Giới thiệu tổng quát Huynh đoàn Đa Minh (4/8)

Bài 04 : CÁC PHƯƠNG TIỆN CHÍNH YẾU
ÐỂ SỐNG ƠN GỌI ÐA MINH

1. Người giáo dân và ơn gọi Dòng Ba
2. Về Huynh đoàn Giáo dân Đa Minh
3. Tinh thần và Đoàn sủng Đa Minh
4. Các phương tiện sống ơn gọi Đa Minh
5. Việc huấn luyện Giáo dân Đa Minh
6. Hệ thống tổ chức và điều hành
7. Chức năng Vị Linh Hướng
8. Phụ lục : Huynh đoàn trong Giáo xứ

Ðể thực hiện đoàn sủng Thuyết giáo phục vụ Giáo Hội, Thánh Ða Minh và các tu sĩ tiên khởi, khi soạn thảo Hiến Pháp đầu tiên cho Dòng vào năm 1220, đã chọn bốn phương tiện chính yếu như là bốn cột trụ chống đỡ tòa nhà Ða Minh. Ðó là:

1. Sống tinh thần cộng đoàn.
2. Tham dự việc cầu nguyện cộng đoàn.
3. Siêng năng học tập.
4. Tham gia vào sứ vụ tông đồ của Giáo hội

Tổng hội kế tiếp (1221) khẳng định bốn yếu tố này có thể được thích nghi theo thời gian và hoàn cảnh cho phù hợp với mục đích của Dòng, nhưng không bao giờ có thể thay đổi hay là xóa bỏ chúng. Noi gương các anh em tu sĩ Dòng, nếp sống của giáo dân Ða Minh cũng phải được thiết lập dựa vào bốn nền tảng trên.

br_2015c.jpg

1. SỐNG TINH THẦN CỘNG ÐOÀN.

Theo thánh Ða Minh, việc giảng thuyết chỉ đạt được hiệu năng là do một cộng đoàn cùng chung nhau thực hiện chứ không phải do một cá nhân. Do đó các tu sĩ Ða Minh phải sống chung và làm các việc chung với nhau trong tinh thần hiệp thông.

Ðối với bậc giáo dân, trước đây cũng có một số huynh đoàn tổ chức sống cộng đoàn, (như cộng đoàn mà thánh nữ Ca-ta-ri-na Si-ê-na là phần tử) nhưng thông thường vì phải chu toàn trách nhiệm trong gia đình, họ không thể sống chung như các tu sĩ. Dẫu vậy, họ cũng phải thể hiện tinh thần sống cộng đoàn trong một số điểm chính yếu sau:

– Trước hết họ ý thức mình là phần tử của một cộng đoàn sống tình huynh đệ gắn bó với nhau phỏng theo phần nào đời sống cộng đoàn các tu sĩ. Từ ngữ huynh đoàn nói lên ý nghĩa “cộng đoàn sống tình huynh đệ”. Cộng đoàn này thường được một tu sĩ Dòng hay một giáo sĩ làm linh hướng để hướng dẫn về mặt đạo lý và đời sống thiêng liêng.

– Huynh đoàn là một pháp nhân theo Giáo Luật và Hiến pháp Dòng. Cộng đoàn được điều hành bởi vị đoàn truởng, thay mặt Bề trên Tổng quyền do cộng đoàn bầu lên cách dân chủ. Ðoàn trưởng cùng với ban Phục vụ là những vị có quyền chấp nhận những thành viên mới. Một khi đã gia nhập huynh đoàn, do lời tuyên hứa, các đoàn viên phải tuân phục Bề trên Tổng quyền và những vị đại diện trong các việc điều hành và đời sống thiêng liêng.

– Ngoài các sinh hoạt thường xuyên, các đoàn viên phải tham gia nguyệt hội hàng tháng. Buổi nguyệt hội là thời gian đoàn viên biểu lộ sống tình huynh đệ hiệp thông sâu xa qua việc cầu nguyện, học tập, làm việc tông đồ.

2. THAM DỰ VIỆC CẦU NGUYỆN CỘNG ÐOÀN

Theo thánh Ða Minh, nhà giảng thuyết chỉ thu lượm được những hiệu quả siêu nhiên như hoán cải tâm hồn tha nhân và giúp họ sống đời Kitô hữu trọn hảo qua việc cầu nguyện, nhất là tích cực tham dự thánh lễ, lãnh nhận các bí tích, nguyện các Giờ Kinh Phụng Vụ trong thánh đường. Vì những việc này được diễn ra trong nơi thánh trước sự hiện diện của Chúa Giêsu Thánh Thể, được dưỡng nuôi qua Lời Chúa, và được trở nên sống động nhờ những nghi thức giúp chúng ta tham gia bằng toàn thể con người. Chính vì thế mà thánh Ða Minh, tuy đã để dành nhiều thời gian cho việc cầu nguyện tư, Ngài vẫn dành ưu tiên cho Kinh nguyện cộng đoàn mà Ngài coi đó như là một trong bốn phương tiện chính yếu của Dòng.

3. CHUYÊN CẦN HỌC TẬP

Một điều mới lạ hoàn toàn trong Giáo hội và các Dòng tu thế kỷ XIII mà thánh Ða Minh đã đem vào trong Dòng, đó là việc học hành. Ðối với một Dòng được thành lập để giảng thuyết và bảo vệ đức tin, việc học tập trở thành một phương tiện không thể thiếu. Thánh Ða Minh đã thay thế công tác lao động chân tay bằng nghĩa vụ học hành và đó là một hệ quả tất nhiên của mục tiêu mới mà thánh Ða Minh đã muốn mang lại cho Dòng mình.

Ðể có thể thích hợp với Dòng, giáo dân Ða Minh cũng cần chăm chỉ học tập những chân lý để thông truyền và giảng dạy lại cho người khác.

Luật Sống giáo dân Ða Minh thôi thúc các đoàn viên như sau: “Là thành viên của Dòng, chúng ta tham dự vào sứ vụ tông đồ của Dòng bằng việc học tập” (Lc, số 4) và “chuyên cần học hỏi chân lý và luôn suy tư về những vấn đề thời đại dưới ánh sáng Ðức Tin” (Lc, số 10). Ðể làm được việc này, Dòng cùng với Huynh đoàn thỉnh nguyện các cha xứ làm linh hướng để các ngài quan tâm dạy dỗ và hướng dẫn anh chị em trau dồi các vấn đề đạo lý và đời sống thiêng liêng (Lc, số 21c.)

Luật sống của Huynh đoàn giáo dân Ða Minh Việt Nam cũng đề cập đến việc học tập một cách chi tiết:

– Thứ nhất: Như các tu sĩ Ða Minh trong mỗi tu viện có một vị khuyến học, mỗi huynh đoàn cũng phải có một vị đặc trách huấn luyện. Vị này có nhiệm vụ tạo cơ hội và khuyến khích mọi người – nhất là những anh chị em trong thời gian thụ huấn – tích cực học tập.

– Thứ hai: Luật sống đưa ra một chương trình huấn luyện tiến cấp qua các giai đoạn để đoàn viên học hỏi về Lời Chúa, giáo lý Hội thánh, ơn gọi và sứ mạng của người giáo dân theo ánh sáng đoàn sủng của thánh Ða Minh và thánh nữ Catarina, tinh thần Dòng, những dấu chỉ thời đại..

– Thứ ba: trước khi bước vào một giai đoạn mới, mỗi đoàn viên đều phải qua một cuộc khảo hạch.

– Thứ tư: theo gương các tu sĩ Ða Minh, giáo dân Ða Minh phải cố gắng khắc phục mọi khó khăn để học tập. Vì theo tinh thần Dòng, đó là một hình thức khổ chế thực sự hơn là các việc hy sinh khác.

4. THAM GIA VÀO SỨ VỤ TÔNG ÐỒ CỦA GIÁO HỘI

Khi viết cho thánh Ða Minh và các anh em người trong sắc lệnh châu phê thành lập Dòng 1217, Ðức Honoriô III đã khẳng định: “Ðấng luôn làm cho Giáo hội thêm nhiều con cái… đã gợi cho các con cảm nghĩ đạo đức là chuyên tìm hiểu Lời Chúa … đồng thời lại truyền giảng Danh Thánh Chúa Kitô, Chúa chúng ta khắp hoàn cầu”.

Vậy Dòng Anh Em Thuyết Giáo do thánh Ða Minh thành lập, ngay từ thời sơ khai, như ai cũng biết để đặc cách chuyên việc giảng thuyết và cứu rỗi các linh hồn. Ðiều này được xác định rõ qua danh xưng: Dòng Anh em Thuyết giáo – Ordo Fratrum Praedicatorum .

Thực ra, sứ vụ tông đồ là bổn phận của Giáo hội, vì bản chất của Giáo hội là truyền giáo. Là thành phần của Giáo hội, mỗi người Kitô hữu được mời gọi trở nên nhân chứng, làm chứng cho Chúa Kitô Phục sinh với đầy đủ tư cách của người giáo dân (Xc. Sắc lệnh Tông đồ giáo dân, số 14; Tông huấn Sứ vụ Ðấng Cứu Ðộ, số 77.). Tuy nhiên, Dòng Anh em Thuyết giáo đã nhận lấy sứ vụ đó làm sứ vụ chuyên biệt của riêng mình để đồng hành với Giáo hội “loan truyền Danh Chúa Kitô khắp hoàn cầu” (HPNT, sô 1). Anh chị em giáo dân Ða Minh cũng được mời gọi tham gia vào sứ vụ này như Luật riêng số 29 của Huynh đoàn xác định: “Hội thánh hiện diện giữa lòng thế giới để tiếp tục loan báo Tin mừng Nước Thiên Chúa cho muôn dân theo mệnh lệnh của Chúa Kitô. Ðây cũng chính là sứ mệnh của Dòng Thuyết giáo mà tất cả anh chị em đều được mời gọi thực hiện”.

Tóm lại, với bốn yếu tố làm nên đời sống người giáo dân Ða Minh, thiết tưởng nó được nhìn nhận là kim chỉ nam và từ đó người giáo dân Ða Minh như tìm đuợc sức sống để thi hành sứ vụ của người Kitô hữu theo một đoàn sủng của một Dòng được đặc cách làm nhiệm vụ loan báo Lời Chúa.

Bất cứ ở nơi đâu, người giáo dân Ða Minh cũng phải và có trách nhiệm sống tinh thần của người Ða Minh theo điều kiện hoàn cảnh và môi trường nơi mình sinh sống.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *