Vụ trợ tử cho một phụ nữ Colombia đã bị hủy bỏ

1. Các bức tượng của nhà thờ Công Giáo St. Martha ở bờ biển Miami bị phá hoại

Lần thứ hai trong khoảng một tháng, tượng Chúa Giêsu đã bị phá hoại.

Khi đến Nhà thờ Công Giáo St. Martha ở Miami, điều đầu tiên bạn nhìn thấy là một bức tượng của Chúa Giêsu. Nhưng những ngày gần đây bức tượng trông khác đi rất nhiều.

Mary Ross Agosta của Tổng giáo phận Miami cho biết: “Đầu bức tượng bị chặt, cùng với một cánh tay và một bàn tay”.

Giáo xứ Thánh Martha được khánh thành vào ngày 14 tháng 10 năm 1970. Đức Ông Bryan Walsh được Đức Tổng Giám Mục Coleman Carroll ủy nhiệm thành lập nhà thờ mới ở nơi trước đây là một nhà nghỉ do tổng giáo phận mua lại.

Nhà nghỉ này đã được cải tạo thành nơi ở của các linh mục. Trong suốt chín năm sau đó, các giáo dân đã thờ phượng trong cơ sở nhà nghỉ đã được chuyển đổi. Cha John McLaughlin được bổ nhiệm làm cha xứ vào ngày 1 tháng 7 năm 1979. Tháng 3 năm 1981, chiến dịch xây dựng nhà thờ mới chính thức được công bố. Vào tháng Bảy cùng năm, một nơi ở mới dành cho các linh mục đã được mua lại gần địa điểm nhà nghỉ.

Ngôi thánh đường được xây cất trên nền của nhà nghỉ vào ngày 29 tháng 8 năm 1981 và nhà thờ được cung hiến bởi Đức Tổng Giám Mục Edward McCarthy vào ngày 10 tháng 4 năm 1983.

Du khách từ khắp nơi đến cầu nguyện trong nhà thờ mới. Đáng chú ý nhất là Mẹ Têresa từ Calcutta, Ấn Độ, người đã đến thăm vào năm 1986, và Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, đã nói chuyện với các linh mục Hoa Kỳ vào ngày 9 tháng 9 năm 1987 tại ngôi nhà thờ này. Đây là những khoảnh khắc đặc biệt trong lịch sử của giáo xứ.


Source:Patch

2. Tiết lộ đáng kinh ngạc của tổng trưởng Bộ Giáo Sĩ: “Tôi là người đầu tiên trong dòng họ theo đạo”

Asia-News, cơ quan thông tin của Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo Hải Ngoại, cho biết trong phiên họp đầu tiên của Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế giới về tính đồng nghị, diễn ra tại Hội Trường Thượng Hội Đồng Giám Mục hôm thứ Bẩy 9 tháng 0, Đức Tổng Giám Mục Hàn Quốc Lagiarô Du Huỳnh Trị Tổng trưởng Bộ Giáo sĩ từ ngày 11 tháng 6 vừa qua đã gây kinh ngạc cho nhiều người khi tiết lộ rằng ngài là người đầu tiên trong gia đình theo đạo Công Giáo.

Ngài nói:

Tôi sinh ra trong một gia đình không có đức tin. Tôi học trung học cơ sở và trung học phổ thông tại một trường Công Giáo mang tên thánh tử đạo Anrê Kim Đại Kiến (Andrew Kim Tae-gon, 김대건 안드레아). Ngài là linh mục đầu tiên của Hàn Quốc và đã hiến mạng sống mình cho người khác. Chứng tá của ngài đã thu hút tôi rất nhiều. Tôi được rửa tội vào đêm Giáng sinh năm 1966. Lúc đó tôi được 16 tuổi. Tôi là Kitô Hữu đầu tiên trong gia đình mình. Biết Chúa Giêsu, tôi cảm thấy thôi thúc mở lòng mình với người khác.

Vì vậy, chẳng hạn, ở trường, cùng với những người bạn Kitô Hữu của tôi, chúng tôi đã thực hiện nhiều dịch vụ khác nhau. Càng ngày, một chân trời bao la càng mở ra trước mắt. Sau đó, tôi vào đại chủng viện ở Hán Thành. Thật không dễ dàng chút nào, vì không ai trong gia đình tôi hiểu được quyết định này của tôi. Sau ba năm học tại trường dòng, chúng tôi được yêu cầu thực hiện nghĩa vụ quân sự. Trong môi trường khắc nghiệt này, tôi phát hiện ra rằng tình yêu chinh phục tất cả. Tôi đã trải nghiệm sức mạnh của chứng tá: từng chút một hàng trăm bạn cùng lớp của tôi được rửa tội.

Trong suốt 41 năm làm linh mục, và sau đó là giám mục, tôi luôn được thử thách bởi gương của Chúa Giêsu khi rửa chân. Và còn hơn thế nữa là của lễ Ngài dâng trên Thập tự giá. Trên tất cả, Chúa Giêsu là một linh mục. Điều này làm cho tôi hiểu rằng sống trọn vẹn chức vụ linh mục có nghĩa là hiến mạng sống của mình cho người khác, đặt mình phục vụ người khác, là một người đối thoại và hiệp thông. Vì vậy, đối với tôi, trở thành một linh mục và một giám mục có nghĩa là đồng hành với những người khác, yêu thương họ, theo một cách thế đặc biệt, đó là chăm chú lắng nghe mọi người. Theo cách này, linh mục là “một người cha” của cộng đoàn, “một người đàn ông” bên cạnh những anh chị em của mình, những người đang tiến về Nước Thiên Chúa, “một người bạn đồng hành” làm cho mình nên một với những người gặp khó khăn.

Tôi xác tín rằng trên tất cả, Giáo hội đang và phải là một gia đình, nơi mỗi người là một món quà cho những người khác: nam và nữ, già và trẻ, linh mục và giáo dân, những người nam nữ thánh hiến. Một gia đình trong đó tất cả đều cảm thấy đồng trách nhiệm về cuộc sống và việc loan báo Tin Mừng; được sai đi để thực hiện ước mơ của Chúa Giêsu: “Mọi người nên một” (Ga 17:21). Đối với tôi, trở thành một Giáo hội đồng nghị có nghĩa là: sống và bước đi như một gia đình, lắng nghe tiếng kêu của nhân loại, phục vụ những người bị loại trừ.

Cách đây vài năm, điều này đã thúc đẩy tôi tổ chức một thượng hội đồng giáo phận. Đó là một cơ duyên tuyệt vời, bởi vì nó đã khiến chúng tôi trải nghiệm được vẻ đẹp khi đi cùng nhau. Và nó cũng là một liều thuốc giải độc cho chủ nghĩa giáo quyền. Tôi hy vọng rằng, từ con đường đồng nghị này, chúng ta ngày càng học hỏi nhiều hơn để sống như anh chị em, lắng nghe lẫn nhau và lắng nghe Thánh Linh, biết cách lĩnh hội và phát triển tất cả những gì tốt lành có trong nhân loại. Sống như một hội thánh đồng nghị sẽ không phải là một cuộc hành trình mà không cần nỗ lực, nhưng nó có nghĩa là mở ra những cánh cửa cho Thánh Linh, cho một Lễ Hiện Xuống mới.


Source:Asia News

3. Vụ trợ tử cho một phụ nữ Colombia đã bị hủy bỏ

Viện Đau đớn Colombia, gọi tắt là IPS Incodol, thông báo hôm thứ Bảy vừa qua rằng việc trợ tử cho một người phụ nữ 51 tuổi bị chứng xơ cứng teo cơ một bên là bất hợp pháp.

IPS Incodol đã báo cáo vào ngày 9 tháng 10 rằng Ủy ban Khoa học liên ngành về Quyền được chết với Nhân phẩm “đã nhất trí kết luận hủy bỏ thủ tục này”.

Ủy ban giải thích rằng “quyết định hủy bỏ dựa trên Điều 26 triệt 6 của Sắc lệnh 971 năm 2021 của Bộ Y tế và Bảo trợ xã hội, giao cho Ủy ban trong phạm vi chức năng của mình xem xét quy trình ghi danh và thủ tục an tử.”

Chứng xơ cứng teo cơ một bên đã khiến Sepúlveda không thể cử động chân của mình, nhưng đó không phải là tình trạng tuyệt vọng.

Tòa án hiến pháp Colombia đã ra phán quyết vào tháng 7 rằng những người không mắc bệnh nan y có thể được trợ tử, miễn là họ đang phải trải qua những đau khổ tột cùng do bệnh tật hoặc thương tích cơ thể nghiêm trọng và không thể chữa khỏi.

Trước đó, nhà lãnh đạo Ủy ban Cổ vũ và Bảo vệ sự sống của các giám mục Colombia đã gửi một tin nhắn video tới Martha Liria Sepúlveda Campo, một phụ nữ 51 tuổi bị bệnh nhưng không phải là bệnh nan y, thúc giục cô từ bỏ quyết định xin trợ tử của mình.

“Với tư cách một mục tử của Giáo Hội Công Giáo, với sự kính trọng và tình cảm trìu mến, tôi muốn nói với người chị em của tôi là Martha rằng cô ấy không đơn độc, rằng Chúa của sự sống luôn đồng hành cùng chúng ta,” Đức Cha Francisco Antonio Ceballos Escobar của Riohacha nói trong một video ngày 6 tháng 10.

Ngài bảo đảm với cô “rằng nỗi đau của cô có thể tìm thấy một ý nghĩa siêu việt nếu nó trở thành lời kêu gọi Tình yêu chữa lành, Tình yêu đổi mới, Tình yêu tha thứ.”

CaracolTV đã phát sóng một báo cáo vào ngày 3 tháng 10, trong đó người cư dân của thành phố Medellin này nói rằng cô ấy “yên bình” về quyết định xin trợ tử và rằng cô ấy là “một người Công Giáo, tôi tự cho mình là một người rất tin vào Chúa, nhưng, tôi nhắc lại, Chúa không muốn thấy tôi đau khổ và tôi tin rằng không ai phải đau khổ. Không người cha nào muốn nhìn thấy những đứa con của mình đau khổ”.

Sepúlveda sẽ là người phụ nữ đầu tiên xin trợ tử sau phán quyết của Tòa án Hiến pháp Colombia vào tháng 7 cho phép những bệnh nhân không mắc bệnh nan y được yêu cầu các bác sĩ chích cho mình chết.

Trong video của mình, Đức Cha Ceballos nói: “Martha, tôi mời cô bình tĩnh suy nghĩ về quyết định của mình, hy vọng, nếu hoàn cảnh cho phép, tránh xa sự quấy rối của giới truyền thông đã không ngần ngại lấy nỗi đau của cô và của gia đình cô và sử dụng nó như một hình thức tuyên truyền cho trợ tử, ở một đất nước bị đánh dấu sâu sắc bởi bạo lực”.

Sau đó, ngài nhắc nhớ những lời của Đức Bênêđíctô XVI trong bài huấn đức buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật ngày 1 tháng 2 năm 2009: “phản ứng thực sự không thể là giết một người nào đó, bất kể ‘tử tế’ kiểu gì đi nữa. Nhưng điều cần thiết là làm chứng cho tình yêu giúp mọi người đối mặt với nỗi đau và sự đau khổ của họ trong một cách thế nhân bản.”

Đức Cha Ceballos cũng khuyến khích các tín hữu cầu nguyện cho cô và gia đình cô ấy xem xét lại quyết định của mình.

“Chúng ta hãy bao quanh cô ấy trong khi cô suy tư về ý định của mình, tôi trìu mến mời tất cả những người Công Giáo cùng tham gia cầu nguyện cho chị Martha của chúng ta, cho con trai của chị ấy, cho những người thân của chị ấy và cho những người chuyên nghiệp đang cố vấn cho chị ấy, để Thiên Chúa Sự Sống, Đấng là Tình Yêu Tối Cao, sẽ lấp đầy cô ấy với lòng thương xót của Người”.

Đức Cha Ceballos cũng mời Sepúlveda tham gia Thánh lễ ngày 9 tháng 10, trong đó ngài sẽ cầu nguyện cho cô.

“Tôi cũng mời Martha Liria đến với Bí tích Thánh Thể… trong đó chúng tôi sẽ cầu nguyện cho sự sống của cô, để Chúa, Đấng đã mang trên mình Ngài những đau đớn cho đến chết và chết trên thập tự giá, sẽ ban cho cô ơn can đảm để đồng hành cùng Ngài.”

Trong thông điệp của mình, Giám mục Riohacha giải thích rằng “phù hợp với niềm tin Kitô sâu sắc nhất của chúng ta, cái chết không thể là câu trả lời mang tính trị liệu cho nỗi đau và sự đau khổ trong mọi trường hợp.”


Source:Catholic News Agency

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *