Tin và không tin (23.01.2016 – Thứ Bảy sau CN II TN C)

Lời Chúa: Mc 3,20-21
 
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô

20 Khi ấy, Đức Giê-su cùng với các môn đệ trở về nhà, và đám đông lại kéo đến, nên Người và các môn đệ không sao ăn uống được. 21 Thân nhân của Người hay tin ấy, liền đi bắt Người, vì họ nói rằng Người đã mất trí.

GHI NHỚ: Thân nhân của Người nói rằng Người đã mất trí.

20 Người trở về nhà và đám đông lại kéo đến, thành thử Người và các môn đệ không sao ăn uống được.21 Thân nhân của Người hay tin ấy, liền đi bắt Người, vì họ nói rằng Người đã mất trí. 

SUY NIỆM

Chương 3 của Tin Mừng theo thánh Mác-cô, tóm lược các hoạt động của Đức Giêsu ở Ga-li-lê và việc Người tuyển chọn nhóm mười hai tông đồ làm nền tảng cho Hội Thánh mà Người sẽ thiết lập sau này; những việc đó được coi như những thành quả đạt được trong sứ vụ của Người. Tuy nhiên một sự chống đối cũng hình thành, bắt đầu từ những thân nhân của Người và các kinh sư từ Giê-ru-sa-lem xuống (Mc 3, 22); bởi giáo lý cũng như cách thức tuân giữ lề luật mà Người giảng dạy cho dân chúng khác với những tập tục, truyền thống của cha ông họ để lại.

Do đó, dễ dàng nhận ra các thái độ tương phản của đám đông dân chúng cũng như của giới lãnh đạo Do Thái giáo lúc bấy giờ: – Dân chúng bị thu hút, hấp dẫn bởi lời giảng dạy đầy thuyết phục và nhất là các việc lạ lùng Đức Giêsu đã làm (chữa lành cho kẻ ốm đau  tật nguyền, xua trừ ma quỷ). Khi biết Người ở đâu thì họ tìm đến và mang theo các bệnh nhân, để được nghe giáo huấn của Người, và xin Người thi ân giáng phúc như phúc lành từ Thiên Chúa.

Thực tế,  không phải tất cả những ai tìm đến với Người đều có lòng tin; một số vì muốn nhìn xem Đấng đã làm được các dấu kỳ phép lạ; số khác bị lôi cuốn bởi những lời tuyền tụng “ông ấy” giảng dạy như Đấng có uy quyền; chỉ một số ít thành tâm tìm đến với Người vì Người đáp ứng được những thao thức thầm kín tự trong tâm hồn của họ, đó là nỗi khát mong, chờ đợi Đấng Thiên Chúa sai đến để giải thoát cho họ khỏi bóng đêm tội lỗi và dẫn họ vào ánh sáng của Ngài, như lời Kinh thánh đã chép. Lần này, Đức Giêsu trở về nhà và đám đông lại kéo đến; Người và các môn đệ lại tất bật đón tiếp và giảng dạy cho họ. Đối với Đức Giêsu, việc rao giảng Tin Mừng cứu độ và chữa lành bệnh tật cho dân chúng là niềm vui, là việc cần thiết phải làm ngay; bởi đó là sứ vụ của Người. Đức Giêsu vui mừng vì thấy có những người thành tâm tìm kiếm, lắng nghe và lòng tin của họ được củng cố. Ngược lại, thân nhân của Đức Giêsu khi thấy cảnh náo nhiệt: dân chúng khắp nơi tập trung đến để nghe giáo huấn của Người thì họ khó chịu; họ cho rằng người bị mất trí nên muốn bắt Người.

Thân nhân của Đức Giêsu là những người bà con thân thuộc với bác thợ mộc Giuse và mẹ Người là bà Maria; họ cũng có thể là những người đồng hương, hàng xóm của Người. Những người này biết rõ gốc tích, gia thế của Đức Giêsu nên cho rằng: những lời Người giảng dạy chẳng có gì là chân thật và những việc Người làm chỉ là lời đồn thổi; vì một thanh niên xuất thân từ gia đình của bác thợ mộc nghèo nàn ở làng quê Na-da-rét có gì là giỏi giang, tài trí?. Họ ganh ghét, đố kỵ và muốn loại trừ Người, nên nói rằng Người bị mất trí. Theo họ, người mất trí thì không làm chủ được hành vi và lời nói; do đó, những điều Đức Giêsu nói, những việc Đức Giêsu làm chỉ là giả dối bịa đặt, không đáng tin. Hơn nữa trong bối cảnh xã hội lúc bấy giờ, người Do Thái đang chịu sự thống trị của đế quốc La-mã; còn giới lãnh đạo thì xu thời, cầu vinh; những cuộc tập hợp dân chúng đông đảo rất dễ bị nghi ngờ là nổi loạn và các đội quân của đế quốc có thể lập tức can thiệp dẹp loạn; dĩ nhiên nếu chuyện ấy xẩy ra, dân chúng càng khốn khổ hơn và họ là những người đồng hương, họ hàng với Đức Giêsu chắc chắn sẽ bị liên lụy.

Trình thuật Tin Mừng hôm nay đưa ra hai hạng người cùng với hai thái độ của họ đã cư xử với Đức Giêsu:

  •  Đám đông dân chúng: Họ đang lạc lõng, bơ vơ như đoàn chiên không người chăn dắt; họ đang phải gánh chịu áp lực do những hình thức tuân giữ cách tỉ mỉ các lề luật mà các kinh sư và luật sĩ đặt ra; họ bất an vì quan niệm những bệnh hoạn, tật nguyền, đau khổ là hình phạt của tội lỗi. Mọi người kỳ vọng bản thân họ, dân tộc họ sẽ được giải thoát khi Đấng Cứu Thế đến. Vì thế, khi Đức Giêsu xuất hiện, công khai rao giảng và chữa lành mọi bệnh tật cho họ, họ đặt hy vọng và tin tưởng vào Người.
  • Thân nhân của Đức Giêsu: Những người tự hào có liên hệ họ hàng với Đức Giêsu, họ đã không nhận ra Người là Đấng phải đến để muôn dân được cứu thoát. Họ kiêu căng tự phụ và đánh giá Đức Giêsu theo hình thức bên ngoài; cho nên không những họ không tin mà còn tìm cách chống đối, loại trừ Người.

Đức Giêsu  Na-da-rét; trước con mắt người đời, Người là con bác thợ mộc Giuse và bà Maria, một gia đình nghèo hèn ở Na-da-rét thuộc Ga-li-lê; nhưng chính Người là Đấng Cứu Thế, là Con Thiên Chúa đã nhập thế, nhập thể làm người và ở giữa nhân loại, Đấng mà thế gian phải đón tiếp và suy phục.

Sứ điệp Tin Mừng hôm nay mời gọi tôi:

Đặt trọn niềm tin vào Đức Giêsu Kitô để đón nhận và thực thi giáo huấn của Người trong cuộc sống thường ngày, nhờ đó có được hạnh phúc vĩnh cửu. 

CẦU NGUYỆN

Lạy Chúa Giêsu, xin cho con và mọi người biết hết lòng tin tưởng và yêu mến Chúa, chân thành tìm đến với Chúa, sống với Chúa và giới thiệu Chúa cho tha nhân. 

SỐNG TIN MỪNG

Nỗ lực tìm kiếm Đức Giêsu  qua việc chuyên cần đọc, suy niệm và thực thi Tin Mừng của Người.