115 vị thánh giữa đời vui (2)

115 VỊ THÁNH GIỮA ĐỜI VUI
115 Saintly Fun Facts
Bernadette McCarver Snyder
Liguori Publications, 1993
Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính
chuyển ngữ
ANNA VÀ GIOAKIM


Hai vị này có thể được gọi là các thánh ông bà! Tại sao? Bởi vì họ là ông bà ngoại của Chúa Giêsu!

Ông bà Anna và Gioakim kết hôn đã lâu nhưng không có con. Họ là những người tốt, thánh thiện và rất muốn có em bé, vì thế ngày nào họ cũng cầu xin Thiên Chúa gởi đến cho mình một đứa con. Cuối cùng, lời cầu xin của họ đã được nhận lời, họ có một bé gái rất xinh và đặt tên là Maria.

Khi Maria lớn lên, cô trở thành mẹ của Chúa Giêsu – và như thế Anna và Gioakim thành ông bà ngoại của Ngài!

Vào thời đại của các ngài, không có báo chí, sách vở hay các chương trình TV, vì thế phương tiện duy nhất để loan báo “tin tức” là bằng miệng – người này nói với người kia và người kia nói với người khác nữa! Vì không có gì được viết ra nên chúng ta cũng chẳng biết gì về đời sống của họ – chẳng biết họ có sống gần Đức Maria, giúp đỡ việc chăm sóc Chúa Giêsu, hoặc họ có đến thăm và “ngủ lại qua đêm” hay không. Chúng ta cũng không biết được bà Anna có làm bánh cho Giêsu ăn hay ông Gioakim có dẫn Ngài đi câu đâu đó hay không. Chúng ta chỉ biết chắc rằng họ là người tốt, vì thế họ là những ông bà tốt!

Có ông có bà thì rất là vui! Điều tệ hại là ngày nay phần lớn ông bà đều sống ở nơi khác và ít khi thăm các con cháu mình. Nếu em có ông bà ở xa, tại sao em không làm họ ngạc nhiên khi viết thư hay gởi thiệp đến cho ông bà ngay hôm nay! Nếu em có ông bà ở gần, hãy gọi và báo cho họ biết em sẽ cùng với họ làm điều gì đó trong chốc lát nữa. Hoặc có thể hôm nay em chỉ cần cầu nguyện cho tất cả các ông bà, cầu xin Chúa chúc lành và ban cho các ngài được hạnh phúc!

ANSGARIÔ


Nếu chỉ được xin Chúa một ân huệ, em sẽ xin điều gì – được nhiều tiền, một chiếc xe sang, một căn nhà mới? Ansgariô đã xin một điều rất khác. Có một lần vị thánh này nói rằng nếu có thể xin Chúa một phép lạ thì ông sẽ xin được làm người tốt!

Hiển nhiên, Thiên Chúa đã làm điều đó mà không cần Ansgariô phải xin phép lạ. Khi đến tuổi thiếu niên (tuổi “teen”), Ansgario bắt đầu dạy trẻ trong một trường dòng ở Đức. Sau đó, ngài được sai đi Thụy Điển để truyền giáo và trên hành trình này chiếc tàu của ngài đã bị cướp biển tấn công và lấy đi tất cả.

Cả cuộc đời ngài là một loạt những chiến thắng và thất bại. Ngài trở thành Tổng giám mục ở Đức và tổ chức truyền giáo tại Đan Mạch, Na Uy và Thụy Điển. Những cuộc xâm lăng vĩ đại của người Vikings đã phá hủy thành phố của ngài ở Đức, các nhà truyền giáo của ngài bị đuổi ra khỏi Thụy Điển.

Sau mỗi thảm họa, Ansgariô lại làm việc để mang giáo huấn của Chúa Giêsu đến cho mọi người. Ngài rất tử tế với người nghèo, thậm chí rửa chân cho họ, mời họ vào bàn để phục vụ họ ăn uống. Dù sự việc có khó khăn thế nào, Ansgariô vẫn không nản lòng và từ bỏ. Ngài vẫn luôn là “người tốt”.

Có lẽ em sẽ chẳng bao giờ bận tâm đến những cuộc tấn công do cướp biển hay xâm lăng của người Vikings, nhưng nếu em đã từng nản lòng hay có cơ hội ước mơ thì hãy nghĩ đến mơ ước của Ansgariô. Em đã từng ước điều đó chưa?

ANTÔN PADUA

Hãy trả lời nhanh nhé! Em có nhớ Việt Nam có bao nhiêu tỉnh thành, bao nhiêu cuộc chiến, năm nào? Qui Nhơn và Cần Thơ cách nhau bao xa? Có lẽ em cần Thánh Antôn giúp đỡ đấy!

Thánh Antôn nổi tiếng có trí nhớ thần kỳ! Khi còn trẻ, ngài học Kinh Thánh, và nhờ có trí nhớ lâu (giúp ghi lại mọi điều đã học) nên ngài có rất nhiều kiến thức về Kinh Thánh.

Antôn muốn làm nhà truyền giáo, vì thế ngài rời quê hương Bồ Đào Nha để đi Marốc, nhưng rồi bị bệnh rất nặng nên phải quay trở về nhà. Trên đường về, chiếc tàu bị bão cuốn khỏi hành trình và Antôn đến Ý thay vì Bồ Đào Nha! Lúc còn ở đấy thì một ngày kia ngài đi dự một cuộc họp quan trọng gồm các linh mục dòng Đaminh và Phanxicô. Người ta nghĩ rằng có một ai đó sẽ giảng thuyết nhưng rồi có sự lẫn lộn sao đó nên chẳng ai chuẩn bị gì cả cho dịp này. Thế là Antôn được yêu cầu đứng lên và nói bất cứ điều gì mà Chúa Thánh Thần gợi ý.

Antôn đã làm theo yêu cầu và bắt đầu cách từ tốn, nhưng một khi thông suốt, ngài đã có buổi nói chuyện rất hay đến nỗi mọi người đều cho rằng ngài nên làm người giảng thuyết. Và đó là điều ngài đã làm! Trí nhớ tốt đã giúp ngài nhớ lại tất cả những gì định nói, và ngài có một giọng nói mạnh mẽ vang đi rất xa – đây là điều quan trọng trong một thời đại mà micrô chưa được phát minh!

Bất cứ khi nào Antôn nói, đám đông xúm đến nghe, và ngài thuyết phục nhiều người trở thành Kitô hữu. Nhờ trí nhớ, những giờ học tập lâu dài và con thuyền bị bão thổi lệch hướng, Antôn đã tìm thấy công việc của đời mình là rao giảng ở Ý cũng như đã trải qua những năm cuối đời tại một thành phố tên là Padua.

Em có nhớ dễ dàng những gì mình đã đọc không, nhớ ngày tháng và sự kiện, hay nghe một câu chuyện và kể lại cho người khác chính xác những gì mình đã nghe? Hay điều ấy thật khó đối với em? Vài người nhớ hết mọi sự cách rất tự nhiên còn người khác thì vất vả để ghi nhớ. Vài người biết rõ mình muốn làm nghề gì và đã làm được, nhưng người khác thì bắt đầu ở một hướng và rồi con thuyền của mình lại bị thổi sang một hướng khác! Hướng này không tốt hơn hướng kia – chỉ khác thôi! Em hãy tạ ơn Chúa vì bất kỳ tài năng đặc biệt nào của mình và cầu nguyện để xin Chúa thổi mình đến bất cứ hướng nào mà Chúa muốn em đi!

APÔLINARIÔ NHÀ HỘ GIÁO

Khi Apôlinariô “hộ giáo” (apology), ngài không xin lỗi gì mà chỉ nói mình hãnh diện về điều đó! Ngài hãnh diện về điều gì? Về đức tin Kitô giáo của mình!

“Hộ giáo” là biện hộ, biện giải cho đức tin, trong tiếng Anh là “apology”. Từ apology có hai nghĩa khác nhau là xin lỗi và hộ giáo. Khi em làm điều gì sai, bất lịch sự hay không thích hợp thì em xin lỗi vì hành vi của mình. Nhưng khi em bảo vệ cách uyên bác về một ý tưởng hay một niềm tin, điều ấy gọi là hộ giáo. Nếu một nhà khoa học đưa ra một lý thuyết, ông phải biện hộ cho nó và cố gắng chứng minh ý tưởng của mình cũng như chinh phục người khác rằng nó đáng giá. Cũng thế, Apolinariô đã biện hộ với hoàng đế vào thời đại mình, bảo vệ Kitô giáo.

Apôlinariô rõ ràng đã nói rất thuyết phục để vị hoàng đế ban hành chỉ dụ cấm bất kỳ ai tố cáo một Kitô hữu vì tôn giáo của người ấy – và Apolinariô đã nổi danh là Người hộ giáo!

Em có bao giờ xin lỗi vì điều gì chưa? Hầu hết mọi người đều đã làm điều đó! Nhưng có một điều mà em chẳng bao giờ phải xin lỗi vì mình là một Kitô hữu! Nếu em đã từng lên tiếng bảo vệ tôn giáo của mình thì đó có thể là một loại hộ giáo cho đức tin và nói lên rằng em hãnh diện khi là bạn của Chúa Giêsu.

ATHANASIÔ
   
Vị thánh này bắt đầu đời giáo sĩ như là một thư ký – thư ký cho Giám mục thành Alexandria. Sau này, chính Athanasiô trở thành giám mục, nhưng lúc ấy một lạc giáo gọi là bè phái Ariô nổi lên và bắt đầu lan rộng khắp vùng Địa Trung Hải. Athanasiô mất nhiều năm khó khăn để chiến đấu bảo vệ cho giáo huấn cơ bản của Giáo Hội.

Các đối thủ cố loại ngài bằng cách cáo gian về nhiều tội phạm khác nhau, nhưng ngài vô tội. Họ lại cố buộc ngài tội giết người mà ai cũng biết rằng người ấy còn sống và đang ẩn nấp! Athanasiô luôn bị đi đày, tấn công hay phải chạy trốn khỏi thành phố. Ngài đã trải qua mười bảy năm vào tù ra khám! Nhưng Athanasiô không bao giờ từ bỏ, không bao giờ nhượng bộ những kẻ tấn công Giáo Hội.

Có câu ngạn ngữ xưa nói rằng: “Một mình Athanasiô cân cả thế giới” (Athanasius against the world), bởi vì ngài nổi tiếng là người không sợ đối mặt với toàn bộ thế giới của kẻ thù, quyết bảo vệ điều mà ngài biết rằng đúng!

Em có bao giờ thấy đơn độc chống lại thế giới không? Đừng bao giờ cảm thấy mình đơn độc khi làm điều đúng – vì khi ấy Thiên Chúa ở với em. Nếu phải chiến đấu lâu dài và khó nhọc để chống lại điều mình biết là sai – hãy nhớ đến thánh Athanasiô, người không bao giờ bỏ cuộc và nhượng bộ!

Tác giả bài viết: Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính chuyển ngữ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *