Chuỗi Kinh cầu nguyện trong cơn Đại dịch Covid-19
Lời Chúa: Rm 9,1-5 (năm lẻ), Lc 14,1-6
✠ Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca (Lc 14,1-6)
1 Một ngày sa-bát kia, Đức Giê-su đến nhà một ông thủ lãnh nhóm Pha-ri-sêu để dùng bữa : họ cố dò xét Người. 2 Và kìa trước mặt Đức Giê-su, có một người mắc bệnh phù thũng. 3 Người lên tiếng nói với các nhà thông luật và những người Pha-ri-sêu : “Có được phép chữa bệnh ngày sa-bát hay không ?” 4 Nhưng họ làm thinh. Người đỡ lấy bệnh nhân, chữa khỏi và cho về. 5 Rồi Người nói với họ : “Ai trong các ông có đứa con trai hoặc có con bò sa xuống giếng, lại không kéo nó lên ngay, dù là ngày sa-bát ?” 6 Và họ không thể đáp lại những lời đó.
Yêu thương là chu toàn lề luật (29.10.2021)
Bài Tin Mừng trình thuật lại việc Đức Giê-su chữa lành cho một người mắc bệnh phù thũng trong ngày sa bát. Đây không phải là lần duy nhất Chúa chữa bệnh trong ngày này, bởi chúng ta còn thấy trong các sách Tin Mừng theo thánh Gioan, Marcô và cách riêng là Tin Mừng theo thánh Luca đã kể lại nhiều lần khác Chúa đã chữa bệnh trong ngày hưu lễ như: chữa cho mẹ vợ ông Phê-rô (Lc 4,38); chữa cho người bại tay (Lc 6,6) ; chữa cho người đàn bà còng lưng mười tám năm (Lc 13, 10-13)…
Chúa Giê-su là Đấng giàu lòng thương xót, đi đến đâu là Ngài thi ân giáng phúc đến đó, và hôm nay Ngài tiếp tục chữa lành cho một bệnh nhân. Với quyền năng của mình, Ngài chỉ cần phán một lời là người bệnh sẽ được khỏi, nhưng ở đây thánh Luca đã miêu tả: “ Người đỡ lấy bệnh nhân, chữa khỏi và cho về”. Hành động “đỡ lấy” nói lên tình yêu thương của Đức Giêsu dành cho những con người nghèo khổ, bất hạnh và kém may mắn. Ngài chạm vào nỗi thống khổ của kiếp người để chia sẻ, nâng đỡ, ủi an, chữa lành và giải thoát, hầu đem lại hạnh phúc cho con người.
Trong khi đó, những người Pha-ri-sêu và những nhà thông luật thời ấy luôn có thái độ tự mãn khi tự cho mình là thánh thiện và hiểu biết nhiều về Thiên Chúa và các giới luật. Bỏ điều chính yếu để coi trọng những gì là tùy phụ là căn bệnh trầm kha của họ. Do đó, họ có thái độ dửng dưng trước nỗi đau bệnh tật của người khác. Chính Đức Giêsu khi chữa cho người mắc bệnh phù thũng thì cũng chữa luôn căn bệnh nan y cho người Pharisêu khi để họ buộc phải tự vấn lương tâm: “Trong ngày Sabat, ai trong các ông có con lừa hay con bò rơi xuống giếng mà không lập tức kéo nó lên sao?”. Điều này đã khiến họ phải lặng thinh. Đối với Chúa Giê-su, con người là ưu tiên số một: luật lệ được đặt ra là vì con người và nền tảng của mọi luật lệ đó là yêu thương. Như thế, Chúa đã dạy cho những người Pha-ri-sêu một bài học căn bản về lòng nhân.
Bài học Chúa dạy cho những người Pha-ri-sêu xưa, cũng là điều Chúa muốn nhắn nhủ với mỗi tín hữu. Những thái độ vụ hình thức, vụ lề luật cần được loại bỏ, vì Chúa Giê-su đã kiện toàn lề luật, biến lề luật thành phương tiện giúp con người gần Thiên Chúa và gần nhau hơn. Chúng ta chỉ thực sự được gọi là môn đệ của Chúa khi chúng ta biết sống yêu thương. Và sống yêu thương là chúng ta sống đúng với tinh thần của lề luật như lời thánh Phao-lô đã nói: “yêu thương là chu toàn lề luật” (Rm 13,10).
Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn cảm nghiệm được tình yêu thương bao la của Chúa dành cho mỗi người chúng con, và xin cho chúng con cũng biết làm tỏa lan tình yêu ấy cho tha nhân qua đời sống yêu thương, phục vụ. Amen.
Luật phải được chi phối bởi tình yêu (30.10.2020)
Có một câu chuyện kể rằng: khi đang đi trên đường vào chiều tối, một cô gái bị nhóm thanh niên lạ mặt vây hãm. Đang thực hiện hành vi cướp giật và đồi bại… bất thình lình, có một chàng trai bảnh bao, võ nghệ thuộc loại giỏi, nên anh ta đã tung ra những tuyệt chiêu để đánh đuổi bọn cướp và bảo vệ cô gái. Thấy không chống trả lại được, bọn cướp đã bỏ đi cách nhanh chóng, để lại cô gái cũng như chiếc xe hàng hiệu của cô trong sự tiếc nuối. Còn cô gái thì sợ hãi sau một cơn ác mộng. Tuy nhiên, với nghĩa cử hào hiệp, cộng thêm bề ngoài bảnh trai… cô gái đã nhanh chóng lấy lại tinh thần thán phục và tôn trọng. Trong tâm hồn cô, chàng trai này đã chiếm được một vị trí đặc biệt. Thấy được cô gái đã siêu lòng, chàng trai tỏ vẻ yêu thương và hứa hẹn đủ điều. Tuy nhiên, lợi dụng lúc cô gái không để ý, hắn ta đã nhanh chóng lên xe và tẩu thoát, để lại cô gái một mình trong sự bàng hoàng… Như vậy, thực chất chàng trai đã làm mờ mắt và siêu lòng cô gái trên đây chính là một tên lừa siêu hạng.
Hôm nay, ngang qua việc người đàn bà mắc bệnh phù thũng đến với Đức Giêsu đúng vào ngày Sabbat, và các người Luật Sĩ tỏ ra khó chịu, nhân cơ hội này, Đức Giêsu dạy cho những người Luật Sĩ bài học tình thương phải phát xuất từ tấm lòng chân thật chứ không phải vì giả bộ bề ngoài.
Khởi đi từ câu hỏi: “Trong ngày Sabbat, có được phép chữa bệnh không?”, tiếp theo sau đó, Ngài lại đặt ra một tình huống và yêu cầu họ trả lời: “Trong ngày Sabbat, ai trong các ông có con lừa hay con bò rơi xuống giếng mà không lập tức kéo nó lên sao?”. Tuy nhiên, họ đã cứng họng và không thể trả lời được bất cứ câu hỏi nào của Đức Giêsu. Lý do những Luật Sĩ không thể trả lời được các câu hỏi của Đức Giêsu chỉ vì họ sống vụ luật, hình thức, giả tạo, nên gặp phải Đấng là nguồn gốc của chân lý, tình thương thì đương nhiên họ đã câm miệng, bởi vì họ thuộc hạng người: luôn chất những gánh nặng không thể vác nổi lên vai người ta, còn họ, họ không đụng một ngón ta mà lay thử.
Thật vậy, nếu luật mà không có tình thương thực sự thì hẳn sẽ chỉ là trò bịt bợm, dối lừa và lợi dụng mà thôi. Câu chuyện trên cho thấy rõ bản chất của chàng trai kia: hắn giữ luật là bảo vệ người thấp cổ bé họng, chân yếu tay mền trước sự tấn công của kẻ mạnh, nhưng những hành vi, nghĩa cử đó của hắn đâu phải vì tình thương, mà là một chiêu thức tinh vi, một trò bỉ ổi để lừa gạt mà thôi.
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi chúng ta hãy tránh cho xa thói chuyên nghề bịt bợm, lưu manh nhân danh đạo đức, nhân danh công lý… như những người Luật Sĩ khi xưa. Đừng vì cái mác đạo đức bên ngoài mà bất nhân đến độ loại bỏ tiếng Lương Tâm để đi đến hành vi vu oan cho người khác, chỉ vì người ta dám nói lên sự thật, hay vì người ta dễ thương khi sống cốt lõi của Tin Mừng là tình thương…
Lạy Chúa Giêsu, Luật của Chúa là luật tình thương, Luật vì con người. Xin cho mỗi chúng con biết yêu mến Luật Chúa, và khi thi hành, xin cho chúng con biết đem tình yêu lồng vào trong Luật đó. Có thế, Luật của Chúa mới giải thoát chúng con mà thôi. Amen.
Vụ hình thức, vụ lề luật cần được loại bỏ
Thánh hóa ngày Chúa Nhật (29.10.2015)
Đối với người Do thái, luật ngày sa-bát có một vị thế tối quan trọng, bởi sa-bát là ngày thánh dành cho Đức Chúa (x. Xh 20). Ngoài chiều kích tôn giáo, luật ngày sa-bát còn có mục đích nhân đạo, nghĩa là trong ngày này, dân Chúa sẽ được nghỉ ngơi sau sáu ngày làm việc vất vả. Tuy nhiên, qua dòng thời gian, ý nghĩa tốt đẹp ban đầu của ngày sa-bát đã mai một đi bởi thái độ nệ luật của giới lãnh đạo Do thái. Vốn khởi đi từ một luật vị nhân sinh, thì giờ đây luật ngày sa-bát trở thành một sự cưỡng ép, một cơ hội để luận tội. Trong bối cảnh đó, với câu hỏi “có được chữa bệnh ngày sa-bát hay không?” Chúa Giê-su đưa nhóm Pha-ri-sêu trở về với ý nghĩa nguồn cội của luật ngày sa-bát: tôn vinh Thiên Chúa bằng cách thực thi đức ái. Chính tình yêu là khởi điểm và cùng đích của mọi lề luật kể cả luật giữ ngày sa-bát.
Khi chữa lành cho người mắc bệnh phù thũng trong ngày sa-bát, Chúa Giê-su chỉ cho thấy sống đức ái là cách thức tôn vinh Thiên Chúa trọn hảo nhất. Đây chính là phương thế hữu hiệu nhất làm cho Danh Chúa được tỏa sáng trước mặt mọi người.
Tôi cố gắng tập thánh hóa ngày Chúa nhật, bằng cách mau mắn đi dự Thánh lễ, dâng lễ cho thật sốt sắng, thăm viếng người đau ốm, cao tuổi, hoặc giúp đỡ người nghèo, khuyết tật…
Lạy Chúa, thế giới hôm nay lạnh lẽo hơn vì thiếu vắng tình người. Xin giúp chúng con biết thắp lên ngọn lửa yêu thương qua việc đón nhận, săn sóc những người hoạn nạn, thiếu thốn chung quanh con. Nhờ đó, tình thương của Chúa được lan tỏa cho mọi người. Amen.
BCT
Chúa Nhật là ngày thánh
“Ai trong các ông có đứa con trai hay con bò sa xuống giếng, lại không kéo nó lên ngay, dù là ngày sa-bát?” (Lc 14,5).
Suy niệm: Người ta bảo rằng ngày sa-bát là món quà mà đạo Do Thái đóng góp cho nền văn minh nhân loại. Con người đã lao nhọc, vất vả suốt sáu ngày, thân xác họ cần một ngày nghỉ ngơi, tinh thần họ cần một ngày thư giãn. Trong ngày ấy, con người dành thời gian, năng lực để phụng thờ Đấng Tạo Hóa và phục vụ người lân cận. Vậy mà chính những người Do Thái vào thời Đức Giê-su lại quên mục đích của ngày sa-bát, lên án Ngài vi phạm những qui định cấm đoán tỉ mỉ trong ngày nghỉ ấy. Bất chấp những ánh mắt dò xét, Đức Giê-su vẫn chữa bệnh cho người phù thũng, cho họ thấy nghỉ làm việc không có nghĩa là nghỉ làm việc lành, việc cứu chữa.
Mời Bạn: “Giữ ngày sa-bát không chỉ là nghỉ ngơi thể lý, nhưng liên hệ đến việc đổi mới tinh thần và việc thờ phượng” (J. Faust). Cũng vậy, thánh hóa ngày Chúa Nhật không chỉ là nghỉ lao động, nhưng là ưu tiên cho việc phụng thờ Thiên Chúa qua việc tham dự thánh lễ, đọc Lời Chúa… cũng như cho việc chăm sóc gia đình và những người đau ốm, bệnh tật… Con người được tạo dựng để sống vui, ngày Chúa Nhật giúp ta cảm nếm niềm vui ấy.
Sống Lời Chúa: Tôi xem lại cách sử dụng thời gian trong ngày Chúa Nhật và điều chỉnh cho thích hợp với giáo huấn của Hội Thánh.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, chúng con nghỉ ngày Chúa Nhật để cử hành việc Chúa sống lại. Xin cho chúng con biết làm cho Chúa Nhật trở thành ngày thánh, ngày dành đặc biệt cho việc thờ phượng, hiểu biết Chúa, cũng như ngày thánh vì sống cho nhau. Amen.
Hãy có lòng yêu mến
Ghi nhớ: “ Có được phép chữa bệnh trong ngày Sabat không? ” . (Lc 14, 3)
Suy Niệm: Trước câu hỏi của Chúa Giêsu, không một người Pharisêu, không một nhà thông luật nào trả lời được mặc dù có thể chính họ đã bố trí người bệnh để dò xét Chúa. Biết vậy, nhưng Chúa Giêsu vẫn thản nhiên chữa lành cho bệnh nhân và cho người ấy về, vì Chúa biết luật của họ cho phép Chúa làm chuyện đó trong ngày Sabat. Một con bò sa xuống giếng trong ngày Sabat, luật còn cho phép kéo nó lên, thì một con người lại không được kéo họ ra khỏi khổ đau bệnh tật trong ngày Sabat sao? Họ là những nhà thông luật, dạy luật cho người khác, vì quá nệ luật nên họ thiếu vắng tình yêu thương những con người đau khổ, và Chúa Giêsu được sai đến là để mở ra một lề luật mới chính là luật của yêu thương.
Sống Lời Chúa: Trên hết mọi sự, hãy có lòng yêu mến.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho con một con tim biết chạnh lòng thương như Chúa để con yêu thương hết mọi người nhất là những người nghèo khổ, bệnh tật, những người bên lề xã hội. Amen.