1. Giữ gìn ký ức về những gì Chúa đã làm
Hãy giữ gìn ký ức về lịch sử ơn cứu rỗi. Khi anh chị em “quay lưng” đi với chính tâm hồn mình, anh chị em có nguy cơ có một “trái tim không có la bàn”. Đức Thánh Cha đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Năm mùng 7 tháng Ba tại nhà nguyện Santa Marta. Đây là thánh lễ đầu tiên trong Mùa Chay được cử hành tại nhà nguyện này.
Bài giảng của Đức Thánh Cha đã tập trung vào ba cụm từ chính từ bài đọc Một trong ngày, được trích từ sách Đệ Nhị Luật. Để chuẩn bị cho họ tiến vào Đất Hứa, ông Môisê đặt ra trước dân một thử thách, thực tế, là một lựa chọn giữa sự sống và cái chết. Đức Thánh Cha Phanxicô giải thích rằng: “Đó là một lời mời gọi hướng đến tự do của chúng ta,” là lời cảnh tỉnh về những hậu quả nếu anh chị em “quay lưng lại với con tim mình”; nếu anh chị em “không muốn lắng nghe”; và nếu anh chị em “lầm đường lạc lối đi tôn thờ và phục dịch các vị thần khác”.
Khi anh chị em “quay lưng lại với con tim mình”, khi anh chị em chọn những nẻo đường không đúng – hoặc là đi sai hướng hoặc là đi theo một con đường hoàn toàn khác, chứ không phải là đường ngay nẻo chính – anh chị em mất cảm giác về phương hướng, anh chị em lầm đường lạc lối. Và một trái tim không có la bàn là một mối nguy hiểm công cộng: đó là mối nguy hiểm cho chính người đó và cho những người khác. Và một con tim có nguy cơ sẽ đi theo con đường sai lầm này khi nó không biết lắng nghe, khi nó cho phép mình lạc xa chính lộ, bị các thứ thần dữ lôi đi, khi nó trở thành một kẻ thờ ngẫu tượng.
Tuy nhiên, thường thì chúng ta không có khả năng lắng nghe, Đức Thánh Cha cảnh giác. Có nhiều người “điếc đặc trong tâm hồn” – và “chúng ta cũng vậy, lúc này lúc khác chúng ta trở nên điếc lác trong tâm hồn, chúng ta không nghe thấy tiếng Chúa.” Ngài cảnh báo về “pháo hoa” muôn mầu muôn sắc đang níu kéo chúng lại, về “các vị thần giả” đang mời gọi chúng ta tôn thờ ngẫu tượng. Đây là mối nguy hiểm mà chúng ta phải đối mặt trên con đường “hướng về vùng đất đã hứa cho chúng ta: vùng đất gặp gỡ với Chúa Kitô phục sinh”. Mùa Chay “giúp chúng ta đi theo con đường này”, Đức Thánh Cha nói.
Cụm từ thứ hai, “không muốn lắng nghe” Lời Chúa – và những lời hứa mà Ngài đã thực hiện cho chúng ta. Điều này có nghĩa là mất đi ký ức. Đức Thánh Cha nói rằng khi chúng ta mất ký ức “về những điều vĩ đại mà Chúa đã làm trong cuộc sống của chúng ta, mà Ngài đã thực hiện cho Giáo Hội, và cho dân Ngài”, thì chúng ta quen dần với việc đi một mình, với sức mạnh của riêng mình, với não trạng tự túc của chúng ta. Vì thế, Đức Thánh Cha kêu gọi chúng ta bắt đầu Mùa Chay bằng cách xin “ân sủng ký ức”. Theo ngài, đây là điều mà Môisê khuyên người Do Thái làm trong bài đọc Một, đó là hãy nhớ tất cả những gì Chúa đã làm cho họ trên đường đi. Mặt khác, chúng ta phải cảnh giác rằng khi mọi chuyện đều êm đẹp, khi chúng ta cảm thấy hài lòng về mặt tinh thần, chúng ta có nguy cơ đánh mất “ký ức về cuộc hành trình”:
Sự hài lòng, thậm chí hài lòng về mặt tinh thần, có mối nguy hiểm này là nguy cơ mất đi những ký ức nhất định, quên đi những điều lẽ ra chúng ta phải luôn ghi nhớ. Tôi thấy như thế này tốt rồi, và tôi quên đi những gì Chúa đã làm trong cuộc đời tôi, tất cả những ân sủng mà Ngài đã ban cho tôi, và tôi tin rằng tất cả chỉ là nhờ vào công đức của riêng tôi. Và rồi trái tim bắt đầu quay đi, bởi vì nó không lắng nghe tiếng nói của chính trái tim: là ký ức. Xin Chúa ban cho chúng ta ân sủng của ký ức.
Đức Thánh Cha đã nhắc nhớ một đoạn tương tự, trong thư Thánh Phaolô gởi các tín hữu Do Thái, trong đó thánh nhân khuyên các tín hữu Do Thái hãy nhớ lại “những ngày xa xưa”. Đức Thánh Cha cảnh báo rằng “mất trí nhớ là một hiện tượng rất phổ biến. Ngay cả dân Israel cũng bị mất trí nhớ”. Hơn thế nữa, việc mất trí nhớ này là có chọn lọc. “Tôi nhớ những gì thuận tiện cho tôi bây giờ và tôi không nhớ bất cứ điều gì đe dọa tôi”. Chẳng hạn, dân Do Thái khi đi trong sa mạc thì nhớ rõ rằng Chúa đã cứu họ; họ không thể quên Ngài. Nhưng họ bắt đầu phàn nàn về tình trạng thiếu nước và thịt, và “nghĩ về những thứ họ đã có ở Ai Cập”. Đức Thánh Cha lưu ý rằng đây là một loại ký ức chọn lọc, bởi vì họ quên rằng những điều tốt đẹp mà họ có ở Ai Cập đã được ăn tại “bàn của những kẻ nô lệ”. Để tiến bước, chúng ta phải nhớ, chúng ta không được “quên lịch sử: lịch sử cứu độ, lịch sử cuộc đời tôi, lịch sử của Chúa Giêsu với tôi”. Ngài cảnh báo rằng chúng ta không được dừng lại, chúng ta không được quay đầu lại, chúng ta không thể bị các loại thần tượng lôi kéo đi.”
Ngài nhấn mạnh rằng thờ ngẫu tượng không chỉ có nghĩa là “đi đến một ngôi đền ngoại giáo và thờ cúng một bức tượng”.
Thờ ngẫu tượng là một thái độ của trái tim, khi anh chị em thích làm điều gì đó vì nó thoải mái hơn đối với mình, bất kể lệnh truyền của Chúa – thì chính xác là lúc đó chúng ta đã quên mất Chúa. Vào buổi đầu Mùa Chay này, thật là tốt nếu chúng ta nhớ đến những gì Chúa đã thực hiện trong cuộc đời ta: Ngài yêu ta như thế nào, Ngài bảo bọc ta ra sao. Và từ ký ức đó, chúng ta đi tiếp. Và cũng thật tốt khi nhắc lại lời khuyên của thánh Phaolô cho Timôthêô, người môn đệ yêu dấu của thánh nhân: “Hãy nhớ rằng Chúa Giêsu Kitô đã Phục sinh từ trong kẻ chết”. Tôi nhắc lại: “Hãy nhớ rằng Chúa Giêsu Kitô đã Phục sinh từ trong kẻ chết”. Hãy nhớ đến Chúa Giêsu, Đấng đã đến với tôi, và sẽ đồng hành cùng tôi cho đến lúc tôi nhìn thấy Ngài trong vinh quang. Xin Chúa ban cho chúng ta ân sủng để giữ gìn ký ức”.
2. Những điều kỳ thú về truyền thống các giáo sĩ Kitô Giáo để râu hay không để râu
Charles A. Coulombe là giáo sư lịch sử Kitô Giáo. Ông giảng dạy tại California Hoa Kỳ và tại nhiều trường Đại Học ở Anh quốc. Hôm thứ Tư Lễ Tro, giáo sư Coulombe đã đăng trên tờ Catholic Herald một nghiên cứu thú vị về một sự khác biệt giữa Công Giáo và Chính Thống Giáo.
Trong đoạn video này, thu được trong đoàn rước sám hối ngày Thứ Tư Lễ Tro năm nay tại Rôma, quý vị và anh chị em có thể thấy không có một vị Hồng Y nào để râu. Giáo sư Coulombe cho biết rằng trong Hồng Y đoàn hiện nay gồm có 223 vị, tính đến ngày 30 tháng Giêng 2019, chỉ có Đức Hồng Y Seán O’Malley, Tổng Giám Mục Boston, Hoa Kỳ là để râu.
Trong đoạn video tiếp theo này, thu được trong phiên họp khoáng đại của Chính Thống Giáo hồi tháng Sáu năm ngoái 2018, tình hình hoàn toàn ngược lại, hầu hết các Giám Mục và cả các linh mục Chính Thống Giáo đều để râu.
Hàng giáo sĩ nên để râu hay không nên để râu, theo giáo sư Coulombe đã là một tranh cãi kéo dài nhiều thế kỷ giữa hai Giáo Hội Đông và Tây.
Theo dòng lịch sử, hầu hết các dân tộc ở Trung Đông, chẳng hạn như người Do Thái, bộ râu được coi là dấu chỉ của sự sống, của sự sinh sôi. Trong khi đó, người La Mã đều cạo râu sạch sẽ. Cả hai dân tộc đều dè bỉu những người không làm như họ.
Trong các phim về cuộc thương khó của Chúa, Chúa Giêsu và các môn đệ của Ngài thường được miêu tả là để râu, trong khi người La Mã, mà chúng ta quen gọi là “quân dữ” là những kẻ “mày râu nhẵn nhụi áo quần bảnh bao”.
Lịch sử ghi nhận, Đại đế Hadrian sinh năm 76 và qua đời năm 138 là vị Hoàng đế La Mã đầu tiên để râu. Bắt chước nhà vua, phong trào để râu lan tràn nhanh chóng trong Đế quốc La Mã.
Thánh Clementê thành Alexandria sinh năm 150 và qua đời năm 215, trong nhiều dịp khác nhau luôn khuyên những tân tòng nam giới không được cạo râu. Ngài lên án việc “mày râu nhẵn nhụi” là một dấu chỉ “ẻo lả nữ tính”. Ý kiến của ngài hệt như câu hát của người bình dân Việt Nam: “Để râu không phải là già. Để râu cho biết đàn bà, đàn ông.”
Lời lên án của Thánh Clementê vẫn còn được coi trọng trong các Giáo Hội Đông phương cho đến ngày nay.
Trong Giáo Hội Tây phương, mọi thứ phức tạp hơn nhiều. Thánh Giêrômê thường chỉ trích các tu sĩ để râu tóc quá dài. Nhưng phải đến thập niên 500 sau Chúa Giáng Sinh, các Công Đồng địa phương mới bắt đầu cấm để râu. Sự cấm đoán sau đó đã đi vào giáo luật.
Hầu hết các linh mục thời Trung cổ đều không để râu – có lẽ việc để râu gây khó khăn trong Phụng Vụ, đặc biệt trong việc uống rượu lễ từ các chén thánh.
Từ thế kỷ 13 các tu sĩ dòng Phanxicô, dòng Đa Minh, dòng Cát Minh, dòng Augustinô, và dòng Tôi Tớ Đức Mẹ được khích lệ cạo râu để phân biệt mình với các tu sĩ theo những lạc giáo mà các ngài đang cố gắng dập tắt.
Đến thế kỷ 16, lại có một làn sóng để râu phát triển nhanh trong Giáo Hội Tây phương. Mặc dù lệnh cấm để râu không thay đổi, Đức Clêmentê Đệ Thất đã lên ngôi Giáo Hoàng vào năm 1523 với một bộ râu.
Vào thế kỷ 17, Hồng Y Richelieu và Thánh Vincent de Paul đã để râu (mặc dù Thánh Charles Borromeo không chấp thuận).
Đức Giáo Hoàng Innôcentê thứ Mười Hai sinh năm 1691 và qua đời năm 1700 là vị Giáo Hoàng cuối cùng để râu cho đến nay.
Trong số những vị thánh vĩ đại nhất trong thời chúng ta, Thánh Piô Năm Dấu Thánh và Chân phước Solanus Casey, là những vị để râu.
3. Các tai tiếng hiện nay là cơ hội thanh tẩy của Giáo Hội
Theo một truyền thống khi bắt đầu Mùa Chay, Đức Thánh Cha Phanxicô đã có cuộc gặp gỡ với hàng giáo sĩ Rôma hôm thứ Năm 7 tháng Ba. Trong dịp này ngài trình bày những suy tư về cách thế tội lỗi làm biến dạng Giáo hội, và khích lệ các linh mục nhìn về tương lai với lòng tự tin nơi ơn quan phòng của Chúa.
Cuộc gặp gỡ của Đức Thánh Cha Phanxicô với hàng giáo sĩ của giáo phận Rôma trong những ngày đầu tiên của Mùa Chay, như thường lệ, đã diễn ra tại Đền Thờ Thánh Gioan Latêranô, là nhà thờ chính tòa của Đức Thánh Cha trong cương vị Giám Mục Rôma.
Sau khi cử hành nghi thức sám hối, cùng với Đức Hồng Y Angelo De Donatis, Giám quản Rôma, Đức Thánh Cha Phanxicô bắt đầu cuộc gặp gỡ với việc giải tội cho một số linh mục, và lắng nghe một bài suy niệm Mùa Chay do chính Đức Hồng Y De Donatis thuyết giảng.
Mở đầu bài suy niệm, Đức Hồng Y Giám quản Angelo De Donatis nói: “Mùa phụng vụ chúng ta đang sống đòi chúng ta thi hành sứ vụ thừa tác viên hòa giải, sứ giả và là người phục vụ ơn tha thứ của Chúa cho tất cả các anh chị em chúng ta. Chúng ta hãy nói to trong các cộng đoàn của chúng ta: “Nhân danh Chúa Kitô, tôi van nài anh chị em hãy để cho mình được hòa giải với Thiên Chúa!”. Chúng ta hãy mời gọi tất cả xin ơn tha thứ của Chúa, với lòng khiêm tốn, và hãy xin lỗi anh chị em mình vì những điều xấu đã làm. Thật là một hồng ân rất ý nghĩa khi được nếm hưởng ngay từ bây giờ giữa chúng ta, các Phó tế, Linh Mục và Giám Mục, sự dịu dàng của Tình Yêu Chúa, để sẵn sàng hơn trong việc chia sẻ ơn tha thứ với anh chị em chúng ta”.
Khác với những năm trước, Đức Thánh Cha đã bỏ qua phần hỏi đáp với các linh mục Rôma. Nhưng Đức Thánh Cha đã có một bài phát biểu dài trong đó ngài xen kẻ giữa bản văn được soạn sẵn với những phát biểu ứng khẩu của mình. Đức Thánh Cha đã nhấn mạnh đến những đau đớn gây ra bởi những tai tiếng lạm dụng tính dục đang làm rung chuyển Giáo Hội.
Đức Thánh Cha đã chia sẻ nỗi buồn của chính ngài với hàng giáo sĩ Rôma như “những nỗi đau và sự trừng phạt không thể chịu đựng nổi mà làn sóng những tai tiếng đầy rẫy trên báo chí toàn thế giới, đang gây ra trong toàn bộ cơ thể giáo hội”.
Tuy nhiên, Đức Thánh Cha cũng đã có những lời hy vọng và khích lệ cho các giáo sĩ khi ngài nói rằng “Chúng ta đừng nản lòng, Chúa đang thanh tẩy Hiền Thê của Người. Chúa đang hoán cải tất cả chúng ta để quay về với Người. Ngài đang đưa chúng ta vào thử thách để chúng ta hiểu rằng không có Người chúng ta chỉ là tro bụi. Ngài đang ra tay cứu chúng ta khỏi thói giả hình, khỏi thứ tâm linh bề ngoài. Ngài đang thổi Thần Khí của Ngài ‘để khôi phục lại vẻ đẹp cho Hiền Thê của mình’”.
Đức Thánh Cha nói ngài tin rằng “ý nghĩa thực sự của những gì đang xảy ra có thể tìm thấy nơi tinh thần của quỷ dữ, nơi kẻ thù đang hành động như thể nó là chủ nhân của thế giới này.”
Ngài than thở rằng tội lỗi làm biến dạng Giáo Hội khiến chúng ta phải sống “với nỗi buồn và kinh nghiệm nhục nhã khi chúng ta hoặc một trong những linh mục hoặc giám mục anh em của chúng ta rơi vào vực thẳm không đáy của tội lỗi, băng hoại, hoặc còn tệ hơn nữa là tội ác phá hủy cuộc sống của người khác.”
Vào đầu Mùa Chay, “là thời gian của ân sủng, chúng ta hãy đặt Thiên Chúa trở lại vị trí trung tâm. Không có Chúa, chúng ta không thể làm gì. Ngài phải là trung tâm,” Đức Thánh Cha nói.
Ngài đã kêu gọi các linh mục hướng về Chúa “mặt đối mặt” vì “Chúa biết sự trần truồng đáng xấu hổ của chúng ta”.
Đức Thánh Cha nói thêm với các linh mục rằng Chúa biết sự trần truồng đáng xấu hổ của chúng ta, nhưng Ngài không bao giờ mệt mỏi sử dụng chúng ta để trao ban cho mọi người ơn hòa giải. “Chúng ta là những tội nhân rất bi đát, nhưng Chúa dùng chúng ta để cầu thay nguyện giúp cho anh chị em của chúng ta là những người chúng ta có nhiều điều phải cầu xin họ tha thứ.”
Đức Thánh Cha cũng nhắn nhủ các linh mục rằng “Anh em đừng sợ liều mạng phục vụ sự hòa giải giữa Thiên Chúa và loài người: chúng ta không được ban sự cao cả thầm kín nào khác ngoài sự hiến mạng sống mình để con người có thể biết tình yêu Chúa. Cuộc sống của một linh mục đầy những hiểu lầm, đau khổ âm thần và nhiều khi bị bách hại. Những xâu xé giữa các anh chị em trong cộng đoàn chúng ta, sự không đón nhận Lời Tin Mừng, sự coi rẻ người nghèo, tâm tình oán hận vì những hòa giải không bao giờ xảy đến, gương mù gương xấu do cách cư xử ô nhục của một vài anh em, tất cả những điều đó có thể làm chúng ta mất ngủ và để mình rơi vào tình trạng bất lực. Trái lại, chúng ta hãy vững tin nơi sự dìu dắt kiên nhẫn của Thiên Chúa, Đấng thi hành mọi sự việc vào thời gian của Ngài, chúng ta hãy mở rộng con tim và phục vụ Lời hòa giải của Chúa”
Đức Thánh Cha cũng đã yêu cầu các linh mục duy trì “một cuộc đối thoại trưởng thành với Chúa” và lo lắng cho dân được trao phó cho chính các ngài và tránh khuynh hướng cá nhân chủ nghĩa là khuynh hướng nói rằng “đây là dân của tôi”. Vâng, đó là dân của anh em nhưng “chỉ là được ủy nhiệm thôi”, Đức Thánh Cha giải thích. “Dân không phải là dân của chúng ta, họ thuộc về Chúa”.
Vào cuối cuộc gặp gỡ với hàng giáo sĩ Rôma, Đức Thánh Cha đã đề cập đến năm thánh 2025, được đánh dấu bằng những suy tư trích từ Sách Xuất hành, như là “một mô hình để chuyển từ dân tứ tán thành một dân tộc”.
Đức Thánh Cha cũng đã ca ngợi một sáng kiến của giáo phận Caritas địa phương mang tên “Thiên đường thế nào, đường phố cũng nên như thế”, đó là một tuần dành riêng cho việc bác ái cho người nghèo và người vô gia cư bắt đầu từ ngày 31 tháng 3 và kéo dài đến ngày 6 tháng 4.
4. Mùa Chay là một cơ hội để sống đơn giản và chân thực
Các Kitô hữu cần phải sống chân thực và xa lánh các hình thức phô trương bề ngoài. Đức Thánh Cha đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Sáu mùng 08 tháng Ba tại nhà nguyện Santa Marta
Lấy ý từ bài trích sách tiên tri Isaia, Đức Thánh Cha Phanxicô đã lên án mọi hình thức đạo đức giả và giải thích sự khác biệt giữa hiện thực khách quan và hình thức bề ngoài.
Hình thức bề ngoài, theo Đức Thánh Cha, là một biểu hiện của “hiện thực khách quan”, nhưng hai cái phải đi đôi với nhau, nếu không cuối cùng chúng ta sống một cuộc đời “bề ngoài”, “một cuộc sống không có sự thật”.
Sự đơn giản của vẻ bề ngoài, nên được tái khám phá, đặc biệt là trong thời kỳ Mùa Chay này, khi chúng ta thực hành ăn chay, bố thí và cầu nguyện.
Kitô hữu nên thể hiện niềm vui trong khi thực hành việc đền tội. Họ nên hào phóng với những ai túng quẫn một cách lặng lẽ tay phải không biết việc tay trái làm chứ đừng đánh trống khua chiêng, thanh la phèng phèng, chũm choẹ xoang xoảng. Kitô hữu nên thân thưa với Cha Trên Trời một cách thân mật, mà không tìm kiếm sự ngưỡng mộ của người khác.
Trong thời của Chúa Giêsu, điều này thể hiện rõ qua hành vi của người Pharisêu và người biệt phái; ngày nay cũng có những người Công Giáo cảm thấy họ “công chính” vì họ thuộc về một “hiệp hội” như thế, hoặc vì họ đi lễ mỗi Chúa Nhật nên họ cảm thấy họ tốt lành hơn những người khác.
“Những người chạy theo vẻ bề ngoài không bao giờ nhận mình là tội nhân, và nếu bạn nói với họ: ‘bạn cũng là một tội nhân! Tất cả chúng ta đều là tội nhân’, họ thấy mình trở nên công chính hơn là nhận ra nhu cầu hoán cải và cầu xin sự tha thứ, và cố gắng thể hiện mình như một bức tranh nhỏ hoàn hảo, tất cả chỉ là bề ngoài.”
Khi có sự khác biệt này giữa thực tế và vẻ bề ngoài, “Chúa sử dụng tính từ: đạo đức giả”.
Đức Thánh Cha cảnh báo rằng mọi cá nhân đều bị cám dỗ bởi sự giả hình, và giai đoạn dẫn chúng ta đến lễ Phục sinh có thể là cơ hội để nhận ra sự thiếu nhất quán của chúng ta, để xác định các lớp trang điểm mà chúng ta đắp lên để “che giấu thực tế”.
“Những người trẻ tuổi, không có ấn tượng chút nào trước những ai chỉ có vẻ bề ngoài và không cư xử phù hợp,” đặc biệt khi sự giả hình này được khoác lên bởi những người mà Đức Thánh Cha mô tả là “các chuyên gia tôn giáo”. Chúa yêu cầu nơi chúng ta sự mạch lạc, nhất quán.
Đức Thánh Cha than thở rằng “Ngày nay có nhiều Kitô hữu, ngay cả người Công Giáo, những người tự gọi mình là người Công Giáo thực hành đạo, lại đi khai thác con người!”.
Quá thường họ làm nhục và khai thác công nhân của họ. Đầu mùa hè thì bảo người ta về nhà đi vì không có việc. Rồi tuyển dụng lại vào cuối mùa hè. Họ làm như thế để công nhân không được hưởng lương hưu.
“Nhiều người trong số họ xưng mình là người Công Giáo, họ đi lễ vào Chúa Nhật. .. nhưng đây là những gì họ làm. Thứ hành vi này là một tội trọng!”
Để kết luận, Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu tái khám phá vẻ đẹp của sự đơn giản, của sự nhất quán giữa hiện thực khách quan và hình thức bên ngoài.
“Chúng ta hãy cầu xin Chúa ban sức mạnh và tiến lên với sự khiêm nhường, làm những gì anh chị em có thể. Nhưng đừng đắp lên linh hồn mình những lớp phấn son trang điểm, vì Chúa sẽ không nhận ra anh chị em. Chúng ta hãy cầu xin Chúa ban ơn nhất quán, không phù hoa, không ước muốn vẻ bề ngoài của mình cao trọng hơn thực chất của chúng ta. Chúng ta hãy xin ân sủng này, trong Mùa Chay: đó là sự mạch lạc và nhất quán giữa hình thức và thực tế, giữa thực chất chúng ta là ai và bề ngoài mà chúng ta mong muốn.”