Video: Tình trạng nghiêm trọng tại Venezuela

 

1. Tổng thống Nicolas Maduro của Venezuela lợi dụng Đức Giáo Hoàng

Tổng thống Nicolas Maduro của Venezuela đã buộc tội các nhà lãnh đạo phe đối lập của nước này từ chối tham gia vào các cuộc đàm phán hòa bình, theo khuyến cáo của Đức Thánh Cha Phanxicô.


Trong bài phát biểu trên truyền hình hôm Chúa Nhật 30 tháng Tư, Maduro hoan nghênh đề nghị của Đức Giáo Hoàng giúp làm trung gian trong cuộc khủng hoảng chính trị tại Venezueala. Nhưng ông nói rằng phe đối lập đã từ chối theo đuổi các cuộc đàm phán như ý Đức Thánh Cha muốn. “Họ không muốn đối thoại”, ông nói.

Đây là trò mới nhất của Nicolas Maduro trong việc lợi dụng thiện chí của Tòa Thánh và Đức Thánh Cha Phanxicô. Hồi tháng mười hai, các cuộc đàm phán hòa bình đã thất bại vì chính phủ Maduro không thực hiện đầy đủ các cam kết đã được đặt ra như các điều kiện tiên quyết cho các cuộc đàm phán. Đức Tổng Giám Mục Claudio Maria Celli, là đại diện của Vatican tại bàn đàm phán, đã rút lui khỏi các cuộc thương lượng, khi ngài thấy rằng không có triển vọng cho các cuộc đàm phán thành công vì Nicolas Maduro chỉ muốn câu giờ hơn là thực tâm đàm phán trong khi tình hình kinh tế xã hội càng ngày càng trầm trọng.

Julio Borges, chủ tịch Quốc hội, nói rằng lời đề nghị từ Đức Thánh Cha Phanxicô nên được hiểu rằng chính phủ Nicolas Maduro phải có thiện chí thương thuyết, cụ thể là phải đưa ra một lịch trình tổng tuyển cử: “nếu không có như thế, không có gì bảo đảm cho khả năng tiến về phía trước.”

Trong khi đó, đứng trước những đau khổ càng ngày càng trầm trọng của người dân Venezuela, Hội Đồng Giám Mục nước này đưa ra một chỉ dẫn cụ thể hơn: “bất tuân dân sự là cần thiết để lật đổ một chế độ độc tài.”

2. Một công tố viên Italia cáo buộc các tổ chức cứu người vượt biển phạm tội buôn người

Một công tố viên Italia đã buộc tội một số những tổ chức giúp những người vượt biển ở Địa Trung Hải tham gia vào công việc của nạn buôn người.

Carmelo Zuccaro, công tố viên ở Catania, nói rằng một số nhóm phi lợi nhuận cứu người vượt biển “có thể đã được tài trợ bởi những kẻ buôn người.”

Đứng trước cáo buộc nghiêm trọng này, tờ Quan Sát Viên Rôma của Tòa Thánh nhận định rằng “thật không may,” báo cáo của ông Zuccaro “không phải là hoàn toàn vô căn cứ.” Tờ báo của Vatican lên án “việc thao túng các tổ chức cứu người vượt biển,” và nói rằng lại một lần nữa “một vụ tai tiếng đang nổi lên trên lưng của những người di cư.”

3. Học viện Giáo hoàng về Khoa học Xã hội âu lo về sự gia tăng khoảng cách trong xã hội

Học viện Giáo hoàng về Khoa học Xã hội kết thúc cuộc họp thường niên của mình hôm 2 tháng Năm với lời kêu gọi những nỗ lực hội nhập những người bị gạt ra ngoài lề xã hội.

Cuộc họp kéo dài năm ngày của Giáo hoàng Học viện đã được dành cho chủ đề: “Hướng tới một xã hội có sự tham gia: Con đường mới để hội nhập xã hội và văn hóa.” Các cuộc thảo luận đã xoay quanh những cách thức để những người bị loại trừ có tham gia đầy đủ trong xã hội, và các phương pháp vươn đến với họ.

Trong cuộc gặp gỡ hôm 01 tháng 5 với các tham dư viên, Đức Thánh Cha Phanxicô nhận xét rằng trận chiến cho phẩm giá, cụ thể là phẩm giá của người lao động còn nhiều gian nan và “còn rất lâu nữa mới tồi hồi kết thúc.”

4. Một giám mục Nigeria than thở chính phủ làm quá ít để ngăn chặn các cuộc tấn công các Kitô hữu

Một giám mục Nigeria nói rằng chính phủ đang làm quá ít để ngăn chặn các cuộc tấn công vào các tín hữu Kitô bởi nhóm Hồi giáo Fulani.

Đi xa hơn nữa, Đức Giám Mục Joseph Bagobiri của Kafanchan nói rằng “các loại vũ khí được sử dụng trong các cuộc tấn công khiến người ta nghi ngờ rằng thân nhân của họ trong chính phủ và quân đội có khả năng đã cung cấp cho họ để những thứ vũ khí này.”

Ngài nói thêm: “Những người Fulani đang nắm nhiều chức vụ quan trọng trong chính quyền về hải quan, xuất nhập cảnh và Bộ Nội vụ tại Nigeria ngày hôm nay. Vì vậy, thật rất là dễ dàng để mang những thứ vũ khí nguy hiểm qua biên giới của chúng ta mà không ai có thể ngăn chặn điều này.”

Dân Fulani là một nhóm du mục, hầu như tất cả theo Hồi Giáo. Họ đấu tranh để hình thành một quốc gia Hồi Giáo độc lập. Tuy đa số sống bằng nghề chăn nuôi gia súc và canh nông, một số người Fulani cũng hội nhập vào đời sống xã hội của các quốc gia Phi Châu, đặc biệt là tại các quốc gia Tây Phi như Cameroon và Nigeria. Dân Fulani đã từng xung đột liên miên với nông dân ở trong khu vực.

Trong một bài nói chuyện hồi tháng Giêng năm nay, Đức Cha Bagobiri nhận xét rằng:

“Ở phương Tây, người ta hầu như không nghe về nhóm này, nhưng từ tháng 9, 2016 tới nay, chúng đã đốt cháy 53 làng, giết hại 808 người, gây thương tích cho 57 người, phá hủy 1.422 ngôi nhà và 16 nhà thờ.”

5. Phát ngôn viên Công Giáo Ai Cập: Chuyến viếng thăm Đức Giáo Hoàng của một thành công lớn

Cha Rafic Greiche, phát ngôn viên của Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Ai Cập, mô tả chuyến tông du gần đây của Đức Giáo Hoàng là “một ơn lành to lớn cho người Ai Cập, cả người Hồi giáo và các tín hữu Kitô.”

“Người Ai Cập chúng tôi lên tinh thần, đặc biệt là sau vụ tấn công hôm Chúa Nhật Lễ Lá,” ngài nói.

Cha Samir Khalil Samir nói rằng việc ký kết một tuyên bố chung, trong đó Giáo Hội Chính Thống Coptic và Giáo Hội Công Giáo công nhận phép rửa tội của nhau, là một “bước tiến lớn”, vì “Ai Cập, có rất nhiều các cuộc hôn nhân hỗn hợp giữa người Công Giáo và người Chính Thống.”

Cha Samir, cũng là một học giả hàng đầu về đạo Hồi, cho biết thêm là qua cuộc gặp gỡ với tổng thống Ai Cập, Abdel Fattah el-Sisi, “Đức Giáo Hoàng đang là người duy nhất có thể giúp các Kitô hữu.”

6. Tổng Giám Mục Chính Thống Giáo Coptic nói Đại Học Al-Azhar nên xét lại các sách giáo khoa có tư tưởng Hồi Giáo cực đoan

Dưới ánh sáng của chuyến tông du của Đức Thánh Cha tại Ai Cập, Đức Tổng Giám Mục Anba Angaelos, là giáo chủ Chính Thống Coptic ở Anh, cho biết ngài hy vọng Đại Học al-Azhar sẽ xem xét lại các sách giáo khoa tôn giáo đang được sử dụng trong trường đại học này và mạng lưới các trường học Hồi Giáo tại Ai Cập.

“Một số những sách giáo khoa này đã được sử dụng, hoặc lạm dụng, bởi các nhóm cực đoan, và cần phải có một tổ chức Hồi giáo đáng tin cậy giải thích lại những điều này một cách khác. Đó là một công việc thực sự chỉ có al-Azhar mới có thể làm.”

Ngay trước chuyến tông du của Đức Thánh Cha, một số chính trị gia Hồi Giáo Ai Cập cũng đã cáo buộc rằng nhà trường dung túng cho chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo.

Hội đồng Tối cao Al Azhar – được coi là tổ chức hàng đầu của thế giới Hồi giáo Sunni về tư tưởng Hồi Giáo – đã đưa ra một tuyên bố phủ nhận cáo buộc là nhà trường dung túng cho việc quảng bá tư tưởng thánh chiến Hồi giáo và nói rằng bạo lực là trái với tinh thần Hồi giáo. Hội đồng đã tuyên bố rằng “Luật Sharia cấm tất cả mọi hình thức tấn công chống lại con người, bất kể tôn giáo và niềm tin của họ.”

7. Đức Hồng Y Ấn Độ phản đối việc phá hủy cây thánh giá lịch sử của thành phố

Trong cao trào chèn ép các tôn giáo không phải là Ấn Giáo, từ sau khi lãnh tụ Ấn Giáo cực đoan là Narendra Modi được bầu làm thủ tướng từ tháng 5 năm 2014 đến nay, một cây thánh giá đã bị nhà cầm quyền Ấn tại thành phố Mumbai phá hủy hôm 29 tháng Tư vừa qua.

Đức Hồng Y Oswald Gracias là Tổng Giám Mục Mumbai, và cũng là một thành viên trong nhóm 9 thành viên trong Hội Đồng các Hồng Y Cố Vấn của Đức Thánh Cha đã mạnh mẽ phản đối. Tuy nhiên, các quan chức thành phố đã phớt lờ sự phản đối của ngài.

Cây thánh giá này đã được dựng nên vào năm 1895 tại một khu đô thị cũ trong thời gian một bệnh dịch tàn phá thành phố này.

Các quan chức đã trích dẫn một đạo luật trong đó cấm các biểu tượng tôn giáo trên tài sản công cộng. Tuy nhiên, người chủ sở hữu của phần đất nơi thánh giá được dựng cho rằng ông đã trình cho các quan chức thành phố bằng chứng rõ ràng rằng cây thánh giá được dựng trên bất động sản của tư nhân.

Các quan chức ra lệnh phá hủy thánh giá này “phải chịu trách nhiệm về hành động này, đó là một hành động bất hợp pháp,” Đức Hồng Y Gracias nói.

Thành phố Mumbai nơi vụ việc xảy ra trước đây gọi là Bombay. Ấn Độ có một thói quen ít quốc gia nào khác có. Đó là sửa tên các thành phố. Lý do sửa tên là vì tên tuổi các thành phố này đã quá khét tiếng trên thế giới với các vụ tàn sát các tín hữu của các tôn giáo không phải là Ấn Giáo. Nếu không sửa tên e không mấy khách du lịch dám đến thăm.

Ít nhất 900 người chết trong vụ bạo loạn giữa người Hồi Giáo và người Ấn Giáo kéo dài từ ngày 6/12/1992 đến ngày 26/01/1993 tại Bombay. 356 người bị cảnh sát bắn chết, 347 người bị đâm chết, 91 người bị đốt chết trong nhà mình, 80 người bị đám đông đánh chết giữa đường, 26 người bị thiệt mạng vì các lý do khác. Bạo động kinh hoàng như thế nhưng chỉ có 3 người bị đưa ra tòa. Cho nên, ngày 12/03/1993 lại xảy ra thêm một vụ đánh bom “nhân danh công lý” giết chết thêm 300 người khác.

8. Các Giám Mục Công Giáo tại Nga chỉ trích lệnh cấm giáo phái Chứng Nhân Giêhôva

Tòa án Tối cao Nga đã tuyên bố giáo phái Chứng Nhân Giêhôva là một tổ chức cực đoan và đã ra lệnh tịch thu tài sản của họ trên toàn lãnh thổ Nga.

Quyết định này đã bị Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Nga chỉ trích.

Đức Ông Igor Kovalevsky, tổng thư ký Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Nga nói:

“Các Giáo Hội như Giáo Hội Công Giáo của chúng tôi không công nhận giáo phái Chứng Nhân Giêhôva là một giáo phái Kitô và không tham gia vào các cuộc đối thoại với họ, nhưng chúng ta phải có sự phân biệt rạch ròi giữa các vấn đề về thần học và quyền lợi hợp pháp”.

Ngài nói thêm, “Có những mối nghi ngại rất mạnh mẽ nơi người Công Giáo là chúng tôi rồi ra cũng có thể phải đối mặt, nếu không là bách hại thẳng thừng thì cũng là các hành vi phân biệt đối xử và hạn chế về tự do niềm tin của chúng tôi.”

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *