+ Thánh Phanxicô Xavie, Vị Tông đồ miền Đông Á
+ Phác họa chân dung thánh Phanxicô Xavie 1/3
+ Phác họa chân dung thánh Phanxicô Xavie 2/3
+ Phác họa chân dung thánh Phanxicô Xavie 3/3
+ Hạnh tích thánh Phanxicô (Theo vết chân Người)
THÁNH PHANXICÔ XAVIE (1506-1552)
Phác Họa Chân Dung Một Vị Thánh 2-3
Thánh Phanxicô Xavie
Lm Phanxicô X. Đào Trung Hiệu OP
Viết cho báo Hiệp Thông, tháng 12.2006
II. CHÂN DUNG MỘT VỊ THÁNH
Ngày trước, Giáo hội Việt Nam mừng thánh Phanxicô Xavie theo lễ trọng, vì ngài là Bổn mạng Các Xứ Truyền giáo [5]. Nhiều người ca ngợi vị thánh như một siêu nhân, dựa trên những huyền thoại do lòng quý mến thêu dệt nên. Dĩ nhiên các lời truyền tụng này luôn đề cao vai trò của ơn Chúa, Đấng ban cho thánh nhân thực hiện những thành quả lẫy lừng, rửa tội cho hàng triệu tân tòng, kèm với vô vàn dấu kỳ phép lạ. Đặc biệt là ơn ngôn ngữ : thánh nhân chỉ cần nói tiếng mẹ đẻ, thế mà thổ dân thì ai cũng hiểu !
Sự thực không phải thế. Tìm hiểu kỹ hơn các tài liệu về cuộc đời của ngài, ta sẽ thấy chân dung một “con người”, với những giới hạn của thời đại, với những khoảnh khắc buồn, nản, giận ghét, lo âu, cùng với những lập trường mà ngày nay chúng ta không thể chấp nhận. Ngoài ra, ta thấy nơi ngài chân dung một nhà truyền giáo khôn khéo, với ước muốn tất cả cho “Chúa được vinh danh hơn” [6], biết dung hòa lý trí với tình cảm, biết sử dụng những phương thế thời đại, biết lên kế hoạch dài và ngắn hạn, cũng như biết chọn những biện pháp khéo léo kiểu “trần gian” để đạt được mục đích.
Cuối cùng, chúng ta sẽ chiêm ngưỡng chân dung một vị thánh ý thức rõ giới hạn của bản thân, hoàn toàn phó thác cho Thánh ý của Thiên. Chính Chúa mới là Đấng lên kế hoạch, hướng dẫn và hoàn thành.
2.1. Những Hạn Chế và Nỗ Lực Thích Nghi
Qua các thư từ và tài liệu thánh Phanxicô Xavier để lại, chúng ta thấy cần phải giải trừ bớt những lời đồn đại chung quanh công cuộc truyền giáo của thánh nhân.
a. Quyết tâm rao giảng bằng tiếng địa phương.
Thánh Phanxicô có một trực giác kiên định với nhu cầu học và sử dụng ngôn ngữ địa phương. Điều này khác hẳn với các thừa sai Tây Ban Nha hoạt động tại Nam Mỹ. Phanxicô là một mẫu gương không ngừng chú tâm đến việc đó. Mới đầu ngài sử dụng thông dịch viên, chọn trong số các học sinh từ các nơi về học tại Goa, và nhờ người phiên dịch kinh và giáo lý. Sau chính ngài giảng bằng tiếng địa phương. Có lẽ vì Phanxicô đi giảng cho các bộ tộc, và những thông tin về việc ngài giảng bằng tiếng thổ dân đã tạo nên dư luận về ơn ngôn ngữ này.
Điều này không đúng, như chính ngài viết trong thư gửi anh em cùng dòng sau một năm ở với dân Parava, dù đã có sự hỗ trợ của ba thông dịch viên : “Tôi nói họ không hiểu, còn họ nói tôi không hiểu, vì họ nói tiếng Malabar, còn tôi nói tiếng xứ Basque” [7]. Tương tự, sau 50 ngày ở Nhật Bản, với sự giúp đỡ của ba thanh niên Nhật, ngài đã tâm sự như sau : “Xin Thiên Chúa thương cho chúng tôi mau biết nói tiếng địa phương để có thể nói những điều về Thiên Chúa : lúc ấy chúng tôi sẽ sinh được nhiều hoa trái, nhờ Chúa giúp đỡ và ban ơn. Hiện chúng tôi ở giữa họ như những bức tượng, vì họ nói năng, trao đổi nhiều điều về chúng tôi, nhưng chúng tôi im lặng, vì chúng tôi không hiểu tiếng” [8]. Còn bản dịch kinh của ngài, nhiều năm sau ngài mới phát hiện mình dịch sai thậm chí đôi khi còn dịch ngược nghĩa nữa. Như kinh tin kính ở Parava, thay vì dịch “tôi tin” ngài đã dịch là “tôi mong ước” [9].
Làm sáng tỏ sự thật này, chúng ta sẽ càng cảm thấy thánh Phanxicô gần gũi hơn, hấp dẫn hơn, và rút tỉa được bài học lớn về “hội nhập văn hóa”, là một công trình lâu dài, gian khổ, cần sự đóng góp của nhiều thế hệ. Trực giác của ngài sẽ được các anh em dòng Tên sau như Valignano, Nobili, Ricci, Đắc Lộ, tiếp nối tại Nhật, Ấn, Trung Hoa và Việt Nam.
b. Trần gian không phải là chỗ dựa
Khi mới đến Goa, Phanxicô lóa mắt vì nhà thờ chính toà nguy nga, các nhà thờ lớn nhỏ rải tác khắp nơi, lại có cả một đan viện nữa. Trong thư ngài viết với giọng văn đầy phấn khởi về “thành phố Goa đầy người Công Giáo”, nhưng chỉ một thời gian ngắn, ngài đã nhận ra khuôn mặt Đức Kitô tại đây đang bị bóp méo bởi bàn tay của đám con buôn Tây Phương, khi thấy những người Bồ Đào Nha vênh váo ngồi trên cáng bắt những người Ấn Độ mình trần khiêng. Còn các phụ nữ Bồ Đào Nha thì ăn mặc diêm dúa, trang sức lộng lẫy, ung dung vắt vẻo trên kiệu giữa phố, với một đám thổ dân theo sau hầu hạ. Rồi chợ bán nô lệ, những sòng bạc, những quán rượu … [10].
Trong bối cảnh quyền bảo trợ, giai đoạn đầu Phanxicô có chút ngây thơ khi tin tưởng vào lòng đạo của vua quan có bổn phận “bảo trợ”, phần vì thấy phái đoàn được đón tiếp, được giúp đỡ, trong đó có việc tài trợ để mở trường tại Goa, phần vì quyền ấy bắt nguồn từ phán quyết của giáo hoàng. Vì thế, hoạt động của ngài lúc đầu thiên về việc mở rộng quyền bảo trợ cho nhà vua, ngài khen ngợi họ, và nhắc khác các thừa sai khác xây dựng quan hệ tốt với tổng trấn, nếu muốn cho sứ vụ tông đồ được thuận lợi.
Nhưng vài năm sau (1544), khi hoạt động mục vụ và bác ái của ngài gặp nhiều khó khăn, kèm với tiếng kêu cứu từ Sri Lanca và Maluku, ngài nhận thức rõ rệt rằng vua quan trần gian vốn lo chuyện đời hơn là việc đạo. Từ nay ngài chọn lựa lên tiếng bênh vực cho thổ dân. Như trong một lá thư gửi vua nước Bồ, ngài yêu cầu ông phải nghiêm túc thực hiện những mục tiêu đã đề ra ở Châu Á [11]. Thư nhắc ông bổn phận giúp đỡ công cuộc truyền giáo, yểm trợ các chủng viện, hỗ trợ các tân tòng, và phải lưu ý đến quỹ của trẻ em mồ côi. Có thể đó cũng là lý do khiến sau này ngài chọn đi hoạt động tại Trung Hoa và Nhật Bản, nơi quyền bảo trợ còn mờ nhạt [12].
c. Ngoài ra, do những hạn chế của quan điểm thời đại về thành ngữ “ngoài Giáo hội không có ơn cứu độ” [13], ta thấy Phanxicô thương xót dân ngoại “nằm trong bóng tối sự chết”, coi họ là những kẻ bị mê hoặc đi thờ ma lạy quỷ. Ngài nói về các tôn giáo khác như công trình ma quỷ, và các tu sĩ của họ là tay sai của chúng. Chính vì thế, ngôn ngữ Phanxicô đượm mầu sắc của cuộc chiến đấu giữa thày Giêsu với thủ lãnh “thế gian”. Gặp bão tố, khó khăn, hay tai nạn… ngài gán tất cả đều do sự ghen tị, tức giận, và quậy phá của ác thần.
Dĩ nhiên trong thâm tâm, Phanxicô yêu thương thổ dân và muốn bằng mọi cách đưa những “kẻ khốn khổ” này về vương quốc của ánh sáng. Nhưng chắc chắn ngày nay chúng ta sẽ cảm thấy xa lạ trước lời khoe về niềm vui khôn tả của ngài : “Rửa tội xong, tôi ra lệnh cho họ phá hủy những chòi thờ tượng thần, cho đập nát vụn các tượng thần, vì nay họ đã là Kitô hữu. Không bao giờ tôi có thể kể hết cho anh em là tôi vui mừng thế nào trong lòng, khi thấy các tượng thần bị phá hủy do chính tay những người từng thờ lạy tượng thần”. [14]
Phải với thời gian và kinh nghiệm thực tế, cũng có thể do trình độ văn minh của Nhật và Trung Quốc, nơi ngài đang hoặc dự định hoạt động, Phanxicô sẽ nói về những văn hóa này với sự kính trọng hơn. Về Trung Hoa, ngài viết: “Người Hoa rất khéo léo và rất hiếu học, nhất là về luật lệ liên hệ đến việc trị nước. Họ rất ham hiểu biết… Họ đại lượng và nhất là rất hiếu hòa” [15]. Còn về Nhật Bản : “Chúng tôi hi vọng sẽ kể rất tỉ mỉ cho anh em về tất cả những thuận lợi mà Miyako và các đại học cống hiến để giúp người ta nhận biết Chúa Giêsu Kitô” [16]. Ngài quyết định ăn chay trường để hòa đồng với các tu sĩ Nhật Bản, vốn “không bao giờ ăn thịt hay cá, không uống rượu, chỉ ăn mỗi ngày một lần cách rất đạm bạc, chỉ ăn rau cỏ, trái cây, lúa gạo”.
——-
[5] Lễ bậc Solemnitas. Trước đây tại Việt Nam, nếu ngày 3 tháng 12 trùng Chúa nhật, thì lịch phụng vụ sẽ xác định lễ dời qua thứ bảy.
[6] Châm ngôn của Dòng Tên “Ad Majorem Gloriam Dei”.
[7] Thư 15-1-1544
[8] Thư 5-11-1549
[9] Thay vì dịch vichuam, ngài dịch là venum, thư 27.3.1544
[10] Xavie Léon-Dufour, SJ, St Francois Xavie, Ed. du Vieux Colombier, 1953
[11] Thư gửi vua Gioan III, ngày 20.1.1545
[12] Xc. Philippe L’écrivain, s.j. “Thánh Phanxicô Xavie Người biết ước muốn và nhận định” bản dịch Lm Cosma Hoàng Văn Đạt SJ, mạng Vietcatholic
[13] Ngày nay chúng ta hiểu : có người tưởng mình ngoài giáo hội nhưng đã ở trong, có người tưởng mình ở trong nhưng lại ở ngoài.
[14] Thư gửi anh em dòng Tên ngày 27-1-1545
[15] Thư gửi BT Ignatio ngày 29.1.1552
[16] Trong thư gửi anh em dòng Tên ngày 5-11-1549, ngài nói về Nhật Bản có sáu đại học lớn Miyako, Coya, Negru, Fieson, Omy, và Bandu.