18 tháng Hai
Chân phước John Fiesole (AN-GIÊ-LI-CÔ ), OP, Linh mục
(khoảng năm 1400-1455)
Tiểu sử
Ðại danh họa Ma-ti-xơ nói : “Tôi chưa bao giờ làm điều gì mà chính tôi không cảm nhận được.” Tu sĩ An-giê-li-cô chỉ vẽ những gì chính người đã cảm nhận được, những gì người hằng ôm ấp, và những gì người đã chiêm ngắm. Người đã dẫn đưa chúng ta vào thế giới của các bậc thánh hiền, các bậc thần linh dưới cái nhìn trung thực của niềm tin khi chiêm niệm về Chúa Ki-tô và Giáo hội. Danh họa Mi-ken Lăng nói về tu sĩ An-giê-li-cô : “Những hình ảnh người đã vẽ được ắt hẳn phải được mặc khải từ trời cao và người phải có khả năng cảm nhận được tất cả mọi vẻ đẹp người đã ngắm nhìn trên mặt đất này.”
Khi tuyên bố tu sĩ An-giê-li-cô là bậc thầy của các danh họa vào ngày 18-2-1984, đức giáo hoàng Gio-an phao-lô II đã chứng minh mối liên hệ giữa ơn gọi của danh họa và sứ điệp Tin Mừng : “Chúng ta đến với Tin Mừng qua cảm hứng trong các tác phẩm của danh họa An-giê-li-cô. Ngoài ra, đối với biết bao họa sĩ khác trong lịch sử văn hóa, nguồn cảm hứng này luôn tràn đầy giữa các nguồn cảm hứng vô tận ! Tuy danh họa là nhân vật của quá khứ, nhưng các họa phẩm của người khiến chúng ta tưởng như người đang sống trong thời đại của chúng ta.
Vì phát xuất từ cùng một nguồn, nên ở bất kỳ thời đại nào, cảm hứng của danh họa vẫn thích ứng cho những hoàn cảnh luôn mới mẻ với tất cả sự phong phú đa dạng của phong cách và những trường phái nghệ thuật, trong văn chương, hội họa, điêu khắc, âm nhạc và kịch nghệ.
Ðối với chân phước An-giê-li-cô, Lời Thiên Chúa đã trở thành nguồn cảm hứng xán lạn cho sự nghiệp danh họa của mình, để từ đây, những cảm hứng này sẽ tạo nên những nét vẽ rất độc đáo của danh họa, đồng thời, danh họa đã góp phần tạo nên con người của mình khi biết nối kết tài năng thiên phú tuyệt vời với ân sủng của Thiên Chúa.
Tính sáng tạo này cấu thành một tổ hợp đặc trưng của “đời sống theo Thần Khí” mà thánh Phao-lô đã nói đến (Rm 8,5). Sống theo Thần Khí tức là “sức vươn lên theo những gì Thần Khí muốn”. Những “ước muốn của Thần Khí” đưa đến sự sống và bình an… trái với “những ham muốn của xác thịt” ; chúng được đặt dưới lề luật của Thiên Chúa, và khả năng quản trị của con người. Khi những đam mê này quy phục lề luật Thiên Chúa – tức là quy phục Chân Lý, thì tinh thần con người trở nên tràn đầy năng lực sáng tạo, và khi đó, họ nhạy cảm với tính sáng tạo của Thiên Chúa trong chính con người của họ…”
Giáo hội chính thức tôn kính cha An-giê-li-cô vào 3-10-1982 và đức Gio-an Phao-lô II tôn phong người lên bậc chân phước năm 1983.
Lời nguyện : Lạy Thiên Chúa toàn mỹ, Chúa đã gợi hứng cho chân phước An-giê-li-cô như một họa sĩ trong việc phục vụ chân lý Chúa. Xin cho chúng con say mê vẻ đẹp của những công trình Chúa tạo thành và vui thú trong vinh dự được là tạo vật tay Chúa tạo nên. Chúng con cầu xin
***
Chân phước John Fiesole là bổn mạng các họa sĩ Kitô giáo. Ngài sinh khoảng năm 1400 tại một ngôi làng nhìn trên thành phố Florence. Ngài học vẽ khi còn nhỏ và được coi là họa sĩ bậc thầy. Ngài nhập dòng Đa minh lúc khoảng 20 tuổi, đổi tên là Fra Giovanni. Rồi ngài nổi danh với tên Fra Angelico, có thể đó là cách tỏ lòng kính trọng phẩm chất siêu nhân hoặc tính cách sùng kính trong công việc của ngài.
Ngài tiếp tục học và hoàn thành khoa hội họa của mình, với những đường nét phóng khoáng, màu sắc linh động và các hình ảnh phong phú sống động như thật. Michelangelo có lần đã nói về Fra Angelico: “Người ta phải tin rằng tu sĩ tốt lành này đã thấy thiên đàng và được phép chọn người mẫu ở đó”. Với Fra Angelico, cái gì cũng trở thành đề tài, ngài tìm cách phát huy cảm xúc tôn giáo được phản ánh trong các bức họa của ngài. Trong số các bức họa nổi tiếng của ngài là bức họa Truyền Tin (Annunciation) và Tháo Đanh (Descent from the Cross), kể cả các bích họa (frescoes) trong tu viện tại San Marco ở Florence.
Ngài còn giữ các chức vụ cao trong dòng Đa minh (Dominican Order). Khi ĐGH Eugenius hỏi ý kiến ngài về việc phong chức tổng giám mục Florence, ngài đã từ chối và ngài nói chỉ thích sống giản dị. Ngài qua đời năm 1455.