Ý nghĩa sâu xa của lễ “Đức Bà Mông Triệu”?

Hồi còn nhỏ được học thuộc lòng Kinh cầu Đức Bà, không thấy có câu “Nữ Vương Hồn Xác Lên Trời”. Mãi tới khoảng thập niên 50 thế kỷ XX mới thấy dạy phải đọc câu đó vào sau câu “Nữ Vương chẳng hề mắc tội tổ tông”. Cũng bởi vì niềm tin vào Đức Mẹ hồn xác lên Trời tuy đã có từ lâu trong Giáo hội; nhưng mãi tới ngày 01/11/1950 ĐGH Pi-ô XII mới ban hành Tông hiến Thiên Chúa vô cùng vinh hiển “Munificentissimus Deus” long trọng định tín Đức Mẹ Maria linh hồn và xác lên trời là một tín điều buộc mọi người phải tin. Và cũng kể từ thời gian đó, nghe rao lịch Phụng vụ mới thấy có lễ Đức Bà Mông Triệu. Được giải thích đây là lễ “Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời” thì lại nghĩ “Mông Triệu” là lên trời. Lớn lên, được học chữ Hán, tìm hiểu thì không thấy ý nghĩa đó trong từ ngữ Hán Việt. Thắc mắc, nhưng không dám hỏi ai. Mãi tới khi đã về già, được làm quen với internet, tra cứu mới hiểu rõ nghĩa của chữ “mông triệu”.

Ngay từ thời gian đầu, trong Sách Lễ Rô-ma, ngày lễ “Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời” có tên “Assumptio Beatæ Mariæ Virginis”. Từ La-tinh Assumptio có nghĩa là “kết hợp”, nên ngày lễ gọi đúng tên là “Lễ Kết Hợp của Thánh Nữ Đồng Trinh Maria” (ngụ ý “Kết Hợp với Chúa Giê-su Con Thiên Chúa và cũng là Con của Đức Mẹ ở trên trời“). Như vậy, ý nghĩa ngày lễ không nằm trong tên gọi mà chính trong Đức Tin, nền tảng của Thánh Truyền, giúp người Ki-tô hữu thấu hiểu về hồng ân “Đức Mẹ, sau khi viên mãn cuộc đời trần thế, được Thiên Chúa đón rước cả hồn xác lên trời kết hợp với Chúa Giê-su Con Mẹ”. Từ đó, ngày lễ có tên phổ thông là “Lễ Đức Mẹ hồn và xác lên trời”.

Khi dịch sang tiếng Việt, Giáo hội Công Giáo Việt Nam muốn giữ nguyên vẹn ý nghĩa của tên gọi “Assumptio Beatæ Mariæ Virginis” nên dịch là Lễ “Đức Bà Mông Triệu”. Chữ Mông Triệu ( 蒙 召 ) là từ Hán Việt bao hàm ý nghĩa: “Được ơn Gọi về” (Mông: bị, chịu, gặp, được nhờ, đội ơn. Vd: Mông ân: chịu ơn ; Triệu: Gọi, vời đến. Vd: Hiệu triệu, triệu hồi, triệu tập). Đức Mẹ ở trần gian mà “được ơn gọi về” thì tất nhiên là gọi về “Kết hợp với Chúa Giê-su ở trên Trời” vậy. Tuy nhiên, hầu hết Giáo dân Việt Nam đều ở tầng lớp bình dân, nên nghe tên “Đức Bà Mông Triệu” có vẻ mơ hồ. Vì thế, kể từ khi ĐGH Pi-ô XII ban hành Tông hiến “Munificentissimus Deus” công bố tín điều “Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời”, thì ngày lễ được gọi phổ thông là “Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời”,

Niềm tin Đức Mẹ Maria được Thiên Chúa ân thưởng hồn xác lên trời đã có ngay từ thời Giáo hội sơ khai. Có lẽ đó cũng là lý do sau khi Đức Giê-su Phục Sinh, Kinh Thánh Tân Ước không đề cập đến việc Đức Ki-tô đi gặp Mẹ Người, vì các tín hữu thời ấy đã tin là Mẹ Maria luôn luôn kết hợp với Con Mẹ, không có một giây phút nào Mẹ Con xa nhau, ngay cả khi Con Người tử nạn trên thập giá (Ga 19, 25-27) thì Mẹ cũng đồng hành. Vậy thì không lý gì khi Mẹ từ giã cõi trần lại không được Người Con chí thánh chí nhân rước lên trời tiếp tục đồng hành để hướng dẫn Nhiệm Thể Đức Ki-tô (Giáo hội) còn trên hành trình dương thế. Tuy Thánh Kinh không trình thuật rõ ràng về mầu nhiệm Đức Mẹ được hưởng diễm phúc cả hồn và xác lên trời; nhưng theo Thánh Truyền, từ thế kỷ thứ IV trở đi, niềm tin vào mầu nhiệm tuyệt hảo này được phổ biến trong cả Giáo hội Đông phương lẫn Tây phương. Có nhiều vị Giáo sĩ hoặc các Giáo phụ sau khi lìa cõi thế đã được Giáo hội tuyên phong hiển thánh như Thánh Grê-gô-ri-ô thành Tours, Thánh Mô-đét-tô, Thánh Xô-phrô-ni-ô, Thượng phụ Giê-ru-sa-lem, Thánh Ger-ma-nô thành Constantinople; đó là nhờ các ngài khi còn tại thế đã nhiệt thành rao giảng về hồng ân Thánh Nữ Đồng Trinh Maria hồn xác lên trời.

Vào đầu thế kỷ thứ VI, Thánh Tê-ô-đô-xi-ô (Theodosius) cho biết: Trước năm 500, hằng năm các thầy dòng Palestine mừng trọng thể Lễ Thánh Nữ Đồng Trinh Maria hồn xác lên trời vào ngày 15/8. Trong khi, theo Giáo Lý, tại Ai-cập và A-ra-bi-a thì giáo hữu mừng lễ vào trung tuần tháng Giêng. Đến thế kỷ VI, ngày lễ 15/8 lan rộng khắp Giáo hội Đông phương. Tại Hy-lạp, Hoàng đế Mô-rít (Mauritius) công bố ngày lễ 15/8 với danh xưng “Lễ Thánh Nữ Đồng Trinh Maria Ngủ – Dormitio Sanctæ Mariæ Virginis” theo tinh thần Phụng vụ By-giăng-tin (Giáo lý HTCG, số 966). Cũng vào thế kỷ VI, Giáo hội Rô-ma lấy ngày 15/8 làm ngày mừng Lễ Thánh Nữ Đồng Trinh Maria – Festivitas Beatæ Mariæ Virginis và mừng tại đền thờ Đức Bà Cả (Santa Maria Maggiore). Từ năm 700, thời ĐGH. Sergius I (687-701), mừng Lễ thật trọng thể, có rước kiệu Đức Mẹ. Tới thế kỷ XIII thì phải nói đã có sự đồng thuận toàn cầu về mầu nhiệm này, cụ thể là trong Kinh Mân Côi thì mầu nhiệm thứ tư của “5 mầu nhiệm Mừng” định tín: Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời.

Cho tới thế kỷ XX, ĐTC Pi-ô XII đã long trọng tuyên bố tín điều này qua Tông hiến Thiên Chúa vô cùng vinh hiển “Munificentissimus Deus” (ban hành ngày 01/11/1950): “Tôi công bố, tuyên xưng và xác nhận như là một tín điều được Thiên Chúa mạc khải: Người Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội của Thiên Chúa, Đức Maria Trinh Nguyên, sau khi hoàn tất cuộc đời trần thế của mình, đã được mang lên hưởng vinh quang trên trời cả thân xác lẫn linh hồn”. (DS 3903 ; TCF, trang 207). Cũng như ở Lộ Đức, Đức Mẹ đã hiện ra để xác nhận tín điều Vô Nhiễm Nguyên Tội được ĐTC Pi-ô IX công bố thế nào, Mẹ cũng tỏ ra xác nhận tín điều Mẹ được diễm phúc Hồn Xác Lên Trời do ĐTC Pi-ô XII công bố như vậy, khi cho ngài được thị kiến bốn lần (vào những ngày 30, 31/10 và ngày 01, 8/11/1950) hiện tượng “mặt trời nhẩy múa” (như ở Fatima ngày 13/10/1917 trước kia) (TWTAF 3, 284-287). Với lời tuyên tín này, ĐTC đã viết trang sử cuối cùng cho một truyền thống nhiều thế kỷ về niềm tin của Giáo hội về việc Đức Mẹ Lên Trời.

Sau đó là Công Đồng Chung Va-ti-ca-nô II, vào ngày 21/11/1964, Chân Phước GH Phao-lô VI đã ban hành Hiến chế “Tín Lý về Giáo Hội – Lumen Gentium” và dành cả Chương VIII (số 52-69) để trình bày về Đức Mẹ qua chủ đề: “Ðức Nữ Trinh Maria Mẹ Thiên Chúa Trong Mầu Nhiệm Chúa Ki-tô và Giáo Hội”. Trong đó, tín điều Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời được nhắc lại: “Sau cùng, được gìn giữ tinh sạch khỏi mọi vết tội nguyên tổ, và sau khi hoàn tất cuộc đời dưới thế, Ðức Nữ Trinh Vô Nhiễm đã được đưa lên hưởng vinh quang trên trời cả hồn lẫn xác, và được Thiên Chúa tôn vinh làm Nữ Vương vũ trụ, để nên giống Con Ngài trọn vẹn hơn, là Chúa các Chúa (x. Kh 19,16), Ðấng đã chiến thắng tội lỗi và sự chết … Ngày nay Mẹ Chúa Giê-su đã được vinh hiển hồn xác trên trời, là hình ảnh và khởi thủy của Giáo hội sẽ hoàn thành đời sau; cũng thế, dưới đất này, cho tới ngày Chúa đến (x. 2P 3,10), Ngài chiếu sáng như dấu chỉ lòng cậy trông vững vàng và niềm an ủi cho dân Chúa đang lữ hành.” (Hc “Lumen Gentium”, số 59-68)

Ngoài ra, sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo (số 975) cũng đề cập đến đặc sủng Hồn Xác Về Trời của Đức Maria như sau: “Sau cùng, được gìn giữ tinh sạch khỏi mọi vết tội nguyên tổ, và sau khi hoàn tất cuộc đời dưới thế, Đức Trinh Nữ Vô Nhiễm đã được đưa lên hưởng vinh quang trên trời cả hồn lẫn xác, và được Thiên Chúa tôn vinh làm Nữ Vương vũ trụ, để nên giống Con Mẹ trọn vẹn hơn, là Chúa các Chúa (x. Kh 19,16), Đấng đã chiến thắng tội lỗi và sự chết” (x. LG 59). Được lên trời cả hồn và xác, Đức Ma-ri-a tham dự cách độc đáo vào cuộc Phục Sinh của Đức Ki-tô và thể hiện trước sự Phục Sinh của các Ki-tô hữu khác. “

Tóm lại, với con người bất toàn thì không chỉ mầu nhiệm Đức Maria Hồn Xác Lên Trời, mà mầu nhiệm Đức Mẹ Trinh Nguyên, Vô Nhiễm Nguyên Tội, kể cả mầu nhiệm Ngôi Lời Nhập Thể trong cung lòng Mẹ, đều không thể xảy ra được; nhưng “đối với Thiên Chúa thì không có gì là không thể làm được” (Lc 1, 37). Vâng, “Đối với loài người thì điều đó không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa, thì mọi sự đều có thể được.” (Mt 19, 26). Vấn đề đặt ra là anh có thật sự tin có một Đấng Toàn Năng hằng hữu đã sáng tạo vũ trụ và con người, hay không. Nếu anh tin rằng con người được Thiên Chúa dựng nên từ bụi đất, thì tất cả mọi sự Thiên Chúa ban cho con người – ở đây là Lệnh Bà Maria, Mẹ Thiên Chúa, Mẹ nhân loại – đều là chuyện nhỏ, quá nhỏ đối với Người.

Chính vì thế, trong ngày đại lễ mừng kính “Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời”, người Ki-tô hữu đã vinh dự được Con Thiên Chúa và cũng là Con của Mẹ nhận làm bạn hữu (“Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết.” – Ga 15, 15); vậy thì còn đợi gì mà không tuyên tín: “Lạy Chúa! Con tin.” và dâng lời khẩn nguyện: “Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa đã đưa lên trời cả hồn lẫn xác Ðức Ma-ri-a là trinh nữ vô nhiễm và là thánh mẫu của Con Chúa. Xin cho chúng con hằng biết hướng lòng về phúc lộc quê trời để mai sau được cùng thánh mẫu chung hưởng vinh quang. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Ki-tô, Chúa chúng con. Amen.” (Lời nguyện nhập lễ lễ “Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời”).

JM. Lam Thy ĐVD.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *