữu đất đai của các Giáo hội là khả thi”. Các nhà lãnh đạo các Giáo hội nhắc lại: “Chúng tôi thống nhất, vững vàng và kiên quyết để bảo vệ quyền lợi và tài sản của chúng tôi” .

2. Đức Thánh Cha gặp gỡ gia đình nữ tử tù Pakistan

Hôm thứ Bẩy 24 tháng Hai, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gặp gỡ chồng và con gái của Asia Bibi, một phụ nữ Công Giáo Pakistan đã bị giam giữ trong chín năm qua vì cáo buộc nói phạm thượng đến tiên tri Mumhamad của Hồi Giáo.

Bà Asia Bibi, 45 tuổi, mẹ của hai người con, đang bị giam từ chín năm qua và là phụ nữ đầu tiên tại Pakistan bị toà kết án tử hình về tội gọi là “phạm thượng chống Hồi giáo”. Thật ra, bà chỉ trả lời cho vài đồng nghiệp cho rằng bà là người vô đạo, bất tín và yêu cầu bà bỏ Kitô giáo. Vì câu trả lời đó bà Bibi đã bị các phụ nữ Hồi đánh đập và tố cáo với cảnh sát ở làng Ittanwali thuộc bang Punjab. Thế là bà Bibi bị bắt với lời cáo gian là phạm thượng chống Hồi giáo, và bị kết án tử hình.

Cuộc gặp gỡ diễn ra trùng vào ngày hí trường Colosseum được chiếu trong ánh sáng màu đỏ vào lúc 6 giờ chiều để bày tỏ sự phản kháng làn sóng bách hại các tín hữu Kitô vẫn đang tiếp diễn trên thế giới.

Cùng một lúc, nhà thờ Thánh Elias ở Aleppo (Syria) của Giáo Hội Công Giáo Maronite và nhà thờ Thánh Phaolô ở Mosul ở Iraq cũng được chiếu bằng ánh sáng màu đỏ, biểu tượng cho máu Kitô hữu.

Rebecca Bitrus, một phụ nữ Công Giáo người Nigeria, cũng có mặt trong cuộc gặp gỡ với Đức Thánh Cha Phanxicô. Cô đã bỏ trốn được khỏi bọn khủng bố Boko Aram sau hai năm bị giam cầm.

3. Người Công Giáo ở Việt Nam sớm có một bản dịch Kinh Thánh mới

“Một bản dịch Kinh Thánh mới được xây dựng trên một quy trình phiên dịch trung thực và nghiêm ngặt để diễn đạt Lời Chúa một cách rõ ràng, không chút mơ hồ, theo ngôn ngữ Việt đương đại sắp hoàn tất”, Cha Pascal Nguyễn Ngọc Tỉnh, linh mục dòng Phanxicô nói với thông tấn xã Asia-News.

Vị linh mục dòng Phanxicô này là lãnh đạo của nhóm các chuyên gia Việt Nam về Kinh Thánh, thần học, phụng vụ, mục vụ, thánh nhạc, văn học và thơ ca. Mặc dù có rất nhiều khó khăn ở một quốc gia bị chiến tranh tàn phá, nhưng nhóm này, hoạt động tự nguyện từ năm 1971, đã hoàn thành bản dịch Kinh Thánh đầu tiên của nhóm năm 1998.

Vào thời điểm đó, đã có 5 bản dịch Kinh Thánh Công Giáo khác nhau được lưu hành tại Việt Nam. Bản dịch đầu tiên, xuất bản năm 1916, là tác phẩm của Cố Chính Linh của Hội Truyền giáo Hải Ngoại Paris. Sau đó lần lượt ra đời các bản dịch của Cha Gérard Gagnon, Cha Trần Đức Huân, Cha Nguyễn Thế Thuấn; và Đức Hồng Y Trịnh Văn Căn.

Tuy nhiên, bản dịch Thánh Kinh của nhóm có thể là bản được chào đón nhiệt tình nhất. Đây là bản dịch đầu tiên được hình thành không phải bởi một học giả duy nhất nhưng bởi một nhóm gồm 17 linh mục và nữ tu. Đồng thời, mục đích của nhóm là trình bày Lời Chúa bằng ngôn ngữ hiện đại, rõ ràng, trực tiếp, phong phú về văn học và văn hoá Việt Nam, và nhất là thật đơn giản, bản dịch rất lý tưởng cho cả nghiên cứu cá nhân lẫn việc đọc nơi công chúng. Trong một thời gian ngắn hơn 3 triệu bản Kinh Thánh đã được bán hết.

Bất kể những trở ngại và khó khăn khác do nhà cầm quyền cộng sản gây ra, nhóm cũng đã hoàn thành các bản dịch tiếng Việt khác bao gồm Phụng Vụ Các Giờ Kinh, và Sách Lễ Rôma. 370.000 bản Phụng vụ Các Giờ Kinh, và 66.000 bản Sách Lễ Rôma đã được phân phối ở Việt Nam và trong các cộng đồng người Việt hải ngoại.

Sản phẩm của nhóm cũng có sẵn trực tuyến tại http://www.ktcgkpv.org/

Ngay sau khi hoàn thành phiên bản đầu tiên, vào năm 1999, nhóm háo hức bắt đầu làm việc với một phiên bản khác dựa trên nguyên lý dịch thuật tương đương gần với tự nhiên nhất để phản ánh thêm những đặc điểm văn hoá của tiếng Hebrew và tiếng Hy Lạp.

“Phiên bản mới dịch sát với đầy đủ các lời bình luận tiếng Việt để đáp ứng nhu cầu nghiên cứu Kinh Thánh”, Cha Pascal Nguyễn Ngọc Tỉnh nói.

“Công việc đang được tiến hành tốt, và với lời cầu nguyện của anh chị em, nó sẽ được hoàn thành chậm nhất là năm 2021, khi chúng tôi tổ chức kỷ niệm sinh nhật thứ 50 của nhóm. Xin cầu nguyện cho chúng tôi”, ngài nói thêm.

4. Đức Thánh Cha bổ nhiệm một nữ tu làm Phụ Tá Tổng Thư Ký Bộ Tu Sĩ

Đức Thánh Cha đã bổ nhiệm một nữ tu người Tây Ban Nha, là một nhà truyền giáo ở Hàn Quốc vào một chức vụ quan trọng trong giáo triều Rôma .

Hôm thứ Sáu, 23/2, Tòa Thánh đã công bố việc bổ nhiệm nữ tu Carmen Ros Nortes, một thành viên của dòng Đức Mẹ An Ủi, làm tân Phụ Tá Tổng Thư Ký Bộ Đời Sống Tận Hiến và Các Hiệp Hội Đời Sống Tông Đồ thường được gọi tắt là Bộ Tu Sĩ.

Sơ Carmen Ros Nortes chào đời tại một vùng ở Tây Nam Tây Ban Nha vào ngày 20 tháng 12 năm 1953. Sơ đạt được nhiều bằng cấp về thần học, sư phạm giáo lý và nhân văn, và đã nhận bằng tiến sĩ thần học chuyên về Thánh Mẫu Học tại Rôma năm 1985.

Sơ Carmen khấn trọn vào năm 1986 và phục vụ nhà dòng dưới nhiều công việc khác nhau, bao gồm việc đi truyền giáo ở Hàn Quốc.

Năm 1992, sơ được tuyển làm một viên chức của Bộ Đời Sống Tận Hiến và Các Hiệp Hội Đời Sống Tông Đồ. Sơ cũng từng giảng dạy tại “Studium”, là một trường thần học và luật học của Bộ.

Đây không phải lần đầu tiên Bộ Đời Sống Tận Hiến và Các Hiệp Hội Đời Sống Tông Đồ có một phụ nữ làm Phụ Tá Tổng Thư Ký. Năm 2004, Đức Gioan Phaolô II đã bổ nhiệm một nữ tu làm Phụ Tá Tổng Thư Ký của Bộ này.

Theo số liệu thống kê do Tòa Thánh công bố vào tháng 4 năm 2017, Giáo Hội Công Giáo có hơn 670,000 phụ nữ sống đời tận hiến và 188,000 linh mục và tu sĩ dòng.

5. Đức Hồng Y Angelo Amato nói: “Thánh thiện không có tuổi”

Theo Đức Hồng Y Angelo Amato, bộ trưởng Bộ Phong Thánh thì sự thánh thiện không có tuổi. Năm 2017, khi Đức Phanxicô phong thánh cho Giacinta và Phanxicô Marto là Giáo hội làm tiếp nối một truyền thống đã có từ xưa. Các em bé mục đồng đã thấy Đức Mẹ hiện ra ở Fatima và các em đã qua đời khi các em mới 9 và 10 tuổi.

Đức Hồng Y Amato viết lời nói đầu cho một quyển sách nói về các chân phước và các thánh trẻ phát hành vào ngày 25 tháng 2 năm 2018. Trong dịp này, Đức Hồng Y trả lời phỏng vấn nhật báo của các giám mục Ý, tờ Avvenire, ngài giải thích: “Sự thánh thiện không dành riêng cho một giai đoạn đặc biệt nào trong cuộc đời”. Tử đạo cũng như sự thánh thiện không có tuổi. Vì thế Giáo hội luôn tôn kính việc tử đạo của các thánh Anh Hài hay của Thánh Anê, tử đạo vào đầu thế kỷ thứ 4 lúc mới 12 tuổi.

Đức Hồng Y nói tiếp: “Tuy nhiên sự thánh thiện khi còn trẻ không chỉ dành riêng cho các vị tử đạo vì các Thánh Giacinta và Phanxicô Marto là hai thánh trẻ đã thấy Đức Mẹ hiện ra ở Fatima, hai em qua đời lúc mới 9 và 10 tuổi, “hai em đã đích thực làm chứng cho các đức hạnh của đức tin, hy vọng và đức ái”. Được Đức Phanxicô phong thánh năm 2017, đây là các thánh trẻ nhất không phải là thánh tử đạo.

Các án phong thánh này cho thấy tuổi không phải là trở ngại cho sự trọn hảo và thánh thiện. Theo Đức Hồng Y bộ trưởng Bộ Phong thánh, đây là tin vui cho tất cả mọi người, nhất là cho giới trẻ nhân dịp thượng hội đồng về giới trẻ và nhận định ơn gọi sẽ được tổ chức vào tháng 10 sắp tới. Vì theo Đức Hồng Y, không có chứng từ này, đạo Công Giáo sẽ bị coi chỉ là một ý thức hệ tầm thường và cằn cỗi của con người.

6. Đức Thánh Cha khuyến khích các nghệ sĩ quốc tế

Đức Thánh Cha khuyến khích các nghệ sĩ tận dụng tài năng Chúa ban để phục vụ vẻ đẹp của phẩm chất cuộc sống con người, sự hoà hợp của họ với môi trường, gặp gỡ và tương trợ nhau.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 24-2-2018, dành cho 40 tham dự viên Hội nghị của tổ chức “Phục vụ thẩm mỹ”, Diaconia della bellezza, một tổo chức được thành lập cách đây 6 năm (2012) để bắc một nhịp cầu giữa các nghệ sĩ và Thiên Chúa, giúp họ trở thành những chứng nhân về vẻ đẹp của Chúa. Thành phần của tổ chức này gồm các nhạc sĩ, thi sĩ, ca sĩ, họa sĩ, kiến trúc sư hoặc điện ảnh gia, nhà điêu khắc, tài tử và vũ viên.. Tổ chức này xoay quanh 5 cột trụ chính là cầu nguyện, làm chứng tá, huấn luyện, liên đới, kiến tạo nhà nghệ sĩ và các biến cố.

Ngỏ lời trong buổi tiếp kiến Đức Thánh Cha đề cao tầm quan trọng của nghệ thuật và ngài nói: “Những hồng ân mà anh chị em đã nhận cũng là một trách nhiệm và là một sứ vụ đối với mỗi người trong anh chị em. Thực vậy, anh chị em được yêu cầu làm việc mà không để cho mình vị thống trị vì sự tìm kiếm hư danh hoặc nổi tiếng dễ dàng, và càng không phải vì tính toán nhỏ nhen cho tư lợi… Qua những năng khiếu và kín múc nơi các nguồn mạch của linh đạo Kitô, anh chị em được kêu gọi đề nghị một cách thức khác để hiểu phẩm chất cuộc sống và khích lệ một lối sống theo tinh thần ngôn sứ, chiêm niệm, có khả năng vui mừng sâu đậm mà không bị ám ảnh vì sự tiêu thụ. Anh chị em được kêu gọi phục vụ công trình sáng tạo và bảo vệ những ốc đảo thẩm mỹ trong cách thành thị của chúng ta, quá nhiều khi bị xi-măng hóa và vô hồn”.

Trong những ngày này, các nghệ sĩ quốc tế, dưới sự hướng dẫn của Đức cha Robert Le Gall người Pháp, đã tham dự hội nghị ở Roma từ ngày 18 đến 25-2-2018. Thánh lễ khai mạc ngày 18-2, lễ kính chân phước họa sĩ Fra Angelico dòng Đa Minh, do Đức TGM Rino Fisichella, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh tái truyền giảng Tin Mừng chủ sự, tại Vương cung thánh đường Đức Mẹ trên đồi Minerva, bổn mạng của các nghệ sĩ. Tại nhà thờ này có mộ của chân phước Angelico.

7. Công Giáo Nam hàn tranh đấu chống hợp pháp hóa phá thai tại nước này.

Giáo Hội Công Giáo Nam hàn đã thu thập hơn một triệu chữ ký trong thư kiến nghị giữ luật cấm phá thai tại nước này.

Khi Nam hàn tiếp tục hiện đại hóa và số các bà mẹ đơn thân đang gia tăng, nhiều lời kêu gọi hợp pháp phá thai, điều mà Giáo hội phản đối, cũng gia tăng từ các thành phần của xã hội.

Cha Remigius Lee Dong-ik, thư ký Ủy ban Sinh học của Hội đồng Giám mục Hàn quốc nói: “Chiến dich thu thập chữ ký được tổ chức cách tình nguyện và nó như một cơ hội để truyền bá giáo huấn của Giáo hội.”

Ủy ban Sinh học của Hội đồng Giám mục Hàn quốc đã tổ chức một Thánh lễ ở nhà thờ chính tòa Myeongdong ở thủ đô Seoul ngày 12 tháng 02 năm 2018 và đã trình bày thư kiến nghị có 1 triệu 5 ngàn chữ ký. Chiến dich được bắt đầu ngày 03 tháng 12 năm 2018.

Ðức Hồng Y Yeom Soo-jung, chủ sự Thánh lễ, đã nói: “Chiến dịch này cho thấy Giáo hội thất vọng thế nào để hoàn thành sứ mạng của mình trong việc bảo vệ mọi hình thức của sự sống.” Ðức Hồng Y nói thêm: “Ngay cả một bào thai cũng là một phản chiếu của Thiên Chúa, một công dân trong xã hội chúng ta và một sự sống cần được tôn trọng.”

Ủy ban Sinh học của Hội đồng Giám mục Hàn quốc sẽ thực hiện giai đoạn hai của chiến dịch cho đến ngày 18 tháng 03 năm 2018 để nâng cao nhận thức khắp xã hội Nam hàn về sự nguy hiểm trong việc đồng ý với “nền văn hóa sự chết”. Ðức Tổng Giám mục Hyginus Kim Hee-joong của Kwangju, hiện là chủ tịch của Ủy ban Sinh học của Hội đồng Giám mục Hàn quốc nói: “Tôi hy vọng chiến dịch được sử dụng như một công cụ để truyền bá ý tưởng là chúng ta phải tôn trọng sự sống.”

8. Cơn khát của Chúa Giêsu trên đồi Canvê là khát khao mong cho tất cả chúng ta đều được cứu độ.

Cơn khát của Chúa Giêsu trên đồi Canvê là khát khao mong cho tất cả chúng ta đều được cứu độ. Cha Josè Tolentino de Mendonca đã nói như trên trong một bài tĩnh tâm dành cho

Ðức Thánh Cha Phanxicô và giáo triều Rôma.

Cha Josè Tolentino nhấn mạnh rằng cơn khát của Chúa Giêsu, là cơn khát thể lý của Người trong giờ thương khó trên đồi Canvê. Đó là “thử thách của sự nhập thể” và là “dấu hiệu của cái chết thật sự của Người”. Bên cạnh đó còn có cơn khát thiêng liêng là “chìa khóa quan trọng” để hiểu được ý nghĩa sâu xa của sự sống và cái chết của Ngôi Hai Thiên Chúa.

Cha giảng thuyết giải thích như sau: ngoài trình thuật về cuộc thương khó trên đồi Canvê, thánh sử Gioan còn có 3 lần khác dùng đến động từ “khát”. Khi Chúa Giêsu gặp người phụ nữ xứ Samaria, Người nói với bà: ‘Ai uống nước này sẽ không khát nữa; nhưng ai uống nước ta sẽ ban, không bao giờ khát nữa.’ Rồi trong diễn từ bánh sự sống, Chúa Giêsu xác nhận: ‘Ai đến với Ta sẽ không đói và ai tin vào Ta sẽ không bao giờ khát.’ Cuối cùng, trong ngày lễ Lều, Chúa Giêsu công bố: ‘Nếu ai khát, hãy đến với Ta và ai tin vào Ta, hãy uống.’

“Trong cuộc gặp gỡ với người phụ nữ xứ Samaria, có một sự thay đổi vai trò mà chúng ta không được bỏ qua”: Chúa Giêsu xin nước uống nhưng chính Người là Đấng sẽ ban nước trường sinh.

Cho nên, người phụ nữ xứ Samaria không hiểu ngay lập tức những lời của Chúa Giêsu. Bà ta giải thích chúng như là nói đến cơn khát thể lý. Nhưng ngay từ đầu Chúa Giêsu đã dùng nó với ý nghĩa thiêng liêng. Mong ước của Người luôn ám chỉ đến một cơn khát khác, như Người đã giải thích cho người phụ nữ: ‘Nếu bà biết ân sủng của Thiên Chúa và người nói với bà ‘xin cho tôi nước uống’ là ai, bà sẽ xin người ấy và người ấy sẽ cho bà nước sự sống.

Cũng thế trên đồi Canvê, Chúa Giêsu bày tỏ ngay lập tức Người muốn uống, nhưng họ không hiểu và thay vì nước, người ta đưa giấm cho Ngài, và Người đã nhận và nói ‘Mọi sự đã hoàn tất!’, Người cúi đầu và trao phó linh hồn. “Như thế, cơn khát là dấu ấn của sự hoàn thành sứ vụ của Người và đồng thời là mong ước cháy bỏng trao tặng Chúa Thánh Thần, nước sự sống thật sự có khả năng làm nguôi cơn khát tận căn trong trái tim con người.”

Cũng chính trong ngày lễ Lều, Chúa Giêsu nói rõ rằng khát là “tin vào Chúa Giêsu” và uống là “đến với Chúa Kitô.”

Thật sự, cơn khát mà Chúa Giêsu nói đến là cơn khát hiện hữu mà Người làm dịu đi bằng cách quy hướng cuộc sống của chúng ta về Người. Khát là khát Chúa. Như thế chúng ta được mời gọi sống với trọng tâm là Chúa Kitô: đi ra khỏi chính mình và tìm kiếm nơi Chúa Kitô thứ nước dập tắt cơn khát của chúng ta, thắng vượt chước cám dỗ của sự tự quy chiếu là điều làm cho chúng ta trở nên đau ốm và độc tài.

Cơn khát của Chúa Giêsu cho phép “hiểu cơn khát có trong trái tim con người và chuẩn bị chúng ta cho phục vụ cơn khát” bằng cách đáp lại “cơn khát Thiên Chúa, sự thiếu vắng ý nghĩa và chân lý, mong ước được cứu độ tồn tại trong mỗi con người, ngay cả khi nó là một ước mong bị che dấu hay chôn vùi dưới các mảnh vụn hiện sinh.”

Như Mẹ Têrêsa Calcutta dạy, những lời của Chúa Giêsu: ‘Ta khát’ nổi bật trong tất cả các nhà nguyện của các tu sĩ dòng Thừa sai Bác ái, “họ không quan tâm đến quá khứ mà thôi nhưng họ đang sống phút hiện tại.” Nên chúng ta phải luôn luôn khám phá lại Chúa Thánh Thần, bởi vì đôi khi chúng ta là một Giáo hội mà trong đó thiếu sự sinh động, sức trẻ, sự hân hoan của Chúa Thánh Thần, Ðấng “làm cho chúng ta thành một Giáo hội đi ra khỏi chính mình. Ðây là ý nghĩa của cơn khát của Chúa Giêsu:

Khát khao của Người là bẻ gãy những xiềng xích đóng kín chúng ta trong tội lỗi và ích kỷ, ngăn cản chúng ta tiến lên và phát triển nội tâm trong tự do. Khát khao của Người là giải phóng những năng lượng sâu thẳm nhất ẩn chứa trong chúng ta để chúng ta có thể trở thành những người nam nữ có lòng thương xót từ bi, những người thợ kiến tạo hòa bình như Người, không chạy trốn những đau khổ và xung đột trong thế giới bị đập vỡ của chúng ta, nhưng nhận lấy trách nhiệm của mình và tạo ra những cộng đồng và nơi chốn của tình yêu, để mang lại hy vọng cho trái đất này.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *