Mỗi lần nghe bài hát Sầu Lẻ Bóng của nhạc sĩ Anh Bằng là tôi lại ngẫm ngợi. Giọng ca da diết, não nề của ca sĩ Lệ Quyên như càng xoáy sâu vào con tim. “Từ lâu tôi biết câu thời gian là thuốc tiên, chuyện gì đến sẽ đến, nhưng ai bạc bẽo mình vẫn không đành lòng quên.” Đúng quá! Không đành lòng quên. Quả là mỗi lần ai đó làm mình tổn thương, thì lại có một thứ khoái cảm bệnh hoạn nào đó được tôi nâng niu, dung dưỡng. Những nỗi niềm ái kỷ của sự giận hờn, oán ghét nảy sinh, khiến cái tôi vị kỷ của mình được thỏa mãn, chiều chuộng. Để rồi có khi muốn bỏ qua, muốn tha thứ mà tôi lại cứ ấp ủ, cứ dung dưỡng những giận hờn, oán ghét. Tôi không đành lòng quên! Nhưng giữ lấy những giận hờn, oán ghét trong lòng là vô cùng độc hại.
Trong quyển “Mười hai bí quyết tăng cường sức sống tâm linh”, tác giả Richard P. Johnson cho rằng, có một tương quan kết nối chặt chẽ giữa thân xác – trí tuệ – tinh thần. Bệnh tật thể lý hay tâm thần đều là hậu quả của nhiều yếu tố, nhất là những thái độ tinh thần. Một người bị loét dạ dày không chỉ vì thức ăn mình nuốt vào. Mà còn vì những điều người ấy chất chứa trong đầu. Sự oán hận không tha thứ là một trong những điều đó. Nó khiến cho ta trở nên kiệt quệ, bệ rạc, chóng già nua. Ngay cả tinh thần cũng uể oải, mỏi mệt. Nó ngăn cản đời sống tâm linh của chúng ta phát triển.
Vậy làm sao chúng ta có thể tha thứ? Lời Kinh Lạy Cha mà Chúa Giêsu dạy là một phương thức tuyệt vời để tha thứ.
Bộ phim Confession kể một người đàn ông nọ sau 20 năm dằn vặt về tội lỗi của mình đã quyết định đi xưng tội. Bởi trước đó ông gây ra một tai nạn, nhưng đã lái xe bỏ chạy bỏ mặc đứa trẻ, con của nạn nhân, van xin ông chở bố cậu đi bệnh viện. Sau thì bố cậu mất. Điều kịch tính là vị linh mục mà người đàn ông đến xưng tội lại chính là đứa trẻ năm ấy. Nhớ về khoảnh khắc đó, vị linh mục đã vô cùng đau khổ, dằn vặt, không đành lòng quên! Nhưng rồi ông quỳ trước tượng Chúa chịu nạn, khóc lóc, cầu nguyện với Kinh Lạy Cha. Khi đọc “…xin tha cho chúng con, như chúng con cũng tha, kẻ có nợ chúng con,” vị linh mục ấy nghĩ về tình yêu của Chúa dành cho mình. Cha nhận ra mình chỉ là một con người nhỏ bé, thấp hèn, đầy những lỗi lầm, nhưng đã được Chúa chọn làm linh mục của Chúa, làm người nói lời tha thứ của Chúa cho tội nhân. Sau một hồi cầu nguyện, Cha quyết định tha thứ cho người đàn ông nọ.
Để có thể làm hòa với anh chị em mình, làm hòa với chính mình, trước hết chúng ta cần làm hòa với Chúa. Nhận ra mình là tội nhân và cảm nhận được lòng thương xót của Người. Khi cảm nghiệm được điều đó, chúng ta sẽ tìm thấy bình an, gia tăng sức mạnh nâng đỡ, đồng hành của Chúa. Nhờ đó, ta sẵn sàng tha thứ cho người khác, và cho chính mình.
Nguyễn Ninh