13g45: Các tham dự viên tập trung, khởi động bầu khí buổi làm việc.
14g00: “Đào tạo giáo lý viên hiệp thông với mọi người: đối thoại” là đề tài số 4 của chương trình Đại Hội sẽ do Đức Cha Giuse Nguyễn Năng, Giám Mục Giáo phận Phát Diệm chia sẻ.
Sau những chiều kích hiệp thông với Thiên Chúa, hiệp thông với Hội Thánh, người giáo lý viên cần phải đi tới việc hiệp thông với mọi người qua việc đối thoại. Đây là một trong những điểm đến của lộ trình Đại Hội khi các đề tài thuyết trình đã và đang dẫn các tham dự viên đi sâu, chi tiết hơn cho việc tìm kiếm con đường, chương trình đào tạo giáo lý viên như mục đích Đại hội mong muốn.
Tuy nhiên, với tựa đề trong bài viết và nói chuyện, Đức Cha Giuse thay đổi và đưa đến một cái nhìn rộng hơn khi đề cập đến việc làm sao đào tạo Kitô hữu hiệp thông với mọi người. Trong tầm nhìn và cách trình bày, Đức Cha muốn các tham dự viên “mở rộng” hơn về đối tượng được đào tạo, nghĩa là cho mọi Kitô hữu- cho các học viên, chứ không chỉ dành cho giáo lý viên. Điều này có nghĩa là, đào tạo giáo lý viên trở thành những con người hiệp thông với mọi người cũng đều nằm trong đối tượng mà thuyết trình viên muốn nhấn đến.
Với hai ý chính trong bài nói chuyện bao gồm tinh thần hiệp thông và sự hiệp thông với mọi người, Đức Cha Giuse không chỉ trình bày về nội dung nhưng ngài còn dùng những câu chuyện để dẫn chứng, nổi bật ý tưởng. Để có tinh thần hiệp thông, giáo lý viên, học viên, mọi Kitô hữu cần phải có cái nhìn tích cực về người khác; sau đó, họ phải học biết cách đối thoại qua việc đi ra khỏi bản thân và biết lắng nghe người khác, và cuối cùng phải biết cùng nhau hành động vì thiện ích chung. Tiếp đến, việc” hiệp thông với mọi người” được cụ thể hóa qua sự hiệp thông với các Giáo hội Kitô (đại kết), đối thoại với các tôn giáo (liên tôn), và đối thoại với mọi người trong xã hội.
Để có thể đạt tới sự hiệp thông với mọi người qua những hoạt động cụ thể, “giáo lý viên phải là người bước đi từ Chúa Kitô, và với Chúa Kitô…họ lấy Chúa Kitô làm trung tâm, ra khỏi chính mình và gần gũi với tha nhân.” Điều này có nghĩa là, nếu giáo lý viên, người Ki tô hữu đã “có” Chúa, họ sẽ trở nên con người của hiệp thông với mọi người, đối thoại với tha nhân một cách dễ dàng và đạt đến điều thiện hảo, những gì mà Chúa và Giáo Hội mong muốn đào tạo họ.
15g15: Thảo luận nhóm với các câu hỏi gợi ý : Tìm ra những thuận lợi và khó khăn trong nhiệm vụ đào tạo các tín hữu Công Giáo hiệp thông với các Kitô hữu khác qua hoạt động đối thoại đại kết, hiệp thông với các tín đồ tôn giáo khác qua hoạt động liên tôn, hiệp thông với mọi người trong xã hội. Đồng thời các tham dự viên sẽ thảo luận nhóm để bàn luận, đóng góp ý kiến nên đưa nội dung đối thoại đại kết, liên tôn và Giáo huấn Xã Hội của Giáo Hội vào trong phần nào của chương trình giáo lý và những nội dung đó là gì. Với ba nội dung câu hỏi rộng, nên ban tổ chức quyết định mỗi nhóm chỉ thảo luận 1 câu hỏi được phân bổ theo sắp xếp của ban tổ chức
16g15: Hội thảo chung, các nhóm trình bày những ý kiến đóng góp cho Đại Hội. Mặc dù câu hỏi gơTất cả các nhóm đều nêu ra những thuận lợi và khó khăn của sự hiệp thông với các thành phần, cũng như Sau cùng, cha MC chương trình đã tóm kết lại một vài ý chính để thấy sự khó khăn trong hiệp thông của hoạt động đại kết, liên tôn thường nằm ở chỗ nhiều anh chị em Công Giáo, giáo lý viên có định kiến giữa các tôn giáo với nhau, thiếu sự hiểu biết nên khó đối thoại, trong giáo trình giáo lý cũng thiếu kiến thức…nên giáo lý viên xem ra “không đủ trình độ” để thực hiện sự hiệp thông với mọi người.
17g15 Kinh Chiều.
18g00: Cơm tối
19g30: Các tham dự viên tham dự workshop về phương pháp sư phạm giảng dạy.
Các tham dự viên trong 12 nhóm được chia thành ba nhóm lớn tham dự workshop do ba giảng viên Nguyễn Thị Minh Phượng, Phạm Thị Thúy và Lê Viết Chung hướng dẫn. Ba giảng viên của chương trình workshop chính là nhóm tác giả của cuốn “Cẩm nang Phương pháp Sư phạm” – do First New xuất bản tại Việt Nam- mà quý tham dự viên đã được Ban Tổ Chức Đại Hội gửi tặng trong lần Đại Hội Giáo Lý Toàn Quốc lần V này.
Đây là cơ hội để tham dự viên được nghe các giảng viên chia sẻ, hướng dẫn về kỹ năng mềm trong phương pháp giảng dạy mang tính tính cực, một phương pháp lấy người học làm trung tâm, đầy tính sáng tạo và “tôn trọng” người học. Đây là phương pháp sư phạm đang được đề cao trong chương trình giáo dục hiện nay. Khi tham dự workshop, quý tham dự viên sẽ linh hoạt để phân tích, tìm ra những ưu điểm của phương pháp có thể áp dụng vào trong việc dạy giáo lý một cách phù hợp và hiệu quả với việc truyền đạt nội dung giáo lý đức tin. Bởi giờ dạy giáo lý không phải là một hoạt động giáo dục đơn thuần bao hàm lãnh vực kiến thức khoa học, nhưng đó là một giờ dạy nội dung giáo lý liên quan đến đức tin, và truyền đạt kinh nghiệm gặp gỡ Thiên Chúa, giúp học viên gặp gỡ được Thiên Chúa, đi vào mối tương quan hiệp thông mật thiết với Ngài bằng đời sống, nghĩa là kiến thức được hiện thực hóa trong đời sống đức tin và chứng tá.
21g00: Kinh Tối riêng và nghỉ đêm.
Tạ ơn Chúa vì một ngày làm việc nữa của Đại Hội đã đi qua và để lại nhiều kết quả tốt đẹp.
Nguồn: giaolyductin.org