Video: Nhiều nhà lãnh đạo Kitô Giáo sẽ có mặt tại Cairo

 

1. Đức Thượng Phụ danh dự của Chính Thống Giáo sẽ cùng thăm Cairo với Đức Thánh Cha

Đức Thượng Phụ Chính Thống Giáo Bácthôlômêô Đệ Nhị của Constantinople sẽ cùng với Đức Giáo Hoàng Phanxicô viếng thăm Ai Cập vào cuối tháng 4 này.

Sheikh Ahmed Muhammad el Tayyib, vị đứng đầu của Đại học Al Azhar ở Ai Cập, đã mời Đức Thượng Phụ dự Hội nghị Hòa bình Quốc tế, mà theo dự trù Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ đọc bài diễn văn trong cuộc hội nghị này.

Đức Thượng Phụ Chính thống giáo Coptic Tawadros của Ai Cập cũng sẽ tham dự hội nghị này. Như vậy cuộc hội nghị do đại học nổi tiếng của Hồi Giáo đứng ra tổ chức có sự hiện diện của các nhà lãnh đạo cao cấp nhất của các cộng đồng Kitô Giáo trên thế giới

Được biết Hội Nghị Hoà bình Quốc Tế do viện đại học Al Azhar tổ chức sẽ kéo dài trong 2 ngày, 28 và 29 tháng 4.

2. Trong thông điệp Phục sinh, các Giám mục Phi lên án những người Công Giáo bác bỏ giáo huấn của Giáo Hội

Trong sứ điệp Phục sinh được công bố hôm Chúa Nhật 16 tháng Tư, chủ tịch Hội đồng Giám mục Phi Luật Tân đã mạnh mẽ phê bình những người Công Giáo chối bỏ giáo lý của Giáo Hội về luân lý

Đức Tổng Giám Mục Socrates Villegas của tổng giáo phận Lingayen-Dagupan, chủ tịch Hội đồng Giám mục Phi Luật Tân, viết: “Có biết bao những người Công Giáo vỗ ngực tuyên bố “Tôi là người Công Giáo, nhưng tôi đồng ý rằng những người nghiện ma túy phải bị giết; họ là những kẻ vô dụng. Tôi là một người Công Giáo nhưng tôi ủng hộ án tử hình.”

Đức Tổng Giám Mục than thở rằng ngày nay đã trở nên mốt “thời trang” của nhiều người Công Giáo là lờ đi sự lãnh đạo của các giám mục trước những vấn đề đạo đức quan trọng mà đất nước phải đối mặt.

Đức Cha Villegas nói rằng các giám mục của các quốc gia này “đã trở thành những vị tử đạo trên các phương tiện truyền thông xã hội.” Ngài viết: “Khi chúng tôi nói, họ muốn chúng tôi im lặng. Khi chúng tôi phản đối, họ xỉ vả chúng tôi. Khi chúng tôi đấu tranh cho sự sống, họ muốn chúng tôi chết đi.”

Đức Tổng Giám mục thúc giục người Công Giáo từ bỏ thái độ này. “Anh chị em hãy sẵn sàng vào tù vì Phúc Âm. Hãy sẵn sàng chết vì đức tin của chúng ta.”

3. Khủng bố Hồi Giáo IS tấn công một tu viện ở núi Sinai để gia tăng áp lực lên chuyến tông du Ai Cập của Đức Thánh Cha

Một viên cảnh sát đã bị giết, và bốn người đàn ông khác bị thương, khi những tên khủng bố Hồi giáo tấn công ngôi vào tu viện Thánh Catherine trên núi Sinai vào chiều ngày 18 tháng Tư.

Bọn khủng bố đã gặp phải một sức kháng cự mạnh mẽ của cảnh sát trong một trạm kiểm soát bên ngoài tu viện, và bọn khủng bố đã bị bắt buộc phải rút lui. Một phát ngôn viên của tu viện nói rằng các nữ tu không bị nguy hiểm. Amaq, cơ quan thông tin của bọn khủng bố Hồi Giáo IS tuyên bố nhận trách nhiệm về vụ này.

Hôm Chúa Nhật Lễ Lá, khủng bố Hồi Giáo IS cũng đã gây ra hai vụ tấn công khủng bố tại phía Bắc Cairo và tại thành phố Alexandria làm 44 người bị thiệt mạng và 126 người khác bị thương.

Tu viện của Thánh Catherine có từ thế kỷ thứ 6, được UNESCO công nhận là di sản thế giới, nơi chứa có một bộ sưu tập các tranh ảnh và bản thảo cổ. Đây là tu viện Kitô hoạt động lâu đời nhất trên thế giới.

4. Nhà thờ chính tòa Kathmandu, Nepal bị phóng hỏa

Một vụ cố ý phóng hỏa nhà thờ Đức Mẹ Lên Trời, là nhà thờ chính tòa Công Giáo tại thủ đô Kathmandu, của Nepal, đã xảy ra hôm 18 tháng 4, phá hủy một chiếc xe hơi và hai chiếc xe gắn máy, thiêu rụi nhà xứ và một phần của nhà thờ.

Cha Ignatius Rai, chánh xứ cho biết: “Điều này gây kinh hoàng cho chúng tôi. Cộng đồng Kitô hữu địa phương cảm thấy mình đang sống dưới một sự đe dọa.”

Nepal có 29 triệu dân. Một thập kỷ trước đây, quốc gia này còn là một vương quốc Ấn Giáo. Tuy nhiên, theo ý nguyện chung của toàn dân, Nepal trở thành một quốc gia thế tục. Ấn Giáo không còn được coi là quốc giáo nữa mặc dù 81% dân chúng theo Ấn Giáo. Theo thống kê vào tháng 6 năm 2016, 9% dân số Phật giáo, và 4% theo Hồi giáo. Chỉ có 8,000 người Công Giáo tại quốc gia này.

5. Đức Thánh Cha không thể đi thăm Brazil trong năm nay

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã thông báo với tổng thống Brazil là ông Michel Temer rằng ngài không thể tới thăm quốc gia Nam Mỹ này trong năm nay vì lịch trình làm việc đã quá dày đặc.

Tòa Thánh đã xác nhận rằng Đức Thánh Cha đã viết cho ông Temer cách đây vài ngày để đáp lại lời mời của vị lãnh đạo Brazil đến tham dự các buổi lễ đánh dấu lễ kỷ niệm 300 năm đền thờ Đức Mẹ tại Aparecida.

Đức Giáo Hoàng viết rằng tiếc là ngài không thể đi được vì lịch trình của ngài không cho phép.

Đức Thánh Cha Phanxicô dự kiến đến thăm Colombia vào tháng Chín. Đã có nhiều ý kiến cho rằng có thể ngài sẽ dừng lại ở Brazil trong chuyến đi đó.

Trong bức thư gửi Tổng thống Temer, Đức Giáo Hoàng đã khuyến khích nhà lãnh đạo Brazil “nỗ lực nâng cao cuộc sống những người nghèo nhất” tại quốc gia này.

6. Thống đốc Kitô hữu đầu tiên của Indonesia bị đại bại trong cuộc tái tranh cử

Tuy việc kiểm phiếu vẫn còn đang diễn ra, kết quả sơ khởi cho thấy viên thống đốc của thủ đô Jakarta đã bị đánh bại trong nỗ lực tái tranh cử một nhiệm kỳ nữa.

Thống đốc đương nhiệm Jakarta, Basuki Tjahaja Purnama (hay còn gọi là “Ahok”), là một tín hữu Tin Lành, là người Kitô hữu đầu tiên vươn lên được ví trí này tại một quốc gia có đông người Hồi Giáo nhất

Trong cuộc tái tranh cử, ông Purnama đã làm nhiều người Hồi Giáo tức giận khi ông lập luận rằng người Hồi giáo không nên đi làm theo một đoạn trong kinh Qu’ran, theo đó người Hồi Giáo phải từ chối không để cho một người không theo đạo Hồi lãnh đạo mình, dù là trong xã hội dân sự.

Các nhà hoạt động Hồi giáo cực đoan đã thúc đẩy các cuộc biểu tình lớn của công chúng chống lại viên Thống đốc và đòi ông phải bị tử hình về tội báng bổ.

Kết quả sơ khởi cho thấy Anies Baswedan, cựu bộ trưởng giáo dục của Indonesia, đã vượt xa ông Purnama.

Sự thất bại của thống đốc Purnama tiêu biểu cho một sự thất bại trong các mối quan hệ liên tôn tại một đất nước tự hào về sự khoan dung tôn giáo. Ahok cũng là một mục tiêu của thái độ khinh thị trong số cử tri vì là người Hoa. Thành kiến chống người Hoa rất phổ biến ở Indonesia.

7. Giám Mục Anh hoan nghênh việc giảm bớt án tử hình trên thế giới

Số án tử hình trên toàn thế giới đã giảm từ 1,634 vào năm 2015 xuống còn 1,032 vào năm 2016. Đức Giám Mục Declan Lang, chủ tịch ủy ban quốc tế sự vụ của Hội Đồng Giám Mục Anh đã lên tiến hoan nghênh xu hướng này.

Ngài nói: “Tôi rất hoan nghênh việc sụt giảm án tử hình trên toàn cầu. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tiến bộ hơn nữa cần phảiđược thực hiện. Hơn 1,000 người đã bị hành quyết vào năm ngoái – họ không chỉ là thống kê.”

“Mọi vụ hành quyết đều là việc vi phạm phẩm giá bẩm sinh của con người và chúng ta phải tiếp tục lắng nghe lời kêu gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô cần phải nỗ lực để bãi bỏ hoàn toàn án tử hình trên toàn cầu”

Đức Cha Declan Lang nói thêm:

“Tôi cảm thấy được khích lệ bởi sự phản đối quyết liệt của chính phủ Anh đối với án tử hình trong mọi trường hợp.”

Những con số thống kê nêu trên không bao gồm các án tử hình tại Trung quốc và Bắc Triều Tiên là những quốc gia coi các con số thống kê này là “bí mật quốc gia”.

8. Sứ điệp Phục sinh 2017 chung của các Giáo Hội Kitô tại Âu Châu

Đức Hồng Y Angelo Bagnasco và Đức Giám Mục Christopher Hill của Anh Giáo đã cùng ký chung một sứ điệp Phục sinh như sau:

Chúa Kitô đã sống lại!

Ðức Giêsu Kitô là Con Thiên Chúa, đã vì chúng ta mà xuống thế làm người, đã vì tội lỗi loài người mà chết trên Thập giá, đã từ trong kẻ chết mà sống lại! Ðó là Tin Mừng đức Tin chúng ta muốn chia sẻ cho toàn thế giới. Ý nghĩa đại lễ Phục sinh của Kitô giáo là: nhờ Chúa Giêsu Kitô, sự sống chiến thắng sự chết, hy vọng chiến thắng thất vọng, và hoà bình chiến thắng xung đột. Sự sống lại của Chiên Thiên Chúa từ trong kẻ chết chia lịch sử thành hai: trước và sau khi Ðức Kitô sống lại.

Việc đóng đinh thập giá vẫn đang tiếp diễn: sự sống con người bị xâm hại và thụ tạo bị khai thác. Sự sống đang bị chiến tranh, lòng tham và sự bất công đe dọa và tàn phá. Ðối với rất nhiều người, thế giới cứ mãi ghi dấu bạo lực và sợ hãi, nhưng Chúa Giêsu Kitô vẫn mạnh hơn những cánh cửa đóng chặt của chúng ta hoặc những bức tường cõi lòng chúng ta. Chúa vào và nói: “Bình an ở cùng anh em” (Ga 20, 21).

Chúng ta cầu nguyện cách riêng cho các Kitô hữu bị bách hại và bị cản trở việc cử hành lễ Phục sinh trong tự do và an bình. Họ là thân mình Chúa Kitô đang chịu đau khổ. Chúng ta cũng cầu nguyện cách riêng cho đông đảo anh chị em chúng ta trong Ðức Kitô đã chết vì tuyên xưng niềm tin của mình và cho những anh chị em đang tiếp tục làm chứng và làm việc cho sự tôn trọng nhau và cho cuộc đối thoại trong những tình thế hiểm nghèo. Những anh chị em này là mẫu gương cho chúng ta. Họ kêu gọi mọi người nam nữ Kitô hữu châu Âu hãy chứng tỏ lòng can đảm sống niềm tin của mình và hân hoan làm chứng một cách xác tín về tình yêu vô biên của Thiên Chúa. Họ kêu gọi các nam nữ Kitô hữu châu Âu hãy nâng đỡ những người đang gặp khó khăn nhất, bất kể là người thuộc quốc gia hay tôn giáo nào – những người nghèo khổ, bệnh tật và những người già, người mẹ và trẻ em, các tù nhân, những người tị nạn và tất cả mọi người nam nữ đang bị loại trừ khỏi xã hội chúng ta.

Những phân ly hiện nay giữa các Kitô hữu khiến thân mình Ðức Kitô bị tổn thương, nhưng hôm nay – các Giáo Hội Ðông phương và Tây phương mừng kính Thánh giá và sự sống lại trong cùng một ngày – chúng ta nói lên mình cùng chung niềm Tin vào Chúa Giêsu Kitô, Ðấng Cứu chuộc, đã sống lại từ trong kẻ chết. Chúng ta canh tân sự dấn thân của mình trên con đường hiệp nhất, và mời gọi các cộng đoàn Kitô hãy trở nên dấu chỉ của niềm vui trong đức Tin, của tình yêu quên mình, và trở thành sự hiện diện của niềm hy vọng cho một thế giới được mời gọi hãy hoà giải với chính mình và với Thiên Chúa.

Chúng ta hãy cùng nhau chia sẻ niềm vui về sự sống lại có tính chất quyết định của Chúa Kitô, Ðấng đang ở giữa chúng ta và bảo đảm với chúng ta: “Thầy sẽ ở cùng các con đến tận thế” (Mt 28, 20).

Đức Hồng Y Angelo Bagnasco

Chủ tịch Liên Hội đồng Giám mục châu Âu (CCEE)

Đức Giám Mục Christopher Hill

Chủ tịch Hội nghị các Giáo Hội Kitô châu Âu (CEC)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *