Đức hồng Y Luis Antonio Tagle, các Giám mục và các tham dự viên dự hội nghị Kinh thánh Đông Nam Á (CBF-SEA) dâng thánh lễ tại nhà thờ Chánh Tòa Nha Trang.

Sau những ngày hội thảo Kinh thánh tại Tòa Giám mục Nha Trang, sáng thứ Năm, ngày 20/7/2017, các Đức Hồng Y, các giám mục cùng các tham dự viên dâng thánh lễ tạ ơn tại nhà thờ Chánh Tòa Nha Trang.

Thánh lễ bắt đầu vào lúc 9g00, nhưng đoàn đã đến sớm hơn 1 tiếng để lắng nghe lại những dấu ấn thời gian 60 năm của giáo phận Nha Trang. Trước tiên, đoàn đến trước ngôi mộ của Cha Louis Vallet (1869 – 1945) được Cha Phêrô Trần Huy Hoàng sơ lược đôi nét về vị linh mục này, ngài thuộc Hội Thừa sai Hải ngoại Paris (MEP), đang coi sóc giáo xứ Chợ Mới đã nghĩ đến việc xây dựng một nhà thờ và thành lập một giáo xứ tại trung tâm Nha Trang. Vì thế, ngày 03.09.1928, công trình nhà thờ chính thức được khởi công và được khánh thành vào ngày 14.05.1933. Đây cũng là ngày họ đạo Nha Trang chính thức được thành lập. Ngày 05.07.1957 giáo phận Tông tòa Nha Trang ra đời, tách rời khỏi giáo phận Qui Nhơn và ngày 24.11.1960, giáo phận Nha Trang trở thành Giáo phận Chính tòa. Từ ngày đó, nhà thờ và giáo xứ được chính thức gọi là nhà thờ và giáo xứ Chánh Toà Nha Trang.

Tiếp đến, đoàn đến khánh đài Ave Maria có tượng Đức Mẹ ban ơn bằng đá cẩm thạch cao 3,2m, lễ đài này được xây dựng lại từ năm 2009 và khánh thành ngày 14.09.2011. Đoàn tiếp tục đến viếng mộ của Đức Cha Marcel Piquet Lợi, vị giám mục tiên khởi của giáo phận Nha Trang; và viếng mộ Đức Cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa (1931-2017), ngài đang an nghỉ tại khuôn viên nhà thờ Chánh Tòa Nha Trang, đoàn cũng không quên viếng mộ Đức Cha phó Phêrô Nguyễn Văn Nho (1937-2003) đang an nghỉ tại khuôn viên nhà thờ Chánh Tòa Nha Trang.

Sau phần viếng thăm các cơ sở và mộ của các Đức giám mục tiền nhiệm, đoàn tập trung vào nhà thờ tiếp tục lắng nghe Cha G.B Ngô Đình Tiến, giám đốc Đại chủng viện Sao Biển trình bày đôi nét về giáo hội Việt Nam cách chung và giáo phận Nha Trang cách riêng để các tham dự viên biết phần nào về giáo hội tại Việt Nam, và giáo phận Nha Trang.

Sau khi nghỉ giải lao ít phút, thánh lễ bắt đầu với sự chủ lễ của Đức Hồng Y người Philippines Luis Antonio Tagle, cùng đồng tế với ngài có:
– Đức Hồng Y Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, Tổng giám mục, Tổng giáo phận Hà Nội.
– Đức giám mục Giuse Võ Đức Minh, giám mục giáo phận Nha Trang
– Đức giám mục Stephano Tri Bửu Thiên, Giám mục giáo phận Cần Thơ,
– Đức giám mục Tôma Vũ Đình Hiệu, giám mục giáo phận Phát Diệm
– Đức giám mục Pablo Virgilio David, giám mục giáo phận Caloocan, Philippines.
– Đức giám mục Maurice Nyunt Wai, giám mục Myanmar.
– Đức giám mục Vira Arpondratana, giám mục giáo phận Chiang Mai, Thái Lan

Trong phần chia sẻ Lời Chúa, Đức Hồng Y Luis Antonio Tagle nhấn mạnh đến đến nét đẹp của người loan báo Tin Mừng cần phái có đó là lòng hiếu khách; cuộc sống và con tim của người loan báo Tin Mừng phải là lời cầu nguyện cho mọi người.

Lược ghi bài giảng của Đức Hồng y:

Anh chị em thân mến,
Cuộc cử hành hôm nay thật đẹp tại nơi xinh đẹp và thánh thiêng này của giáo phận Nha Trang. Trong những ngày hội nghị này, chúng tôi đã học hỏi những cách thức loan báo Tin Mừng cho mọi người. Chúng tôi đã lắng nghe những chứng từ về cách sống theo Lời Chúa. Chúng tôi đã lắng nghe những chứng từ thật đẹp về việc lắng nghe Tin Mừng và để cho Tin Mừng biến đổi cuộc sống của họ.

Câu hỏi cần đặt ra là làm thế nào gieo rắc Tin Mừng? Về phương diện con người, liệu điều này có thể diễn ra trong gia đình chúng ta hay không? Các bài đọc hôm nay thật có sức an ủi chúng ta.

Trong bài đọc thứ nhất, ngôn sứ Isaia nói: “núi Nhà ĐỨC CHÚA đứng kiên cường vượt đỉnh các non cao”. Nhà thờ chính toà Nha Trang được xây trên một ngọn đồi, và dân chúng mỗi ngày đến đây, tới Nhà Chúa. Bài đọc nhắc chúng ta rằng trên núi của Chúa, sẽ không còn chiến tranh, người ta sẽ rèn vũ khí thành cuốc thành cày để cày ruộng. Ở đây chúng ta thấy được vẻ đẹp của Lời Chúa, vẻ đẹp đến từ Chúa. Lời Chúa vốn chứa đựng chân lí và vẻ đẹp.

Là những người rao giảng Tin Mừng, chúng ta hăng hái rắc gieo Tin Mừng, và Tin Mừng là Tin Vui. Tại sao khi chúng ta loan báo Tin Vui, tin ấy lại biến thành tin buồn! Tại sao chúng ta không để Tin Mừng thực sự là Tin Mừng! Tin Mừng vốn tự thân có sức mạnh và sức hấp dẫn. “Dân này nước nọ sẽ không còn vung kiếm đánh nhau, và thiên hạ thôi học nghề chinh chiến.” Lời Chúa thật là an ủi biết bao! Lời Chúa vốn mang vẻ đẹp và sức hấp dẫn.

Bài đọc hai, trích từ Thư thứ nhất gửi Timôthê, là một lời khích lệ rằng “ai nấy dâng lời cầu xin, khẩn nguyện, nài van, tạ ơn cho tất cả mọi người”. Như thế, rắc gieo Tin Vui cũng có nghĩa là cầu nguyện. Đó là việc cầu nguyện cho mọi người. Chính trong lời cầu nguyện, người loan báo Tin Mừng nài van và tạ ơn. Tin Vui đích thực ở chỗ Chúa Giêsu đã chết cho mọi người. Phần tôi, với tư cách là người loan báo Tin Mừng, tôi phải cầu nguyện với Chúa cho mọi người. Cuộc sống và con tim của người loan báo Tin Mừng phải là lời cầu nguyện cho mọi người.

Chúng ta phải tự hỏi mình: chúng ta có cầu nguyện cho mọi người hay không? Điều này chính là thành phần của Tin Vui, vì Tin Vui mời gọi chúng ta yêu kẻ thù, cầu nguyện cho những kẻ bách hại chúng ta. Đó chính là lời cầu nguyện của người loan báo Tin Mừng. Việc cầu nguyện phải đi song song với việc loan báo Tin Mừng.

Trong bài Tin Mừng, cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và ông Giakêu nói với chúng ta về lòng hiếu khách. Ngày nay chúng ta sợ người khác. Lòng hiếu khách không còn là điều được chấp nhận. Chúa Giêsu đã tự mời mình đến nhà Giakêu và Giakêu đón tiếp Chúa Giêsu, trong khi những người khác lẩm bẩm: Ô hay, “nhà người tội lỗi mà ông ấy cũng vào trọ!” Bài Tin Mừng cho thấy mối tương quan đặc biệt giữa khách trọ và chủ nhà. Tin Mừng là Tin Vui nơi trường hợp đặc biệt này, vì Chúa Giêsu nói: “Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này, bởi người này cũng là con cháu tổ phụ Ápraham.”

Thế giới chúng ta đang sống có chứng sợ người lạ, sợ khách trọ. Nhưng đó cũng là lí do tại sao không còn lòng hiếu khách và niềm vui đón nhận. Trong Tin Mừng, không phải Giakêu là người đã tiếp đón Chúa Giêsu, nhưng là Thiên Chúa, thông qua Chúa Giêsu, đã đón tiếp Giakêu. Việc Thiên Chúa đón nhận Giakêu khiến ông đón tiếp Chúa Giêsu. Khi người ta không đón nhận Tin Mừng, có thể là vì chính chúng ta đã không tiếp đón người ta theo cách Chúa Giêsu đã đón tiếp Giakêu. Mỗi khách trọ đều là chủ nhà và mỗi chủ nhà đều là khách trọ. Kiểu hoán đổi này thật thú vị. Điều này đi ngược lại với chứng sợ người xa lạ.

Mỗi chúng ta đều là những khách trọ và Thiên Chúa là chủ nhà, cho dù chúng ta là ai đi nữa. Chúng ta tiếp đón Chúa Giêsu nơi những người đói khổ, nghèo hèn, bệnh tật, tù tội, những người xa lạ. Chúng ta đón tiếp họ và Chúa Giêsu lại đón tiếp chúng ta. Ở đây, chúng ta nhận thấy rằng Tin Mừng vốn chứa đựng vẻ đẹp, và chúng ta sống Tin Mừng thông qua lòng hiếu khách. Điều này có nghĩa là chúng ta phải cầu nguyện để trở nên những chủ nhà lịch thiệp.

Cuộc gặp mặt của Liên Hiệp Kinh Thánh Công Giáo Đông Nam Á (CBF-SEA) diễn ra tại Tòa Giám Mục Nha Trang. Tôi có nhiều mối nối kết với Nha Trang cả khi chưa tới được Nha Trang.

Nhiều năm trước đây, Đức Cha Phaolô Nguyễn Văn Hoà đã đến Philippines. Ngài hỏi tôi là có thể đón nhận một số chủng sinh của ngài tại các chủng viện hay không. Sau đó, ngài cho một số chủng sinh tới chủng viện trong địa phận của tôi. Sau này, những chủng sinh đó chịu chức linh mục ở Manila và một trong số đó, cha Đaminh Ngô Anh Quốc, có mặt ở đây hôm nay. Người bạn đồng hành với cha Quốc là cha Micae Vinh hiện là một thừa sai tại Nhật Bản. Các linh mục này là những mối nối kết tôi với Nha Trang. Khi tôi gặp họ, tôi thấy mình đã già. Nhưng chúng ta hãy nghĩ tới việc rắc gieo Tin Mừng khi chúng ta đón tiếp người khác, khi đó, lòng hiếu khách trở nên một giá trị, vì con người được xích lại với nhau do cùng một Tin Mừng, cùng một đức tin.

Một mối nối kết khác là Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận. Tôi gặp ngài lần đầu trong Đại Hội Giới Trẻ ở Manila năm 1995. Tôi phải thuyết trình trước nhóm các Giám Mục Á Châu. Lúc đó tôi chưa làm Giám Mục. Tôi e sợ các Đức Giám Mục. Tôi không dám nhìn các Giám Mục khi bước vào phòng thuyết trình. Tôi hết sức bối rối và cũng chẳng hiểu mình đang nói gì nữa. Rồi tôi cũng kết thúc bài nói và đi ra ngoài, tự nhủ rằng sẽ không bao giờ thuyết trình cho các Đức Giám Mục nữa. Tôi đi đến một góc uống càphê. Rồi một vị Giám Mục mà tôi không quen biết đi theo tôi. Ngài vỗ vai tôi và nói: “Đừng lo lắng thế! Cha có vẻ bối rối, nhưng bài thuyết trình cũng được đấy. Các Giám Mục chúng tôi cũng là những người bình thường mà.” Lúc đó là 4 giờ chiều. Tôi và ngài ngồi uống càphê với nhau. Ngài kể những câu chuyện. Nét dịu dàng nơi ngài thật vĩ đại. Ngài không hề nổi giận. Tôi hiểu ra được rằng lòng hiếu khách thật tuyệt vời biết bao. Tôi cũng không biết mình đã uống bao nhiêu tách càphê. Rồi ngài nói với tôi: “Bất cứ khi nào cha tới Rôma, hãy gọi cho tôi. Chúng ta sẽ cùng đi ăn tối với nhau. Kể từ nay, hãy gọi tôi là bác!”

Tôi đã giữ lời hứa. Khi tôi tới Rôma, tôi gọi cho ngài và đi ăn tối cùng với ngài. Ngài gọi món và ngài bảo tôi ăn. Sau đó, tôi được chọn làm Giám Mục. Một năm sau, ngài được chọn làm Hồng Y. Năm 2002, tôi tới Rôma. Tôi gọi cho ngài, nhưng không ai trả lời điện thoại. Tôi hỏi thăm thì được biết ngài đang ở bệnh viện. Vài ngày sau, ngài qua đời. Bây giờ tôi có một người bác trên trời và địa phận Nha Trang có một người cháu, dù Nha Trang có muốn hay không. Đức Hồng Y đã dạy tôi về tinh thần hiếu khách.

Chúng ta hãy cầu nguyện cho mọi người, cho tất cả những ai Chúa Giêsu muốn kêu gọi. Cầu nguyện, đón tiếp mọi người bằng lòng hiếu khách là một phần thuộc về Tin Vui. Hãy cầu xin để chúng ta được trở nên những khách trọ của Thiên Chúa. Amen.

Thánh lễ kết thúc lúc 10g30, Đức hồng y trao chứng nhận cho các tham dự viện khóa hội nghị Kinh thánh.


Đoàn viếng mộ Đức Cha Phaolô

Viếng mộ Đức Cha PhêrôXem thêm hình ảnh

Bài giảng Đức Hồng Y

Tác giả bài viết: BTT Giáo Phận Nha Trang

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *