(316?-397)
Một người chống đối hành động vô lương tâm muốn trở nên một tu sĩ; một tu sĩ bị gài ép để trở nên một giám mục; một giám mục chống đối những người vô tôn giáo nhưng cũng xin tha thứ cho những người lạc giáo – đó là Thánh Martin ở Tours, một trong những vị thánh nổi tiếng.
Ngài sinh trong một gia đình vô tôn giáo ở chỗ bây giờ là Hungary, và được lớn lên ở Ý. Là con của một cựu chiến binh, ngài bị ép buộc phải gia nhập quân đội vào lúc 16 tuổi. Ngài theo học đạo, và được rửa tội lúc 18 tuổi. Người ta kể rằng, ngài sống như một tu sĩ hơn là một binh sĩ. Năm 23 tuổi, ngài từ chối tham dự cuộc chiến của Hoàng Ðế Julian Caesar chống với thế giới bằng lập luận sau: “Tôi đã phục vụ ngài như một người lính; bây giờ hãy để tôi phục vụ Ðức Kitô. Hãy thưởng cho những người muốn chiến đấu. Nhưng tôi là một người lính của Ðức Kitô, và thật sai lầm nếu tôi đi đánh nhau”. Sau nhiều khó khăn, ngài được giải ngũ và trở thành môn đệ của Ðức Giám Mục Hilary ở Poitiers.
Cùng với Ðức Ambrôsiô, Ðức Giám Mục Martin chống với Ðức Giám Mục Ithacius về đề nghị xử tử những người lạc giáo – cũng như sự can thiệp của hoàng đế vào vấn đề này. Ngài còn thuyết phục được hoàng đế tha chết cho Priscillian (người chủ trương những điều sai lạc về nhân tính của Ðức Kitô). Vì những nỗ lực này, Ðức Giám Mục Martin bị cho là cùng phía với bọn lạc giáo, và sau cùng Priscillian bị xử tử. Sau đó Ðức Giám Mục Martin xin chấm dứt việc bách hại những người ở Tây Ban Nha theo tà thuyết của Priscillian. Ngài còn muốn cộng tác với Ðức Giám Mục Ithacius về một vài lãnh vực, nhưng vì lương tâm không thấy ổn thỏa nên ngài đã bỏ dở ý định ấy.
Khi đến giờ chết, các môn đệ xin ngài đừng bỏ họ. Ngài cầu nguyện, “Lạy Chúa, nếu dân của Ngài vẫn còn cần đến con, con sẽ không từ chối làm việc. Nhưng con xin vâng theo ý Chúa”.
Lời Bàn
Ðiều Thánh Martin quan tâm về sự cộng tác, nhắc nhở cho chúng ta biết hầu như không có gì hoàn toàn trắng hoặc hoàn toàn đen. Các thánh cũng là những tạo vật ở trần gian: Họ cũng phải do dự khi quyết định như chúng ta. Bất cứ quyết định nào của lương tâm đều ít nhiều có sự liều lĩnh. Nếu chúng ta chọn đi hướng Bắc, có thể chúng ta không biết được những gì xảy ra ở hướng Đông, hướng Tây hay hướng Nam. Tuy nhiên, quá thận trọng không dám quyết định, thì cũng không phải là nhân đức khôn ngoan, thật vậy, nếu cho rằng “không quyết định là sự quyết định” thì đó là một quyết định sai lầm.
http://hddmvn.net/tusach/tusach/hanhcacthanh/theovetchannguoi.htm