Niềm vui trong đau khổ

 


Một cặp vợ chồng vừa cho chào đời một đứa trẻ bị cụt cả tứ chi, đã có tâm sự thật cảm động như sau. Chúng tôi muốn nói với các bạn một điều: ngày đứa con đầu lòng của chúng tôi mới chào đời, nhìn con chúng tôi bị cụt cả hai tay hai chân chúng tôi xúc động mạnh lắm, những giọt nước mắt của đứa trẻ vừa mở mắt chào đời bị cụt tứ chi làm chúng tôi cảm thấy xót xa như dao cắt cõi lòng. Nhưng chúng tôi có thể nói bằng nụ cười của một đứa trẻ bị cụt tay chân từ lúc mới sinh. Không còn gì an ủi cho bằng ẵm lấy đứa trẻ bị cụt tay chân vào lòng, không còn gì sâu sắc hơn ánh mắt của đứa trẻ tật nguyền ấy. Chúng tôi có thể nói với các bạn rằng khi nhìn đứa bé tật nguyền ấy với cặp mắt tràn lệ sung sướng nó như muốn nói với bạn rằng: “Cám ơn ba má đã thương yêu con và đã muốn con được hạnh phúc”. Lúc đó, bạn sẽ bắt đầu hiểu những gì bạn chưa bao giờ hiểu trước đó.

Nếu bạn nhìn lên Chúa Giêsu chết treo trên thập giá, bạn sẽ nhìn lại và nhìn thẳng vào ánh mắt của Ngài, Ngài cũng hầu như không còn tay chân nữa, bởi vì cả hai tay chân Ngài đã bị đinh sắt đâm thâu, bị bất động và bị đóng chặt vào gỗ thánh giá. Rồi bạn hãy nhìn chăm chú không phải vào tay chân bị cụt mất của đứa con yêu dấu tật nguyền của bạn, nhưng bạn hãy nhìn vào ánh mắt của con, vào trái tim và vào tâm hồn của nó nếu bạn có thể nhìn được. Và rồi bạn sẽ sung sướng khám phá ra những gì cặp mắt của thân xác bạn không thể nhìn thấy, đó là người con yêu dấu bất hạnh của bạn đang chiếm hữu hạnh phúc bất diệt của thiên đàng.

***

Chứng từ của cha mẹ đứa bé tàn tật trên đây nói lên lòng tin vững mạnh vào Mầu Nhiệm Ðau Khổ. Ðó cũng là cách mà các tín hữu tiên khởi suy niệm khi nhớ lại lời giảng của Chúa Giêsu. Những lời nói thật chói tai nhưng có sức đánh động tâm hồn họ hơn cả: “Phúc thay ai sầu khổ vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an” (Mt 5:5) hay “Ai muốn theo Thầy phải từ bỏ mình vác thập giá mình mà theo Thầy” (Lc9:23).

Cái chết khổ hình thập giá của Chúa Giêsu đã làm cho dân Do Thái phải kinh ngạc: Qua những phép lạ lớn lao tay Ngài thực hiện, nào là cho bánh hoá nhiều, chữa lành bệnh tật, kẻ chết sống lại; thế mà đến lúc cuối đời, dù bị oan ức, tra tấn sỉ nhục và chết cách dã man trên thập giá, Ngài cũng không làm một phép lạ nào để tự cứu mình khỏi khổ đau.

Ngài đã lau khô nước mắt của những người đau khổ, đã biến những nỗi khổ đau thành niềm vui, nhưng Ngài không hoàn toàn khử trừ đau khổ khỏi mặt đất! Bởi vì mầu nhiệm của đau khổ và sự chết vẫn là một thực tại được tiếp diễn qua mọi thời đại. Nhưng việc Phục sinh khải hoàn của Chúa Giêsu chính là sự bảo đảm và là lời minh chứng hùng hồn về giá trị của đau khổ.

Ðau khổ không phải là cùng đích của đời sống con người, cũng chẳng phải là con đường cùng; nhưng đối với những kẻ tin vào sứ mệnh cứu độ của Chúa Giêsu thì bên kia bóng tối của sự chết và đau khổ, chính là ánh sáng của sự sống vĩnh cửu và của hạnh phúc bất diệt.

***

Lạy Chúa, con có thể tìm Chúa trong mọi nẻo đường và nơi các sự vật, con cũng có thể gặp Ngài ngay trong những đau khổ chồng chất của đời con. Vâng, con tin chắc rằng khi con gặp được Chúa là con gặp được sự ủi an, hạnh phúc và niềm vui. Xin Chúa giúp con luôn xác tín rằng ơn cứu độ của Chúa sẽ biến đổi những đau khổ chóng qua của con hôm nay thành hạnh phúc bất diệt cho con ngày mai trên Nước Trời. Amen.

 

Ngọc Nga sưu tầm

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *