Chuỗi Kinh cầu nguyện trong cơn Đại dịch Covid-19
Lời Chúa: Tb 6,10-11 ; 7,1.9-17 ; 8,4-8 (Năm Lẻ), 2 Tm 2,8-15 (Năm Chẵn), Mc 12,28b-34
Bài trích sách Tô-bi-a.
Hồi đó, khi đã tới xứ Mê-đi và gần đến Éc-ba-tan, thiên sứ Ra-pha-en nói với cậu Tô-bi-a : “Em Tô-bi-a !” Cậu đáp : “Em đây !” Thiên sứ bảo : “Đêm nay, chúng ta phải trọ nhà ông Ra-gu-ên. Ông này là bà con của em và có cô con gái tên là Xa-ra.
Khi vào tới Éc-ba-tan, Tô-bi-a nói với thiên sứ Ra-pha-en : “Anh A-da-ri-a, xin anh dẫn em tới thẳng nhà ông Ra-gu-ên, người anh em của chúng tôi.” Và thiên sứ dẫn cậu tới nhà ông Ra-gu-ên. Thấy ông đang ngồi ở cửa sân, họ chào ông trước. Ông đáp : “Chào các anh ! Chúc các anh mạnh khỏe !” Rồi ông dẫn họ vào nhà.
Tắm rửa xong, họ vào bàn, nghiêng người xuống để dùng bữa. Cậu Tô-bi-a nói với thiên sứ Ra-pha-en : “Anh A-da-ri-a, xin anh nói với ông Ra-gu-ên gả cô em gái Xa-ra cho em !” Nghe lời ấy, ông Ra-gu-ên bảo cậu thanh niên : “Này cháu, cháu cứ ăn uống qua đêm nay cho thoải mái, vì ngoài cháu ra, không ai có quyền cưới Xa-ra, con gái của chú, cũng như chú đây không có quyền gả cho người đàn ông nào khác ngoài cháu, vì cháu là người bà con gần nhất của chú. Nhưng này cháu, nhất định chú phải cho cháu biết sự thật : Chú đã gả nó cho bảy người trong số anh em của chúng ta, nhưng người nào cũng chết ngay trong đêm đến với nó. Vậy bây giờ, này cháu, cháu cứ ăn uống đi, rồi Đức Chúa sẽ xếp đặt cho chúng con. Tô-bi-a nói : “Cháu sẽ không ăn uống gì kể từ bây giờ, cho đến khi chú định đoạt về chuyện của cháu.” Ông Ra-gu-ên nói : “Thì chú đang làm đây. Em nó được gả cho cháu là chiếu theo phán quyết của sách Mô-sê, và em nó được gả cho cháu cũng là do Trời định. Vậy cháu hãy đón nhận cô em cháu đây. Từ nay, cháu là anh nó và nó là em của cháu. Từ hôm nay và mãi mãi, nó được gả cho cháu. Con ơi ! Đức Chúa trên trời sẽ cho chúng con đêm nay được toại nguyện ; Người sẽ thương xót và cho chúng con được bình an.” Rồi ông Ra-gu-ên gọi Xa-ra, con gái ông. Cô đến bên ông ; ông cầm lấy tay cô, trao cho Tô-bi-a và nói : “Con hãy đón nhận em con chiếu theo Lề Luật và phán quyết ghi trong sách Mô-sê dạy phải cho nó làm vợ của con. Hãy lấy nó và đưa nó an lành mạnh khoẻ về nhà cha con ; xin Thiên Chúa trên trời ban cho chúng con được bình an !” Ông gọi mẹ cô và bảo đem giấy tới rồi viết tờ hôn thú cam kết là đã gả cô cho cậu chiếu theo phán quyết của Luật Mô-sê.
Sau đó, họ bắt đầu ăn uống. Ông Ra-gu-ên gọi bà Ét-na, vợ ông, và nói : “Này em, em đi dọn một phòng khác rồi dẫn Xa-ra tới đó đi.” Bà đi vào phòng trải giường như ông đã nói, và dẫn con vào. Bà oà lên khóc vì số phận cô, rồi lau nước mắt và nói với cô : “Con ơi, hãy tin tưởng ! Xin Đức Chúa trên trời cho buồn phiền của con biến thành hoan lạc. Cứ tin tưởng đi con !” Sau đó bà đi ra.
Khi thân nhân đã ra khỏi phòng và đóng cửa lại, Tô-bi-a ngồi dậy, ra khỏi giường và nói với Xa-ra : “Đứng lên, em ! Chúng ta hãy cầu nguyện, nài xin Đức Chúa để Người xót thương và ban ơn cứu độ cho chúng ta !” Cô đứng lên, rồi cả hai bắt đầu cầu nguyện và nài xin cho mình được cứu độ. Tô-bi-a bắt đầu như sau :
“Lạy Thiên Chúa của tổ tiên chúng con.
Xin chúc tụng Chúa, xin chúc tụng Thánh Danh
đến muôn thuở muôn đời !
Các tầng trời và toàn thể công trình của Chúa
phải chúc tụng Chúa đến muôn thuở muôn đời !
Chính Chúa đã dựng nên ông A-đam,
dựng nên cho ông một người trợ giúp và nâng đỡ
là bà E-và, vợ ông.
Và dòng dõi loài người đã sinh ra từ hai ông bà.
Chính Chúa đã nói :
‘Con người ở một mình thì không tốt.
Ta sẽ làm cho nó một người trợ giúp giống như nó.’
Giờ đây, không phải vì lòng dục, mà con lấy em con đây,
nhưng vì lòng chân thành.
Xin Chúa đoái thương con và em con
cho chúng con được chung sống bên nhau đến tuổi già.”
Rồi họ đồng thanh nói : “A-men ! A-men !”
✠ Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô (Mc 12,28b-34)
28b Khi ấy, có một người trong các kinh sư đến gần Đức Giê-su và hỏi rằng : “Thưa Thầy, trong mọi điều răn, điều răn nào đứng hàng đầu ?” 29 Đức Giê-su trả lời : “Điều răn đứng hàng đầu là : Nghe đây, hỡi Ít-ra-en, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. 30 Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi. 31 Điều răn thứ hai là : Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Chẳng có điều răn nào khác quan trọng hơn các điều răn đó.” 32 Ông kinh sư nói với Đức Giê-su : “Thưa Thầy, hay lắm, Thầy nói rất đúng. Thiên Chúa là Đấng duy nhất, ngoài Người ra không có Đấng nào khác. 33 Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức lực, và yêu người thân cận như chính mình, là điều quý hơn mọi lễ toàn thiêu và hy lễ.” 34 Đức Giê-su thấy ông ta trả lời khôn ngoan như vậy, thì bảo : “Ông không còn xa Nước Thiên Chúa đâu !” Sau đó, không ai dám chất vấn Người nữa.
Điều răn trọng nhất (06.06.2024)
“Chẳng có điều răn nào khác quan trọng hơn các điều răn đó.”
Bài Tin Mừng hôm nay kể lại việc một người thông luật đến hỏi Chúa Giêsu về điều răn quan trọng nhất. Chúa Giêsu đã không trả lời trực tiếp về giới răn nào trong thập điều, nhưng đưa ra hai điều tóm tắt tất cả mọi lề luật, đó là mến Chúa và yêu người.
Chúa Giêsu không chỉ tóm thập điều thành hai điều căn bản mà còn nâng giới luật yêu thương lên tầm quan trọng ngang hàng với việc kính Chúa: Yêu mến Thiên Chúa HẾT LÒNG, HẾT LINH HỒN, HẾT TRÍ KHÔN và HẾT SỨC LỰC.
– Hết lòng: Nghĩa là với cả cái tâm của mình, với cả trái tim của mình, nghĩa là với cả ý chí và tự do.
– Hết linh hồn: Linh hồn luôn hướng lên Chúa trong cầu nguyện tâm sự với Chúa, tham dự Thánh lễ và các giờ kinh, cùng những bổn phận trong đời sống đạo.
– Hết trí khôn: Với cả tri thức và ý thức trong mọi việc mình làm thể hiện tình yêu với Chúa.
– Hết sức lực: Phải luôn yêu mến và tạ ơn Chúa trong mọi hoàn cảnh, khi mạnh khoẻ cũng như đau yếu, ngay cả khi trong giờ lâm tử.
Như vậy, tình mến dành cho Chúa là ưu tiên hàng đầu trong việc sống đạo, với tâm tình của một người con của Thiên Chúa.
Yêu người thân cận NHƯ CHÍNH MÌNH. Có ai chán ghét, bỏ bê bản thân mình bao giờ? Chúa Giêsu dạy chúng ta: “Tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta.” (Mt 7,12) Thế nhưng đó mới chỉ là yêu tha nhân bằng mình, mà chúng ta thực hành được đã là chu toàn lề luật rồi. Nhưng sẽ càng tốt hơn khi chúng ta dám yêu tha nhân hơn cả chính mình, đó mới thực sự nên giống Chúa Giêsu, Đấng đã dám thí mạng mình vì yêu, Đấng đã chịu đói khát cho chúng ta được giàu sang. Đó là mức độ cao nhất trong tình yêu.
Tình yêu không phải chỉ thương ở trong lòng hay là lời nói nơi đầu môi chót lưỡi, nhưng phải yêu thương cách chân thật và bằng việc làm. Làm sao ta có thể hiến mạng sống mình vì anh em, nếu như không tập từ những cái nhỏ như: mong muốn người khác được hạnh phúc, vui, sướng, “được sống và sống dồi dào hơn”. Vui với họ, buồn cùng họ. Chia sẻ từng miếng cơm, từng tấm áo, từng lời động viên, an ủi, cũng như không nói hành nói xấu người khác… Làm được những điều nhỏ nhoi như thế, thì ta đã yêu thương họ cách chân thành.
Mến Chúa và Yêu Người là hai tương quan của một nhân vị, vừa mang chiều kích tôn giáo vừa mang chiều kích xã hội. Con người sống tương quan hàng dọc với Thiên Chúa và tương quan hàng ngang với tha nhân. Người Kitô hữu sống mầu nhiệm đức ái bao gồm hai chiều kích này không thể tách rời nhau: Không thể nói mến Chúa mà lại không yêu người, chính thánh Gioan Tông đồ cũng đã khẳng định điều đó.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho con luôn thấy Chúa hiện diện nơi mọi người chúng con gặp gỡ, để khi thực thi đức bác ái yêu thương với đồng loại, chúng con biết rằng, chúng con đang làm vì lòng yêu mến Chúa và có sức cứu độ các linh hồn. Amen.
Joston
Chỉ vì Yêu (08.06.2023)
Tất cả các tôn giáo đều rao giảng tình yêu. Tất cả các đảng phái chính trị đều phô trương tình liên đới. Tất cả mọi người, đàn ông cũng như đàn bà, đều ước mong yêu mến và được mến yêu.. Thế nhưng, xã hội chúng ta lại đầy dẫy những thất bại của tình yêu. Báo chí, truyền hình, đài phát thanh.. mỗi ngày đều nói đến những cuộc phản bội, đối đầu, bạo lực, và chiến tranh. Như thế, khi lớn tiếng kêu gọi: Anh em hãy yêu thương nhau, phải chăng Chúa Giêsu đã quá ngây thơ lặn lội rao giảng, trong một thế giới quá khắc nghiệt, tàn nhẫn, Tin Mừng Tình Yêu của ngài ?-
Thực ra, “yêu thương” là một từ ngữ rất mơ hồ, tối nghĩa. Nó có thể bao gồm những thực tại đẹp đẽ nhất và xấu xa nhất. Tuy nhiên, trong bài Phúc Am hôm nay, Chúa Giêsu đã xác định rõ ràng những điều kiện để có thể yêu thương thực sự. Ngài muốn tránh cho chúng ta những hiểu lầm đáng tiếc, những ngộ nhận về tình yêu Thiên Chúa và tình yêu anh em.
Trước hết, khi nói yêu mến Thiên Chúa, chúng ta hãy coi chừng sự mơ hồ tình yêu của chúng ta. Nếu chúng ta chỉ yêu mến Thiên Chúa trong một góc nhỏ của con tim, trong một phần bé nhỏ của cuộc đời, thì chúng ta không thực sự yêu mến theo như Chúa Giêsu. Ngài nói:” Con hãy yêu mến Thiên Chúa của con hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn, và hết sức con”. Như thế, chỉ yêu mến một chút thì không đủ. Thỉnh thoảng đi xem lễ, đọc một vài kinh vào buổi tối… thì không phải là yêu mến. Tình yêu Thiên Chúa phải bao trùm tất cả cuộc đời chúng ta. Yêu mến Thiên Chúa với tất cả trí khôn, với tất cả ý chí, với tất cả tình cảm, trong tất cả các quyết định. Yêu mến Thiên Chúa từ đỉnh đầu cho đến bàn chân, từ sáng sớm cho đến chiều tà, từ khi còn bé cho đến khi tóc bạc, răng long, từ đời sống nội tâm cho đến những trách nhiệm và hoạt động bên ngoài. Cho dù có nói gì đi nữa, chúng ta sẽ không yêu mến Thiên Chúa thực sự, nếu chúng ta không tôn trọng thánh ý ngài trong gia đình, nơi làm việc, trong những khi giải trí, trong khi chọn sách để đọc, phim ảnh để xem, chọn những nơi và những người chúng ta thường lui tới. Theo Chúa Giêsu, tình yêu Thiên Chúa phải lấp đầy cả cuộc đời chúng ta.
Rồi đến tình yêu tha nhân càng dễ bị đánh lừa hơn nữa. Tình yêu nầy càng dễ bị bóp méo, dễ bị làm biến dạng hơn tình yêu Thiên Chúa. Khi nói yêu mến một người, chúng ta yêu mến người đó vì chúng ta, để lợi dụng… hay là chính vì người đó thực sự ?- Coi chừng đó là tình yêu của chó sói đối với con cừu non. Ngược lại, khi một bà mẹ yêu mến con mình, bà có thể hy sinh cho con. Đối với Chúa Giêsu, thật là rõ ràng, chỉ có tình yêu đích thực, khi trao hiến mạng sống cho người mình yêu. “ Hãy yêu mến tha nhân như chính mình con”, nghĩa là một tình yêu biết tôn trọng hạnh phúc người như là hạnh phúc của chính mình. Đó là khuôn vàng thước ngọc của tình yêu chân chính: “ Tất cả những gì các con muốn người khác làm cho các con, hãy làm cho họ đi”. Như thế, không phải chỉ nói: “tôi yêu anh” là đủ, mà còn phải kiểm chứng lại xem đã yêu thương bằng thứ tình yêu nào. Tình yêu ích kỷ, hay tình yêu hy sinh, phục vụ ?
Tình yêu Thiên Chúa là bảo đảm cần thiết cho tình yêu nhân loại. Khả năng hy sinh cho Thiên Chúa là sự bảo đãm, là sự xác nhận, là bước đầu tập luyện những sự từ bỏ của chúng ta cho tình yêu anh em. Không thể thay thế cho nhau, hai giới răn nầy củng cố cho nhau. Nếu muốn trung thành với Chúa Giêsu, chúng ta không thể chỉ yêu mến Thiên Chúa, chúng ta cũng phải yêu mến anh em. Nhưng chúng ta không thể chỉ yêu mến anh em, chúng ta cũng phải yêu mến Thiên Chúa nữa.
Hiểu như thế, thì sở dĩ ngày nay có biết bao tình yêu tan rả, phải chăng là vì người ta đã quên Phúc Am. Lời Chúa cũng liên quan đến chúng ta. Không ai trong chúng ta yêu thực sự như Chúa Giêsu đã yêu Chúa Cha và nhân loại. Vì thế, chúng ta hãy thường xuyên nuôi dưởng chính mình bằng Lời và cuộc sống của ngài, để có thể tránh những hiểu lầm trong tình yêu. Mỗi thánh lễ đều nhắc nhở chúng ta về kiểu mẫu tình yêu nầy của Chúa Giêsu. Ngài đã yêu thương đến cùng, cho đến chết trên thập giá để cứu chuộc chúng ta.
Điều răn huyền nhiệm (03.06.2021)
Lễ Nhớ Thánh Ca-rô-lô Loan-ga và các bạn, tử đạo
Chúng ta có nhận thấy điểm đặc biệt gì về các bậc vĩ nhân trên thế giới, những người đã có nhiều phát minh cống hiến cho nhân loại như ở nước Pháp có nhà khoa học Blaise Pascal thế kỷ 17, nhà vật lý André Maria Ampère thế kỷ 18, Louis Pasteur thế kỷ 19 cha đẻ của vi khuẩn và vaccin…họ là những người có bề ngoài bình thường nhưng được ban trí thông minh vượt bực, nhờ vậy mà ngày nay tất cả bé sơ sinh đều được tiêm ngừa vaccin phòng bệnh, hệ thống máy tính ra đời…các thành quả nhằm phục vụ con người. Điều gì làm cho các ông ấy dù rất bận rộn trong việc nghiên cứu khoa học vẫn tranh thủ thời gian riêng tư để cầu nguyện, lần chuỗi Mân Côi trong sự khâm phục và yêu mến Thiên Chúa. Có phải các nhà khoa học, bác học này đã nhận ra càng nghiên cứu sâu về bí ẩn của cuộc sống càng phải cần sự soi sáng mở trí mở lòng của Thiên Chúa Ba Ngôi? Theo giáo huấn của Lactantius: “Chúng ta được sinh ra trên đời, là để diễn tả lòng tôn kính xứng hợp dành cho Thiên Chúa, Đấng tạo dựng nên chúng ta; để tuyên xưng một mình Ngài là Thiên Chúa, và bước theo Ngài” Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII, Thông điệp Pacem in Terris (1963), 8.
Trong mười điều răn, điều nào cao trọng nhất? Câu trả lời của Chúa Giêsu :“Điều răn đứng đầu: Yêu mến Thiên Chúa của ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn, hết sức lực ngươi và điều răn thứ hai: yêu người thân cận như chính mình”. Chúng ta vẫn thường ca ngợi “Thiên Chúa là tình yêu”, vì yêu thương Người tạo dựng, ban sự sống và còn ban ơn cứu độ con người, như vậy tình yêu là nền tảng của đời sống đạo, tình yêu kết nối con người đến với Thiên Chúa, làm sao yêu Chúa cả trái tim, cả cuộc đời mình, dành bao nhiêu thời gian cho Ngài: cầu nguyện sáng, tối, mọi việc làm đều dâng lên Chúa, để công việc được hoàn tất bằng sự nổ lực là khả năng Chúa trao ban cho mỗi người. Thánh Têrêsa Calcutta chia sẻ: “ Công việc chúng ta làm chỉ để biểu lộ tình yêu của chúng ta đối với Chúa. Chúng ta có bổn phận thi thố tình yêu với người khác, và tha nhân là phương tiện để chúng ta diễn tả tình yêu của mình đối với Chúa”.
Yêu người lân cận như chính mình là sao ? Phải chăng là điều Chúa yêu cầu chúng ta như Tin Mừng thánh Luca 6, 31: “Anh em muốn người ta làm gì cho mình, thì cũng hãy làm cho người ta như vậy”. Chúng ta hãy theo gương Mẹ Maria đến thăm và nhiệt thành giúp đỡ người chị họ Êlisabét. Kinh nghiệm của thánh Catarina Gênes: “Muốn biết ai có lòng kính mến Chúa bao nhiêu, hãy xem kẻ ấy thương yêu người ta ngần nào”. Trong sinh hoạt gia đình hàng ngày, vai trò người cha, người mẹ, chúng ta có phải là người mà con cái đặt niềm tin yêu và luôn muốn chia sẻ cảm nghĩ của con ? Mối tương quan giữa bố mẹ và con cái có là tình yêu thương mật thiết, là sự thấu hiểu và chấp nhận tính cách của nhau. Sự khoan dung, lòng nhân hậu của cha mẹ cũng sẽ hình thành trong con trẻ và lớn dần lên là tính cách khi trưởng thành, xin Chúa luôn ngự trị trong tâm hồn giúp chúng ta biết kiềm hãm tính nết xấu.
Lạy Chúa Giêsu tháng 6 kính Thánh Tâm Chúa, xin thương ban cho chúng con trái tim yêu thương để chúng con luôn mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người.
Anna Anh
Tin để hiểu – hiểu để tin (04.06.2020)
Trong Tân ước, hạn từ “Tin” (Pistis) là một thực thể phong phú bao hàm nhiều khía cạnh. Trước hết, về khía cạnh tri thức, tức là hiểu biết về bản thân và sứ điệp của đức Giêsu. Thứ đến, về khía cạnh tin tưởng, tức là lòng tin tưởng và tín thác vào sự chân thành của Thiên Chúa mặc khải cho chúng ta nơi Đức Giêsu. Sự tín thác kèm theo niềm hy vọng rằng những lời Thiên Chúa hứa sẽ được thực hiện (Hr 11,9-11; Rm 4,17-20; 1Pr 1,5-9). Nhờ niềm hy vọng và cậy trộng vào Thiên Chúa mà làm phát sinh sự kiên trì và trung thành làm chứng cho Thiên Chúa qua việc tuyên xưng đức tin và truyền giảng Lời Chân Lý (2Tm 4,7; Rm 1,5; Gl 5,6). Và nhờ đó mà ĐỨC TIN mang lại đời sống mới.
Trong trích đoạn Tin Mừng hôm nay, thánh Máccô thuật lại cho chúng ta về cuộc đối thoại thân tình và cởi mở giữa Đức Giêsu và một kinh sư về một chủ đề thần học rất quan trọng của Do Thái giáo và cũng là của Kitô giáo: “Trong các giới răn, điều răn nào đứng hàng đầu? Tức điều răn nào quan trọng nhất?” Thật vậy, đây chính là sự quan tâm và một vấn nạn mà vị kinh sư đã đặt ra cho Đức Giêsu trong hành trình đi tìm chân lý của ông. Một hành trình “Tin để hiểu và hiểu để càng tin hơn nữa.”
Tin để hiểu
Khởi đi từ thái độ “Tin”, ông kinh sư đã thưa với Đức Giêsu: “Thưa thầy, trong các giới răn, điều nào quan trọng nhất?” Lời xưng hô “Thưa thầy” cho thấy cách nào đó ông nhìn nhận Đức Giêsu là một bậc thầy mà ông thật sự muốn gặp gỡ và đối thoại trong hành trình chân lý của mình. Trước lòng chân thành và khát khao tìm kiếm chân lý của ông, Đức Giêsu trả lời: “Điều răn đứng đầu là: Nghe đây, hỡi Israel, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi. Điều răn thứ hai là: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Chẳng có điều răn nào khác lớn hơn các điều răn đó.”
Câu trả lời của Đức Giêsu cho thấy rằng điều mới mẻ trong giáo huấn của Người ở đây không phải là nội dung của giới răn, nhưng là ở sự liên kết giữa hai giới răn yêu mến Thiên Chúa và yêu thương người lân cận. Bởi lẽ, Đức Giêsu chỉ nhắc đến những câu Kinh Thánh thật quen thuộc đối với người Do Thái, từ sách Ðệ Nhị Luật (x.Đnl 6,4-5) và sách Lêvi (x.Lv 19,18), những điều mà họ đọc đi đọc lại mỗi ngày. Như vậy, cốt lõi của Lề luật hệ tại ở việc “Mến Chúa và yêu người.” Đây là hai tương quan của một nhân vị, vừa mang chiều kích tôn giáo vừa mang chiều kích xã hội. Con người sống tương quan hàng dọc với Thiên Chúa và tương quan hàng ngang với tha nhân.
Hiểu để tin hơn
Kinh ngạc và thán phục trước những lời dạy khôn ngoan của Đức Giêsu, nên ông kinh sư nói với Đức Giêsu: “Thưa Thầy, hay lắm, Thầy nói rất đúng. Thiên Chúa là Đấng duy nhất, ngoài Ngài ra không có Đấng nào khác. Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức lực, và yêu người thân cận như chính mình, là điều quý hơn mọi lễ toàn thiêu và hy lễ” (Mc 12,32-33). Thật vậy, lời khen ngợi của ông không thêm gì cho Chúa Giêsu; nhưng chứng tỏ ông đã nhận ra chân lý cuộc đời. Ông nhấn mạnh đến con người chỉ có một Thiên Chúa duy nhất và con người phải thờ phượng Ngài hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn, và hết sức lực; Ông lặp lại nguyên văn câu Chúa Giêsu nói, chứng tỏ ông đã tiếp thu và lãnh hội được lời Đức Giêsu dạy. Ông cũng nhấn mạnh đến sự cao quí của tình yêu hơn mọi lễ toàn thiêu và hy lễ.
Khi một người tìm ra chìa khóa cuộc đời và dũng cảm sống như thế, thì người đó đã bắt đầu sống trong Nước Trời rồi, dẫu rằng họ vẫn còn ở đời này; vì cuộc sống đời sau chỉ là cuộc nối dài và hoàn trọn tình yêu mà người đó đã có với Thiên Chúa và với tha nhân. Thật vậy, vì lòng chân thành đi tìm kiếm chân lý và lẽ sống, ông kinh sư đã nghe và chấp nhập lời dạy và giáo huấn của thầy Giêsu nên Người đã khen ngợi ông và nói cho ông biết: Ông không còn xa Nước Thiên Chúa.
Biểu hiện của Tin
Vị kinh sư đã gần Nước Thiên Chúa rồi, ông chỉ còn cách Nước Thiên Chúa bằng cú nhảy của đức tin mà thôi. Khi thực hiện cú nhảy đức tin này, thì chính là lúc ông ở trong Nước Thiên Chúa, miễn là ông sống điều Đức Giêsu dạy: Mến Chúa – Yêu Người. Quyết định cuối cùng phải là Thực hành điều mình nói để chứng tỏ Đức tin.
Trong bài đọc I, thánh Phaolô nhắc nhở Timôthê, người môn đệ yêu quí, phải trung thành rao giảng Lời Chúa cho dù có bị xiềng xích lao tù, để mưu cầu phần rỗi cho chính mình và cho tha nhân; chứ đừng cãi chữ để biện minh cho sự bất trung của mình. Thật vậy, việc thực hành Lời Chúa, tức là Thực hành điều mình nói để chứng tỏ Đức tin, như điều kiện để được vào Nước Thiên Chúa.
Xin Chúa ban cho mỗi người chúng ta luôn được Ánh Sáng Lời Chúa chiểu tỏa, biết lắng nghe và tin tưởng vào Lời Chân Lý của thầy Giêsu để chúng ta có thể đón nhận được ơn cứu độ. Amen.
Bình Minh
Hãy yêu mến Đức Chúa hết lòng hết sức (07.06.2018)
1. Ghi nhớ:
“Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi.”(Mc 12, 30).
2. Suy niệm:
Trong một lớp học, Thầy phụ trách nói với các em.
- Vào dịp hè năm nay, các em học giáo lý để chuẩn bị lãnh nhận bí tích thêm sức. Hôm nay nhân dịp gần đến ngày 19/06/1988. Giáo Hội Việt Nam mừng kỷ niệm tròn ba mươi năm Đức Giáo Hoàng Gioan phaolo II phong hiển thánh cho 117 vị tử đạo, chúng ta sẽ tìm hiểu và học hỏi, cũng như noi gương sáng nơi các Ngài.
Cho dù phải chịu bao nhiêu cực hình dã man, tra tấn cho đến chết các Ngài vẫn một lòng anh dũng trung kiên bảo vệ đức tin của mình.
Thầy xin nêu lên một vài điển hình; đó là bà thánh Anê Lê-Thị Thành. Cho dù bị lính đánh cho máu bắn ra loang lỗ trên áo, khi con gái vào thăm thấy nhiều vết máu trên áo mẹ thì thương nhưng bà bảo:
- Đấy là áo hoa hồng mà mẹ sẽ mặc để đón Chúa đấy!
Khi con hỏi đòn vọt có làm mẹ đau đớn lắm không. Bà trả lời:
- Đã có Đức Mẹ Maria che chở phù trợ nên mẹ không còn cảm thấy đau đớn nữa!
Một vị thánh khác, đó là Cụ Giuse Hoàng Lương Cảnh, khi quân lính bắt cụ phải bước qua Thánh Giá. Thì không những cụ không bước qua mà lại còn quỳ xuống hôn kính Tượng Chịu Nạn và thầm thĩ đọc kinh. Thấy thế quan bắt cụ đọc to lên, cụ bèn đọc to lên những lời kinh…khi tới đoạn “ cầu Chúa Giê-su cho các vua trị nước yên, càng ngày càng thịnh” thì quan quân cùng phá lên cười, và họ hỏi:
- Tại sao ông lại cầu cho kẻ hành hạ mình như thế?
Cụ trả lời: - Tôi cầu nguyện cho kẻ làm khốn mình, vì đó là giới luật yêu thương mà Chúa Giê-su đã truyền dạy cho chúng tôi!
Tóm lại các thánh đã sống một cuộc đời như lời Chúa dạy; hết lòng kính Chúa và yêu thương mọi người như anh em cho dù kể đó đã làm khổ mình!
Bài Tin Mừng hôm nay Chúa Giê-su chỉ cho chúng ta con đường về cõi trường sinh. Đó là phải chu toàn, thi hành hai giới răn quan trọng mà Chúa Giê-su đã truyền ban. Đó là; kính mến Thiên Chúa trên hết mọi sự và phải yêu thương mọi người như mình vậy. Toàn bộ lề luật của Đạo Chúa được tóm gọn trong hai giới răn này mà thôi.
Tôn thờ kính mến Chúa là điều phải lẽ. Bởi vì chính Chúa đã tạo tác nên mình, cùng ban cho biết bao ơn lành hồn xác.
Yêu thương mọi người như chính mình vì lẽ mọi người đều được Chúa sinh ra, như vậy mọi người là anh em cùng một Cha. Vì lẽ đó chúng ta phải thương yêu nhau.
Sống thờ phượng kính mến Chúa và yêu thương mọi người như anh em đó là thực thi trọn vẹn mệnh lệnh của Chúa và với đời sống như vậy chúng ta sẽ có một của lễ để dâng lên Ngài, một của lễ làm cho Thiên Chúa hài lòng hơn mọi của lễ khác!
3. Cầu Nguyện:
Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn minh định mục đích cuộc sống ở trần gian này là phải tôn thờ kính mến Chúa trên hết mọi sự, và yêu thương tất cả mọi người như anh em. Xin Chúa ban ơn cho chúng con thực hành được hai lệnh truyền này trong suốt cuộc sống dương gian này, hầu ngay sau xứng đáng lãnh nhận nước trời là phần thưởng Chúa hứa ban. Amen.
4. Sống Lời Chúa:
Hết lòng kính mến Chúa và thương yêu mọi người.
Đaminh Trần văn Chính.
Điều răn đứng đầu (08.06.2017)
Khi nghe tin Thầy Giêsu đã làm cho nhóm Xađốc bị khóa miệng, thì những người Pharisêu họp nhóm lại với nhau. Rồi một người thông luật trong nhóm giơ tay hỏi (ý kiến) Đức Giêsu để thử Người: “Thưa Thầy, trong mọi điều răn, điều răn nào đứng đầu?” (Mc 12,28b). Phải chăng đây là cơ hội để làm Thầy Giêsu mất mặt? Họ hỏi xem Thầy có hiểu biết gì về luật và có tôn trọng luật lệ không? Nhưng Thầy nhanh chóng “tóm tắt nội dung” rõ ràng: “Điều răn đứng đầu là: Nghe đây hỡi Israel, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi. Điều răn thứ hai là: “Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Chẳng có điều răn nào lớn hơn các điều răn đó” (Mc 12,29-31). Toàn bộ lề luật được tóm gọn lại trong hai giới răn quan trọng nhất: mến Chúa-yêu người. Hôm nay Thầy nối kết hai điều răn này là một, như một sự bất khả phân ly.
Giới răn thứ nhất: Kính mến Thiên Chúa trên hết mọi sự là điều răn quan trọng đối với người Dothái. Để nhắc nhớ, họ dán trên cửa, đeo trên đầu như thẻ kinh và đeo trên cánh tay mỗi khi cầu nguyện sáng chiều. Điều răn phổ cập toàn dân như vậy mà họ còn đem ra hỏi Thầy Giêsu, chứng tỏ họ khinh thường muốn làm khó Thầy. Một điều răn đã “khắc ghi trên trán” như vậy, nhưng chỉ dễ nhớ mà không dễ thực hành. Người Do Thái vẫn đúc bê vàng để thờ hoặc chạy theo thần ngoại bang. Ngày nay chúng con cũng thuộc nằm lòng từ bé: “Thứ nhất thờ phượng một Đức Chúa Trời và kính mến người trên hết mọi sự.” (Kinh Mười điều răn). Nhưng có lúc chúng con lại đặt các thứ khác lên trên Thiên Chúa như tiền, danh, lợi, thú…
Giới răn thứ hai: yêu người thân cận như chính mình. Ai mà không yêu chính mình? Tình yêu đối với tha nhân được đo lường bằng tình yêu đối với chính mình. Đó thực sự là “khuôn vàng thước ngọc”. “Tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta , vì luật Môsê và các sách ngôn sứ dạy như thế”(Mt 7, 12). “Chớ làm cho người điều chi mà con không chịu được”(Tb 4, 15). Lý thuyết thì hay và dễ nhưng khi đối diện với hoàn cảnh cuộc sống thực tế thì xem ra rất khó.
Khi người ta yêu Chúa với tất cả tâm hồn, bằng cả con tim với tình yêu đậm đà mật thiết với Chúa, Chúa sẽ chỉ cho biết phải yêu thương anh em như thế nào, “yêu như Chúa yêu”, hiến dâng cả mạng sống… Tình yêu Chúa như ánh mặt trời. Ta thu nhận sức nóng tình yêu của Chúa qua cầu nguyện, ở lại với Chúa và sống trong Lời Chúa. Để rồi trong Chúa ta được hâm nóng tình người bằng tình yêu Chúa qua những hành động cụ thể, những cử chỉ yêu thương nho nhỏ, một nụ cười, một lời ủi an khích lệ, một ý kiến xây dựng, hành động sẻ chia vật chất, một sự tha thứ bao dung…
Chúa ơi! nhìn lên Thánh giá, con thấy Chúa không còn cách nào để yêu con hơn được nữa. Xin cho con biết tìm về sống trong Tình Yêu Chúa. Nhờ Tình Yêu Chúa hun đúc, tim con cũng thấm đẫm tình yêu ấy, để con sống chan hòa với mọi người anh em của con.
Én Nhỏ
Điều răn trọng nhất (02.06.2016)
1- Ghi nhớ:
“Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức lực, và yêu người thân cận như chính mình, là điều quý hơn mọi lễ toàn thiêu và hy lễ.” (Mc 12,33)
2- Suy niệm:
Tin Mừng hôm nay ghi nhận lời Đức Giê-su dạy về hai điều răn quan trọng nhất là “mến Chúa hết lòng hết sức và yêu thươing tha nhân như yêu mình”. Hai điều răn này tóm lược tòan thể bộ Luật Mô-sê. Tuy nhiên xem ra Đức Giê-su đặt nặng điều răn thương người hơn điều răn mến Chúa như khi Người dạy: “Vậy, nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hòa với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình” (Mt 5,23-24).
Chính tình yêu đối với anh em là dấu chỉ chắc chắn nhất về lòng yêu mến Thiên Chúa như lời Đức Giê-su: “Ở điểm này mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy, là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13,35). Thánh Gioan cũng đã khẳng định: “Nếu ai nói: Tôi yêu mến Thiên Chúa mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối. Vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy… Ai yêu mến Thiên Chúa thì cũng yêu thương anh em mình” (1 Ga 4,20-21).
Chúa Giêsu đã nối kết hai nội dung yêu mến Thiên Chúa và yêu thương tha nhân nên một luật mới là kính Chúa yêu người. Luật yêu thương của Chúa liên kết thật chặt chẽ với nhau bởi vì đã kính mến Chúa thì phải yêu thương con người, yêu thương tha nhân. Giới răn này rất chặt chẽ với nhau đến nỗi ai bảo kính mến Thiên Chúa mà không yêu thương anh em thì họ là người nói dối.
Đối với Chúa, Ngài muốn chúng ta yêu thương nhau như Ngài đã yêu. Trước hết, chúng ta hãy yêu thương những người thân thương trong gia đình của chúng ta, những người thân thiết nhất đối với chúng ta. Nếu, chúng ta đã không yêu thương những người thân thuộc trong gia đình chúng ta thì chúng ta cũng không thể nào yêu thương những người khác được. Và khi không yêu thương những người khác thì chúng ta cũng không thể nào kính mến Thiên Chúa được. Đó là nghịch lý quan trọng trong đời sống con người. Nên, yêu thương người sẽ gặp được Chúa và yêu thương Chúa sẽ gặp được con người. Đây có thể gọi được là chân lý của Đạo Đức Kitô. Chúng ta có tử tế, có yêu thương nhau trong gia đình, trong cộng đoàn, trong giáo xứ, trong khu xóm thì gương ấy mới tỏa lan đến mọi người và đến với người khác được.
Tóm lại: chỉ trong Thiên Chúa, mỗi người chúng ta mới có thể yêu thương đến vô cùng. Chỉ trong Thiên Chúa, mỗi người chúng ta mới cảm nhận phẩm giá đích thực của một con người, dù đó là một thai nhi, một phạm nhân hay một người mất trí. Tình yêu thực sự đối với Thiên Chúa sẽ đưa mỗi người chúng ta về với anh em. Tình yêu anh em đòi hỏi mỗi người chúng ta hãy gặp gỡ Thiên Chúa để múc lấy nơi Ngài sức mạnh hầu tiếp tục yêu tha nhân trong Chúa và yêu Chúa nơi tha nhân.
3- Cầu nguyện :
Lạy Chúa! Lời Chúa hôm nay dạy chúng con muốn được sự sống đời đời phải kính mến Chúa và yêu thương anh em. Xin Chúa giúp chúng con thấu hiểu lời dạy của Chúa và đem ra thực hành một cách cụ thể trong đời sống. Xin Chúa cũng ban thêm đức tin cho chúng con, để chúng con biết yêu mến anh em của chúng con và nhận ra Chúa đang hiện diện trong những người anh em của chúng con. Amen.
4- Sống Lời Chúa :
Yêu mến Chúa là “ao ước làm vui lòng Chúa” và yêu tha nhân là “làm điều thiện hảo cho họ”. Tình yêu đối với Chúa cũng như đối với tha nhân luôn phải kèm theo những đặc tính là hy sinh, phục vụ và dâng hiến. Bất cứ làm việc gì cũng phải được thực hiện trong tình yêu thì mới có giá trị.
HOÀI THANH
Cuộc cách mạng lật đổ
“…Thiên Chúa là Đấng duy nhất, ngoài Người ra không có Đấng nào khác. Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức lực, và yêu người thân cận như chính mình…” (Mc 12,32-33).
Suy niệm: Số lượng 613 khoản luật của Cựu Ước đã tạo nên cuộc tranh luận gay gắt trong giới luật sĩ Do Thái: điều luật nào quan trọng hơn? Trong câu trả lời, Chúa Giêsu khẳng định điều quan trọng nhất là tin vào một Thiên Chúa duy nhất. Ngoài Ngài ra, không có Chúa nào khác (tôn giáo độc thần). Tất cả mọi người mọi vật đều là thụ tạo của Thiên Chúa. Ngày nay hơn lúc nào hết, con người đã và đang thực hiện một cuộc cách mạng lật đổ Thiên Chúa. Con người, bằng cách này hay cách khác, nếu không tự xưng mình là “chúa”, thì cũng suy tôn đủ thứ lên làm “chúa”, ngoại trừ chính Thiên Chúa đích thực! Chính vì không tôn thờ và yêu mến Thiên Chúa đích thực, nên con người cũng không yêu mến tha nhân như chính mình.
Mời Bạn: Vì bạn là “khách hàng”, nên bạn được chào mời và ve vãn như là “thượng đế”. Bạn có nghĩ mình là hoặc sống và cư xử như mình là “thượng đế” không? Nếu không, Chúa hiện tại của bạn là ai? Thiên Chúa Ba Ngôi còn là “thượng đế” của bạn không? Hay bạn đã lật đổ Ngài?
Chia sẻ: Cuộc cách mạng nào cũng đòi hỏi hy sinh lớn lao. Để Thiên Chúa thực sự là “Thượng Đế” của bạn, bạn hãy can đảm thực hiện một cuộc cách mạng “trở về” với Ngài trong chính hoàn cảnh sống hiện tại của mình.
Sống Lời Chúa: Trong mùa Chay này, bạn hãy dành cho Chúa những gì tốt đẹp nhất của bạn, để Ngài là tất cả cuộc sống của bạn.
Cầu nguyện: Đọc Kinh Tin Kính một cách sốt sắng.