Cuộc chiến chống bệnh phong, bệnh lao, và kỳ thị xã hội của các nữ tu ở Bangladesh

Từ lâu, nhiều nơi trên thế giới, đã xem bệnh phong cùi là một “lời nguyền rủa” vì sự lây nhiễm của nó, mức độ tàn tật thể chất nặng nề mà nó gây cho bệnh nhân, cũng như tỷ lệ tử vong tương đối cao. Tuy nhiên, ngày nay bệnh phong là một căn bệnh có thể chữa được, nếu được phát hiện sớm và chữa trị. Tại Bangladesh, một nước đông dân và nghèo khổ, trong nhiều thập niên, bệnh phong cùi cũng bị xem như một thứ dịch hạch. Tuy nhiên các chương trình của chính quyền và các tổ chức y tế thế giới đã giúp để quốc gia này không còn những người bị bệnh phong nữa. Trong khi đó, bệnh lao vẫn được xem là mối đe dọa đối với sức khỏe công cộng tại Bangladesh. Nước này đứng thứ 6 trong sô 22 quốc gia có nguy hiểm bùng phát bệnh lao phổi. Hiện tại, cứ 100 ngàn người thì có 225 người bị lây nhiễm và hang năm có 45 người chết vì căn bệnh này.

Hiện nay, trung tâm y tế Damian House do các Nữ tu truyền giáo Đức Maria Vô nhiễm nguyên tội điều hành, chăm sóc chữa trị miễn phí cho các bệnh nhân phong cùi và lao phổi ở miền nam Bangladesh.  Qua một thời gian hoạt động, giúp chữa trị cho các bệnh nhân phong, vào năm 2001, các nữ tu nhận thấy số bệnh nhân trong vùng giảm xuống nhiều, nhưng con số bệnh nhân bị lao lại gia tăng. Trung tâm y tế của các sơ đã nhanh chóng thành lập một phân khoa chữa trị bệnh lao. Năm 2012, các sơ cũng mở một khoa chữa trị cho các bệnh nhân bị nhiễm virus HIV và bị bệnh sida. Mỗi năm, các sơ chữa trị cho gần 400 bệnh nhân nội trú, trong khi số bệnh nhân được khám bệnh và phát thuốc lên đến khoảng 11 ngàn người.

Monjur Sheikh, 81 tuổi, là một người Hồi giáo ở quân Bagerhat. Năm 1975, ông bắt đầu bị nhiễm trùng bởi những vết trầy trên da, và ông bị đau nhức và sốt. Ông Sheik đã đi khám bệnh với nhiều bác sĩ, nhưng những cách chữa trị của họ càng làm cho bệnh tình của ông thêm tệ hơn và khiến ông lo sợ, và cuối cùng ông hết hy vọng khi thấy dáng vẻ của mình ngày càng sa sút trầm trọng. Không lâu sau, ông nhận ra mình bị phong cùi, nhưng ông không biết phải làm gì và đi đâu.

Sau cả chục năm chịu đau đớn và bị nhục mạ vì mắc bệnh phong, ông Sheik nghe nói về một bệnh viện ở Daspara, một ngôi làng gần quân Khulna, do các nữ tu điều hành. Ông đã tìm đến Damian House, một trung tâm y tế mới mở do các nữ tu truyền giáo Đức Maria Vô nhiễm nguyên tội thành lập để chăm sóc cho các bệnh nhân nghèo ở miền nam Bangladesh. Trung tâm này là đứa con tinh thần của sơ Rosa Sozzi. Sơ Rosa đã làm việc cho một dự án chữa trị bệnh phong ở miền bắc Bangladesh và sau đó sơ đã quyết định chuyển xuống miền nam. Năm 1998, sơ Rosa bị bệnh và trở về lại Ý, sau đó sơ qua đời vào tháng 10.

Ông Sheik kể lại: “Tôi nhớ ngày đầu tiên tôi gặp sơ Rosa và sơ đã bắt đầu chữa trị cho tôi. Tôi thường ở lại đó và uống các thuốc mà họ cho tôi. Nếu không có sự giúp đỡ của các nữ tu tuyệt vời này, tôi không biết tôi có còn sống được không.” Các nữ tu không chỉ chăm sóc và chữa trị bệnh trên da cho ông Sheik, họ còn dạy ông cách để chiến thắng những định kiến và sự kỳ thị của xã hội đối với người bệnh phong. Ông Sheik nhớ lại: “Ngay cả người thân của tôi cũng xa lánh tôi vì họ sợ bị lây bệnh. Họ thường nguyền rủa tôi và nói những lời rất tồi tệ. Nhưng các nữ tu thì khác. Họ không chỉ chữa trị cho tôi mà còn gây ý thức nơi những người khác, thuyết phục những người trẻ đừng sợ hãi và đừng đối xử tàn tệ với những bệnh nhân phong cùi như ông.

Maria Begum là một bà mẹ trẻ 25 tuổi theo Hồi giáo, di cư từ quận Barisal đến quận Khulna đã được 9 năm, cũng thường xuyên đến Damian House để được chữa bệnh lao phổi. Cô Begum kể: “Khoảng một năm trước đây tôi bị những trận ho khủng khiếp. Tôi đã đến đây gặp các nữ tu và tôi được biết mình bị lao. Tôi được chữa bệnh, uống thuốc và từ đó đến nay tôi thấy tình trạng của mình ngày càng khá hơn.” Bên cạnh việc khám bệnh và phát thuốc miễn phí, các nữ tu còn trợ giúp cho cô Begum bằng cách cung cấp cho con nhỏ của cô thực phẩm, gạo, đậu và đường hàng tháng. Cô Begum chia sẻ: “Trước khi tôi đến trung tâm y tế Damian House của các nữ tu, tôi đã đi khám bệnh tại các bác sĩ địa phương và tiêu tốn thật nhiều tiền bác, nhưng mà không ăn thua gì. Còn ở đây, tôi không tiêu tốn một xu nào. Tuy thế tôi được sức khỏe tốt và gia đình tôi được chăm sóc, nhờ các nữ tu.”

Trong nhiều thập kỷ, trung tâm y tế của các sơ hoạt động được là nhờ những sự đóng góp quảng đại của nhiều ân nhân trên thế giới. Cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008-2009 ảnh hưởng đến các nguồn tài trợ. Các nữ tu lo lắng vì sự giảm sút này có nghĩa là người nghèo sẽ bị đau khổ, vì những người nghèo dựa trên việc chữa trị miễn phí của các sơ. Tuy thế, các sơ tin rằng mình đang làm việc cho Chúa và các sơ sẽ tìm được cách tiếp tục giúp cho người nghèo bao lâu họ còn cần đến các sơ. (La Croix 09/052018)

Hồng Thủy

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *