Tranh của Gioacchino Assereto (1600–1649),
Bảo tàng nghệ thuật Carnegie, Pittsburgh, USA
Sử dụng nước miếng có thể làm cho chúng ta thấy ghê tởm theo các quy tắc vệ sinh hiện đại. Trong Tin Mừng Thánh Marcô, Chúa Giêsu có cách chữa bệnh khác lạ khi đặt ngón tay vào tai người bị câm điếc, và nhổ nước miếng và bôi vào lưỡi anh (Mc 7,32-37). Vào thời cổ đại, người ta cho rằng nước miếng có những đặc tính chữa bệnh. Vì thế, Chúa Giêsu cũng sử dụng nước miếng như những người chữa bệnh khác trong thời đại đó nhưng Ngài đã đem lại cho cử chỉ này một hiệu quả lạ lùng.
Cơ hội thứ hai
Điều khá lạ là lần chữa bệnh này Ngài làm đến hai lần. Lần thứ nhất, khi Ngài chạm vào mắt thì người mù mở được mắt nhưng còn thấy lờ mờ. Anh ta thấy người ta như những cây cối đang đi. Chúa Giêsu lại đặt tay lên mắt anh lần nữa và lần này thì anh nhìn thấy rõ ràng. Trình thuật về sự chữa lành chậm chạp được tiến hành qua hai giai đoạn này có mục đích là giúp chúng ta khám phá ra một Đức Giêsu gần gũi với chúng ta hơn, một Đức Giêsu là con người hơn. Nhưng ý nghĩa biểu tượng của nó còn quan trọng hơn nữa.
Ẩn dụ về sự không hiểu biết
Trong Tin Mừng Marcô, trình thuật này được đặt sau đoạn nói về sự không hiểu của các môn đệ. Chúa Giêsu vừa nói với họ, trích dẫn các ngôn sứ Giêrêmia (5,21) và Êzêkien (12, 2): «Anh em có mắt mà không thấy» (Mc 8,18). Sau trình thuật chữa lành người mù, Thánh Marcô đặt ngay sau đó trình thuật nói về lời tuyên xưng đức tin của Phêrô: « “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai? ” Ông Phêrô trả lời: “Thầy là Đấng Kitô.” » (Mc 8,29). Như vậy, trình thuật chữa lành người mù này có chức năng như cái ghi chuyển hướng trong đức tin của các môn đệ. Nó nói lên nỗ lực của Chúa Giêsu mở mắt cho các môn đệ của mình để họ thấy rõ ràng và hiểu Ngài là ai.
Trong các Tin Mừng, sự đui mù thường được sử dụng như một ẩn dụ nói lên sự không hiểu biết. Nhìn thấy, đó là phân định để hiểu biết. Vì vậy, đích nhắm của trình thuật này để cho các môn đệ cũng như các độc giả có thể thấy và hiểu ra căn tính của Chúa Giêsu.
Nguồn tin: Gpquinhon.org