Từ thế kỷ thứ VIII, bên Giáo hội Đông Phương đã mừng lễ “Thánh Anna thụ thai, mẹ của Theotokos (Mẹ Thiên Chúa)” vào ngày 9 tháng 12 hàng năm. Ý nghĩa lễ này dựa vào Ngụy Thư “Tiền Tin Mừng của thánh Giacôbê”. Bà Anna sau một thời gian dài son sẻ đã được thiên thần báo tin thụ thai như dấu chỉ tình thương của Thiên Chúa. Ý lễ được lan qua Tây phương nhất là tại Ý, Ái Nhĩ Lan và Anh thành lễ “Đức Maria thụ thai”. Tại thành Naples (Ý) vào thế kỷ thứ IX, ngày lễ được khắc vào lịch bằng đá hoa cương. Và năm 1050, Đức Giáo Hoàng Léon IX huấn dụ các tín hữu mừng kính Đức Trinh nữ thụ thai như Giáo Hội Đông phương đã làm.
Cho đến thế kỷ thứ XII, những vị thánh như Albert Cả, Bonaventura, Tôma d’Aquin cũng cho rằng vì Đức Maria thừa kế di nghiệp Ađam nên vướng mắc nguyên tội, nhưng Mẹ được thánh hóa ngay từ trong thai mẫu.
Tuy vậy, vấn đề vẫn còn gây tranh cãi cho đến thế kỷ XIII. Một thần học gia lỗi lạc dòng Phanxicô là Duns Scott (1308) đã nghĩ ra một lối giải thích độc đáo bênh vực Đức Maria đã được sung mãn ân sủng ngay từ giây phút đầu tiên cuộc đời. Tác giả minh chứng đặc ân vô nhiễm tuyệt đối gìn giữ Đức Maria khỏi mọi tội lỗi kể cả nguyên tội không hề đi trệch ra ngoài trật tự ơn cứu chuộc, mà còn là thành quả vinh quang nhất trong công trình cứu độ của Chúa Kitô.
Đến thời Công đồng họp tại thành Bâle (Thụy sĩ) năm 1439 cũng đồng ý về vấn đề Đức Maria Vô Nhiễm, và mãi tới thời Đức Giáo Hoàng Piô IX, mới công bố ý tưởng Đức Maria Vô Nhiễm nguyên tội thành tín điều vào ngày 8 tháng 12 năm 1854 trong thông điệp Ineffabilis Deus : “Ta tuyên xưng, công bố và xác quyết rằng tín điều này đã được Thiên Chúa mặc khải và vì thế phải được mọi tín hữu tin nhận cách chắc chắn, không được rút lại. Cụ thể, tín điều này xác quyết rằng Đức Trinh Nữ Rất Thánh Maria ngay từ giây phút đầu tiên được tượng thai – nhờ ân ban và đặc sủng vô song Thiên Chúa toàn năng ban cho và nhờ công trạng của Đức Giêsu Kitô – đã được gìn giữ khỏi mọi vương vấn nguyên tội”.
Lm. Thêôphilê