1. Đừng đối thoại với ma quỷ là tên đại bịp
Trong Thánh lễ sáng thứ Ba 08 tháng Năm, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói về cách đối phó với ma quỷ, là kẻ dù đã bị đánh bại và đang giẫy chết vẫn còn nguy hiểm. Đừng bao giờ đến gần và nói chuyện với nó: vì nó biết cách dụ dỗ và giống như con chó điên bị xích, nó sẽ cắn con nếu con đến gần và vỗ vào nó.
Đức Thánh Cha đã nói về tài quyến rũ của ma quỷ và cách đối phó với nó khi bình luận về bài Tin Mừng trong ngày, trong đó Thánh Gioan thuật lại những lời Chúa nói rằng “thủ lãnh thế gian này đã bị xét xử rồi.”
Ngài nhấn mạnh rằng ngay cả khi ma quỷ đã bị đánh bại và đang giãy chết, nó vẫn có sức mạnh và khả năng tài tình để quyến rũ. Nó hứa hẹn đủ mọi thứ, nó mang cho chúng ta nhiều món quà đóng gói đẹp mắt nhưng không cho biết bên trong là cái gì.
Đức Thánh Cha đã so sánh ma quỷ với con cá sấu đang giãy chết mà những người thợ săn khuyên chúng ta đừng có tới gần vì nó vẫn có thể quật chúng ta chết bằng cái đuôi của nó. Vì thế, ma quỷ rất nguy hiểm, những đề nghị của nó hoàn toàn gian dối và chúng ta lại ngu dại tin vào nó.
Đức Thánh Cha mô tả ma quỷ là cha của dối trá, nó nói hay lắm, nó có thể ca hát để đánh lừa và dù là kẻ thua cuộc nó lại múa may giống như người chiến thắng. Ánh sáng của nó lấp lánh như pháo hoa, bùng sáng rồi vụt tắt trong giây lát. Trong khi đó, ánh sáng của Thiên Chúa thì “dịu dàng và bền vững muôn đời.”
Đức Thánh Cha nói rằng ma quỷ biết cách quyến rũ chúng ta vì thói phù hoa và tò mò của chúng ta và chúng ta lại thích có mọi thứ, thế là rơi vào cám dỗ. Dù biết rằng một ý nghĩ, một ước muốn hay một động thái nào đó là nguy hiểm, chúng ta vẫn cứ ở đó, vẫn cứ sấn tới với ma quỷ là con chó điên dù bị xích, nó vẫn có thể cắn chúng ta.
Đức Thánh Cha khuyên chúng ta đừng giống như bà E-và cứ tưởng mình là một nhà “thần học vĩ đại” có thể đối thoại với ma quỷ và rồi đã sa ngã. Ngài nói rằng chúng ta không bao giờ được nói chuyện với ma quỷ bởi vì nó sẽ thắng, nó thông minh hơn chúng ta. Trái lại, Chúa Giêsu trong sa mạc đã dùng Lời Chúa để đối lại với ma quỷ, để xua đuổi chúng, có lúc nó hỏi tên Người nhưng Người không thèm trả lời nó.
Trong phần kết luận, Đức Thánh Cha đã nhắc lại lời khuyên của Chúa Giêsu là hãy cầu nguyện, tỉnh thức, thống hối và chay tịnh. Chúng ta cũng phải làm như thế, và đừng bao giờ nói chuyện với ma quỷ. Trong giây phút bị cám dỗ, chúng ta hãy chạy đến cùng Mẹ, như một đứa con chạy đến cùng mẹ mình lúc sợ hãi. Đức Thánh Cha nói rằng theo các nhà thần bí người Nga, trong những lúc nguy biến tinh thần, chúng ta hãy tìm nương tựa dưới tà áo của Mẹ Thiên Chúa.
2. Ngôn ngữ tình yêu
Sáng thứ Năm 10 tháng 5, Đức Thánh Cha đã dành 5 tiếng đồng hồ để viếng thăm hai cộng đoàn đặc biệt thuộc giáo phận Grossetto và Fiesole ở miền trung Italia: đó là Nomadelfia và Loppiano.
Nomadelfia, có nghĩa là “Luật huynh đệ” được Cha Zeno Saltini thành lập cách đây 70 năm, qui tụ những người sống theo kiểu mẫu các cộng đoàn Kitô tiên khởi như được mô tả trong sách Tông Đồ công vụ (4,32): “Đông đảo những người trở thành tín hữu đều một lòng một ý với nhau, và không ai coi tài sản của mình là của riêng, nhưng tất cả được để làm của chung”.
Tại Nomadelfia hiện nay, một khu vực rộng 4 cây số vuông, các gia đình sống trong những căn nhà nhỏ, nhưng sinh hoạt trong căn nhà chung, cùng với 3, 4 gia đình, trong tinh thần huynh đệ, đùm bọc lẫn nhau. Người già trở thành ông bà nội của tất cả các trẻ em trong nhóm. Con cái cũng được các bà mẹ săn sóc chung khi một bà mẹ phải vắng mặt.
Trong bài huấn dụ, Đức Thánh Cha mô tả Nomadelphia, Cộng đoàn luật huynh đệ, là một “thực tại có tính chất ngôn sứ, nhắm thực hiện một nền văn minh mới, thực thi Tin Mừng như một hình thức cuộc sống tốt đẹp”. Ngài nói:
“Cha Zeno đã hiểu rằng ngôn ngữ duy nhất mà những người đang sống trong tình cảnh khó khăn cơ cực hiểu được, đó là ngôn ngữ tình thương. Vì thế cha đã biết tìm ra một hình thức xã hội đặc biệt, trong đó không có chỗ cho sự cô lập hoặc cô đơn, nhưng theo nguyên tắc cộng tác giữa các gia đình khác nhau, tại đây các thành viên nhìn nhận nhau là anh chị em trong đức tin”.
Trong số những nét đặc thù của Nomadelphia, Đức Thánh Cha nói: “Tôi cũng muốn nhấn mạnh một dấu chỉ ngôn sứ khác, có tình nhân đạo rất lớn của cộng đoàn này, đó là sự quan tâm thương mến đối với những người già, cả khi họ không còn sức khỏe tốt, họ tiếp tục ở lại trong gia đình và được anh chị em trong toàn cộng đoàn nâng đỡ. Anh chị em hãy tiếp tục con đường này, thể hiện kiểu mẫu tình huynh đệ, kể cả qua những công việc và dấu chỉ cụ thể, trong nhiều bối cảnh mà đức bác ái Tin Mừng kêu gọi anh chị em, nhưng luôn luôn giữ tinh thần của Cha Zeno, muốn một cộng đoàn Nomadelphia “nhẹ nhàng” và chỉ có những cơ cấu nòng cốt. Đứng trước một thế giới nhiều khi thù nghịch đối với các lý tưởng được Chúa Kitô rao giảng, anh chị em đừng do du đáp lại bằng chứng tá vui tươi và thanh thản trong cuộc sống chúng ta theo Tin Mừng”.
Kết thúc diễn từ của ngài, Đức Thánh Cha nhắn nhủ rằng: “Anh chị em hãy tiếp tục lối sống này, tín thác nơi sức mạnh của Tin Mừng và Chúa Thánh Linh, qua chứng tá Kitô trong sáng của anh chị em”
3. Bốn cuộc hiện ra của Đức Mẹ được Tòa Thánh chính thức công nhận
Kính thưa quý vị và anh chị em.
Mặc dù người Công Giáo không bắt buộc phải tin vào bất kỳ mặc khải riêng nào, ngay cả những mặc khải riêng đã được Tòa Thánh công nhận, các cuộc hiện ra và thông điệp của Đức Mẹ đã được Giáo Hội chấp thuận để cổ vũ lòng sùng kính của người dân địa phương hay toàn thể Giáo Hội phổ quát. Sự chấp thuận này được thực hiện vì lợi ích của các tín hữu, khích lệ họ trên con đường tiến tới sự thánh thiện.
Để được Tòa Thánh công nhận các cuộc hiện ra và các thông điệp phải qua nhiều giai đoạn điều tra. Một tài liệu của Vatican được công bố vào năm 1978 mô tả chi tiết các bước cần thiết để công nhận một mặc khải riêng. Sau khi các bước đó được hoàn thành, vào những dịp nhất định, Tòa Thánh mới công bố về một sự hiện ra hay về một thông điệp cụ thể xét thấy là có tính phổ quát và có ơn ích cho toàn thể Giáo Hội.
Giai đoạn điều tra ban đầu đòi hỏi phải có sự chấp thuận của giám mục địa phương, là đấng bản quyền của giáo phận nơi xảy ra biến cố.
Quá trình sau đó là một vấn đề tinh tế mà Giáo Hội tiến hành một cách cẩn thận, xem xét những mạc khải tư rất khắt khe trước khi đưa ra bất kỳ sự phán đoán nào, vì Giáo Hội không muốn dẫn dắt bất cứ ai lạc lối khỏi đức tin chân thật.
Tuần này Như Ý xin trình bày về hai mặc khải tư xảy ra tại Pháp đã được Toà Thánh chấp thuận. Trong chương trình tuần tới Như Ý sẽ xin trình bày thêm về hai mặc khải tư xảy ra tại Ba Lan và Lithuania.
Mặc khải tại Laus, bên Pháp
Tháng 5 năm 1664, một thiếu nữ trẻ tuổi tên là Benoite Rencurel đột nhiên thấy một phụ nữ tuyệt đẹp đang ôm một đứa trẻ. Những cuộc hiện ra như thế kéo dài trong suốt một năm. Trong đời cô, cô còn được thấy nhiều thị kiến khác. Sứ điệp chính trong các lần hiện ra này là Đức Maria kêu gọi thế giới ăn năn và hoán cải, hòa giải với Thiên Chúa và với nhau. Các cuộc hiện ra đã được Đức Giám Mục địa phương công nhận vào năm 1665 và được Vatican công nhận chính thức vào năm 2008.
Mặc khải tại Rue du Bac, Paris, bên Pháp
Ngày 19 tháng 7 năm 1830, đêm trước lễ Thánh Vincent de Paul, nữ tu trẻ Catherine Labouré tỉnh dậy sau khi nghe thấy tiếng nói của một đứa trẻ gọi chị đến nhà nguyện. Đến nơi chị nghe tiếng Đức Trinh Nữ Maria nói với chị, “Thiên Chúa muốn trao cho con một nhiệm vụ. Con sẽ là cớ cho người ta chống báng, nhưng đừng sợ, con sẽ có ân sủng để làm những gì cần thiết. Con hãy nói với cha linh hướng của con tất cả những gì được truyền cho con bạn. Đây là thời điểm đầy tội lỗi và những sự gian ác ở Pháp và trên thế giới.”
Ngày 27 tháng 11 năm 1830, Catherine báo cáo rằng Đức Mẹ đã trở lại sau giờ kinh tối. Đức Mẹ hiện ra trong một khung hình bầu dục, đứng trên một quả địa cầu. Mẹ đeo nhiều trên tay các chiếc nhẫn chiếu tỏa những tia sáng trên quả địa cầu. Xung quanh khung hình có dòng chữ “Ô Marie, conçue sans péché, priez pour nous qui avons recours à vous” (nghĩa là “Lạy Mẹ Maria, được hoài thai vô nhiễm nguyên tội, xin cầu cho chúng con là những kẻ chạy đến cùng Mẹ”).
Sau đó, khung hình bầu dục quay ngược lại và Catherine thấy một vòng tròn 12 ngôi sao, bên trong có một chữ “M” lớn, đè lên cây thập tự, với một thanh ngang dưới chân. Chữ “M” được hiểu là chữ viết tắt của danh thánh Maria. Phía dưới có hình Trái Tim Chúa Giêsu bị vòng gai bao quanh và trái tim Mẹ Người bị một thanh gươm đâm thấu.
Catherine kể lại với linh mục linh hướng của mình về cuộc hiện ra, xin ngài đúc một mề đay và những người đeo nó sẽ nhận được nhiều ân sủng.
Sau hai năm âm thầm điều tra, vị linh mục linh hướng mới đem câu chuyện này trình lên Đức Tổng Giám Mục Paris. Vị giám mục tỏ ra có thiện cảm với câu chuyện và mề đay Đức Mẹ Ban Ơn được sản xuất hàng loạt bởi thợ kim hoàn Adrien Vachette.
Một trong những phép lạ tiêu biểu liên quan đến mẫu ảnh Đức Mẹ Ban Ơn xảy ra vào năm 1841, đó là sự hoán cải của Alphonse Ratisbonne. Ông là một người lăng mạ và thù ghét đạo Công Giáo. Sau khi bị thuyết phục khá lâu, Ratisbone đã miễn cưỡng đeo mề đay và đọc kinh. Và khi Alphonse đi vào nhà thờ thánh Anrê delle Frate để sắp xếp tang lễ cho một người bạn thân, Alphonse đã thấy thị kiến Đức Maria như trong mề đay đang đeo. Ông ta đã được ơn hoán cải ngay lập tức và xin lãnh bí tích Rửa tội sau đó trở thành một linh mục.
Năm 1876, Catharine qua đời. Năm 1933, xác cô được khai quật để phong chân phước và đặt trong Nhà nguyện Nhà Mẹ của các Nữ Tử Bác Ái ở Rue du Bac Paris,Pháp và trở thành một địa điểm thăm viếng của hàng ngàn người Công Giáo mỗi năm.
Biểu tượng này cũng được Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II sửa đổi một chút để thành huy hiệu Giáo hoàng của ngài: một cây thánh giá đơn giản với một chữ M nằm dưới, bên phải, có nghĩa là Maria đứng dưới chân cây thập giá khi Chúa Giêsu bị đóng đinh.
4. Cái lưỡi là đá thử vàng tình yêu của chúng ta.
Chiều Chúa Nhật, ngày 6 tháng Năm, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến thăm giáo xứ Thánh Thể, một giáo xứ ở Tor de’Schiavi, khu vực phía đông của thành phố Roma. Trong Thánh Lễ, Ngài đã nhắn nhủ các tín hữu trong giáo xứ rằng cố gắng đừng nói xấu kẻ khác. Cách chữa bệnh này rất dễ dàng và trong tầm với của mọi người là hãy cắn vào lưỡi của anh chị em. Chắc chắn là nó sẽ xưng lên đau đớn nhưng nó sẽ giúp anh chị em tránh nói xấu kẻ khác.
Đức Thánh Cha đã diễn giải Lời của Chúa Kitô “Hãy ở lại trong Thày” trong Phúc Âm Thánh Gioan về lời mời gọi hãy yêu như Chúa Giêsu yêu, nghĩa là phục vụ và chăm sóc cho người khác.
Tình yêu diễn tả không chỉ bằng lời nói, mà bằng hành động cụ thể. Giống như người mẹ cho con bú và thay tã khi đứa trẻ khóc. Cũng giống như thế, mỗi người hãy nên nghĩ về việc chăm sóc cho những người khác trong gia đình, trong khu xóm và trong nơi làm việc.
Về điều này, Đức Thánh Cha tỏ ra hài lòng với “Ngôi nhà Niềm Vui” dành cho những trẻ em khuyết tật mà trước đây ngài đã đến làm phép khánh thành. Ngài nói rằng cũng có thể gọi tên là “Ngôi nhà Tình Yêu”.
Trong Thánh Lễ, Đức Thánh Cha đã ban phép Thêm Sức cho bé gái mười hai tuổi là Maya, em bị chứng thoái hóa ty lập thể và cho cả mẹ của em là Paola Desideri.
Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh rằng không phải chúng ta nhưng Thiên Chúa đã yêu chúng ta trước bằng cách sai Con Một của Người xuống trần gian. Tương tự như thế chúng ta cũng phải là người đi bước trước trong việc thể hiện tình yêu.
Một trong cách để yêu là tránh ngồi lê mách nẻo hay nói xấu người khác vì nói xấu không phải là yêu thương. Và “đá thử vàng của tình yêu là cái lưỡi. Cái lưỡi cũng chính là “nhiệt kế” để biết nhiệt độ tình yêu của con.”