Tại những ngôi nhà của dòng Augustinô và các giáo xứ ở thủ phủ vùng La Libertad, Peru – nơi cha Roberto Francis Prevost đã sống 11 năm truyền giáo trong thập niên 1980–1990 – ngài đã thiết lập một mối dây gắn bó sâu sắc với các tu sĩ và giáo dân. Người ta kể rằng: “Ngày sinh nhật của ngài được tổ chức tới 15 lần. Ai cũng muốn mừng với cha.” Các tu sĩ nhớ về ngài như một con người có đời sống thiêng liêng sâu sắc và luôn đòi hỏi sự trưởng thành. Giáo dân giáo xứ Santa Rita và Montserrat nói: “Đối với cha, ai cũng như nhau.”
Một người gần gũi và yêu thương
Tại Trujillo, điều người ta hay nhắc nhất về cha Roberto Francis Prevost là sinh nhật của ngài được tổ chức đến 15 lần – với các tu sĩ dòng, với giáo xứ, với những cụ già, với từng gia đình mà cha phục vụ. Ai cũng muốn được chia sẻ niềm vui với vị “gringo” gầy gò đến từ Hoa Kỳ, cách gọi thân mật mà người dân dành cho cha như một vị khách phương xa, mang theo nụ cười, bình an và lòng đạo sâu sắc, nhẹ nhàng, khiêm nhường, thông minh và có khả năng lãnh đạo thiên phú. “Là người gần gũi nhưng cũng nghiêm khắc,” cha Juan, một tu sĩ dòng Augustinô nhớ lại. “Là người tốt lành,” bà María, người giúp lễ tại giáo xứ Santa Rita chia sẻ. “Là một chàng trai trẻ khiêm tốn và dịu dàng,” bà Ivonne nói thêm.
Một thời gian dài ở Trujillo
Thành phố Trujillo, thủ phủ của vùng La Libertad miền bắc Peru, đã được đồng hành suốt 11 năm với người mà hôm nay thế giới biết đến là Đức Giáo hoàng Lêô XIV. “Ngài ở đây còn lâu hơn ở Chiclayo,” dân cư địa phương hài hước nói, nhắc đến giáo phận nơi ngài từng là giám mục. Cha Roberto đến Trujillo năm 1987, làm nhà đào tạo cho các tu sĩ Augustinô tương lai, giảng dạy tại đại học, và đặc biệt là làm cha sở tại hai giáo xứ Santa Rita và Nuestra Señora de Montserrat – nơi mà tình yêu của giáo dân dành cho ngài đã có từ rất lâu trước khi ngài được bầu làm Giáo hoàng.
Mảnh đất của những mâu thuẫn và hy vọng
Trujillo là vùng đất đầy mâu thuẫn. Có những công trình cổ kính, quảng trường lớn nhất Nam Mỹ, nhà thờ nguy nga, nhưng chỉ cách đó chưa đến 20 phút xe là những khu ổ chuột nghèo nàn xây trên bùn đất. Có những bãi biển thu hút khách du lịch đối diện với hàng quán đìu hiu. Có giới nhà giàu thưởng thức rượu whisky và món ăn cao cấp trong các câu lạc bộ, trong khi ngoài phố, giữa dòng xe kẹt cứng, người cha nghèo dắt con nhỏ bán bỏng ngô mưu sinh.
Cha Roberto không chỉ chứng kiến, mà còn sống trong thực tại ấy, hoà mình vào đời sống của Trujillo – cũng như trước đó tại Chulucanas – bằng sự hiện diện lặng thầm và phục vụ tận tuỵ.
Phòng của ngài – như một di tích thiêng
Tại nhà của các tu sĩ Augustinô ở Avenida La Marina, phòng của cha Roberto vẫn được giữ nguyên như một “thánh tích”: chiếc áo dòng đen và dây stola có thêu huy hiệu Thánh Augustinô vẫn treo bên tủ; cuốn Bộ Luật Giáo Luật năm 1983 đặt cạnh giường, giữa cây thánh giá và ảnh Đức Mẹ Lời Khuyên Tốt; những quyển sổ ghi chú và thư từ còn nguyên nét chữ nhỏ nhắn, mềm mại: “Robert Francis Prevost, OSA”.
Cha Alberto Saavedra, người từng là học trò của cha Roberto, dẫn chúng tôi đi xem nhà nguyện nơi ngài dâng lễ hằng ngày. “Đây là chỗ cha ngồi cầu nguyện. Kính màu này được nhập từ Mỹ.” Trên tường có một tấm bảng: “Luis M. Prevost, ân nhân, bạn hữu và người anh em” – một lời tri ân đến thân phụ của Đức Giáo hoàng, người đã giúp đỡ cộng đoàn này.
Một người cha thiêng liêng tận tâm
Cha Ramiro Castillo, phó bề trên các tu sĩ Augustinô miền Bắc Peru, giữ rất nhiều hình ảnh quý giá của cha Roberto thời còn truyền giáo – trong thánh lễ ngoài công viên, tại các công trình xây dựng giáo xứ. “Ngài là người có đời sống thiêng liêng sâu sắc, chăm chỉ, lắng nghe chúng tôi. Ngài là người quan trọng với tôi – là cha linh hướng, là thầy, là bạn.”
Cha Ramiro nhớ lại: “Ngài thường gọi hỏi: ‘Con ổn không? Sức khoẻ sao rồi? Cầu nguyện được không?’ Rất gần gũi, nhẹ nhàng, ân cần. Dù nghiêm nghị, nhưng luôn kiên nhẫn và điềm đạm.” Cha Roberto luôn tham gia đời sống cộng đoàn – và cũng vui vẻ với các bữa tiệc sinh nhật, bánh kem, kem lạnh, hay món ceviche truyền thống. “Sinh nhật ngài kéo dài tới 15 ngày vì người ta cứ mời mãi!”
Một con người của cầu nguyện và công lý
Cha Juan Seminario, một học trò khác, chia sẻ: “Cha Roberto không nói nhiều, nhưng nói điều gì là cân nhắc kỹ. Đặc biệt nhạy bén với bất công. Mỗi sáng tôi đều thấy ngài đầu tiên trong nhà nguyện. Ngài ‘khát khao’ Thiên Chúa.” Ngài cũng yêu cầu khắt khe về học vấn cho các tu sĩ trẻ. “Tôi có nhắn tin chúc mừng sau ngày ngài được bầu giáo hoàng. Ngài trả lời và nói mình vẫn là người xưa – một người cầu nguyện, lắng nghe, và suy tư.” Cha Juan tin rằng Đức Lêô XIV sẽ vẫn luôn là “cha Roberto – người của nụ cười và sự đòi hỏi.”
“Chúng tôi là con cái, là anh em của ngài”
Tại hai giáo xứ Santa Rita và Montserrat, giáo dân đã làm những tấm áp phích lớn sau ngày 8/5 với hình Đức Giáo hoàng giữa vòng tròn lời chúc, lời cầu nguyện. Ở Santa Rita, tấm áp phích được đặt trong khung kính nơi góc nhà thờ sơn màu xanh dương dịu. Tại đây, những thánh lễ và buổi hoan ca vẫn được tổ chức để mừng “Đức Giáo hoàng người Peru,” với video lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội.
Những món quà không quên
Bà María Llopla, 86 tuổi, người giúp lễ lâu năm, kể: “Cha Roberto là một người cao quý, một linh mục tốt, luôn sẵn sàng giúp đỡ. Ngài yêu trẻ em, tôn trọng phụ nữ, và đối xử bình đẳng với mọi người. Chúng tôi là con cái, là gia đình của ngài.”
Còn bà Ivonne Leiva – một góa phụ có bốn con – thì được cha Roberto giúp có một căn nhà trong khu đất giáo xứ. “Lúc đó tôi mong một linh mục già, tóc bạc. Nhưng đến thì thấy một chàng trai mặc quần jeans! Cha nói: ‘Cứ gọi tôi là cha Roberto.’” Cha không ngại thức ăn lạ, rất giản dị và lịch sự. “Cha rất kiên nhẫn. Khi mọi người tranh luận gay gắt, cha thường đi uống nước rồi mới quay lại, bình tĩnh trả lời.” Bà lau nước mắt kể lại: “Ngài giúp chúng tôi có nhà ở đây. Ngài đã đem Chúa đến cho chúng tôi, củng cố đức tin. Các con tôi được cha rửa tội, giúp lễ, nhận bí tích Thêm Sức. Nhờ cha mà gia đình tôi được xác tín trong đức tin.