1. Đức Hồng Y Kurt Koch nói về cuộc gặp gỡ giữa Đức Thánh Cha và Đức Thượng Phụ Kirill
Đức Thánh Cha Phanxicô là người đã “mở cửa” cho một cuộc gặp gỡ với Đức Thượng Phụ Chính Thống Nga Kirill. Đức Hồng Y Kurt Koch đưa ra nhận định trên sau tin tức cho biết Đức Thánh Cha và Đức Thượng Phụ sẽ gặp nhau tại Cuba.
Đức Hồng Y Kurt Koch nhắc nhớ rằng hồi tháng 11 năm 2014, Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng ngài sẽ gặp gỡ với các vị giám chức Nga bất cứ lúc nào, và ở bất cứ nơi đâu. Vị chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Hiệp nhất Kitô giáo nói như trên với Radio Vatican.
Đức Hồng Y Kurt Koch nhận xét rằng tuyên bố của Đức Thánh Cha với các phóng viên trên chuyến bay từ Istanbul về Rome đã tạo ra một động lực mới cho các cuộc đàm phán nhằm sắp xếp cho cuộc gặp thượng đỉnh chưa từng có giữa hai nhà lãnh đạo tôn giáo.
Đức Hồng Y cũng nhận xét rằng Đức Thượng Phụ Kirill đã rất “dũng cảm” để sắp xếp cuộc gặp với Đức Thánh Cha Phanxicô ở Cuba, vì nhiều giám mục có thế giá của Nga vẫn mạnh mẽ phản đối cuộc họp.
2. Chung quanh chuyến tông du Mễ Tây Cơ của Đức Thánh Cha Phanxicô
Cha Federico Lombardi, giám đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh, cho biết chương trình tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô đến Mễ Tây Cơ đã có một số thay đổi để Đức Thánh Cha Phanxicô có nhiều hơn hai giờ với Đức Thượng Phụ Chính Thống Giáo Mạc Tư Khoa tại Cuba, bên cạnh việc ký kết một tuyên bố chung với Đức Thượng Phụ trước khi bay đến Mễ Tây Cơ trong chuyến viếng thăm kéo dài từ 12 đến 17 tháng Hai
Đức Thánh Cha rời Rôma gần năm giờ sớm hơn so với kế hoạch ban đầu để có các cuộc họp ở Havana với Đức Thượng Phụ Kirill. Như thế, sẽ không ảnh hưởng đến lịch trình của ngài tại Mễ Tây Cơ.
Bên cạnh đó, năm chiếc popemobiles sẽ được sử dụng khi Đức Thánh Cha đến thăm Mễ Tây Cơ. Các xe popemobiles sẽ được vận chuyển trước khi Đức Thánh Cha đến thăm San Cristobal de Las Casas, Morelia và Ciudad Juarez. Hai trong số các popemobiles đang được vận chuyển từ Hoa Kỳ, nơi Đức Thánh Cha đã viếng thăm hồi tháng Chín năm ngoái.
Chuyến đi được thiết kế để Đức Thánh Cha và đoàn tùy tùng của ngài có thể trở về Mexico City mỗi đêm hầu tránh việc phải ngủ lại ở một thành phố khác nhau mỗi đêm, là “một điều khá mệt mỏi và phức tạp,” người phát ngôn Vatican nói.
Chuyến tông du này cũng là chuyến tháp tùng Đức Thánh Cha sau cùng của ông Alberto Gasbarri, giám đốc hành chánh của đài Vatican và là người tổ chức các chuyến viếng thăm của các vị Giáo Hoàng tại nước ngoài. Từ 47 năm nay ông làm việc tại Vatican và ngày 1 tháng 3 này ông về hưu. Đức Ông Mauricio Rueda, người Colombia, thuộc bộ ngoại giao Tòa Thánh, thay thế ông Gasbarri trong việc tổ chức các chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha tại hải ngoại.
3. Họp báo trên chuyến bay sang Havana
Trên chuyến bay từ Rôma tới Havana, Đức Giáo Hoàng đã gặp gỡ các nhà báo tháp tùng. Nhân dịp này, ngài cám ơn Ông Alberto Gasbarri, phối trí viên các chuyến đi của Đức Giáo Hoàng, vì 47 năm phục vụ Tòa Thánh và đây là chuyến tháp tùng Đức Giáo Hoàng cuối cùng của Ông.
Niên trưởng Đoàn Báo Chí Vatican, Valentina Alazraki của “Televisa” Mexicô, đã tặng Đức Giáo Hoàng chiếc nón cổ truyền sombrero để mừng chuyến tông du của ngài tới quê hương bà. Đức Giáo Hoàng tiết lộ rằng đầu tuần vừa rồi, bà cũng đã tặng ngài một ít cuốn phim do danh hề Cantinflas của Mễ Tây Cơ đóng để giúp ngài chuẩn bị cho chuyến đi; ngài cho biết các phim này cười bể bụng.
Nói về Đức Mẹ Guadalupe, Đức Phanxicô cho hay: “Ước nguyện sâu xa nhất của tôi là được dừng lại trước Đức Mẹ Guadalupe, mầu nhiệm này đã được nghiên cứu đi nghiên cứu lại nhưng không có câu giải thích nhân bản nào cả”, nó quả là một “việc của Thiên Chúa”.
Ký giả của Wall Street Journal là Francis X. Rocca, nhân dịp này, gửi đi một tin nhắn trên Facebook, cho hay:
“Sáng nay, sau khi chúng tôi khởi hành từ Rôma, Valentina Alazraki, niên trưởng đoàn báo chí Vatican, đã tặng Đức Giáo Hoàng Phanxicô một chiếc nón sombrero.
“Như thế, Valentina đã tiếp diễn một truyền thống bà đã bắt đầu với Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô và tiếp tục với Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô, cả hai vị đều được bà tặng nón sombreros khi tới thăm Mễ Tây Cơ.
“Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói với chúng tôi rằng, đầu tuần rồi, Valentina cũng đã tặng ngài mấy cuốn phim do danh hề Cantiflas của Mễ Tây Cơ đóng để ngài chuẩn bị cho chuyến đi.
“Một số nhà báo khác trên chhyến bay cũng tặng ngài các tặng phẩm. Tặng phẩm bất thường nhất và cảm kích nhất đối với Đức Giáo Hoàng, có lẽ, là của Noel Diaz thuộc đài truyền hình Công Giáo ESNE ở Los Angeles.
“Lúc còn là một đứa trẻ tại quê hương Tijuana, Mễ Tây Cơ, Diaz đánh giầy để kiếm sống. Nên hôm nay, anh qùy xuống trên sàn máy bay và đánh giầy cho Đức Giáo Hoàng, rồi tặng ngài chiếc hộp đựng đồ đánh giầy được đặt làm riêng. Diaz nói với Đức Giáo Hoàng rằng anh muốn dùng tặng phẩm này để nhắc nhở mọi người nhớ tới các cuộc đấu tranh không được ai quảng bá của những con người bình thường, trung thực khắp các nẻo đường Mễ Tây Cơ và của những di dân vào Hoa Kỳ”.
4. Nghi lễ Công Giáo đầu tiên tại cung điện hoàng gia Anh sau hơn 450 năm qua
Nhận lời mời của giám mục Anh giáo tại London, Đức Hồng Y Vincent Nichols đã chủ sự một buổi kinh chiều vào 09 tháng 2 tại Điện Hampton Court, là nơi cư trú của hoàng gia Anh từ triều đại của vua Henry VIII đến thế kỷ thứ mười tám.
Đây là lần đầu tiên một nghi lễ Công Giáo đã được diễn ra tại đó trong hơn 450 năm qua.
Trước buổi kinh chiều, được tổ chức chủ yếu bằng tiếng Latin, Đức Hồng Y Nichols và vị Giám Mục Anh giáo là Đức Cha Richard Chartres đã tổ chức một cuộc thảo luận được truyền hình trực tiếp.
Đức Hồng Y nói:
“Nhiệm vụ mà ngài và tôi – và tất cả những ai chúng ta đại diện – nhiệm vụ mà chúng ta phải đối mặt là làm hết sức mình để bảo đảm rằng các truyền thống Do thái-Kitô, các giá trị và niềm tin hình thành nên tính cách của đất nước này không bị mất”.
Đức Hồng Y cảnh cáo rằng: “Tại thời điểm này tôi nghĩ rằng, nếu cứ như thế này, chúng ta đang thua dần và vì thế chúng tôi bằng cách nào đó phải để mắt đến vấn đề này.”
Đức Giám Mục Chartres đáp lại:
“Vấn đề có tính sống chết là cùng nhau chúng ta chỉ ra sự thật về Thiên Chúa hằng sống. Làm sao chúng ta tồn tại được trước sự xói mòn các nền tảng thần học là một điều cần phải được thảo luận.”
5. Các Giám Mục Benin tuyên bố thủ tướng nên từ chức
Trong khi Benin chuẩn bị cho một cuộc bầu cử tổng thống ngày 28 tháng Hai, các giám mục tại quốc gia này đã tài trợ cho một hội nghị tố cáo tham nhũng và kêu gọi Thủ tướng Lionel Zinsou phải từ chức bởi vì ông là một ứng cử viên tổng thống.
Tuyên bố của hội nghị, được công bố trên trang web của các giám mục, cũng hô hào Tổng thống Thomas Boni Yayi không được sử dụng công quỹ để hỗ trợ các ứng cử viên chính phủ hậu thuẫn.
Benin là “quốc gia đặc trưng bởi tham nhũng và tình hình đặc biệt nghiêm trọng bởi quy mô của những tham nhũng trong bầu cử”. Các Giám Mục nhận định như trên hôm 7 tháng Hai.
Tuyên bố cũng kêu gọi các công dân hãy từ chối đừng nhận hối lộ bầu cử và hãy bỏ phiếu “theo lương tâm của mình và trong sự kính sợ Thiên Chúa.”
Benin là quốc gia ở Tây Phi với 10.9 triệu dân trong đó 34% là người Công Giáo và 24% là người Hồi giáo.
6. Các gia đình Công Giáo Mã Lai Á được kêu gọi chống lại làn sóng tục hóa
Trong một thông điệp mục vụ nhân dịp năm mới âm lịch, một tổng giám mục Mã Lai Á đã kêu gọi các gia đình chống lại những cám dỗ tục hóa và noi gương Thánh Gia chứ không phải là tìm kiếm sự giàu có về vật chất.
“Khi các đơn vị gia đình bị phá vỡ, trật tự của xã hội và thế giới sẽ rơi vào hỗn loạn,” Đức Tổng Giám Mục John Wong của Kota Kinabalu viết. “Các cặp vợ chồng được mời gọi để tiếp tục công việc của Thiên Chúa qua sự sinh sản. Con cái phải được xem như những thành quả của tình yêu vợ chồng. Nhiệm vụ hàng đầu của các bậc cha mẹ là chia sẻ và giúp đỡ con cái trải nghiệm tình yêu của Thiên Chúa”.
“Nhiều người ngày nay không dành ưu tiên cho gia đình. Tỷ lệ ly hôn đang gia tăng … Họ nhấn mạnh quá đáng đến việc mưu tìm lạc thú cá nhân thay vì đem lại hạnh phúc cho người vợ hay người chồng của mình. Họ trở nên ích kỷ và không muốn tha thứ và chấp nhận nhau.”
Đức Tổng Giám Mục nói thêm:
“Là người Công Giáo, chúng ta có bảo đảm gia đình của chúng ta tràn đầy sự hiện diện của Thiên Chúa không? Chúng ta có một nơi trong nhà cho các Sách Thánh, Thánh giá và các tượng ảnh linh thiêng không? Chúng ta có cầu nguyện và đọc Kinh Thánh với nhau không? Nếu không, chúng ta hãy làm những điều này trong năm mới âm lịch này như một khởi đầu mới để cùng nhau phát triển trong Đức Kitô như một gia đình.”
Mã Lai Á là một quốc gia Đông Nam Á với 30.9 triệu dân, 61% theo Hồi giáo, Phật giáo 20%, 6% Hindu, 5% Tin Lành, và 4% là người Công Giáo. Hồi giáo được coi là quốc giáo tại Mã Lai Á.
7. Tổng thống Colombia lên tiếng chống lại âm mưu dùng dịch Zila để cổ võ phá thai
Trong một diễn biến ngoại thường, tổng thống Colombia đã lên tiếng chống lại âm mưu đẩy mạnh trào lưu phá thai của các bác sĩ người Brazil.
Phản ứng chống lại ý kiến cho rằng virus Zika gây ra khuyết tật cho thai nhi, Tổng thống Juan Manuel Santos của Colombia báo cáo rằng chính phủ của ông đã nghiên cứu hơn 3,000 trường hợp phụ nữ mang thai bị nhiễm virus Zika, mà không phát hiện ra một trường hợp duy nhất nào dẫn đến khuyết tật đầu nhỏ của thai nhi.
Một số các bác sĩ người Brazil hô hào rằng họ nhìn thấy một mối liên kết giữa Zika và chứng đầu nhỏ, và kêu gọi chính phủ nước này bãi bỏ những hạn chế pháp luật về phá thai, và gợi ý rằng phụ nữ ở Mỹ Latinh nên tránh mang thai cho đến khi dịch Zika bị khống chế.
8. Những bổ nhiệm mới về truyền thông tại Vatican
Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm hai vị giám đốc cho hai cơ quan của ngành truyền thông Vatican.
Bà Natas Govekar, một nhà thần học Slovenian hiện đang làm việc tại Trung tâm Aletti tại Rôma, sẽ đứng đầu bộ phận mục vụ-thần học của Bộ Thông Tin Vatican. Đức Ông Dario Viganò, là tổng trưởng Bộ Thông Tin Vatican từ ngày 27 tháng Sáu năm 2015, nhận xét rằng việc bổ nhiệm một phụ nữ “là một lời khẳng định rằng sự quan tâm đến mục vụ không phải chỉ dành cho các mục tử, nhưng liên quan đến những thực hành và những cách thức Giáo Hội hiện diện trong thế giới ngày nay.”
Ông Francesco Masci, người làm việc lâu năm trong sở Internet của Vatican, sẽ là giám đốc bộ phận kỹ thuật cho Bộ Thông Tin, chịu trách nhiệm điều phối các phương tiện truyền thông mới của Vatican.
9. Đức Hồng Y Pietro Parolin mạnh mẽ bảo vệ luật độc thân linh mục
Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, lên tiếng mạnh mẽ chống lại một trào lưu trong giới truyền thông Tây phương trong đó mô tả luật độc thân linh mục như một đòi hỏi “vô nhân đạo” và “vô lý” của Giáo Hội Công Giáo đối với hàng giáo sĩ.
Theo Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh đời sống độc thân giáo sĩ là một con đường hướng đến tự do.
Phát biểu tại Đại học Giáo hoàng Gregorian hôm 06 tháng 2, Đức Hồng Y Parolin nói rằng cuộc sống độc thân, không phải là một đòi buộc “vô nhân đạo”, nhưng cho phép một linh mục phục vụ Chúa với một “trái tim tự do và không phân chia”, chuẩn bị cho vị linh mục trong một cách thế đặc biệt để dâng hiến cho Đức Kitô, và khiến ngài tự do hơn cho sứ mệnh linh mục của ngài.
Các diễn giả khác tại hội nghị về luật độc thân linh mục bao gồm Đức Hồng Y Marc Ouellet, tổng trưởng của Bộ Giám Mục, và Đức Tổng Giám Mục Joël Mercier, thư ký của Thánh Bộ Giáo Sĩ.
10. Tổng Trưởng Bộ Giáo Hội Đông Phương kêu gọi giúp Giáo Hội tại Thánh Địa vào ngày thứ Sáu Tuần Thánh năm nay
Đức Hồng Y Leonardo Sandri, Tổng Trưởng Thánh Bộ Giáo Hội Đông Phương, đã gửi một lá thư cho các giám mục trên thế giới, kêu gọi các ngài giúp đỡ cho Giáo Hội tại Thánh Địa.
Bức thư ký ngày Thứ Tư Lễ Tro, năm 2016, hướng đến việc lạc quyên trên toàn thế giới cho các Kitô hữu tại Thánh Địa, được thực hiện mỗi thứ Sáu Tuần Thánh tại các nhà thờ trên toàn cầu.
Bức thư có đoạn viết:
“Thứ Sáu Tuần Thánh là ngày trong đó sự ác dường như chiến thắng, khi Đấng Vô Tội phải chịu chết trên thập giá. Đó là một ngày xem ra không bao giờ kết thúc tại Thánh Địa, nơi mà bạo lực dường như vô tận. Mở rộng cái nhìn của chúng ta trên toàn thế giới, chúng ta cũng thấy không ít khó khăn để có thể chấp cánh hy vọng cho một tương lai thanh thản.”
Đức Hồng Y nói thêm:
“Chúng ta dán mắt vào Thánh Giá Thứ Sáu Tuần Thánh, nhưng hướng đến ánh sáng của sự sống lại. Thánh Địa là nơi đối thoại, nơi con người không bao giờ ngừng mơ về cây cầu xây dựng, trong đó các cộng đồng Kitô hữu có thể sống để loan báo Tin Mừng của Hòa Bình. Đó là một vùng đất của “đại kết của máu” và đồng thời cũng là một nơi những điều bình thường được sống cách ngoại thường.
Chúng ta không thể thờ ơ: Thiên Chúa không thờ ơ! Thiên Chúa quan tâm đến nhân loại, Thiên Chúa không bỏ rơi chúng ta. Sự chăm sóc này được thể hiện bởi bàn tay rộng mở của chúng ta, đóng góp một cách quảng đại. Nó cũng có thể được thể hiện bằng cách thực hiện không sợ hãi các cuộc hành hương đến những nơi của ơn cứu rỗi của chúng ta.”
Đức Hồng Y kết luận rằng:
“Việc quyên góp cho Thánh Địa nhắc nhở chúng ta về một nghĩa vụ ‘cổ xưa’, một nghĩa vụ mà lịch sử trong những năm gần đây đã khiến cho nó trở nên khẩn thiết hơn bao giờ, nhưng dưới niềm vui đến từ việc giúp đỡ anh em chúng ta.”
11. Gặp các linh mục Rôma, Đức Thánh Cha kêu gọi cầu nguyện cho chuyến tông du của ngài tại Cuba và Mễ Tây Cơ
Sáng thứ Năm 11 tháng Hai, Đức Thánh Cha Phanxicô đã viếng thăm Đền Thờ Đức Bà Cả tại Rôma, nơi theo thông lệ, ngài cầu nguyện trước ảnh tượng Đức Mẹ Là Phần Rỗi Của Dân Rôma trước mỗi chuyến tông du.
Sau khi cầu nguyện tại Đền Thờ Đức Bà Cả , Đức Thánh Cha đã đến Đền Thờ Thánh Gioan Latêranô, nơi các linh mục trong giáo phận Rôma đang có cuộc tĩnh tâm đầu Mùa Chay. Trong chuyến viếng thăm này, Đức Thánh Cha Phanxicô đã giải tội cho nhiều linh mục.
Trên trang web của Giáo phận Roma, Đức Hồng Y Agostino Vallini, là Giám Quản giáo phận Rôma, giải thích rằng cuộc gặp gỡ giữa Đức Thánh Cha với các linh mục có một tính cách “sám hối”, đem lại cho các giáo sĩ cơ hội “để có một kinh nghiệm về lòng thương xót của Chúa Cha; và ngược lại, để có thể là thừa tác viên của lòng thương xót trong cộng đồng được giao phó cho chúng tôi.”
Trong tinh thần Mùa Chay, các linh mục đã đóng góp một số tiền để hỗ trợ Caritas Roma.
Đức Hồng Y Vallini cũng cho biết Đức Thánh Cha đã tặng các linh mục giáo phận Rôma cuốn sách phỏng vấn ngài có tựa đề “Danh Thiên Chúa là lòng thương xót”.
Giáo phận Rôma có có 2 triệu 366 ngàn tín hữu Công Giáo thuộc 334 giáo xứ, với 1.574 linh mục triều và 3.260 linh mục dòng, 22.775 nữ tu.
12. Trong một tuần 500,000 người kính viếng thánh Piô Năm Dấu Thánh và Thánh Leopoldo Mandic tại Vatican
Đức Tổng Giám Mục Rino Fisichella, là Chủ tịch Hội đồng Giáo Hoàng về Tân Phúc Âm Hóa, đã dâng thánh lễ tại Đền Thờ Thánh Phêrô vào sáng thứ Năm 11 tháng Hai để tôn vinh Cha Thánh Pio Năm Dấu Thánh và Thánh Leopoldo Mandic.
Di hài hai vị thánh danh tiếng về giải tội này đã được tại Đền Thờ Thánh Phêrô trong một tuần trong khuôn khổ Năm Thánh Lòng Thương Xót.
Trong bài giảng, Đức Tổng Giám Mục Fisichella cho biết trong Năm Thánh “Chúa kêu gọi chúng ta từ bỏ chính mình, vác thập giá, và theo Chúa Giêsu – như Cha Thánh Pio Năm Dấu Thánh và Thánh Leopoldo Mandic đã làm”
Tuần qua, di hài hai vị thánh đã được mang đến Thánh Đường Thánh Laurensô Ngoại Thành, trước khi được đưa đến nhà thờ San Salvatore tại Lauro, Rôma. Hôm thứ Sáu 05 tháng Hai, di hài của các ngài đã được rước dọc theo con đường của những người hành hương Rôma để đến Đền Thờ Thánh Phêrô.
Sau Thánh lễ vào sáng thứ Năm 11 tháng Hai, hài cốt của Cha Thánh Pio Năm Dấu Thánh đã bắt đầu cuộc hành trình trở về San Giovanni Rotondo, trong khi hài chốt của Thánh Leopoldo được đưa trở về nơi an nghỉ của ngài tại Padua.
Các nhà chức trách của thành phố Rôma ước tính trên 500,000 người đã kính viếng hai vị thánh trong một tuần qua.
13. Đức Thánh Cha tặng tràng hạt cho các tù nhân Italia
Đức Thánh Cha Phanxicô đã tặng 500 cỗ tràng hạt cho những người bị giam giữ trong một nhà tù ở thành phố Padua của Italia. Linh mục được giao phó việc trao tặng những món quà này là Cha Marco Sanavio, là người đã có ý tưởng mời gọi các tù nhân tham gia “trực tiếp hơn” trong chương trình gọi là “Khoảng Khắc Của Bình An”. Sáng kiến này đã được tung ra cách đây bốn năm tại các nhà tù ở Ý.
Tờ Quan Sát Viên Rôma nói rằng yêu cầu xin có những cỗ tràng hạt đến từ Zhang Augustine Jianqing, một thanh niên Trung Quốc hiện đang bị giam giữ trong một nhà tù tại Padua.
Anh Jianqing đã được mời tham dự buổi ra mắt cuốn sách “Danh Thiên Chúa là Lòng Thương Xót”, ghi lại cuộc phỏng vấn Đức Thánh Cha Phanxicô dành cho nhà báo Ý Andrea Tornielli.
14. Ngày thế giới bệnh nhân tại Nazareth
Chiều ngày, 11 tháng 2, Đức Tổng Giám Mục Zimowski, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh mục vụ y tế, đã chủ sự thánh lễ trọng thể trong tư cách là Đặc Sứ của Đức Thánh Cha, tại Vương cung thánh đường truyền tin ở Nazareth. nhân ngày Thế Giới các bệnh nhân lần thứ 24.
Đồng tế với Đức Tổng Giám Mục có Đức Thượng Phụ Fouad Twal, các Giám Mục và linh mục ở Thánh Địa, trước sự hiện diện của đông đảo các tín hữu, đại diện các Giáo Hội Kitô khác, chính quyền dân sự, và đặc biệt là nhiều anh chị em bệnh nhân.
Trong bài giảng, Đức Tổng Giám Mục Zimowski đã quảng diễn chủ đề của Ngày Thế Giới các bệnh nhân năm nay, theo Sứ điệp của Đức Thánh Cha, đó là: “Tín thác nơi Chúa Giêsu từ bi như Mẹ Maria. “Bất cứ điều gì Ngài bảo các anh, các anh hãy làm” (Gv 2,5).
Đức Tổng Giám Mục Zimowski nói: Với chủ đề này, Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu trong Ngày Thế giới các bệnh nhân này, nhờ lời chuyển cầu của Mẹ Maria, cầu xin Chúa cho tất cả chúng ta luôn sẵn sàng phục vụ những người túng thiếu, cụ thể là các anh chị em bệnh nhân. Cả chúng ta, những người lành mạnh hay yếu đau, chúng ta cũng có thể dâng những lao nhọc và đau khổ như nước đổ đầy các chum trong tiệc cưới Canada, để được biến thành rượu ngon. Với sự trợ giúp kín đáo cho người đau khổ, như người bệnh tật, chúng ta mang trên vai mình thập giá hằng ngày và bước theo Thầy (Xc Lc 9,23), cho dù sự gặp gỡ với đau khổ sẽ luôn luôn là một mầu nhiệm, Chúa Giêsu giúp chúng ta khám phá ra ý nghĩa của khổ đau”