1. Vatican phản đối mưu toan hình thành Quốc Hội Lập Hiến của Nicolas Maduro
Trong một phản ứng rất mạnh liên quan đến Venezuela, Tòa Thánh đã ra một tuyên bố kêu gọi chính phủ của Tổng thống Nicolas Maduro từ bỏ kế hoạch hình thành Quốc Hội Lập Hiến và viết lại hiến pháp của quốc gia này.
Tuyên bố hôm 04 Tháng Tám từ Phủ Quốc vụ khanh Tòa Thánh là tuyên bố mạnh mẽ nhất cho đến nay thẳng thừng tố cáo những nỗ lực của Maduro nhằm củng cố quyền lực. Các Giám mục Venezuela đã phản đối của chính phủ liên tục mở rộng quyền hạn và ủng hộ những người biểu tình, trong khi Tòa Thánh cố giữ một thái độ quân bình hơn.
Tuyên bố của Tòa Thánh có đoạn viết như sau:
“Tòa Thánh tái bày tỏ quan tâm sâu xa vì tình trạng cực đoan hóa và tầm trọng hóa cuộc khủng hoảng tại Cộng hòa Venezuela, làm gia tăng số người chết, bị thương và bị tù. Đức Thánh Cha theo dõi trực tiếp và qua Phủ Quốc Vụ Khanh tình trạng đó với những biến chuyển về mặt nhân đạo, xã hội, chính trị, kinh tế và cả về mặt tinh thần, và ngài liên tục cầu nguyện cho đất nước Venezuela cùng với tất cả mọi người dân nước này, đồng thời mời gọi các tín hữu trên toàn thế giới cầu nguyện sốt sắng cho ý nguyện đó.
Tòa Thánh cũng xin tất cả các tác nhân chính trị, và đặc biệt là chính phủ Venezuela hãy đảm bảo sự tôn trọng hoàn toàn các quyền con người và các quyền tự do cơ bản, cũng như hiến pháp hiện hành; cần tránh hoặc hãy ngưng những sáng kiến đang tiến hành như Hiến Pháp mới, thay vì tạo điều kiện cho hòa giải và hòa bình, thì lại càng nuôi dưỡng bầu không khí căng thẳng và đụng độ, làm tổn hại đến tương lai; cần tạo những điều kiện để có một giải pháp thương thuyết phù hợp với những đường hướng được trình bày trong thư của Phủ Quốc vụ Khanh ngày 1 tháng 12 năm 2016, để ý đến những đau khổ trầm trọng của dân chúng vì những khó khăn trong việc kiếm lương thực và thuốc men và vì thiếu an ninh.
Sau cùng, Tòa Thánh tha thiết yêu gọi toàn thể xã hội hãy tránh mọi hình thức bạo động, đặc biệt Tòa Thánh kêu gọi các lực lượng an ninh hãy tránh dùng võ lực thái quá và không tương ứng”
2. Công báo Tòa Thánh hoan nghênh việc Jordan bỏ phiếu bãi bỏ luật miễn tố tội hiếp dâm
Hạ nghị viện Jordan đã bỏ phiếu đồng thanh bãi bỏ luật miễn tố tội hiếp dâm. Bộ Luật Hình Sự Năm 1960, quy định rằng kẻ phạm tội hiếp dâm không bị truy tố trước pháp luật nếu người ấy đồng ý cưới nạn nhân.
Trong thực tế, các thiếu nữ Kitô Giáo thường tránh không muốn kết hôn với những người Hồi Giáo. Tuy nhiên, nhiều thiếu nữ bị bắt cóc cưỡng hiếp. Ra tòa, tên cưỡng hiếp tuyên bố đồng ý cưới nạn nhân. Nạn nhân không đồng ý kết hôn thì tên tội phạm được tha bổng.
Tờ Quan Sát Viên Rôma hoan nghênh việc bỏ phiếu này, và gọi đó là “bước tiến quan trọng trong việc bảo vệ các quyền của phụ nữ.”
Việc bãi bỏ luật 1960 vẫn phải được sự chấp thuận của Thượng viện và vua Jordan. Quốc vương Abdullah II đã tuyên bố ủng hộ việc bãi bỏ luật này.
3. Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ kêu gọi Tổng thống Trump thực hiện lời hứa chấm dứt việc bắt buộc mua bảo hiểm tránh thai
Chủ tịch của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ kêu gọi Tổng thống Donald Trump thực hiện lời hứa chấm dứt việc bắt buộc mua bảo hiểm tránh thai.
“Sau khi họp với Tổng thống Trump tại Phòng Bầu dục vào ngày 4 tháng Năm, tôi ngồi ở Vườn Hồng và nghe tổng thống hứa với các nữ tu dòng Tiểu Muội Cho Người Nghèo rằng thử thách dài trong việc bị bắt buộc mua bảo hiểm tránh thai sẽ sớm được kết thúc.” Đức Hồng Y Daniel DiNardo viết trên tờ The Hill.
“Tuy nhiên, bây giờ đã ba tháng sau đó mà việc bị bắt buộc mua các bảo hiểm của Dịch vụ Nhân sinh Y tế vẫn còn đó.”
Đức Hồng Y chủ tịch Hội Đồng Giám Mục nói thêm:
“Lời hứa của tổng thống không chỉ được nói trong các bài phát biểu. Tổng thống đã ban hành sắc lệnh chỉ đạo các Sở Y tế và Nhân dụng xem xét ban hành việc sửa đổi các quy định cho phù hợp với pháp luật hiện hành, để giải quyết sự phản đối dựa trên lý do lương tâm. Tuy nhiên, các quy định phiền hà đó vẫn chưa được sửa đổi …”
Việc bắt buộc mua bảo hiểm tránh thai đặt ra một gánh nặng không cần thiết cho các tôn giáo, một gánh nặng mà chỉ có chính quyền mới có thẩm quyền để tháo gỡ như đã hứa. Gánh nặng này vẫn chưa được dỡ bỏ. Thưa ngài Tổng thống, xin hãy nhấc gánh nặng này cho chúng tôi.”
4. Đức Giáo Hoàng gởi thư cho cuộc họp liên tôn cầu nguyện cho hòa bình tại Nhật Bản
Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi một bức thư cho ban tổ chức và các tham dự viên cuộc họp liên tôn cầu nguyện cho hòa bình tại Nhật. Đây là cuộc họp hàng năm lần thứ 30 được tổ chức trên núi Hiei ở thành phố Kyoto.
Cuộc họp kết thúc vào ngày 06 Tháng Tám, kỷ niệm ngày quả bom nguyên tử được thả xuống Hiroshima.
Trong thư Đức Thánh Cha nói:
“Hội nghị thượng đỉnh tôn giáo hàng năm này góp phần một cách đặc biệt trong việc xây dựng tinh thần đối thoại và hữu nghị giữa tín đồ các tôn giáo trên thế giới; và khích lệ họ làm việc cùng nhau để mở lối đi mới ngõ hầu hòa bình có thể ngự trị trong gia đình nhân loại”.
Bức thư của Đức Thánh Cha đã được gởi đến Hòa Thượng Koei Morikawa, một nhà lãnh đạo Phật giáo đã được Đức Thánh Cha tiếp kiến hồi tháng Chín năm ngoái.
Hòa Thượng Morikawa, năm nay 92, đã trở thành nhà lãnh đạo thứ 257 của Phật Giáo Thiên Thai tông, tiếng Nhật gọi là tendai-shū. Đây là một tông phái Phật giáo Trung Quốc do nhà sư Trí Di sinh năm 538 và qua đời năm 59 sáng lập. Nhà sư Tối Trừng sinh năm 767 và qua đời 822 đã đưa vào Nhật.
Trong thư Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh rằng lời cầu nguyện “truyền cảm hứng và duy trì những nỗ lực của chúng ta cho hòa bình, vì nó giúp tăng cường sự tôn trọng lẫn nhau của chúng ta đối với những người khác, tăng cường các liên kết tình yêu giữa chúng ta, và thôi thúc chúng ta đưa ra các nỗ lực thúc đẩy những mối quan hệ và tình đoàn kết huynh đệ.”
5. Việc chỉnh sửa gen đang đặt ra mối đe dọa ưu sinh
Thuyết ưu sinh, tiếng Anh là eugenics, là chủ trương thay đổi các yếu tố di truyền trong phôi thai người để sinh ra các cháu bé theo ý muốn. Thí dụ, cha mẹ đều là người Việt nhưng lại muốn sinh ra con tóc vàng, mắt xanh.
Giám đốc Trung tâm Đạo đức sinh học Anscombe ở Anh đã báo động về các thí nghiệm ráo riết gần đây trong việc chỉnh sửa các yếu tố di truyền của những phôi thai người. Ông nói rằng các thí nghiệm này cho thấy khuynh hướng chấp nhận thuyết ưu sinh trong xã hội Anh.
Ông David Albert Jones lên án những thí nghiệm này vì nó lạc xa với ý hướng ban đầu và liên quan đến việc “thử nghiệm và tiêu hủy phôi người” trong quá trình này.
Những thí nghiệm “chỉnh sửa di truyền” ban đầu được biện minh như là một biện pháp ngăn ngừa bệnh tật của các trẻ em sơ sinh. Tuy nhiên, ông Jones nhận xét rằng những thí nghiệm “chỉnh sửa di truyền” ngày nay không nhắm việc điều trị các bệnh tật nhưng nhắm vào việc hình thành các trẻ sơ sinh theo ý muốn; hoặc là giết chúng đi nếu không thể chỉnh sửa được.
6. Đức Tổng Giám Mục Marcelo Sanchez Sorondo nói Đức Thánh Cha yêu mến Trung Quốc
Đức Tổng Giám Mục Marcelo Sanchez Sorondo, Chủ tịch Học viện Giáo hoàng về Khoa học, nói “Đức Giáo Hoàng yêu mến đất nước và nhân dân Trung Quốc.” Nhận xét này của người đứng đầu Học viện Giáo hoàng về Khoa học đã được các cơ quan truyền thông của nhà nước nồng nhiệt ca ngợi.
Cuối tháng 7 vừa qua, lãnh đạo cao nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc phụ trách về tôn giáo đã nói không úp mở rằng Bắc Kinh quyết tâm kiểm soát thật chặt Giáo Hội Công Giáo tại quốc gia này.
Du Chính Thanh (俞正声 -Yu Zhengsheng), một thành viên trong nhóm bảy người trong Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị, và đồng thời là Chủ tịch Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc, chỉ thị cho khoảng 100 giám mục, linh mục, nữ tu và các lãnh đạo giáo dân tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh hôm 19 tháng Bảy rằng các nhà lãnh đạo Giáo Hội phải không ngừng “nâng cao tự nhận thức về ‘3 tự cường’ và ‘3 tự quản’, nghĩa là phải tránh xa các quan hệ mật thiết với Vatican.
Bắc Kinh “đánh giá cao” các nhận xét của Đức Giáo Hoàng là bởi vì Đức Tổng Giám Mục Sanchez Sorondo đang tham dự một hội nghị về cấy ghép nội tạng. Trung Quốc đã quá khét tiếng trong việc mua bán các nội tạng cấy ghép. Năm ngoái, chính phủ Trung Quốc, trước áp lực quốc tế, đã phải hứa sẽ ngăn chặn việc lấy cắp nội tạng từ các tù nhân bị kết án tử hình. Hội nghị này được tổ chức như là một hình thức quảng cáo rằng Trung Quốc đang bắt đầu có những thiện chí trong lãnh vực này.
7. Tòa Thánh mở thêm hội nghị về biến đổi khí hậu
Học viện Giáo Hoàng về Khoa học đã công bố kế hoạch tổ chức một hội nghị về biến đổi khí hậu tại Vatican.
Hội nghị có chủ đề là “Sức khỏe của người dân, Sức khỏe của hành tinh và Trách nhiệm của chúng ta: Biến đổi khí hậu, ô nhiễm không khí và sức khỏe”.
Hội nghị sẽ được tổ chức vào tháng Mười Một tại Vatican. Đức Tổng Giám Mục Marcelo Sanchez Sorondo, chủ tịch Học viện Giáo hoàng về Khoa học, sẽ chủ trì sự kiện này.
Điều gây quan ngại cho nhiều người là trong số những diễn giả, có những người tuy cùng quan điểm với Giáo Hội về các vấn đề liên quan đến môi sinh, lại có những lập trường quá khác biệt trong những vấn đề khác. Nhiều người trong số đó công khai ủng hộ và hô hào phá thai.
8. Trong toàn vùng Trung Đông, chỉ còn 14.5 triệu Kitô hữu
Tờ Quan Sát Viên Rôma số ra ngày thứ Sáu 4 tháng 8 cho biết dân số Kitô Giáo ở chín quốc gia Trung Đông chỉ còn 14,526,000 người trong toàn bộ 258 triệu người sống tại Síp, Ai Cập, Iraq, Israel, Jordan, Lebanon, Palestine, Syria và Thổ Nhĩ Kỳ.
Bản báo cáo dựa trên một nghiên cứu gần đây của Hiệp hội Phúc lợi Công Giáo vùng Cận Đông. Nghiên cứu này ghi nhận sự sụt giảm mạnh của dân số Kitô giáo:
Tại Syria, số Kitô hữu giảm từ 2.2 triệu vào năm 2010 xuống còn 1.2 triệu.
Năm 1910, 19% người Ai Cập là Kitô hữu. Con số này ngày nay chỉ còn 10%.
Trong khi đó, tại Li Băng số Kitô hữu giảm từ 53% vào năm 1932 xuống còn dưới 40%.
Tại Thánh Địa Giêrusalem, năm 1946, 20% dân số là các Kitô hữu. Bây giờ chỉ còn không đến 2%. Trong các khu vực do chính quyền Palestine kiểm soát, tình hình cũng xảy ra tương tự. Từ 20% vào năm 1948, ngày nay số Kitô hữu chỉ còn 1.2%.
9. Tổng giám mục Anh giáo châu Phi tẩy chay hội nghị của Liên Hiệp Truyền Thông Anh Giáo vì những bất đồng liên quan đến chính sách đối với người đồng tính
Tổng giám mục Anh giáo của Uganda tuyên bố rằng ông sẽ không tham dự một cuộc họp của các nhà lãnh đạo Anh giáo vào tháng 10, do có những bất đồng sâu sắc về các vấn đề liên quan đến người đồng tính.
Năm ngoái, Đức Tổng Giám Mục Stanley Ntagali đã bỏ ngang một cuộc họp của các Giám Mục Anh giáo, vì những bất đồng tương tự. Đức Tổng Giám Mục Stanley Ntagali buộc tội các nhà lãnh đạo Anh giáo trong thế giới phương Tây, đặc biệt là Mỹ và Canada, đã “xé tan nát sự hiệp thông Anh giáo” khi chấp nhận cái gọi là “hôn nhân đồng tính”.
10. Đức Hồng Y ủng hộ việc điều trị khuynh hướng đồng tính
Cũng liên quan đến vấn đề đồng tính, viết trên Twitter vào ngày 01 tháng 8, Đức Hồng Y Wilfrid Napier của Durban, Nam Phi, đã mạnh mẽ bày tỏ sự ủng hộ của ngài đối với cuốn sách có tựa đề “Reparative Therapy of Male Homosexuality: A New Clinical Approach”, nghĩa là “Liệu Pháp Điều Trị Đồng Tính Nam: Một cách tiếp cận lâm sàng mới” của Joseph Nicolosi.
Theo Đức Hồng Y, cuốn sách này là một thách thức đối với một chủ đề vô cùng quan trọng.
Đức Hồng Y đã kêu gọi sự chú ý đến các tác phẩm của Sigmund Freud và những nhà tâm thần học tiên phong khác trên hiện tượng phi tự nhiên này.
Trong tuần gần đây trên Twitter, Đức Hồng Y Napier cũng đã bày tỏ sự hỗ trợ cho Đức Hồng Y George Pell và Đức Giám Mục Thomas Paprocki và đã chỉ trích quyết định Tòa án Tối cao Hoa Kỳ trong phán quyết Roe chống Wade liên quan đến phá thai; phán quyết Obergefell chống Hodges liên quan đến hôn nhân đồng tính.
11. Các Giám Mục Công Giáo Maronite kêu gọi một kế hoạch toàn cầu đưa những người tị nạn Syria hồi hương
Các Giám Mục Công Giáo Maronite, là một Giáo Hội hiệp thông hoàn toàn với Tòa Thánh đã kêu gọi thế giới hình thành nên một kế hoạch toàn cầu đưa những người tị nạn Syria hồi hương.
Gần 2 triệu người Syria đang tá túc tại Li Băng, một quốc gia chỉ có 6,1 triệu.
Đức Hồng Y Bechara Rai là Thượng Phụ Công Giáo Maronite đã cảnh báo rằng sự có mặt của 2 triệu người tị nạn Syria ở Li Băng đang ngày càng trở thành một gánh nặng của đất nước này.
Đức Hồng Y nói:
“Mặc dù chúng ta hoàn toàn đoàn kết với những người tị nạn, người Li Băng vẫn hy vọng rằng quá trình đảm bảo cho họ hồi hương an toàn sớm được xảy ra”.
Đức Hồng Y đã lên tiếng trong bối cảnh quân đội Li Băng bắt đầu các hoạt động an ninh tại các trại tị nạn, nhằm giải giới các phe nhóm Syria đang bắt đầu tổ chức và tự trang bị cho mình trong các trại tị nạn.
12. Vatican đóng cửa 8 nhà thờ ở Baghdad
Tổ chức Christian International Concern, là một tổ chức trình bày trước thế giới tình cảnh của các Kitô hữu bị bách hại, báo cáo rằng Vatican đã ra lệnh đóng cửa tám ngôi nhà thờ ở Baghdad.
Những nhà thờ này đã bị đóng cửa vào tháng Năm vừa qua sau gần bảy năm hầu như không còn ai tham dự các thánh lễ. Hầu hết những người Công Giáo trong khu vực đã bỏ trốn khỏi Iraq để tránh khỏi bị bách hại.
Christian International Concern cho biết sau một cuộc viếng thăm củaa các viên chức Tòa Thánh, Vatican đã quyết định rằng tốt nhất là nên đóng cửa vĩnh viễn các ngôi nhà thờ này.
Đối với các Kitô hữu Iraq, việc đóng cửa này tiêu biểu cho sự thất bại cuả Giáo Hội ở thủ đô của Iraq.
13. Đức Giáo Hoàng gửi lời chào mừng đến các Hiệp Sĩ Kha Luân Bố
Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi một thông điệp chào mừng các nhà lãnh đạo Hội Hiệp Sĩ Kha Luân Bố đang họp ở St. Louis tuần này nhân hội nghị thường niên lần thứ 135.
Trong điện văn do Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh ký thay, Đức Thánh Cha bày tỏ lòng biết ơn Hội Hiệp Sĩ Kha Luân Bố đã trợ giúp cho các Kitô hữu ở Trung Đông, và “những nỗ lực không ngừng của họ. ..nhằm bảo vệ và thúc đẩy sự thánh thiện của hôn nhân cũng như phẩm giá và vẻ đẹp của cuộc sống gia đình.”
14. Linh mục Mễ Tây Cơ bị đâm ngay trên bàn thờ hồi tháng Năm đã qua đời
Kính thưa quý vị và anh chị em,
Như chúng tôi đã loan tin, Cha José Miguel Machorro, linh mục người Mễ Tây Cơ đã bị đâm hôm 15 tháng Năm sau khi ngài vừa kết thúc thánh lễ tại nhà thờ chánh tòa ở thủ đô Mexico City.
Sau một thời gian nằm nhà thương, ngài được cho về nhà; rồi lại phải đưa vào nhà thương cấp cứu. Ra vào nhà thương như thế hai lần; ngày 2 tháng 8, Tòa Giám Mục tổng giáo phận thủ đô cho biết ngài đã qua đời vì vết thưong trí mạng.
Ngài là linh mục thứ 19 bị giết ở Mễ Tây Cơ trong sáu năm qua. Trong 18 vụ giết hại các linh mục trước đó, cảnh sát chẳng bao giờ tìm ra bất cứ một tên tội phạm nào. Trong vụ này, tên tấn công bị bắt tại hiện trường nhưng cảnh sát nói tên này bị bệnh tâm thần nên đã được trả tự do.
15. Các giám mục Phi Luật Tân kêu gọi chống bọn buôn người
Đối diện với tình trạng các tín hữu, đặc biệt là các thiếu nữ, bị bắt cóc đưa sang các nước Trung Đông làm đầy tớ, kể cả làm nô lệ tình dục, Hội đồng Giám mục Công Giáo Phi Luật Tân đã công bố việc thành lập một liên minh chống bọn buôn người.
Liên minh này được đặt tên là Giáo Hội Công Giáo chống nạn buôn người. Đây là cơ quan do chính các giám mục trên toàn quốc lãnh đạo. Liên minh này sẽ có một đại diện trong mỗi giáo phận và cả ở những giáo xứ nơi nạn buôn người đang ở mức trầm trọng.