1. Trung Tâm Thánh Mẫu Fatima chính thức loan báo mở lại các cuộc hành hương quốc tế
Trung Tâm Thánh Mẫu Fatima chính thức loan báo mở lại các cuộc hành hương quốc tế đầu tiên trong năm với sự hiện diện của đông đảo các đoàn hành hương vào ngày 12 và 13 tháng 6 này, sau khi bị phong tỏa do đại dịch Covid-19 từ hơn ba tháng qua.
Theo thông lệ, đây là cuộc hành hương quốc tế hàng năm được tổ chức vào ngày 12 và 13 tháng 6, kỷ niệm ngày Đức Mẹ hiện ra lần thứ hai với ba trẻ Mục Đồng cách đây 103 năm. Chủ đề hành hương quốc tế năm nay là: „Thời gian của ân sủng và lòng thương xót: cảm tạ vì được sống trong Chúa”.
Đặc biệt cuộc hành hương năm nay mừng Đệ Nhất Bách Chu Niên (100 năm) tác phẩm điêu khắc Đức Mẹ Fatima „Nossa Senhora de Fátima” được tôn kính tại Nguyện Đường Hiện Ra „ Capelinha das Aparições”.
Tác phẩm điêu khắc thánh tượng Đức Mẹ Fatima đã trở thành một trong những bức tượng nổi tiếng và được tôn kính nhiều nơi trên thế giới. Thánh Tượng Đức Mẹ Fatima đã được tạc vào năm 1919 bởi ông Gilberto Fernandes dos Santos, một nghệ nhân quê ở Torres Novas, Casa Fânzeres, thành phố Braga, vùng Bắc Nước Bồ Đào Nha.
Tác phẩm Thánh Tượng Đức Mẹ Fatima, lấy cảm hứng từ một hình ảnh của Nossa Senhora da Lapa, được tôn kính ở Ponte de Lima. Thánh Tượng này được tạc và thực hiện đúng theo lời kể của các thị nhân là ba Mục Đồng và được ông Manuel Formigão ghi lại một cách trung thực. Với chiều cao 1, 04 mét, tác phẩm điêu khắc được tạc bằng gỗ trắc bá từ Ba Tây.
Thánh tượng này được làm phép và thánh hiến vào ngày 13 tháng 5 năm 1920 bởi linh mục quản nhiệm giáo xứ Fátima, Cha Manuel Marques Ferreira, ngay trong thánh đường của giáo xứ, và đã được chuyển đến Nguyện Đường Hiện Ra “Capelinha das Aparições” chỉ một tháng sau đó. Bởi vì vào thời điểm đó, các biểu hiện tôn giáo đều bị chế độ cộng hòa Bồ Đào Nha nghiêm cấm.
Lịch sử kể lại bà Maria Carreira – được biết đến với tên gọi Maria da Capelinha – bà từ chăm sóc Nguyện Đường Hiện Ra, trong đêm ngày mùng 6 tháng 3 năm 1922 đã xẩy ra một trận hỏa hoạn phá hủy một phần Nguyện Đường Hiện Ra, nhưng Thánh Tượng Đức Mẹ Fatima đã được bà Maria Carreira cứu thoát.
Kể từ tháng 5 năm 1982, Thánh đường Hiện ra “ Capelinha das Aparições” được trùng tu và mở rộng để chuẩn bị cho chuyến thăm đầu tiên của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô đệ Nhị, Thánh Tượng Đức Mẹ Fatima đã được đặt trên một bệ đá cẩm thạch đúng vào vị trí chính xác nơi Đức Mẹ đã hiện ra từ ngày 13 tháng 5 năm 1917 với ba trẻ mục đồng trên cây sồi (cây sồi này đã biến mất do hàng chục ngày tín hữu đã tranh nhau chặt cành ngắt lá sau cuộc hiện ra lần cuối cùng 13.10.1917 với phép lạ mặt trời quay).
Tưởng cũng nến nhắc lại, Thánh tượng chính của Đức Mẹ Fatima, đội vương miện quý giá với hàng ngàn viên bảo ngọc và viên ngọc quý giá nhất là chính viên đạn ám sát Đức Thánh Giáo Hoàng GIoan-Phaolô đệ Nhị vào ngày 13.05.1981 tại quảng trường Thánh Phêro Roma.
Trung Tâm Thánh Mẫu Fatima cũng đặc biệt thông báo rằng vào chiều ngày 13 tháng 6, Thánh Tượng Đức Mẹ Fatima sẽ được trưng bày trong vòng vài tiếng ở phòng triển lãm với chủ đề “Áo choàng trắng” (Vestida de Branco) mừng 100 năm Thánh Tượng… Các tín hữu hành hương vào ngày 13.06 này sẽ được dịp chiêm ngưỡng thánh tượng này vì Đức Mẹ “sẽ gần gũi hơn với những người hành hương”.
Theo truyền thống các cuộc hành hương quốc tế, Thánh Tượng Đức Mẹ Fatima được cung nghinh vào đêm ngày 12 và 13, từ tháng 5 đến tháng 10 tới lễ đài chính.
Chương trình lễ hành hương năm nay sẽ do Đức cha phụ tá Lisbon D. Américo Aguiar chủ sự, bao gồm, theo thường lệ chuỗi Mân côi quốc tế tại Nguyện đường Hiện ra lúc 9g30 tối ngày 12.06, sau đó là cuộc rước kiệu trọng thể cung nghinh thánh tượng Đức Mẹ Fatima, năm nay kỷ niệm 100 năm, tới lễ đài chính của quảng trường và dâng đại lễ tới nửa đêm. Vào buổi sáng ngày 13.06, đoàn hành hương cũng tham dự lần hạt Mân Côi vào lúc 9g30 sáng và cũng rước kiệu trọng thể cung nghinh thánh tượng Đức Mẹ Fatima lên lễ đài trước quảng trường rộng lớn với đại lễ bế mạc…Sau đại lễ đoàn hành hương sẽ rước kiệu bế mạc từ giã Thánh Tượng Mẹ với bài hát quen thuộc vang vộng và vẫy khăn chào tạm biệt Mẹ với những dòng lệ hân hoan phó thác đầy tin yêu.
Source:Fatima
2. Ngăn chặn bạo lực xã hội bằng cách giải tán cảnh sát, phải chăng là một ý kiến hay?
Bạo lực tàn bạo của cảnh sát đời nào cũng có, nước nào cũng có. Tại Hoa Kỳ, vụ giết hại anh George Floyd là một ví dụ điển hình. Ở quê nhà chúng ta cũng chẳng thiếu những anh George Floyd như thế, nên có thơ rằng:
“Ai ơi nhớ lấy câu này
Cướp đêm là giặc cướp ngày là quan
Thời nay cướp đã sang trang
Quan nó ăn cướp cả ngày lẫn đêm
Khi nào chưa đủ tiền thêm
Chúng nó ăn cướp cả đêm lẫn ngày.”
Tuy nhiên, những vụ cướp bóc, đốt phá nhà cửa ở Mỹ trong hai tuần qua cho thấy việc xóa bỏ toàn bộ lực lượng cảnh sát như nhiều người đề nghị chắc không phải là một ý kiến hay.
Đức Tổng Giám Mục Jóse Gomez nhận định rằng “Sự tàn nhẫn và bạo lực mà anh George Floyd phải chịu không phản ảnh đa số những người nam nữ tốt lành trong lực lượng thực thi pháp luật, là những người thực hiện nhiệm vụ của mình trong danh dự. Chúng ta biết điều đó.”
Trong cuộc họp báo hôm thứ Hai 8 tháng Sáu, Thư ký báo chí Tòa Bạch Ốc Kayleigh McEnany cho biết Tổng thống Trump cảm thấy kinh hoàng trước phong trào đòi giải thể hay ít nhất là cắt giảm tài trợ cảnh sát, và chỉ trích Thị trưởng New York Bill de Blasio và Dân biểu Alexandria Ocasio-Cortez vì sự ủng hộ của họ đối với đề xuất này.
“Tổng thống cảm thấy kinh hoàng trước phong trào đòi cắt giảm tài trợ cảnh sát, ” cô Mc Mcnnany nói trong một cuộc họp báo tại Tòa Bạch Ốc.
Tổng thống Trump đã tweet vào hôm thứ Hai rằng ông ủng hộ “Luật pháp và Trật Tự”, và chống lại yêu sách cắt giảm tài trợ cho cảnh sát, và cáo buộc rằng có một động lực đang được xây dựng bên trong đảng Dân chủ nhằm cắt giảm hay thậm chí là giải thể các sở cảnh sát.
“Một thực tế là đang có các thành viên quốc hội nữ muốn giải tán cảnh sát, đáng chú ý là Rashida Tlaib, và cố vấn tranh cử của ông Biden, Alexandria Ocasio-Cortez, cựu phát ngôn viên của Clinton và Eric Holder, Brian Fallon, là những người muốn cắt giảm lực lượng cảnh sát của chúng ta trên khắp đất nước này, điều đó thật bất thường, ” McEnany nói.
“Thị trưởng của Los Angeles muốn cắt giảm tài trợ cảnh sát, muốn giảm tiền của cảnh sát. Thị trưởng de Blasio, thị trưởng New York, cũng muốn giảm tiền cảnh sát. Điều đó có nghĩa là giảm bớt số cảnh sát viên, điều đó có nghĩa là thu hẹp hoạt động của các sở cảnh sát, họ hô hào giảm tiền tài trợ các sở cảnh sát, hay loại bỏ hoàn toàn các lực lượng này. Không, tổng thống không đồng ý với điều đó và phần còn lại của nước Mỹ cũng không đồng ý với điều đó, ” cô nói thêm.
Source:New York Post
3. Một cảnh sát viên người Ý có thể được tuyên thánh
Trước sự tập trung chú ý vào sự tàn bạo của cảnh sát trên khắp thế giới, một linh mục nói rằng điều quan trọng là phải nhớ rằng có những người cảnh sát tốt lành và một ngày nào đó một cảnh sát viên có thể được tuyên bố là một vị thánh: Đó là Hạ Sĩ Salvo D’Acquisto, một cảnh sát viên người Ý đã hy sinh để bảo vệ người dân.
Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, Salvo D’Acquisto là một thành viên của lực lượng cảnh sát Ý Carierieri, và là phó chỉ huy của đồn cảnh sát nông thôn Torrimpietra, bên ngoài Rôma.
Vào tháng 9 năm 1943, binh lính Đức đang kiểm tra đạn dược tại một căn cứ quân sự gần đó. Một thùng đạn phát nổ, và hai lính Đức chết. Các sĩ quan Đức đã cho rằng vụ nổ này không phải là một tai nạn. Vì thế, họ đã vây ngôi làng và bắt giữ 22 người.
Là quan chức cảnh sát địa phương, D’Acquisto đã thực hiện một cuộc điều tra về vụ nổ, và thẩm vấn 22 người bị bắt giữ. Sau các cuộc thẩm vấn, anh cố gắng giải thích với người Đức rằng vụ nổ chỉ là một tai nạn, và không ai trong khu vực phải chịu trách nhiệm.
Nhưng các sĩ quan Đức quốc xã đã quyết tâm trả thù. Họ đã cho các tù nhân đào một ngôi mộ tập thể, và tuyên bố họ sẽ bị xử tử.
Trước tình hình đó, Salvo D’Acquisto nói với các sĩ quan Đức quốc xã rằng chính anh đã sắp xếp vụ nổ, và anh đã hành động một mình.
Những những dân thường đã được thả ra. Còn D’Acquisto đã bị một đội hành quyết bắn chết. Nắm ấy anh mới 22 tuổi.
Tổng giáo phận Quân đội Ý đã mở án tuyên thánh cho anh vào năm 1983.
Đức ông Gabriele Teti là cáo thỉnh viên trong vụ án tuyên thánh cho người cảnh sát viên từ năm 2014 đến 2018. Chính Đức Ông cũng từng là cựu thành viên của Carabinieri nên ngài biết rất rõ câu chuyện về Salvo D’Acquisto.
Đức Ông Teti nói rằng Salvo D’Acquisto coi việc gia nhập Carabinieri là một dịch vụ phục vụ những người đồng bào của mình.
Người cảnh sát “đã đi xa đến mức chứng minh rằng cuộc sống của anh ta thực sự là sự phục vụ người dân, thậm chí là hy sinh chính mình, ” vị linh mục cáo thỉnh viên nói.
Trước khi chết, D’Acquisto đã gặp một người bạn đã tham gia khóa đào tạo của Carabinieri với anh ta. Đến lúc đó, phần lớn các thành viên Carabinieri đã rời bỏ hàng ngũ để gia nhập du kích kháng chiến chống quân Đức ở Rôma, và người bạn này đã kêu gọi D’Acquisto tham gia kháng chiến.
D’Acquisto chưa quyết định vì anh lo rằng sẽ không có ai bảo vệ trật tự và an toàn cho dân chúng.
Vào năm 2001, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nói với các viên chức cảnh sát quốc gia Ý rằng “Lịch sử của Carabinieri Ý cho thấy rằng đỉnh cao của sự thánh thiện có thể đạt được trong việc trung thành và hoàn thành nghĩa vụ của mình đối với quốc gia. Tôi đang nghĩ đến đồng nghiệp của anh chị em, Hạ sĩ Salvo D’Acquisto, là người lính đã được trao huy chương vàng, là người mà án tuyên chân phước đang diễn ra.”
“Sự hy sinh của D’Acquisto nên được nhìn thấy trong bối cảnh của cả cuộc đời ông, ” vị linh mục cáo thỉnh viên nói.
“Chắc chắn, anh ta đã lớn lên trong một gia đình rất sùng đạo.”
Khi còn nhỏ, trên đường đi học về, anh đã tặng đôi giày của mình cho một đứa trẻ nghèo anh thường gặp khi đi học về và đi chân trần về nhà mình. Một lần khác, anh đã liều mạng nhào ra cứu một đứa trẻ đang bò trên đường ray xe lửa trong khi một chuyến tàu đang lao tới.
Cha Teti nói rằng ở Ý người ta sùng kính Salvo DỉAcquisto ở khắp mọi nơi, đến nỗi một số người nói rằng tuyên thánh cho anh hay không cũng không quan trọng, vì đối với họ, anh đã là thánh rồi.
Source:Catholic News Agency