Sứ điệp Phục sinh 2025 với Phép lành toàn xá của Đức Thánh cha

Lúc gần 10 giờ 30 sáng Chúa nhật Phục sinh, ngày 20 tháng Tư năm 2025, Đức Hồng y Angelo Comastri, 82 tuổi, nguyên Giám quản Đền thờ thánh Phêrô, đã thay Đức Thánh cha Phanxicô cử hành thánh lễ tại bàn thờ trên thềm Đền thờ thờ thánh Phêrô.


G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

Tại khu vực trước thềm Đền thờ cũng có đoàn vệ binh Thụy Sĩ, và một đoàn đại diện liên binh chủng của quân đội Ý. Khu vực này được trang trí như một vườn hoa do các nhà trồng hoa Hòa Lan thực hiện tặng Tòa Thánh, với 35.000 hoa và cây kiểng.

Đồng tế với Đức Hồng y Angelo, có gần 30 hồng y, giám mục và hơn 200 linh mục, trước sự tham dự của gần 60.000 tín hữu.

Sau đó, đúng 12 giờ trưa, đã diễn ra buổi công bố Sứ điệp Phục sinh của Đức Thánh cha, với Phép lành toàn xá cho Roma và toàn thế giới, Urbi et Orbi.

Số người hiện diện tại Quảng trường lúc này lên tới hơn 100.000 người tràn ra cuối đường Hòa Giải.

Công bố Sứ điệp Phục sinh

Lúc 12 giờ trưa, Đức Thánh cha tiến ra bao lớn chính của Đền thờ thánh Phêrô, cùng với hai vị Hồng y tháp tùng.

Buổi công bố sứ điệp bắt đầu với Quốc ca của Ý và Vatican do hai ban quân nhạc liên hệ xướng lên, khi Đức Thánh cha tiến ra bao lơn chính của Đền thờ.

Ngài vẫn tay và chào thăm mọi người và Đức Tổng giám mục Diego Ravelli, Trưởng ban nghi lễ Phụng vụ của Đức Thánh cha đã đọc Sứ điệp Phục sinh 2025:

Chúa Kitô đã sống lại, Alleluia!

Anh chị em, chúc mừng lễ Phục sinh!

Hôm nay, trong Giáo hội, sau cùng vang lên lời Alleluia, âm vang từ miệng này sang miệng kia, từ tâm hồn này sang tâm hồn khác, và bài ca Alleluia làm cho dân Chúa khóc vì vui mừng trên toàn thế giới.

Từ ngôi mộ trống ở Jerusalem cho đến chúng ta, một sứ điệp chưa từng có: Chúa Giêsu chịu đóng đinh, “không ở đây, Ngài đã sống lại” (Lc 24,6). Ngài không ở trong mồ, Ngài là người sống!

Tình thương đã chiến thắng oán ghét. Ánh sáng đã chiến thắng tăm tối. Sự thật đã chiến thắng báo thù. Sự ác không biến mất khỏi lịch sử chúng ta, nó sẽ tồn tại cho đến tận thế, nhưng nó không còn thống trị nữa, không còn quyền lực trên người đón nhận ân phúc của ngày này.

Anh chị em, đặc biệt những người đang ở trong đau khổ và lo lắng, tiếng kêu âm thầm của anh chị em đã được lắng nghe, nước mắt của anh chị em đã được thu lại, dù một giọt lệ cũng không bị mất! Trong cuộc khổ nạn và cái chết của Chúa Giêsu, Thiên Chúa đã mang trên mình tất cả sự ác của thế giới và với lòng xót thương vô biên, Ngài đã đánh bại nó: Ngài đã nhổ rễ kiêu ngạo ma quái làm cho tâm hồn con người bị nhiễm độc và gieo rắc khắp nơi bạo lực và hư hỏng. Chiên Thiên Chúa đã chiến thắng! Vì thế, ngày hôm nay chúng ta kêu lên: “Chúa Kitô, niềm hy vọng của tôi đã sống lại!” (Ca Tiếp liên Phục sinh)

Đúng vậy, sự phục sinh của Chúa Giêsu là nền tảng hy vọng: từ biến cố đó, hy vọng không còn là một ảo tưởng nữa. Không, nhờ ơn Chúa Kitô chịu đóng đinh và sống lại, hy vọng không làm thất vọng! ‘Spes non confudit’! (Xc Rm 5,5). Đó không phải là một hy vọng tránh né, nhưng là hy vọng dấn thân; nó không làm tha hóa, nhưng tạo tinh thần trách nhiệm.

Những người hy vọng nơi Thiên Chúa đặt đôi bàn tay yếu ớt của họ trong bàn tay lớn mạnh của Thiên Chúa, để cho mình được nâng dậy và tiến bước: cùng với Chúa Giêsu phục sinh, họ trở thành những người lữ hành hy vọng, chứng nhân về chiến thắng của tình thương, về quyền năng không võ trang của sự sống”.

Chúa Kitô đã Phục sinh! Trong lời loan báo này có tóm gọn tất cả ý nghĩa của đời sống chúng ta, không được dựng nên cho chết chóc nhưng cho sự sống. Phục sinh là lễ sự sống! Thiên Chúa đã dựng nên chúng ta cho sự sống và muốn rằng nhân loại trỗi dậy! Trước mắt Chúa, mọi sống đều quý giá! Sự sống của thai nhi trong lòng mẹ, cũng như sự sống của người già hoặc người bệnh, ngày càng bị nhiều nước coi như những người bị gạt bỏ.

Chúng ta đang thấy ngày nay bao nhiêu ý chí chết chóc trong bao nhiêu cuộc xung đột tại nhiều miền trên thế giới! Bao nhiêu bạo lực chúng ta cũng thấy trong các gia đình, bạo lực đối với phụ nữ hoặc trẻ em! Bao nhiêu khinh rẻ đối với những người yếu thế nhất, những người bị gạt ra ngoài lề, những người di dân!

Trong ngày này, tôi muốn chúng ta tái hy vọng và tin tưởng nhau, cả nơi những người không gần chúng ta hoặc đến từ những miền đất xa xăm, với những phong tục, lối sống, ý tưởng, phong hóa khác với những gì quen thuộc đối với chúng ta, vì tất cả chúng ta đều là con cái Thiên Chúa!

Thánh Địa và Trung Đông

Tôi mong ước chúng ta tái hy vọng rằng hòa bình là điều có thể! Ước gì từ Mộ Thánh, Nhà thờ Phục sinh, nơi mà năm nay lễ Phục sinh được các tín hữu Công giáo và Chính thống cử hành cùng một ngày, ánh sáng hòa bình chiếu tỏa trên toàn Thánh địa và toàn thế giới. Tôi gần gũi với những đau khổ của các Kitô hữu ở Palestine và Israel, cũng như toàn dân Israel và Palestine. Sự gia tăng bầu không khí bài Do thái trên toàn thế giới là điều gây lo âu. Đồng thời tôi nghĩ đến dân chúng, và đặc biệt cộng đoàn Kitô tại Gaza, nơi mà cuộc xung đột kinh khủng tiếp tục gieo chết chóc và tàn phá, tạo nên một tình trạng nhân đạo thê thảm và ô nhục. Tôi kêu gọi các phe lâm chiến: hãy ngưng bắn, hãy trả tự do cho các con tin và giúp đỡ dân chúng, đang đòi và mong được một tương lai hòa bình!

Liban và Syria

Chúng ta hãy cầu nguyện cho các cộng đoàn Kitô tại Liban và Syria, trong khi nước này đang trải nghiệm một sự chuyển tiếp tế nhị trong lịch sử của mình, các Kitô hữu đang mong ước ổn định và tham gia vận mạnh của các quốc dân liên hệ. Tôi nhắc nhở toàn Giáo hội hãy đồng hành với các tín hữu Kitô tại Trung Đông, trong sự quan tâm và cầu nguyện.

Yemen

Tôi đặc biệt nghĩ đến Yemen, đang trải qua một trong những cuộc khủng hoảng trầm trọng “bị kéo dài” nhất trên thế giới vì chiến tranh, và tôi mời gọi tất cả hãy tìm những giải pháp bằng con đường đối thoại xây dựng.

Ucraina

Xin Chúa Kitô Phục sinh ban ơn phục sinh an bình tại Ucraina đau thương và khích lệ tất cả các tác nhân can dự tiếp tục những cố gắng đạt tới một nền hòa bình công chính và lâu bền.

Nam Caucase

Trong ngày lễ này, chúng ta nghĩ đến miền Nam Caucase và cầu nguyện để sớm đạt tới việc ký kết và thực thi một hiệp định chung kết giữa Armeni và Azerbaijan, dẫn tới sự hòa giải rất được mong ước trong vùng.

Balkan

Ước gì ánh sáng Phục Sinh gợi lên những quyết tâm hòa hợp tại vùng Tây Balkan và nâng đỡ các tác nhân chính trị trong những cố gắng tránh làm gia tăng những căng thẳng và khủng hoảng trong vùng, cũng như những đối tác của vùng này để loại bỏ những thái độ nguy hiểm và làm khuynh đảo.

Phi châu

Xin Chúa Kitô, niềm hy vọng của chúng ta, ban hòa bình và an ủi cho các dân tộc Phi châu nạn nhân của bạo lực và xung đột, nhất là tại Cộng hòa Dân chủ Congo, Sudan và Nam Sudan, và nâng đỡ những người đang đau khổ vì những căng thẳng ở miền Sahel, vùng Sừng của Phi châu và vùng Đại Hồ, cũng như các Kitô hữu tại nhiều nơi không được tự do tuyên xưng đức tin.

Không hòa bình nào có thể tại những nơi không có tự do tôn giáo hoặc không có tự do tư tưởng và ngôn luận, cũng như không có sự tôn trọng những ý kiến của người khác.

Không hòa bình nào có thể nếu không có giải trừ vũ trang thực sự! Đòi hỏi mỗi dân tộc phải trù liệu việc tự vệ không thể biến thành một cuộc chạy đua của tất cả phải tái võ trang. Ánh sáng Phục sinh kích thích chúng ta phá đổ những hàng rào tạo nên chia rẽ và mang nặng những hậu quả chính trị và kinh tế. Ánh sáng ấy thúc đẩy chúng ta chăm sóc nhau, gia tăng tình liên đới với nhau, và cố gắng tạo điều kiện cho sự phát triển toàn diện mỗi người.

Myanmar

Trong thời đại hiện nay, ước gì không thiếu sự giúp đỡ dành cho nhân dân Myanmar, đã bị chao đảo vì những năm xung đột võ trang, nay đang can đảm và kiên nhẫn đương đầu với những hậu quả của trận động đất tàn phá tại Sagaing, làm cho hàng ngàn người chết và đau khổ cho rất nhiều người sống sót, trong đó có nhiều cô nhi và người già. Chúng ta hãy cầu nguyện cho các nạn nhân và những người thân yêu của họ, cũng như chúng ta thành tâm cám ơn tất cả những người thiện nguyện quảng đại thi hành công tác cứu trợ. Việc loan báo ngưng chiến từ phía các tác nhân chính trị khác nhau trong nước là một dấu hiệu hy vọng cho toàn nước Myanmar.

Tôi kêu gọi tất cả những người có trách nhiệm chính trị trên thế giới đừng chiều theo lô-gíc sợ hãi khép kín, nhưng hãy dùng những tài nguyên hiện có để giúp đỡ những người túng thiếu và hỗ trợ những sáng kiến thăng tiến phát triển. Đó là những “võ khí hòa bình: những võ khí xây dựng tương lai, thay vì gieo vãi chết chóc!

Ước gì không thiếu nguyên tắc nhân đạo như cột trụ hành động hằng ngày của chúng ta. Đứng trước sự tàn ác của các cuộc xung đột, gây tổn thương cho những thường dân vô phương thế tự vệ, tấn công các trường học và nhà thương, cũng như các nhân viên nhân đạo, chúng ta không thể cho phép mình quên rằng không được coi họ là những mục tiêu để tấn công, nhưng là những con người có một linh hồn và phẩm giá.

Và trong Năm Toàn Xá này, ước gì lễ Phục sinh cũng là cơ hội thuận tiện để trả tự do cho các tù nhân chiến tranh và chính trị!

Anh chị em thân mến,

Trong lễ Phục sinh của Chúa, sự chết và sự sống đối đầu với nhau trong một trận song đấu lạ lùng. Nhưng bây giờ Chúa đang sống mãi mãi (Xc Ca tiếp liên Phục Sinh) và phúc cho chúng ta xác tín rằng chúng ta được kêu gọi tham gia vào sự sống không bao giờ tàn lụi, trong đó ta không còn nghe những tiếng ồn ào của võ khi và âm vang của chết chóc nữa. Chúng ta hãy ký thác cho Đấng mà chỉ có Ngài mới có thể đổi mới mọi sự (Xc Kh 21,5)!

Chúc mừng tất cả mọi người lễ Phục sinh tốt đẹp!

Phép lành toàn xá

Sau khi Đức Thánh cha kết thúc Sứ điệp Phục sinh, Đức Hồng y James Harvey, 75 tuổi, người Mỹ, Trưởng đẳng Phó tế, Giám quản Đền thờ thánh Phaolô ngoại thành đã thông báo chủ ý của Đức Thánh cha ban ơn toàn xá cho tất cả các tín hữu lãnh nhận phép lành qua các phương tiện truyền thông, theo hình thức đã được Giáo hội thiết định.

Rồi Đức Thánh cha ban phép lành theo công thức vắn tắt thường lệ, thay vì đọc công thức dài như những lần trước đây, vì giọng nói của ngài vẫn còn rất yếu và khó khăn.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *