Mụ ngồi xống vệ cỏ may trên con đê lộng gió, ngắm hoàng hôn đang lơ đãng choàng chiếc khăn voan mỏng tang màu lam tím trên con kênh chảy ngang qua làng. Một thoáng ngượng ngùng làm mụ nóng cả hai tai, chắc giờ này nhiều người đang lẩm bẩm, càm ràm: “Lại hoàng hôn, thấy mụ này là thấy hoàng hôn màu tím và mùa thu lá vàng bay xào xạc…”. Biết làm sao được ai ơi? Đứng trước hai “gã” này, mụ không sao cầm lòng được tiếng yêu cứ thổn thức nơi sâu thẳm của tâm hồn.
Cái thời khắc của hoàng hôn thật diệu kỳ, vầng dương đang khuất dần sau dãy núi xa xa, chừng như vẫn còn muốn níu kéo thêm chút thời gian, để nhìn lại một ngày đã qua với bao vui buồn, toan tính giữa chợ đời. Nên cố hắt lên những rẻ quạt khổng lồ màu cam, dọi vào đám mây lớp lớp như những ngọn sóng trào, làm cho cả một khoảng trời chợt bừng sáng, rồi mới chịu từ từ xuống núi. Hoàng hôn đưa mọi người trở về nhà xum họp, bên nồi cơm tỏa hương thơm hòa quyện với tiếng cười thật bình yên và ấm cúng. Hoàng hôn cũng là lúc tiếng chuông nhà thờ ngân lên, như tiếng Chúa yêu thương gọi mời, chờ đợi con cái đến quây quần bên Chúa, để được Chúa bổ sức sau một ngày vất vả mưu sinh. Rồi mùa thu, mùa thu dù có buồn hiu hắt với thoáng gió heo may ngoài ngõ, nhưng đẹp vô cùng với lá vàng rơi xào xạc trên đường quê, dưới ánh nắng mỏng như tơ mành. Chiều chiều ngắm hoàng hôn và bồi hồi khi mỗi độ thu về, mụ đều nhủ lòng: hãy cố vươn lên dù là giây phút cuối cùng và lá vàng kia dù có lìa cành, vẫn làm nên một nét đẹp cho đời.
Chiều nay, hoàng hôn thật đẹp, nhưng mụ thấy lòng trống rỗng, đôi tai cứ lùng bùng, văng vẳng câu xúc phạm chồng và bố chồng thật quá quắt của một cô gái nọ. Chả là sáng nay mụ có việc phải đi xa, khi trở về còn cách nhà khoảng hơn chục cây số, trời thì nắng chang chang, tay lái mụ bỗng nhiên rung lắc, loạng choạng, mụ vội cho xe dừng lại và xem xét, một chiếc đinh găm chặt vào bánh trước lép xẹp. Mụ mệt nhoài vì phải đẩy xe trên một quãng đường khá dài mới đến hiệu sửa xe, vừa ngồi xuống chưa kịp ráo mồ hôi, thì mụ thấy một cô gái ở đâu sồng sộc phóng xe đến, chẳng kịp đạp chân chống, cô gái buông tay làm cái xe đổ kềnh trước cửa quán. Ông chủ hiệu đang sửa xe cho mụ ngừng tay và hỏi cô gái: “Lại cãi nhau với chồng phải không?”, cô gái buông lời cộc cằn: “Chồng con gì nó, nó chỉ kém thằng bố nó là nó chưa… Chúng nó có phải là lợn thì đem mổ hết để ăn thịt”. Mụ như không tin vào tai mình nữa, ừ thì mụ chẳng ngôn chẳng hạnh như thi sĩ Xuân Quỳnh: “Mẹ nào phải của riêng anh, mẹ là mẹ của chúng mình đấy thôi…”.
Nhưng gọi bố chồng là “thằng” và gọi chồng là “nó” thì mụ thấy chẳng còn gì để mà nói nữa, đúng là “ bó tay chờ âm châm sắc chấm cờ om com”. Dẫu biết đời có câu: “chồng bát còn có khi xô”, nhà ai chẳng vậy, nhưng xô gì thì xô, chứ xô đến độ xuống vực sâu thăm thẳm như vậy, thì làm sao mà…ngoi lên bờ vực được nữa. Vợ chồng sống với nhau cả đời chác chắn không tránh khỏi khắc khẩu, bất đồng trong xuy nghĩ cũng như việc làm, nhưng giận cá chém thớt, vô lễ và xúc phạm đến các bậc sinh thành thì thật đáng trách. “Chắt chiu từ những ngày xưa, mẹ sinh anh để bây giờ cho em…”, thật vậy, dù mẹ có mang nặng để đau chín tháng mười ngày, dù có chỗ ướt mẹ nằm dành con chỗ khô, lam lũ sớm hôm kiếm cho con no cơm ấm áo, học hành trưởng thành, có công việc làm ổn định. Nhưng rồi không phải để cho mẹ, mà để… “cho em”, cho nàng dâu của mẹ. một sự hy sinh tuyệt vời. Vậy mà câu chuyện mẹ chồng nàng dâu vẫn là đề tài nóng bỏng muôn thủa mang tính tiêu cực nhưng rất… thời sự.
Hàng ngày, xem các chương trình giải trí kết nối tình yêu cho các bạn trẻ trên Tivi, mụ thấy buồn man mác, khi mà hầu hết các cô gái, thậm chí cả các bậc phụ huynh cũng hỏi… “nhà trai”: “Nếu lấy nhau thì có phải làm dâu không?”, mụ buồn vì ý nghĩa của câu làm dâu ngày nay đã bị lạm dụng, biến tướng và méo mó. Vì đã lấy chồng thì đương nhiên là làm dâu rồi, dù ở chung hay ở riêng, dù bố mẹ chồng còn sống hay đã về với tổ tiên, thì vẫn là “làm dâu”, làm dâu trong gia đình, dòng tộc, ông bà, cô dì, chú bác. Chứ đâu có phải như xuy nghĩ của giói trẻ bây giờ, lấy chồng mà ở chung nhà với bố mẹ thì gọi là làm dâu, mà ra ở riêng thì không phải làm dâu, vậy chẳng lẽ ra ở riêng thì không còn còn là dâu con nữa hay sao?
Nhớ lại một lần mụ có công việc phải nghỉ lại một nơi vùng sâu vùng xa mấy ngày, có hai vợ chồng nhà nọ cãi nhau, tiếng cô vợ the thé: “Mày ký đơn đi, bà mày sẽ ra khỏi nhà này, nhưng trước khi bà đi, bà sẽ nổ bom cho chết hết giống nhà chúng mày”. Hả? Lại có bọn khủng bố IS cả gan đánh bom liều chết ở xóm nhỏ này nữa hay sao? Mọi người chạy đến can ngăn thì ả vợ càng… lên nước, cứ nhảy lên như động kinh: “Không có con này thì chúng mày bốc… mà ăn”. Nhìn ả đầu tóc rũ rượi, miệng cứ ngoác ra chửi rủa, mụ nóng mặt, nếu thứ ấy mà ăn được thì chắc ả đã xơi hết rồi, còn gì để lại cho bố mẹ và chồng con nữa đâu mà láo lếu.
Bất giác mụ đưa tay lên làm dấu Thánh giá và tạ ơn Chúa, vì một nửa của mụ tuy có hơi sâu sấu một chút, nhưng bù lại rất chịu thương chịu khó, yêu vợ quý con và thảo hiếu với bố mẹ. Gần bốn mươi năm làm rể, chưa bao giờ mụ thấy lão nói hay làm một điều gì khiến bên nhà mụ phải phiền lòng. Bố mụ ốm đau nhiều năm tháng, mụ cứ bỏ bê công việc gia đình, khăn gói đi hết viện này đến viện khác nuôi bố, lão chẳng buồn bực gì, ngược lại cứ động viên mụ giữ gìn sức khỏe để nuôi bố. Thỉnh thoảng lão lại nghỉ một buổi làm để về tận bệnh viện cách xa nhà gần trăm cây số thăm bố, sau đó lại vội vã đón xe trở về nhà. Bố mụ ở chung với vợ chồng người con là anh trai của mụ, nên khi bố xuất viện về nhà, đêm đêm mụ vẫn đến nhà anh trai, nằm ngủ chung một giường với bố để tiện chăm sóc. Một đêm bố bảo mụ: “Con thật có phước, bây giờ Chúa có gọi bố về, bố cũng mãn nguyện”, sau đó ít lâu, bố đã ra đi mãi mãi, lão chồng của mụ buồn đau lắm. Dăm bữa nửa tháng, lão lại cùng mụ đến nghĩa trang đọc kinh và chăm sóc mộ phần cho bố, lần nào trước khi ra về, lão cũng nghẹn ngào: “Con về, mấy hôm nữa con lại đến thăm bố!”.
Cả nhà ơi! Nếu không có cha mẹ vợ, cha mẹ chồng, thì làm sao có một nửa của mình. Hãy yêu thương, hiếu nghĩa với cha mẹ đôi bên, để con cháu chúng ta nhìn vào đó mà làm theo, vì: “sóng trước đổ đâu thì sóng sau đổ đấy”. Thảo hiếu với cha mẹ cũng là điều mà Thiên Chúa dạy chúng ta phải làm, cả khi cha mẹ còn sống hay đã qua đời.
Màn đêm đã nhuộm đen thôn xóm, mụ chầm chậm về nhà trong hương cau thoang thoảng vấn vương. Lòng thầm nhắn gửi: “Khác máu đừng có tanh lòng” hỡi ai!
Mờ – inh