Bài 27 : Bí Tích Thánh Thể (Sự sống Thiên Chúa trong chúng ta)

BÀI 27:

BÍ TÍCH THÁNH THỂ

Lời Kinh Thánh

“Điều tôi đã lãnh nhận từ nơi Chúa, tôi xin truyền lại cho anh em: trong đêm bị nộp, Chúa Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng tạ ơn, rồi bẻ ra và nói: ‘Anh em cầm lấy mà ăn, đây là Mình Thầy, hiến tế vì anh em; anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy.’ Cũng thế, cuối bữa ăn, Người nâng chén và nói: ‘Đây là Chén Máu Thầy, Máu đổ ra để lập Giáo Ước Mới;mỗi khi uống, anh em hãy làm như Thầy vừa làmđể tưởng nhớ đến Thầy.’ Thật vậy, cho tới ngày Chúa đến, mỗi lần ăn Bánh và uống Chén này, là anh em loan truyền Chúa đã chịu chết. Vì thế, bất cứ ai ăn Bánh hay uống Chén của Chúa cách bất xứng, thì cũng phạm đến Mình và Máu Chúa.” (1Cr 11,23-27)

Thánh thể là giai đoạncuối cùng của hành trình nhập đạo, cũng là đỉnh cao và chủ đích của các bí tích.Trong Thánh Thể, Chúa Giêsu vừa dâng mình lân Chúa Cha làm lễ vật giao hòa, vừa ban mình là lương thực dưỡng nuôi chúng ta.

ruocle.JPG

I. Chúa Giêsu lập Thánh Thể

1. Nguồn gốc và ý nghĩa

a. Nguồn gốc

Sau khi làm cho bánh hóa nhiều để nuôi dân chúng (Ga 6,26-58). Chúa Giêsu báo trước về bí tích Thánh Thể Người sẽ lập trong bữa tiệc Vượt qua (Tiệc ly) trước khi Ngài hiến dâng mạng sống để hoàn tất công cuộc cứu độ nhân loại. Trong lời hứa đó, Chúa Giêsu quả quyết:

  • Ngài là chân lý và là sự sống, ai tin Ngài sẽ được sống.
  • Ngài là lương thực ban sức sống từ trời xuống.
  • Lương thực Ngài ban chính là Mình Máu Ngài.
  • Ai ăn Mình và uống Máu Ngài thì sẽ nhận được sự sống thần linh ngay từ đời này và mai sau thân xác sẽ được sống lại.

Trong bữa tiệc Vượt qua Chúa Giêsu đã thực hiện những điều Ngài đã hứa. Ngài cầm lấy bánh và rượu biến thành Mình và Máu Ngài dâng lên Thiên Chúa Cha làm lễ vật đền tội xin ơn tha thứ cho nhân loại, rồi phân chia cho các môn đệ. Lúc đó, với quyền năng của Thiên Chúa, bánh và rượu đã trở thành Mình và Máu Chúa Giêsu, chỉ còn giữ lại hình thể, mùi vị, màu sắc bên ngoài.

Sau khi cử hành Thánh lễ đầu tiên, Chúa Giêsu truyền cho các Tông đồ tiếp tục việc Ngài đã làm: “Anh em hãy làm việc này, mà tưởng nhớ đến Thầy.” (Lc 22,19b). Từ đó các Kitô hữu không ngừng thực hiện lại bữa tiệc ấy. Việc cử hành này gọi là THÁNH LỄ.

b. Ý nghĩa

Thánh Lễ: CUỘC TẬP HỌP CỘNG ĐOÀN DÂN CHÚA. Để mừng lễ, cùng nhau thống hối, hiến dâng, tạ ơn, chúc tụng và cùng nhau cảm thông chia sẻ. Nhờ đó, chúng ta nên một với nhau, các chi thể của Giáo hội kết hợp với nhau một cách mật thiết. Thánh lễ là cuộc họp mặt “quanh Đức Kitô” và “trong Đức Kitô”.

Thánh lễ: NHẮC LẠI HIẾN TẾ CỦA ĐỨC KITÔ. Khi cử hành Thánh lễ, chính là nhắc lại hiến tế của Chúa Giêsu, tưởng niệm sự chết và sự sống lại của Chúa, tiếp diễn mãi mãi Hy tế Thập Giá. Vì cũng là một lễ vật và một Đấng hiến dâng là chính Chúa Giêsu,nhưng chỉ khác:

  • Trên Thập Giá, Chúa Giêsu hiến dâng chính mình trong một thân xác cụ thể.
  • Trên bàn thờ, Chúa Giêsu dùng tác vụ linh mục (cử chỉ và lời nói)
  • Trên Thập Giá, có đổ máu thực sự.
  • Trong Thánh Thể, chỉ có sự tái diễn cách mầu nhiệm.

Thánh lễ: NHẮC LẠI GIAO ƯỚC THIÊN CHÚA ĐÃ KÝ VỚI DÂN NGƯỞI. Trong Cựu Ước, qua trung gian Mô-sê, Thiên Chúa đã ký kết giao ước với dân Israel: “Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng, còn chúng sẽ là dân Ta” (Xh 6,7). Nhưng trong lịch sử, Israel đã nhiều lần phản bội giao ước đó.

Khi hiến dâng trên Thập Giá và trao thịt máu mình cho các Tông đồ trong bữa Vượt qua. Chúa Giêsu thực hiện một giao ước mới, có giá trị vĩnh viễn, chỉ ký một lần và có giá trị mãi mãi.

2.Hiệu quả Thánh lễ

a. Thánh lể GIÚP TA CHÚC TỤNG VÀ CẢM TẠ THIÊN CHÚA. Chúa Giêsu hiến dâng mình trên Thập Giá vì vân phục, yêu mến Chúa Cha và yêu thương con người. Trong Thánh Lễ, hành vi hiến dâng được tái diễn và trở thành một hành vi thờ phượng cao cả, làm tôn vinh Thiên Chúa Cha hơn bất cứ hành vi nào khác.

b. Thánh lễ GIÚP ĐỀN TỘI VÀ KHẨN CẦU ƠN PHÚC CHO NHÂN LOẠI. Đồng thời trong Thánh lễ có thể đền tội, vì chính Chúa Giêsu hiến dâng đền tội thay ta. Đồng thời trong Thánh Lễ, ta cầu xin Thiên Chúa nhân dnah Chúa Giêsu, lời khẩn cầu đó được Chúa Cha chấp nhận hơn bất cứ ai khác. Do đó, ta có thể khẩn cầu ơn phúc cho mình, cho người khác, dù họ còn sống hoặc qua đời.

c. Thánh Lễ Nối dài qua các thế hệ sự hiến dâng của Chúa Giêsu trong Tiệc Ly và trên Thập Giá. Để những ai lãnh nhận Mình Máu Ngài được tham dự vào mầu nhiệm vượt qua (Thương khó- Phục sinh), nhận lãnh được sức mạnh thần linh vì được kết hợp với Thiên Chúa và bảo đảm chia sẻ vinh quang phục sinh của Chúa Kitô (Ga 6,55-59).

3. Sự hiện diện của Chúa Giêsu trong cử hành Thánh Thể.

Trong cử hành Thánh Thể, Chúa Giêsu hiện diện bằng bốn cách:

a.Trong cộng đoàn dân Chúa

“Ở đâu có hai ba người họp nhau lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đó, ở giữa họ.” (Mt 18,20)

b.Trong Lời Chúa

“ Thiên Chúa hiện diện trong Lời Người, vì chính Người nói khi người ta đọc Kinh Thánh trong Giáo hội.” (Hcpv 7)

c.Trong con người linh mục

Linh mục chủ tọa cộng đoàn và cử hành hiến tế với tư cách diện Chúa Kitô, nhân danh Chúa Kitô.

d.Dưới hình bánh và rượu

Khi linh mục nhắc lại bản tường thuật về việc Chúa Giêsu đã làm trong bữa Tiệc ly: “Này là Mình Ta” Chính giây phút đó, Chúa Giêsu đã dùng quyền năng biến đổi bánh và rượu thành Mình Máu Người. Toàn thể con người Chúa Giêsu hiện diện trong mỗi hình bánh hay rượu, và khi bánh và rượu phân chia nhiều lần, trong mỗi phần nó vẫn có Chúa Giêsu hiện diện đầy đủ.

Cử hành Thánh Lễ

Thừa tác viên (Gl 900,1)

Chỉ có các linh mục đã được truyền chức hữu hiệu làm thừa tác viên hiện thân của Chúa Kitô mới có khả năng cử hành Bí Tích Thánh Thể.

Các phần của Thánh Lễ

Phụng vụ Lời Chúa

Mở đầu: Lời chào, kêu mời thống hối.
Lời nguyền đầu lễ.
Lời Chúa: các Bài đọc Kinh Thánh, bài giảng.
Tuyên xưng đức tin và lời nguyện cộng đoàn.

Phụng vụ Thánh thể

Chuẩn bị lễ vật.
Kinh Tạ ơn: Bài tiền tụng, lời tường thuật lại Tiệc Ly của Chúa, lời nguyện tưởng niệm và tạ ơn.
Phần hiệp lễ: Kinh Lạy Cha và rước lễ.
Lời nguyện kết thúc, chúc lành và giải tán.

Tham dự Thánh lễ thế nào ?

Chuẩn bị tâm hồn

Trước khi tham dự Thánh Lễ, cần chuẩn bị tâm hồn bằng việc cầu nguyện với Chúa Thánh Thần, tìm ý nghĩa sống của Thánh Lễ hôm đó:

  • Hôm nay, tôi có lý do gì để tạ ơn Chúa ?
  • Xin Chúa tha thứ những gì ?
  • Cầu xin ơn gì ?
  • Dâng lên Chúa những bận tâm, âu lo, hy sinh nào ?

Tránh vội vàng hấp tấp, đến muộn khi Thánh Lễ đã bắt đầu.

Tham dự vào cộng đoàn

Thánh lễ là cuộc tập hợp cộng đoàn dân Chúa, mọi thành viên phải tham dự cách tích cực và hợp nhất với nhau bằng tâm tình bên trong và bằng ca hát, đối đáp, cử chỉ đồng nhất bên ngoài. Không đứng ngoài, có thái độ thụ động, ngồi nói chuyện, hút thuốc…

Tham dự vào sự hiến dâng của Chúa Giêsu

Chúa Giêsu đã hiến dâng chính thân mình lên Thiên Chúa, cùng với Người, ta dâng tất cả đời ta: bản thân, tâm tư, ước vọng, yếu đuối, lầm lỗi… Xin Thiên Chúa đón nhận, thanh tẩy và thánh hóa để ta thuộc về Ngài và được tràn đầy sự sống của Ngài.

Đón nhận Thánh Thể

Sau khi dâng mình lên Thiên Chúa Cha, Chúa Giêsu đã trở thành lương thực nuôi sống con người: “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết.” (Ga 6,54). Khi đón nhận Thánh Thể, chúng ta nhận được Mình và Máu Chúa Giêsu như các Tông đồ trong bữa Tiệc Ly và đó chính là lương thực thần linh của cuộ đời Kitô hữu: “Như Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai tôi, và tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn tôi, cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy” (Ga 6,57).

Ích lợi của việc đón nhận Thánh Thể

  • Chúa Giêsu cho ta kết hợp và đón nhận sự sống của Người.
  • Đời sống tâm linh thêm vững mạnh để chống lại tội lỗi và cám dỗ.
  • Thêm nghị lực hướng về điều thiện.
  • Được bảo đảm chia sẻ vinh quang Phục Sinh cùng với Đức Kitô.

Trước và sau khi rước lễ ta làm gì ?

Trước khi rước lễ: Tích cực tham dự Thánh Lễ một cách đầy đủ với trọn vẹn niềm tin và sự chân thành. Nhất là chuẩn bị tâm hồn đón nhận Chúa Giêsu Thánh Thể.

Sau khi đón nhận Chúa Giêsu vào tâm hồn: Đây là những giây phút thuận tiện để ta cầu nguyện tạ ơn, dâng lên Chúa mọi nhu cầu tâm linh và cuộc sống.

Điều kiện để đón nhận Thánh Thể

  • Đã nhận Bí tích Rửa tội.
  • Sạch tội nặng (Gl 915).
  • Giữ chay một giờ trước khi rước lễ (Gl 919) (Kiêng ăn và uống, trừ nước lã và thuốc chữa bệnh).
  • Có ý hướng ngay lành.

Tôn thờ Thánh Thể ngoài Thánh Lễ

Sau Thánh Lễ, Mình Thánh Chúa được lưu giữ một nơi, gọi là “Nhà tạm”. Nơi đó, Chúa Giêsu luôn hiện diện dưới dấu hiệu Thánh Thể. Chúng ta có thể tôn vinh Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể bằng cách như: Viếng Thánh Thể mỗi khi có dịp (cầu nguyện trước Chúa Giêsu Thánh Thể), tham dự chầu Mình Thánh, rước kiệu cung nghinh Thánh Thể.

Kết luận

Chúa Giêsu nói: “ Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống.”

Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết, và thịt thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống. Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy. Như Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai tôi, và tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn tôi, cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy.” (Ga 6,51.54-57).

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *