Thư tháng 10: Kitô hữu trước đại dịch

Thế giới đang đứng trước một tình huống quá đặt biệt. Nhân loại lúng túng, lo âu, hoảng loạn và xót xa vì những hậu quả mà đám virus, nhỏ bé nhưng vô cùng đông đảo và lợi hại, đã gây ra. Dù các nỗ lực cách ly, khoanh vùng, đóng cửa… có “toang” hay không, thì lúc này bắt buộc con người cần nhìn lại cuộc sống cách toàn diện. Quả thật, hoàn cảnh hiện nay tỏ lộ ra sự phức tạp nhiều mặt và kêu gọi trách nhiệm của nhiều lãnh vực trong thế giới con người, để có được một chiến lược “liên kết đa ngành” nhằm đối diện với thách đố này :

“y tế-kinh tế” – “văn hoá-giáo dục” – “tôn giáo-tâm linh”.

* Ngành y tế, như người lính tiên phong trong cuộc chiến. Nhưng lúc này, đứng trước nhiều tình huống đau thương, nhiều nhân viên y tế phải khóc, những giọt nước mắt của trái tim yêu thương và trân trọng, khóc cười với từng hơi thở của mỗi con người. Bên cạnh đó, ngành kinh tế cũng lao đao và cũng tỏ lộ những đau thương không kém khi thấy bao người sống trong sự khốn cùng, đói khát…trong hang cùng ngõ hẻm và những những cuộc di dân hoảng loạn… chạy trốn dịch bệnh trong thiếu thốn phiêu lưu…

* Nhưng những đau thương của dịch bệnh không phải chỉ là “khủng hoảng môi sinh”. Dù con Corona virus này có do con người chế tạo hay do tự nhiên, thì phần trách nhiệm của con người chắc chắn là có và có nhiều. Chính những thói sống của con người, chính sự méo mó của một xã hội đang chạy đua thăng tiến, chạy đua hưởng thụ, chạy đua đấu đá… đã góp phần tạo nên nó. Có một thứ văn hoá sống nào đó đang chi phối cuộc sống con người thực sự dính dáng sâu xa vào cơn đại nạn ngày hôm nay, đó là một thứ “khủng hoảng xã hội”. Các ngành giáo dục và văn hoá xã hội phải hiểu rằng mình không thể đổ hết trách nhiệm cũng như những thứ rác thải tinh thần độc hại lên đôi vai của ngành y tế cũng như những dịch vụ bác ái xã hội.

* Tôn giáo chỉ có ý nghĩa khi đảm nhận trách nhiệm với cuộc sống. Chính trong cuộc thử luyện covid mà người ta có thể nhận ra được ý nghĩa của một thái độ tôn giáo chân chính. Tôn giáo gắn liền với cứu cánh của phận người, nhưng nếu không minh chứng được một thứ “nguyên lý sống” đã khởi đầu cách tích cực trong cuộc sống hiện tại, không mang lại một ý nghĩa trọn vẹn cho tính toàn thể của cuộc sống thì tôn giáo cũng chẳng thể thuyết phục được ai về một thứ cứu cánh xa xôi nào đó … Tôn giáo không phải chỉ là một thế giới trên cao, khác biệt với tầng văn hoá và tầng sự sống, nhưng đích thực phải là một “giải pháp tâm linh” cho cuộc sống toàn vẹn.

Trong tình cảnh cấp bách hiện tại, chắc chắn là chúng ta không nên ngồi đó để đổ lỗi cho nhau, nhưng điều cũng cần thiết là phải nhận ra sai sót, lỗi lầm để có thể tìm lại sinh lực sống cho con người. Ba tầng ấy sinh hoạt nói trên phải gắn liền với nhau, đặt vấn đề cho nhau, thúc bách nhau, vì đó là mối tương quan sinh tử. Nếu không, ngành y tế và kinh tế chỉ đảm nhận cơn bão Corona virus như một công việc có tính dịch vụ; những nỗ lực cứu trợ xã hội sẽ chỉ là một thứ lòng thương hại nhất thời; những việc bác ái của tôn giáo chỉ là việc làm thêm có tính thời vụ. Nếu như thế, khi cuộc chiến chống covid ngừng lại, mọi sự sẽ như cũ và điều đó sẽ lại là sự khởi đầu cho một đại dịch khác.

Chúng ta tạ ơn Chúa vì những hồng ân dồi dào của Chúa cho Giáo hội Việt Nam, nhất là trong suốt những đất nước bước vào nền kinh tế thị trường. Tuy nhiên, ta cũng phải nhìn ra một “tử huyện” của Giáo hội Việt Nam, đó là sự tách rời giữa đức Tin và cuộc sống hằng ngày.

“Sự phân cách giữa đức tin đức tin được tuyên xưng và cuộc sống thường ngày của nhiều người phải kể vào số những sai lầm trầm trọng nhất của thời đại chúng ta”. (MV 43 a)

Điều mà Công Đồng Vatican II gọi là “thời đại chúng ta” đã là thời điểm cách đây hơn nửa thế kỷ rồi. Nhưng điều đó còn đúng với Giáo hội Việt Nam ? Có chăng một sự quên lãng sâu xa và đáng buồn về những đường nét tinh thần nóng bỏng của Hiến Chế Mục Vụ trong Giáo hội Việt Nam hiện nay ??? Có phải nền kinh tế thị trường, trong lòng đất nước XHCN, đã tạo nên một Giáo hội Việt Nam có những phương tiện thuận lợi để phát triển, nhưng phải luôn cẩn thận né tránh chính trị và né tránh luôn cả vận hành của cuộc sống xã hội ???

Một cách cụ thể, người Kitô hữu Việt Nam đã và đang thiết tha đi tìm Đức Giêsu, nhưng lại không quan tâm tìm kiếm Nước Thiên Chúa, một Nước Thiên Chúa không tách rời trần thế, nhưng được gieo vào trần thế như men trong bột.

Nói như thế không phải là không thấy những hoạt động tích cực của Giáo hội, đặc biệt của ngành Caritas, trong mùa đại dịch, nhưng điều quan trọng là, trong và sau đại dịch, tâm thức chung của người Kitô hữu cần được hướng dẫn để  nhận ra tính liên đới và trách nhiệm với cuộc đời, với ngành văn hoá-giáo dục, với ngành y tế- kinh tế, nhằm tới sự phát triển cuộc sống toàn diện của con người, đó là tình liên đới và trách nhiệm của chính đức tin.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *