Chuỗi Kinh cầu nguyện trong cơn Đại dịch Covid-19
3 Tháng Mười Hai Thánh Phanxicô Xaviê (1506-1552)
Bài trích thư thứ nhất của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Cô-rin-tô (1 Cr 9,16-19.22-23)
16 Thưa anh em, đối với tôi, rao giảng Tin Mừng không phải là lý do để tự hào, mà đó là một sự cần thiết bắt buộc tôi phải làm. Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng ! 17 Tôi mà tự ý làm việc ấy, thì mới đáng Thiên Chúa thưởng công ; còn nếu không tự ý, thì đó là một nhiệm vụ Thiên Chúa giao phó. 18 Vậy đâu là phần thưởng của tôi ? Đó là khi rao giảng Tin Mừng, tôi rao giảng không công, chẳng hưởng quyền lợi Tin Mừng dành cho tôi.
19 Phải, tôi là một người tự do, không lệ thuộc vào ai, nhưng tôi đã trở thành nô lệ của mọi người, hầu chinh phục thêm được nhiều người. 22 Tôi đã trở nên yếu với những người yếu, để chinh phục những người yếu. Tôi đã trở nên tất cả cho mọi người, để bằng mọi cách cứu được một số người. 23 Vì Tin Mừng, tôi làm tất cả những điều đó, để cùng được thông chia phần phúc của Tin Mừng.
✠ Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô (Mc 16,15-20)
15 Khi ấy, Đức Giê-su hiện ra với Nhóm Mười Một và nói với các ông rằng : “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo. 16 Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ ; còn ai không tin, thì sẽ bị kết án. 17 Đây là những dấu lạ sẽ đi theo những ai có lòng tin : nhân danh Thầy, họ sẽ trừ được quỷ, sẽ nói được những tiếng mới lạ. 18 Họ sẽ cầm được rắn, và dù có uống nhằm thuốc độc, thì cũng chẳng sao. Và nếu họ đặt tay trên những người bệnh, thì những người này sẽ được mạnh khoẻ.”
19 Nói xong, Chúa Giê-su được đưa lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa. 20 Còn các Tông Đồ thì ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng.
Hỷ (喜) (04.12.2024)
Chữ Hỷ (喜) có nghĩa là vui mừng, là tốt lành.
Về cấu tạo, Hỷ (喜) là một chữ hội ý; có kết cấu trên – dưới (trên là chữ trú (壴) kết hợp với Bộ khẩu (口) nằm bên dưới). Khi chiết tự, ta rõ:
Phần trên của chữ hỷ (喜) là chữ trú (壴). 壴 là một chữ tượng hình, miêu tả một loại nhạc cụ có hình dạng cái trống dùng trong lễ hội, ca múa.
Phần dưới của chữ hỷ (喜) là Bộ khẩu (口) biểu thị cho lời hát, lời chúc mừng.
Như vậy Hỷ (喜) diễn tả tay thì đánh trống, miệng thời hò reo chúc mừng.
Hỷ (喜) có nghĩa là việc tốt lành, việc vui mừng. Để diễn tả hình thái riêng biệt của các việc tốt lành, của các niềm vui; ta có các từ ghép như: Báo hỷ, cung hỷ, đại hỷ, hỷ hoan, hỷ sự…
Hôm nay, trình thuật Tin Mừng theo thánh Mác-cô cho ta biết lệnh truyền của Chúa Giê-su đối với các tông đồ rằng:
Phải lên đường báo hỷ (thông báo việc tốt lành, loan báo tin mừng) ! – Đó chính là“Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo”.
Và phần thưởng kèm theo cho các tông đồ – Một khi đặt trọn niềm tin tưởng vào Chúa; một khi có Chúa ở cùng và một khi có Chúa cùng hoạt động với các ông – Thì sẽ xuất hiện những phép lạ kèm theo để nhằm xác nhận lời các ông rao giảng (x. 16,15-20).
Không những các dấu chỉ lạ lùng có nơi đời sống các tông đồ, mà còn có vô số những dấu lạ đã xảy ra trong đời sống của các Ki-tô hữu qua mọi thời đại mà Giáo hội không ngừng tuyên thánh. Trong số đó, có mẫu gương báo hỷ Đức Ki-tô của thánh Phan-xi-cô Xa-vi-ê (Francisco Xavier); tu sĩ linh mục Dòng Tên người Tây Ban Nha (1506 – 1552) mà hôm nay toàn thể Giáo hội mừng kính. Thánh nhân được suy tôn là Quan thầy các xứ truyền giáo !
Thánh nhân nhận lãnh một sứ mạng truyền giáo rộng khắp châu Á, và là người rất có tầm ảnh hưởng trong công cuộc rao giảng Tin Mừng (báo hỷ), mà điển hình là vào thời kỳ cận đại tại Ấn độ. Ngài đã đóng góp rất nhiều vào sứ vụ truyền giáo tại Ấn Độ. Lúc bấy giờ, với cương vị là sứ giả của vua Bồ Đào Nha, ngài cũng là nhà truyền giáo lớn tiên phong rao giảng Tin Mừng tại đảo Borneo, Maluku, Nhật Bản, cùng một số vùng đất khác.
Cha Phan-xi-cô Xa-vi-ê có dự định đi truyền giáo tại Trung Hoa, tuy nhiên ngài đã mất tại đảo Thượng Xuyên, thuộc tỉnh Quảng Đông, Trung Hoa (1552) trước khi thực hiện được dự định này.
Thánh Phan-xi-cô Xa-vi-ê là một trong những nhà truyền giáo vĩ đại nhất từ sau khi Thánh Phao-lô “tông đồ dân ngoại” qua đời; và được biết đến với nhiều danh hiệu như: “tông đồ vùng Đông Ấn”; “tông đồ vùng Viễn Đông”; “tông đồ Trung Hoa” và “Tông đồ Nhật Bản”. Những dấu chỉ đó là những tấm gương rạng ngời xả thân vì tình yêu tha nhân, để đem lại niềm tin, an vui và hy vọng cho nhân thế.
Tin Mừng được cha thánh loan báo đến đâu là sự sống mới của Đức Ki-tô lan rộng tới đó, để đem lại ơn cứu độ cho con người. Vì tính cấp thiết của việc báo hỷ, mà cha thánh đã làm tất cả những điều đó, để cùng được thông chia phần phúc của Tin Mừng mà cha đã hết lòng rao giảng (x. 1Cr. 9,23).
Lạy Chúa, xin cho con biết hăng say báo hỷ cho Người bằng chính đời sống của con với tha nhân mỗi ngày. Amen.
CÁT BIỂN
Khốn cho tôi, nếu tôi không rao giảng Tin Mừng (03.12.2022)
Ghi nhớ:
Người nói với các ông: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo” (Mc 16, 15).
Suy niệm:
Có một vị Giám Mục, bị những kẻ chống đạo bắt giam trong nhà tù. Ở đó chúng không cho Ngài dâng lễ, không cho Ngài đọc kinh, cầu nguyện, thậm chí hát thánh ca chúng cũng không cho. Vì thế, Đức Cha nghĩ ra một phương cách cầu nguyện là hát những bài thánh ca bằng tiếng La tinh, bởi vậy những kẻ canh giữ Ngài, chúng không hiểu gì cả. Ngài hát rất hay, nên các tù nhân khác và cả chính những cán bộ canh gác Ngài cũng say sưa nghe. Cuối cùng thì họ nài xin Đức Cha dạy cho họ hát. Ngày tháng trôi qua, khi họ đã thuộc làu lời các bài hát rồi thì họ lại xin Ngài giải nghĩa cho họ biết ý nghĩa. Thế là Đức Giám Mục từ từ, nhẩn nha dạy cho họ biết về tiếng La Tinh. Sau cùng nhiều người đã xin Đức Cha làm phép Thánh Tẩy cho họ, trong đó có cả cán bộ!
Hôm nay Giáo Hội mừng kinh thánh Phan-xi-cô Savier( 1506 – 1552). Bổn mạng các giáo xứ truyền giáo. Thánh nhân chính là một mẫu gương tuyệt vời cho chúng ta trong bổn phận truyền giáo. Ngài đã đáp lại lệnh truyền cuả Thầy Giê-su, không quản ngại bất cứ điều gì, sẵn sàng xông pha, bất chấp mọi hiểm nguy để đi đến các nước thuộc Châu Á như: Nhật Bản, Ấn Độ… để mang Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo. (đang trên đường đi đến Trung Hoa thì Ngài qua đời vì bệnh)
Như chúng ta đã biết, trước khi về trời Đức Giê-su truyền lệnh cho các môn đệ là phải đi khắp tứ phương thiên hạ loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo. Đây không chỉ là một lời mời gọi mà đúng hơn phải nói; đó là một mệnh lệnh vì thế cho nên những người đã lãnh nhận bí tích Rửa Tội đều phải có bổn phận và trách nhiệm giới thiệu Chúa đến cho mọi người mà mình gặp gỡ. Thánh Phao-lô đã xác tín rằng: “Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (1Cr 9, 16).
Cách truyền giáo tốt nhất là sống Tin Mừng mà mình đã đón nhận một cách triệt để. Luôn cầu nguyện, hy sinh, hãm mình có ý hướng đến công việc truyến bá Thiên Chúa cho những người chưa biết Chúa của Giáo Hội được có kết của tốt đẹp, sau nữa là tích cực đóng góp cho quỹ truyền giáo của Giáo Phận bao nhiêu có thể. Tóm lại. Chúng ta phải tích cực truyền giáo bằng cách này hay cách khác để Danh Chúa được cả sáng.
Như chúng ta đã biết, trên thế giới còn rất nhiều người chúa nhận biết Chúa. Cụ thể là ở quê hương Việt Nam này thì trong số một trăm người thì mới có 7 người là Ky-tô hữu, còn lại là 93 người chưa biết Chúa để tôn thờ. Nói vậy để biết rằng nhiệm vụ của chúng ta trong việc đem Chúa đến cho đồng bào lương dân là rất cần thiết và cấp bách lắm thay!
Cuộc sống sẽ trở nên tốt đẹp biết bao khi mọi người cùng nhận biết Thiên Chúa là Đấng tạo dựng trời đất và Người rất yêu thương nhân loại, để tôn thờ và thi hành những giới răn của Người.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa xin ban Giáo Hội có nhiều thợ gặt nhiệt thành để các vị dấn thân trong công việc truyền giáo, xin ban ơn và soi sáng cho những người chưa nhận biết Chúa, để họ đón nhận Tin Mừng, để thờ phượng Chúa và hợp nhất trong một đàn chiên và một Chủ chiên. Amen.
Sống Lời Chúa:
Làm nhiều việc lành với ý cầu nguyện cho những người chưa nhận biết Chúa.
Đaminh Trần Văn Chính.
Mời gọi vào đại gia đình Thiên Chúa (03.12.2021)
Trong chuyến du lịch ra Hà Nội, chúng tôi đã đến tiểu Vương cung thánh đường Sở Kiện tại Hà Nam, chiêm ngưỡng nét đẹp cổ kính, công trình duy nhất ở Việt Nam có khuôn viên xây dựng theo kiểu quần thể nhà thờ Duomo của Ý. Đồng thời, ôn lại lịch sử Giáo hội Công giáo Việt Nam: Thời kỳ truyền giáo (1533-1659), 1659: thành lập 2 giáo phận đầu tiên: Đức Thánh Cha Alexandre VII bổ nhiệm hai Giám mục François Pallu (Đại diện Tông toà Đàng Ngoài) và Giám mục Pierre Lambert de la Motte (Đại diện Tông toà Đàng Trong) cai quản. Đức Cha François Pallu và Đức Cha Lambert de la Motte là những thừa sai đầu tiên, cùng Đồng Sáng lập của Hội Thừa Sai Hải ngoại Paris (MEP) đến truyền giáo tại vùng Viễn Đông. Chúng ta tri ân những vị Mục Tử ở cách xa ngàn dặm hải lý vâng theo mệnh lệnh của Giáo hội đến đất nước Việt Nam đặt nền tảng “Ánh sáng Chân lý của Đức Giêsu KiTô”. Vườn hoa thánh thiện của hai vị Thừa sai này chính là cộng đoàn tín hữu Công giáo Việt Nam và các nữ tu Mến Thánh Giá.
Trong Tin Mừng hôm nay là sự kiện Chúa Giê-su hiện ra với Nhóm Mười Một và nói với các ông rằng: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo”. Đó là lệnh truyền quan trọng nhất của Chúa Giê-su mà các tông đồ phải thực hiện, giới thiệu Nước Chúa không phân biệt các giai cấp trong xã hội, vượt ra khỏi biên giới đến các dân tộc trên thế giới, hễ người nào tin và chịu phép Rửa Tội sẽ trở nên con cái Chúa. Trách nhiệm của người Kitô hữu là loan báo Tin Mừng cho muôn người được hưởng ơn Cứu Độ mà Chúa Giêsu đem đến, tin vui lan tỏa mọi ngõ ngách, vào các làng mạc và ngay cả nơi cao nguyên heo hút, để mời gọi con cái Người đón nhận tình yêu thương của Thiên Chúa.
Xung quanh chúng ta còn rất nhiều mảnh đời cằn cỗi và sỏi đá cần được khai hoang, chúng ta sẽ làm gì để tiếp cận với tâm hồn ấy nếu không phải là sự kiên trì và quan tâm thăm hỏi vì có thể đó là những người bạn hữu, anh chị em trong khu xóm, trong nơi làm việc, những dịp gặp gỡ bạn bè, những người bệnh tật, cô độc … và ngay cả thế hệ con cháu chúng ta cũng cần được truyền ngọn lửa tình yêu Thiên Chúa. Trong Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới 2013 tại Rio de Janeiro Đức Giáo Hoàng Phanxicô chia sẻ : “Bây giờ việc loan báo này cũng được trao phó cho các bạn để nó có thể vang lên với sức mạnh tươi mới. Giáo Hội cần các bạn, cần lòng nhiệt thành, sáng tạo và niềm vui đặc trưng của các bạn … các bạn có biết đâu là dụng cụ tốt nhất cho việc Phúc Âm hóa người trẻ? Đó là một người trẻ khác. Đây là con đường mở ra cho tất cả các bạn đi theo!”. Chúng ta cùng cầu nguyện cho lớp trẻ có niềm tin yêu mạnh mẽ trong đời sống Kitô giáo.
Lạy Chúa, chúng con đã nhận Ơn gọi và sứ mạng của người giáo dân Đa Minh, nhắc nhở chúng con không chỉ biết sống và tuân giữ Lời Chúa cho riêng mình, mà còn nhiệt thành nói với mọi người “về Chúa”. Chúng con biết rằng Chúa không để chúng con đơn độc trong hành trình loan báo Tin Mừng, xin giúp chúng con nhiệt tâm cộng tác vào công trình Cứu độ của Chúa và xin Thánh Tổ Phụ Đa Minh luôn đồng hành với chúng con trong mọi hoàn cảnh.
Anna Anh
Chứng nhân Tin Mừng (03.12.2020)
Ở Châu Âu thế kỷ 18, các thầy ngay khi được thụ phong linh mục đã nhận sứ mạng rao giảng Tin Mừng ở các nước Viễn Đông. Năm 1927, vị mục tử trẻ người Pháp thuộc Hội Thừa sai Paris đã đến miền đất Di Linh – Lâm Đồng nơi dân tộc K’Ho sinh sống. Buổi đầu về nhận xứ, linh mục bận rộn với nhiều công việc khác nhau: truyền và dạy đạo lý Công giáo và nâng cao đời sống cho người dân. Ngài cũng thấu hiểu nổi khổ của các bệnh nhân phong, nên còn xây dựng các ngôi nhà tranh để chăm sóc và ngài ở trong trại phong Di Linh do mình thành lập cho đến khi qua đời năm 1973. Đó là Giám Mục Jean Cassaigne là một trong số 25 người Công giáo được Hội Giáo hoàng Truyền giáo, chọn làm mẫu gương cho đời sống đức tin và loan truyền đức tin Công giáo. Hồng Y Bergogilo (Giáo Hoàng Phanxicô) chia sẻ: “Giáo Hội được kêu gọi ra khỏi chính mình, để đi đến các vùng ngoại vi, không chỉ về mặt địa lý, còn đến các vùng ngoại vi về mặt hiện sinh: vùng ngoại vi của huyền nhiệm tội lỗi, của nỗi đau, của bất công, của dốt nát và lãnh đạm với tôn giáo, của những trào lưu tư tưởng và của mọi hình thức nghèo khổ” .
Sứ điệp Tin Mừng hôm nay là lời truyền cho các môn đệ: “Các con hãy đi khắp thế gian, rao giảng Tin Mừng cho mọi tạo vật. Ai tin và chịu phép Rửa, thì sẽ được cứu độ: ai không Tin, sẽ bị luận phạt”. Hiện nay, Giáo Hội Việt Nam đã triển khai rất nhiều giáo điểm, các linh mục và nữ tu sĩ đã lên đường với lòng nhiệt thành đem Lời Chúa đến tận các vùng heo hút, chấp nhận cuộc sống thiếu thốn để hòa đồng và gắn bó với người dân tộc, người nghèo khổ… Là Huynh đoàn giáo dân Đa Minh chúng ta có cảm nhận được điều mà Thánh Phanxicô Assisi đã nói: “Nếu chúng ta không rao giảng bằng chính cuộc đời của mình, thì dù có đi bất cứ nơi đâu rao giảng cũng vô ích”.
Theo thống kê tôn giáo năm 2019, đạo Công giáo có hơn 9 triệu Kitô hữu, con số còn khiêm nhường so với 96 triệu người Việt, cánh đồng truyền giáo còn rất mênh mông, đang cần chúng ta chung sức với Giáo Hội, học theo gương Cha Thánh Đa Minh “nói về Chúa” với tha nhân.
Chúa vẫn luôn đồng hành và chúc lành cho những người thực hiện sứ mạng rao giảng: “Và đây là phép lạ đi theo những người đã tin: nhân danh Thầy, họ sẽ trừ quỷ, nói các thứ tiếng lạ, cầm rắn trong tay, và nếu uống phải chất độc, thì không bị hại.”
Lạy Chúa, chúng con biết rằng việc loan báo Tin Mừng là trách nhiệm của tất cả Kitô hữu, nhắc nhở nhau “nói với Chúa và nói về Chúa” là việc vun đắp cho đời sống đức tin thêm bền chặt. Bài hát “Chứng nhân tình yêu” của linh mục Nguyễn Duy mời gọi chia sẻ yêu thương: “Trong tâm tư biết bao người ngày đêm cô đơn buồn không nói, nhưng đâu ai đến với họ để hát tiếng hát trong niềm vui. Vì nhiều người vẫn nghèo đói, thế giới thiếu vắng bao nụ cười. Xin cho nhau những tình thương, sớm mai cơn mê đã tan rồi….”. Xin Chúa tiếp thêm sức mạnh giúp chúng con không ngần ngại khi “Nói về Chúa” với mọi người trong mọi lúc và mọi nơi.
LHTH
Hãy đi loan báo Tin Mừng cho muôn dân (03.12.2019)
Bài Tin Mừng hôm nay là đoạn cuối của Tin Mừng theo Thánh Máccô, ghi lại uấn lệnh cuối cùng của Chúa Giêsu trước khi Ngài lên trời: Chúa đã chỉ thị: “Hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo”. Ngài đã hứa sẽ tích cực hỗ trợ những sứ giả loan Tin Mừng bằng những dấu lạ kèm theo. Các tông đồ đã làm theo chỉ thị đó : rao giảng Tin Mừng khắp nơi, và “dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng”.
Loan báo Tin Mừng, nhớ thực thi
Nhắc nhở chúng ta phải làm gì?
Sứ mệnh mỗi người cần phải có
Cất bước lên đường, quyết chí đi!
*
Loan báo Tin Mừng hãy thực thi
Quan tâm để ý mới kịp thì
Dựng xây cuộc sống yêu thương mãi
Khẩn thiết thật lòng chớ ngại chi
Thánh Phanxicô Xaviê được Giáo Hội đặt làm bổn mạng của các xứ truyền giáo. Ngài là người thực hiện đúng theo Lời Chúa đã phán truyền. Sứ giả của Chúa vừa đi rao giảng vừa “dùng những dấu lạ kèm theo” để củng cố lời rao giảng của mình. “Những dấu lạ kèm theo” trong cuộc sống hiện nay chính là thể hiện một cuộc sống đạo đức và gương mẫu trước sự chứng kiến của những người đang sống chung quanh chúng ta.
Loan báo Tin Mừng quyết thực thi
Đồng tâm hiệp nhất chẳng khó gì
Tỏa rộng yêu thương tình chan chứa
Kết quả vui mừng: đã cho đi
*
Vì nhau chung bước đường đi
Vì nhau chia sẻ những gì khó khăn
Vì nhau chẳng chút băn khoăn
Vì nhau xây dựng nghĩa thân tình nồng
Người Kitô hữu chúng ta hôm nay có nhiều thời gian để cử hành biến cố tử nạn và phục sinh như một Tin Mừng đích thực; Chúng ta đã được Chúa Thánh Thần chỉ dạy và hướng dẫn cho biết mọi sự; vì thế, chúng ta hãy cùng nhau thực thi Lời dạy của Chúa: “hãy đi khắp tứ phương thiên hạ loan báo Tin Mừng”. Đây không còn là một lệnh truyền từ bên ngoài nữa, mà phải là một sự thúc bách từ niềm tin thâm sâu nhất từ bên trong lòng của chúng ta.
Vì nhau thỏa dạ ước mong
Vì nhau trọn vẹn thực lòng yêu thương
Vì nhau đâu phải đo lường
Mà cho tất cả theo lương tâm mình
*
Vì nhau xây dựng nghĩa tình
Vì nhau thăng tiến quang minh rạng ngời
Vì nhau tuyệt diệu người ơi!
Vì nhau để thấy cuộc đời đẹp tươi
Lạy Chúa, Chúa đã dùng thánh Phaxicô Xaviê như dấu chỉ cho người khác nhận ra tình thương của Chúa. Thánh nhân cũng đã hết lòng cộng tác vào ơn ban của Chúa. Xin cho mỗi chúng con cũng biết hoàn thành ơn gọi đời mình cách tốt đẹp nhất theo thánh ý Chúa. Amen
HOÀI THANH
Nhiệm vụ sinh tử
1- Sứ điệp nguyên thủy :
Khi mời gọi “đọc” 1 Cr 9, 16-19.22-23 qua lăng kính Mc 16, 15-20, Phụng vụ Lời Chúa Lễ kính Thánh Phanxicô Xaviê, linh mục hôm nay cho thấy, đối với người Tông Đồ, sứ mạng loan báo Tin Mừng cho mọi thụ tạo mọi nơi và mọi thời không phải là một chọn lựa tùy ý của mình, mà là “một nhiệm vụ được Thiên Chúa giao phó”, và căn tính, niềm vui, nỗi buồn, hạnh phúc hay bất hạnh của người Tông Đồ hoàn toàn tùy thuộc vào nỗ lực thực thi nhiệm vụ đó hay không hoặc như thế nào, như được phản ảnh, trước tiên, trong Mc 16, 15-20 : ở đây, chính Đức Giêsu cho thấy rõ điều đó [“Khi ấy, Đức Giêsu hiện ra với Nhóm Mười Một và nói với các ông : ‘Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo. Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin, thì sẽ bị kết án…’ Cón các Tông Đồ thì ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng.” (16, 15-16.20)]; đó cũng chính là điều mà Thánh Phanxicô Xaviê đã thực hiện trong khoảng thời gian gần 12 năm trong cuộc đời tông đồ của mình, nơi đất khách quê người [“Mười một năm tám tháng truyền giáo rất sôi động, với một hành trình dài khoảng 80.000 km chỉ với một mục đích duy nhất là rao giảng Tin Mừng và thiết lập Hội Thánh : nào dạy giáo lý, rửa tội, chăm sóc bệnh nhân, xét xử; nhiều cộng đoàn kitô được thiết lập, cùng với nhiều trường học, chủng viện được mở khắp nơi…” (xem Enzo Lodi, Id., trg. 332-333)]…
Thứ đến, trong 1 Cr 9, 16-19.22-23 : ở đây, Phaolô cho thấy người Tông Đồ đích thực phải coi sứ mạng loan báo Tin Mừng không phải như một sự chọn lựa tùy nghi, mà là một nhiệm vụ sinh tử liên quan đến căn tính của mình [“Thưa anh em, đối với tôi, rao giảng Tin Mừng không phải là lý do để tự hào, mà đó là một sự cần thiết bắt buộc tôi phải làm. Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng !” (9, 16)]; đó cũng cbính là tâm trạng của Thánh Phanxicô Xaviê [“Trong giấc mơ, tôi trông thấy những gì tôi phải chịu vì vinh quang Chúa Giêsu-Kitô : trước mắt tôi là những hải đảo hoang vu, những miền đất man rợ báo trước cho tôi cảnh đói khát, chết chóc dưới muôn vàn hình thức…Lúc đó tôi bắt đầu la lên : Nhiều hơn nữa, lạy Chúa, nhiều hơn nữa !” (xem Enzo Lodi, Id., trg. 335)]…
2- Sứ điệp cho ngày hôm nay:
“Từ khi tới đây, con không bao giờ dừng chân : con chủ động rảo qua khắp các làng mạc, rửa tội cho tất cả những trẻ em chưa chịu phép rửa. Con cũng đã tái sinh cho vô vàn thơ nhi mà người ta thường nói là chưa biết phân biệt tay phải với tay trái.” (Thánh Phanxicô Xaviê, Thư gửi cho Thánh Inhaxiô – xem Enzo Lodi, Id., trg. 333)…
Lạy Thiên Chúa-Ba Ngôi chí thánh, xin nhóm lên trong lòng chúng con “lò lửa tình yêu” đã thiêu đốt tâm hồn Thánh Phanxicô Xaviê, để chúng con cũng có thể “sống chứng nhân cho Tin Mừng, để được sớm đến với Chúa cùng đông đảo các anh em mình” (Lời nguyện trên lễ vật)…
Được sai đi rao giảng (03.12.2016)
1. SUY NIỆM
Trình thuật Tin Mừng hôm nay nhắc lại lệnh truyền của Đức Giêsu trước khi Người vinh hiển rời bỏ thế gian mà về cùng Thiên Chúa Cha; lệnh truyền đó là “Hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo”
Đức Giêsu, Ngôi Lời Thiên Chúa, đã mặc lấy thân phận loài người (thân phận vốn yếu đuối, tội lỗi và sai lầm bởi hành vi bất tuân của ông bà Nguyên tổ). Người nhập thế, nhập thể, cư ngụ giữa nhân loại để cảm thông và chia sẻ những hèn yếu của con người. Sứ mệnh của Người là gánh lấy mọi tội lỗi và đau khổ của nhân loại mà chính họ đã gây ra; đồng thời giải thoát họ khỏi lầm lạc: Người giảng dạy cho họ chân lý cứu độ, và người đã tự hiến mạng sống để minh chứng Người là Đấng Mê-si-a, là Con Thiên Chúa; Đấng phải đến để giải thoát con người khỏi bóng tối sự chết và dẫn đưa họ vào hạnh phúc vĩnh cửu là Nước Trời.
Ba mươi năm sống ẩn dẩn trong cảnh nghèo khó ở Na-da-rét, vâng phục và giúp đỡ thân mẫu cũng như nghĩa phụ của Người; Đức Giêsu nêu gương sống bình dị, chu toàn bổn phận là người con trong gia đình và là người Ít-ra-en công chính, thân thiện với mọi người. Đến thời đã định, Người “ra đi” công khai rao giảng về Nước Trời và kêu gọi mọi người ăn năn sám hối, tin vào Người và đón nhận Tin Mừng Người đem đến cho nhân loại.
Ba năm cuối đời, Đức Giêsu bôn ba rảo bước khắp nơi: từ phương bắc Ga-li-lê, băng qua miền Sa-ma-ri và xuống tận Giu-đê-a ở miền nam Pha-lét-tin; Người chữa lành mọi bệnh tật cho dân; giải thoát họ khỏi đau khổ nơi thân xác và đem lại niềm vui trong tâm hồn. Lời rao giảng của Người cùng những dấu kỳ phép lạ: xua trừ ma quỷ, cho kẻ chết sống lại, chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền, thể hiện uy quyền và sức mạnh của Con Thiên Chúa làm người, cùng với kế hoạch cứu độ nhân loại mà Thiên Chúa đã dùng miệng các tổ phụ, các ngôn sứ loan báo thời Cựu Ước.
Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo tinh thần Do Thái lúc bấy giờ đã không nhận biết Người; họ chống đối và loại trừ Người bằng cách bắt nộp Người cho các Thượng tế và mượn tay ngoại bang giết Người với nhục hình đóng đinh, treo tên thập giá. Đức Giêsu đã chết, nhưng ngày thứ ba Người sống lại để minh chứng Người là Con Thiên Chúa và là Đấng Cứu Độ nhân loại mà muôn dân đang ngong ngóng đợi chờ.
Hoàn tất công trình cứu độ nhân loại theo kế hoạch của Thiên Chúa, Đức Giêsu trở thành Tin Mừng Cứu Độ cho tất cả những ai muốn được giải thoát; họ phải tin phục, đón nhận và thực thi giáo huấn của Người.
Công trình Cứu Độ đã được Đức Giêsu hoàn tất qua cái chết trên thập giá và đã vinh hiển sống lại. Người truyền các Tông đồ và những người kế vị các ông là Hội thánh phải tiếp tục loan báo “Đức Giêsu Kitô, Đấng cứu độ trần gian duy nhất hôm qua, hôm nay và mãi mãi” đang yêu thương chờ đợi mọi người.
Tin vào Tin Mừng, tin vào Đức Giêsu Kitô và chịu phép Thánh Tẩy là điều kiện duy nhất để được biến đổi và cứu rỗi; đồng thời công cuộc rao giảng Tin Mừng đòi hỏi người tông đồ phải có nhiệt tâm và chịu hy sinh kể cả mạng sống mình. Nhưng Đức Giêsu đã khích lệ ban cho nhiều đặc ân, nhất là lời hứa cùng hoạt động với các tông đồ, và Người dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng.
Lệnh truyền giáo được ban hành
Các Tông đồ đã nhiệt tâm thực thi
Các Kitô hữu cũng được mời gọi góp sức để Tin Mừng được lan rộng, vang xa.
Thế kỷ XVI, Thánh Phan-xi-cô Xa-vi-ê, người đã cụ thể hóa lệnh truyền giáo của Đức Giêsu Phục sinh. Năm 1534, đang là một giáo sư danh tiếng ở Đại học Paris , Pháp; Thánh nhân đã gia nhập Dòng Tên, dòng thừa sai, từ bỏ cuộc sống giàu sang, tiện ích và địa vị cao quý trong xã hội để đáp trả lời mời gọi truyền giáo.
Thụ phong linh mục năm 1537, thánh Phan-xi-cô Xa-vi-ê đến Lisbon và từ đó vượt đại dương đến Ấn Ðộ, cập bến làng Goa ở bờ biển phía tây nước Ấn. Trong vòng 10 năm tiếp đó, ngài đã tích cực hoạt động để đem đức tin đến cho rất nhiều dân tộc, trong đó có người Ấn Ðộ, Mã Lai và Nhật Bản.
Với lối sống giản dị, hòa đồng, ngài luôn gần gũi với người nghèo, chia sẻ thức ăn và các phương tiện thô sơ với họ. Ngài dành nhiều thời giờ để chăm sóc người đau yếu, nghèo khổ, kể cả những người bị bệnh phong cùi đến nỗi nhiều khi không có thời giờ để ngủ hoặc ngay cả để đọc kinh nhật tụng; nhưng, qua các thư từ ngài để lại chúng ta được biết, ngài luôn luôn tràn ngập niềm vui.
Thánh nhân đã đến các quần đảo ở Mã Lai, và Nhật Bản. Ngài học tiếng Nhật và rao giảng cho những người dân chất phác, dạy giáo lý và rửa tội cho họ, cũng như thành lập các trụ sở truyền giáo cho những người muốn giúp đỡ công cuộc của ngài. Từ Nhật Bản, ngài mơ ước đến Trung Hoa, nhưng dự tính này không bao giờ thực hiện được. Ngài đã từ trần trước khi đặt chân đến phần đất này.
Năm 1622, thánh Phan-xi-cô Xa-vi-ê được Ðức Giáo Hoàng Piô X phong thánh và đặt làm bổn mạng các xứ truyền giáo.
Sứ điệp Tin Mừng hôm nay mời gọi tôi:
- Đáp trả lời mời gọi truyền giáo bằng tất tả nhiệt tâm và khả năng có thể giữa cuộc sống đời thường của mình.
- Tích cực cộng tác với Giáo Hội trong các công tác tông đồ nhất là trong môi trường sống gia đình, giáo xứ và nơi làm việc.
2. CẦU NGUYỆN
Lạy Chúa, xin cho con biết cậy nhờ ân sủng của Chúa mà nhiệt thành đóng góp sức lực, thời gian trong việc giới thiệu và làm chứng cho Tin Mừng Cứu Độ, để loan báo Thánh danh Chúa cho mọi người cách hiệu quả.
3. SỐNG TIN MỪNG
Ra đi với hành trang là ân sủng của Đức Giêsu Kitô và sinh nhiều hoa trái như lòng Chúa mong ước.
“Lời nói như gió lung lay, gương bày như tay lôi kéo” (03.12.2015)
Ghi nhớ: “Các con hãy đi khắp thế gian, rao giảng Tin Mừng cho mọi thụ tạo.” (Mc 16,15)
Suy niệm: Truyền giáo hay loan báo Tin Mừng là lệnh truyền của Chúa. Thật vậy, trước khi về trời, Ngài đã di chúc lại cho các Tông đồ: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo. Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin thì sẽ bị kết án” (Mc 16,15). Mục đích của việc loan báo Tin mừng là để người khác tin vào Chúa, nhận lãnh phép rửa để được cứu độ. Chúng ta có thể thực hiện việc truyền giáo trước hết bằng lời cầu nguyện và bằng những việc hy sinh hãm mình. Thứ đến phải sống một đời sống tốt lành thánh thiện để làm gương sáng cho người khác, vì như người ta vẫn thường nói: “Lời nói như gió lung lay, gương bày như tay lôi kéo”. Gương sáng có tính thuyết phục và hấp dẫn hơn lời nói. “Người thời này không thích những thầy dạy cho bằng nhân chứng”. (ĐGH Phaolô VI).
Cầu nguyện: Lạy Chúa! Xin Chúa cho chúng ta biết thao thức và góp phần tích cực vào công cuộc Tân Phúc âm hóa cho mọi người, ở mọi nơi theo gương thánh Phanxicô-Xaviê.
Sống Lời Chúa: Nhiệt thành thực hành và loan báo Tin Mừng của Chúa bằng chính đời sống gương mẫu và thánh thiện của bản thân mỗi người chúng ta.
Hoài Thanh
Loan Tin Mừng khắp thế gian
Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo.” (Mc 16,15)
Suy niệm: Rất nhiều mệnh lệnh của Chúa Giêsu, như mệnh lệnh truyền giáo hôm nay, đã bị giảm thiểu một cách đáng ngại. Việc “đi khắp tứ phương thiên hạ” bị hiểu là đi khắp nơi trong cái không gian vật chất giới hạn trên mặt đất này. Mệnh lệnh “loan báo Tin Mừng” bị hạn hẹp vào việc “rửa tội” cho người ta. Rồi chúng ta lại hay quên rằng Chúa muốn “mọi loài thụ tạo” được loan báo Tin Mừng chứ không riêng gì “loài người”. Chính vì thế, yếu tố môi trường hay bị lãng quên trong nội dung của lời rao giảng. Việc hạn hẹp mệnh lệnh của Chúa như thế chẳng khác nào thái độ cầu an muốn trốn tránh một sứ mạng đòi hỏi phải mở rộng ra những biên giới bao la hơn nhiều.
Mời Bạn: Theo Công đồng Vaticanô II, “tứ phương thiên hạ” chính là “thế giới của con người, tức là toàn thể gia đình nhân loại với mọi sự thuộc môi trường sinh sống của gia đình này” (GS 2). Điều đó có nghĩa là việc truyền giáo phải thấm sâu vào mọi lĩnh vực văn hoá, xã hội, chính trị, v.v…, nói tắt, mọi phương diện con người đụng chạm đến. Và “thế giới” ấy cần được nghe và thấm nhuần những “giá trị Tin Mừng” trước đã. Có như thế, Chúa Thánh Thần mới tác động và khơi dậy lòng tin nơi người nghe để họ tin, lãnh nhận phép Rửa và được cứu độ (c. 16).
Sống Lời Chúa: Hôm nay bạn sẽ dùng một lời nói, một nghĩa cử bác ái, một lời chia sẻ trên facebook, twitter, hoặc một phương thế khác để loan Tin Mừng chứ!
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin ban thêm cho con lòng nhiệt thành loan báo Tin Mừng cho anh em.
Ơn gọi sứ mạng truyền giáo
“Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng.” (Mc 16,15)
Suy niệm: Ki-tô hữu là người thuộc về Chúa Ki-tô, người được sai đi loan báo Tin Mừng cứu độ. Câu nói này tuy vắn vỏi nhưng đã hàm chứa đầy đủ sự cao trọng của ơn gọi và sứ mạng người Ki-tô hữu. Sứ mạng loan báo Tin Mừng ấy không phải là điều phụ thuộc, hay được đưa thêm vào trong bổn phận của người Ki-tô, nhưng là bản chất, là cốt lõi của đời sống họ, là sứ vụ chính đi kèm bí tích thánh tẩy họ đã lãnh nhận. Người Ki-tô hữu và sứ vụ truyền giáo ấy không thể tách biệt, ‘li dị’ nhau; trái lại, tay trong tay” đến nỗi không truyền giáo thì không còn là người Ki-tô hữu đích thực. Do đó, người Ki-tô hữu phải luôn nỗ lực làm chứng về Chúa qua lời nói, việc làm tốt đẹp của mình, cũng như không ngại ngùng giới thiệu Chúa cách trực tiếp cho người chung quanh.
Mời Bạn: Cụ thể, bạn sẽ làm gì để loan báo Tin Mừng trong môi trường sống của mình? – Trước hết, chính bạn phải ý thức rằng loan báo Tin Mừng là bổn phận số một của mình trong cuộc đời; thứ đến, phải nỗ lực sống đời sống yêu thương, công bằng, quảng đại, liên đới, để người chung quanh nhìn thấy có Chúa trong cuộc đời bạn.
Sống Lời Chúa: Nhìn thấy bao anh chị em lân cận chưa biết Chúa, tôi xác tín như thánh Phao-lô: “Khốn cho tôi, nếu tôi không rao giảng Tin Mừng.”
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin cho chúng con tỉnh giấc sau cơn mê dài bỏ quên sứ mạng loan báo Tin Mừng. Xin cho trong năm này, mỗi gia đình chúng con ra sức giúp cho một gia đình không Công giáo được phần nào biết Chúa qua gương sáng và lời cầu nguyện. Xin Chúa chúc lành và nâng đỡ cho quyết tâm này của chúng con. Amen.
Môn đệ đích thực (03. 12. 2015)
Ghi nhớ: Còn các Tông Đồ thì ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông (Mc 16,20)
Suy Niệm: Con thuyền Giáo hội trải qua không biết bao nhiêu là sóng gió và hiểm nguy nhưng vẫn tồn tại và phát triển. Điều đó đã minh chứng rằng Chúa đang ở với Giáo hội và cùng hoạt động với Giáo hội. Nhìn lại những chặng đường Giáo hội đã qua, chúng ta không khỏi ngỡ ngàng vì quá nhiều việc kỳ diệu Chúa đã làm. Những việc ấy, tự sức con người không thể nào chu toàn và có thể vượt qua được. Bàn tay của Chúa quả thật lớn lao và yêu thương dường nào! Hôm nay, chúng ta mừng kính thánh Phanxicô Xaviê, một nhà truyền giáo vĩ đại của Giáo hội, một chiến sĩ can trường và trung thành của Đức Giêsu Kitô. Trong khoảng 11 năm truyền giáo, thánh nhân đã đi hơn 100.000 cây số, Rửa tội cho hơn 10.000 tân tòng và rất nhiều những công việc khác ngài đã làm vì Danh Đức Giêsu và Giáo hội của Ngài. Công việc này nếu tự sức mình, thánh nhân không thể thực hiện nổi. Bàn tay Thiên Chúa đã ở với ngài, tiếp sức mạnh cho ngài và nhất là làm cho lòng ngài cháy bừng ngọn lửa yêu mến Thiên Chúa, để ngài không mệt mỏi trong việc rao truyền Phúc âm cho mọi người. Chỉ với câu lời Chúa; “được lời lãi cả thế gian mà thiệt mất linh hồn thì nào có ích gì” (Mt 16,26) đã làm cho thánh Phanxicô thay đổi hoàn toàn cuộc đời của mình và trở thành một chứng nhân trung thành và can trường của Đức Giêsu. Chúng ta cũng hãy để cho Lời Chúa đánh động tâm hồn ta và biến đổi chúng ta để trở nên những môn đệ đích thực của Ngài giữa thế gian này.
Sống Lời Chúa: Đọc và suy gẫm Lời Chúa mỗi ngày và xin ơn hoán cải như thánh Phanxicô Xaviê.
Cầu Nguyện: Lạy Chúa, công trình Ngài quả là kỳ diệu lớn lao. Xin cho chúng con dù yếu đuối nhưng biết bám chặt vào Chúa để được Ngài biến đổi và được cộng tác với Ngài vào công trình cứu độ trần gian. Amen.