Đức thánh cha Phanxicô : sứ điệp hòa bình 1.1.2018

Đức Phanxicô : sứ điệp hòa bình 2018

Những người di cư và tị nạn
Con người trên đường tìm kiếm hòa bình

Lời chúc hòa bình

Ước chi hòa bình sẽ đến với tất cả mọi người và mọi quốc gia trên mặt đất ! Nền hòa bình mà các Thiên Thần đã công bố cho các mục Đồng trong Đêm Cực Thánh, chính là một khát vọng sâu xa của tất cả mọi con người và mọi dân tộc, đặc biệt là của những con người đang phải đau khổ nhất khi thiếu hòa bình. Đó là những con người mà Cha đang mang trong niềm cảm nghĩ của Cha cũng như bao hàm trong lời cầu nguyện của Cha, và Cha đã từng nhiều lần nhắc tới con số trên 250 triệu người di cư trên thế giới, và trong đó có 22,5 triệu người tị nạn. Trong số những con người ấy, như Đức Bênêđictô XVI, vị tiền nhiệm đáng kính của Cha, đã từng nói, chính là “những người nam và những người nữ, các em nhỏ, những bạn trẻ và những cụ già, họ đang tìm tới một nơi, mà ở đó, họ có thể sống trong hòa bình”. Để tìm thấy nơi đó, nhiều người trong họ đã sẵn sàng đặt cược cuộc đời mình vào một cuộc hành trình lâu dài và đầy nguy hiểm, chịu đựng những nỗi gian truân và khổ cực để vượt qua những hàng rào và những dẫy tường mà chúng được dựng lên để ngăn cản không cho họ đạt tới được đích điểm của mình.

Trong tinh thần xót thương và nhân hậu, chúng ta hãy ôm ghì lấy tất cả những con người đang phải chạy trốn trước chiến tranh và đói khát, hay đang bị cưỡng bức phải rời bỏ xứ sở của mình vì sự kỳ thị, bách hại, nghèo túng cũng như vì sự hủy hoại môi trường.

Chúng ta biết rằng, chỉ mở tấm lòng mình ra cho nỗi thống khổ của những người khác thôi thì chưa đủ. Người ta còn phải làm nhiều việc khác nữa trước khi những người anh chị em của chúng ta có thể sống trong hòa bình, trong một ngôi nhà chắc chắn và an toàn. Việc đón nhận những người khác thúc giục người ta dấn thân một cách cụ thể, thúc đẩy một chuỗi hỗ trợ và lòng hảo tâm, cũng như một mối quan tâm sâu sắc và thường xuyên. Đồng thời, nó đòi hỏi một sự đối xử có trách nhiệm đối với những trạng huống mới đầy phức tạp, để điều chỉnh những vấn đề đã tồn tại từ trước và đôi khi rất lớn, cũng như đối xử với những nguồn tài nguyên mà chúng thường xuyên bị hạn chế. Nếu các chính phủ hành động với sự cẩn trọng thì họ sẽ có khả năng vớ lấy được những biện pháp thực hành để đón nhận, thúc đẩy, bảo vệ và hội nhập, và bằng cách ấy, “cho tới bao lâu phúc lợi đích thực của cộng đồng xã hội còn cho phép, cảm thông với dự định của những người đang muốn hòa nhập vào một cộng đồng mới” (ĐTC Gioan XXIII, Thông Điệp Pacem in Terris, 106). Các chính phủ có một trách nhiệm rõ ràng đối với các công dân của quốc gia mình, họ phải bảo đảm những quyền lợi thực sự của công dân cũng như sự phát triển hài hòa của quốc gia mình, để họ không bị coi là một người chủ ngu ngốc của một công trình xây dựng, tức người đã dựa vào những tính toán sai lạc và không ở trong tình trạng hoàn thành cây tháp mà mình đã khởi công xây dựng.

Tại sao có quá nhiều người tị nạn và di cư?

Trong mối liên hệ đến việc cử hành Đại Năm Thánh mừng kỷ niệm 2.000 năm kể từ ngày các Thiên Thần công bố nền hòa bình tại Bêlem, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã nhắc tới con số những người tị nạn ngày càng lớn như là hệ quả của một “loạt những cuộc chiến tranh, xung đột, diệt chủng và sự ´thanh trừng các sắc tộc mà chúng đã để lại nhiều dấu ấn trong thế kỷ XX”. Cho tới nay, thế kỷ mới vẫn chưa mang đến một bước chuyển biến thực sự: những cuộc xung đột vũ trang và những hình thức bạo lực có tổ chức khác vẫn đang tiếp tục là nguyên nhân dẫn tới việc di cư của dân chúng trong nội hạt từng quốc gia và vượt ra bên ngoài những ranh giới của mỗi quốc gia.

Nhưng người ta cũng di cư vì nhiều lý do khác. Một trong những lý do đó, trước tiên là “khát vọng muốn có một cuộc sống tốt hơn, và cũng thường liên kết với cố gắng để lại đàng sau mình ´nỗi tuyệt vọng` về điều đã ngăn cản họ trong việc kiến tạo một tương lai” (ĐTC Bênêđictô XVI, Sứ Điệp Nhân Ngày Quốc Tế Di Dân 2013). Người ta lên đường để tái hiệp nhất với gia đình mình, để tìm kiếm những cơ hội lao động và học tập. Ai không sở hữu những quyền lợi đó thì người đó đang không được sống trong hòa bình. Ngoài ra, “thật là bi ai”, như Cha đã nhấn mạnh trong thông Điệp Laudato si’, “sự gia tăng những người di cư đã phải trốn chạy trước nỗi khốn cùng, và nỗi khốn cùng ấy càng ngày càng trở nên tồi tệ hơn vì sự hủy hoại môi trường”.

Nhiều người đã và đang di cư theo cách thức thông thường, trong khi đó một số người lại đi theo cách khác, đặc biệt là vì sự tuyệt vọng, khi đất nước quê hương đã không giới thiệu cho họ cả sự an toàn lẫn viễn tượng về tương lai, và bất cứ con đường hợp pháp nào cũng đều có vẻ như không thể đi được, bị ngăn chặn hay quá chậm.

Một mỹ từ đang phát tán rộng rãi tại những quốc gia đích đến, mà mỹ từ ấy, với sự cường điệu, muốn nhấn mạnh tới những rủi ro cho sự an ninh quốc gia, hay nhấn mạnh tới những gánh nặng phát sinh từ việc đón nhận những người mới đến. Nhưng như vậy thì nhân phẩm đang bị coi thường, trong khi người ta phải nhìn nhận nhân phẩm nơi mỗi con người, vì mọi người đều là con cái Thiên Chúa. Tất cả những ai – có lẽ vì những mục đích thuần chính trị – mà sợ hãi đối với các di dân, thì họ đều đang rắc gieo bạo lực, đang rắc gieo chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và thái độ thù nghịch đối với người nước ngoài, thay vì kiến tạo hòa bình. Điều này đang khiến cho tất cả những ai mà việc bảo vệ từng người một đang là điều canh cánh bên lòng họ, phải rất lo lắng.

Tất cả mọi kiến thức mà cộng đồng quốc tế đang có sẵn đó, đều chỉ cho thấy rằng, những phong trào di cư toàn cầu vẫn sẽ tiếp tục xác định tương lai của chúng ta. Một số người nhìn những phong trào đó như là một mối đe dọa. Tuy nhiên,  tôi xin những quý vị ấy, hãy nhìn những phong trào đó với một cái nhìn tin tưởng và tín thác, và hãy coi đó như là một cơ hội để kiến tạo một tương lai đầy hòa bình.

Với cái nhìn chiêm ngưỡng

Sự khôn ngoan của Đức Tin làm cho cái nhìn này trở nên sắc sảo, mà cái nhìn ấy đang ở trong tình trạng sẵn sàng để nhận ra rằng, tất cả chúng ta “đều cùng thuộc về một gia đình duy nhất, các di dân và các dân tộc đón nhận họ, và tất cả đều có cùng một quyền lợi như nhau trong việc sử dụng những điều thiện hảo của trái đất, và những điều thiện hảo đó được xác định là phổ quát, như học thuyết xã hội của Giáo hội đã minh thị. Tình liên đới và sự sẻ chia có nền tảng căn bản của mình ở đấy” (ĐTC Bênêđictô XVI, Sứ Điệp nhân Ngày Quốc Tế Di Dân 2010). Những lời trên nhắc cho chúng ta tái nhớ tới hình ảnh Giê-ru-sa-lem mới. Sách Ngôn Sứ Isaia (chương 60) và sau đó là sách Khải Huyền của Thánh Gio-an (chương 21) đã mô tả Giê-ru-sa-lem ấy như là một thành thánh mà mọi cánh cửa của nó luôn luôn được mở rộng để cho phép tất cả mọi người thuộc mọi dân nước bước vào; họ ngưỡng mộ thành thánh và lấp đầy thành thánh bằng những điều phong phú của mình. Hòa bình chính là hoàng đế lãnh đạo họ, và công lý chính là nguyên tắc căn bản xác định cuộc chung sống giữa họ.

Ngay cả những thành thị mà chúng ta đang sống trong đó, chúng ta cũng phải nhìn xem chúng với một cái nhìn chiêm ngưỡng như thế, “nó có nghĩa là với một cái nhìn Đức Tin […], cái nhìn đó sẽ khám phá ra Thiên Chúa, Đấng cư ngụ trong các căn nhà, trên những nẻo đường và tại những quảng trường của thành phố ấy […] [và] thúc đẩy tình liên đới, tình huynh đệ và niềm khát khao sự thiện, khát khao chân lý và công lý” (Tông Huấn Evangelii Gaudium, 71), hay với những lời khác: Đấng hiện thực hóa lời hứa ban hòa bình.

Khi chúng ta nhìn xem các di dân và những người tị nạn, thì một cái nhìn như thế sẽ có thể khám phá ra rằng, họ không đến với đôi bàn tay trắng: bên cạnh nét đặc trưng đầy quý giá thông qua những nền văn hóa nơi quê hương của họ, họ còn mang đến một mức độ cao về sự can đảm và khả năng hành động, một mức độ cao nơi những khả năng và những mong chờ. Bằng cách này, họ làm phong phú hóa cho các quốc gia đã đón nhận họ. Một cái nhìn như thế cũng có thể nhận ra tính sáng tạo, sự bền vững và sự sẵn sàng hy sinh của vô vàn con người, gia đình và cộng đồng, mà họ mở những cánh cửa và con tim ra cho những người di cư và những người tị nạn trên khắp trái đất, kể cả ở những nơi có nguồn tài nguyên ít ỏi.

Sau cùng, cái nhìn chiêm ngưỡng này cũng có thể hướng dẫn những người mang trách nhiệm của đời sống chung trong những phán quyết của họ, đến độ chính sách đón nhận sẽ được mở rộng ở mức độ cao nhất, “cho tới bao lâu sự phồn thịnh của cộng đồng còn cho phép” (Pacem in Terris, 106), và đồng thời, những nhu cầu của tất cả các thành viên của một gia đình nhân loại và niềm hạnh phúc của từng cá nhân sẽ được họ lưu ý.

Ai được gây phấn chấn bởi cái nhìn này, người ấy sẽ nhận ra những chồi non đầu tiên của hòa bình mà chúng đã nhú mầm rồi, và người ấy cũng sẽ lo lắng cho sự phát triển của những mầm non ấy. Và như thế người ấy sẽ biến những thành thị của chúng ta, mà những thành thị ấy thường xuyên bị phân hóa và phân cực bởi những cuộc xung đột vì sự hiện diện của các di dân và những người tị nạn, thành một nơi kiến tạo hòa bình.

Bốn trụ cột đối với hành động của chúng ta

Để trao cho những người đang tìm kiếm nơi trú ẩn, những người tị nạn, các di dân và những nạn nhân của nạn buôn người một khả năng để tìm thấy được sự hòa bình mà họ đang tìm kiếm, cần tới một chiến dịch mà nó liên kết bốn hành động sau đây lại với nhau: đón nhận, bảo vệ, thúc đẩy và hội nhập.

Đón nhận” gợi nhớ tới sự cần thiết phải phổ biến những khả năng để có được những cuộc hành trình hợp pháp, để không ép buộc những người tị nạn và những người di cư phải quay trở về lại với những nơi mà tại đó sự bách hại và bạo lực đang đe dọa họ, và làm cho mối quan tâm đối với sự an ninh của xã hội qua việc bảo vệ những quyền lợi căn bản của con người trở nên vững vàng. Kinh Thánh nhắc nhớ chúng ta rằng: “Anh chị em đừng quên tỏ lòng hiếu khách, vì nhờ vậy, có những người đã được tiếp đón các Thiên Thần mà không biết!” (Dt 13,2).

Bảo vệ” nhắc nhớ tới bổn phận phải nhìn nhận và bảo vệ phẩm giá bất khả xâm phạm của tất cả những ai đang phải chạy trốn trước một mối nguy hiểm thực sự để tìm kiếm nơi trú ẩn cũng như sự an toàn, cũng như bổn phận phải ngăn chặn tất cả những gì muốn bóc lột họ. Ở đây, Cha nghĩ một cách đặc biệt tới các phụ nữ và những em nhỏ đang ở trong những trạng huống mà trong đó họ đang bị đặt trước những mối nguy hiểm và những sự lạm dụng đến độ trở thành nô lệ. Thiên Chúa không kỳ thị bất cứ ai: “Chúa phù trợ những khách ngoại kiều, Người nâng đỡ cô nhi quả phụ” (Tv 146,9)

Thúc đẩy” sẽ lưu ý tới sự hỗ trợ trong sự phát triển toàn diện con người của những di dân và của những người tị nạn. Trong số rất nhiều những phương tiện mà chúng có thể giúp đỡ trong việc này, Cha muốn nhấn mạnh tới việc phải làm sao để bảo đảm rằng, tất cả các em nhỏ và những người trẻ đều có thể tiếp cận được với tất cả các cấp độ giáo dục, và đó là điều quan trọng biết chừng nào. Bằng cách đó, họ sẽ không chỉ có thể tiếp tục phát triển và mở rộng những khả năng riêng của mình, nhưng cũng còn ở trong tình trạng đi đến với người khác trong tinh thần đối thoại chứ không phải trong tinh thần dựng lên những vách ngăn và sự đương đầu. Thánh Kinh dậy rằng: Thiên Chúa “yêu thương những ngoại kiều và ban cho họ lương thực và quần áo”. Vì thế, Kinh Thánh cảnh báo: “Anh em phải yêu thương ngoại kiều, vì anh em đã từng là ngoại kiều ở đất Ai-cập” (Đnl 10,18-19).

Sau cùng, “hội nhập” có nghĩa là tạo điều kiện cho những người tị nạn và cho các di dân để họ tham dự hoàn toàn vào cuộc sống của xã hội đã đón nhận họ – trong một sự năng động của việc làm phong phú hóa lẫn cho nhau cũng như của việc cộng tác đầy phong nhiêu trong sự thúc đẩy phát triển con người toàn diện tại những cộng đồng địa phương. Vì thế, Thánh Phao-lô viết: “Anh em không còn phải là người xa lạ hay người tạm trú, nhưng là người đồng hương với các Thánh và là người nhà của Thiên Chúa” (Eph 2,19).

Một đề nghị trong mối tương quan với hai công ước quốc tế

Với trọn tấm lòng, Cha mong ước rằng, tinh thần này sẽ xác định một tiến trình mà trong suốt năm 2018, tiến trình đó sẽ dẫn tới chỗ rằng, Liên Hiệp Quốc sẽ xác định và thông qua hai công ước quốc tế – một cho sự di dân an toàn, trật tự và hợp phá, và một cho những người tị nạn. Với tư cách là những hiệp ước thuộc bình diện toàn cầu, hai công ước này có ý nghĩa như là một hệ thống quy chiếu quan trọng cho những đề xuất về chính sách cũng như là những biện pháp thực hành. Vì thế, điều quan trọng là chúng sẽ được gợi hứng bởi những cảm nhận, bởi cách nhìn xa trông rộng và bởi sự can đảm, để cho bất cứ cơ hội nào cũng đều được tận dụng hầu đưa sự kiến tạo hòa bình tiến về phía trước. Chỉ như thế mới có thể làm cho óc thực tế cần thiết của những chính sách quốc tế không trở thành nạn nhân của sự giễu cợt và của sự toàn cầu hóa về sự thờ ơ lãnh đạm.

Trong thực tế, sự đối thoại và sự phối hợp được coi là một sự cần thiết cũng như là bổn phận sống còn của cộng đồng quốc tế. Ngay cả những quốc gia ít giầu có cũng vẫn có thể đón nhận một số lớn những người tị nạn, hay có thể đón nhận tốt hơn, nếu việc chuẩn bị sẵn sàng những phương tiện cần thiết được đảm bảo thông qua sự cộng tác quốc tế, và điều này sẽ trở nên có thể, vượt ra bên ngoài những ranh giới của mỗi quốc gia.

Phân ban phụ trách các di dân và những người tị nạn của Thánh Bộ Phục Vụ việc Phát Triển Toàn Diện Con Người đã đề nghị 20 điểm hành động, mà những điểm hành động đó sẽ giúp làm cho bốn điều được gọi là bốn động từ nêu trên được tiến hành trên bình diện chính sách, cũng như trong sự dấn thân và trong các hành động của các cộng đoàn Ki-tô giáo. Những điểm đó và những đóng góp khác muốn diễn tả mối quan tâm của Giáo hội Công giáo trước tiến trình mà nó sẽ dẫn tới sự vận dụng cả hai công ước quốc tế của Liên Hiệp Quốc. Mối quan tâm này phản ánh một sự chăm sóc mục vụ chung mà nó được khởi phát cùng với Giáo hội và tiếp tục thông qua muôn vàn những công việc trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta.

Cho ngôi nhà chung của chúng ta

Những lời của Thánh Gioan Phaolô II sẽ gợi hứng cho chúng ta: “Nếu nhiều người cùng chia sẻ ´giấc mơ` về một thế giới hòa bình, và những đóng góp đầy giá trị của các di dân và của những người tị nạn được quý trọng, thì rồi càng ngày nhân loại sẽ càng trở thành một gia đình của tất cả, và thế giới của chúng ta sẽ trở thành một ´ngôi nhà chung` thực sự” (Sứ Điệp Nhân Ngày Quốc Tế Di Dân 2004). Nhiều người trong lịch sử đã tin vào “giấc mơ” đó, và biết bao nhiêu người đã làm chứng rằng, ở đây hoàn toàn không phải là một điều không tưởng phi thực tế.

Thánh Phanxica Xaviera Cabrini, tức vị Thánh mà ngày qua đời lần thứ 100 của Ngài được cử hành trong năm 2017 này, phải được kể vào trong số những người đó. Hôm nay, ngày 13 tháng 11, nhiều cộng đoàn Giáo hội đã cử hành việc kính nhớ Ngài. Người phụ nữ nhỏ nhắn nhưng quả cảm này, tức người đã trao hiến cả cuộc đời mình cho việc phục vụ các di dân, và rồi trên Thiên Đàng, đang là Nữ Bổn Mạng của họ, đã dậy cho chúng ta biết cách làm sao để có thể đón nhận, bảo vệ, thúc đẩy và hội nhập những người anh chị em đó. Nhờ lời cầu bầu của Thánh Nữ, ước gì Thiên Chúa ban cho tất cả chúng ta đều có được kinh nghiệm này: “Hoa trái công chính được rắc gieo trong hòa bình cho những người kiến tạo hòa bình.”

Từ Vatican ngày 13 tháng 11 năm 2017
Nhân dịp Lễ kính nhớ Thánh Phan-xi-ca Xaviera Cabrini
Nữ Bổn Mạng của các Di Dân
(Sứ Điệp được công bố vào ngày 24 tháng 11 năm 2017)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *