Sự cứng nhắc và tinh thần thế gian là thảm họa cho các linh mục

 

Các linh mục là những người làm trung gian cho tình yêu Thiên Chúa, chứ không làm trung gian cho những bận tâm của riêng mình. Đức Thánh Cha chia sẻ như thế trong thánh lễ sáng nay tại nhà nguyện Marta. Ngài tập trung vào những cám dỗ gây nguy hiểm cho đời phục vụ của các linh mục.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói về những người luôn bất mãn. Ngày nay có những Kitô hữu cũng thế, họ không bao giờ thỏa mãn, không hiểu được những gì Chúa dạy, không hiểu được mặc khải của Tin Mừng. Cũng thế, có nhiều linh mục không bao giờ thỏa mãn, mà luôn đi tìm những dự án mới, vì lòng các vị ấy ở xa đường lối của Chúa Giêsu. Do đó, các vị than phiền và sống cách khổ sở.

Các linh mục làm trung gian cho tình yêu Thiên Chúa  

 

Chúa Giêsu làm trung gian giữa Thiên Chúa và con người. Chúng ta phải đi theo con đường của Đấng trung gian là Chúa Giêsu. Trong đời thường, có những người làm trung gian, đó là họ làm một nghề và nhận lại thù lao cho nghề ấy. Nhưng ở đây, người trung gian có nghĩa hoàn toàn khác.

Vị trung gian cần hy sinh chính bản thân mình để có thể nối kết con người với Đấng ban sự sống. Cái giá phải trả chính là toàn cuộc sống, là cả mạng sống, với tất cả sự cực nhọc, với công việc phục vụ và rất nhiều thứ khác. Đây chính là trường hợp của các linh mục coi xứ. Các vị sống như thế, để có thể kết nối với đoàn chiên, kết nối với người dân, và để dẫn đưa họ đến với Chúa Giêsu. Khi làm Đấng trung gian, Chúa Giêsu hoàn toàn trút bỏ chính mình, hoàn toàn khiêm nhường đến độ trở ra như không. Thư của thánh Phaolô gửi giáo đoàn Philipphê (2:7-8) nói rất rõ về điều này: “Người đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang… Người lại còn hạ mình, vâng lời đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự”. Đây chính là con đường của Chúa, con đường của hy sinh và khiêm nhường đến tận cùng, của việc tự vét cạn chính mình, tự làm rỗng chính mình, tự hóa ra không.

Sự cứng nhắc dẫn đến việc xa lánh người dân

Một linh mục đích thực, là người trung gian và rất gần gũi với dân chúng. Vị linh mục ấy không làm việc để rồi được nhận lại cái gì đó theo kiểu một quan chức.

Thế nhưng, có những vị trung gian thích đi dạo quanh để được người ta nhìn thấy và tán thưởng. Để làm cho mình trở thành quan trọng, vị linh mục ấy đi theo con đường của cứng nhắc và xa lánh người dân. Vị ấy không biết đến nỗi khổ của con người. Vị ấy đánh mất những gì đã được hấp thụ nơi gia đình, nơi cha mẹ, nơi ông bà và anh chị em… Khi cứng nhắc như thế, các vị ấy chất gánh nặng lên người dân mà trong khi mình chẳng làm gì. Các vị nói với dân Chúa rằng: không thể thế này, không thể thế kia… Có nhiều người dân muốn tìm một chút an ủi, một chút hiểu biết, thế mà bị gạt đi.

Vị linh mục tốt cười vui với trẻ thơ

Khi xét mình, người linh mục có thể tự hỏi: Hôm nay tôi là một người trung gian của Chúa hay tôi chỉ là một quan chức? Tôi có sống phục vụ tha nhân không? Một vị linh mục tốt, thì có khả năng quan tâm, có khả năng vui chơi và mỉm cười với trẻ thơ… Vị ấy biết cách để gần gũi những gì là bé nhỏ, với những con người bé nhỏ. Có những vị luôn buồn rầu với vẻ mặt nghiêm trọng và sa sầm nét mặt, nhưng nếu là người trung gian của Chúa, vị linh mục tốt sẽ có những nụ cười, có sự thân thiện, sự thấu hiểu và lòng cảm thông.

Có ba vị thánh là mẫu gương cho đời linh mục. Thứ nhất, thánh Policarpo giữ vững ơn gọi và đi lên giàn để chịu thiêu sống. Khi lửa cháy lên, các tín hữu xung quanh ngửi thấy mùi bánh mì. Ngài đã kết thúc cuộc đời của người trung gian của Chúa và trở thành “bánh cho các tín hữu”. Thứ hai, thánh Phanxicô Xaviê chết đang khi tuổi còn trẻ. Ngài chết trên bãi biển trong khi vẫn hướng về Trung Hoa, nơi ngài ao ước đi tới. Thứ ba, thánh Phaolô Tre Fontane bị lính bắt và giải đi ngay từ sáng sớm. Ngài biết rằng có một số người trong cộng đoàn Kitô hữu đã phản bội. Ngài đã hiến dâng chính mạng sống mình như của lễ hy sinh lên Thiên Chúa. Đó là ba mẫu gương mà chúng ta tìm thấy về cuộc đời của một linh mục. Đó là cái kết của người linh mục, của vị trung gian của Thiên Chúa, cái kết trên thập giá.

Tứ Quyết SJ

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *