Bài 29 : Bí tích Xức Dầu bệnh nhân (Sự sống Thiên Chúa trong chúng ta)

BÀI 29 :
BÍ TÍCH XỨC DẦU BỆNH NHÂN

Lời Kinh Thánh

“Ai trong anh em đau yếu ư ? Người ấy hãy mời các kỳ mục của Hội thánh đến; họ sẽ cầu nguyện cho người ấy, sau khi xức dầu nhân danh Chúa. Lời cầu nguyện do lòng tin sẽ cứu người bệnh; người ấy được Chúa nâng dậy, và nếu người ấy đã phạm tội, thì sẽ được Chúa thứ tha.” (Gc 5, 14-15).

Để giúp các bệnh nhân nhận được sự trợ lực của Thiên Chúa trong đau khổ bệnh tật và nguy tử, Chúa Giêsu dự liệu một phương thế hữu hiệu: Bí tích xức dầu bệnh nhân.

xucdau.jpg

1. Nguồn gốc, ý nghĩa

a.Nguồn gốc

Trong các quyền năng và nhiệm vụ Chúa Giêsu trao cho các Tông đồ khi đi truyền giảng Tin Mừng, Ngài ban cho các ông quyền hành trên thân ô uế và xức dầu chữa lành các bệnh (Mc 6, 6-13; Mt 10,7-8; Lc 9,4). Thánh Gia-cô-bê tông đồ cũng khuyên các bệnh nhân hãy nhận lãnh việc “xức dầu nhân danh Chúa” (Gc 5,14-15). Việc xức dầu của các Tông đồ có tính cách tôn giáo, vì nằm trong chương trình truyền giảng Tin Mừng.

b.Ý nghĩa

Khi một Kitô hữu đau nặng, Giáo hội dùng nghi thức xức dầu để xin Chúa ban ơn, an ủi, nâng đỡ bệnh nhân trước sự đau khổ thể xác và thử thách tin thần do bệnh tật gây ra. Nhờ Bí tích này, bệnh nhân được nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô trong đau khổ và sự chết. nếu đau khổ và sự chết của Chúa Kitô có giá trị cứu độ, thì qua Bí tích Xức dầu, bệnh nhân cũng có thể dâng đau khổ và sự chết để mưu ích cho bản thân và cho những người chung quanh.

2.Hiệu quả

Bí tích Xức Dầu:

– Không nhằm tha tội nặng (đã có bí tích sám hối)

– Không nhằm chữa bệnh thân xác (nhiệm vụ của y khoa)

– Cũng không nhằm dọn mình chết cho bệnh nhân.

Bí tích xức dầu: Ban sức mạnh và nghị lực cho người bệnh trong khi cả tâm hồn lẫn thể xác đều bị đe dọa bởi bệnh tật.

a.Về mặt tâm linh

– Ban ơn vững lòng tin, cậy, mến và trung thành với Thiên Chúa trong những giờ phút cuối cùng của hành trình trần gian.

– Xóa tẩy dấu vết của tội trong “quá khứ”.

– Nếu có tội nặng nào đã vì vô tình quên sót trong các lần xưng tội trước, nay cũng được thứ tha nhờ lãnh nhận bí tích này.

b.Về mặt thể xác

– Ban nghị lực và xoa diệu đau đớn.

– Bệnh nhân có thể khỏe lại, nếu Chúa thấy có ích cho đời sống tâm linh của họ.

3.Điều kiện lãnh nhận

v Sạch tội nặng.

v Đây không phải là Bí tích tiễn đưa người sắp chết, cũng không phải để dọn mình (chuẩn bị) chết, nhưng là bí tích phục vụ “bệnh nhân có thể chết”. Bí tích này được ban khi đau yếu, nguy tử.

v Trong cùng một cơn bệnh, nếu bệnh nhân trở nên trầm trọng hơn, có thẩ xin xức dầu lại

4.Nghi thức Bí tích xức dầu bệnh nhân

a.Thừa tác viên (Gl1003.1)

Các linh mục mới có quyền ban bí tích xức dầu.

b.Nghi thức xức dầu

Khi cử hành bí tích này:

+ Trước hết linh mục giúp bệnh nhân xưng tội (nếu không xưng tội được, thì giúp thống hối trọn vẹn).
+ Rồi dùng dầu Thánh xức trên trán và hai tay cùng với các lời khấn nguyện Thiên Chúa
+ Cuối cùng cho bệnh nhân lãnh nhận Thánh Thể.

Kết luận

“ Anh em thân mến, anh em đang bị lửa thử thách: đừng ngạc nhiên mà coi đó như là một cái gì khác thường xảy đến cho anh em. Được chia sẻ những đau khổ của Đức Kitô bao nhiêu, anh em hãy vui mừng bấy nhiêu, để khi vinh quang Người tỏ hiện, anh em cùng được vui mừng hoan hỷ.” (1Pr 4,12-13).

Câu hỏi

  1. Nguồn gốc và ý nghĩa Bí tích xức dầu bệnh nhân ?
  2. Hiệu quả ?
  3. Điều kiện lãnh nhận ?

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *