Niềm vui, hạnh phúc đan xen với những nỗi buồn, những đau khổ luôn xảy ra trong suốt cuộc sống của mỗi con người. Có người đã phỏng đoán sự đau khổ bằng những con số cụ thể như sau; 85% đau khổ là do con người mang lại cho nhau, 10% là do thiên tai, bệnh tật và 05% còn lại là do các rủi ro, bất trắc khác.. Không biết những con số vừa nêu trên có chính xác hay không? Nhưng có một điều chắc chắn là; phần nhiều những đau khổ mà con người phải gánh chịu lại là do chính con người đem đến cho nhau hoặc do bản thân tự gây ra cho mình!…
Như vậy, nếu giả sử như mọi người ai ai cũng biết cố gắng tránh không làm cho người khác tổn thương đau khổ, ai cũng cố gắng giữ gìn để không làm hại cho chính mình thì con số phần trăm đau khổ mang tính khách quan còn lại kia sẽ không còn trở nên đáng lo sợ nữa! Nhất là; một khi mọi người biết quảng đại, biết lo lắng, chia sẻ, giúp đỡ để cùng nhau vượt qua gian nan thì những nỗi khổ đau về thể xác cũng như tinh thần mà con người phải gánh chịu sẽ giảm đi rất nhiều.
Trong lãnh vực gia đình cũng vậy, nếu như mọi thành viên trong gia đình biết quan tâm chăm sóc cho nhau, cùng nhau chia sẻ nỗi buồn, cùng nhau tạo nên niềm vui thì thiết tưởng mọi khổ đau sẽ được vượt qua và mái ấm gia đình sẽ luôn vui vẻ và tràn đầy hạnh phúc.
Chúa Giêsu đến thế gian Ngài không tiêu diệt đau khổ, nhưng Ngài khoắc lên trên sự đau khổ một ý nghĩa và một giá trị rất cao trọng. Bởi lẽ chính Ngài cũng phải trải qua biết bao đau khổ từ lúc sinh hạ tại Belem, cho đến khi Phục Sinh về trời, nhất là trong cuộc thương khó, tử nạn để cứu chuộc loài người. Và chính Ngài cũng kêu gọi mọi người hãy bước đi theo con đường của Ngài; đó là con đường thập giá. Phải trải qua đau khổ thì mới bước vào vinh quang.
Vợ chồng nếu biết đồng cam cộng khổ, vượt qua mọi gian nan thử thách thì chẳng những đau khổ sẽ vơi đi , tình yêu vợ chồng thêm thắm thiết mà khi biết dâng lên Thiên Chúa những đau khổ mà mình phải chịu, kết hiệp cùng những đau khổ mà Đức Giêsu trong cuộc thương khó Ngài đã trải qua để cứu chuộc nhân loại thì chính những đau khổ đó cũng sẽ trở nên như của lễ để đền tội cho chính mình và cho cả những người mà hai vợ chồng cùng có trách nhiệm liên đới nữa.
Người ta vẫn có thể tìm được niềm vui và hạnh phúc đàng sau những đau khổ. Khi vợ chồng có lý tưởng sống cho gia đình để rồi hết lòng phục vụ; có đối tượng để mà hết lòng hy sinh; đó là chồng(vợ) hy sinh cho vợ (chồng) và con cái thì họ vẫn có thể tìm thấy niềm vui và hạnh phúc trong những đau khổ mà họ phải trải qua!. Đoạn Kinh Thánh sau đây chứng minh điều này: “Họ cho gọi các Tông Đồ lại mà đánh đòn và cấm các ông không được nói đến Danh Đức Giêsu, rồi thả các ông ra. Các Tông Đồ ra khỏi thượng hội đồng, lòng hân hoan bởi đựơc coi là xứng đáng chịu khổ nhục vì danh Đức Giê-su” (Cv 5,40-42). Qua những Lời Kinh Thánh trên, chúng ta thấy: Cho dù các Tông Đồ có bị đau đớn về thể xác, vì bị đánh đòn, có bị nhục nhã trong tâm hồn vì bị ngăn cản dọa nạt. Thế nhưng trong lòng các Vị vẫn cảm thấy tràn ngập hân hoan, vui sướng vì bởi Danh Chúa Giê-su mà các Ngài phải chịu những đau khổ đó.
Khi vợ chồng luôn hiệp nhất để nên một thì sức mạnh họ tạo ra rất là mạnh mẽ: “ Thuận vợ thuận chồng, tát bể Đông cũng cạn!”. và từ sức mạnh đó họ sẽ vượt qua mọi khó khăn, mọi đau khổ.
“Râu tôm nấu với ruột bầu.
Chồng chan, vợ húp gật đầu khen ngon!”.
Râu tôm, ruột bầu là những thứ tưởng chừng như vứt bỏ đi, song đối với đôi vợ chồng biết yêu thương, đồng cam cộng khổ, cùng nhau chia sẻ nghịch cảnh thì nó lại trở nên đậm đà, ngon lành đấy thôi!
Trong xã hội không thiếu gì những trường hợp: Lúc gia đình trong hoàn cảnh túng thiếu, đói nghèo, hai vợ chồng sống gắn bó, cùng nhau chia sẻ lầm tham, đến khi khá giả rồi, không còn phải quá bận tâm lo lắng về tiền của nữa thì họ bắt đầu sinh tật. Vợ thì đua đòi quần nọ áo kia, phấn son lòe loẹt… chồng thì đàn đúm rượu chè, sa đà vào các tệ nạn xã hội. Nói chung là họ không còn biết “nhìn chung về một hướng” để sống cho nhau , sống vì nhau nữa, họ sống vị kỷ và từ lối sống đó, xích mích thường xuyên xảy ra và cuối cùng là dẫn nhau ra tòa ly dị.
Như vậy, có thể nói: cốt lõi của vấn đề đau khổ và hạnh phúc nằm ở trong tư duy và nhận thức của mỗi cá nhân.
Đại đế Napoleon bách chiến, bách thắng, nhưng cuối cùng thất trận ở Waterloo, bị quân Anh bắt đày ra đảo Saint Helene, tại đây ông than thở rằng: “Đời tôi không có được sáu ngày vui”. Ngược lại, một người đàn ông vô danh tàn tật, nghèo khó thì lại thốt lên rằng: “Cuộc đời thật tốt đẹp và đáng quý biết bao!”.
Sử sách ghi lại rằng: Tuy được sống trong danh vọng và giầu sang nhưng hai nhân vật nổi tiếng là bà Mary Todd phu nhân của tổng thống Mỹ Abraham Lincoln và bà Sophia Andreevna(Sonya) vợ của đại văn hào Nga Leon Tolstoy trong cuộc sống gia đình đã thường xuyên chê bai, chỉ trích, đay nghiến chồng, thậm chí chửi mắng chồng khiến cho bầu khí gia đình lúc nào cũng ở trong tình trạng căng thẳng, ngột ngạt…Để rồi ông tổng thống thì thường phải lánh mặt mỗi khi bị bà vợ cằn nhằn, còn văn hào Leon Tolstoy thì đã bỏ nhà ra đi, rồi qua đời trong cô đơn lạnh lẽo tại một nhà ga vào mùa Đông năm1910. Trái ngược với hai hoàn cảnh trên thì cặp vợ chồng Henry Ford và Clara Bryan lại khác. Tình yêu của họ luôn mãi mặn mà, qua tháng năm dài vẫn trung kiên dù là ở trong hoàn cảnh nào, đau khổ hay sung sướng, túng thiếu hay phú quý họ vẫn dìu dắt nhau để xây dựng được hạnh phúc gia đình bền vững. Ông Vua xe hơi người Mỹ, lúc về già thường nói với vợ ông rằng: “ Nếu có kiếp sau, thì anh sẽ tìm cưới em để sống bên em thêm kiếp nữa”.
Chúng ta những người Công Giáo không tin có kiếp sau. Nhưng chúng ta xác tín có đời sau, và người viết ước mong rằng; mọi người sống trong bậc gia đình sẽ luôn ý thức để tạo dựng một gia đình hạnh phúc cho dù ở trong bất kỳ cảnh ngộ nào như lời cam kết trong ngày lễ thành hôn. “Tôi nhận anh(em) làm chồng(vợ) và hứa sẽ giữ lòng chung thủy với anh(em)khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi bệnh hoạn cũng như lúc mạnh khỏe, để yêu thương và tôn trọng anh (em) mọi ngày suốt đời tôi.” Và rồi sau khi hoàn tất cách tốt đẹp cuộc đời lữ hành trần gian này thì chúng ta sẽ hy vọng lại được cùng nhau chung hưởng hạnh phúc vĩnh cửu trên thiên đàng đời sau.
Trần Văn Chính.