1. Thiên đàng không phải là nơi buồn chán
Trong Thánh Lễ sáng Thứ Sáu 27 tháng Tư năm 2018 tại nhà nguyện Santa Marta, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói rằng Thiên Đàng là chốn vui vẻ hạnh phúc muôn đời vì cuộc hội ngộ với Chúa Giêsu, chứ không phải là nơi buồn chán như một số người lầm tưởng.
Ngài đã trình bày các suy tư về cuộc lữ hành trần thế của người Kitô hữu hướng về thiên đàng, nơi chúng ta sẽ được chào đón với niềm vui được gặp gỡ Chúa Giêsu.
Đức Thánh Cha đã lấy ý từ Bài Đọc Một trích từ sách Tông Đồ Công Vụ kể về diễn từ của Thánh Phaolô tại một hội đường ở Antiôkia trong miền Pisidia
Thánh Phaolô nói với người Do Thái rằng dân thành Giêrusalem và các nhà lãnh đạo tôn giáo của họ đã không nhận biết Chúa Giêsu, đã kết án tử cho Người. Nhưng Chúa đã sống lại từ trong kẻ chết.
Mở đầu bài giảng, Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng Thánh Phaolô đã gọi sự phục sinh của Chúa Giêsu là sự hoàn thành Lời hứa của Thiên Chúa. Ngài nói rằng dân Chúa bước đi với lời hứa này trong lòng, xác tín rằng họ là dân đã “được chọn.” Ngay cả khi họ không trung thành, thì “họ vẫn tin vào lời Chúa hứa bởi vì họ biết Chúa là Đấng trung tín.”
Đức Thánh Cha nói:
“Cũng thế, chúng ta đang bước trên hành trình ấy. Khi được hỏi là chúng ta đang đi về đâu, chúng ta nói ‘hướng về thiên đàng!’ Có người hỏi vậy thiên đàng là gì? Khi đó chúng ta bắt đầu lúng túng về câu trả lời của mình. Chúng ta không biết cách nào là tốt nhất để giải thích về thiên đàng. Chúng ta thường hình dung ra một thiên đàng trừu tượng và xa xôi nào đó…Vì thế có người nghĩ là “sẽ buồn chán lắm nếu mà ở đó muôn đời? Không, đó không phải là thiên đàng. Chúng ta đang bước đi trên con đường hướng đến một cuộc gặp gỡ: Đó là cuộc hội ngộ cuối cùng với Chúa Giêsu. Thiên đàng là cuộc gặp gỡ Chúa Giêsu.”
Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng chúng ta phải thường xuyên nhớ lại ý tưởng này: “Tôi đang trên hành trình cuộc đời để gặp Chúa Giêsu.” Cuộc tao ngộ này sẽ làm cho chúng ta được hạnh phúc muôn đời.
Đức Thánh Cha đặt câu hỏi: “Vậy thì Chúa Giêsu làm gì lúc này đây?” Phúc Âm Thánh Gioan chỉ ra rằng Chúa Giêsu đang chuẩn bị chỗ cho chúng ta, đang cầu nguyện cho chúng ta.
Đức Thánh Cha nhắc lại lời Chúa Giêsu trong Bữa Tiệc Ly khi Chúa hứa với thánh Phêrô là Ngài sẽ cầu nguyện cho thánh nhân.
“Mỗi người chúng ta phải tự nhắc nhở mình rằng ‘Chúa Giêsu đang cầu nguyện cho tôi, đang chuẩn bị cho tôi một chỗ.’ Chúa là Đấng trung tín và Ngài đang thực hiện lời Ngài đã hứa. Thiên đàng sẽ là cuộc gặp gỡ với Chúa, là được thấy mặt Thiên Chúa, Đấng đã đi trước để dọn chỗ cho mỗi người chúng ta. Điều này tăng thêm đức tin của chúng ta.”
Đức Thánh Cha đã kết thúc bài chia sẻ với lời xác quyết rằng Chúa Giêsu là linh mục cầu thay nguyện giúp cho chúng ta mãi cho đến ngày tận thế.
“Xin Chúa ban cho chúng con ý thức là chúng con đang bước trên một cuộc hành trình với lời hứa này. Xin ban cho chúng con ân sủng để biết hướng về thiên đàng và nghĩ rằng ‘Chúa đang cầu nguyện cho tôi.’”
2. Không có tình yêu Giáo Hội không thể tiến bước hay tăng trưởng
Trong bài giảng Thánh Lễ sáng Thứ Năm ngày 26 tháng Tư tại nhà nguyện Santa Marta, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắc đến Bữa Tiệc Ly khi Chúa Giêsu dạy về tình yêu trong Bí Tích Thánh Thể và trong việc phục vụ khi Ngài rửa chân cho các môn đệ.
Đức Thánh Cha cũng nói rằng không tôi tớ nào lớn hơn người chủ qua mẫu gương về sự phục vụ và tình yêu trong bữa Tiệc Ly.
Trình bày các suy tư liên quan đến đoạn Tin Mừng trong ngày (Ga 13:16-20), Đức Thánh Cha nói những lời của Chúa Giêsu trong bữa Tiệc Ly đưa ra ba chân lý căn bản cho Giáo Hội. Đó là: Chúa Giêsu dạy chúng ta về tình yêu qua Bí Tích Thánh Thể, Ngài dạy chúng ta tinh thần phục vụ qua việc rửa chân cho các môn đệ; và nhắc bảo chúng ta rằng tôi tớ thì không trọng hơn chủ.
Đức Thánh Cha nói rằng Chúa Giêsu đã đưa ra hai “cử chỉ thiết định” trong Bữa Tiệc Ly. Chúa đã cho chúng ta ăn và uống máu Người trong Bí Tích Thánh Thể. Ngài cũng rửa chân cho các môn đệ của mình.
“Hai cử chỉ này mạc khải hai giới răn giúp cho Giáo Hội phát triển, nếu chúng ta trung tín với hai giới răn ấy.”
Giới răn thứ nhất là yêu thương. Đức Thánh Cha nói đó không phải chỉ là “yêu người lân cận như chính mình”, vì Chúa đã đi một bước xa hơn nữa khi phán rằng “hãy yêu nhau như Thầy đã yêu các con.”
“Tình yêu thì không có những giới hạn. Nếu không có tình yêu, Giáo hội không thể tiến bước; Giáo hội sẽ không thể thở được. Không có tình yêu, Giáo hội không thể tăng trưởng và chỉ còn là một tổ chức trống rỗng, chỉ có hình thức bề ngoài với những hành động không thể sinh hoa kết quả. Qua những cử chỉ của Ngài, Chúa đã chỉ cho chúng ta nên yêu thương nhau như thế nào, nghĩa là, yêu cho đến cùng.”
Giới răn thứ hai nảy sinh từ việc rửa chân, đó là “hãy phục vụ cho nhau.”
Đức Thánh Cha nói rằng bài học thứ ba là một lời cảnh báo. “Kẻ được sai đi không thể lớn hơn người sai đi. Kẻ được sai đi chỉ có thể làm nhiệm vụ được giao phó.” Đây là một sự khiêm nhường chân thực và giản dị.
“Nên nhớ điều này là Thiên Chúa lớn hơn tất cả chúng ta, và chúng ta là những tôi tớ, chúng ta không thể lớn hơn Chúa Giêsu. Chúng ta không thể lợi dụng Chúa Giêsu. Ngài là Thiên Chúa, chứ không phải chúng ta. Đây là thánh ý của Thiên Chúa. Khi trao ban chính mình Ngài cho chúng ta ăn và uống, Chúa dạy chúng ta phải yêu nhau như thế. Khi rửa chân cho các môn đệ, Ngài dạy chúng ta phục vụ nhau với cùng thể thức như vậy. Nhưng nên nhớ rằng: không tôi tớ nào lại lớn hơn chủ, là người đã sai kẻ ấy đi. Những lời thẳng thừng này và các cử chỉ của Chúa là nền tảng của Giáo Hội. Nếu chúng ta tiến bước theo ba điểm này chúng ta sẽ không bao giờ thất bại.”
Đức Thánh Cha nói rằng các thánh tử đạo và rất nhiều các thánh đã hành động “với ý thức mình là người phục vụ.”
Trong đoạn Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu cũng đã cảnh báo các môn đệ của Ngài rằng một người trong họ sẻ phản bội Ngài.
Vì thế, Đức Thánh Cha kết thúc bài chia sẻ bằng cách kêu gọi mọi người hãy dành ra ít phút thinh lặng để Chúa nhìn thấu tâm hồn mình.
“Hãy để ánh mắt của Chúa nhìn thẳng vào con. Chúng ta sẽ cảm nhận được nhiều điều: tình yêu, hay có lẽ chẳng có điều gì…Chúng ta có thể cảm nhận được mình đang vướng mắc, hay đang cảm thấy xấu hổ. Nhưng hãy luôn để ánh mắt Chúa đi sâu vào tâm hồn mình. Đó chính là ánh mắt mà Chúa đã nhìn các môn đệ của Ngài trong Bữa Tiệc Ly.”
3. Phép lạ tại Peshtigo, nơi duy nhất được giáo quyền Hoa Kỳ công nhận Đức Mẹ đã hiện ra
Xin chào mọi người, đây là Đức Giám Mục David Rickon Bhishma của giáo phận Green Bay; và tôi đang ở đây tại một nơi tuyệt vời gọi là đền thánh Our Lady of Good Help nằm bên ngoài thành phố Green Bay khoảng 16 dặm trong tiểu bang Wisconsin.
Anh chị em biết những ngày này kể từ khi việc Đức Mẹ hiện ra ra ở đây hơn 150 năm trước đã được chính thức công nhận vài năm trước, vào năm 2010, số lượng người hành hương đến đây đang trở thành một hiện tượng phi thường.
Nhiều nhóm hành hương đến trên xe buýt hoặc trong xe tải cùng với nhau, thậm chí một số người đến đây một mình. Nhưng tôi chỉ muốn anh chị em biết rằng anh chị em luôn được chào đón, đặc biệt nếu anh chị em có thể đến trong một nhóm hành hương để giúp anh chị em vượt qua cuộc hành trình.
Đó là một cách tuyệt vời để trải nghiệm tình yêu Chúa của chúng ta và tìm hiểu câu chuyện đẹp Đức Mẹ hiện ra ở đây như thế nào, Đức Mẹ đã nói gì và những gì đã xảy ra với Adele Brice, là người đã được thị kiến thấy Đức Mẹ, và đã vâng nghe lời Đức Mẹ truyền bá tin mừng cho các trẻ em, dạy bảo chúng đức tin, và cách cầu nguyện.
Ngày nay, nhiều lời cầu nguyện đang được trả lời ở đây, chúng tôi nhận được những lời chứng hàng ngày và hàng tuần là những lời cầu nguyện đã được đáp lại cách kỳ diệu, bất cứ ai đến đây đều có một số khía cạnh trong lời cầu nguyện của họ được nhận lời.
Vì vậy, nếu anh chị em đang nghĩ đến việc đến đây thì chúng tôi rất vui đây là để trải nghiệm tình yêu của Thiên Chúa qua Mẹ Maria, Mẹ chào đón các con cái Mẹ trên khắp thế giới đến và phát triển trong tình yêu sâu sắc hơn với Chúa Giêsu.
Vì vậy, tôi hy vọng anh chị em có thể đến như là một nhóm hoặc đến như cá nhân. Xin vui lòng biết rằng anh chị em luôn được chào đón và tôi vui mừng nếu anh chị em có thể đến được nơi đây. Xin Thiên Chúa toàn năng chúc lành cho anh chị em và gìn giữ anh chị em. Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần.
Đức Mẹ phù hộ các giáo hữu cầu cho chúng con.
Vào ngày 8 tháng 10 năm 1871, tại Peshtigo, một vùng hẻo lánh của bang Wisconsin, các nhân viên làm đường hỏa xa đã đốt rừng để mở đường. Do không có phương tiện dự báo thời tiết, ngọn lửa đã vượt quá khả năng khống chế của họ khi một trận cuồng phong ập đến.
Trận cháy rừng Peshtigo Firestorm đã xảy ra. Đến nay, nó vẫn là trận “cháy rừng khủng khiếp nhất” trong lịch sử Hoa Kỳ. Cho đến tận ngày nay, chưa có trận cháy rừng nào ở Mỹ đã từng gây ra con số tử vong lớn như thế. Người ta ước tính gần 2,500 người thiệt mạng trong địa ngục kinh hoàng cả ngàn độ đó.
Bên cạnh những câu chuyện bi thảm được lưu truyền từ đời này sang đời khác, có một chuyện thật đáng kinh ngạc. Một cách lạ lùng, một ngôi nhà thờ ở ngay giữa đám cháy và những người trốn trong ngôi nhà thờ đó đã không hề hấn gì dù rằng nhiệt độ bên ngoài lên đến cả ngàn độ.
Adele Brise được 24 tuổi khi cô từ Bỉ di cư sang Wisconsin cùng với cha mẹ vào năm 1855. Là một tín hữu Công Giáo mộ đạo, Adele có một lòng sùng kính đặc biệt đối với Đức Mẹ và cầu nguyện hàng ngày cùng Đức Trinh Nữ.
Cô đã được Đức Mẹ hiện ra lần đầu vào ngày 2 tháng 10 năm 1859. Sau đó, cô còn được trông thấy Đức Mẹ nhiều lần.
Đức Trinh Nữ Maria trao cho Adele một sứ vụ “Dạy giáo lý cho trẻ con, dạy chúng làm Dấu Thánh Giá, và làm thế nào để nhận lãnh các Bí Tích”
Vâng nghe những lời của Đức Mẹ, Adele toàn tâm dấn thân vào công việc giáo huấn các trẻ em di dân đến từ Âu Châu thay cho các bậc cha mẹ của chúng đang phải làm việc quần quật trên vùng đất mới.
Thương con, bố của Adele, là ông Lambert Brise, đã xây dựng một chòi nhỏ bằng gỗ tại địa điểm Đức Mẹ đã hiện ra với cô để Adele không phải vất vả đi từ nhà này sang nhà khác dạy trẻ con học.
Vài năm sau, khi được bà Isabella Doyen hiến tặng 5 mẫu đất xung quanh địa điểm này, Adele bắt đầu xây nên một ngôi trường nhỏ. Rồi thì một nhà thờ bằng gỗ lớn hơn được xây dựng sau đó và được đặt tên là Our Lady of Good Help, nghĩa là Đức Mẹ sốt sắng phù hộ các tín hữu. Adele và một số phụ nữ khác đã thành lập một cộng đoàn dòng Ba Phanxicô. Mặc dù cô chưa bao giờ được khấn dòng, mọi người đều gọi cô là sơ Adele.
Tối ngày 8 tháng 10 năm 1871, ngọn lửa Peshtigo bùng cháy nhanh chóng và nuốt chửng toàn bộ hàng loạt các khu vực lân cận. Ngọn lửa kinh hoàng cũng lan nhanh đến ngôi nhà thờ.
Những người trong khu vực đã chạy đến nhà thờ. Nhiều người thậm chí còn mang theo cả các gia súc của họ. Sơ Adele xướng kinh Mân Côi giơ cao một bức tượng Đức Mẹ cầu xin sự bảo vệ của Mẹ trong hoàn cảnh tuyệt vọng đó. Ngọn lửa hoành hành dữ dội nhưng trong nhà thờ mọi người tiếp tục cầu nguyện.
Hơn một triệu mẫu tây đã bị phá hủy trong trận hỏa hoạn kinh hoàng Peshtigo Firestorm. Tuy nhiên, ở giữa tất cả khu vực bao la vừa bị tàn phá, ngôi nhà thờ, những người bên trong và cả các gia súc không bị hề hấn gì. Năm mẫu tây xung quanh nhà thờ lọt thỏm giữa vùng đất bị tàn phá như một ốc đảo trong sa mạc. Những người đến và thấy cảnh tượng đáng kinh ngạc này biết rằng đó là bàn tay của Chúa. Các tín hữu không nghi ngờ rằng Đức Mẹ đã ra tay cứu họ.
Năm 2009, giáo phận Green Bay đã mở một cuộc điều tra chính thức. Vào ngày 8 tháng 12 năm 2010, Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, được sự phê chuẩn cuả Tòa Thánh, Đức Giám Mục David Ricken tuyên bố nhìn nhận sự can thiệp của Đức Mẹ tại Peshtigo và sơ Adele Brise là nhân chứng “đáng tin cậy”.
4. Giống như một chiếc xe đạp, Giáo Hội tìm được sự cân bằng của mình khi chuyển động
Trong Thánh Lễ sáng ngày 24 tháng Tư tại nhà nguyện Santa Marta, Đức Thánh Cha Phanxicô đã trình bày các suy tư về các bài đọc trong ngày, và về vai trò trung tâm của Chúa Thánh Thần trong đời sống của các tông đồ.
Khi đề cập đến sự khép kín lòng trí của các Luật Sĩ trong đoạn Tin Mừng của Thánh Gioan (Ga 10:22-30), Đức Thánh Cha đã giải thích việc giữ luật của họ đã trở nên cứng nhắc như thế nào. Vì tự đặt mình ở vị trí trung tâm, họ đã trở nên chai lì trước các tác động của Chúa Thánh Thần. Đức Thánh Cha nhấn mạnh đến việc họ đánh mất khả năng “để nhận ra những dấu chỉ thời đại” như một hình thức tù túng.
Ngài nói:
“Họ đã nhận được một lề luật sống động, nhưng họ làm ‘tan loãng’ nó, và biến nó thành một ý thức hệ để rồi gò bó với nó và không thể đi xa hơn. Mọi điều mới lạ đối với họ đều là một mối đe dọa.”
Đối với con cái Chúa, những người đặt Chúa Thánh Thần làm trung tâm cuộc sống của họ thì khác. Sách Tông Đồ Công Vụ (Cv 11:19-26) chỉ cho chúng ta thấy các môn đệ đầu tiên đã ngoan ngoãn trước những gì là mới lạ đối với họ. Thái độ này đã dẫn họ đến việc reo vãi lời Chúa bằng những phương cách ngoài dự định thông thường. Đức Thánh Cha nói rằng “Họ tiếp tục ngoan ngoãn với Chúa Thánh Thần và đã hoàn tất được nhiều điều lớn lao hơn cả một cuộc cách mạng. Họ đặt Giáo Hội trong tình trạng chuyển động chứng tỏ cho chúng ta thấy rằng Giáo Hội chỉ có thể đạt được sự cân bằng giống như chiếc xe đạp – chỉ cân bằng khi nó chuyển động.
Đức Thánh Cha nói rằng có hai cách trái ngược nhau để mô tả cách phản ứng của một người đối với thần khí của Chúa Thánh Thần: Đóng kín hay mở ra. Các môn đệ và các tông đồ đã chọn cách mở ra.
Trước một thực tế là sẽ luôn có một sự đề kháng chống lại Chúa Thánh Thần trong Giáo Hội, Đức Thánh Cha kết thúc bài suy tư với lời nguyện sau:
Xin Chúa ban cho chúng con ân sủng để biết cách chống lại những gì chúng con phải chống lại, đó là những gì đến từ ma quỷ, những gì cướp mất sự tự do của chúng con. Xin ban cho chúng con biết mở lòng ra với những điều mới mẻ, nhưng chỉ với những điều mới mẻ đến từ Thiên Chúa mà thôi. Xin ban cho chúng con sức mạnh của Chúa Thánh Thần, ân sủng để nhận ra những dấu chỉ thời đại để có những quyết định cần thiết đúng lúc.