Xin như Mẹ (15.08.2017 – Thứ Ba tuần XIX Mùa Thường Niên năm A)

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca  

39 Hồi ấy, bà Ma-ri-a lên đường, vội vã đi đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giu-đa. 40 Bà vào nhà ông Da-ca-ri-a và chào bà Ê-li-sa-bét. 41 Bà Ê-li-sa-bét vừa nghe tiếng bà Ma-ri-a chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên, và bà được đầy Thánh Thần. 42 Bà Ê-li-sa-bét kêu lớn tiếng và nói rằng : “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc. 43 Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này ? 44 Quả thật, này tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vì vui sướng. 45 Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em.”

46 Bấy giờ bà Ma-ri-a nói :

“Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa,
47thần trí tôi hớn hở vui mừng
vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi.
48Phận nữ tỳ hèn mọn,
Người đoái thương nhìn tới ;
từ nay, hết mọi đời
sẽ khen tôi diễm phúc.
49Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi
biết bao điều cao cả,
danh Người thật chí thánh chí tôn !
50Đời nọ tới đời kia,
Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người.
51Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh,
dẹp tan phường lòng trí kiêu căng.
52Chúa hạ bệ những ai quyền thế,
Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường.
53Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư,
người giàu có, lại đuổi về tay trắng.
54Chúa độ trì Ít-ra-en, tôi tớ của Người,
55như đã hứa cùng cha ông chúng ta,
vì Người nhớ lại lòng thương xót
dành cho tổ phụ Áp-ra-ham
và cho con cháu đến muôn đời.”

56 Bà Ma-ri-a ở lại với bà Ê-li-sa-bét độ ba tháng, rồi trở về nhà.

Thiền truyện Nhật Bản, kể rằng:

“Một hôm, hòa thượng Tường Nhụy từ thôn Trường Cốc Bộ đi đến làng Đức Đảo để thăm vị Cương Ốc Thập Binh Vệ của Tửu Tàng Gia. Vị này rất vui mừng, tiếp đãi hòa thượng hậu hĩ. Đêm ấy hòa thượng nghỉ lại tại tư gia của Thập Binh Vệ. Sáng hôm sau ông dậy thật sớm và vui vẻ nói:

– Ở vùng Đức Đảo này không có muỗi, hay thật! Cũng đã lâu lắm rồi, đêm hồi hôm tôi mới ngủ được một giấc thật ngon lành.

Thập Binh Vệ nghe vậy thì cứ thắc mắc lấy làm lạ rằng đến tháng 11 thì làm thế nào mà chẳng có muỗi được. Trong phòng thì sách vở và đồ đạc ngổn ngang, bụi đóng đầy. Thế mà lại có treo chiếc mùng nơi đó.

– Cái mùng này có lẽ treo mãi từ hồi mùa hè đến nay, hòa thượng bảo.

Khi ấy, thập Binh Vệ thử tháo mùng xuống, đem giũ mạnh hai ba lần, thì thấy có khoảng vài con muỗi bay ra.

Ông mới vỡ lẽ hiểu được câu nói không có muỗi của hòa thượng Tường Nhụy:

Vốn tự thiên nhiên, chẳng cần trau chuốt mài giũa gì chính là chân diện mục xưa nay vậy!”

Câu chuyện trên làm chúng ta chợt nhận ra một “chân diện mục” sống động; rất đơn sơ, rất khiêm hạ, thánh đức vẹn toàn xưa nay hiếm, “hết mọi đời đều khen ngợi là… diễm phúc” được thực tại hóa qua cuộc đời của một thôn nữ thành Na-da-rét thuộc miền Ga-li-lê, xứ Pa-lét-ti-na. Ấy chính là Mẹ Maria, Mẹ chính là một vị Chân Như, một Đấng ba-lần-diễm-phúc để mọi đời “diện mục” ngắm nhìn mãi không thôi, mà tạ ơn Chúa muôn đời vậy!

Thật vậy, thánh sử Luca đã khắc họa trung thực hình ảnh Mẹ Maria vô cùng sống động rõ nét qua sự linh hứng của Thần Linh Chúa: Khi sứ thần Gáp-ri-en đến để Truyền tin cho Đức Maria. Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà.” (Lc. 1,28)

Vâng ! Đức Mẹ quả là Đấng đầy ân sủng, Đấng đầy diễm phúc; bởi có Đức Chúa của Mẹ luôn ở cùng ! Vì thế Mẹ đã trở nên Đấng “ba lần phúc”:

Phúc, vì được Thiên Chúa ở cùng với Mẹ.

Phúc, vì Mẹ được biệt-chọn giữa các người nữ.

Phúc, vì Đức Giêsu – Con Đấng Tối Cao – ở trong cung lòng Mẹ.

Khi nghe Sứ thần giải thích cặn kẽ, hơn nữa qua lời của Sứ Thần xác tín một cách mạnh mẽ rằng: “Đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được” (Lc. 1,37). Từ đó, Mẹ nhận ra ý muốn của Thiên Chúa, Đấng mà Mẹ sẽ trao hiến cuộc đời cho Ngài. Với lòng tin tưởng và phó thác một cách đơn sơ, Mẹ đã cất lên lời Xin Vâng trong khiêm hạ: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc. 1,38). Sau lời Xin Vâng, Mẹ đã minh nhiên trở thành Mẹ Thiên Chúa, một danh phẩm rất cao trọng, từ cổ chí kim chưa một phàm nhân nào có được.

Nếu người Do Thái suốt chuỗi dài lịch sử của dân tộc mình, đã thấy hạnh phúc và bình an khi có Hòm Bia Thiên Chúa ở giữa họ; dù Hòm Bia chỉ là dấu chỉ, là sự thông báo có Đấng ban muôn ân phúc cho họ. Thì nay, Đấng ấy đã đến trong lịch sử nhân loại, hiện diện trong lòng một trinh-nữ-tỳ hèn mọn, khiêm nhu, hiền thục. Trinh-nữ-tỳ ấy chính là Mẹ Maria. Từ nay, Mẹ chính là kho tàng ân phúc, bởi Đức Giêsu ở trong lòng Mẹ là nguồn mạch mọi ân phúc.

Sau khi cất lời Xin Vâng, Mẹ đã không đóng khung lời xin vâng  như một kỷ niệm đẹp trong ngày truyền tin và trong cuộc đời Mẹ. Nhưng Mẹ đã sống và làm cho lời Xin Vâng ngày càng thăng hoa và sinh nhiều hoa trái không chỉ cho riêng Mẹ, nhưng để cho sáng danh Chúa và thánh ý Chúa được tỏ hiện; điều đẹp nhất là lan tỏa đến những người chung quanh, qua việc Mẹ vội vã lên đường thăm viếng người chị họ Êlisabét đang “bụng mang dạ chửa”. Trong tinh thần Khiêm Nhường, ngay lập tức Mẹ nói đến những lời lẽ huy hoàng mà Bà chị họ đã tiếp đón và khen ngợi không phải cho chính Mẹ, nhưng là cho Đấng Sáng Tạo của Mẹ: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, Đấng Cứu độ tôi…  Vì Người đã nhìn đến phận nữ tỳ thấp hèn… Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi những sự trọng đại, cao cả” (x. Lc. 1,46-49). Không chỉ thăm viếng đơn thuần, nhưng Mẹ còn hạ mình trở thành người phục vụ một cách khiêm hạ.

Cuối cùng, lời Xin Vâng đã song hành với Mẹ qua các biến cố vui cũng như buồn trong suốt hành trình Đức Tin của cuộc đời Mẹ. Đặc biệt Mẹ đã Khiêm Nhường trọn lời Xin Vâng để được cộng tác với Con yêu của Mẹ là Đức Giêsu, qua sự kiện Mẹ song hành với Chúa trên đường khổ giá, và kiên cường đứng dưới chân thập giá Chúa trên đỉnh đồi Canvê. Đời Mẹ Maria luôn ẩn dật trong bóng tối, ấy đó là bóng Thánh giá Con của Mẹ.

Vâng ! Với sự Khiêm Nhường, Xin Vâng; Mẹ kính yêu của ta đã lập nên những kỳ tích hiển hách trong đời sống Tin, Cậy, Mến và trở thành mẫu gương cho ta học hỏi và noi theo.

Từ đây, ta có thể nói: Mẹ Maria được Chúa yêu thương ban tặng những đặc ân cao trọng, người đời ngưỡng mộ và ca tụng không chỉ một thời mà qua mọi thời. Mẹ đạt được điều đó không thuần túy bằng đời sống đạo đức, thánh thiện, bằng tài năng cá nhân, nhưng bằng một lòng Tin Yêu, Khiêm Nhường trọn hảo. Từ lòng Tin Yêu và sự Khiêm Nhường trọn hảo đã giúp Mẹ cất lên lời Xin Vâng bằng cả con tim và khối óc. Chính sự Khiêm Nhường của Mẹ đã kéo Ngôi Lời của Thiên Chúa từ ngai trời vinh quang xuống vực sâu hư vô của phàm trần, để cho phàm trần được trở nên loài giống thần thiêng bất tử!

Từ đây, hễ ai cầu nguyện kêu xin Mẹ; tức là cùng lúc vừa ca tụng tình yêu Chúa, vừa chào mừng chúc tụng Mẹ, vừa nhận ra mình cũng đang hạnh phúc như Mẹ: Chúa đang ở trong con người mình!

Từ đây – Là những người con của Thiên Chúa và Mẹ Maria – thiết tưởng ta cũng được Chúa yêu thương và người đời mến mộ, nếu ta đi theo con đường mà Thiên Chúa đã vạch sẵn cho ta như Ngài đã vạch sẵn cho Đức Mẹ Maria. Có điều là ta có thực sự tin yêu, thực sự khiêm hạ và nhờ tin yêu và lòng khiêm hạ, giúp ta cất lên lời Xin Vâng trong công việc, trong bổn phận của ta hay không mà thôi?

Chiêm ngắm cuộc đời Mẹ Maria, tôi và bạn – chúng ta – hãy tập sống theo ý Chúa trong cuộc sống đời thường, nhất là những khi gặp gian nan thử thách: chúng ta vững lòng, vì tin rằng có Chúa luôn can thiệp vào đời sống của mình.

Giữa cuộc sống vật chất sôi động và lôi cuốn, khoa học kỹ thuật ngày càng tiến bộ, các tiện nghi vật chất giúp sinh hoạt đời sống ngày càng dễ chịu; nhưng tinh thần thế tục, não trạng hưởng thụ ích kỷ cũng ngày càng lớn theo, khiến cho việc cảm nhận và quy hướng của chúng ta về “những sự trên trời” ngày càng teo tóp lại… Mỗi người chúng ta đừng để cuộc sống của mình trôi dạt theo dòng đời, đừng quên rằng cuộc sống con người còn là một mầu nhiệm, con người có một nguồn gốc thần linh bất tử, và được mời gọi xây dựng Nước Trời như Đức Maria. Đây chính là Tin Mừng Bình An mà Đức Kitô đã mang vào trần gian khi Ngài xuống thế làm người, cũng là điều kiện của nền hoà bình mà loài người hôm nay nguyện ước.

Cuộc sống ngày nay không thiếu những cống hiến quý giá, những hy sinh cao đẹp như là một thứ rượu ngon cho đám-tiệc-cuộc-đời, là dấu-lạ giữa cõi đời ô trọc. Hãy làm chứng nhân cho Chúa Kitô trong môi trường sống của mình. Dù ở địa vị nào, mọi Kitô hữu, cách riêng là Kitô hữu Giáo dân Đa Minh luôn ý thức rằng mình là “nữ tỳ” của Thiên Chúa, mình cần làm điều mình phải làm: Trung thành chu toàn bổn phận của mình trong tinh thần đức tin là chọn lựa cơ bản, để chúng ta làm chứng cho Chúa.

Lạy Mẹ Maria, Mẹ được hạnh phúc vì Thiên Chúa ở cùng Mẹ, và Mẹ đã sống tận hiến đáp lại tình Chúa yêu thương. Xin cho chúng con đừng quên lãng hạnh phúc này, nhất là khi rước Thánh Thể Con của Mẹ. Ước chi con cũng học biết tận hiến như Mẹ. Amen.

 

 

***

Mẹ Maria đã khiêm nhường cách tuyệt vời…

Thật vậy, những ai muốn làm đẹp lòng Thiên Chúa. Người ấy phải đặc biệt được thu hút bởi đức khiêm nhường và luôn luôn để tâm đến nhân đức ấy trên hết mọi nhân đức !

Khi Mẹ vừa được nghe thiên thần Truyền Tin, Mẹ liền tự xưng mình là tôi tớ của Thiên Chúa. Quả là sự tương phản đến ngỡ ngàng, giữa một danh dự như thế và một sự khiêm nhường đến thế !

Thánh Bê-na-đô nói: “Khiêm nhường trong một tình trạng suy đồi là chuyện bình thường. Nhưng lại là một nhân đức lớn và hiếm; đó là một sự khiêm nhường khi mình được vinh dự”. Thánh nhân còn khuyên nhủ mọi người hãy bắt chước những nhân đức khác của Mẹ: Ngoài đức khiêm nhường trong lòng; Mẹ còn có lòng khoan dung; sự nhẫn nhục; tính cao thượng của niềm tin; và lòng bác ái thương người.

Nhờ đức Tin, Mẹ Maria đã được Thiên Chúa nhận lời…

Nay Mẹ đã gặp lại Con của Mẹ trên Thiên Quốc để tiếp tục chuyển cầu cho nhân loại. Nay con xin phó thác chính bản thân con cũng như gửi gắm mọi người xung quanh con cho Mẹ trên trời. Xin Mẹ xin Mẹ Maria giúp chúng con biết sống khiêm nhường như Mẹ, để ân sủng Thiên Chúa lưu lại mãi trong cuộc đời con và biến đổi con ngày càng nên giống Mẹ hơn. Amen.

 

CÁT BIỂN

 

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *