Canh tân – cải thiện đời sống (22.10.2022 – Thứ Bảy Tuần XXIX Thường Niên)

Chuỗi Kinh cầu nguyện trong cơn Đại dịch Covid-19

Lời Chúa: Ep 4,7-16 (năm chẵn), Rm 8,1-11 (năm lẻ), Lc 13, 1-9

✠ Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca ( Lc 13, 1-9)

1 Lúc ấy, có mấy người đến kể lại cho Đức Giê-su nghe chuyện những người Ga-li-lê bị tổng trấn Phi-la-tô giết, khiến máu đổ ra hoà lẫn với máu tế vật họ đang dâng. 2 Đức Giê-su đáp lại rằng : “Các ông tưởng mấy người Ga-li-lê này phải chịu số phận đó vì họ tội lỗi hơn mọi người Ga-li-lê khác sao ? 3 Tôi nói cho các ông biết : không phải thế đâu ; nhưng nếu các ông không sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết như vậy. 4 Cũng như mười tám người kia bị tháp Si-lô-ác đổ xuống đè chết, các ông tưởng họ là những người mắc tội nặng hơn tất cả mọi người ở thành Giê-ru-sa-lem sao ? 5 Tôi nói cho các ông biết : không phải thế đâu ; nhưng nếu các ông không chịu sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết y như vậy.”

6 Rồi Đức Giê-su kể dụ ngôn này : “Người kia có một cây vả trồng trong vườn nho mình. Bác ta ra cây tìm trái mà không thấy, 7 nên bảo người làm vườn : ‘Anh coi, đã ba năm nay tôi ra cây vả này tìm trái, mà không thấy. Vậy anh chặt nó đi, để làm gì cho hại đất ?’ 8 Nhưng người làm vườn đáp : ‘Thưa ông, xin cứ để nó lại năm nay nữa. Tôi sẽ vun xới chung quanh, và bón phân cho nó. 9May ra sang năm nó có trái, nếu không thì ông sẽ chặt nó đi’.”

Canh tân – cải thiện đời sống (22.10.2022)

Ghi nhớ:

Nhưng người làm vườn đáp: “Thưa ông, xin cứ để nó lại năm nay nữa. Tôi sẽ vun xới chung quanh, và bón phân cho nó. May ra sang năm nó có trái, bằng không thì ông hãy đốn nó đi”. (Lc 13, 8)

 Suy niệm:

Trong một vương quốc nọ, có một đám thổ phỉ đứng lên làm loạn chống lại Đức Vua. Nhà Vua liền đi chinh phạt chúng, nhưng Ông ra lệnh cho binh sĩ rằng: chớ sát hại chúng, mà chỉ được bắt sống những kẻ làm loạn mà thôi. Sau khi đập tan đám quân nổi dậy, bắt sống và đưa về hoàng cung, nhà Vua bảo binh lính đưa cho mỗi tù nhân cầm một cây nến và thắp sáng nó lên. Rồi Đức Vua ra lệnh:

Ai chịu đầu hàng và thề rằng sẽ trung thành với Trẫm thì người ấy sẽ được tha thứ. Ngược lại sẽ bị giết chết. Vậy các ngươi hãy suy nghĩ, và đưa ra quyết định, vì khi ngọn nên trên tay các người tắt thì cũng sẽ là lúc thời gian cho các người lựa chọn kết thúc!.

Bài Tin Mừng hôm nay nói đến hai sự cố xảy ra. Một là sự việc quan tổng trấn Phi-la-tô giết một số người Ga-li-lê và sự việc tháp Si-lô-ác đổ xuống đè chết mười tám người. Hai là câu chuyện ông chủ vườn nho thấy cây nho đã nhiều năm không sinh trái bền có ý chặt bỏ nó đi. Song người làm vườn đã năn nỉ ông chủ để anh ta sẽ ra công chăm bón cây nho với hy vọng rằng năm sau nó sẽ sinh trái, và ông chủ đã nhận lời đề nghị của người giữ vườn. Qua những trình thuật trên. Đức Giê-su muốn hướng dân chúng và các môn đệ của Ngài cũng như cho chúng ta trong thời đai hôm nay:

Không nên xét đoán những người bị tai kia nạn nọ mà kết luận rằng họ là người tội lỗi.

Hãy hoán cải, trở về với Chúa để được thứ tha.

Thiên Chúa là Đấng rất mực khoan dung. Chỉ mong cho tội nhân ăn năn sám hối để được ơn cứu độ.

Đa số người ta có lối suy nghĩ rằng người khác bị tai nạn này nọ là do họ nhiều tội lỗi, nhưng như lời Đức Giê-su giải thích hôm nay là: Để qua các biến cố xảy ra ấy Thiên Chúa muốn cho con người thấy đó mà biết canh tân đời sống, biết kính sợ và tôn thờ Thiên Chúa đồng thời yêu thương mọi người, mà cụ thể là đừng bao giờ nghĩ xấu cho ai.

Cây nho không sinh trái, khiến chúng ta suy nghĩ về bản thân mình, trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta có thi hành lời Chúa truyền dạy hay không? Hay chúng ta chỉ sống ích kỷ cho mình để rồi cũng giống như cây nho kia chỉ ăn hại và choáng chỗ đất! Mà không trổ sinh được hoa trái, mang lại lợi ích cho đời, cho người, nhận thức được như vậy thì chúng ta phải quyết tâm sống sao để  “trổ sinh hoa trái”, nghĩa là trở thành người có ích cho gia đình cho xã hội và cho Giáo Hội.

Căn tính của Thiên Chúa là Yêu Thương; chính vì vậy nên Ngài rất khoan dung chờ đợi con người tội lỗi hoán cải, bỏ đường sai trái để trở về cùng Ngài. Trong cuộc sống đời thường, chúng ta thấy có nhiều người sống bê tha, phạm tội công khai, thế nhưng dường như họ lại còn được may mắn hơn những người khác. Đó là vì lòng yêu thương bao dung của Thiên Chúa. Ngài vẫn cho “mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất lương” và kiên nhẫn chờ đợi kẻ bất lương ăn năn sám hối trở về cùng Ngài để được ơn tha thứ. Thiên Chúa loại trừ tội lỗi, nhưng Ngài không loại trừ con người tội lỗi.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa. Ngài đã kiên nhẫn chờ đợi chúng con ăn năn sám hối . Xin giúp chúng con luôn biết cải thiện, canh tân đời sống của mình. Xin hãy làm trổ sinh hoa trái nơi đời sống chúng con để cho những ân huệ Ngài ban xuống trên chúng con không trở thành vô ích. Xin cho chúng con biết tích cực làm việc thiện như người thợ làm vườn cho Chúa. Để chính bản chúng con cũng như những cây nho khác Chúa trồng đều sinh nhiều hoa trái. Amen.

Sống Lời Chúa:

Thực thi bốn lềnh truyền của Đức Mẹ Fatima. Ăn năn cải thiện đời sống, tôn sùng rất thánh trái Mẹ và siêng năng lần hạt Mân Côi.

Đaminh Trần Văn Chính.

Dấu chỉ dịch bệnh (23.10.2021)

Đối diện trước một biến cố, con người ta có thể nhìn dưới nhiều góc cạnh khác nhau, để rồi nhận thức và phán đoán nhiều cách khác nhau.

Gần hai năm, kể từ khi các bác sĩ ở Vũ Hán (Trung quốc) chứng kiến một loạt bệnh nhân mắc loại bệnh viêm phổi lạ khó chữa, chính quyền thành phố ra lệnh cho hệ thống bệnh viện báo cáo mọi ca bệnh tương tự. Các nhà y học coi đó như một thách đố cho việc tìm tòi căn nguyên bệnh và họ đã biết đó là do vi-rút Corona; một số kỹ nghệ gia coi đây là dịp để tung ra các sản phẩm sinh học phòng ngừa, chữa trị… thế là nhiều loại vắc-xin và thuốc chữa trị xuất hiện; các nhà đạo đức thì coi đó như là chiếc roi của Thiên Chúa trừng phạt nhân loại nên nhiều cư dân mạng rỉ tai râm ran đã đến thời thế mạt nên không ít người chuyển sang ăn chay, làm việc bố thí, siêng năng kinh kệ nhiều giờ hơn; nhưng chính người có đức tin thực sự thì nhận ra ở dịch bệnh đó là dấu chỉ tình yêu của Thiên Chúa đối với con người.

Tin Mừng thánh Lu-ca hôm nay cho thấy, Chúa Giê-su đã nhắc đến phản ứng của người Do thái khi nghe chuyện Phi-la-tô giết những người Ga-li-lê đang dâng tế vật ở Đền Thờ và có lẽ đây cũng là phản ứng của nhiều Ki-tô hữu, đó là qui trách nhiệm cho Thiên Chúa về mọi sự trừng phạt, cũng như làm xuất hiện những tai ương, bệnh tật.

Qua đó, Chúa Giê-su kêu gọi mọ người hãy ăn năn sám hối, cải hóa đời sống cũ, hãy mặc lấy con người mới giống hình ảnh Thiên Chúa, hãy sống công chính và thánh thiện… (x. Ep 4,22-24) để từ đó qua các biến cố càng thêm vững tin vào tình yêu Thiên Chúa, bởi Chúa luôn kiên nhẫn chờ đợi từng người con của Người quay về dưới cánh bóng toàn năng che chở của Người.

Lạy Chúa Giê-su, xin cho con được khôn ngoan và ý chí sáng suốt để con luôn tin yêu vào tình thương quan phòng của Chúa đối với đời con. Amen.

CÁT BIỂN

Sám hối (24.10.2020)

Thuật ngữ Phật giáo – “Sám” () là dịch âm tiếng Phạn “kṣama” (sám-ma), nghĩa là dung nhẫn; thuộc bộ Tâm (– Lòng người).

“Sám hối” (懺悔) nghĩa là xin người khác dung nhẫn, tha thứ tội lỗi cho mình.

Kinh Pháp Bảo Đàn nói: “Sám giả sám kỳ tiền khiên, hối giả hối kỳ hậu quá”: Sám là sám trừ tội trước, hối là hối cải lỗi sau.

Và theo Hán Việt tân từ điển (Nguyễn Quốc Hùng, 1974): Sám hối nghĩa là buồn giận về tội lỗi của mình và thật lòng muốn sửa đổi.

Phúc Âm hôm nay kể lại việc tổng trấn Phi-la-tô giết những người Ga-li-lê đang tế lễ trong Đền Thờ, khiến máu của họ đổ ra hoà lẫn với máu tế vật họ đang dâng (x. Lc. 13,1-9) làm tôi liên tưởng đến thiên tai bão lụt, sụt lở đất đá đang xảy ra các tỉnh miền trung nước ta trong tuần qua.

Theo TTO-19/10/2020 đưa tin:

“Thêm một vụ núi lở xuống doanh trại quân đội, khi mà lễ truy điệu những người hy sinh trước đó còn chưa kịp cử hành;

Cán bộ xã bị nước cuốn khi đang đi tìm cứu người dân bị cô lập;

Đoàn nhà báo vào điểm nóng bị nước lũ chia cắt, đất lở sát sau lưng…”

Những bản tin dồn dập như thử thách sự chịu đựng của người theo dõi. Và nước tiếp tục dâng, cao hơn mọi đỉnh lũ trong lịch sử. Dự báo mưa còn trút nước. Dự báo những cơn áp thấp sắp thành bão vào bờ nay mai… Cơn giận dữ này của thiên nhiên không chừa một ai, như để nhắc nhở rằng không có ai vô can trong việc để thiên nhiên bị tàn phá, bị biến đổi khiến những biểu hiện khí hậu cực đoan ngày càng khốc liệt hơn. Những thực trạng đã được lên tiếng từ lâu, cảnh báo nhiều lần nhưng vẫn tiếp diễn. Rừng tự nhiên gần như bị xóa, thủy điện lớn nhỏ giăng mắc khắp các đầu sông…

Tiếng nói bảo vệ thiên nhiên của con người càng yếu ớt thì lời giận dữ của thiên nhiên càng phát huy sức mạnh. Những bi kịch dồn dập đang nhắc lại một lẽ tất yếu: Con người là một phần bé nhỏ của thiên nhiên, vị trí của người là một mảnh ghép hòa hợp với thiên nhiên, vai trò của người là sống đúng phần của mình. Phá hủy thiên nhiên để đạt tham vọng sẽ phải trả lại trong những cơn thịnh nộ của đất trời.

Vậy nên, con người thời nay hay vào thời Chúa Giê-su trước đó vẫn luôn đòi hỏi phải ý thức rằng: Nếu con người ta không thay đổi thái độ, sửa chữa cách sống, sống hài hòa tôn trọng thiên nhiên và môi trường sống của mình, thì chính họ cũng tự rước tai họa vào cho mình, và gây tai họa cho người khác. Không cần đến Thiên Chúa trừng phạt, nhưng những hành vi xấu của con người gây ra tự nó phải chuốc lấy những hệ quả tai hại, đôi lúc phải trả giá bằng chính mạng sống của mình mà không cần ai khác xử phạt.

Ai trong chúng ta ít hay nhiều cũng đều có kinh nghiệm hay đang chứng kiến, một xã hội bị sự dữ chi phối hay làm chủ, thì tự nó là một tai họa cho  cộng đồng , cho cá nhân mỗi người và cho người khác.

Lạy Chúa,  mỗi ngày sống đời con là quà tặng Lòng Thương Xót của Chúa. Chúa cho con còn sống trên đời là để con còn cơ hội để sám hối ăn năn, cải thiện đời sống. Xin giúp con luôn ý thức tội lỗi và sự bất toàn của mình để biết canh tân sám hối thật lòng. Amen.

CÁT BIỂN

Mau ăn năn sám hối (27.10.2019)

Từ xưa tới nay, thiên tai, địch họa luôn là nỗi ám ảnh kinh hoàng đối với con người. Thiên tai, địch họa không hẳn là hình phạt của Thiên Chúa dành cho tội lỗi của con người và những nạn nhân của thiên tai, địch họa cũng không phải là những kẻ mắc phải tội lỗi đáng chết, đáng khinh. Nhưng, những biến cố do thiên tai, địch họa xảy ra chính là lời cảnh báo, răn đe, hoặc chính là lời cảnh tỉnh kêu gọi con người ta ăn năn sám hối, trở về đường ngay nẻo chính của Thiên Chúa. Thánh Tôma Aquinô khẳng định: “Thiên Chúa không cho phép sự dữ xảy ra trừ phi vì một sự thiện nào đó lớn hơn.”

Tin Mừng hôm nay, qua dụ ngôn cây vả không ra trái cũng vậy. Dụ ngôn mời gọi người nghe hãy ăn năn hối cải và thực hiện đền bù trổ sinh hoa trái tốt, và thôi không lạm dụng lòng nhân từ của Thiên Chúa nữa: Nếu ai không sám hối, thì sẽ chết. Cũng như cây vả sau bốn năm không ra trái thì sẽ chặt bỏ để nó không làm hại đất (x. Lc 13,1-9)

Lạy Chúa, mỗi ngày của đời con chính là quà tặng tình thương của Chúa để con còn dịp ăn năn sám hối, và sống trọn lành như Chúa đã mời gọi. Xin Chúa cho con thêm can đảm, mạnh mẽ dứt khoát tội lỗi để sống xứng đáng là con cái Chúa. Amen.

CÁT BIỂN

Cơ hội (27.10.2018)

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu kêu gọi con người phải biết ăn năn thống hối, từ bỏ tội lỗi để trở về cùng Chúa là Cha. Thế nhưng, chúng ta nên nhớ: Người không chỉ muốn chúng ta sám hối về những lỗi lầm của mình, mà điều quan trọng không kém, chính là cơ hội mà Người đã dành cho phận người yếu đuối chúng ta – một cơ hội để sửa chữa sai lầm, một cơ hội được hòa giải cùng Chúa.

Quả thật, dù cho con người biết sám hối, ăn năn, dù thiết tha trở lại làm con Chúa nhưng nếu Người không cho họ cơ hội trở về nẻo chính đường ngay thì sự ăn năn, thống hối ấy chẳng phải vô ích hay sao? Người là Thiên Chúa, Người hoàn toàn có thể tiêu diệt nếu chúng ta phạm tội, nhưng Người đã không làm vậy vì Người là Đấng giàu Lòng thương xót. Người đã “nâng cấp” vị thế của chúng ta, từ một loài thụ tạo, ta đã được hồng phúc trở nên con cái Chúa. Đó chính là hồng ân cao cả Người đã ban cho chúng ta.

Ý thức được điều đó, trước hết, ta phải biết ăn năn hối cải ngay khi có cơ hội, vì đó là đặc ân mà Chúa đã dành cho ta. Ngoài ra, ta còn phải biết noi theo sự khoan dung của Người. Người là Đấng tinh tuyền không hề mắc tội nhưng đã cho chúng ta cơ hội ăn năn, vậy không có lý do gì khiến chúng ta phải oán hận, căm ghét lẫn nhau và cắt đứt cơ hội sửa lỗi cho nhau. Nếu làm vậy, chẳng phải chúng ta đã trở thành kẻ đã được chủ nợ tha món nợ lớn, nhưng lại không muốn tha món nợ nhỏ của đồng bạn mình hay sao? Đó là điều hết sức bất công và dĩ nhiên, Chúa cũng không thích điều đó.

Chính vì thế, là những kẻ được tha, chúng ta cũng phải biết tha thứ cho anh chị em mình. Lỗi lầm họ gây ra cho chúng ta nhỏ bé vô cùng so với lỗi lầm của ta phạm mất lòng Chúa. Người đã cho chúng ta cơ hội trở lại làm con Chúa thì chúng ta cũng phải biết cho họ cơ hội được trở về làm anh chị em của mình. Có như vậy, chúng ta mới xứng đáng với cơ hội mà Chúa đã trao ban cho mình.

Không chỉ vậy, chúng ta còn phải biết tận dụng cơ hội ấy. Dẫu biết rằng tình yêu của Thiên Chúa dành cho loài người vô cùng lớn lao, sự kiên nhẫn của Người không hề bị giới hạn nhưng không thể vì thế mà ta coi thường cơ hội được ăn năn Người ban, vì Người sẽ đến vào lúc ta không ngờ, vào giờ ta không biết. Thật khốn cho chúng ta nếu chúng ta không biết ăn năn trước thời khắc đó, thật đáng thương cho chúng ta nếu chúng ta không biết tận dụng cơ hội quý báo ấy.

Lạy Chúa, chúng con hết lòng cảm tạ vì Ngài đã trao ban cho chúng con cơ hội để ăn năn thống hối. Xin cho chúng con biết ý thức được đó là một hồng ân cao cả mà chúng con phải biết tận dụng. Để từ đó, chúng con biết quay trở về cùng Ngài. Không chỉ vậy, xin cho chúng con cũng biết mở lòng với anh em mình, để chúng con có thể cho anh em mình cơ hội như chúng con đã được nhận từ Ngài. Amen.

Petrus Sơn

Sám hối và canh tân triệt để (22.10.2016)

1. SUY NIỆM

Trình thuật Tin Mừng theo thánh sử Lu-ca hôm nay trình bày hai thực tại thiêng liêng đó là: sự sám hối của con người và lòng kiên nhẫn đợi chờ của Thiên Chúa.

Ở phần đầu Tin Mừng thuật lại: Có một số người (có lẽ là những người nhóm Pha-ri-sêu) đến kể lại cho Đức Giê-su nghe chuyện những người Ga-li-lê bị tổng trấn Phi-la-tô giết, khiến máu đổ ra hoà lẫn với máu tế vật họ đang dâng. Người Do Thái quan niệm tai họa, khổ đau, chết chóc là hậu quả của những hành vi tội lỗi; vì thế, rất nhiều người quy kết những ai bị bệnh tật, nghèo đói, gặp tai họa, khổ đau đều là những kẻ tội lỗi đáng bị trừng phạt. Chính quan niệm sai trái đó đã khiến họ tự hào về chính bản thân; đồng thời coi thường, khinh miệt những người ở trong hoàn cảnh ấy. Kể lại chuyện những người Ga-li-lê bị giết, với Đức Giêsu, những người kể chuyện muốn nói: hạng tội lỗi thì đáng phải gánh chịu hậu quả; còn họ tự hào mình là người công chính. Nhưng thật bất ngờ, Đức Giê-su nói với họ:  “…không phải thế đâu; nhưng nếu các ông không sám hối, thì các ông cũng sẽ … như vậy”. Người còn nhắc lại biến cố đã xẩy ra không lâu: tháp Si-lô-ác đổ xuống đè chết mười  tám người, và Người khẳng định những người gặp nạn ấy không phải là mắc tội nặng hơn tất cả mọi người ở thành Giê-ru-sa-lem.

Đức Giêsu cảnh báo và mời gọi mọi người sám hối để “không phải chết”.

Sám hối là khiêm tốn hạ mình trước nhan Thiên Chúa, để nhận ra sự yếu đuối và những hành vi sai trái của mình mà quyết tâm sửa chữa, đổi mới. Người Do Thái xưa được các kinh sư, luật sĩ giải thích và hướng dẫn thực thi lề luật dựa vào những tập tục, truyền thống của tiền nhân; do đó, lối sống và suy nghĩ có nhiều điểm khác biệt với lề luật nguyên thủy do Môsê truyền lại. Bên cạnh đó, sự kiêu căng, tự phụ của giới lãnh đạo tinh thần là những người tự cho mình là hạng đạo đức, khuôn mẫu đã dẫn mọi người vào con đường lầm lạc và làm phát sinh thái độ ương ngạnh, chống đối Tin Mừng Cứu độ. Đức Giêsu xuất hiện và công khai rao giảng: “Nước Trời đã gần đến, hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”; Người kêu gọi họ tin vào quyền năng của Người và mời gọi họ thực hiện việc sám hối.

Nhiều người nhìn nhận “sám hối” là việc cần thiết nhưng lại không mấy quan tâm; vì thấy mình không có tội. Những người Do-thái xưa, luôn tự hào mình thông hiểu lề luật, là người công chính; nhưng nếu để ánh sáng Tin Mừng Cứu độ chiếu giọi vào, họ sẽ thấy rất nhiều những điều trái ngược với lề luật Môsê và với giáo huấn của Đức Giêsu; bởi trọng tâm của luật Cựu ước cũng như lời giảng dậy của Người đều quy hướng về lòng kính yêu Thiên Chúa và yêu mến đồng loại cả trong tư tưởng, lời nói và hành vi của mỗi người. Thực tế họ đã không làm như vậy.

Ở phần thứ hai của trình thuật Tin Mừng, bàn văn trình bày dụ ngôn: “cây vả không ra trái” để nói lên lòng nhân hậu, khoan dung và nhẫn nại của chủ vườn là Thiên Chúa. Cây vả, một loại cây cho trái quanh năm, nhất là vào mùa hè nhiều nắng, ít mưa; trái có thể chế biến nhiều món ăn ngon. Cây vả được nói đến trong Tin mừng hôm nay, đã nhiều năm không đơm bông kết trái, nên chủ vườn có ý chặt bỏ đi; nhưng người làm vườn xin với chủ khoan giãn thêm thời gian để vun xới và bón phân, nếu qua năm mà còn không ra trái thì sẽ chặt đi; ông chủ đã đồng tình với người làm vườn để cây vả tồn tại thêm một năm nữa. Thời gian chính là một đặc ân cho sự sống của cây vả, nó sẽ tạo cơ hội để cây biến đổi, cải thiện mà sinh hoa trái; tuy nhiên, điều quan trọng là cây vả có khả năng cải thiện bộ rễ để khi người làm vườn xới đất chung quanh gốc và bón phân mà đón nhận, mà ra hoa, kết trái hay không?

Mỗi người còn có giá trị, còn quý hơn cây vả bội phần. Trong ngôi vườn của Thiên Chúa, Thiên Chúa muốn mỗi người phải sinh hoa kết trái theo địa vị của mình, trái đó phải thơm ngọt, hữu ích, đặc trưng của lòng bác ái yêu thương; trong quá trình sống, thời gian trôi qua từng ngày là hồng ân; lòng thương xót, nhẫn nại của người làm vườn và công sức cầy xới, chăm bón phân tro chính là Đức Giêsu Kitô và ân sủng của Người.

Thiên Chúa nhân hậu, chậm bất bình và hết sức khoan dung. Ngài chờ đợi nhân loại bỏ đàng tội lỗi và quay trở lại với Ngài trong tinh thần sám hối và nỗ lực canh tân biến đổi cách sống, cách suy nghĩ theo Tin Mừng để sinh hoa trái là lòng bác ái yêu thương và để có được sự sống đời đời.

Sứ điệp Tin Mừng hôm nay mời gọi tôi:

– Khiêm hạ để nhận biết sự yếu đuối và tội lỗi của bản thân mà ăn năn, sám hối về những tư tưởng, hành vi, lời nói đã xúc phạm đến Thánh danh Thiên Chúa và làm tổn thương anh chị em mình.

– Tận dụng thời gian Chúa ban cho để phụng sự Thiên Chúa và phục vụ anh em; đồng thời cộng tác với ân sủng của Đức Giêsu Kitô trao ban trong các Bí tích, trong suy niệm Lời Chúa để sinh ích cho phần rỗi của bản thân cũng như của tha nhân.

2. CẦU NGUYỆN

Lạy Chúa, xin cho con biết thật lòng ăn năn sám hối, nhận ra những lỗi lầm của mình và biết kiên trì đặt trọn niềm tin vào lòng thương xót, thứ tha của Chúa, mỗi khi con vấp ngã. Xin cho con biết khao khát đón nhận ân sủng của Chúa Giêsu Kitô và cộng tác với Chúa Thánh Thần mà trổ sinh hoa trái trong cuộc sống như lòng Chúa mong ước.

3. SỐNG TIN MỪNG

Khiêm hạ kiểm điểm đời sống mỗi ngày và chân thành sám hối, canh tân theo Tin Mừng.

 

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *