Ngày 30: Đức Mẹ Calais – do Người Anh Xây Dựng tại Pháp
Nếu tất cả những ơn lành được ban cho nhân loại qua các thế kỷ nhờ chuỗi Mân Côi mà được ghi lại, có lẽ phải dành nhiều thư viện mới chứa những văn liệu ấy. Chỉ một mình Thiên Chúa biết – đối với chúng ta là vô số – những ơn lành ngoại thường đã được ban cho những người kêu cầu sự phù trợ của Mẹ Maria qua kinh Mân Côi – các bè rối bị hủy diệt, các cuộc chiến được kết liễu, các bệnh tật được vượt qua.
Không một ngày nào – thực ra, không một giờ nào – qua đi mà không có những ơn lành đặc biệt được trào xuống cho những cá nhân đang lần chuỗi Mân Côi để kêu xin Đức Mẹ phù giúp.
Chuỗi Mân Côi – gồm có kinh Tin Kính các thánh Tông Đồ, kinh Lạy Cha, kinh Kính Mừng với lời chào của sứ thần và lời kêu xin Đức Mẹ liên lỉ phù giúp cho những nhu cầu của chúng ta lúc hiện tại và trong giờ lâm tử, và kinh Sáng Danh ca tụng Ba Ngôi Thiên Chúa – chất chứa một sức mạnh có thể thúc bách trời cao chấn chỉnh cho những sai trái của trần gian.
Lạy Nữ Vương Rất Thánh Mân Côi, xin cầu cho chúng con.
Đức ông Ralph G. Kutz
Ngày 29: Đức Mẹ Buglose – Acqs, Gascony
Bằng những sáng tạo riêng, các họa sĩ trong những thời kỳ Kitô Giáo đã khắc họa hình ảnh Đức Maria vào tâm trí chúng ta như một người nữ luôn luôn trẻ trung – bồng Chúa Hài Nhi trên tay, hoặc có trẻ Giêsu bên cạnh.
Tuy nhiên, Chúa Giêsu đã lớn khôn và thời gian cũng áp đặt đôi tay già cỗi lên Đức Maria như đã làm với mọi người đã từng sống trên cõi đời. Dù truyền thống cho rằng Đức Maria sống đến tuổi nào đi nữa, bảy mươi hai hoặc bảy mươi tư, thì có lúc Đức Maria cũng ở “vào tuổi chúng ta.” Thánh Kinh không nói rõ Đức Maria được miễn trừ các chứng bệnh hành hạ chúng ta. Có thể tay chân Mẹ cũng bị tê thấp. Mẹ đã chăm sóc Thánh Cả Giuse trong thời gian ngài chịu bệnh cho đến khi qua đời. Sau đó, Mẹ là một góa phụ. Mẹ bị tước đoạt cả Người Con, nhìn thấy Người chịu vu khống và bị nhà cầm quyền tước đoạt mạng sống.
Khi chúng ta nhìn như thế, Đức Maria sẽ có thêm một chiều kích mới: một người bạn lắng nghe những thử thách của chúng ta trong khi người khác làm ngơ; một người hiểu biết và cảm thông với những yếu đuối của chúng ta.
Lạy Nữ Vương Hòa Bình, xin cầu cho chúng con.
Anne Tansey
Ngày 28: Cung Hiến Nhà Thờ Đức Bà Paris – 1325
Các sinh viên viện đại học Notre Dame có thói quen hằng ngày đến kính viếng hang đá Đức Mẹ.
Đức Maria thao thức muốn đến thăm chúng ta cả ngàn lần hơn. Mẹ đã minh chứng điều ấy tại Lộ đức, Fatima và Guadalupe. Mỗi ngày, chúng ta hãy làm một cuộc hẹn với Đức Mẹ bằng việc đọc kinh Mân Côi. Chúng ta không cần phải đến hang đá để kính viếng Đức Mẹ. Mỗi lần chúng ta cầm chuỗi hạt lên, Mẹ liền đến cứu trợ chúng ta bởi vì “chưa từng nghe có người nào chạy đến cùng Đức Mẹ xin bầu chữa cứu giúp mà Đức Mẹ từ bỏ chẳng nhậm lời.”
Đức Maria, Nữ Vương của chúng ta, sẽ không bao giờ từ bỏ chúng ta.
Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội, xin cầu cho chúng con là kẻ chạy đến cùng Mẹ.
Đức ông Harry J. Welp.
Ngày 27: Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp
Mong đợi những lời cầu nguyện được đáp ứng ngay lập tức sau khi chúng ta vừa lên tiếng chẳng khác gì hạ bệ Thiên Chúa Toàn năng (nếu chúng ta dám nói ra) xuống địa vị của một thằng-bồi-có-thần-tính lúc nào cũng chực sẵn để hầu hạ. Vì vậy, khi quì gối, điều quan trọng cần nhớ là chúng ta sẽ không đứng dậy uy nghi và truyền lệnh. Nói cho cùng, Thiên Chúa là Tạo Hóa còn chúng ta là thụ tạo… nghĩa là đã có một thời chúng ta chỉ là hư vô. Tạo Hóa toàn năng nhưng Người có quyền không làm gì cả; còn thụ tạo buộc phải nhẫn nại, hay ít ra phải biết từ từ.
Hãy xin Đức Mẹ ban cho bạn ơn nhẫn nại, nhẫn nại để giúp đỡ một người lê bước trên đường ghồ ghề; nhẫn nại là nước mát làm dịu cơn giận điên cuồng; nhẫn nại là con đường phẳng lặng để được bình an tâm hồn; nhẫn nại là ngón tay của Thiên Chúa nâng cao, khuyên dạy.
Khi mọi điều hợp ý, chúng ta hạnh phúc; nhưng khi không hợp ý, chúng ta cũng cứ hài lòng. Như vậy, mọi sự sẽ đi theo con đường của Chúa.
Chúng ta đã hiểu đủ về sức mạnh, quyền năng và an vui nơi thánh danh Maria chưa?
Joseph E. Manton, C.SS.R.
Ngày 26: Đức Mẹ Meliapour – Đông Ấn
Đức Maria đã cho Thiên Chúa giác quan để cảm hưởng mùi thơm của không khí mùa hè; để đón làn gió nhẹ phấn khởi từ biển Galilê; để hoan hưởng hương thơm vụ mùa khi Người cầu xin cho có thêm nhiều thợ đi làm vườn nho. Nhờ Đức Maria, Thiên Chúa – trong thân phận con người – cũng có thể ngửi được mùi nồng của những túp lều và cảm thông với những cư dân tại các hẽm phố. Chính nhờ khứu giác ấy mà Chúa Kitô có thể đích thân phát hiện mùi hôi của những bệnh nhân lở loét đang lết theo bước chân của Người. Chúa đã chữa lành cho không ít người.
Chính tấm gương Chúa Kitô đã thôi thúc một vị thừa sai y tế đi giúp cho các bệnh nhân phong cùi khốn khổ. Khi có người chế giễu, “Để được một triệu đô la đi nữa, tôi cũng không thèm làm việc ấy,” vị nữ tu đã đáp lại, “Tôi cũng vậy. Nhưng vì Chúa Kitô đã làm nên tôi có thể làm theo.”
Cung cách Chúa Kitô sử dụng khứu giác Người đã lãnh nhận từ Đức Maria thúc bách chúng ta ra đi chăm sóc – với sự dịu hiền, cảm thông, không miễn cưỡng – cho những bệnh nhân nghèo khổ, những người cao niên, những người hấp hối.
Lạy Mẹ Maria, Nguyên Nhân Niềm Vui của chúng con, xin cầu cho chúng con.
Albert J. Nimeth, O.F.M.
Ngày 25: Đức Maria được Công Đồng Ephesus Công Bố là Mẹ Thiên Chúa
Đức Maria đã được công bố là Mẹ Thiên Chúa vào ngày 22 tháng 6 năm 431. Công đồng chung Ephesus đã trang trọng định tín Đức Maria phải được xưng tụng với tước hiệu Mẹ Thiên Chúa. Tước hiệu này đã được đặt ra để đẩy mạnh hơn nữa lòng thờ kính Chúa Giêsu, Đấng Cứu Độ, và để tuyên xưng thần tính của Người.
Qua bao năm, Đức Maria đã trở thành một hiền mẫu tinh thần ân cần với mọi tín hữu. Đức Maria có một địa vị hợp pháp trong việc trợ giúp và cầu bầu, nhờ những quyền năng Chúa Giêsu, Người Con chí thánh, đã ban cho Mẹ.
Sự bảo trợ toàn an Mẹ ban trong những hoàn cảnh hiểm nguy; niềm hy vọng phấn khích Mẹ ban khi các sự cố dường như tuyệt vọng; nơi nương ẩn chở che Mẹ ban khi những thử thách xuất hiện và những ơn lành bất tận Mẹ tuôn đổ cho chúng ta minh chứng bản chất đích thực của Đức Maria là Hiền Mẫu tinh thần của chúng ta và là Mẹ Thiên Chúa.
Lạy Mẹ Maria, Mẹ Thiên Chúa, xin giúp chúng con trở nên những người con vâng phục của Thiên Chúa.
John Julius Fisher
Ngày 24: Đức Mẹ Clos-Evrard – Treves, Đức
Kể từ giây phút trở thành Mẹ Thiên Chúa, Đức Maria cũng trở thành người Trung Gian giữa nhân loại và Chúa Kitô. (Trung Gian là người liên kết, hợp nhất hai đối tượng cách biệt). Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, được đặt làm Đấng Trung Gian giữa Thiên Chúa và nhân loại. Thánh Gioan nói rằng Chúa Giêsu là Trạng Sư của chúng ta trước tòa Chúa Cha. Người luôn cầu thay nguyện giúp cho các tội nhân. Khi trở nên con người và trở nên Đấng Trung Gian cho chúng ta, Chúa Kitô vẫn không thôi là Thiên Chúa. Tội lỗi chúng ta đã xúc phạm đến cả Ba Ngôi Thiên Chúa. Vì thế, chúng ta cũng xúc phạm đến cả Đấng Trung Gian của chúng ta. Do đó, chúng ta cần có một Đấng chưa bao giờ xúc phạm đến Người để làm trung gian giữa chúng ta với Chúa Kitô.
Thánh Bernard cho chúng ta biết, “Đó chính là Đức Maria. Đức Maria là người có khả năng nhất trong việc làm cho Thiên Chúa, Con Mẹ, phải tỏ lòng nhân lành với chúng ta. Thiên Chúa đã đặt Đức Maria lên để hoàn thành nhiệm vụ làm trung gian từ ái giữa Người và nhân loại. Thiên Chúa đã ban cho Mẹ thần lực thiêng liêng để níu giữ tay Người khi sắp sửa trừng phạt con cái. Chúa Giêsu sẽ nhanh chóng nguôi giận vì Mẹ Maria hơn vì bất cứ một trung gian nào khác, kể cả một thiên thần.”
Lạy Hoa Hường Mầu Nhiệm, xin cầu cho chúng con!
Marie Layne.
Ngày 23: Đức Mẹ Wladimir – Moscow, Nga
Đức Pius XII đã khởi lập lễ Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ Maria trong toàn Giáo Hội (ngày 4 tháng 5 năm 1944), hiện nay thuộc bậc nhớ tùy ý, để xin Đức Mẹ cầu bầu cho “hòa bình giữa các quốc gia, nền tự do của Giáo Hội, ơn hoán cải cho các tội nhân, lòng mộ mến và thực hành nhân đức trong sạch.” Hai năm trước đó, Đức Thánh Cha đã dâng hiến toàn thể các dân tộc cho Đức Maria dưới tước hiệu Trái Tim Vô Nhiễm.
Các ý nguyện của Đức Thánh Cha liên quan đến những điều Đức Mẹ đã đề cập trong hai lần hiện ra với hai trẻ người Pháp tại La Salette vào năm 1846; với thánh nữ Bernadette tại Lộ đức vào năm 1858; và với ba trẻ Bồ đào nha tại Fatima vào năm 1917. Tính khẩn thiết của các ý nguyện ấy cũng được đề cập đến rất nhiều trong những tuyên ngôn mục vụ là điều không thể chối cãi.
Trong Giáo Hội, tất cả chúng ta cùng chia sẻ tác vụ cầu nguyện, không chỉ với và cho những ai cùng tuyên xưng một đức tin như chúng ta, mà còn cho thiện ích của toàn thể các dân tộc.
Lạy Mẹ Maria, Nữ Vương Hoa Kỳ, xin phù giúp chúng con.
Felician A. Foy, O.F.M.
Ngày 22: Đức Mẹ Narmi – Ý
Lòng sùng kính Đức Maria đã có từ những năm sơ khởi trong đời sống Giáo Hội. Lòng tôn sùng và yêu mến của các thánh đối với Đức Maria là biểu hiện của tình yêu dành cho Con Mẹ tràn đầy trong tâm hồn các ngài. Và trong Giáo Hội vẫn luôn luôn như vậy: lòng sùng kính Đức Maria đưa chúng ta đến gần hơn với Chúa Kitô.
Đức Maria là mẫu gương cho đời sống Kitô hữu. Cuộc sống của Mẹ không dễ dàng chút nào. Mẹ đã sống trong đức tin và sự trung kiên. Toàn bộ cuộc sống của Mẹ là một lời đáp ứng tiếng gọi của Thiên Chúa. Mẹ phản ảnh lời đáp ứng mà toàn thể Giáo Hội được mời gọi hãy thực hiện. Dù vậy, thật sai lầm khi không nhìn nhận Đức Maria cũng phải bước đi trên một con đường tương tự như chúng ta. Đức Maria được đặc ân cá biệt làm Mẹ Thiên Chúa Nhập Thể, nhưng điều này không miễn chước cho Mẹ khỏi phải nỗ lực và kiếm tìm thánh ý Chúa. Đức Maria cảm thông những nỗ lực của chúng ta; Mẹ cầu nguyện với chúng ta và cho chúng ta. Chớ gì lời kinh Kính Mừng hôm nay hãy ở trên môi miệng và con tim của chúng ta.
Lạy Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ Maria, xin cầu cho chúng con.
Đức ông Peter Coughlan
Ngày 21: Đức Mẹ Attrib – Ai cập
Đức Phaolô VI, trong phiên bế mạc khóa họp thứ ba của công đồng Vatican II (Ngày 21 tháng 11 năm 1964) đã tuyên bố: “Để tôn vinh Đức Trinh Nữ Maria và vì ơn an ủi cho chúng ta, chúng tôi tuyên bố Đức Trinh Nữ Maria là Mẹ Giáo Hội, tức là Mẹ của toàn thể dân Thiên Chúa, của các tín hữu cũng như các chủ chăn, những người gọi Đức Maria là Mẹ yêu dấu.
“Chúng tôi ước mong Mẹ Thiên Chúa sẽ càng ngày càng được toàn thế dân Kitô tôn vinh và kêu cầu dưới tước hiệu ngọt ngào này.
“Lạy Mẹ Maria, chúng con xin phó dâng toàn thể nhân loại cho Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ. Xin Mẹ đưa họ đến chỗ nhận biết Chúa Giêsu Kitô là Đấng Cứu Độ duy nhất và chân thật. Xin Mẹ bảo vệ họ khỏi những tai ương vì tội lỗi gây ra, xin Mẹ ban cho toàn thế giới được hòa bình trong chân lý, công lý, tự do và tình yêu thương.”
Lạy Mẹ Maria, Nữ Vương Hòa Bình, xin đổ đầy linh hồn con sự bình an của Chúa Kitô!
Paschal Boland, O.S.B.
Ngày 20: Đức Bà An Ủi – Turin
Đức Mẹ là Đấng Đồng Công Cứu Chuộc. Vào năm 1923, Đức Pius XI đã viết, “Đức Trinh Nữ Đau Thương đã cộng tác với Chúa Kitô trong công cuộc cứu độ.”
Người ta sẽ sai lầm khi coi Đức Maria là người chỉ sinh hạ và dưỡng nuôi Chúa Hài Nhi. Đời sống Đức Maria theo một khuôn mẫu của đức ái nồng nhiệt, với vẻ cao cả thiêng liêng, có mục tiêu tông đồ đậm nét, tức là cộng tác trong mầu nhiệm Nhập Thể cứu thoát và đền bồi cho nhân loại.
Đức Maria có một sự khả ái thiêng liêng: trí năng tinh tuệ, ý chí không nao núng, tâm hồn hết sức nhạy cảm, cùng với nét đáng kính trọng – mater admirabilis. Đức Maria liên kết mật thiết với Chúa Kitô Linh Mục. Nhiệm vụ cao trọng của Đấng Cứu Thế là nhiệm vụ tư tế; nhiệm vụ của Đức Maria là nhiệm vụ Người Mẹ, nhưng cũng là nhiệm vụ Đồng Công Cứu Chuộc. Đức Maria không phải là một người chỉ khóc lóc trên núi Canvê. Trong mọi thánh lễ đều có một sự hợp nhất như xưa giữa Đức Maria và Chúa Giêsu vì ơn cứu độ cho thế giới.
Ước chi chúng ta cũng nhận biết Chúa Thánh Thần và lưu tâm đến những soi động của Người như Mẹ Maria.
John J. Considine, M.M.
Ngày 19: Tôn Kính Chiếc Lược của Đức Mẹ tại Nhà Thờ Thánh Sử Gioan – Treves, Đức
Chẳng có gì khó khăn lắm khi nghĩ rằng Mẹ Thiên Chúa cũng làm những công việc như dọn bữa, rửa chén bát và những việc tương tự. Những ngày tại Nazareth, Đức Maria bận bịu với những công việc của “người vợ đảm đang” mà chương 31 sách Châm Ngôn đã nói đến. Tất cả những việc người ta làm tại gia đình thì Mẹ Maria cũng đã làm. Nhưng Mẹ Maria đã không bao giờ đánh mất sự kết hiệp với Thiên Chúa. Thiên Chúa trong lòng Mẹ, Người luôn luôn sống động.
Những công việc trong cuộc sống đang chờ đợi chúng ta hằng ngày, hằng giờ, và chúng ta phải khôn ngoan ứng liệu với chúng. Chúng có thể bất lợi hoặc thuận lợi theo sở thích của chúng ta.
Chẳng có gì khác biệt cả trăm năm sau, cho dù chúng ta giữ địa vị cao hoặc thấp, chúng ta làm những việc lớn lao hoặc tầm thường, như số phận của hầu hết mọi người. Điều can hệ là cung cách các công việc ấy được thực hiện. Cuộc sống chúng ta không đáng kể ở “cái gì,” mà là “thế nào” mới là đáng kể.
Lạy Đức Nữ Khiêm Nhường, xin dạy cho chúng con biết khiêm nhường trong lòng!
Thomas M. Brew, S.J.
Ngày 18: Đức Mẹ Thăm Thánh Agnes Núi Politian
“Một điều đặc biệt và quả thật rất quan trọng mà Ta hết lòng ước mong là mọi người hãy cầu xin, dưới sự bảo trợ của Nữ Vương Thiên Đàng. Ước chi Đức Maria, Đấng được yêu mến và tôn kính hết tình, đừng để họ xa lạc và bị xúi bẩy rời bỏ sự hợp nhất của Giáo Hội, và khỏi Con Mẹ là Đấng có đại diện trên trần gian là chính Ta.
“Ước chi họ hãy quay về với Cha Chung, phán quyết của Người đã được tất cả các nghị phụ tại công đồng Ephesus đón nhận với tinh thần trách nhiệm; ước chi tất cả cũng quay về với Ta là người thực sự có một tình yêu hiền phụ đối với họ hết thảy, và là người vui mừng nhận lấy những lời quí trọng của thánh Cyril đã sử dụng khi tha thiết kêu gọi Nestorius, “Nguyện cho hòa bình của các giáo đoàn được bảo tồn, mối liên kết tình yêu và hòa hợp giữa các linh mục của Chúa được toàn vẹn, và mối liên kết tình yêu và an ủi giữa các linh mục của Thiên Chúa không bị úa tàn.” Đức Pius XI, tông thư Lux Veritatis.
Ước chi Mẹ nhìn thấy nơi tất cả chúng con những đặc điểm thánh thiện của riêng Mẹ.
Joseph Gustafson, S.S.
Ngày 17: Đức Bà Khu Rừng – gần Boulogne-sur-Mer
Chúng ta cầu nguyện cùng Đức Maria bởi vì Chúa – trong lời Người – đã dạy chúng ta phải làm như vậy.
Còn gì có thể rõ ràng hơn nữa? Tại sao Thiên Chúa Nhập Thể lại phải chờ đợi lâu đến thế mới tỏ ra những dấu chỉ về thần tính của Người?
Chúa Giêsu đã chờ đợi cho đến khi trở thành một người trưởng thành. Khi ấy, Đức Maria đã xin Người thực hiện một phép lạ. Mẹ cho Chúa biết đám cưới không còn rượu và xin Người liệu định. Nhưng Chúa chưa sẵn sàng. Giờ của Người chưa đến, Chúa đã cho Mẹ biết như vậy.
Nhưng Đức Maria – như một người mẹ hiểu Con – đã không chấp nhận lời khước từ của Chúa. Mặc dù Chúa chưa muốn, nhưng Đức Maria đã xin Chúa thực thi ân huệ này cho Mẹ.
Và Chúa đã làm. Phép lạ đầu tiên của Chúa trên trần gian đã được thực hiện ngược lại với ý định của Người, bởi vì Mẹ Maria đã muốn.
Chúng ta cầu xin cứu giúp là điều chẳng có gì kỳ lạ, tất cả những ai không chịu làm như thế mới đúng là kỳ lạ.
Chúa phán với Mẹ, “Này Bà, đây là Con Bà.”
Dale Francis.
Ngày 16: Đức Mẹ Aix-la-Chapelle – Đức
Đã có bao giờ bạn cảm thấy hoàn toàn bị cô đơn chưa? Không ai đoái hoài đến bạn… Không ai để ý đến bạn sống hay chết! Bạn cảm thấy bị bỏ rơi! Bạn cầu nguyện, nhưng chẳng có gì xảy ra, và những lời cầu nguyện của bạn trở nên khô khan, không kết quả. A, bạn hãy nghĩ lại đi!
Thiên Chúa không bao giờ từ bỏ chúng ta! Trong kinh Hãy Nhớ, chúng ta cũng nhận ra Mẹ Maria không bao giờ bỏ mặc mà không chở che, không phù giúp chúng ta… Cả thiên thần bản mệnh của chúng ta cũng thế… Cả các thánh quan thầy của chúng ta cũng thế… Cả các thiên thần và các thánh… Cả những linh hồn luyện ngục nhờ lời cầu nguyện của chúng ta đã được lên thiên đàng rồi cũng thế… Cả những linh hồn luyện ngục nhờ lời chúng ta cầu nguyện sắp sửa được lên thiên đàng cũng thế… Cả những bạn hữu trên trần gian liên kết với chúng ta trong mầu nhiệm hiệp thông các thánh cũng thế! Vậy, có còn ai là người hoàn toàn cô đơn nữa đâu?
Thiên Chúa chắc chắn vô cùng nhân lành đối với chúng ta. Thật đáng tiếc, cả cuộc đời cũng chẳng đủ thời gian để chúng ta cám tạ và ca ngợi Người cho xứng được.
Ước chi lời cầu “Lạy Mẹ Maria, Nữ Vương và Hiền Mẫu của con” trở nên lời nguyện thường xuyên của chúng ta.
Đức ông Ralph G. Kutz.
Ngày 15: Cung Hiến Thánh Đường Đức Maria Đầu Tiên – Syrians
Thánh Gia Nazareth là mô phạm cho mọi gia đình. Dưới mái nhà khiêm nhu ấy, sự bình an, thánh thiện và tình yêu ngự trị.
Gia đình là nền móng của xã hội, là nền tảng của văn minh. Nếu thả quả bom ly dị vào gia đình, bạn sẽ hủy diệt nền tảng của đời sống Kitô Giáo và văn minh.
Con số các gia đình bất hạnh đang gia tăng khủng khiếp trong những năm gần đây tại Hoa Kỳ. Người ta kể ra nhiều nguyên nhân. Nhưng chỉ có một nguyên nhân đích thực: đó là hôn nhân, gia đình, mái ấm càng ngày càng ít hướng về Thiên Chúa, không còn sống tương giao và được thấm nhuần trong Thiên Chúa. Một bánh xe sẽ vỡ ra từng mảnh nếu thiếu trục xoay; và một gia đình sẽ tan nát nếu thiếu Thiên Chúa. Một thân xác sẽ chết nếu không còn quả tim; và một mái ấm sẽ băng hoại trừ khi có Thiên Chúa là quả tim của nó.
Hạnh phúc thật chỉ được tìm thấy trong sự thánh thiện.
Lm. John A. O’Brien
Ngày 14: Đức Mẹ Treille – Lille
Đừng bao giờ chúng ta nghĩ rằng Đức Trinh Nữ có một cuộc sống dễ dàng. Nếu như trong Phúc Âm có gì rõ ràng, thì chắc hẳn đó là hoàn cảnh của Đức Maria – như Mẹ đã từng trải qua – rất tương tự như chúng ta. Đức Maria cũng phải nỗ lực vì phần rỗi của Mẹ.
Đức Maria không được đặc ân để làm các việc cho dễ dàng hơn. Những lời “khô khẳng” của Chúa Giêsu đã nói với Mẹ hiển nhiên cho thấy vai trò làm mẹ Đấng Cứu Thế đã không miễn chuẩn cho Đức Maria những điều thông thường mà một khách lữ hành dương thế phải làm trong hy vọng đạt đến phần phúc nước trời.
“Cha mẹ lại không biết Con phải lo việc Cha của Con sao?” Đó là một tuyên ngôn minh bạch, thẳng thắn, nhưng chắc chắn thật khó hiểu đối với Đức Maria. Đối với Mẹ, việc tìm ra “vị trí” của mình trong cuộc sống của Chúa là điều khó khăn. Nhưng Đức Maria đã giải quyết vấn đề ấy với một thái độ can đảm, “ghi nhớ tất cả những sự việc ấy trong tâm hồn.”
Ôi Trinh Nữ Maria, Mẹ Tình Yêu Chí Thánh, xin làm cho chúng con nên thánh.
Đức ông J. William Mc Kune
Ngày 13: Đức Bà Sichem – gần Louvain
Thánh Bernard nói, “Chúng ta bị trôi dạt giữa ba đào. Biển cả rập rình nuốt trửng chúng ta. Giữa cuồng phong cám dỗ và những trận sóng thử thách, chúng ta kinh hãi sự công phán và hoảng sợ vì tội lỗi của mình. Và đôi khi, chúng ta còn bị vùi dập giữa vũng thảm sầu khi bị nỗi hoài nghi tấn công.”
Thánh nhân nói tiếp, “Chúng ta phải làm gì? Lúc ấy hãy có thánh danh Maria, Sao Biển, trên môi miệng và trong trái tim của bạn. Đức Maria sẽ nâng đỡ và ban hy vọng cho bạn. Với sự phù trợ của Mẹ, bạn sẽ đến được bến cảng an lành.”
Một tác giả khác cũng viết, “Đức Maria là hiền mẫu của những người sống, là hy vọng của những người yếu đuối, là an ủi cho những kẻ âu lo.”
Chúng ta hãy đến cùng Mẹ Maria như con trẻ, và lòng sùng kính sẽ đến.
Lm. Rawley Myers
Ngày 12: Đức Mẹ Thăm Thánh Herman
Đức Maria chắc chắn là người thân thiết nhất với Chúa Giêsu. Như các thánh trong thời Cựu Ước, Đức Maria cũng trông mong và cầu nguyện cho lời Thiên Chúa hứa với dân Người chóng được toàn thành.
Khi sứ thần Gabriel chào kính bằng những lời lạ thường, “Kính chào, Đầy Ơn Phúc,” và cho biết sẽ sinh hạ “Con vua Đavít,” Đức Maria đã hiểu biết và chấp nhận tất cả những hàm ý trong đặc ân ấy khi thưa lên những lời tuyệt đẹp: “Này tôi là nữ tì Thiên Chúa, xin nên trọn nơi tôi theo lời ngài truyền.”
Thái độ hiểu biết và chấp nhận ấy chứng tỏ Đức Maria đã quen suy niệm về các lời hứa và tiến trình của lịch sử ơn cứu độ, như đã được mặc khải cho dân tộc Israel và ghi lại trong Thánh Kinh. Lời đáp của Đức Maria trước sứ điệp của sứ thần còn minh chứng Thiên Chúa đã chuẩn bị Đức Maria cho biến cố trọng đại này một cách đặc biệt.
Lạy Nữ Vương Rất Thánh Mân Côi Fatima, xin cầu cho chúng con!
Martin Schoenberg, O.S.C.
Ngày 11: Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ Maria
Trái tim vẫn luôn được coi là biểu tượng trung tâm của sự sống và tình yêu. Nơi hai Thánh Tâm Chúa Giêsu và Mẹ Maria, chúng ta có một tấm gương hoàn hảo về tình yêu Thiên Chúa dành cho nhân loại và tình yêu của nhân loại dành cho nhau.
Chưa ai đã từng yêu thương đồng loại cho bằng Đức Maria, Đấng đã được Chúa Giêsu – khi sắp tử nạn trên thập giá – ủy thác nhiệm vụ coi sóc toàn thể nhân loại.
Đức Maria có một trách vụ đối với toàn thể chúng ta như người mẹ với con cái. Đối với Mẹ Maria, chúng ta có quyền như con cái đối với cha mẹ của mình. Chúng ta có thể tin tưởng cầu nguyện với Mẹ vì biết Mẹ sẽ chu toàn nhiệm vụ từ mẫu của Mẹ.
Lạy Trái Tim dịu hiền Chúa Giêsu, xin hãy là tình yêu của con; lạy Trái Tim dịu hiền Mẹ Maria, xin hãy là phần rỗi của con.
Đức ông Joseph B. Lux.
Ngày 10: Đức Bà Cranganor – Đông Ấn
Như mọi tiền nhân thánh thiện đi trước, đức hồng y Newman có một lòng sùng kính tuyệt đẹp đối với Đức Mẹ. Chắc chắn đó phải là một bài học cho tất cả chúng ta. Đức tổng giám mục Sheen có lần đã viết: “Trong Giáo Hội Công Giáo có một truyền thống bất biến là hễ ai thực tâm sùng kính Đức Mẹ thì không bao giờ phải hư mất.”
Đức hồng y Newman còn viết: “Lạy Mẹ Maria, xin hãy ở bên chúng con là con cái của Mẹ; xin hướng dẫn chúng con trên con đường đến cùng Thiên Chúa. Xin hãy luôn luôn là từ mẫu của chúng con.” Đức hồng y đặc biệt nài xin Mẹ thiên đàng hãy “làm cho các linh mục nên trong trắng và không có gì đáng trách.” Ước chi đó cũng là lời cầu nguyện của chúng ta, bởi vì chúng ta cần có những linh mục tốt lành: nếu thiếu những vị linh mục, một thánh đường chỉ còn là một tòa nhà mà thôi.
Tình yêu Mẹ Maria sẽ đưa đến tình yêu Chúa Kitô.
Lm. Rawley Myers
Ngày 9: Đức Mẹ Ân Sủng – Hoa Kỳ
Lòng sùng kính trung thành và thắm thiết đối với Đức Mẹ là một yếu tố trong nếp sống Hoa Kỳ ngay từ ban đầu. Vào năm 1847, Đức Thánh Cha đã chấp nhận thỉnh nguyện được nhận Đức Maria dưới tước hiệu Vô Nhiễm Nguyên Tội làm bổn mạng Hoa Kỳ. Vô số các thánh đường, nguyện đường và cơ sở cao cấp đã mang các tước hiệu của Đức Mẹ.
Di sản quí báu ấy thuộc về chúng ta và chúng ta phải truyền lại cho các thế hệ mai sau, nhưng phải chăng chúng ta đang thực hiện điều ấy?
Theo nhận định trong bức thư mục vụ năm 1973 của các giám mục Hoa Kỳ, lòng sùng kính Đức Maria đang bị suy thoái, “Không cần cuộc thăm dò nào cũng đủ thấy trên khắp đất nước, nhiều hình thức sùng kính Đức Mẹ đã không còn nữa… Với sự cảm thông sâu sắc, chúng tôi nhìn tình trạng thê thảm dân tộc chúng ta cảm nhận về điều ấy… và chúng tôi chia sẻ sự quan tâm của họ, rằng giới trẻ phải được huấn luyện một lòng sùng kính sâu xa và chân thực đối với Mẹ Thiên Chúa.” Mặc dù tình trạng này rất đáng buồn, nhưng đó cũng là một thách đố cho những người con Đức Mẹ phải cầu nguyện và làm việc chăm chỉ hơn nữa.
Lạy Mẹ Maria yêu dấu của con, xin chỉ cho con con đường hiến trót mình con cho Con yêu dấu của Mẹ là Chúa Giêsu.
Thomas M. Brew, S.J.
Ngày 8: Đức Mẹ Sự Khôn Ngoan
Đức Maria được xưng tụng là “Tòa Đấng Khôn Ngoan” bởi vì Mẹ là Hiền Mẫu Chúa Giêsu, Thiên Chúa và Đấng Cứu Thế của chúng ta, Đấng Thượng Trí Nhập Thể.
Chúa Thánh Thần đã trào thông cho linh hồn Mẹ tràn đầy những ân huệ của Người, trước tiên là ơn khôn ngoan. Đức Maria sung mãn ơn khôn ngoan ở mức độ cao vời nhất; và có thể nói, Mẹ là kho tàng sự khôn ngoan cần thiết cho chúng ta để đạt được mục đích cuộc đời.
Trong những lúc nghi nan, lo lắng hoặc giằng co, bạn hãy thưa cùng Đức Mẹ, “Lạy Mẹ Maria, xin ban cho con ơn được biết Thiên Chúa muốn con làm gì.” Mẹ Maria sẽ tinh luyện sự cảm nhận của chúng ta về các giá trị, Mẹ sẽ cho chúng ta thấy những thú vui trần thế thật chóng qua và danh giá đời này trống rỗng như thế nào; Mẹ sẽ giúp chúng ta biết coi trọng mục đích cuộc đời – là hiểu biết, yêu mến và phụng sự Thiên Chúa. Đó mới là sự khôn ngoan!
Lạy Nữ Vương và Từ Mẫu của con, xin dạy con biết cầu nguyện cùng Mẹ.
Đức hồng y John J. Carberry.
Ngày 7: Đức Mẹ Thung Lũng
Lái xe từ Jerusalem về hướng Bắc chừng 25 phút, bạn sẽ gặp những tàn tích của một lữ quán, đó là chỗ trọ và nơi nghỉ chân cho những đoàn lữ hành – vào những thời kỳ xa xưa – cần thêm một ngày đàng nữa là đến Thành Thánh. Một cái giếng tuyệt hảo vẫn còn cung cấp nước cho lữ khác. Nó được bọc quanh bởi một ngôi đền Hồi Giáo rất được tôn trọng, một ngôi nhà cầu nguyện Hồi Giáo ghi nhớ gia đình của Chúa Kitô.
Đây là nơi thánh Giuse và Mẹ Maria sau khi dự lễ Vượt Qua từ Jerusalem trở về đã dừng chân và chợt nhận ra trẻ Giêsu không có mặt trong số thân nhân trong đoàn lữ hành. Từ nơi này, ngay trong đêm, các ngài đã trở lại và tìm được trẻ Giêsu đang giảng dạy giữa các nhà tiến sĩ trong đền thờ.
Trong chúng ta có bao nhiêu người đi một ngày đàng mà không đánh mất cảm thức về sự hiện diện của Chúa Kitô?
Lạy Mẹ, ước chi mọi người nhìn vào con đều thấy Mẹ.
Đức ông John G. Nolan
Ngày 6: Thành Lập Dòng Đức Mẹ Thăm Viếng – 1610
Lễ Đức Mẹ Thăm Viếng liên hệ đến hai người nữ sắp sửa được làm mẹ, Đức Maria và bà Elizabeth. Hai người có rất nhiều điểm chung. Một dòng tri thức khôn tả đã trào thông giữa hai người. Người này hiểu biết những tư tưởng và xúc cảm của người kia. Giữa hai người nữ thân thuộc lại có thêm một mối liên kết mới.
Như đã hiểu biết bà Elizabeth thế nào, Đức Maria cũng hiểu biết chúng ta như vậy, bởi vì mọi vui buồn của chúng ta đều liên đới đến cuộc sống của Mẹ. Đức Maria hiểu biết những thử thách nhỏ – những vấn đề tài chánh (công việc của bác thợ mộc đâu phải lúc nào cũng ổn định) – chuyện rắc rối với thân tộc (họ đã khước từ Con Mẹ và giáo huấn của Người). Rồi cả những đau buồn lớn hơn – hôn phu qua đời; cuộc thương khó và tử nạn của Con.
Đức Maria thật phù hợp để làm người tri âm cảm thông của chúng ta trong mọi gian truân. Mẹ biết chúng ta cảm nghĩ gì. Mẹ đã từng trải qua tất cả.
Lạy Từ Mẫu của con, con phó mình trong tay Mẹ; xin hãy dùng con tùy ý Mẹ.
Lm. Leo J. Trese.
Ngày 5: Đức Mẹ Cosmedine – Roma
Tiếp sau tháng Năm, tháng Đức Mẹ, là tháng được dâng hiến cho Thánh Tâm Chúa. Và quả đúng như vậy, vì Đức Maria dẫn đưa chúng ta đến với Chúa Giêsu. Đó là nhiệm vụ của Mẹ. Nếu trong tháng Năm chúng ta đã đặc biệt suy ngắm về Mẹ, thì trong tháng Sáu, chúng ta hướng tâm trí về Thánh Tâm Chúa chẳng có gì khó khăn. Vì lòng sùng kính Đức Maria – nếu đích thực, nếu tôn vinh Mẹ, nếu đẹp lòng Mẹ – sẽ không dừng lại ở Mẹ.
Nhiệm vụ của Đức Maria đã được minh định trong Phúc Âm. Đức Maria chỉ được đề cập một đôi lần, và chỉ trong tương quan với Con Mẹ mà thôi. Tại Bêlem, Đức Maria đã “hạ sinh con đầu lòng” và đem Người ra cho các mục đồng và các hiền sĩ thờ kính. Tại Cana, Đức Maria đã giới thiệu Chúa Giêsu cho công chúng. Trên núi Canvê, Đức Maria đã cùng đau khổ và hiến tế với Con Mẹ.
Bên cạnh Mẹ Maria, chúng ta sẽ học biết yêu mến Thánh Tâm Chúa.
Lạy Mẹ Maria, xin giữ gìn và bảo bọc con như tài sản và sở hữu riêng của Mẹ.
Đức cha Henry A. Pinger, O.F.M. (Trung quốc).
Ngày 4: Đức Bà Ngọn Đồi – Fribourg, Thụy Sĩ
Nhiều hành khách đi theo một con đường ngoằn ngoèo trên dãy Alps ở Thụy Sĩ, và sau đó chẳng bao giờ nghe đến họ nữa. Đôi khi người ta phát hiện một thi thể dưới một khe vực toàn đá. Dân cư dưới chân núi Alps không biết có bao nhiêu thợ săn, mục đồng, nông gia, du khách và người hành hương đã bỏ mạng trước khi lên được đỉnh núi.
Dân làng tìm kiếm một giải pháp, sau cùng, họ quyết định hiến dâng một con đường cho Đức Mẹ. Họ xây dựng một nguyện đường tôn kính Đức Mẹ trên dốc ải nguy hiểm nhất. Nhiều người liều gẫy tay chân và cả mạng sống để tải các dụng cụ và gỗ cây lên dốc ải, hai bên là những khe vực và trần đá khổng lồ ở ngay trên đầu.
Khi nguyện đường được hoàn tất, một linh mục dẫn đầu đoàn rước cung nghinh bức ảnh Đức Mẹ để đặt vào nguyện đường vừa được cung hiến cho Đức Mẹ Khách Lạc. Từ đó, hành khách đi con đường ấy có một chỗ nghỉ chân và cầu xin ơn chở che. Có người còn nhìn thấy ở đó một biểu tượng cho đời sống thiêng liêng.
Ôi Maria, toàn thân con thuộc về Mẹ.
Anne Tansey.
Ngày 3: Đức Mẹ Sosopoli – Pisidia
Một số lý tưởng đã tạo nên nhiều cuộc chiến tranh cũng như hòa bình. Cái khó là ở chỗ chúng ta thiếu hòa bình trong ngôn từ. Đức Mẹ Fatima cảnh báo chúng ta hãy cầu nguyện và sám hối để tránh hình phạt chiến tranh. Bạn đã từng nhìn xem một bọn trẻ liều gặp phiền phức và cho rằng, “Thực ra bọn chúng đang tự chuốc lấy rắc rối” hay chưa?
Trên một bình diện mang tính cá nhân nhiều hơn như hầu hết chúng ta đang sống, phải chăng chúng ta là những người xây dựng hòa bình? “Một câu đáp nhẹ nhàng có thể xoay chuyển cơn thịnh nộ.” Những câu trả lời dịu dàng như – “Xin lỗi. Tôi không cố tình làm tổn thương anh.” – “Sao anh lại giận thế?” – “Tôi có thể giúp được chứ?” – “Vâng, có thể là anh đúng.” – “Tôi không thể đồng ý với anh, nhưng anh biết đó, anh cũng không buộc phải đồng ý với tôi.” – “Được. Chúng ta hãy thử phương cách của anh nhé.” Hãy dùng những từ ngữ thanh lịch. “Cám ơn.” – “Xin chúc mừng.” – “Tôi quí mến anh.”
Xin Mẹ đừng để sự gì làm cản trở việc chúng con lần chuỗi Mân Côi hằng ngày.
Terry Martin
Ngày 2: Đức Mẹ Edessa – Tiểu Á
Bài thánh thi của Đức Maria là một bài ca xưng nhận. Đức Maria hoàn toàn chấp nhận địa vị và thân vị của mình. Mẹ sống khiêm tốn một cách thành tâm và hạnh phúc. Một cách bạo dạn, nhưng chân thật, Đức Maria đã nói lên một lời tiên tri “không thể tin nổi”: “Muôn thế hệ sẽ khen tôi là người diễm phúc!” Khi các đám đông dân chúng nói về Chúa Kitô: “Chưa từng có ai nói được như người này!” thì, ta cũng có thể nói, “Chưa từng có người nữ nào nói được như người nữ này!”
Hết lòng khiêm nhượng, Đức Maria đã nhìn nhận nguồn mạch đặc ân cá biệt và sự thánh thiện của Mẹ: “Thiên Chúa đã làm cho tôi những điều cao trọng.” Đức Maria công nhận Thiên Chúa đã “nâng những người hèn mọn lên cao.” Sự hèn mọn của Đức Maria đã chiếm được lòng sủng ái Thiên Chúa. Chúng ta cũng có thể làm vọng lại những lời nhìn nhận của Đức Maria, mặc dù ở một cấp độ kém hơn. Nếu chúng ta nên thánh, chúng ta cũng sẽ được ghi nhớ là người diễm phúc. Nếu chúng ta chấp nhận chúng ta là ai và là gì, Thiên Chúa sẽ dùng ơn thánh hùng mạnh của Người mà nâng đỡ chúng ta. Chúng ta sẽ hát lên một thánh thi tán dương sự cao cả của Thiên Chúa.
Lạy Mẹ Maria, xin tỏ là Mẹ là Mẹ chúng con.
Bruce Riski, O.F.M. cap.
Ngày 1: Đức Mẹ, Sức Khỏe Bệnh Nhân – Kevelaer, Đức
Đức Maria là tặng ân tử biệt Chúa Kitô ban cho chúng ta vào những giây phút trước khi tử nạn. Đức Maria còn là một điển hình nữa về những thái quá của lòng quảng đại Thiên Chúa dành cho nhân loại. Không có Đức Maria, ơn cứu độ vẫn có thể được hoàn thành. Nhưng Thiên Chúa đã đặc tuyển Mẹ để liên kết mật thiết với chương trình của Người. Ngôi Lời đã mặc xác thể nhờ xác thể của Mẹ, và hiện nay, cả hai Đấng đều trên thiên đàng, Đấng này thăng thiên, còn Đấng kia được triệu thưởng.
Bạn hãy nghĩ lại những ý niệm về Thiên Chúa của con người dưới thời Cựu Ước; rồi so sánh với mối tương quan giữa Thiên Chúa và họ dưới thời Tân Ước. Những lời trong Thánh Kinh cho thấy sự khác biệt rõ rệt. Trước kia, Chúa là một Thiên Chúa uy nghi đáng sợ, một Thiên Chúa báo phục, một quan án nghiêm minh, không khoan thứ. Nếu như giờ đây chúng ta thấy Thiên Chúa trong những ngôn từ dịu hiền hơn, phần lớn là nhờ “cái chạm của Người Nữ này.” Nếu như Thiên Chúa giờ đây tỏ ra như một người cha, chính vì chúng ta đã có Đức Maria là một người mẹ.
Lạy Mẹ Maria, Mẹ Thiên Chúa, xin cầu cho chúng con, khi nay và trong giờ lâm tử.
Đức ông James I. Tucek.
***
QUA MẸ MARIA ĐẾN VỚI CHÚA GIÊSU là chủ đề chính của hợp tuyển tuyệt vời này, gồm các bài viết và tư tưởng thiêng liêng về Đức Trinh Nữ Maria, Hiền Mẫu của chúng ta. Với 366 bài suy niệm hằng ngày của các văn sĩ, tác giả và học giả hàng đầu thế giới, Ngày Ngày Với Mẹ Maria đem đến những đề mục hay nhất tuyển lọc từ sưu tập 25 năm của tập san My Daily Visitor (Khách Mỗi Ngày của Tôi). Ở đây, chúng tôi chỉ xin đan cử một số cộng tác viên: Đức Tổng Giám Mục Fulton J. Sheen, Dale Francis, Đức Hồng Y John Carberry, Đức Hồng Y Richard Cushing, Đức Pius XI, Eileen T. Duffy và cha Patrick Peyton. Một điểm đặc biệt nữa là “Lịch Thánh Mẫu” với 366 tựa đề riêng biệt qui về Đức Mẹ Maria, và được cẩn thận liên kết với mỗi đề mục. Ngày Ngày Với Mẹ Maria đem đến cho độc giả một nhãn giới tân kỳ hấp dẫn về văn chương Thánh Mẫu.https://hddmvn.net/ngay-8-thang-6-chan-phuoc-xe-xi-li-a-trinh-nu-1290/