Video: Rước kiệu Mình Máu Thánh Chúa tại Thánh Đô Rôma và Bài giảng của Đức Thánh Cha trong Lễ Mình Máu Thánh Chúa 2017 tại Đền Thờ Thánh Gioan Latêranô

1. Rước kiệu Mình Máu Thánh Chúa tại Thánh Đô Rôma 

Quý vị và anh chị em đang theo dõi phóng sự đặc biệt về cuộc rước kiệu trọng thể Lễ Mình Máu Thánh Chúa tại Rôma. Như chúng tôi đã tường thuật, lúc 7h tối ngày Chúa Nhật 18 tháng 6, trước tiền đình Đền Thờ Thánh Gioan Latêranô, Đức Thánh Cha đã chủ sự Thánh Lễ Corpus Christi nghĩa là lễ kính Mình Máu Thánh Chúa.

Giờ đây Đức Thánh Cha sẽ chủ sự cuộc rước kiệu Mình Thánh Chúa cùng với hàng ngàn tín hữu tiến bước trên quãng đường Merulana dài hơn 1 cây số, từ Đền Thờ Thánh Gioan Latêranô hướng về Đền thờ Đức Bà Cả.

Những năm trước Đức Thánh Cha Phanxicô còn khoẻ ngài đi bộ cùng với đoàn rước suốt trên quảng đường hơn 1 cây số nhưng hai năm trở lại đây ngài phải đi xe đến Đền thờ Đức Bà Cả trước đoàn rước.

Mặt Nhật đang được một phó tế cung nghinh lên một chiếc kiệu. Đó là một nét mới trong cuộc kiệu năm nay.

Những năm dưới thời Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16, Mặt Nhật được cung nghinh lên một chiếc xe hơi trang trí rất long trọng và Đức Bênêđíctô thứ 16 kính cẩn quỳ ngay sau Mặt Nhật trên suốt đoạn đường.

Năm ngoái và năm trước nữa Mặt Nhật cũng được cung nghinh lên một chiếc xe hơi, trên xe có hai vị phó tế cung kính chắp tay nghiêm quỳ.

Như chúng tôi vừa nói Mặt Nhật được một phó tế cung nghinh lên một chiếc kiệu. Chiếc kiệu này có 4 người khiêng. Bên cạnh đó còn có 8 người cầm lọng che rất long trọng.

Các phó tế và chủng sinh của giáo phận Rôma đi đầu đoàn rước. Các linh mục của giáo phận Rôma trong áo dài trắng đeo dây stola đi thành nhóm sau đó. Rồi đến các vị Hồng Y và các vị trong giáo triều Rôma.

Sau đó là các hội đoàn, đoàn thể của giáo phận trong những bộ đồng phục tạo thành một đoàn rước rất đẹp mắt.

Để thấy đoàn rước đông đảo như thế nào chúng tôi xin nêu một chi tiết sau là khi nhóm đầu tiên đến Đền Thờ Đức Bà Cả rồi thì tại Đền Thờ Thánh Gioan Latêranô vẫn còn có những nhóm sau cùng đang bắt đầu rời khỏi đền thờ.

Chúng tôi nhận thấy Đức Hồng Y Vallini và Đức Cha Angelo De Donatis đi ngay sau chiếc kiệu.

Tưởng cũng nên nhắc lại là hôm thứ Sáu 26 tháng 5 Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm ngài làm giám quản thay cho Đức Hồng Y Vallini. Đức Hồng Y năm nay 77 tuổi, đã là giám quản Rôma kể từ năm 2008.

Đức Giáo Hoàng là vị giám mục Rôma, nhưng trách nhiệm của ngài quá rộng lớn nên ngài cần một vị đại diện để bảo đảm việc chăm sóc mục vụ thích đáng cho giáo phận Rôma.

Với việc bổ nhiệm này, Đức Giáo Hoàng tự động nâng Đức Cha Angelo De Donatis, hiện là giám mục phụ tá Rôma lên hàng tổng giám mục. Ngài sẽ là một trong những vị được nhận dây Pallium vào ngày 29 tháng 6 tới đây nhân lễ hai thánh Phêrô và Phaolô Tông Đồ và sẽ chính thức thay thế công việc của Đức Hồng Y Agostino Vallini vào ngày hôm đó.

Dọc đường, ca đoàn đảm trách các bài thánh ca, xen lẫn những lời cầu nguyện. Đoàn rước tiến hành trong 45 phút tới Đền thờ Đức Bà Cả. Tại đây, Đức Thánh Cha và mọi người đã hát kinh Tantum ergo và ngài ban Phép lành Mình Thánh Chúa cho các tín hữu. Trước khi rời lễ đài, Đức Thánh Cha đã cầu nguyện trước ảnh Đức Mẹ là Phần Rỗi của dân Roma.

2. Bài giảng của Đức Thánh Cha trong Lễ Mình Máu Thánh Chúa 2017 tại Đền Thờ Thánh Gioan Latêranô

Lúc 7 giờ chiều Chúa Nhật 19-6-2014, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự thánh lễ kính Mình Máu Thánh Chúa tại thềm Đền thờ thánh Gioan Laterano.

Tham dự thánh lễ, có đông đảo các Hồng Y và Giám Mục, cùng với các vị Giám Chức, linh mục và hàng chục ngàn tín hữu.

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha nói:

Trong ngày Lễ Trọng Kính Mình Máu Thánh Chúa này, ý tưởng về ký ức được nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Moses nói với mọi người:

“Anh em phải nhớ lại tất cả con đường mà Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, đã dẫn anh em đi. Anh em đừng quên Đức Chúa, Đấng đã dưỡng nuôi anh em bằng man-na trong sa mạc” (Đnl 8: 2, 14, 16). Chúa Giêsu sẽ nói với chúng ta: “Hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy” (1 Cor 11:24). “Bánh hằng sống từ trời xuống” (Ga 6:51) là một bí tích của ký ức, nhắc nhở chúng ta, một cách thực tế và hữu hình, về tình yêu mà Thiên Chúa dành cho chúng ta.

Ngày hôm nay, lời Chúa nói với mỗi người chúng ta, Hãy nhớ! Việc tưởng nhớ đến những việc Chúa làm đã hướng dẫn và củng cố cuộc hành trình của dân Chúa qua sa mạc; ghi nhớ tất cả những gì Chúa đã làm cho chúng ta là nền tảng của lịch sử ơn cứu độ cá nhân của mỗi người chúng ta. Ghi nhớ là điều cần thiết cho đức tin, như nước cho cây. Một cây thiếu nước thì không thể sống và đơm hoa kết trái được. Đức tin cũng không thể tồn tại được trừ khi đức tin của chúng ta có thể uống sâu sắc từ ký ức tất cả những gì Chúa đã làm cho chúng ta.

Hãy ghi nhớ. Ký ức là quan trọng, vì ký ức cho phép chúng ta sống trong tình yêu, minh mẫn, không bao giờ quên Đấng yêu thương chúng ta và mời gọi chúng ta đáp lại với tình yêu. Tuy nhiên, ngày nay, khả năng đặc biệt mà Chúa ban cho chúng ta này đang suy yếu đáng kể. Giữa cơ man những hoạt động quay cuồng, nhiều người và nhiều sự kiện dường như chỉ thoáng qua vù một cái. Chúng ta nhanh chóng lật qua trang khác, tìm kiếm sự mới mẻ trong khi không thể lưu lại chút gì trong tâm tư. Bỏ ký ức của chúng ta sau lưng và chỉ sống phút hiện tại, chúng ta có nguy cơ hơn bao giờ là chỉ nhìn bề mặt của sự vật, thường xuyên thay đổi liên tục, mà không tiến sâu hơn, không có tầm nhìn rộng hơn để có thể nhắc nhở cho chúng ta biết chúng ta là ai và chúng ta đang đi về đâu. Thành thử, cuộc sống của chúng ta trở thành manh mún, và thiếu sâu sắc bên trong.

Tuy nhiên, ngày Lễ Trọng hôm nay nhắc nhở chúng ta rằng trong cuộc sống bị phân mảnh của chúng ta, Chúa đến gặp gỡ chúng ta với một sự “mong manh” khả ái, là Thánh Thể. Nơi Bánh Hằng Sống, Chúa đến với chúng ta, tự hiến chính Ngài thành của ăn khiêm tốn âu yếm chữa lành ký ức của chúng ta, bị thương tổn bởi nhịp sống quay cuồng. Bí tích Thánh Thể là sự tưởng nhớ đến tình yêu Thiên Chúa. Trong đó, “đau khổ [của Chúa Kitô] được kính nhớ” (Kinh Chiều II, ca vịnh Magnificat) và chúng ta nhớ lại tình yêu của Thiên Chúa dành cho chúng ta, mang đến cho chúng ta sức mạnh và sự nâng đỡ trong cuộc hành trình của chúng ta. Vì thế tưởng niệm Thánh Thể đem lại biết bao những điều thiện hảo cho chúng ta: đó không phải là một ký ức trừu tượng, lạnh lùng và hời hợt, nhưng là một kỷ niệm sống động trong đó tình yêu của Thiên Chúa an ủi chúng ta. Thánh Thể được pha thêm hương vị với Lời Chúa và những hành động của Người, hương vị của cuộc Thương Khó, và hương thơm của Thánh Linh. Khi đón nhận Thánh Thể, trái tim chúng ta tràn ngập với xác tín về tình yêu của Chúa Giêsu. Khi nói điều này, cha nghĩ cách riêng đến những bé trai, bé gái, vừa được Rước Lễ Lần Đầu, và đang hiện diện đông đảo nơi đây.

Bí tích Thánh Thể mang lại cho chúng ta một ký ức biết ơn, vì Thánh Thể cho chúng ta thấy rằng chúng ta là con của Cha, là Đấng yêu thương và nuôi dưỡng chúng ta. Thánh Thể mang đến cho chúng ta một ký ức tự do, vì tình yêu và sự tha thứ của Chúa Giêsu chữa lành những vết thương của quá khứ, làm phôi pha ký ức về những sai trái chúng ta đã trải qua và đã gây ra. Thánh Thể đem đến cho chúng ta một ký ức nhẫn nại, vì giữa chập chùng những gian truân, chúng ta biết rằng Thần Khí của Chúa Giêsu vẫn ở lại trong chúng ta. Bí tích Thánh Thể khích lệ chúng ta: ngay cả trên những nẻo đường gập ghềnh nhất, chúng ta không cô đơn; Chúa không quên chúng ta và bất cứ khi nào chúng ta hướng về Ngài, Ngài sẽ phục hồi chúng ta bằng tình yêu của Ngài.

Bí tích Thánh Thể cũng nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta không phải là những cá nhân biệt lập, nhưng là một thân thể. Khi dân tụ tập cùng nhau trong sa mạc, man-na rơi xuống từ trời và người ta chia sẻ man-na trong gia đình của họ (x Xh 16), cũng thế Chúa Giêsu, là Bánh từ Trời xuống, kêu gọi chúng ta hội họp cùng nhau để đón nhận Người và chia sẻ Người với nhau. Bí tích Thánh Thể không phải là một bí tích “cho tôi”; đó là bí tích cho nhiều người, là những người hình thành nên cùng một thân thể. Thánh Phaolô nhắc nhở chúng ta về điều này: “Bởi vì chỉ có một tấm Bánh, và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một Bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể.” (1 Cor 10:17). Bí tích Thánh Thể là bí tích của sự hiệp nhất. Những ai đón nhận Thánh Thể phải trở thành một người kiến tạo tình đoàn kết, và sự hiệp nhất, vì xây dựng sự hiệp nhất đã trở thành một phần trong “DNA tinh thần” của người ấy. Cầu xin cho Bánh hiệp nhất này chữa lành tham vọng của chúng ta muốn làm chúa tể những người khác, muốn tham lam vơ vét mọi thứ cho bản thân, muốn kích động bất hòa và chỉ trích. Xin cho Thánh Thể thức tỉnh trong chúng ta niềm vui được sống trong tình yêu, không có sự ganh đua, đố kỵ hay ngồi lê đôi mách.

Giờ đây, khi cử hành Bí Tích Thánh Thể này, chúng ta hãy yêu mến và cảm tạ Chúa vì ân sủng vĩ đại này: đó là tưởng niệm sống động tình yêu của Người, trong đó chúng ta trở thành một thân thể duy nhất và dẫn chúng ta đến sự hiệp nhất.

Bản dịch Việt Ngữ của J.B. Đặng Minh An

 

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *