Dấu ấn Dòng Đa Minh trên quê hương Việt Nam (6/6)

VI. Một Truyền Thống để khắc ghi… (tiếp)

6.2. Truyền thống Đa Minh Việt Nam

Lm. Phanxicô X. Đào Trung Hiệu, op

Cộng tác với các thừa sai, được sự hỗ trợ của các thày giảng và anh chị em Dòng Ba, hoạt động của anh em Đa Minh Việt Nam giai đoạn I (1738-1919) nổi bật một số nét lớn sau:

a. Đứng ngoài các cuộc bạo động

Nếu giám mục Alonso Phê trong thư chung 1789, xác định khí giới đánh giặc bách hại: “chẳng là súng ống gươm giáo đâu”, mà là đức tin, lời cầu nguyện và đức bác ái (35); nếu thánh giám mục Liêm nhắc nhở tín hữu “tuân giữ luật nhà phép nước”, còn nếu bị vu cáo về chính trị, thì cứ an lòng, vì xưa đức Giêsu từng bị dân Do thái lấy cớ chính trị để giết (36); thì cha thánh linh mục Nguyễn Văn Tự đã nói với quan tòa: “Tôi kính Thiên Chúa như Thượng Phụ, kính vua như Trung Phụ và kính song thân như Hạ Phụ. Không thể nghe lời cha ruột để hại vua, tôi cũng không thể vì Vua mà phạm đến Thượng Phụ là Thiên Chúa được”. Và cha thánh linh mục Ngô Túc Khuông tuyên bố: “Đạo Giatô không những cấm tín hữu chống lại triều đình, mà còn khuyến khích họ cầu nguyện, góp phần giúp quê hương an ninh thịnh vượng”.

25tudao.jpg

b. Chứng từ của lòng bác ái

Ngay trong bối cảnh bị lùng bắt, cũng như các giáo phận truyền giáo khác tại Đông Á, khu vực Đa Minh hăng say trong phong trào Thánh Nhi. Giáo phận Trung năm 1855 rửa tội được 35.349 trẻ em ngoại giáo. Mọi người thi đua nhau, nhất là các y sĩ, các dì phước và các bà đỡ: tìm mọi cách rửa tội cho các trẻ bệnh nặng chết yểu. Họ thăm nom, chăm sóc, nuôi nấng, thuốc men và tổ chức an táng. Nếu các em sống sót, họ dạy giáo lý và nghề nghiệp cho đến khi các em tự lập được. (37)

Nếu cụ thánh Án Khảm nhất định chưa ăn nếu không tìm được người nghèo ngồi chung bàn, thì với thánh Cai Tả, yêu thương để xứng với tình Chúa yêu, ông thường châm chước cho người mắc nợ và nói: “Mình quên nợ người, Chúa quên tội mình”.

Qua một thánh linh mục Đỗ Yến rời bỏ giáo xứ để dân Sặt được an toàn, cũng như qua hình ảnh thánh linh mục Nguyễn Văn Tự nhai và nuốt cuốn sổ nhân danh xứ Kẻ Mốt, chúng ta có thể hiểu được tấm lòng mục tử của các ngài đối với dân Chúa, sẵn sàng hiến mạng sống mình vì đoàn chiên.

c. Chứng nhân niềm tin

Cha ông chúng ta không bao giờ tự tìm cái chết. Nói theo kiểu thánh linh mục Vũ Đình Tước, các ngài “chạy khi nào còn có thể, nếu không chạy được thì xin vâng ý Chúa”. Thế nhưng, khi thấy Đấng quan phòng cần một nhân chứng, các ngài sẵn sàng đi trọn con đường đức tin. Trước hết, các vị chấp nhận cái chết không chỉ vì lý tưởng hay tham vọng nào cả. Các ngài ý thức mình dõi theo con đường khổ giá của Đấng mình yêu mến là Đức Giêsu.

Thánh linh mục Đinh Viết Dụ tâm sự với người vào thăm rằng: “Sức tôi tuy đã giảm, nhưng còn chịu đựng được. Chúa chúng ta đã chịu bao khổ hình để cứu độ nhân loại. Tôi cũng sẵn lòng chịu sự khó này để nên giống Chúa Kitô phần nào”. Thánh linh mục Ngô Duy Hiển thì nói ngắn gọn hơn: “Tôi sẵn sàng chết vì Đấng đã chết cho tôi”.

Chính niềm tin sắt đá ấy đã khiến các vị can đảm vui tươi đón nhận mọi cực hình: gông cùm, xiềng xích, đòn vọt, ngục tù. Thánh linh mục Nguyễn Văn Xuyên bị kìm kẹp nung đỏ đốt cháy từng mảng thịt vẫn không bỏ đạo. Thánh Hà Trọng Mậu, thày giảng, từ chối quan chức để trung thành với niềm tin. Cha thánh Nguyễn Văn Hạnh, can trường như Laurensô thuở xưa, bị đánh đòn đã nhiều, chắp tay sau lưng bình thản nói: “Làm quan lớn mà bất công, bắt một mông chịu cả, còn mông kia chẳng phải chịu gì hết”.

Mẫu gương khí khái phi thường phải nói đến thánh Đào Đình Toán. Thầy giảng 76 tuổi, sau hai lần đạp lên Thánh Giá, đã bất chấp mọi thử thách. Có lần sau 13 ngày bị lột trần phơi nắng phơi sương, bị mọi người qua lại hành hạ sỉ nhục, thế mà khi quan cho dọn một mâm cơm yêu cầu thầy ăn rồi bỏ đạo, thầy đã nói: “Nếu ăn mà phải bỏ đạo thì tôi sẽ không bao giờ ăn”. Rồi thầy bị bỏ đói chết gục trong trại giam.

Bởi vì với các ngài chết không phải là hết, mà là cuộc tiến về nơi vinh phúc. Nhóm 5 vị thánh, hai thày giảng Hà Trọng Mậu, Bùi Văn Úy, và ba giáo dân Nguyễn Văn Mới, Nguyễn Văn Đệ, Nguyễn Văn Vinh vui vẻ ca hát khi ra pháp trường và nói với mọi người: “Anh em chúng tôi đang tiến về Thiên đàng đây”. Hay như cha Thao đang đợi chặt đầu, nói với cha Khang đang bị voi tung lên trời rằng: “Anh lên trước, tôi theo sau”, hoặc như bài vè lục bát thánh linh mục Nguyễn Văn Xuyên phổ biến cho các tín hữu vào thăm người trong tù:

“Ai ơi giữ lấy túi khôn,
Đầy tràn tin cậy, đầy lòng mến yêu
Gươm đao đe dọa dẫu nhiều,
Quỷ ma cám dỗ sớm chiều đe loi
Ai mà thắng được trên đời,
Mai sau hưởng phúc cõi trời cao sang”.

d. Chứng nhân thuyết giáo

Thành quả có thể đo lường được về nhiệt tâm truyền giảng của các vị tiền bối là số tín hữu khu vực Các Giáo phận Dòng, luôn gia tăng kể cả trong thời gian xảy ra bách hại. Dĩ nhiên thành quả này là do công sức của nhiều thành phần dân Chúa khác, nhưng cũng đủ tô đậm bước chân loan báo Tin Mừng của những người con cha Đa Minh.

Năm 1780: 74.930 giáo hữu
Năm 1825: 163.000
Năm 1848: 190.435    (Giáo phận Trung 145.435;
Giáo phận Đông 45.000)

Năm 1933: 457.131  (38)

Lời Chúa không thể bị trói buộc. Phải khắc phục mọi hoàn cảnh dù cay nghiệt nhất. Đến khi đã bị bắt, các ngài vẫn ôn tồn vui vẻ “cắt nghĩa lẽ đạo” cho quan quân, như muốn chinh phục cả những kẻ đã bắt mình. Ở đây không nhắc lại hội đồng tứ giáo của thánh Phạm Hiếu Liêm. Ta có mẫu gương cha thánh Vũ Đức Trạch, tin tưởng kêu mời: “Xin quan hãy thờ lạy Thánh Giá, để có sự sống đời đời”. Linh mục Nguyễn Văn Tự đến ngày bị xử tử đã xin phép quan, được mặc trọn bộ áo Dòng, tay cầm Thánh Giá tiến ra pháp trường. Trước khi bị chém, cha xin nói đôi lời, và ứng khẩu giảng gần một giờ về Đức Giêsu, về ơn cứu độ, về tình huynh đệ, và về mọi người là anh em.

Linh mục Ngô Duy Hiển, 71 tuổi, mỗi buổi tối chăm chú vẽ trên vải từng mẫu Thánh Giá đẹp với những nét văn hoa tinh tế, để tặng cho các tín hữu vào thăm. Những mẫu Thánh Giá đó được chuyền tay nhau giúp một số tội nhân thống hối, một ít kẻ nhát đảm tìm lại can trường, nên số tín hữu đến xin ảnh quá đông, cha phải nhờ một bạn tù khắc Thánh Giá trên gỗ để in hàng loạt phát cho họ. Thế là tuy ở trong tù, cha gây nên một phong trào kính Thánh Giá rộng rãi ở Nam Định.

Đặc biệt nhất là năm vị thánh Dòng Ba: hai thày Hà Trọng Mậu, Bùi Văn Úy và ba anh Nguyễn Văn Mới, Nguyễn Văn Đệ, Nguyễn Văn Vinh. Khi cha Tự bị xử tử, cả năm đã thất vọng và chán nản. Nhưng khi họ ngồi lại với nhau, ôn lại lời khuyên của người cha yêu dấu, họ đã tìm được can đảm. Năm người liền gửi thư cho cha Chính Dòng Đa Minh để xin khấn Dòng Ba ngay trong ngục, rồi hợp lực với nhau làm tông đồ tại trại giam. Chỉ một thời gian ngắn, thầy Mậu đã viết thư báo tin mình rửa tội được 44 người.

Như một lời Kết

Đọc lại những trang sử hào hùng của tiền bối,
chúng ta có thể khám phá ra
một truyền thống cũng như tinh thần
mà con cháu các ngài cần phải nuôi dưỡng và phát huy.

Chớ gì lời của Chúa thúc bách chúng ta
sống trọn đời mình cho chân lý,
giữ mãi nhiệt tâm loan báo ơn cứu độ cho muôn người.

Chớ gì niềm tin của chúng ta
cũng vững mạnh như các ngài,
vượt qua ngàn thử thách
để thu lượm được mùa lúa dồi dào.

Chớ gì mọi tín hữu hôm nay thuộc mọi thành phần,
biết gắn bó với nhau hơn,
cùng với giáo hội Việt Nam
làm cho dòng máu thắm các anh hùng Tử Đạo
trổ sinh ngàn hoa trái, những hoa trái tình thương trên khắp dải đất quê hương yêu dấu này.

Ghi chú :

  1. Thư chung các Đấng Vicario…, Kẻ Sặt 1903, tr 63-68
  2. Ga 14,12 – Thư chung các Đấng Vicario…, Kẻ Sặt 1903, tr 53-54
  3. Sử ký địa phận Trung, tr 74
  4. Gồm Hải Phòng 86.650, Bùi Chu 326.679, Bắc Ninh 40.265, và Lạng Sơn 3.249.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *