Vatican News – Leonardi và Rosario Capomasi
Sáng ngày 1 tháng 7, tại Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô, Đức Hồng y Luis Antonio G. Tagle – Phó Tổng trưởng Bộ Loan báo Tin Mừng – đã chủ sự Thánh lễ nhân dịp Năm Thánh dành cho các hội dòng và phong trào giáo dân tôn kính Máu Châu Báu Chúa Giêsu. Trong bài giảng, ngài mạnh mẽ cảnh báo về thực trạng thế giới ngày nay: “Có quá nhiều tiền được đổ vào vũ khí, nhưng lại không đủ cho thực phẩm, nhà ở, thuốc men và giáo dục. Phân biệt đối xử, bất công và thao túng con người đi ngược lại với giao ước trong Máu Chúa Giêsu”.
Sự kiện kéo dài hai ngày thu hút tín hữu từ khắp nơi trên thế giới, quy tụ về Rôma trong dịp kính trọng thể Máu Châu Báu Chúa Giêsu – một lòng sùng kính được Thánh Gaspare del Bufalo cổ vũ vào thế kỷ XIX. Đức Hồng y Tagle nhấn mạnh rằng giao ước của Thiên Chúa không đơn thuần là một hợp đồng, nhưng là một tương quan sống động và trung tín, được thiết lập qua nhiều mức độ, và đạt đến sự trọn vẹn trong Máu của Chúa Giêsu – nơi Thiên Chúa cam kết không bao giờ bỏ rơi nhân loại, và con người cũng thề hứa trung thành với Người “nhân danh nhân loại và toàn thể tạo thành”.
“Không ai là người xa lạ”
Suy tư trên thư Thánh Phaolô gửi tín hữu Êphêsô, Đức Hồng y Tagle nói thêm: “Một đặc tính quan trọng của giao ước mới trong Máu Chúa Kitô là sự khai sinh một cộng đoàn được hòa giải”. Trong Đức Kitô, những người thuộc các dân tộc và nền văn hóa khác nhau “không còn là người xa lạ, nhưng là đồng công dân, là thành viên trong cùng một gia đình”. Ngài mời gọi: “Không ai được coi là mối đe dọa hay vật tế thần, nhưng phải được nhìn nhận là người thân cận, là anh chị em”.
Cuộc hành trình Đức tin và tình huynh đệ
Trước Thánh lễ, các tín hữu đã hành hương qua Via della Conciliazione để bước qua Cửa Thánh tại Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô. Trong đoàn người đông đảo mang nón và ba lô đỏ, ông bà Anna Rita và Fabrizio – đôi vợ chồng đã phục vụ phụng vụ suốt 40 năm tại giáo xứ Thánh Thể – chia sẻ: “Đây là lần thứ ba chúng tôi sống một Năm Thánh. Mỗi lần là một cơ hội để đức tin sâu đậm hơn, trong tình hiệp thông với các tín hữu từ khắp nơi trên thế giới. Chúng tôi chia sẻ với nhau niềm vui, nỗi đau và trao tặng nhau những ân huệ Thiên Chúa ban”.
Dừng lại để xét mình, lên đường với hy vọng
Olga, 60 tuổi, đến từ Venezuela, cho biết cuộc hành hương là cơ hội “dừng lại và nhìn lại chính mình”. Bà chia sẻ: “Tôi tự hỏi: Tôi đã làm gì cho tha nhân? Tôi có thể hy sinh nhiều hơn nữa không? Khi trả lời những câu hỏi ấy, tôi lại lên đường với hy vọng mạnh mẽ hơn nơi một thế giới tốt đẹp hơn”.
Cha Das – một linh mục gốc Ấn hiện đang phục vụ tại Bari – nói: “Chúng tôi mang theo nỗi đau của những người không thể đến đây, mang theo cả niềm vui và hy vọng của nhiều người. Chính bằng đời sống chứng tá, chúng tôi gieo hạt sự hiện diện của Thiên Chúa”.
Niềm tin giữa thử thách
Từ rạng sáng, 50 người hành hương từ Sonnino (tỉnh Latina) cũng về Rôma. Trong số họ có Davide, 23 tuổi, đang dấn thân trong chương trình mục vụ giới trẻ. Anh tâm sự: “Niềm tin ngày nay là một thử thách thực sự, nhất là với người trẻ. Tôi nghĩ đến Gaza, Ukraina, và những người đồng trang lứa đang chiến đấu. Hy vọng không còn là lựa chọn, mà là điều thiết yếu”.
Người hành hương nhỏ tuổi nhất – 9 tuổi – nói: “Đây là cuộc hành hương thứ hai của con. Con đã đi hành hương Năm Thánh của giáo phận vào ngày 30/5. Lần này con đi với bà ngoại – đó là món quà tuyệt vời của mùa hè này”.
Hồi sinh từ đổ vỡ
Trong buổi canh thức tại Vương cung Thánh đường Thánh Gioan Latêranô hôm trước, một số chứng nhân đã chia sẻ hành trình hoán cải. Manuela, đến từ Munich (Đức), kể lại quá khứ nghiện ngập và rời bỏ Giáo hội, cho đến khi được mời tham dự một khóa học về Chúa Thánh Thần. Nhờ đó, cô đã gặp lại Chúa Giêsu, đặc biệt qua lòng đạo đức với chuỗi Mân Côi trong một lần tĩnh tâm với các nữ tu Dòng Máu Thánh, và cuộc đời cô hoàn toàn thay đổi.
Martha, một tín hữu từ Tanzania, nghẹn ngào kể lại sự cô đơn, mất mát, và tuyệt vọng của mình. Gặp được một linh mục thuộc gia đình thiêng liêng của Thánh Gaspare, bà được lắng nghe và không bị phán xét. Sau 40 năm, bà trở lại với Bí tích Hòa giải – “một cảm nghiệm như được giải thoát khỏi gánh nặng khủng khiếp”. Martha nói: “Tôi không chỉ được thay đổi, tôi đã được cứu. Tôi sống lại với niềm hy vọng rằng luôn có sự cứu chuộc, chữa lành và sự sống mới trong Chúa”.
Đồng hành giữa đau thương
Các nữ tu Dòng Máu Thánh ở Tổng Giáo phận Yangon (Myanmar) cũng chia sẻ chứng tá của mình. Sau cuộc đảo chính quân sự năm 2021, đất nước chìm trong chiến tranh, nghèo đói và khủng hoảng đức tin. Các nữ tu hiện diện giữa dân, chia sẻ những khổ đau, nâng đỡ bệnh nhân, và đồng hành với giới trẻ – những người không ngại dấn thân vì công lý và hòa bình, dù phải hy sinh cả mạng sống.