Từ thời xa xưa Giáo Hội Roma đã có truyền thống cử hành lễ trọng kính hai thánh Tông Đồ Phêrô Phaolô trong cùng một ngày. Tiếp tục truyền thống đó, lúc 9:30 sáng thứ Năm 29 tháng Sáu, Đức Thánh Cha đã chủ sự thánh lễ tại quảng trường Thánh Phêrô. Dịp này, ngài cũng làm phép dây Pallium cho các vị Tổng Giám Mục chính tòa được bổ nhiệm trong 12 tháng qua.
Trong bài giảng Đức Thánh Cha nói:
Phụng vụ hôm nay mang lại cho chúng ta ba từ cần thiết cho cuộc sống của một tông đồ: tuyên xưng, bách hại và cầu nguyện.
Tuyên xưng. Thánh Phêrô tuyên xưng niềm tin nơi Tin Mừng, khi câu hỏi của Chúa chuyển từ khái quát đến cụ thể. Lúc đầu, Chúa Giêsu hỏi: “Người ta nói Con Người là ai?” (Mt 16:13). Kết quả của cuộc “thăm dò” này cho thấy rằng Chúa Giêsu được nhiều người xem là một tiên tri. Sau đó vị Thầy đặt câu hỏi có tính quyết định với các môn đệ của mình: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” (V. 15). Lúc này, Phêrô lên tiếng: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” (câu 16.). Tuyên xưng đức tin có nghĩa là thế này: là thừa nhận Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế chúng ta vẫn hoài mong, là Thiên Chúa hằng sống, và là Chúa trong cuộc sống của chúng tôi.
Hôm nay Chúa Giêsu đặt câu hỏi quan trọng này đối với chúng ta, với mỗi người chúng ta, và đặc biệt với những ai trong chúng ta là những mục tử. Đó là câu hỏi quyết định. Nó không cho phép cho một câu trả lời cho qua chuyện, vì câu trả lời ấy tác động lên toàn bộ cuộc sống của chúng ta. Câu hỏi sinh tử đòi hỏi một phản hồi sinh tử. Vì biết cho nhiều những đề mục về đức tin cũng chẳng có ơn ích gì nếu chúng ta không tuyên xưng Đức Giêsu là Chúa của cuộc sống chúng ta. Hôm nay, Ngài đang nhìn thẳng vào chúng ta và hỏi: “Ta là ai đối với con?” Như thể muốn nói: “Có phải Ta vẫn là chủ tể cuộc sống của con, là sự khao khát trong trái tim con, là lý do cho niềm hy vọng của con, là nguồn mạch của niềm tin không lay chuyển của con hay không?” Cùng với Thánh Phêrô, ngày hôm nay chúng ta cũng làm mới lựa chọn sinh tử của chúng ta là trở thành những môn đệ và tông đồ của Chúa Giêsu. Cầu xin cho chúng ta cũng vượt được câu hỏi đầu tiên của Chúa Giêsu để đến câu thứ hai, để trở nên của ‘riêng Ngài’ không chỉ trong lời nói, nhưng còn trong hành động của chúng ta và trong cuộc sống của chúng ta.
Chúng ta hãy tự hỏi xem liệu chúng ta chỉ là các Kitô hữu trên môi miệng, những người thích tán gẫu về cách mọi thứ đang diễn ra trong Giáo Hội và thế giới, hay chúng ta là những tông đồ hăng say, là những người tuyên xưng Chúa Giêsu bằng chính cuộc sống mình vì chúng ta có Chúa trong trái tim chúng ta. Những người tuyên xưng Chúa Giêsu biết rằng họ không đơn giản chỉ thực hiện một lựa chọn nhưng trao ban chính mạng sống của mình. Họ biết rằng họ không tin một cách hững hờ nhưng với một tình yêu “rực lửa”. Họ biết rằng họ không thể chỉ “thả nổi trên mặt nước” hoặc chọn lối thoát dễ dàng, nhưng phải mạo hiểm ra chỗ nước sâu, đổi mới hàng ngày sự tự hiến chính mình. Những người tuyên xưng đức tin vào Chúa Giêsu làm như Thánh Phêrô và Thánh Phaolô đã làm: họ theo Ngài đến cùng – không chỉ là theo một phần con đường thôi, nhưng là cho đến tận cùng. Họ đi theo Chúa với đường lối của Ngài, chứ không phải theo đường lối của họ. Đường lối của Người là cuộc sống mới, niềm vui và sự phục sinh của Ngài; nhưng đó cũng là con đường ngang qua thập giá và bách hại.
Như thế, chúng ta đến với từ thứ hai là bách hại. Thánh Phêrô và Thánh Phaolô đã đổ máu vì Chúa Kitô, nhưng cộng đồng tiên khởi như một tổng thể cũng đã trải qua bách hại, như Sách Tông Đồ Công vụ vừa nhắc nhở chúng ta (xem 12: 1). Hôm nay cũng thế, ở nhiều nơi trên thế giới, đôi khi trong im lặng – thường là một sự im lặng đồng lõa – một con số đông đảo các Kitô hữu đang bị gạt ra ngoài lề, bị phỉ báng, bị phân biệt đối xử, gánh chịu bạo lực và thậm chí chịu tử vong, mà thường khi chẳng có một sự can thiệp thỏa đáng nào từ phía những người có thể bảo vệ những quyền bất khả xâm phạm của họ.
Ở đây, tôi đặc biệt muốn nhấn mạnh những điều đã được Thánh Tông Đồ Phaolô đề cập trước đây, nói theo từ ngữ của thánh nhân, là “bị đổ ra làm lễ hy tế” (2 Tim 4: 6). Đối với ngài, sống là Đức Kitô (x Phil 1:21), là Chúa Kitô chịu đóng đinh (1 Cor 2: 2), Đấng đã hiến mạng cho ngài (x Gal 2:20). Là một môn đệ trung thành, Thánh Phaolô, vì thế, tiếp bước theo Thầy và dâng hiến mạng sống của mình. Không có thập giá, thì không có Đấng Kitô, nhưng không có thập giá, thì cũng chẳng có Kitô hữu. Vì “nhân đức Kitô không chỉ là làm tốt mà thôi, nhưng còn là chịu đựng sự ác nữa” (Augustinô, Bài Giảng. 46,13), ngay cả đến mức như Chúa Giêsu đã làm. Chịu đựng sự ác không phải chỉ đơn giản là kiên nhẫn và thoái lui; nó có nghĩa là bắt chước Chúa Giêsu, vác lấy gánh nặng của chúng ta, mang vác trên vai vì thiện ích của mình và tha nhân. Nó có nghĩa là chấp nhận thập giá, tiến bước trong niềm tin tưởng rằng chúng ta không đơn độc: Chúa chịu đóng đinh và đã phục sinh đứng về phía chúng ta. Như vậy, cùng với Thánh Phaolô, chúng ta có thể nói rằng “chúng tôi bị dồn ép tư bề, nhưng không bị đè bẹp; hoang mang, nhưng không tuyệt vọng; bị ngược đãi, nhưng không bị bỏ rơi; bị quật ngã, nhưng không bị tiêu diệt” (2 Cor 4: 8-9).
Chịu đựng sự ác có nghĩa là vượt qua nó cùng với Chúa Giêsu, và theo cách riêng của Chúa Giêsu, mà không phải theo đường lối thế gian. Đây là lý do tại sao Thánh Phaolô – như chúng ta nghe – coi mình là người chiến thắng đang sắp nhận vương miện của mình (x 2 Tim 4: 8). Thánh Phaolô viết: “Tôi đã đấu trong cuộc thi đấu cao đẹp, đã chạy hết chặng đường, đã giữ vững niềm tin” (câu 7.). Bản chất của “cuộc thi đấu cao đẹp” của ngài là ngài sống không phải cho chính mình, nhưng cho Chúa Giêsu và cho tha nhân. Ngài đã dành cuộc sống của mình để “chạy đua”, không giữ lại điều gì nhưng cho đi tất cả. Ngài nói với chúng ta rằng chỉ có một điều mà ngài “giữ” lại: Không phải là sức khỏe của ngài, nhưng là đức tin của ngài, là sự tuyên xưng Chúa Kitô của ngài. Vì tình yêu, ngài đã trải qua gian truân, nhục nhã và đau khổ, là những điều dù chẳng bao giờ cầu mong nhưng khi xảy đến luôn luôn sẵn sàng chấp nhận. Trong mầu nhiệm đón nhận đau khổ vì tình yêu, được thể hiện ngày qua ngày bởi rất nhiều người trong anh chị em chúng ta đang bị bách hại, bần cùng và đau yếu, quyền năng cứu độ của thập giá Chúa Giêsu sáng chói.
Từ thứ ba là cầu nguyện. Cuộc sống của một tông đồ, tuôn chảy từ lời tuyên xưng đến sự tự hiến, là một trong những lời cầu nguyện liên lỉ. Cầu nguyện là nước cần thiết để nuôi dưỡng niềm hy vọng và làm gia tăng lòng trung tín. Cầu nguyện làm cho chúng ta cảm thấy được yêu và chúng ta có thể đáp lại bằng tình yêu. Nó làm cho chúng ta tiến về phía trước ngay cả trong những khoảnh khắc đen tối vì cầu nguyện mang lại ánh sáng của Thiên Chúa. Trong Giáo Hội, lời cầu nguyện nâng đỡ chúng ta và giúp chúng ta vượt qua khó khăn. chúng ta thấy điều này trong bài đọc I: “Đang khi ông Phêrô bị giam giữ như thế, thì Hội Thánh không ngừng dâng lên Thiên Chúa lời cầu nguyện khẩn thiết cho ông.” (Cv 12: 5). Một Giáo Hội cầu nguyện được Chúa trông nom và chăm sóc. Khi chúng ta cầu nguyện, chúng ta phó thác cuộc sống của chúng ta cho Ngài và cho sự chăm sóc yêu thương của Ngài. Cầu nguyện là năng lượng và là sức mạnh duy trì và đoàn kết chúng ta, là phương dược khắc phục sự cô lập và tự mãn dẫn đến cái chết về tinh thần. Thánh Linh sự sống không thở hơi trừ khi chúng ta cầu nguyện; không cầu nguyện, những nhà tù bên trong đang giam cầm chúng ta không thể nào có thể được mở khóa.
Cầu xin cho hai Thánh Tông Đồ đầy ơn phúc mang đến cho chúng ta một trái tim giống như các ngài, mệt nhọc nhưng bình an, nhờ những lời cầu nguyện. Mệt mỏi, vì thường xuyên phải hỏi han, gõ cửa và can thiệp, bị đè nặng bởi quá nhiều người và cơ man những tình huống cần phải được giao lại cho Chúa; nhưng bình an, vì Chúa Thánh Thần mang lại niềm an ủi và sức mạnh khi chúng ta cầu nguyện. Giáo Hội cần một cách cấp bách biết bao các thầy dạy cầu nguyện, nhưng còn cần hơn nữa là chúng ta hãy trở nên những người nam nữ cầu nguyện, những người cả cuộc đời là một lời cầu nguyện!
Chúa đáp lại lời cầu nguyện của chúng ta. Ngài trung tín với tình yêu mà chúng ta đã khấn hứa với Ngài, và Ngài đứng bên cạnh chúng ta trong những lúc thử thách. Ngài đồng hành cùng các Tông Đồ, và Ngài sẽ làm như thế với anh em, những Hồng Y thân mến, đang quây quần tại nơi mà các Tông Đồ, đã tuyên xưng đức tin của mình bằng máu của các ngài. Chúa cũng sẽ gần gũi với các hiền huynh Tổng Giám Mục, là những người khi nhận dây pallium, sẽ được kiện cường để dành cuộc sống của mình cho đàn chiên, bắt chước Chúa Chiên Lành là Đấng mang vác anh em trên vai Ngài. Cầu xin cho cùng một Chúa, Đấng đang hoài mong được nhìn thấy đàn chiên của Ngài tập hợp lại với nhau, cũng ban phép lành và bảo vệ phái đoàn của Tòa Thượng phụ Đại kết, cùng với chư huynh thân yêu Barthôlômêô của tôi, là người đã gửi anh em đến đây như một dấu chỉ của sự hiệp thông tông đồ giữa chúng ta.