Tiếng còi xe vang lên báo hiệu chuẩn bị rời bến, Hoàng đeo ba lô lên vai rồi nắm tay Thu nói nhỏ: “Em về đi kẻo trời tối, hãy nhớ giữ gìn sức khỏe, đừng lo lắng gì em nhé, thu xếp công việc gia đình xong anh sẽ lại vào”. Chiếc xe chầm chậm lăn bánh, Hoàng ngoái đầu ra nói với lại: “Anh sẽ trở vào”. Thu đứng lặng nhìn theo chiếc xe xa dần, nước mắt nhạt nhòa trong sương chiều lãng đãng.
Quê Hoàng ở một tỉnh trung du miền Bắc, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, Hoàng vào Sài Gòn lao động kiếm sống bắng nghề sơn nước. Còn Thu là gái miền Tây, cũng lên thành phố làm ở một khu công ty may mặc, hai người gặp nhau ở khu nhà trọ, cùng cảnh ngộ nên họ sớm trở thành bạn rồi yêu nhau đã gần một năm nay. Thu đã đưa Hoàng xuống miền Tây thăm gia đình, còn Hoàng, vì đường xá xa xôi cách trở, nên chưa có dịp đưa Thu ra Bắc thăm quê.
Vả lại, Hoàng mới thưa chuyện về Thu với bố mẹ, Hoàng muốn bố mẹ có thêm thời gian suy nghĩ, trước khi quyết định về việc anh lấy vợ xa xứ. Vì khi Hoàng tạm biệt gia đình để vào Sài Gòn tìm công việc, ngoài việc dặn dò con đừng đua đòi theo lối sống nơi thành đô, tránh xa các tệ nạn xã hội, mẹ còn nhắc Hoàng: “Tiền chẳng biết bao nhiêu mới là đủ, làm một vài năm rồi về quê lấy vợ, chẳng đâu bằng…trâu đồng ta ăn cỏ đồng ta, đất lề quê thói vẫn hơn con ạ”. Hoàng thưa vâng cho bố mẹ yên tâm, rồi vừa cười vừa dí dỏm trêu mẹ: “Tình yêu thì đâu có lề có thói, mà cỏ đồng ta hay cỏ đồng người thì cũng là…cỏ, chứ có là…rau muống tháng chín đâu, mà mẹ sợ con dâu nhịn để nhường…mẹ ăn”. Mẹ gõ đầu Hoàng mắng yêu: “ Cha bố anh! mẹ nói là để mong tốt cho anh chứ có cho mẹ đâu mà anh giỡn”.
Tết năm ngoái vì mới vào làm được mấy tháng, tiền công làm chưa được là bao, xe cộ đi về lại tốn kém, nên Hoàng ở lại Sài Gòn ăn tết, dành thêm tiền gửi về cho bố mẹ và các em, năm nay Hoàng dự định sẽ về quê ăn tết và đưa Thu về ra mắt bố mẹ. Đang nóng lòng chờ ý kiến bố mẹ, thì chiều qua Hoàng nhận được điện của đứa em trai báo mẹ ốm nặng đã nhập viện, anh phải về ngay. Hoàng lao động tự do nên nghỉ việc thì chẳng có gì khó khăn, còn Thu làm ở công ty, lại là những tháng cuối năm, công việc bộn bề, nên không được nghỉ, thế là Hoàng về quê một mình.
Xuống xe, Hoàng không về nhà, mà đón Taxi đến bệnh viện tỉnh thăm mẹ ngay. Mẹ đang thiêm thiếp, sợ mẹ thức giấc, Hoàng nhẹ nhàng ngồi xuống bên giường, cầm tay mẹ mà nước mắt lưng tròng, thương mẹ quá, một đời lam lũ vì chồng vì con, bây giờ lại mắc phải căn bệnh hiểm nghèo, trông mẹ già và tiều tụy hẳn đi. Lát sau mẹ mở mắt nhìn quanh, thấy Hoàng mẹ cất tiếng nói mệt nhọc: “Con về là tốt rồi, mẹ khỏe ngay thôi mà”. Đúng vậy, như một phương thuốc thần kỳ, sức khỏe mẹ tiến triển mỗi ngày, nửa tháng sau ngày Hoàng về, Bác sĩ Trưởng khoa đã quyết định cho mẹ xuất viện, về nhà dùng thuốc uống và bồi bổ thêm. Lo cho sức khỏe của mẹ, nên Hoàng chưa dám hỏi ý kiến bố mẹ về việc của anh và Thu.
Một hôm, sau bữa cơm tối, cả gia đình quây quần bên ấm chè xanh, mẹ bảo Hoàng: “Mẹ khỏe mạnh được như hôm nay là nhờ Lòng Thương Xót của Chúa, mẹ muốn nhân dịp này, con yên bề gia thất cho bố mẹ yên tâm, an cư thì mới lạc nghiệp con ạ. Bố mẹ đã…nhắm cái Mơ ở đầu xóm cho con rồi đấy, con bé nhanh nhẹn đáo để, hai bác bên ấy cũng rất mừng, sang tuần bố mẹ sẽ sang bên đó có lời với người ta, nếu thuận lợi thì rước dâu trước tết, còn cái cô gái ở Tây ở Đông gì đó là bố mẹ không đồng ý đâu nhé”. Hoàng giãy nảy: “ Bây giờ là thế kỷ nào mà bố mẹ vẫn còn cổ hủ, giữ thói lạc hậu, bố mẹ đặt đâu con ngồi đấy, con không yêu Mơ thì làm sao có thể sống với người ta được ạ, vả lại con yêu Thu lắm, con không thể sống thiếu cô ấy được”. Bố hừ một tiếng rồi nói: “ Các anh chị bây giờ giỏi lý sự, phải tìm ở đâu xa xôi, chính bố với mẹ đây, ngày trước cũng đâu có yêu nhau, ông bà cưới cho đấy chứ, thế mà sống với nhau đã gần ba mươi năm, rồi bảy anh em chúng mày lần lượt ra đời, có sao đâu. Bây giờ nhiều anh chị yêu nhau, thề non hẹn biển, anh không lấy được em anh chết, em không lấy được anh em cũng chết, vậy mà về ở với nhau chưa biết hết họ hàng hai bên, đã đường ai nấy đi, bố mẹ đã quyết định rồi, không nói nhiều nữa”. Hoàng vẫn kiên trì: “Con xin bố mẹ để cho con tự do chọn lựa hạnh phúc của con, con biết bố mẹ luôn mong muốn cho con những điều tốt đẹp, con và Thu sẽ sống hạnh phúc để bố mẹ được hãnh diện với họ hàng”.
Những ngày sau đó không khí trong gia đình thật là nặng nề, bố đêm đêm ngồi hút thuốc lào sòng sọc, mẹ thì trở người không yên giấc, thỉnh thoảng lại ngồi dậy đến bên bàn thờ thì thầm cầu nguyện, Hoàng thương mẹ vô cùng, lo mẹ lại ngã bệnh thì ân hận cả đời. Nhưng còn Thu? Biết ngày nào anh mớí trở lại nơi hai người đã cùng nhau nhóm lên ngọn lửa tình yêu, ngày nào hay không bao giờ? Lòng Hoàng ngổn ngang trăm mối tơ vò, bên tình bên hiếu, nặng đều cả hai. Cuối cùng Hoàng quyết định gác lại tình riêng để báo đáp ơn nghĩa sinh thành dưỡng dục, dù bạn bè cho rằng như thế là yếu đuối, nhu nhược, không bảo vệ được tình yêu. Mặc ai nói gì thì nói, Hoàng không thể chịu đựng được hình ảnh của bố mẹ mỗi khi đêm về, cứ như cái bóng thẫn thờ góc sân, đầu thềm. Đêm nay, sau một ngày giúp bố mẹ sửa sang lại căn nhà để chuẩn bị đón Tết, Hoàng ngồi viết thư cho Thu. Ngày nay nói đến việc viết thư trên giấy mực có lẽ hơi hiếm, nhưng Hoàng muốn những tâm sự cuối cùng anh dành cho Thu, sẽ được Thu cất giữ làm kỷ niệm, dù đó là những kỷ niệm đau xót: “Em! Những ngày tháng qua, dù xa em, anh vẫn còn hình dung em rất rõ nét, kể cả trong những giấc mơ viển vông. Nhưng gần đây và ngay bây giờ, anh không tài nào hình dung ra em, có cầm trí lắm cũng chỉ thấy em lờ mờ trong đám sương mù, mong em thứ lỗi, anh không cố ý, nhưng chẳng qua là do thời gian và đường đời của mỗi người tạo ra mà thôi. Có lúc và có thể mãi mãi, hình ảnh của em sẽ không bao giờ đến với anh nữa, nhưng tên em anh đã ghi khắc vào trái tim anh thì không bao giờ mất được…”. Viết đến đây, mệt quá Hoàng gục xuống thiếp đi, khi tỉnh dậy, Hoàng thấy mẹ đang đứng bên, tay cầm lá thư, mẹ đi ra thềm ngồi nói chuyện gì đó với bố, lát sau mẹ đi vào bảo Hoàng: “ Con thu xếp công việc, vào trong đó xin phép gia đình người ta, rồi đón cái Thu ra ngoài này ăn tết, mau mau kẻo ngày tết tàu xe đông đúc chật chội vất vả con ạ”. Hoàng rối rít cảm ơn bố mẹ, miệng liến thoắng: “ Mai con sẽ bắt xe vào trong đó luôn ạ”.
Tết năm nay thật là vui, lần đầu tiên Thu tập gói bánh chưng, mẹ Hoàng tận tình chỉ cho Thu từng công đoạn, nhất là đêm ba mươi, cả nhà ngồi trông bánh chưng, bên nồi bánh sôi sùng sục, mấy đứa em thi thoảng lại cười ré lên khi Thu quen miệng kêu bố là tía. Hừng đông đã ửng hồng, báo hiệu một ngày mới, một xuân mới, một năm mới hạnh phúc đang đón chờ, Chúa Xuân ơi!
Mờ-inh