Chuỗi Kinh cầu nguyện trong cơn Đại dịch Covid-19
Ngày 28.10: Thánh Simon và Thánh Giuđa (Jude)
Lời Chúa: Ep 2,19-22, Lc 6,12-19
✠ Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca (Lc 6,12-19)
12 Trong những ngày ấy, Đức Giê-su đi ra núi cầu nguyện, và Người đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa. 13 Đến sáng, Người kêu các môn đệ lại, chọn lấy mười hai ông và gọi là Tông Đồ. 14 Đó là ông Si-môn mà Người gọi là Phê-rô, rồi đến ông An-rê, anh của ông ; sau đó là các ông Gia-cô-bê, Gio-an, Phi-líp-phê, Ba-tô-lô-mê-ô, 15 Mát-thêu, Tô-ma, Gia-cô-bê con ông An-phê, Si-môn biệt danh là Nhiệt Thành, 16 Giu-đa con ông Gia-cô-bê, và Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, người đã trở thành kẻ phản bội.
17 Đức Giê-su đi xuống cùng với các ông, Người dừng lại ở một chỗ đất bằng. Tại đó, đông đảo môn đệ của Người, và đoàn lũ dân chúng từ khắp miền Giu-đê, Giê-ru-sa-lem cũng như từ miền duyên hải Tia và Xi-đôn 18 đến để nghe Người giảng và để được chữa lành bệnh tật. Những kẻ bị các thần ô uế quấy nhiễu cũng được chữa lành. 19 Tất cả đám đông tìm cách sờ vào Người, vì có một năng lực tự nơi Người phát ra, chữa lành hết mọi người.
Trở nên tông đồ của Chúa (28.10.2024)
Ghi nhớ:
“Đức Giê-su đi ra núi cầu nguyện, và Người đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa. Đến sáng, Người kêu các môn đệ lại, chọn lấy mười hai ông và gọi là Tông Đồ” (Lc 12, 12-13).
Suy niệm:
Người ta kể lại rằng, văn hào Voltaire (1694-1778) là một người nổi tiếng, có tài nhưng lại luôn chống đối, phỉ báng Thiên Chúa. Có lần ông tuyên bố rằng:
Ông Giê-su phải cần đến mười hai vị Tông Đồ và một thời gian là 33 năm thì ông mới thiết lập được đạo Công Giáo. Phần tôi, chỉ một mình thôi, trong thời gian là 20 năm, tôi sẽ làm cho người ta không còn tin vào đạo của ông ấy nữa, lúc ấy ông Giê-su sẽ phải về hưu!”.
Đúng hai mươi năm sau vào ngày 30 tháng 05 năm 1778, Đạo Chúa vẫn trường tồn, nhưng Voltaire thì qua đời. Tả lại cái chết khủng khiếp của Voltaire, một nhân chứng đã nói rằng:
Nếu quỷ có thể chết được, cũng không chết dữ dội như Voltảie (khi ông sắp chết thì ông tru tréo, hoảng loạn nói năng những lời quái gở và cào xé thân mình).
Hôm nay Giáo hội mừng kính lễ hai thánh Simon và Giuda Tông đồ. Bài Tin mừng trong ngày lễ kính hôm nay tường thuật lại việc quan trọng khiến Đức Giê-su đã phải cầu nguyện cùng Thiên Chúa Cha suốt một đêm dài để đi đến một quyết định là lựa chọn Mười hai vị Tông đồ, trong đó có hai vị mà chúng ta mừng kính hôm nay. Chúng ta biết rằng, trong mười hai vị Tông đồ thì Giáo hội đã tôn vinh mười một vị là thánh, chỉ có mình ông Giuda Itcariot là kẻ tuy đã theo và được Đức Giê-su giáo huấn, nhắc nhở nhưng ông đẫ không vâng lời và chỉ làm theo ý riêng của mình là phản bội Thầy nên đã bị Chúa nói: “Khốn cho kẻ nào nộp Con Người, thà nó đừng sinh ra thì hơn” (Mt 26, 23-24).
Đức Giê-su chính là Ngôi Hai xuống thế làm người , nhưng Người luôn gắn bó với Cha mình bằng lời cầu nguyện, cầu nguyện hằng ngày, và nhất là trong mọi biến cố. Qua đó Đức Giê-su để lại cho chúng ta một bài học về việc cầu nguyện, để từ đó chúng ta tìm ra thánh ý Chúa và đồng thời có sức mạnh từ Chúa giúp chúng ta chu toàn những thánh ý của Ngài.
Ngày nay Chúa cũng đang kêu gọi mỗi chúng ta trở thành Tông đồ cho Chúa, để qua đời sống cầu nguyện và chứng nhân, chúng ta giới thiệu Chúa cho mọi người chưa biết Chúa. Để họ nhận được ơn cứu độ và lòng thương xót của Thiên Chúa.
Cầu nguyện:
Lạy các thánh Tông đồ, xin các Ngài cầu thay nguyện giúp để Chúa ban cho chúng con luôn nhiệt thành và trung kiên trên con đưởng làm chứng nhân cho Chúa giữa cuộc sống đời này, để mai sau hy vọng cùng được dự phần Nước Trời cùng các Ngài trên thiên đàng. Amen.
Sống lời Chúa:
Luôn sống xứng đáng là một Ki-tô hữu mẫu mực.
Đaminh. Trần Văn Chính.
“Sống bằng cầu nguyện” (28.10.2023)
Trước khi bắt đầu việc công khai đi rao giảng Tin Mừng Nước Trời, Chúa Giêsu đã vào hoang địa ăn chay cầu nguyện suốt 40 đêm ngày. Hàng ngày vào lúc sáng sớm hoặc khi đêm về Chúa Giêsu tìm chỗ thanh vắng cầu nguyện. Trước khi chọn Nhóm mười hai Chúa Giêsu lên núi cầu nguyện suốt đêm, vì đây là một việc vô cùng hệ trọng, là một bước ngoặt trong công việc rao giảng Tin Mừng của Chúa Giêsu, Ngài tuyển chọn trong các môn đệ một số người để lập một nhóm nòng cốt, những người kế thừa tiếp nối công việc của Ngài là đi khắp nơi rao giảng Tin Mừng cho đến ngày tận thế.
Trong truyền thống Thánh Kinh thì núi là nơi các ngôn sứ đến gặp Thiên Chúa để thỉnh ý, nhận những chỉ thị cũng như những hướng dẫn của Ngài. Như vậy trước một việc vô cùng quan trọng liên quan đến sứ mệnh và thành quả kế hoạch Ơn Cứu độ của Thiên Chúa, Chúa Giêsu đã đi gặp Chúa Cha để “bàn luận” cả đêm rồi mới đưa ra quyết định tuyển chọn mười hai Tông đồ để sai đi loan báo Tin Mừng Phục sinh của Ngài.
Sau khi cầu nguyện, được Chúa Cha soi sáng và Chúa Thánh Thần hướng dẫn, Chúa Giêsu chọn và lập Nhóm Mười Hai mà Ngài gọi là Tông Đồ.
Chúa Giêsu chọn mười hai tông đồ là hình ảnh mười hai chi tộc Ít-ra-en đã bị lưu lạc sau biến cố lưu đày, nay Chúa Giêsu quy tụ lại để thành lập một dân Ít-ra-en mới.
Sau khi được tuyển chọn, Chùa Giêsu dẫn càc tông đồ xuống núi để gặp dân chúng. Bắt đầu từ đây các tông đồ phải cùng chia sẻ trách nhiệm giảng dạy và phục vụ dân chúng với Chúa Giêsu.
Chúa Giêsu cầu nguyện là đi gặp gỡ Chúa Cha. Cầu nguyện luôn gắn liền với mọi hoạt động của Chúa Giêsu. Ngài cũng dạy các môn đệ phải luôn cầu nguyện để vinh danh và cảm tạ Thiên Chúa, để có sức mạnh xua trừ ma quỷ và thắng những cám dỗ.
Chú Giêsu đã làm gương để dạy dỗ chúng ta về việc phải năng cầu nguyện với Thiên Chúa. Chúng ta phải cầu nguyện như thế nào ?
Một Kitô hữu tân tòng nói anh không cầu nguyện vì thấy Chúa đã lo liệu cho anh có một đời sống đầy đủ quá rồi, anh không cần phải xin thêm Chúa cái gì nên cũng không cần cầu nguyện nữa.
Trong dân gian đã có quan niệm từ rất xa xưa rằng cầu nguyện là cầu xin thần linh phù hộ, ban cho những điều con người mơ ước. Người tân tòng ảnh hưởng văn hoá từ gia đình nên cũng còn giữ quan niệm ấy. Nhưng anh là người tốt, không ganh tị mà biết thông cảm với người khác nên khi thấy mình đã được Chúa ban đầy đủ rồi thì không cần cầu xin – mà anh hiểu là cầu nguyện – gì nữa.
Nhưng đối với Kitô hữu thì cầu nguyện không phải chỉ là xin Chúa ban những ơn cần thiết cho đời sống Đức Tin cũng như vật chất, mà còn hơn thế nữa, phải biến cầu nguyện thành nhu cầu gặp gỡ, tâm tình với Chúa. Kinh Lạy Cha là khuôn mẫu cầu nguyện do Chúa Giêsu dạy chúng ta.
Cầu nguyện chung là đều Thiên Chúa rất thích, vì Chúa Giêsu đã nói : “Thầy còn bảo thật anh em : Nếu ở dưới đất, hai người trong anh em hợp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, sẽ ban cho. Vì ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ.” (Mt 18,19-20). Một cách cầu nguyện luôn được Giáo Hội khuyến khích là các buổi đọc kinh chung trong gia đình mỗi ngày. Đây là cơ hội cả gia đình được ngồi bên nhau lắng nghe Lời Chúa, cùng tâm tình với Chúa Giêsu, với Cha trên Trời để tạ ơn Chúa vì những hồng ân Chúa đã ban cho gia đình, để thánh hoá các sinh hoạt hàng ngày. Nhờ những buổi cầu nguyện chung của gia đình mà hạnh phúc gia đình được vun đắp và được Chúa chúc phúc. Đây cũng là cách tốt nhất để gieo mầm đạo đức vào các tâm hồn trẻ thơ trong gia đình.
Cũng như các tông đồ được Chúa chọn và sai đi, người Kitô hữu cũng được Chúa chọn là được Chú giao nhiệm vụ và được sai đi. Khi lãnh nhận Bí tích Thanh Tẩy thì Người Kitô hữu đã được cùng chia sẻ ba chức vụ của Chúa Giêsu : ngôn sứ, tư tế và vương đế. Đây là hồng ân lớn lao Chúa đã ban cho mỗi Kitô hữu. Để báo đáp hồng ân này, người Kitô hữu phải sống cho xứng đáng với ân huệ đã được Chúa ban, có bổn phận giới thiệu Chúa cho những người chưa biết Chúa.
Nhưng chúng ta phải luôn cầu nguyện với Chúa để Chúa soi sáng và giúp sức thì chúng ta mới làm được, vì “không có Thầy thì anh em chẳng thể làm được gì” (Ga 15,5c).
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết sống với Chúa bằng cầu nguyện trong mọi nơi mọi lúc, mọi hoàn cảnh. Chúng con xin dâng lên Chúa mỗi phút giây của cuộc sống, để chúng con được ca tụng, vinh danh và cảm tạ Chúa vì Chúa đã chọn chúng con. Và trong bất cứ công việc gì xin cho chúng con chỉ biết làm để Vinh Danh Chúa mà thôi.
Jos. NM Tưởng
Cầu nguyện để chạm vào Chúa (28.10.2022)
Mỗi lần lớp Docat đi tĩnh tâm, trước giờ khởi hành chúng tôi đều tập trung tại đài Đức Maria – giáo xứ Ba Chuông cùng với Cha giáo Vinh Sơn hiệp ý dâng lời cầu nguyện, “Con đến trước tòa Nữ Vương uy quyền, dâng hồn dâng xác dâng cõi lòng yêu mến…”. Cũng như các chuyến hành hương bác ái hằng năm của huynh đoàn chúng tôi, đoàn trưởng luôn nhắc anh chị đến cầu nguyện, mong có Mẹ Maria cùng đồng hành với đoàn chúng con. Thánh Louis Montfort chia sẻ: “Lời cầu xin của Mẹ rất có thế lực, có công hiệu như một lệnh truyền, đến nỗi Thiên Chúa không bao giờ từ chối lời cầu xin của Mẹ”
Trang Tin Mừng hôm nay theo thánh Lu-ca: “Chúa Giêsu lên núi cầu nguyện, và suốt đêm Người cầu nguyện cùng Thiên Chúa” Lc 6,12. Hình ảnh Chúa Giêsu cầu nguyện với Chúa Cha thâu đêm cho chúng ta thấy trước khi quyết định một việc gì, cũng cần cầu nguyện, xin sự dẫn dắt của Thánh Thần Chúa giúp chúng ta nhận ra việc làm ấy có đẹp ý Chúa chăng? Ngược lại, chúng ta lại có thói quen khi gặp chuyện buồn phiền mới nghĩ đến cầu nguyện, khi không biết bám víu vào ai, ta mới chạy đến cầu viện Thiên Chúa như để trút hết nỗi lo lắng cho Đấng Toàn Năng, nài xin Người cứu giúp.
Cha mẹ là người xây dựng cho gia đình mình không chỉ là môi trường nuôi dưỡng mà còn giúp con cái phát triển đời sống cầu nguyện. Tôi vẫn nhớ hình ảnh bố tôi ngồi trên giường tay cầm chuỗi tràng hạt, ông thường hay nói với tôi: “ Bố cầu nguyện cho cả nhà”. Có khoảng thời gian dài tôi bận bịu suốt, chỉ giữ lễ ngày chủ nhật, khi gặp bế tắc, khó khăn trong công việc tôi lại chạy về cầu cứu với bố, nhờ ông cầu nguyện và hướng dẫn tôi, với tôi bố là người cha tuyệt vời. Khi chúng tôi còn bé, ông luôn dẫn mấy chị em tôi đến cầu nguyện với Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp – Dòng Chúa Cứu Thế. Lớn lên dù tôi đã lập gia đình, ra ở riêng, lần nào về nhà thăm bố mẹ, ông vẫn nhắc tôi vun đắp đời sống đức tin cho con cái …
Những ai đã trải qua lúc đau ốm, phải phẫu thuật, phải đối diện giữa lằn ranh của sự sống chết sẽ nhận ra chỉ có cầu nguyện mới giúp họ vượt qua cơn thử thách cam go. “Tất cả đám đông tìm cách chạm tới Người, vì tự nơi Người phát xuất một sức mạnh chữa lành mọi người” Lc 6,19, làm sao để chạm vào Chúa Giêsu? Cầu nguyện với Chúa trong sự chân tình, dâng lên Ngài tất cả nỗi lo sợ yếu đuối của con người, chúng ta xác tín rằng chỉ có Ngài là niềm hy vọng duy nhất. Thánh Gioan Maria Vianê cho mọi người biết: “Khi chúng ta cầu nguyện nhân danh Đức Giêsu thì không phải chúng ta cầu, nhưng chính Đức Giêsu Kitô cầu khẩn Cha Người cho chúng ta”. Anh chị em lớp Docat thường tâm tình với Cha giáo Vinh Sơn mỗi khi trong gia đình hay bản thân có chuyện buồn, qua Cha giáo để được liên kết với Chúa, để tăng thêm niềm tin, để chia bớt nỗi ưu phiền, được thêm lời động viên và an ủi.
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết dâng mọi phút giây trong cuộc sống như lời kinh nguyện dâng lên Chúa. Xin giúp chúng con nhận biết rằng trong bất cứ công việc gì dù nhỏ mọn đến đâu, chúng con cũng biết cầu nguyện và thực hiện vì danh Chúa.
Anna Anh
Cảm nhận sự hiện diện của Thiên Chúa (28.10.2021)
Buổi sớm mai trên cao nguyên Di Linh trong lành mát lạnh, trong thánh đường trung tâm truyền giáo Kala đang khởi công xây dựng, nhóm học tập Docat và dân tộc K’Ho dự thánh lễ đồng tế do Cha quản xứ trung tâm truyền giáo Kala và Cha giáo Vinh Sơn đặc trách HĐGD Đa Minh TGP Sài Gòn dâng. Điều khác lạ là thánh lễ dùng hai ngôn ngữ: tiếng Việt và tiếng K’Ho, các bản kinh và thánh ca tiếng Việt được các vị Mục Tử tiền nhiệm phiên ra tiếng K’Ho, in thành tập, đoạn đầu là tiếng Việt, đoạn sau là tiếng K’Ho, nên người dự lễ dễ dàng đọc theo. Ấn tượng nhất là nghi thức dâng của lễ, cả cộng đoàn hát, có hai nhóm khoảng hai mươi thanh niên nam nữ đi từ cuối thánh đường lên cung thánh, và thể hiện các thao tác như gieo mạ, cấy lúa, xay lúa… hai người sau cùng cầm lễ vật bánh và rượu dâng lên Cha chủ tế, rất trang trọng và ý nghĩa nói lên lòng thành là công sức lao động của con người dâng của lễ lên Đấng Chí Thánh. Để đưa cộng đoàn vào nề nếp, là công trình nhiều năm của quý Cha quản xứ, quý thầy và quý sơ trong sứ vụ truyền giáo, các vị chủ chăn đã hết lòng chăm sóc và mở mang Nước Chúa. Theo thánh Maximilianô Kolbê: “Cả một cánh đồng lúa chín vàng chờ đợi chúng ta, hỡi các người Công giáo hãy sống theo đức tin. Không phải lời nói, nhưng gương lành lôi cuốn họ.”
Tin Mừng hôm nay: “Đức Giêsu đi ra núi cầu nguyện, và Người đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa”. Chúa Giê-su luôn cầu nguyện cùng với Chúa Cha để hiểu thánh ý Người, dù bận rộn nhiều việc trong ngày nhưng Chúa Giê-su vẫn dành riêng thời gian cầu nguyện đôi khi cả đêm trong thinh lặng thanh vắng. Khi khởi đầu mọi công việc, Chúa Giêsu đều cầu nguyện với Chúa Cha, Thầy Giêsu cũng dạy chúng ta hãy thường xuyên cầu nguyện là lúc tâm hồn lắng đọng, đặt hết tâm trí vào lời cầu nguyện, lắng nghe tiếng nói tận đáy lòng để giúp chúng ta biết làm những việc theo dẫn dắt của Thần khí Chúa. Kinh nghiệm của Thánh Bênađô:“Ba yếu tố giúp ta thành công trong việc tông đồ: lời giảng, gương sáng và cầu nguyện, nhưng cầu nguyện là hơn cả.”
Sau khi Chúa Giêsu cầu nguyện với Chúa Cha: “Người gọi các môn đệ và chọn Nhóm Mười Hai mà Người gọi là Tông Đồ: Đó là Simon mà Người gọi là Phêrô, và em ông là Anrê, Giacôbê và Gioan, Philípphê và Bartôlô mêô, Matthêu và Tôma, Giacôbê con ông Alphê và Simon cũng gọi là Nhiệt Thành, Giuđa con ông Giacôbê và Giuđa Iscariốt là kẻ phản bội.” Đây là nhóm các ông đã theo Chúa Giêsu từ những buổi đầu rao giảng, đầy nhiệt thành, và tin vào Lời Chúa, là khởi sự của Giáo hội sơ khai, Chúa không ngừng dạy dỗ, chỉ bảo và gìn giữ các ông. Hằng năm, vào chủ nhật tuần áp cuối tháng 10, Giáo hội dành đặc biệt để cầu nguyện cho việc truyền giáo cũng như nhắc nhở về sứ mệnh truyền giáo của mỗi người Kitô hữu. Sứ điệp ngày thế giới truyền giáo năm 2021 của Đức Thánh Cha Phanxicô: “ Những gì tai đã nghe, mắt đã thấy, chúng tôi không thể không nói ra.” Cv 4,20. Có phải chúng ta thực hiện việc truyền giáo là lan tỏa tình yêu thương với tha nhân bằng những hành động nhỏ thiết thực như biết chia sẻ giúp đỡ bữa ăn cho những người khó khăn, an ủi những gia đình đau khổ vì người thân qua đời trong nạn dịch Covid, đóng góp vật chất tiếp sức cho công cuộc truyền giáo ở các vùng xa xôi hẻo lánh…
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết cảm nghiệm được sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc sống và trong bất cứ công việc gì dù nhỏ mọn đến đâu, chúng con cũng biết làm vì Danh Chúa.
Anna Anh
Cộng tác và tiếp nối công trình cứu độ của Đức Kitô (28.10.2020)
Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu đã tuyển chọn những đồ đệ, để cộng tác và tiếp nối công trình cứu độ của Người. Ngày đầu tiên đã đem lại những kết quả tốt lành.
Mở đầu cho sứ mạng đặc biệt ấy, “Chúa Giêsu, Người đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa”. Rồi Người “kêu các môn đệ lại, chọn lấy mười hai ông và gọi là Tông Đồ”. Ở đây Chúa dạy ta “cầu nguyện” là việc cần trước hết. Từ khi xuất thân giảng đạo đã có nhiều người theo Chúa. Tin Mừng nhắc đến “bảy mươi hai môn đệ” (Lc10,17).
Trong số nhiệt thành ấy, hôm nay Chúa chọn mười hai ông. Các ông đi bên Chúa mà học hỏi, chia sẻ vui buồn, trợ giúp Chúa, được sai đi để tiếp nối sứ mạng của Người.
12 Tông Đồ đại diện cho 12 tổ phụ Israel. Các sách đều viết: Đứng đầu là Phêrô, cuối cùng là Giuđa phản bội.
– Lớp 1: Bốn vị tiên khởi: Phêrô, Anrê, Giacôbê, Gioan.
– Lớp 2: Đứng đầu Philipphê, Batôlômêô, Matthêu, Tôma.
– Lớp 3: Giacôbê hậu, Simon, Giuđa, Giuđa phản bội.
Các vị hôm nay được “Đức Giêsu đi xuống cùng với các ông”. Chúa như tập duyệt, cho các ông chứng kiến và hiệp thông vào quyền năng của Người: “Tại đó đông đảo môn đệ của Người và đoàn lũ khắp nơi… đến để nghe Người giảng và để được chữa lành bệnh tật”.
Ba năm bên Chúa, được hưởng sung mãn tình yêu của Người rồi trở nên yêu Chúa hết tình, yêu người tha thiết. Các ông, con người hiền lành, chất phác, mỗi người một tính, một nết, một khả năng riêng. Nhưng cùng một niềm tin, hết lòng hết sức với sứ mệnh Chúa trao cho đến chết, hầu làm chứng Chúa Giêsu đã chết và sống lại mà cứu chuộc nhân loại.
Sau ngày Chúa về trời, mỗi ông một phương, âm thầm mà quyết liệt loan báo Lời Chúa. Các ông vui tươi, hăng say, chẳng có gì làm các ông chùn bước vì có Chúa trong lòng. Các ông rao giảng, lam lũ, viết sách, viết thư nài nỉ mọi người hãy yêu mến Thiên Chúa và thực thi lời Người.
Mến thương thay những chứng nhân, chân thật vĩ đại! Họ đã minh chứng lời dạy của mình bằng mồ hôi, nước mắt và cả mạng sống mình nữa. Lời dạy ấy thật đáng tin! Máu các ngài đã mọc lên vườn cây Hội Thánh hôm nay: 4000 giám mục, 400.000 linh mục và hàng tỷ tín hữu. Nếu công đồng Giêrusalem năm 45 chỉ có Tông Đồ và một số môn đệ họp bàn, thì công đồng Vatican 2 năm 1961- 1965 đã có tới 2600 giám mục tham dự. Các ngài tiếp tục sứ mệnh các Tông Đồ mà loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa.
Thời công đồng Vatican II, Giáo Hội lên án, ngăn ngừa hai cường quốc thế giới mà không được. Họ thi nhau sản xuất vũ khí giết người hàng loạt dự trữ vào kho lấy cớ “bảo vệ hòa bình”. Nhưng đến khi cộng sản Đông Âu sụp đổ (1989), họ đã phải tự họp bàn mà tháo bỏ những vũ khí ấy.
Lạy Chúa! Con cảm tạ Chúa vì được sống trong Giáo Hội Chúa có nền tảng từ các Tông Đồ. Xin cho con luôn yêu mến, vâng nghe những lời dạy ở đó, vì là những Lời được nhận từ nơi Thiên Chúa. Amen.
Giuse Ngọc Năng
Được chọn (28.10.2019)
“Đức Giêsu đi xuống cùng với các ông.” (Lc 6,17)
Bài Tin Mừng hôm nay tường thuật chuyện Chúa Giêsu lên núi cầu nguyện suốt đêm với Chúa Cha , sau đó Ngài xuống núi chọn gọi mười hai vị Tông Đồ cùng đi theo để loan báo Tin Mừng Nước Trời. Có đông đảo dân chúng đến nghe Ngài giảng dạy và nhiều bệnh nhân được ơn chữa lành.
Mỗi người ki tô hữu chúng ta cũng được Chúa chọn gọi làm môn đệ của Ngài, đặc biệt trong gia đình Đa Minh với sứ vụ thuyết giảng Lời Chúa. Mỗi thành viên được Chúa ban cho đặc sủng khác nhau để nên chứng tá Tin Mừng Phúc Âm, ai có khả năng và chức vụ nào thì cố gắng thi hành tốt đẹp trách nhiệm Chúa trao ban, như thế ta sẽ được trở nên môn sinh thân thiết của Chúa trong đại gia đình Đa Minh.
Có hai ông bà lớn tuổi thuộc cựu Dòng Ba Đa Minh, hằng ngày dắt tay nhau đến nhà thờ nguyện kinh dòng cùng Huynh Đoàn Đa Minh, sau đó cùng nhau về và dành giờ rảnh rỗi đến thăm các thành viên đau bệnh. Hai ông bà sống yêu thương nhau và thuận hòa với con cháu trong nhà, luôn làm gương sáng tốt lành để con cháu noi theo, “ Hữu xạ tự nhiên hương” chòm xóm láng giềng gần xa đều tỏ ra khâm phục khi thấy hai ông bà có cuộc sống thật phúc hậu, chẳng phải bằng lời nói, mà chính bằng việc làm cụ thể với tất cả tình thương mến thương, từ đó con cháu trong nhà và cả bà con cô bác gần xa cũng tự động xin gia nhập Huynh Đoàn Đa Minh, bởi họ nhận ra tình yêu Thiên Chúa nơi chính con người đã trải nghiệm xưa nay. Rồi có một gia đình lương dân cũng tình nguyện đến lớp học giáo lý tại nhà thờ, do chính Cha giáo phó xứ đứng lớp giảng dạy, để họ được học theo đạo Công Giáo, cũng vì họ được hai ông bà và một số thành viên Đa Minh thường xuyên ghé thăm nhà họ có bệnh nhân đau yếu, họ cảm nhận được điều tốt đẹp ấy và vui vẻ đi theo Chúa.
Lạy Chúa, xin ban cho chúng con có đầy nhiệt tâm khi theo Chúa và làm môn đệ thành tín của Ngài, để chúng con thực sự được trở nên những chứng tá TIN MỪNG giữa thời đại hôm nay. Amen.
BCT
Cầu nguyện và loan báo Tin Mừng (28.10.2017)
Xã hội loài người có thể tồn tại và phát triển một phần là nhờ vào khả năng giao tiếp. Giao tiếp giúp con người hiểu được tâm tư, tình cảm hay nguyện vọng của nhau; để từ đó, họ gắn kết với nhau mỗi ngày một nhiều hơn. Đối với những người bình thường, họ chỉ cần giao tiếp với nhau là đủ. Tuy nhiên, là nghĩa tử của Thiên Chúa, chúng ta còn một bổn phận đặc biệt thiêng liêng hơn: giao tiếp với Người Cha nhân lành ấy. Người Kitô hữu lắng nghe Lời Chúa qua Tin Mừng và họ đáp lại bằng những lời cầu nguyện. Chính Đức Kitô, Trưởng Tử của Người là mẫu gương cầu nguyện cho chúng ta noi theo.
Cầu nguyện là bổn phận của người Kitô hữu, là hành động giúp chúng ta ngày càng gắn kết cùng Thiên Chúa. Người là Đấng thấu suốt mọi sự, chắc chắn Người biết rõ chúng ta muốn gì và cần gì: “ngay đến tóc trên đầu anh em, Người cũng đếm cả rồi” (Mt 10,30). Thế nên, điều Người muốn là chúng ta hãy giãi bày nỗi lòng cùng Người. Như các bậc cha mẹ luôn khát khao được trò chuyện cùng con cái, Thiên Chúa muốn chúng ta chạy đến, lắng nghe và tâm sự với Người qua những giờ cầu nguyện.
Mong ước của Thiên Chúa không hề quá sức đối với con người, thế nhưng đôi lúc, chúng ta lại chẳng làm tròn bổn phận ấy. Người ban cho chúng ta mỗi ngày 24 giờ để sống, làm việc, giải trí và đặc biệt là phụng thờ Người. Ấy vậy mà, người ta lại chẳng thể dành nổi cho Người quá một giờ để cầu nguyện. Họ quá bận chăng? Có lẽ, vì cuộc sống bộn bề trăm chiều, biết bao nhiêu lo toan, gánh nặng đè lên những đôi vai yếu đuối, khiến họ vô tình “quên” đi Người Cha nhân từ ấy. Thế nhưng, Người vẫn kiên nhẫn chờ đợi và luôn nhắc nhở chúng ta qua các vị hữu trách. Vấn đề ở chỗ, chúng ta có chịu vâng phục các ngài ấy hay không? Đôi lúc, cái tôi cá nhân quá lớn khiến người ta chỉ muốn làm theo ý mình mà quên rằng, các vị hữu trách là những người đại diện cho Chúa ở trần gian để khuyên răn, dạy bảo chúng ta.
Đức Giêsu chính là mẫu gương hoàn hảo của việc cầu nguyện. Dù là Con Thiên Chúa đầy uy quyền, Người vẫn luôn cầu nguyện cùng Chúa Cha. Trong Phúc Âm, trước khi làm việc gì, Đức Giêsu đều cầu nguyện: Trước khi ra đi loan báo Tin Mừng, bắt đầu cuộc đời công khai, Người đã ăn chay và cầu nguyện suốt 40 đêm ngày; trước khi biến hình trên núi Tabor, Người cũng cầu nguyện; đặc biệt, trước khi bắt đầu cuộc thương khó, Người càng khẩn thiết cầu nguyện… Tin Mừng hôm nay cũng chẳng nằm ngoài thói quen đó, trước khi chọn 12 vị trong các môn đệ làm tông đồ, Người vẫn tha thiết cầu nguyện cùng Chúa Cha. Qua đó, ta có thể xác tín rằng, Đức Kitô chính là “siêu người mẫu” về cầu nguyện để chúng ta noi theo.
Tại sao dù cầu nguyện không ngừng, Đức Giêsu vẫn không có sự lựa chọn hoàn hảo? Các Tông đồ Chúa chọn chẳng ai có học thức, vài người là ngư phủ, một anh chàng thu thuế, có người thì cứng tin, có người lại nhát gan chối bỏ Chúa… thậm chí có người còn phản bội lại Chúa. Liệu Chúa có sai lầm khi chọn họ không? Xin thưa, Người không hề chọn sai, bằng chứng là từ những người không hoàn hảo đó, Giáo hội đã tồn tại hơn hai thiên niên kỉ và có rất nhiều tín hữu tin vào Đức Kitô Phục Sinh. Đó là vì “người tính không bằng trời tính”, suy nghĩ của Thiên Chúa không thể giải thích theo suy nghĩ của loài người. Sau khi chọn được các tông đồ, người bắt đầu loan báo Tin Mừng cứu độ.
Qua đó, có thể thấy mối quan hệ giữa cầu nguyện và loan báo Tin Mừng: chúng ta cầu nguyện để có thêm sức mạnh, thêm vững tin và đem niềm tin đó trao cho những người chưa nhận biết Chúa; ngược lại, loan báo Tin Mừng giúp họ biết cách cầu nguyện, trò chuyện cùng Chúa và tiếp tục công cuộc truyền giáo ấy. Giữa hai hành động ấy có một mỗi tương hỗ sâu sắc, không thể tách rời. Hai thánh tông đồ Simon và Giuđa chúng ta mừng kính hôm nay là một trong những minh chứng hữu hiệu cho việc cầu nguyện và loan báo Tin Mừng. Các ngài luôn vững tâm tin tưởng vào Thiên Chúa mà các ngài loan báo, luôn cầu nguyện cùng Người và sẵn sàng hy sinh cả tính mạng để bảo vệ niềm tin ấy.
Đức Giêsu là Trưởng Tử của Thiên Chúa mà còn kiên trì, vững tâm cầu nguyện và loan báo Tin Mừng thì chúng ta là ai mà dám không làm điều đó. Nếu có tư tưởng vì là Con Thiên Chúa nên Người có thể làm việc đó cách hoàn hảo, còn chúng ta chỉ là phận người, làm sao có thể sánh được? Khi đó, chúng ta hãy nhìn thấp hơn và suy ngẫm về các tông đồ. Các ngài cũng là phận người như chúng ta, đôi khi còn chưa hoàn hảo bằng chúng ta, nhưng các ngài đã tin tưởng tuyệt đối vào Thiên Chúa và hằng thi hành thánh ý Người. Do đó, nếu các ngài làm được, chúng ta cũng phải noi theo tấm gương của các ngài, biết chuyên cần cầu nguyện và loan báo Tin Mừng.
Đã bao giờ, chúng ta tự hỏi, liệu chúng ta đã dành thời gian cho Chúa cách xứng đáng chưa? Hay chúng ta xem cuộc sống trần thế này quan trọng mà quên đi Đấng luôn chờ đợi chúng ta tâm sự qua những lời cầu nguyện? Nếu đã hoàn thành điều đó, vậy chúng ta đã đem điều đó loan truyền cho những anh chị em chung quanh chưa nhận biết Chúa hay chưa? Những câu hỏi ấy giúp chúng ta sự đánh giá đời sống thiêng liêng của bản thân. Qua đó, chúng ta tự nhận ra mình có những gì và đang cần gì; để từ đó, ta có thể nguyện xin Chúa giúp sức để có thể thực thi thánh ý của Người.
Lạy Chúa Giêsu, Ngài là mẫu gương cầu nguyện hoàn hảo để chúng con noi theo, xin cho chúng con biết đặt Chúa lên trên hết mọi sự, biết dành thời gian cho Chúa, biết cầu nguyện và lắng nghe ý Chúa. Để từ đó, chúng con có thể yêu mến Ngài mỗi ngày một nhiều hơn. Đồng thời, xin cho chúng con ý thức được sứ mệnh chúng con đang mang, đó là đem Lời Chúa rao giảng cho mọi người; xin nâng đỡ chúng con trên con đường truyền rao chân lý, hầu có thể mang danh Chúa đến khắp cùng Trái Đất. Amen.
Petrus Sơn
Đời sống Tông Đồ (28.10.2016)
Trong cơ thể con người có một bộ phận hoạt động liên lỉ từ khi thụ thai cho tới khi lìa đời, đó là trái tim. Dẻo dai như vậy, nhưng để vận chuyển máu đi khắp cơ thể, hoạt động của nó thật đơn giản chỉ có hai nhịp: bóp vào và mở ra. Các sách Tin Mừng cho biết cuộc sống của Chúa Giê-su cũng diễn ra trong hai nhịp như vậy: cầu nguyện và hoạt động; đan cử một ví dụ: Ngài đã cầu nguyện suốt đêm trước khi chọn 12 Tông Đồ.
Và khi chọn các ông, Chúa Giê-su muốn họ chu toàn một cuộc sống gồm hai nhịp: ở lại với Chúa và ra đi loan báo Tin Mừng. Các động từ “ở lại”, “ở trong,” “đi theo” được các thánh sử dùng nhiều lần để diễn tả mối hiệp thông phải có của các Tông Đồ đối với Chúa Giê-su như mối thông hiệp Ngài có với Chúa Cha, Đấng đã sai Ngài, sự hiệp thông cần thiết đến mức trở nên ưu tiên trong các hoạt động của Ngài. Mặt khác, “tông đồ” nghĩa là “người được sai đi”, tham dự vào sứ mạng cứu độ của Chúa Giê-su. Ở lại với Chúa và ra đi loan báo Tin Mừng là hai nhịp của trái tim Tông Đồ, cần thiết và không thể tách rời nhau.
Hằng ngày, chúng ta có nhớ kiểm tra lại đời sống tông đồ của mình không? Đời sống tông đồ của chúng ta vẫn đều đặn hai nhịp đập đấy chứ?
Chúng ta có cho là tốn giờ vô ích khi dành thời gian cầu nguyện trước lúc làm một công tác tông đồ không?
Chúng ta có sẵn sàng thi hành việc bác ái như: Đi thăm một gia đình gặp khó khăn hoạn nạn và cầu nguyện cho họ…, chia sẻ những gì cần thiết để giúp họ được bình an.
Lạy Chúa, Chúa chọn gọi chúng con tham dự vào sứ mạng Tông Đồ của Chúa: trong Huynh Đoàn giáo dân Đa Minh Việt Nam. Xin cho chúng con luôn biết ở lại trong Chúa, như Cha Thánh Tổ phụ Đa Minh, thắp sáng ngọn lửa yêu mến trong tâm hồn, và đam mê chia sẻ niềm vui Tin Mừng của Chúa đến cho mọi người. Amen.
BCT
Cầu nguyện là lẽ sống
“… và Người đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa.” (Lc 6,12)
Suy niệm: Trong suốt cuộc đời rao giảng của Đức Giê-su, người ta thấy Ngài luôn dành cho việc cầu nguyện một vị trí quan trọng. Người ta thấy Ngài cầu nguyện mọi nơi: trong hội đường, trên núi, ngoài bãi biển… và mọi lúc: lúc sáng sớm, khi đêm về, sau một ngày giảng dạy hay trước một việc làm quan trọng, như hôm nay, trước khi chọn và gọi các tông đồ. Với Đức Giê-su cầu nguyện là lẽ sống của đời mình, nơi đó Ngài gặp Chúa Cha, nhận ra ý Ngài để thực hiện. Ngày cũng dạy các tông đồ và những ai đi theo Ngài phải biết cầu nguyện luôn; “Phải cầu nguyện luôn mãi không ngừng nghỉ” (Lc 18,1); hoặc “Không có Thầy, chúng con không thể làm được gì” (Ga 15,5). Nhờ cầu nguyện mà chúng ta biết mình phải làm gì và công việc của chúng ta cũng nhờ đó mà thực sự là công việc của Chúa và để làm vinh danh Chúa.
Mời Bạn: Đức HY. Ph. Xav. Nguyễn Văn Thuận viết: “Con ngạc nhiên vì sao nhiều người mất ơn Chúa gọi, mất đức tin, phản bội Hội Thánh? Trong bao nhiêu lý do, luôn luôn có một lý do chính: họ bỏ cầu nguyện từ lâu” (ĐHV 125). Bạn có thấy việc cầu nguyện thực sự quan trọng hơn các việc làm khác trong đời sống của mình không?
Chia sẻ: Bạn đang thực hành việc cầu nguyện trong đời sống của mình như thế nào?
Sống Lời Chúa: Tôi sẽ luôn nhắc lại lời này: “Không có Thầy, chúng con không thể làm được gì” (Ga 15,5).
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin cho con biết siêng năng tìm đến Chúa trong những giờ cầu nguyện, để chúng con thực sự tìn được sức mạnh và lòng yêu mến cho cuộc đời của chúng con. Amen.
Năng kết hợp với Chúa Giêsu Thánh Thể (28.10.2015)
Ghi Nhớ:“Simon biệt danh là quá khích; Giuđa con ông Giacôbê” ( Lc 6,15-19).
Suy Niệm: Hai vị thánh này luôn đứng bên nhau trong danh sách 12 Tông Đồ. Simon là một con người nhiệt thành, không quãng sự khó nhọc và hăng say. Chúa Giêsu đã biến đổi ông từ một người nhiệt thành với nước Israel trần thế, thành một vị Tông Đồ nhiệt thành với Nước Trời. Giuđa còn gọi là Tađêô. Ông được gọi là Giuđa trung kiên, vì ông đã trung kiên với Chúa cho đến hơi thở cuối cùng. Noi gương hai vị thánh Tông đồ, chúng ta cũng phải trở nên những dụng cụ đắc lực cho Hội Thánh và tích cực siêng năng trong bổn phận của người tín hữu.
Sống Lời Chúa: Năng kết hợp với Chúa Giêsu Thánh Thể để bền vững trong ơn gọi.
Cầu Nguyện: Lạy Chúa, xin tăng sức mạnh giúp con trung kiên với ơn Chúa gọi. Amen.