Video: Tĩnh tâm Mùa Vọng với giáo triều Rôma: Hãy noi gương Đức Maria

Sáng thứ Sáu 6 tháng 12, tại nhà nguyện Mẹ Đấng Cứu Chuộc trong điện Tông Tòa của Vatican, Đức Thánh Cha và giáo triều Rôma đã tham dự buổi tĩnh tâm Mùa Vọng. Vị giảng thuyết là cha Raniero Cantalamessa, thần học gia, giảng thuyết viên Phủ Giáo Hoàng.

Bản dịch sang tiếng Anh có thể xem tại đây.

Dưới đây là bản dịch toàn văn phần 2 sang Việt Ngữ.

Bài tĩnh tâm thứ nhất Mùa Vọng của cha Raniero Cantalamessa, OFMCap
Em thật có phúc, vì đã tin!

Noi gương Đức Maria

Dấu vết còn lại trên mặt nước của một con tàu đáng yêu dần dần lan rộng cho đến khi nó biến mất hoàn toàn và hòa nhập với đường chân trời, nhưng nó bắt đầu từ chính con tàu. Điều tương tự cũng đúng với dấu vết của các tín hữu tạo nên Giáo Hội. Nó bắt đầu tại một thời điểm nhất định, và điểm này là đức tin của Đức Maria, là lời fiat của Mẹ. Đức tin, cùng với người em của mình, là đức cậy, là điều duy nhất không bắt đầu với Chúa Kitô nhưng bắt đầu với Giáo Hội, và do đó với Đức Maria, là thành viên đầu tiên theo thứ tự thời gian và tầm quan trọng. Chúa Giêsu không thể là chủ thể của đức tin Kitô giáo vì Ngài là đối tượng của đức tin ấy. Thư gửi tín hữu Do Thái cho chúng ta một danh sách những người có đức tin: “Nhờ đức tin, ông Aben. … Nhờ đức tin Ápraham. . . . Nhờ đức tin, ông Môise” (Dt 11:. 4 ff). Chúa Giêsu không được bao gồm trong danh sách này! Chúa Giêsu được gọi là “Đấng khai mở và kiện toàn lòng tin” (Dt 12: 2), là Đấng đức tin chúng ta dựa vào từ khởi thủy đến cùng tận, nhưng không phải một trong những tín hữu, cho dù là người đầu tiên đi chăng nữa.

Do đó, từ thực tại của niềm tin chúng ta thấy mình đang noi gương Đức Maria, và bây giờ chúng ta muốn nhìn sâu hơn vào ý nghĩa của việc noi gương Đức Mẹ. Từ việc đọc những gì liên quan đến Đức Maria trong Kinh Thánh, chúng ta có thể thấy rằng Giáo Hội, ngay từ thời các Giáo Phụ, đã theo một tiêu chuẩn có thể được thể hiện như sau: Maria, vel Ecclesia, vel anima: nghĩa là “Đức Maria, hay đúng hơn là Giáo Hội, hay đúng hơn là Linh hồn”. Ý nghĩa của câu này là những gì được nói cách riêng về Mẹ Maria trong Kinh Thánh cũng muốn nói một cách phổ quát cho Giáo Hội, và những gì được nói một cách phổ quát cho Giáo Hội thì cũng muốn nói một cách cá vị cho mỗi tín hữu.

Theo nguyên tắc này, bây giờ chúng ta hãy xem đức tin của Đức Maria nói gì trước hết đối với Giáo Hội nói chung và sau đó với mỗi người chúng ta, nói riêng. Như chúng ta đã từng làm với ân sủng, trước tiên chúng ta hãy nhấn mạnh ý nghĩa giáo hội học hoặc thần học của đức tin của Đức Maria, và sau đó là những hệ quả có tính cách cá nhân hay khổ hạnh của đức tin ấy. Như thế, cuộc sống của Đức Mẹ không chỉ hữu ích trong việc phát triển lòng đạo đức riêng của chúng ta mà còn giúp chúng ta hiểu sâu hơn về Lời Chúa và các vấn đề của Giáo Hội.

Trước hết, Đức Maria nói với chúng ta về tầm quan trọng của đức tin. Không thể có âm thanh hay âm nhạc nếu không có tai để nghe, cho dù có bao nhiêu giai điệu hay hợp âm cao siêu tràn ngập không khí đi chăng nữa. Chẳng có ân sủng, hoặc có đi nữa thì ân sủng cũng không thể hoạt động được, nếu không có đức tin để chấp nhận nó. Giống như mưa không thể nảy mầm bất cứ thứ gì trừ khi nó rơi xuống mảnh đất có thể hấp thụ nó, cũng thế, ân sủng đòi phải có đức tin. Chính nhờ đức tin mà chúng ta nhạy cảm với ân sủng. Niềm tin là nền tảng cho mọi thứ; nó là cái trước hết và tốt nhất trong số các việc lành phúc đức. Chúa Giêsu nói việc Thiên Chúa muốn chúng ta làm, là hãy tin (xem Ga 6:29). Đức tin rất quan trọng bởi vì một mình nó duy trì sự nhưng không của ân sủng. Nó không cố gắng đảo ngược trật tự, biến Thiên Chúa thành con nợ và con người trở thành chủ nợ. Đó là lý do tại sao đức tin rất thân thiết với Chúa, Đấng làm cho hầu hết mọi sự phụ thuộc vào niềm tin trong mối quan hệ của Ngài với con người.

Ân sủng và đức tin: đây là cách thế hai trụ cột của ơn cứu rỗi được đặt để. Đó là hai chân con người được ban cho để bước đi hoặc hai cánh để bay. Tuy nhiên, đó không phải là vấn đề về hai điều song song với nhau, như thể ân sủng đến từ Thiên Chúa và đức tin từ chúng ta, và ơn cứu rỗi qua đó phụ thuộc một cách đồng đều vào Thiên Chúa và chúng ta, vào ân sủng và sự tự do. Xin Chúa giúp những ai nghĩ rằng ân sủng tùy thuộc vào Chúa nhưng đức tin phụ thuộc vào tôi; và cùng với nhau, Chúa và tôi mang đến ơn cứu rỗi! Nghĩ như thế là một lần nữa chúng ta lại biến Thiên Chúa thành con nợ, bằng cách nào đó tùy thuộc vào chúng ta và Ngài phải chia sẻ công đức và vinh quang với chúng ta. Thánh Phaolô xua tan tất cả mọi hồ nghi khi ngài nói, “Chính do ân sủng và nhờ lòng tin mà anh em được cứu độ: đây [có nghĩa là, đức tin, hoặc tổng quát hơn, là việc được cứu độ do ân sủng nhờ đức tin, cũng tương tự thôi] không phải bởi sức anh em, mà là một ân huệ của Thiên Chúa; cũng không phải bởi việc anh em làm, để không ai có thể hãnh diện” (Eph 2: 8 ff). Cũng cần nói thêm, hành động đức tin của Đức Maria đã được thúc đẩy bởi ân sủng của Chúa Thánh Thần.

Điều khiến chúng ta quan tâm bây giờ là đưa ra ánh sáng một số khía cạnh trong đức tin của Đức Maria có thể đưa Giáo Hội ngày nay đến với niềm tin lớn hơn. Hành động đức tin của Đức Maria rất cá nhân, độc đáo và không bao giờ có thể lặp lại. Đó là niềm tin vào Chúa và sự phó thác hoàn toàn bản thân cho Chúa. Đó là một mối quan hệ cá vị giữa hai người với nhau. Đây được gọi là đức tin chủ quan. Sự nhấn mạnh là tin vào nhau hơn là tin những gì. Nhưng đức tin của Đức Maria cũng rất khách quan. Mẹ không tin vào một vị thần chủ quan và cá vị, tách rời khỏi mọi thứ, và chỉ tiết lộ mình cho riêng Mẹ trong bí mật. Thay vào đó, Mẹ tin vào Chúa Cha, là Chúa của dân tộc mình. Mẹ nhìn thấy nơi Thiên Chúa, Đấng đã tỏ mình ra với Mẹ, Thiên Chúa của những lời hứa, Thiên Chúa của Ápraham và con cháu ông. Mẹ khiêm tốn cảm thấy mình là một phần của đoàn lũ đông đảo các tín hữu và trở thành tín hữu đầu tiên của giao ước mới, giống như Ápraham là tín hữu đầu tiên của giao ước cũ. Kinh Magnificat chứa đầy đức tin này dựa trên Kinh Thánh, và đầy các tham chiếu đến lịch sử của dân tộc Mẹ. Thiên Chúa của Đức Maria là một Thiên Chúa với các tính cách Kinh Thánh sắc sảo: Ngài là Chúa, là Đấng Toàn năng, Thánh Thiện, và là Đấng Cứu độ. Đức Maria sẽ không tin thiên thần nếu thiên thần tiết lộ với Mẹ về một Thiên Chúa khác, mà Mẹ không thể nhận ra là Thiên Chúa của dân tộc mình. Cũng trong cuộc sống bên ngoài, Đức Maria tuân theo đức tin này. Mẹ đã tùng phục tất cả những gì mà Luật quy định: Mẹ đã cắt bì cho con, Mẹ đã dâng hài nhi vào Đền thờ, Mẹ đã trải qua các nghi thức thanh tẩy, và Mẹ đã lên Giêrusalem để mừng lễ vượt qua.

Có một bài học tuyệt vời cho chúng ta nơi tất cả những điều này. Đức tin, giống như ân sủng, trong suốt nhiều thế kỷ đã trải qua hiện tượng phân tích và phân chia, khiến chúng ta có vô số các dạng thức chính và phụ của đức tin. Chẳng hạn, anh em Tin Lành của chúng ta, coi trọng khía cạnh đầu tiên hơn, tức là khía cạnh chủ quan và cá vị, của đức tin. Luther đã viết, “Đức tin là một sự tin tưởng sống động và táo bạo vào ân sủng của Thiên Chúa”; nó là một “niềm tin vững chắc.” Trong một số xu hướng Tin Lành, chẳng hạn nơi những người theo phái Mộ Đạo (Pietism), xu hướng này được thực hiện đến cực độ, trong khi tín lý và những điều được gọi là chân lý đức tin có rất ít tầm quan trọng. Một thái độ nội tâm cá vị đối với Thiên Chúa chiếm ưu thế gần như tuyệt đối.

Trái lại, theo truyền thống Công Giáo và Chính thống, vấn đề đức tin đúng đắn và chính thống luôn có tầm quan trọng rất lớn ngay từ thời xa xưa. Vấn đề những gì phải tin nhanh chóng chiếm ưu thế trên các khía cạnh chủ quan và cá nhân của niềm tin, nghĩa là chiếm ưu thế trên hành động đức tin. Các luận thuyết của các Giáo phụ được gọi là “Về Đức Tin” (De fide) thậm chí không đề cập đến đức tin như một hành động chủ quan hoặc như sự phó thác và phó dâng, nhưng chúng liên quan đến việc xác định các chân lý phải tin trong sự hiệp thông với toàn thể Giáo Hội nhằm chống lại các dị giáo.

Sau cuộc Cải cách và như một phản ứng đối với sự nhấn mạnh đơn phương vào đức tin-đức cậy, xu hướng này trở nên được nhấn mạnh hơn trong Giáo Hội Công Giáo. “Tin” về cơ bản có nghĩa là gắn bó với niềm tin của Giáo Hội. Thánh Phaolô nói rằng con người tin bằng con tim và tuyên xưng bằng đôi môi của mình (xem Rm 10:10), nhưng lời tuyên xưng một đức tin đúng đắn thường chiếm ưu thế hơn là tin bằng con tim.

Trong trường hợp này cũng vậy, Đức Maria thúc đẩy chúng ta tìm lại “tổng thể,” phong phú hơn và đẹp hơn nhiều so với từng bộ phận riêng lẻ. Một đức tin chủ quan đơn sơ, một đức tin phó mình cho Thiên Chúa theo lương tâm bên trong của một người, là không đủ. Thật dễ dàng để hạ giảm Chúa theo ý riêng của mình theo cách này. Điều này xảy ra khi chúng ta hình thành ý tưởng của riêng mình về Thiên Chúa, dựa trên sự giải thích cá nhân của chúng ta về Kinh Thánh hoặc dựa trên sự diễn dịch trong vòng một ít người của chính chúng ta, và sau đó tuân thủ điều này với tất cả sức mạnh của chúng ta, thậm chí đến mức cuồng tín, mà không nhận ra rằng chúng ta đang tin vào chính bản thân chúng ta hơn là tin vào Thiên Chúa; và không nhận ra rằng niềm tin không thể lay chuyển của chúng ta vào Thiên Chúa thực ra không gì khác hơn là một niềm tin không thể lay chuyển vào chính con người chúng ta.

Tuy nhiên, một đức tin khách quan và dựa theo tín lý thôi cũng không đủ, nếu nó không dẫn đến một liên hệ cá vị thân mật như Con và Cha với Thiên Chúa. Nó có thể dễ dàng trở thành niềm tin chết, một niềm tin thông qua một người hoặc một tổ chức thứ ba, thất bại ngay khi có khủng hoảng giữa đức tin của một người và mối quan hệ cá nhân của người ấy với tổ chức của Giáo Hội, bất kể vì lý do gì. Như thế, một Kitô hữu có thể dễ dàng đi đến tận cùng của cuộc đời mình mà không bao giờ làm được một hành động đức tin nào một cách tự do và cá vị, là điều duy nhất biện minh cho danh xưng “tín hữu”.

Do đó, cần phải tin một cách cá vị, nhưng trong tình hiệp thông với Giáo Hội; chúng ta phải tin trong tình hiệp thông với Giáo Hội, nhưng một cách cá vị. Đức tin tín lý của Giáo Hội không lấy đi đức tin cá nhân hoặc sự tự phát trong niềm tin, thay vào đó, nó bảo tồn và cho phép chúng ta nhận biết và đón nhận một Thiên Chúa vĩ đại hơn Thiên Chúa từ kinh nghiệm hạn chế của chúng ta. Trên thực tế, không có ai có thể đón nhận qua hành động đức tin của chính mình tất cả những gì có thể được biết về Thiên Chúa. Đức tin của Giáo Hội giống như một ống kính với góc nhìn thật rộng, mà trong một bức tranh toàn cảnh cụ thể, cho phép chúng ta nhìn và chụp ảnh được một góc nhìn rộng hơn nhiều so với các ống kính đơn sơ. Khi kết hợp bản thân với đức tin của Giáo Hội, tôi làm cho đức tin của tất cả những người đi trước tôi trở thành đức tin của tôi: đó là đức tin của các tông đồ, các vị tử đạo và các Tiến sĩ Hội Thánh. Các thánh, không thể mang đức tin của các ngài lên thiên đàng, nơi họ không còn cần đến nữa, đã để lại thế gian này, di truyền cho Giáo Hội.

Những lời “Tôi tin kính một Thiên Chúa là Cha Toàn Năng” chứa sức mạnh đáng kinh ngạc. Cái “tôi” nhỏ bé của tôi được kết hiệp và nhập đoàn vào cái “Ta” vĩ đại của toàn nhiệm thể Chúa Kitô, và lúc này đây, tạo ra một âm thanh mạnh mẽ hơn so với tiếng gầm của biển cả và làm cho chính các nền tảng thống trị của bóng tối phải run rẩy.

Cả chúng ta cũng hãy tin!

Giờ đây chúng ta hãy xem xét các hệ quả cá nhân và khổ hạnh xuất phát từ đức tin của Đức Maria. Sau khi khẳng định ở trên rằng “Đức Trinh Nữ Maria đã hạ sinh Chúa với niềm tin mà Mẹ đã cưu mang trong lòng”, Thánh Augustinô giải thích những gì ngài muốn nói: “Đức Maria đã tin và những gì Mẹ tin đã được ứng nghiệm nơi Mẹ. Chúng ta cũng vậy, hãy tin rằng những gì đã hoàn thành nơi Mẹ cũng có thể là lợi thế của chúng ta.”

Cả chúng ta cũng hãy tin! Chiêm ngắm đức tin của Đức Maria thúc giục chúng ta đổi mới, trên hết, là hành động đức tin cá vị và phó thác của chúng ta cho Thiên Chúa. Đó là lý do tại sao rất quan trọng để nói với Thiên Chúa, một lần trong đời, xin cứ làm cho tôi, fiat, như Đức Maria đã làm. Đây là một hành động được bao bọc trong mầu nhiệm bởi vì nó liên quan đến ân sủng và tự do cùng một lúc; đó là một hình thái của nhận thức. Linh hồn không thể làm điều đó một mình; do đó, Thiên Chúa giúp đỡ, mà không lấy đi tự do.

Chúng ta nên làm gì tiếp theo? Câu trả lời rất đơn giản: sau khi cầu nguyện, sao cho lời cầu nguyện của chúng ta không còn hời hợt, chúng ta hãy nói với Chúa, bằng chính những lời mà Đức Maria đã dùng: Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời Chúa phán! Tôi đang nói amen, vâng, lạy Chúa, trước toàn bộ kế hoạch của Chúa. Con phó thác chính con trong tay Chúa!

Tuy nhiên, chúng ta phải nhớ rằng Đức Maria phát âm từ fiat của mình một cách tự nguyện và hân hoan. Bao lần chúng ta lặp lại từ này với một thái độ cam chịu được che đậy một cách sơ sài, và môi mím lại, thì thầm, “Nếu nó không thể tránh được, thì thôi, đành chiều theo ý Chúa vậy!” Đức Maria dạy chúng ta nói từ ấy một cách khác. Biết rằng thánh ý Chúa là vô cùng đẹp hơn, phong phú hơn, và đầy hứa hẹn hơn bất kỳ kế hoạch nào của chúng ta, và biết rằng Thiên Chúa là tình yêu vô hạn và nuôi dưỡng “các kế hoạch cho phúc lợi chứ không phải cho những sự dữ đối với chúng ta” (xem Gr 29:11), chúng ta hãy nói, đầy khát khao và gần như thiếu kiên nhẫn, như Đức Maria đã làm: Lạy Chúa, xin thánh ý yêu thương và hòa bình của Chúa được thực hiện trong con!

Như thế, ý nghĩa của cuộc sống con người và phẩm giá cao trọng nhất của nó được viên mãn. Nói xin vâng, amen, với Thiên Chúa không làm giảm phẩm giá của con người, như con người hiện đại thường nghĩ; nhưng thay vào đó, điều này làm nổi bật nó. Và có gì thay thế được cho từ amen này khi thưa với Thiên Chúa? Chính triết học hiện đại, đặc biệt là trào lưu hiện sinh, đã thể hiện rõ ràng nhu cầu nói tiếng amen của con người, và nếu từ ấy không được nói với Thiên Chúa, Đấng là tình yêu, thì từ ấy phải được nói với một điều khác chắc chắn là lạnh lùng và tê liệt: đó là nói với định mệnh hay số phận.

“Người công chính nhờ đức tin sẽ được sống”

Tất cả chúng ta đều được kêu gọi hãy bắt chước đức tin của Đức Maria, nhưng đặc biệt là các mục tử và những người cách này cách khác được mời gọi để truyền bá đức tin và Lời Chúa cho người khác. Thiên Chúa nói người công chính nhờ đức tin sẽ được sống (xem Dt 2: 4; Rm 1:17), và điều này đúng một cách đặc biệt với các mục tử. Chúa nói tư tế của Ta, nhờ đức tin sẽ được sống. Linh mục là người của đức tin. “Trọng lượng cụ thể” của một linh mục phụ thuộc vào đức tin của ngài. Ảnh hưởng của ngài đối với người khác sẽ được xác định bởi đức tin của ngài. Sứ vụ của một linh mục, hoặc một mục tử, trong dân của ngài không chỉ đơn thuần là phân phát các bí tích và phục vụ, nhưng còn là thắp sáng niềm tin và làm chứng cho niềm tin đó. Ngài sẽ thực sự là người hướng dẫn và dẫn dắt các linh hồn đến với Chúa đến mức mà ngài tin tưởng và trao phó tự do của mình cho Chúa, như Đức Maria đã làm.

Điều cốt yếu mà các tín hữu ngay lập tức nhận ra nơi một linh mục hay một mục tử là liệu ngài có tin hay không, liệu ngài có tin vào những gì ngài đang nói và vào những gì ngài đang cử hành hay không. Bất cứ ai đang tìm kiếm Thiên Chúa thông qua một linh mục sẽ nhận ra điều này ngay lập tức. Những ai không tìm kiếm Thiên Chúa qua ngài đều có thể dễ dàng bị lừa dối và đến lượt mình có thể lừa dối chính người linh mục ấy, khiến ngài cảm thấy mình quan trọng, thông minh nhưng trong thực tế, đôi khi, ngài cũng có thể trống rỗng, giống như người đàn ông không có ân sủng mà chúng ta đã đề cập trong đoạn cuối. Ngay cả một người chưa tin khi tiếp cận một linh mục với một tinh thần tìm kiếm cũng ngay lập tức hiểu được sự khác biệt. Nói chung, những gì có thể khiêu khích ngài và khiến ngài truy vấn tích cực lối sống của mình thường không phải là những cuộc thảo luận đòi hỏi những năng khiếu nhất định về đức tin, nhưng chính là đức tin đơn sơ. Niềm tin là truyền nhiễm. Sự lây nhiễm không xảy ra khi chỉ đơn giản là đề cập đến hay nghiên cứu về một loại vi khuẩn, nhưng phải qua tiếp xúc với nó, đức tin cũng thế.

Sức mạnh của người tôi tớ Chúa tương xứng với sức mạnh đức tin của người ấy. Đôi khi chúng ta đau khổ hoặc có thể phàn nàn với Chúa khi cầu nguyện vì mọi người từ bỏ Giáo Hội, họ cứ tiếp tục phạm tội và chúng ta cứ nói mãi mà không có kết quả. Một ngày nọ, các tông đồ đã cố gắng đuổi một con quỷ khỏi một cậu bé mà không thành công. Sau khi Chúa Giêsu đã đuổi quỉ ấy đi, các môn đệ đến với Chúa Giêsu và hỏi riêng Ngài “Tại sao chúng con không thể trừ nổi quỉ ấy?” Và Chúa Giêsu bảo họ: “Bởi vì anh em kém tin” (Mt 17: 19-20).

Như chúng ta đã nói, thế giới, giống như biển, bị xáo trộn bởi làn nước gây ra bởi một con tàu đẹp, đó là sự trỗi dậy của đức tin, bắt đầu với Đức Maria. Chúng ta hãy là một phần của sự thức tỉnh này. Chúng ta cũng hãy tin, để những gì đã ứng nghiệm nơi Mẹ sẽ được hoàn thành nơi chúng ta. Chúng ta hãy cầu khẩn Đức Mẹ với danh hiệu ngọt ngào Virgo fidelis: Đức Nữ trung tín thật thà, cầu cho chúng con!


Source:Vatican News

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *