https://youtu.be/MpxLfFyngSE
A. Hôn Nhân trong ánh sáng Công Đồng
Hôn nhân và gia đình chiếm một chỗ đứng rất quan trọng trong mối ưu tư và nỗ lực của Hội Thánh. Mở đầu phần thứ hai trong hiến chế Gaudium et Spes khi bàn về một số nhu cầu khẩn thiết của thời đại và là những nhu cầu đang ảnh hưởng rất nhiều đến nhân loại,Công Đồng Vaticanô II đã đề cập trước hết đến hôn nhân và gia đình: “ Giữa nhiều vấn đề làm cho mọi người ngày nay quan tâm, nên ghi nhận trước hết những điểm sau đây: Hôn nhân và gia đình, văn hóa nhân loại, đời sống kinh tế xã hội và chính trị, hòa bình và sự liên đới gia đình các dân tộc… Cần phải dùng những nguyên tắc và ánh sáng bắt nguồn từ Chúa Kitô chiếu giải từng vấn đề này, để những nguyên tắc và ánh sáng đó hướng dẫn các Kitô hữu và soi sáng mọi người trong công cuộc kiếm tìm giải pháp cho biết bao vấn đề phức tạp nêu trên” (MV 46).
Công Đồng đã coi vấn đề Hôn Nhân và gia đình là vấn đề khẩn thiết và ưu tư số một bởi vì “ sự lành mạnh của con người cũng như của xã hội nhân loại và Kitô giáo, liên kết chặt chẽ với tình trạng tốt đẹp của cộng đoàn hôn nhân và gia đình” (MV 47). Gia đình là: cái nôi của con người, tổ ấm, trường học đầu tiên, nền tảng xã hội, nơi hẹn gặp của Chúa, giáo hội nhỏ, đền thờ, nhà tiệc ly, vườn ương ơn thiên triệu, cộng đoàn chứng tá.
Thế nhưng cộng đoàn hôn nhân và gia đình đó lại đang bị đe dọa về nhiều phương diện do những sự thay đổi trong đời sống nhân loại. Công Đồng nhận định: “ Nhân loại ngày nay đang sống vào một giai đoạn mới trong lịch sử của mình.Đó là giai đoạn chất chứa những đổi thay sâu xa và mau chóng đang dần dần lan rộng tới toàn thể hoàn cầu.Những thay đổi do óc thông minh và nỗ lực sáng tạo của con người khơi động, đang trở lại ảnh hưởng trên chính con người, trên những phán đoán và ước vọng cá nhân hay tập thể con người, trên cách suy tư vàhành động đối với sự vật cũng như con người…” (MV 4). Công Đồng nêu ra một số những biến đổi quan trọng:
. Những biến đổi trong phạm vi xã hội:
“ Các cộng đoàn cổ truyền địa phương như gia tộc,thị tộc,bộ lạc,xóm làng,các tập thể khác và các liên hệ trong cộng đoàn xã hội đều thay đổi mỗi ngày mỗi sâu xa hơn…Tổ chức xã hội theo khuôn mẫu kỹ nghệ dần dần bành trướng…Sự ham chuộng theo đuổi đời sống thị thành cũng gia tăng…Những phương tiện truyền thông mới mẻ và mỗi ngày một thuận tiện hơn giúp con người theo dõi được các biến cố cũng như phổ biến hết sức mau lẹ và rộng rãi những cảm nghĩ và suy tư,do đó chúng gây nên nhiều âm hưởng vang dội có liên quan với nhau.”(MV 6).
. Những biến đổi về tâm lý,luân lý và tôn giáo.
“Sự thay đổi tâm thức và cơ cấu thường làm cho con người bất đồng ý kiến về những giá trị đã được chấp nhận, nhất là nơi những người trẻ là lứa tuổi đôi khi thiếu nhẫn nại… Do đó nhiều khi cha mẹ và các nhà giáo dục càng ngày càng gặp nhiều khó khăn trong việc chu toàn bổn phận…
Những hoàn cảnh mới cũng ảnh hưởng tới đời sống tôn giáo. Một phần vì khả năng phán đoán sâu sắc hơn đã thanh lọc khỏi đời sống tôn giáo quan niệm ma thuật về thế giới và những mê tín… Khả năng sâu sắc ấy đòi hỏi đức tin phải được chấp nhận mỗi ngày một thêm cá biệt và linh hoạt,bởi đó nhiều người đạt được một ý thức sống động hơn về Thiên Chúa. Phần khác, số người xa lìa Thiên Chúa trong cách sống thực tế càng ngày càng đông. Khác với thời xưa, sự chối từ hoặc tránh né đề cập tới Thiên Chúa hay tôn giáo không còn là một hành vi dị thường và có tính cách cá nhân nữa, vì ngày nay, biết bao người coi đó như một đòi hỏi của tiến bộ khoa học hay của nền nhân bản mới”(1) (MV 7)
. Những chênh lệch trong thế giới ngày nay:
– Thiếu quân bình giữa óc thực tế hiện thời và lối suy tư thuyết lý
– Khó khăn giữa các thế hệ tiếp nối nhau trong gia đình
– Khác biệt giữa các chủng tộc, giữa các giai cấp xã hội khác nhau.(2)
Tất cả những sự biến đổi ấy ảnh hưởng mạnh mẽ lên các sinh hoạt của nhân loại, các cơ cấu xã hội và do đó cơ chế gia đình cũng bị ảnh hưởng cách trầm trọng (3)
Chính trong bối cảnh này, Công Đồng Vaticanô II muốn soi sáng cho mọi người nhìn thấy lý tưởng cao quý của gia đình để dầu là trong muôn vàn đổi thay, vẫn giữ được nề nếp, giữ được những giá trị cơ bản và đồng thời giáo dục cho giới trẻ biết ý thức để thiết lập những cộng đồng hôn nhân tốt đẹp. Công tác này, công đồng nhấn mạnh, là bổn phận của tất cả mọi người: “Bởi đó, tất cả những ai có ảnh huởng trên các cộng đoàn và tập thể xã hội phải góp công hữu hiệu thăng tiến hôn nhân và gia đình”(MV 52), đặc biệt các linh mục: “Sau khi được học hỏi đầy đủ về các vấn đề thuộc phạm vi gia đình, có bổn phận nâng đỡ ơn gọi của gia đình bằng những phương tiện mục vụ khác nhau” (MV 52)
Theo sự soi sáng của Công Đồng, chúng ta sẽ tìm hiểu xem việc mục vụ gia đình của chúng ta cần phải được nhắm tới những điểm chính yếu nào? Nói cách khác giới trẻ sắp bước vào ngưỡng cửa Hôn Nhân cần được chuẩn bị những gì.
I. Hôn nhân là ơn gọi cao cả.
Trước hết, giới trẻ phải được chỉ cho thấy hôn nhân của họ là một ơn gọi cao cả. Công Đồng Vaticanô II trong hiến chế Mục Vụ đã cho thấy hôn nhân là một ơn gọi thực sự, là một đường lối sống bất biến và vĩnh cữu với cơ cấu đã được Thiên Chúa lập nên: “Đấng Tạo Hóa đã thiết lập và ban những định luật riêng cho đời sống chung thân mật và cho cộng đoàn tình yêu vợ chồng. Đời sống chung này được gầy dựng do giao ước hôn nhân, nghĩa là sự ưng thuận không thể rút lại. Như thế bởi một hành vi nhân linh,trong đó hai vợ chồng tự hiến cho nhau và đón nhận nhau, nhờ sự an bài của Thiên Chúa, phát sinh một định chế vững chắc có giá trị trước mặt xã hội. Vì lợi ích của lứa đôi, của con cái và của xã hội, nên sợi dây liên kết thánh thiện này không lệ thuộc sở thích của con người. Chính Thiên Chúa là Đấng tác tạo hôn nhân, phú bẩm những lợi ích và mục tiêu khác nhau; những điều ấy hết sức quan trọng đối với sự tiếp nối nhân loại, sự phát triển cá nhân và phần rỗi đời đời của mỗi thành phần trong gia đình,quan trọng đối với phẩm giá, sự vững chãi, an bình và thịnh vượng của chính gia đình và của toàn thể xã hội loài người” (MV 48).
Như thế Hôn Nhân Kitô giáo không chỉ là một khế ước tự nhiên, có tính cách xã hội hoặc pháp lý thông thường nhưng chính là một ơn gọi cao cả bởi vì chính Thiên Chúa thiết đặt và trao ban những ơn huệ tự nhiên cũng như siêu nhiên để qua đó con người đạt tới tình yêu và hạnh phúc viên mãn là chính Người bằng cách trao hiến tình yêu cho nhau, chia sẻ với Thiên Chúa trong công trình sáng tạo quan phòng và xây dựng Hội Thánh, nhiệm thể Chúa Kitô.
Khi Đức Kitô làm người để cứu chuộc nhân loại,một trong những công trình đặc biệt của Người là thành lập Hội Thánh. Người nói với Phêrô: “Ngươi là Đá và trên đá nầy Ta sẽ xây Hội Thánh Ta và quyền lực âm phủ sẽ không thắng nổi.” (Mt 16,18). Làm như thế, Người không sáng lập một tổ chức độc lập với Người hoặc xa lạ, nhưng Người đã tạo nên một sự kết hiệp giữa các phần tử của Hội Thánh và Người, sự kết hiệp thân thiết đến nỗi giống như sự kết hiệp giữa các phần tử khác nhau của cùng một thân thể.
Nhiệm thể của Đức Kitô không những liên kết chúng ta lại với Người, nhưng còn nối kết chúng ta lại với nhau, vì chúng ta là những phần của cùng một thân thể (I Cor 12,27). Điều nầy làm chúng ta có trách nhiệm đối với nhau,một trách nhiệm không phải chỉ dựa trên tình cảm hay bằng hữu song bắt nguồn từ sự kiện chúng ta là những chi thể của nhiệm thể Đức Kitô (I Cor 12,25-26). Do đó khi hai người dấn thân vào hôn nhân Kitô giáo, họ mang lấy một trách nhiệm hỗ tương, vì cả hai đều là phần tử của nhiệm thể Đức Kitô, song giờ đây mối dây liên lạc ở giữa họ, trong lòng nhiệm thể trở nên sâu đậm hơn, độc đáo hơn. Quan niệm này mở rộng chiều kích của tình yêu hôn nhân, nó không còn chỉ được hiểu về một sự liên hệ trên bình diện xác thể, tình cảm,trách nhiệm hoặc khế ước. Mối quan hệ vợ chồng trong Hôn nhân Kitô giáo lớn và có ý nghĩa đến nỗi Thánh Phaolô đã đồng hóa nó với chính Nhiệm Thể. Ngài so sánh sự kết hiệp giữa người chồng và người vợ với sự kết hiệp của Đức Kitô và Hội Thánh. Nếu chúng ta suy nghĩ kỹ, chúng ta sẽ thấy sự so sánh này hết sức thích hợp. Chúa Giêsu đã nói: “Họ không còn phải là hai mà là một thân xác” (Mt 19,6). Họ không còn là hai cá nhân nữa nhưng họ hợp thành một thân thể trong xác thịt và trong tinh thần. Hai người xưa kia đã là phần tử của Nhiệm Thể Đức Kitô,thì nay trở nên một đơn vị trong thân thể ấy giống như nhiệm thể luôn luôn là một đơn vị duy nhất, không phân chia, không bị tiêu diệt: “Quyền lực âm phủ sẽ không thắng nổi” (Mt 19,6). Do đó, bản chất của mối giây liên hệ giữa người chồng và người vợ trong hôn nhân Kitô giáo là một bản chất tuyệt vời và sở dĩ được như thế là vì chính cuộc sống này được Thiên Chúa kêu gọi.
Từ ngữ ơn gọi thường được dùng theo nghĩa hẹp để chỉ lời mời gọi sống đời linh mục hay tu sĩ. Cách hiểu như thế làm cho người ta có cảm tưởng rằng chỉ có một nhóm người ưu tuyển được mời gọi sống một lối sống riêng biệt trong khi số người còn lại có thể sống thế nào mặc ý. Chính vì thế đa số giáo dân, nhất là ở những người lớn tuổi,thường bỡ ngỡ khi nghe chúng ta nói họ “có ơn kêu gọi” hoặc có một sự mâu thuẫn rõ rệt trong nếp sống đạo đức với nếp sinh hoạt thường nhật của họ trong nghề nghiệp, trong xã hội. Họ coi những sinh hoạt trần thế hay nghĩa vụ lao công của mình chẳng ăn nhập gì tới sự thánh hóa tâm hồn.Thực ra tất cả mọi người đều có ơn kêu gọi. Vì như Thiên Chúa đã tạo dựng mỗi người chúng ta cách riêng biệt thế nào thì đối với mọi người, Người cũng có một chương trình đặc biệt trong đời sống mỗi người như thế. Đối với một số người, chương trình này bao gồm việc phục vụ Người qua chức vụ của linh mục hay tu sĩ, đối với số người khác phục vụ Người qua ơn gọi của hôn nhân. Đây không phải là trường hợp của những người, vì không được gọi sống đời tu trì nên phải đi vào con đường hôn nhân. Nhưng họ được gọi lập gia đình như linh mục được gọi đến sứ mạng thánh và ơn gọi của họ đó là làm tròn điều dạy sau đây của Chúa: “Các ngươi hãy tăng gia, sinh sản cho đầy mặt đất” (Gn 1,28). Hôn nhân là ơn gọi của nhiều người và chính qua bậc sống này mà họ phải cứu vớt linh hồn của mình và gia đình mình.
Vì vậy đôi bạn phải hoạt động để làm cho hôn nhân Kitô giáo của họ trở nên hoàn thiện. Nhiều người hình như có ý tưởng này: điều khác biệt duy nhất trong hôn nhân Kitô giáo là nó không thể được kết thúc bằng ly dị. Họ xem việc cấm ly dị như một huấn dụ có tính cách thuần túy máy móc mà họ phải tuân giữ với tư cách là những người Công giáo tốt. Họ không nhận thấy:nơi người Công giáo tốt, hôn nhân còn có một cái gì khác hơn một tình trạng tiêu cực của việc không ly dị. Hơn nữa, họ quên ý thức rằng, vì hôn nhân là một ơn gọi nên nó phải được vận dụng, phải được nuôi dưỡng trong một cách thức tích cực. Người chồng và người vợ phải luôn luôn gắng sức để làm cho hôn nhân hoàn hảo hơn. Họ phải cố gắng làm cho tình yêu và sự phục vụ mà mỗi người trao cho nhau được trở nên sâu đậm hơn và bao trùm toàn diện con người cũng như đời sống họ. Nếu chỉ có sự trung thành với đời sống chung trong một thái độ tầm thường và buông xuôi, không mảy may đóng góp vào việc cứu rỗi người bạn đời của mình thì đó không phải là lý tưởng của hôn nhân Kitô giáo. Vì “chồng phải yêu mến vợ mình như chính thân mình. Ai yêu mến vợ mình chính là yêu mến bản thân. Chẳng ai ghét bỏ thân xác mình bao giờ, trái lại người ta nuôi dưỡng săn sóc cũng như Đức Kitô đối xử với Hội Thánh”.(Eph 5,28-29)
Khi hôn nhân tiến triển theo đường hướng đó tức là mỗi người đang đóng một vai trò trong toàn thể đời sống Hội Thánh và họ chỉ hành động cách toàn vẹn khi làm tròn phận việc của một phần tử trong nhiệm thể Đức Kitô… Thân thể mà đôi bạn tự hiến cho nhau trong Bí tích hôn nhân với lời cam kết long trọng chính là thân thể mà Chúa Kitô đã chết thay cho và Người ở lại trong đó qua Bí tích Thánh Thể. Đó là đền thánh Người hiện diện và như thế nó thánh hóa cũng như được thánh hóa bởi hành vi giao hợp trong hôn nhân. Những bản văn trích dẫn từ Kinh Thánh làm chúng ta nhớ lại rằng qua công việc thường ngày,hôn nhân không phải là một cái gì tách biệt xa lạ với Hội Thánh cũng như với đời sống của đôi bạn nhưng nó là một thành phần trong toàn bộ vai trò của đôi bạn đối với nhiệm thể Đức Kitô.
Ơn gọi này cho phép những người có gia đình, qua sự kết hợp toàn vẹn cả thể chất lẫn tinh thần, cộng tác vào công cuộc sáng tạo của Thiên Chúa hầu làm vinh danh Người và góp phần vào việc cứu rỗi chính họ. Vì thế những ai đón nhận ơn gọi của hôn nhân Kitô giáo đều mang lấy một thách đố lớn và một cơ hội tốt. Điều này không chỉ liên quan đến họ mà thôi, mà còn liên hệ đến xã hội trong đó họ đang sống. Hôn nhân ngày nay có thể đang bị hạ giá. Trung thành với lời thề kết hôn không còn có tính cách “tuyệt đối” nữa.Ý tưởng ly dị đã phổ biến và quen thường nhất là nơi những người sống ở thị thành.Tuy nhiên những ai có một quan niệm đích thực về hôn nhân Kitô giáo đều thấy đó là một ơn gọi cao trọng,là sự chia sẻ đời sống và hoạt động với Thiên Chúa. Trong bậc sống nầy,con người cộng tác với Thiên Chúa vào công cuộc tạo dựng và giáo dục những con người mới,những con người đã được chỉ định đến hưởng hạnh phúc vĩnh cửu… Những người đã lập gia đình tự hiến dâng cho nhau trong một lối độc nhất. Sự hiến dâng nầy là một mô phỏng của việc Đức Kitô trao ban chính mình cho Hội Thánh. Và ở trong sự trao ban này,còn có ý nghĩa của mầu nhiệm:con người mà họ thương yêu cũng yêu thương họ và nơi người bạn đời, họ làm chủ được một cái gì lớn hơn tất cả mọi của cải vật chất, một hữu thể nhân linh, hữu thể đã được Đức Kitô chết thay cho và cứu chuộc.
Vì vậy trách nhiệm trước tiên của những người hướng dẫn là giúp cho những người sắp lập gia đình ý thức và hiểu rõ điều đó để họ giúp nhau hoàn tất công cuộc thánh hóa chính mình qua việc kết hôn và đời sống chung gia đình,vì sự thánh hóa nầy là mục đích của tất cả mọi người. Sự mặc khải này chắc chắn là một khích lệ lớn lao cho những người đang chuẩn bị bước vào ngưỡng cửa hôn nhân.
II. Hôn nhân là một bí tích vĩnh cữu.
Vợ chồng Kitô hữu, trong khi hoàn thành ơn gọi của mình, được củng cố và được thánh hiến bằng một bí tích riêng biệt. “Nhờ sức mạnh của bí tích nầy, họ được thấm nhuần tinh thần Chúa Kitô mà chu toàn bổn phận hôn nhân và gia đình của họ; nhờ đó tất cả đời sống của họ được thấm nhuần đức tin, cậy, mến. Càng ngày họ càng tiến gần hơn tới sự trọn lành riêng biệt của họ và sự thánh hóa lẫn nhau và bởi đó cùng nhau tôn vinh Thiên Chúa” (MV 48).
Công đồng Vaticanô II, trong Hiến Chế Phụng Vụ, với ý định thích nghi và làm sáng tỏ khuôn mặt đích thực của Hội Thánh, cũng làm cho chúng ta hiểu rằng hôn nhân Kitô giáo trước tiên không phải là một nghi lễ, mà là một bí tích, một yếu tố chuyển thông ơn cứu sống, một dấu của tình yêu nơi Chúa Kitô, một lời kinh ca tụng và là một con đường dẫn đến hoàn thiện. Nghi lễ hôn nhân do đó đã được đổi mới và nghi lễ ấy giúp cho đôi vợ chồng có một ý niệm sâu đậm hơn về hôn nhân: là một BÍ TÍCH VĨNH CỮU.
Hiến chế Phụng Vụ kêu gọi tìm hiểu lại ý nghĩa của các bí tích trong ánh sáng mầu nhiệm Phục Sinh. Thái độ nầy rất cần đối với bí tích hôn phối. Không có ánh sáng của mầu nhiệm Phục Sinh thì không sao hiểu được luân lý hôn nhân khi đem đối chiếu với đời sống cụ thể. Không có ánh sáng của mầu nhiệm Phục Sinh, mà chỉ dựa vào những dữ kiện của luật tự nhiên, của khoa sinh lý để giải quyết những khó khăn nội tại của hôn nhân, những đau thương, những khắc khoải, những phút đen tối… thì những giải quyết ấy thường chỉ dẫn đến đổ vỡ… Hôn nhân với tư cách là một quy chế, chỉ có thể bảo toàn trong mầu nhiệm chết và sống lại của Đức Kitô.
Mỗi cuộc hôn nhân của các Kitô hữu là một bí tích, nghĩa là một dấu chỉ và là một phương thế để chuyển thông ơn thánh hóa và gặp gỡ Đức Kitô. Khi đôi bạn đứng trước bàn thờ Chúa và nói lên lời thề hôn phối, không những họ bày tỏ tình yêu nhân loại mà còn trao tình yêu Thiên Chúa cho nhau. Mỗi người là thừa tác viên của bí tích, mỗi người thực sự cử hành bí tích. Vị linh mục và cộng đoàn chỉ là những chứng nhân chính thức chứng kiến nghi thức thánh mà đôi bạn cử hành. Đôi bạn lúc ấy trao cho nhau dấu hiệu tình yêu qua lời cam kết và đem đến cho nhau những ơn sủng quý giá của Thiên Chúa.
Trong hôn nhân, mỗi người được nối kết với Chúa Kitô theo cách thức đặc biệt như vợ với chồng. Nói cách khác, bí tích hôn phối ban ơn thánh hóa cũng như những ơn đặc biệt giúp cho đời sống hôn nhân. Ơn sủng hôn nhân giúp đôi bạn khắc phục được lòng vị kỷ vốn có trong bản tính con người đã sa ngã. Lòng ích kỷ khiến đề cao mình trước nhất và xem người khác chỉ như đồ vật để sử dụng chứ không như một con người với phẩm cách và giá trị riêng của người ấy. Tội nguyên tổ đã làm cho con người xa lìa Thiên Chúa và tha nhân,để chỉ còn hướng về chính mình. Hôn nhân có nghĩa là hai người trở nên một, do đó lòng ích kỷ phải được kiểm soát. Chính ơn sủng bí tích hôn nhân giúp đôi bạn điều khiển khuynh hướng tình dục chỉ hướng đến nhau mà thôi và làm cho khuynh hướng tình dục trở thành sự diễn tả tình yêu chân thực của con người.
Ơn sủng trong bí tích hôn nhân cũng nâng cao tình yêu nhân loại của vợ chồng đối với nhau và đối với con cái. Chúa Kitô gọi tình yêu đối với đồng loại là “giới luật của Chúa”. Trong hôn nhân Kitô giáo, vợ chồng yêu nhau không chỉ bằng tình yêu nhân loại,nhưng còn bằng tình yêu Kitô hữu. Theo nghĩa đặc biệt, vợ chồng của mình cũng là đồng loại của mình.Như thế trong hôn nhân không phải là hai mà là ba thành viên: vợ, chồng và Chúa Kitô.Ân sủng trong bí tích hôn nhân còn là sức mạnh trợ giúp đặc biệt cho đời sống gia đình. Nhưng nên nhớ rằng ân sủng chỉ trợ giúp cho mỗi người để sống như một người chồng, người vợ, người cha, người mẹ Kitô hữu. Nó không phải là phù phép ma thuật để muốn gì được nấy, nhưng nó là ánh sáng cho tâm trí để giải quyết cách tốt đẹp các vấn đề theo tiêu chuẩn Kitô giáo, nó là sự can đảm cho ý chí để biết vượt qua những cám dỗ, những khó khăn thử thách trong đời sống gia đình.
Khi hiểu như thế, vợ chồng phải cộng tác với ân sủng để hoàn thành bí tích đã cử hành. Nhiều người lầm tưởng rằng sau khi ra khỏi thánh đường là bí tích hôn phối đã hoàn thành, mọi chuyện đã xong. Không phải thế, đó chỉ là điểm khởi đầu của một tiến trình dài bằng chính cuộc đời của đôi bạn. Bí tích chỉ hoàn thành bằng một đời sống gia đình thánh thiện và gương mẫu. Do đó bổn phận của vợ chồng là phải tiếp tục cử hành và sống bí tích hôn phối trong tất cả mọi chi tiết cuộc sống và bổn phận. Bởi vì mỗi công việc họ làm với tư cách người chồng hay vợ, người cha hay mẹ đều phải được xem thực sự là thành phần của bí tích. Nghĩa là trong mọi nỗi thăng trầm, đời sống hôn phối của vợ chồng phải được bí tích hóa. Khi vị linh mục giảng thuyết, dạy dỗ, dâng lễ, thăm bệnh nhân… ngài đang hoàn thành vai trò giáo sĩ do bí tích truyền chức trao phó. Tương tự, khi vợ chồng thi hành những bổn phận khác nhau đối với nhau và đối với con cái, tức là họ đang sống bí tích hôn phối. Thế nghĩa là mỗi hành vi cho nhau và cho con cái, dù lớn hay nhỏ đều có tính cách bí tích và làm tăng thêm ơn thánh hóa trong tâm hồn. Những hành vi đó không đơn thuần là những công việc tốt nhưng còn là những công việc đã được bí tích hóa. Tình yêu bí tích phải bao trùm mọi khía cạnh đời sống hôn nhân. Thật vậy,khi người chồng ra đi làm việc mỗi sáng, tức là ông đang ra đi để sống bí tích hôn phối. Công việc của ông là một phần của bí tích, bởi vì ông là một người chồng Kitô hữu đang làm việc để nuôi vợ con, để bảo trì tình yêu và hạnh phúc gia đình. Khi người vợ cặm cụi với những công việc nội trợ đều đặn và bề bộn hằng ngày như quét dọn, giặt giũ, nấu ăn… tức là bà cũng đang sống bí tích hôn phối, vì bà là một người vợ Kitô hữu đang làm việc để xây dựng tình yêu và hạnh phúc gia đình.
Chúa Kitô đến với đôi bạn trong ngày cưới, Người sẽ ở lại,sẽ mang đến nhiều ơn trợ giúp đặc biệt. Đức Thánh Cha Pio XII đã nói với một nhóm vợ chồng trẻ: “Trong trật tự siêu nhiên theo sự quan phòng của Chúa, người ta chỉ nhận được thành quả đầy đủ của những bí tích mình lãnh nhận… với điều kiện cộng tác cùng ơn thánh: bởi vậy, ơn thánh của hôn nhân phần lớn sẽ như nén bạc vô ích chôn dấu trong một thửa ruộng, nếu vợ chồng không sử dụng sức mạnh siêu nhiên và nếu họ không vun trồng và làm nẩy nở những hạt giống họ đã nhận được. Nhưng nếu làm điều mình có thể, họ chăm chỉ cộng tác với ơn thánh, họ sẽ làm tròn những chức vụ và bổn phận của bậc mình, họ sẽ được sức mạnh, được thánh hóa và như được dâng hiến bởi một bí tích cao cả dường ấy”(Casti connubii số 42).
III. Hôn nhân trong Mầu Nhiệm Hội Thánh.
Hôn nhân là một ơn gọi cao cả, là một bí tích thánh thiện và với tư cách ấy, hôn nhân sinh ơn thánh trong linh hồn. Nhưng hơn nữa, hôn nhân còn là ánh sáng phản chiếu tình yêu huyền nhiệm giữa Chúa Kitô và Hội Thánh. Cố gắng tìm hiểu Hội Thánh một cách sâu đậm và súc tích hơn sẽ giúp hiểu được đời sống Kitô hữu nói chung và đời sống hôn nhân nói riêng một cách đầy đủ hơn.
Chúng ta cần phải vượt lên khỏi quan niệm chật hẹp, thiếu sót về một Hội Thánh dựa trên cơ cấu luật pháp không hồn và do đó đã rút ra những quan niệm cứng nhắc như “quyền lợi và nghĩa vụ vợ chồng”, nhưng là trên tình yêu phong phú không những với Chúa mà còn với tha nhân. Công đồng Vaticanô II đã giúp chúng ta có một quan niệm về Hội Thánh phù hợp với những bản văn kinh thánh và với truyền thống cao quý của Hội Thánh. Hội Thánh biết rằng chính nhờ tình yêu của Chúa Kitô mà Hội Thánh có được một gia sản thiêng liêng ngày nay. Hội Thánh ý thức rằng mình chỉ có thể lớn lên và nẩy nở, trong mực độ hiến dâng cho Chúa Kitô tất cả tình yêu mà mình có, trong mức độ có thể thực hiện được với vị hôn phu huyền nhiệm một cộng đồng tình yêu.
Đàng khác, chính bởi dấu chúng ta yêu mến lẫn nhau mà thế gian sẽ nhận ra chúng ta là Hội Thánh của Chúa Kitô. Công Đồng đã buộc các tín hữu và các chủ chăn phải ý thức lại rõ ràng rằng sức thu hút, động lực thừa sai, sự phong phú thiêng liêng của Hội Thánh, việc Hội Thánh có thể sinh thêm con cái, tất cả đều tùy thuộc tình thương lẫn nhau giữa các tín hữu, ở tình yêu thương của họ đối với mọi người, không trừ một ai. Chính nhờ tình yêu mà họ có thể chiếu ánh quang xác tín của họ cho người khác và trở thành cha mẹ người đó trong đức tin.
Nhãn giới này sẽ giúp cho hai vợ chồng Kitô hữu nhận thấy minh bạch hơn liên lạc mật thiết giữa tình yêu đích thực và việc làm cha mẹ. Tình yêu đích thực giữa hai vợ chồng sẽ làm cho họ trở thành những cha mẹ đích thực. Tình yêu đích thực giữa hai vợ chồng sẽ làm cho họ trở nên những phần tử đích thực của Hội Thánh. Càng yêu nhau thắm thiết và thành thực bao nhiêu, họ càng có thể mở rộng lòng để kết hiệp với tình yêu của Thiên Chúa tạo thành bấy nhiêu. Chẳng có gì ở trên đời có thể bảo đảm cho việc sinh dưỡng chân thực, xác đáng bằng một tình yêu đích thực, mạnh mẽ, đầy âu yếm và thích thời.
Trước mắt Hội Thánh, tính cách ưu đẳng của tình yêu không làm cho luật pháp thừa thãi, trái lại tình yêu đem lại cho luật pháp ý nghĩa tối hậu và nền tảng đích thực của nó. Luật pháp Hội Thánh có sứ mệnh bảo vệ cộng đồng tình yêu giữa vợ chồng và làm cho tình yêu ấy nẩy nở, bảo vệ tình yêu chống lại những yếu đuối của bản tính con người… Hội Thánh đã tự định nghĩa như một đoàn Dân Chúa đang tiến về Quê Trời. Hội Thánh vẫn biết rằng, trong điều kiện sống trên trần thế, trong bước tiến về Quê Trời, Hội Thánh cần phải tinh tuyền hơn nữa, cần phải tiến bộ thêm nữa. Đôi vợ chồng cũng cảm thấy đòi hỏi ấy trong mức độ họ ao ước làm cho cuộc phối hợp của họ trở thành hình ảnh trung tín của cuộc phối hợp giữa Chúa Kitô và Hội Thánh.
Chính trong nhãn giới này, những người kết hôn phải ý thức rằng gia đình của họ là một tế bào trong thân thể Hội Thánh, tình yêu của họ là biểu tượng tình yêu của Chúa Kitô đối với dân Người… Do đó họ không được thu hẹp trong gia đình mình, giữa những người thân yêu nhưng phải mở rộng, phải chiếu tỏa hạnh phúc và tình yêu của mình cho những gia đình khác, phải làm cho gia đình mình trở thành hình ảnh tuyệt vời họa lại được tình yêu của Chúa Kitô, phải cộng tác với Hội Thánh trong sứ mạng xây dựng thân thể mầu nhiệm Chúa Kitô.
Đó là ba điểm chính yếu mà bất cứ đôi bạn Kitô giáo nào cũng phải ý thức và hiểu biết nếu họ muốn cuộc sống hôn nhân của mình thực sự có ý nghĩa. Nhưng muốn nhận thức được điều nầy một cách vững vàng cũng như muốn thể hiện được những đặc tính đó trong đời sống của mình, cần thiết họ phải có một đời sống đức tin vững mạnh,một sự trưởng thành tối thiểu trong quan niệm về tính dục và tình yêu. Đây là công tác khá gay go nhưng nhất thiết phải thực hiện.
1. Huấn luyện Đức tin (4)
Đức tin là nhân đức khởi đầu của đời sống đạo. Nó là chìa khóa để người ta có thể đọc được, hiểu được và chấp nhận được tất cả những chân lý và mầu nhiệm về Chúa, về Hội Thánh và tất cả những hệ luận từ đó. Bí tích hôn phối chỉ được cử hành để thực sự là một bí tích khi hai người có đức tin. Nếu không, đó chỉ là một nghi lễ rỗng tuếch hoặc chỉ là một món đồ trang trí cho cuộc kết hôn mà thôi. Đức tin chính là sợi dây nối kết vợ chồng Kitô giáo, là ngọn đèn soi sáng cho đời sống gia đình để có thể tiến đi đúng hướng và là sức mạnh để vợ chồng vượt qua những khó khăn, thử thách. Thật thế, có nhiều yếu tố làm cho hai người kết hợp với nhau nhưng trong đó đức tin vẫn là yếu tố quan trọng. Biết bao nhiêu đôi vợ chồng Kitô giáo đã không lìa nhau hoặc đã hòa hợp lại được với nhau một cách vững chắc hoặc đã tạo cho gia đình được một bầu khí an hòa hạnh phúc là vì họ đã tin Chúa và do đó thấy rằng mình phải cố gắng tuân thủ lề luật thánh bằng bất cự giá nào. Những người lớn tuổi khi nhận xét về nếp sống đạo đức, về đức tin của giới trẻ hiện thời đã không ngần ngại lấy những tiêu chuẩn luân lý: đạo nghĩa bây giờ lơ mơ, trai gái quen nhau mất nết, vợ nọ chồng kia… Sự đồng hóa đó không phải là không có lý bởi vì “Đức tin không có việc làm là đức tin chết”(Gc 2,17), “vì chẳng ai có thể nhân danh Thầy mà làm phép lạ,rồi liền đó lại nói xấu Thầy” (Mc 9,39). Đời sống luân lý là một trong những công việc chính yếu của đức tin. Nhìn vào trong đời sống thực tế ta thấy rõ điều đó: một người chồng hay vợ khô khan yếu đức tin thì thường là đầu mối gây nên nhiều chia rẽ, bất hòa trong gia đình. Ngược lại, một gia đình mà vợ chồng đều có lòng đạo đức, có đức tin mạnh mẽ, gia đình ấy thường êm ấm thuận hòa hơn. Vì thế gia đình Kitô giáo không thể nào tồn tại tốt đẹp nếu không có Chúa Giêsu, bởi vì hiệp nhất với Chúa Giêsu, hiệp nhất trong đức tin là nền tảng để hiệp nhất trong hôn nhân. Muốn vậy những người lập gia đình phải có đức tin và sống đức tin,gắn bó với Hội Thánh và vâng phục Hội Thánh. Lời tuyên bố của Chúa Giêsu : “Nếu có đức tin bằng hạt cải, người ta có thể chuyển núi dời non” (Mt 21,21) cũng rất đúng trong phương diện này !
Nhưng để có được một đức tin như thế, việc chuẩn bị trước hôn nhân trong một thời gian ngắn chẳng đem lại được gì nhiều. Dĩ nhiên ta có thể an tâm nghĩ rằng họ là những người “đạo gốc”.Nhưng đó không phải là lý do để sao lãng việc huấn luyện đức tin cho giới trẻ để họ trở thành vợ chồng công giáo tốt.Việc huấn luyện đức tin như vậy cần phải có hệ thống, tiệm tiến và đều khắp. Khi người ta hỏi Napoléon: phải giáo dục đứa trẻ từ khi nào? Ông đã không ngần ngại trả lời: Phải giáo dục nó 20 năm trước khi nó sinh ra-Nghĩa là phải giáo dục từ mẹ nó. Người xưa thì nói: trồng người 100 năm. Phương chi là giáo dục đức tin! Như vậy phải chuẩn bị, phải huấn luyện về đức tin cho những người kết hôn ngay từ khi họ đang trong tuổi ấu thơ. Thiếu nhi phải là thiếu nhi có đức tin, có đời sống đạo đức, thanh niên phải là thanh niên có đức tin, có đời sống đạo đức, rồi sau đó tất nhiên họ sẽ là những người đính hôn, những vợ chồng công giáo có đức tin vững mạnh. Thế huấn luyện ấy là một thế liên hoàn. Ta có thể kết luận: một giáo xứ mà thành phần trẻ được chăm sóc về đức tin thì giáo xứ đó sẽ có tương lai, có nhiều gia đình tốt, đạo đức.
2. Giáo dục về luân lý tính dục và tình yêu.
Trong ánh sáng Đức tin, những người sắp sửa bước vào ngưỡng cửa hôn nhân còn cần phải hiểu biết và đánh giá một cách quân bình về tính dục và tình yêu… Tránh hai thái cực tương phản nhau:một bên quá chăm chú vào những điều cấm đoán, coi những sinh hoạt yêu thương nơi thân xác là xấu, là hạ đẳng và bên kia là thần thánh hóa tính dục trong thái độ buông thả tự do. Cả hai đều có thể làm phương hại cho đời sống gia đình. Khi một dòng sông thác lũ được ngăn không đúng cách sẽ làm vỡ tung, nhưng khi để nó chảy tràn lan cũng sẽ gây thiệt hại không kém. Trách vụ đem lại một quan niệm quân bình về tính dục trong sinh hoạt gia đình đó là một trách vụ lớn lao và cần thiết. Bởi vì cái nhìn quân bình về tính dục là một trong những yếu tố giúp cho đôi bạn thành công trong đời sống gia đình.
Hôn nhân, tính dục là một giá trị nhân bản và nhất là một giá trị Kitô giáo(5). Đó là điều chúng ta phải khẳng định và có thể đối với nhiều người đây là một điều mới mẻ.
Thiên Chúa đã tạo dựng con người giống hình ảnh Ngài(St 1,27) “Thiên Chúa vì yêu thương đã tạo dựng nên con người” (MV 19). Con người là tạo vật độc đáo khác biệt với mọi vật khác, nhưng con người chỉ có thể triển nở trong tương giao với các vật khác. Tự bản tính sâu thẳm, con người hướng đến “tha nhân” và cộng đoàn. Khẳng định này được kiểm chứng một cách sâu sắc trong tình yêu giữa nam và nữ.
Thiên Chúa đã tạo dựng con người có tính dục gồm “nam và nữ” (St 1,27). Tính dục cao vượt hẳn bản năng tình dục vì được xem như hai cực của nam tính và nữ tính, cũng như được đặt rõ ràng vào chương trình tạo dựng của Thiên Chúa.Người đã muốn tính dục in dấu trên “con người toàn diện” trong sự dị biệt giữa hai phái.Nó ảnh hưởng trên tâm trí cũng như tình cảm, trong ý tưởng cũng như trong hành động của con người. Dù họ hoàn toàn giống nhau trong bản tính nhân loại, sự dị biệt phái tính vẫn bắt rễ tận cùng trong con người họ.
Trang đầu của Kinh Thánh nói rõ cho chúng ta về ý định của Thiên Chúa lúc Người tạo dựng loài người có nam có nữ:
. “Đàn ông ở một mình không tốt” (St 2,18). Tính dục như thế là điều kiện căn bản cho sự trưởng thành và sự triển nở khả năng yêu đương của con người toàn diện. Giữa hai phái luôn có một hấp lực nội tại lôi kéo họ đến với nhau. Nhờ vậy đôi bạn đường có thể gặp gỡ thân tình và thực sự: một cuộc gặp gỡ trong đó những gì đặc biệt của nam tính có thể hòa hợp với những gì đặc biệt của nữ tính bằng hiến trao và đón nhận nhằm thiết lập một cộng đoàn sống chung hạnh phúc. Vì vậy “Người nam lìa bỏ cha mẹ mà kết hợp với người nữ và họ trở nên một thân xác” (St 2,24).
. Thiên Chúa đã chúc lành cho đôi bạn đầu tiên, Người phán: “Hãy sinh sôi nẩy nở tràn đầy trái đất và hãy cai quản mọi sự” (St 1,28). Đối với đàn ông cũng như đàn bà, kinh nghiệm yêu thương là một biểu lộ vừa thể chất vừa tinh thần qua sự hiến trao chính con người họ cho nhau. Hơn nữa, tính dục con người hướng đến một mục đích vượt hẳn tầm mức cá nhân: mục đích này là việc lưu truyền nòi giống nhân loại. Thánh Tôma Aquinô đã gọi mục đích này là “cái thiện tuyệt hảo” nhờ đó, theo thánh Augustino người sống tìm gặp người bạn đời và người chết có được kẻ nối dõi tông đường (De genesi ad litteram 9,9).Trong động tác tính dục, người nam và người nữ nhận cho mình trách nhiệm đối với sự trường tồn của nhân loại.
Như thế lập trường khắt khe chế ngự thân xác dựa trên quan niệm bi quan sợ sệt về tính dục không thể là lập trường Kitô giáo. Lúc loan Tin Mừng cho nền văn minh Hy-La thời thượng cổ, Hội Thánh đã phải chạm trán với những trào lưu kỳ thị tính dục, xem tính dục như một sự đồi bại của con người. Các quan niệm khắc khe khổ chế thân xác này, bắt nguồn từ nhị nguyên thuyết ở BaTư, từ các tôn giáo sùng bái thần bí của Phương Đông, từ tân thuyết Platon, từ Trực quan Thuyết(gnose) và nhất là từ Hani thuyết. Hani đòi đồ đệ của mình phải “niêm phong nhủ hoa và cơ quan sinh dục”, theo ông thì chỉ có cách ấy mới khai trừ được sự dữ đang hoành hành trên thế gian.
Ngay trong Kitô giáo hoặc công khai hoặc thầm kín, duy linh thuyết, kẻ thù của tính dục, đã ảnh hưởng nhiều. Ảnh hưởng của nó có thể được tìm thấy nơi một vài thánh giáo phụ như thánh Clêmentê Alexandria, Origène, Gioan Kim Khẩu, Grégoire de Nysse, Tertulien. Tertulien trách móc người đàn bà mở ngõ cho quỷ nhập vào nhân loại khi đầu độc “người đàn ông là chính hình ảnh của Thiên Chúa”. Ngày nay chúng ta thấy một vài quan niệm bảo thủ cũng chủ trương như thế.
Tất cả những ý thức hệ này đều nhận ra trong tính dục nhân loại một thiếu sót cơ cấu nằm ngoài chương trình cứu độ, thiếu sót này đã len lỏi vào công cuộc tạo dựng do một nguyên lý xấu xa hoặc do chính lầm lỗi của con người.
Đức tin Kitô giáo không chấp nhận quan niệm trên đây về tính dục xem như những quan niệm lạc giáo. Công Đồng Bagre năm 561 công bố: “Ai lên án hôn nhân và chối bỏ việc sinh sản con cái…bị vạ tuyệt thông” (DS 461). Tất cả những gì Thiên Chúa đã tạo dựng đều tốt đẹp, con người không thể cho nó là xấu dơ bẩn được. Tội là bởi trong lòng mà ra (Mt 15,11,18-20).
Tuy nhiên, Hội Thánh cũng mạnh mẽ chống lại việc thần thánh hóa tính dục. Thực vậy, ngày nay người ta có khuynh hướng muốn định nghĩa con người qua cơ cấu bản năng tình dục. Tính dục đối với họ chỉ hạn hẹp trong tác động giao hợp. Họ chủ trương như thế vì 3 lý do:
– Việc thần thánh hóa này dựa trên quan niệm sinh lý học cho rằng bản năng tính dục chi phối con người toàn diện theo những định luật sinh lý tuyệt đối.
– Một vài ý thức hệ chính trị lợi dụng sự buông thả nhục dục để đạt mục tiêu hạn hẹp của mình. Một đời sống tình dục dồi dào và không giới hạn sẽ giải phóng con người, biến công việc trở thành nguồn vui và cuộc sống thành lạc thú. Theo họ, hôn nhân chỉ khiến nam giới bị trói buộc và nữ giới thành nô lệ.
– Nhiều người khác hi vọng tìm thấy ở niềm cảm khoái nhục dục một lối thoát cho tâm trạng cô độc và trống rỗng nội tâm.
Những quan niệm này được phô bày trong phim ảnh, tivi, sách báo, tiểu thuyết, quảng cáo… đưa đến những đồi bại nơi giới trẻ, hạ giá người nữ, tự do luyến ái, hôn nhân thử, hôn nhân tạm thời, coi hôn nhân như cái gì trói buộc tự do vì thế ly thân, ly dị (6).
Xét như thế ta thấy việc giáo dục tính dục cho những người sắp bước vào đời sống hôn nhân là điều hết sức quan trọng. Tuy nhiên muốn có một cái nhìn và thái độ quân bình về tính dục phải phối hợp nó với một năng lực mãnh liệt hơn đó là tình yêu.
Tính dục tự nó là tốt và trung lập. Nhưng tội lỗi đã len lỏi vào con người và làm cho tính dục bị ảnh hưởng, trở nên một thế lực khống chế con người, làm cho họ dễ rơi vào vòng sa đọa của tình dục. Vì vậy giới trẻ cần được hướng dẫn để có một quan niệm đúng đắn về tình yêu. Chính tình yêu nầy sẽ kiềm chế tình dục, mặc cho tính dục kích thước con người và nâng nó lên ý nghĩa nguyên thủy của nó đó là nó được tạo dựng để diễn tả và cụ thể hóa tình yêu. Nhưng tình yêu là gì nếu không phải là hiến mình và kiện toàn chính mình nơi người khác cùng một lúc vừa hiến dâng vừa lãnh nhận. Hiểu như thế thì giao hợp là một hình thức hoàn toàn của việc trao hiến và lãnh nhận qua thể xác. Vì thế tình yêu nam nữ được gọi là “tình yêu tính dục”.
Nhưng không phải bất cứ tình yêu nào cũng nâng tính dục lên bình diện con người và kitô giáo, mà phải là tình yêu mà Thiên Chúa muốn ( ơn gọi), tình yêu mà Đức Kitô đã thánh hiến (bí tích).
. Tình yêu mà Thiên Chúa muốn trước tiên phải là một tình yêu dứt khoát, trọn vẹn nghĩa là trung thành và chung thủy. Sự trung thành chung thủy đòi hỏi tình yêu vô vị lợi, hi sinh và chiến thắng. Không có hi sinh, không có tình yêu. Tình yêu đích thực không tìm mình nhưng tìm lợi ích người khác, kính trọng người khác và điều nầy đưa tình yêu đến sự chiến thắng mọi gian dối, bất trung.
. Một tình yêu như thế chỉ thực hiện được trong hôn nhân, nhờ đó người nam và người nữ cùng thề hứa trung thành với nhau suốt đời, một lời thề hứa vừa mang tính cách xã hội vừa mang tính cách Hội Thánh. Nó làm nên một thành trì bảo vệ hôn nhân.
. Tình yêu mà Thiên Chúa muốn còn là một tình yêu không khép kín giữa hai người, nhưng mở rộng và có tính cách thông truyền. Có nghĩa tình yêu ấy vừa hiến dâng vừa hướng về việc truyền sinh. Nếu tình yêu hỗ tương giữa đôi vợ chồng mang lại cho sự giao hợp một giá trị nhân bản và Kitô giáo thì cũng chính tình yêu nầy phải làm nảy sinh nơi họ ước muốn thông ban sự sống cho một người khác. “ Người khác” này chưa hiện hữu, nhưng chỉ hiện hữu nhờ ước muốn này. Tình yêu tự nhiên giữa người nam và người nữ là hình ảnh tình yêu vô hạn kết hợp Ba Ngôi Thiên Chúa, thì “ tình yêu truyền sinh” cũng là hình ảnh của tình yêu bao la mà Thiên Chúa yêu con người. Đó là ban cho con người sự hiện hữu và sự sống. Do đó từ chối không mở rộng tình yêu là từ chối tình yêu.
Trong những ý nghĩa ấy, giới trẻ sắp kết hôn phải hiểu rằng: cuộc chiến đấu nhằm bảo toàn đức trong sạch, nhằm xây dựng một tình yêu chân chính là một cuộc chiến đấu có thật, gay go và ở ngay ngưỡng cửa của tự do và hôn nhân. Trước khi bị thu hút bởi tiền tài, uy quyền và danh vọng, con người đã phải sống trong cơn cám dỗ của tình dục. Và dấu hiệu bảo đảm cho một tình yêu chín mùi, chiến thắng và vô vị lợi trước hết là sự làm chủ bản thân và kính trọng lẫn nhau. Thực là một lầm lẫn tai hại nếu nghĩ rằng: giao hợp trước hôn nhân là điều cần thiết để hiểu nhau và đánh giá trị của nhau. Tình yêu thực sự tìm thấy ở người mình yêu hình ảnh con cái Thiên Chúa. Họ không tìm đến nhau vì đòi hỏi nhục dục nhưng vì một tình yêu đáng kính. Thế nên chính trong thời gian đính hôn mà mối tình chung thủy và sự lựa chọn, quyết định được hình thành rõ rệt. Chỉ trong hôn nhân họ mới có quyền trao cho nhau những gì là thân thiết nhất và đây chính là dấu chứng đích thực nhất của tình yêu hôn nhân.
Quan niệm được như thế, sẽ giúp cho giới trẻ biết tôn trọng thánh ý Chúa, tránh sống buông thả bê tha theo trào lưu xã hội. Họ càng hiểu ý nghĩa cao quý về tính dục, tình yêu và hôn nhân, họ sẽ càng nhận thấy vai trò, bổn phận của mình và những giới hạn không thể vượt qua. Đối với giới trẻ hôm nay không nên giáo dục chỉ dựa trên cấm đoán hay hù dọa mà là ý thức và khai phóng. Một nền giáo dục tính dục dựa trên tình yêu có thể thay đổi và khả dĩ có thể làm họ chấp nhận. Vì thực ra tự thâm tâm, họ khát vọng tình yêu cao quý hơn là những phút vui tạm bợ. Điều cần thiết là ta phải giúp họ nhận ra sự dị biệt của chúng, hầu họ có thể biết dùng thú vui đúng lúc để phục vụ tình yêu và không còn coi “ lề luật Đức Kitô” như một gò bó mà là như một phương tiện tự giải thoát cần phải chấp nhận một cách kiên trì.
B. Công tác mục vụ thực tế.
Việc cử hành bí tích hôn phối hiện nay đặt ra thật nhiều vấn đề và thường là những vấn đề nghiêm trọng. Chính những vấn đề này chiếm nhiều thì giờ, sự lo lắng của người hữu trách và nhiều khi gây ưu phiền, nhất là khi thấy những gia đình ly tán, đổ vỡ, bất hòa trong giáo xứ. Hơn nữa, gia đình đóng một vai trò hết sức quan trọng trong đời sống đạo, trong sinh hoạt của Hội Thánh.
Do đó việc chuẩn bị cho giới trẻ thành lập những gia đình đạt được tầm mức tinh thần mà Hội Thánh đề ra đó phải là ưu tiên số một trong công tác mục vụ. Một thế hệ được giáo dục kỹ lưỡng sẽ phát sinh những thế hệ được giáo dục và ngược lại. Chúa Giêsu đã nói: “cây tốt sinh quả tốt, cây xấu sinh quả xấu”. Nhiệm vụ của mọi người là phải ươm trồng trong vườn Hội Thánh những cây tốt.
Nhưng bắt tay vào công việc, chúng ta thấy vấn đề không đơn giản. Ngưỡng cửa hôn nhân mà chúng ta vừa khảo xét với nhau theo tinh thần Hội Thánh là “ ngưỡng cửa lý tưởng”. Chúng ta chỉ có thể dẫn đưa các đôi bạn trẻ đi vào ngưỡng cửa ấy với một số điều kiện nào đó. Chúng ta nói như vậy là vì mỗi người chúng ta đang ở trong những điều kiện khác nhau và giới trẻ cũng đang ở trong những điều kiện khác nhau…Nhưng dầu trong điều kiện nào, chúng ta cũng đều phải sáng suốt và can đảm tìm phương cách để hoàn thành trách nhiệm. Phần sau đây sẽ đề cập đến công tác mục vụ thực tế.
1. Môi trường mục vụ:
Môi trường mục vụ nói chung đã có nhiều thay đổi đi theo với những thay đổi trong cơ cấu xã hội, kinh tế, gia đình… Những thay đổi này đưa đến những cái nhìn mới về các vấn đề, những nguyện vọng mới, những khó khăn và những hướng giải quyết mới đặc biệt là vấn đề gia đình.
a/ Giáo xứ:
. Các linh mục đã coi xứ nhiều năm và đã thay đổi nhiều giáo xứ, nhận thức rõ thay đổi này. Giáo xứ không còn có thể quan niệm một cách cứng nhắc là đối địa hoặc đối nhân trong đó giáo dân quy tụ lại hoặc ở gần dưới sự chỉ đạo của một cha xứ về nhiều phương diện, sinh hoạt một cách thứ tự và đều đặn (7). Ranh giới có khi không còn nữa, việc quản lý giáo dân như trước đây ta vẫn thường hiểu là một vấn đề. Tình trạng giáo xứ không ổn định: nhiều người vì hoàn cảnh phải đi lập cư ở những nơi khác, những người ở nơi khác đến không đăng ký nhập xứ vì những lý do riêng, những người ở những nơi khác không có linh mục trở về xin lãnh nhận các bí tích, những người xin trở lại vì vấn đề hôn nhân, đời sống kinh tế khó khăn đưa đến những tệ nạn mới: trộm cắp, lừa đảo, vu khống, bất hòa, mại dâm… Cha mẹ bận bịu trong công việc làm ăn không có khả năng coi sóc con cái khiến đi theo bạn bè xấu sinh ra cờ bạc, rượu chè… Cha xứ không còn “ khả năng” để thực hiện những chương trình ngài muốn, không thể đến với mọi gia đình… Nói tóm lại vai trò của linh mục càng ngày càng “ tương đối”.
. Về phía giáo dân họ ít có dịp tiếp xúc và đối với một số, ít “thích” đến với các linh mục, khi có việc cần đến thì thường là các bà. Giáo dân càng ngày càng bớt nhìn các linh mục theo cách mà họ đã từng nhìn, do đó cũng đem đến những khó khăn cho việc mục vụ. Trong khi đó Giáo Hội địa phương chưa có đủ điều kiện để trở mình kịp mà thích nghi.
Tất cả những thay đổi đó và những thay đổi khác khiến Giáo Hội băn khoăn nhiều và thúc đẩy Giáo Hội phải đặt lại vấn đề về phương cách làm mục vụ.
b/ Giới trẻ kết hôn:
Riêng giới trẻ mà hôm nay đang chuẩn bị bước vào ngưỡng cửa hôn nhân chúng ta thấy:
.Đa số sinh ra từ năm 1975. Thời gian này họ ít có điều kiện để học hỏi về giáo lý, về hôn nhân. Nhiều thanh niên nam nữ khi được hỏi: Anh chị lập gia đình để làm gì? 85% chẳng biết trả lời gì hơn là: để sinh con cái thờ phượng Chúa hoặc trả lời bằng yên lặng, lúng túng. Họ chỉ biết lập gia đình nhưng chưa có một ý thức gì về hôn nhân, về nhiệm vụ, bổn phận cũng như về cung cách cư xử trong đời sống vợ chồng. Qua bản góp ý mà chúng tôi thực hiện: 79,3% đã mong muốn các linh mục giúp họ hiểu biết về đời sống hôn nhân và những gì liên hệ. Điều đó phần nào cho thấy họ nghèo nàn ý thức về đời sống mà họ sắp sửa bước vào.
.Học vấn không được coi trọng hoặc không có điều kiện phát triển. Do đó cũng gây nên nhiều trở ngại. Đa số người trẻ trong các giáo xứ có trình độ học vấn ở mức tối thiểu từ lớp 6-9, vì không có truyền thống ham học hoặc vì hoàn cảnh kinh tế gia đình hoặc vì những lý do khác. Sự kiện này đưa đến vấn đề là nam nữ liên hệ tình cảm quá sớm. Đa số thanh niên nam nữ có liên hệ tình cảm vào tuổi 16-17 (83%). Như thế phải chờ từ 2 đến 4 năm mới có thể được chính thức kết hôn theo dân luật. Giai đoạn này lại là giai đoạn của tuổi dậy thì, thời điểm thức dậy của bản năng duy trì nòi giống, giai đoạn có nhiều hành vi và cảm xúc khó kềm chế. Đối với tuổi trẻ nhiều bồng bột và thiếu kiên nhẫn, thời gian này quá dài và đầy nguy hiểm có thể đưa đến nhiều hậu quả không hay. Hoặc là họ sẽ thuận tình kết hôn sớm hoặc là vồ vập “yêu” và rồi những ước muốn tình dục đơn thuần bó buộc họ kết hôn sớm. Cả hai trường hợp đều bắt họ phải làm vợ chồng ở tuổi quá trẻ (17,18). Hoặc là lỡ làng rồi bỏ cuộc…Các hậu quả này không thuận lợi cho đời sống gia đình, có nhiều khả năng đưa đến những bi kịch và đặt cha xứ vào trường hợp khó xử và gây gương xấu trong giáo xứ. Đại đa số các cuộc bất hòa, ly hôn đều xảy ra giữa những cặp vợ chồng rất trẻ. Những cặp này lúc đầu tưởng như rất yêu nhau, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn đã bỏ nhau (8)
Những đôi vợ chồng này chưa có ý thức về trách nhiệm cũng như chưa có khả năng chu toàn trách nhiệm, chưa trưởng thành về nhân bản, tính dục, tâm lý, đạo đức…chưa biết cách cư xử với nhau cũng như với gia đình. Nhiều cậu lập gia đình rồi mà vẫn lêu lổng như trước hoặc cứ nghĩ rằng lấy vợ rồi đâu sẽ vào đó. Nhiều cô gái chưa biết ăn nói, đối xử với bố mẹ, chưa biết vun vén cho gia đình, “đun cám quên đổ nước”. Đại đa số các cuộc bất hòa, ly hôn đều xảy ra vì những lý do vặt vãnh như thế nơi những người trẻ.
Do đó cần phải khuyến khích việc học, đồng thời đòi hỏi một mức độ tuổi tác tương đối để có điều kiện trưởng thành về nhiều mặt. Nhưng một điều oái oăm là sự trưởng thành của tâm hồn lại thường đến sau và rất sau sự trưởng thành về tính dục. Tuổi để có thể đạt mức trưởng thành về nhân bản và đạo đức là từ 22-25, do đó tuổi kết hôn tốt nhất là 25 tuổi (76%). Nhưng đa số kết hôn lại không đạt được sự trưởng thành nầy.
. Sự chênh lệch về nhân số giữa 2 phái cũng gây nên nhiều khó khăn. Đa số các giáo xứ số lượng giữa nam và nữ không quân bình. Thường thanh nữ nhiều hơn thanh nam từ 20-30%. Sự chênh lệch này khiến giới nữ gặp khó khăn trong việc lập gia đình. Nhiều cô cảm thấy càng ngày mình càng đi ra ngoài tiêu chuẩn. Do đó tìm cách vớt vát bằng việc chài mồi, tự do quan hệ mà không còn để ý tới tư cách, đạo giáo hoặc biết có nhiều rủi ro nhưng cũng liều để “cá cắn câu” cho chắc ăn. Hiện tượng này xảy ra ở nhiều thành phố hoặc á thành phố hoặc nơi có nhiều người qua lại, có điều kiện tiếp xúc với những người từ những địa phương khác đến. Những người này thường thiếu chỗ ăn ở, tương đối cô đơn về tình cảm nên dễ “phải lòng”. Từ đó ta thấy hiện tượng tân tòng, ở rễ. Sự mù quáng, bị lợi dụng đưa đến những cuộc hôn nhân chênh lệch về học vấn, tuổi tác, hoặc gây ra những khó khăn cho việc mục vụ: bên nam học kinh bổn sắp xong thì bên nữ cũng sắp sinh. Cha xứ bị hối thúc phải lo liệu sớm, chuẩn bị qua loa. Những trường hợp như thế có rất ít cơ may để tạo cho gia đình hạnh phúc.
. Việc ăn ở lỡ làng trước hôn nhân vì bồng bột, vì cố tình cũng thường làm cho gia đình ít hạnh phúc. Đứa con vụng trộm trong những giây phút yếu lòng ấy nhiều khi chẳng phải là sự mong đợi khát khao có tính toán của họ nhất là của bên nam. Người con trai bồng bột sau khi “đạt được mục tiêu” thường thay đổi ý kiến về sự trung thành và tình yêu của mình. Trong những cuộc tiếp xúc với những thanh niên lỡ làng, 70% có tâm trạng không muốn tiến tới hôn nhân vì không có tình yêu chân thực, nhưng thường là vì liên hệ máu mủ với đứa con, vì tội nghiệp hoặc vì sợ mang tiếng cho cá nhân, gia đình. Một số đã chối thẳng trách nhiệm của mình. 92% thanh niên đã cho rằng cần phải giữ sự đúng đắn trong sạch trước hôn nhân và đó là một trong những dấu chứng quan trọng bày tỏ ý chí trung thành về sau, đồng thời cho rằng sự lỡ làng với nhau trước làm giảm giá trị của việc kết hôn. Sự góp ý này phù hợp với nhận định chung: lương tâm giới trẻ trước lề luật Chúa và Hội Thánh tương đối vẫn còn nhạy bén. Đó là điều đáng mừng. Chúng ta phải nỗ lực giáo dục lương tâm giới trẻ về vấn đề này vì sự lỡ làng trước hôn nhân thường đưa đến những khó khăn trong việc mục vụ và gương xấu trong giáo xứ gây ảnh hưởng không tốt
. Nghề nghiệp, kinh tế: có những thanh niên nam nữ đến xin làm thủ tục kết hôn mà trong tay chưa có nghề, chưa biết phải làm gì để bảo đảm cuộc sống gia đình. Họ hoàn toàn cậy dựa vào cha mẹ hoặc đến đâu hay đến đó. Nếu cha mẹ có của thì còn được nhưng trường hợp cha mẹ đủ sống hoặc nghèo thì quả là vấn đề (9). Bao giờ họ sẽ ở riêng, bao giờ họ sẽ có cơ nghiệp. Tất cả cha mẹ anh em, hai ba gia đình lớn nhỏ ở chung trong một căn nhà chật chội đưa đến bao nhiêu chuyện rắc rối. Chúng ta đều biết nghề nghiệp, kinh tế có ảnh hưởng lớn đến việc kết hôn và đến hạnh phúc tương lai của gia đình trẻ. Xét như thế, Giáo Hội không khỏi băn khoăn khi tiến hành thủ tục kết hôn cho những người mà chúng ta biết chắc họ chẳng có chút căn bản nào về kinh tế. 42% các em được hỏi ý kiến cũng cho biết: nghề nghiệp, kinh tế là điều kiện quan trọng để gia đình được hạnh phúc thuận hòa. Ai cũng biết vậy nhưng không ai có khả năng giải quyết vấn đề. Do đó chúng ta nên giáo dục khuyến khích giới trẻ tìm việc làm, học nghề và chuẩn bị về mặt tài chánh cho gia đình tương lai (10).
. Quá vội vàng, ít tìm hiểu: có những đôi đến xin cưới sau một thời gian ngắn quen nhau hoặc phải lòng nhau ở cuộc gặp gỡ đầu tiên ( ở bến xe, công trường…) – ta tạm gọi là tiếng sét ái tình – vì một cử chỉ, vóc dáng, một ánh mắt hay chỉ vì nó khớp với hình ảnh về một mẫu người yêu lý tưởng trong đầu hoặc nữa nó nhắc lại một hình ảnh nhung nhớ đã qua còn đọng lại trong lòng. Đúng là người ta có thể phải lòng đơn phương hoặc song phương ở những giây phút đầu tiên của cuộc gặp gỡ. Nhưng chỉ vì thế mà đi đến quyết định một cách vội vàng thì thật là sai lầm. Sự phải lòng ấy thực chất có thể chỉ là thấy thích nhau hoặc hợp nhãn. Có thể chưa bao giờ trong tiếng sét ấy lại mang sẵn một tình yêu đúng nghĩa. Lý do rất đơn giản: tình yêu chân thật và sâu sắc bao giờ cũng thế, cần có thời gian tối thiểu để hình thành. Nếu không hiểu nhau thật sự thì khó yêu nhau thật sự và lâu dài. Có những tiếng sét đã gắn chặt hai người lại với nhau lúc ban đầu nhưng tình yêu thực sự đã không đến sau một thời gian họ về với nhau. Tiếng sét ấy là tiếng sét nguy hiểm chết người. Do đó nên đặt vấn đề đối với những đôi bạn đến xin làm thủ tục mà chỉ mới quen nhau một vài tháng. Nguy cơ gây bất hòa đổ vỡ trong hôn nhân vì thiếu thời gian chuẩn bị 33,5%. Những người có trách nhiệm cũng không nên vì tình cảm để du di một cách dễ dàng thời gian chuẩn bị.
. Trở lại để lập gia đình
Nhìn chung, số người xin trở lại đạo đông hơn lúc trước. Xứ nào cũng có tân tòng, đặc biệt là những xứ ở thị thành, tiếp xúc nhiều với những người ở nơi khác đến. Có những người xin trở lại vì thành tâm thiện chí hoàn toàn hoặc trở lại vì áp lực của tình yêu rồi sau đó ý thức, thành tâm. Nhưng cũng có những người đến xin học đạo theo kế hoạch ngắn hạn… Những người tân tòng được huấn luyện kỹ lưỡng, lập gia đình rồi ở lại bên vợ hoặc ở trong môi trường giáo xứ thì tương đối khá vì được nâng đỡ, được cảm hóa và có điều kiện thực hành đạo. Còn những người tân tòng lập gia đình rồi trở về gia đình mình, ở giữa xóm lương, không nhà thờ, không linh mục thì sau đó một thời gian ngắn là đâu lại vào đó hoặc trở chứng, gây nên những xung đột trong gia đình. Tệ hơn nữa là chính người công giáo cũng bị lôi xuống dốc trở nên khô khan nguội lạnh (11). Nhiều vị hữu trách cảm thấy ngán vấn đề tân tòng kiểu nầy. Chính vì thế họ cần phải được huấn luyện thử thách kỹ lưỡng. Thà không trở lại còn hơn là trở lại một cách qua quýt vội vàng rồi sau đó bỏ hẳn (16,6% trả lời vấn đề đức tin cho tân tòng là khó nhất).
2. Áp dụng cụ thể:
Những sự kiện trên đây kèm theo những yếu tố khác, thường là nguyên nhân gây bất hòa đổ vỡ trong các gia đình trẻ. Chắc chúng ta đồng ý như thế và khi đồng ý như vậy chắc chúng ta thấy rằng cần phải làm những gì trong điều kiện của chúng ta để giảm trừ thật nhiều những trở ngại đó cho những người sắp kết hôn. Xin góp một vài ý kiến:
a/. Không nên đơn độc thực hiện công tác nầy nhưng:
– Phải có quy mô giáo phận: Từ trước tới nay chúng ta thấy mỗi xứ tùy nghi thực hiện. Có xứ làm rất kỹ lưỡng nhưng cũng có xứ rất sơ sài. Dân Chúa trong giáo phận không thể tiến triển đồng bộ được và các vị mục tử cũng phần nào gặp khó khăn trong việc thi thố lòng nhiệt thành của mình. Do đó mong ước rằng giáo phận có một bản quy định việc huấn luyện đức tin và nhất là hướng dẫn hôn nhân. Bản quy định nầy không nên chỉ nhắc đến những chi tiết có tính cách luật lệ nhưng tối thiểu có những quy ước cần thiết và nhất là có những chất liệu hướng dẫn phong phú để việc huấn luyện giới trẻ kết hôn được nhất thống và kết quả hơn trên tầm mức giáo phận. Ta không nên nêu những trường hợp một số giáo xứ không có điều kiện bình thường để nghĩ rằng không cần có bản quy định này hoặc có thì cũng không thực hiện được hoặc tùy hoàn cảnh. Những giáo xứ không có điều kiện phải coi là ở luật trừ .
– Phải mở rộng vai trò trách nhiệm chuẩn bị hôn nhân: không phải chỉ linh mục chánh xứ nhưng những ai có điều kiện và khả năng đều có thể được chia sẻ.
Môi trường giáo xứ có đức tin, có đời sống bác ái, luân lý gương mẫu, ít tệ đoan xã hội, ít rối rắm… có ảnh hưởng nhiều đến việc kết hôn và đời sống các gia đình trẻ. Sự cộng tác này âm thầm nhưng có nhiều hiệu quả. Do đó phải thanh lọc và thăng tiến môi trường giáo xứ, 84% người được hỏi cho biết môi trường giáo xứ có ảnh hưởng lớn đến việc kết hôn và đời sống gia đình trẻ.
Gia đình là trường học đầu tiên về nhiều phương diện nhất là về đời sống tinh thần và luân lý. Gây ý thức để cha mẹ bỏ bớt những quan niệm cũ về hôn nhân, những cách cư xử mang sắc thái phong kiến với con cái nhất là con dâu. Giúp họ biết giáo dục con cái nhất là về tâm sinh lý và những tiêu chuẩn cần thiết để lựa chọn người bạn đời đúng đắn. Cổ võ các gia đình tốt, kiễu mẫu, sống hòa hợp yêu thương nhau. Tình thương và sự tương trợ là bầu khí thuận lợi cho gia đình mới.
Những người có kinh nghiệm, đứng đắn trong giáo xứ là những “tài nguyên” quý báu. Họ có thể giúp cho các đôi bạn trẻ những kinh nghiệm thực tế, những kinh nghiệm mà linh mục không có được dầu các ngài thông thạo sách vở.
Tóm lại: không nên ôm lấy một mình, công việc sẽ nặng và không thể làm chu đáo.
b/. Thời gian chuẩn bị trước hôn nhân là cần thiết, không nên du di vội vàng. Kinh nghiệm cho thấy những đôi kết hôn vội vàng có nhiều nguy cơ đổ vỡ vì sự suy nghĩ và lựa chọn thiếu chín chắn. Phải có can đảm để đòi hỏi ở mức có thể được, đừng có sợ dư luận cho mình là khó khi cái khó ấy là đúng và có ích. Thời gian này không phải là thời gian về nhà học thuộc cuốn giáo lý công giáo hay một ít kinh để khảo như là điều kiện cần và đủ để được cử hành bí tích, nhưng là thời gian tiếp xúc, trao đổi và hướng dẫn. Họ sẽ học được rất nhiều điều khi tiếp xúc với những người hướng dẫn và chúng ta cũng có nhiều nhận định có ích về việc kết hôn của họ.
c/. Linh mục không nên làm những ông mai bà mối. Vai trò mai mối của linh mục ảnh hưởng rất lớn trên sự chọn lựa và quyết định của đôi bạn. Những ảnh hưởng ấy không phải khi nào cũng tạo nên những gia đình yêu thương, hạnh phúc. Vì tin vào lời linh mục, vào nhận xét của các linh mục họ sẽ đinh ninh rằng đối tượng của mình là tốt do đó sẵn sàng chấp nhận vô điều kiện… Sự chấp nhận mù quáng như thế mang nhiều rủi ro… Thực tế có nhiều đôi do các linh mục mai mối đã thất bại thê thảm và khi ấy chúng ta sẽ là người nhận hết những lời trách móc.
d/. Gây ý thức cho mọi người trong giáo xứ nhất là cho giới trẻ về tiêu chuẩn, điều kiện kết hôn: tuổi tác, nghề nghiệp, tinh thần đạo đức, sự tìm hiểu và suy nghĩ cẩn thận. Khuyến cáo cha mẹ nên liệu cho ở riêng sớm để gia đình mới tự lập và ý thức trách nhiệm. Đồng thời tránh những va chạm bất hòa khi sống chung nhiều người.
e/. Nghi lễ hôn nhân cũng đóng góp nhiều trong việc xây dựng đức tin và khích lệ sự trung thành của đôi tân hôn. Xét về mặt tâm lý, con người thường tự hào về những kỷ niệm tốt đẹp. Những kỷ niệm được sống như thế dễ nhắc nhủ đôi bạn gắn bó, trung thành. 100% bạn trẻ đã cho biết nghi lễ tôn giáo có một giá trị ưu việt, không thể bỏ qua.Có thể vì họ thấy đó là một thông lệ, có thể vì không có nghi thức nào hơn hoặc có thể nó tăng thêm sự long trọng cho việc kết hôn. Nhưng điều không thể phủ nhận là tất cả đã coi đó là nghi thức làm nên vợ chồng, là bằng chứng của sự cam kết và nó để lại ấn tượng sâu xa về sau và suốt đời. Do đó, đừng để cho đôi tân hôn hoặc những người tham dự thấy rằng nghi thức hôn nhân công giáo chỉ là nghi lễ bên ngoài, vụ hình thức chứ không phải là một sinh hoạt của niềm tin và lòng đạo đức. Vì thế nên bỏ những hình thức thêm bớt nầy nọ với điều kiện hoặc quá đơn giản… Cũng đừng quan niệm bài giảng lễ hôn phối chỉ là giảng cho đôi tân hôn và nội dung cứ lặp đi lặp lại về tình yêu, trung thành…nhưng còn là để giáo dục cộng đoàn tham dự. Do đó phải làm cho bài giảng hôn phối phong phú, có tính cách giáo dục tiệm tiến, đa diện và nghiêm túc chứ không phải chiều theo “thị hiếu”. Chúng ta có thể đề cập đến rất nhiều vấn đề trong lễ hôn phối như đức tin, cậy mến, các bí tích, đời sống đạo, các giới răn, đời sống gia đình, Hội Thánh, việc tông đồ, đời sống xã hội…
g/. Sau hết phải luôn luôn canh tân phương pháp giáo dục và cách làm việc của mình. Ta cần nhớ kỹ câu quả quyết sau đây của Công Đồng Vaticanô II: “Nhân loại ngày nay đang sống vào một giai đoạn mới trong lịch sử của mình” (MV 4). Do đó, đặc biệt những ai có trách nhiệm giáo dục lớp trẻ phải suy xét lại rằng: cố gắng tiếp tục sống làm việc theo nếp cũ trong “giai đoạn mới của lịch sử” tất nhiên là lỗi thời.
Kết luận: Trên đây là những ý kiến rất thô thiển. Những điều này chắc chắn các vị có trách nhiệm đều thừa biết và quá kinh nghệm.
Hướng nhìn về tương lai, chúng ta đều thấy rằng việc xây dựng các gia đình Kitô giáo là một vấn đề hết sức quan trọng. Đức Giám Mục Giáo Phận đặc biệt lưu ý đến vấn đề này. Mối quan tâm đó được biểu lộ một cách cụ thể trong tập giáo huấn 1980 đề cập đến vai trò giáo dục, thánh hóa và thăng tiến gia đình và được nhắc đi nhắc lại trong các thư chung, trong các bài giáo huấn khác nhau, trong những dịp gặp gỡ các linh mục cũng như giáo dân
Rung cảm với Giáo Phận và Giáo Hội Mẹ, chắc chắn mỗi người chúng ta đều thấy rằng phải dồn hết nỗ lực vào công tác này. Mặc dầu cùng một mối quan tâm nhưng không phải chúng ta có thể thực hiện được như nhau, còn tùy nhiều điều kiện khách quan và chủ quan. Nhưng dầu là thế nào, làm cách nào, làm được bao nhiêu chúng ta vẫn có một ước nguyện chung là cố gắng giúp cho giới trẻ đi vào cuộc sống gia đình một cách tương đối vững vàng theo những chặng đường Hội Thánh chỉ vẽ để thành tựu như lời kết thúc bài giới thiệu tập Giáo Huấn 1980:
“Ước gì mỗi gia đình Kitô hữu sẽ là:
– Một Giáo Hội nhỏ liên kết với giáo xứ và giáo phận
– Một đền thờ, nơi Thánh danh Chúa được cầu khẩn
– Và là nơi xuất phát sự thăng tiến của con người và xã hội
Ghi chú:
(1) . Những quốc gia tân tiến là những quốc gia bỏ đạo nhiều hơn, nền tảng gia đình bị coi thường và xáo trộn nhiều hơn bởi những luật lệ tự do: ly dị, phá thai, tự do luyến ái…
Những hình thức nhân bản mới như là: –Nhân bản dân chủ: mong ước giải thoát con người khỏi mọi trạng thái hỗn độn nhờ giáo dục, kỹ thuật, quyền tự do, tự sức mình, con người sẽ đạt tới hạnh phúc –Nhân bản khoa học: mọi trả lời nơi khoa học –Nhân bản mác-xít: việc làm là giá trị duy nhất của con người, tôn giáo là công cụ của chế độ tư bản –Nhân bản quốc gia –Nhân bản hiện sinh.
(2) MV 8
(3) Đa thê, nạn ly dị, tự do luyến ái: sống chung mà không chấp nhận liên hệ hôn nhân – Hôn nhân thử – Hôn nhân ép buộc, khoái lạc chủ nghĩa. Ngoài ra còn một vài hoàn cảnh khác gây trở ngại cho hôn nhân: hoàn cảnh kinh tế, hoàn cảnh tâm lý xã hội: quan niệm mới về phụ nữ, môi trường quá chú ý đến tình dục – Hoàn cảnh dân sự, nhân khẩu gia tăng.
(4) Khi trả lời câu hỏi: vấn đề nào là khó nhất và quan trọng, cần thiết trong công tác chuẩn bị hôn nhân, đa số đã cho biết: Đức tin và sự trưởng thành về tình yêu, tính dục (tính dục:66,4% – tình yêu:69,8%).
(5) Hồng y Hoeffner trong DC.
(6) – Quan niệm của người công giáo Hoa Kỳ về tính cách luân lý của việc giao hợp trước hôn nhân:
– Luôn luôn là một tội: 38%
– Hầu như luôn luôn là một tội: 12%
– Đôi khi là một tội: 26%
– Không có tội: 21%
– Không có ý kiến: 3%
(Tin Lành:24% – Do Thái:48%)
– Ly dị:
. Tại Pháp: trên toàn nước Pháp (năm 1962: 30.570 vụ; năm 1970: 40.004 vụ). Theo Báo DC, bộ 70 số 1629.
. Tại Tây Đức: năm 1962: 530.640 hôn nhân – 49.894 ly dị; năm 1970: 445.510 hôn nhân – 76.711 ly dị (niên giám Thống Kê Cộng Hòa Tây Đức 1972 tr.42). Chúng tôi nêu những con số ở thập niên 60 – 70 để dễ hiểu và so sánh với Việt Nam, vì các nước Tây Phương thường đi trước Việt Nam.
(7) Paroikein hoặc Paroikos của Hy Lạp có nghĩa là ở gần, người ở gần, cận lân.
(8) Đây là một hiện tượng chung không phải chỉ ở những nước tư bản chủ nghĩa mà cả ở những nước xã hội chủ nghĩa, cả ở trong nước ta – xem phụ bản Phụ Nữ Việt Nam tháng 10.1982 trang 1. Theo báo Sài Gòn Giải Phóng số ngày 1.10.2000, ở các khu vực y tế công, hằng năm có 1,2 triệu ca nạo, phá thai, trong đó 25% ở độ tuổi vị thành niên.
(9) Những đôi sống bám vào gia đình cha mẹ giàu có thường hay ỷ lại sinh ra lười biếng và rơi vào những tật xấu: cờ bạc, rượu chè.
(10) Những em ở giáo xứ thôn quê dễ giải quyết vì thường có đất đai, ruộng vườn. Nhưng ở thành phố kiếm nghề, kiếm đất làm nhà tương đối khó khăn.
(11) Người giáo dân của ta chưa trưởng thành và độc lập đủ nên dễ bị lôi kéo, ảnh hưởng. Vì thế hình thức chuẩn khác đạo gây nhiều thử thách cho bên công giáo. Người lương bây giờ cảm thấy nhu cầu học đạo không còn cần thiết một phần cũng do việc chuẩn khác đạo quá dễ dàng và phổ biến.
Tài liệu tham khảo:
. Công Đồng Vaticano II: Hiến Chế Mục Vụ Về Giáo Hội Trong Thế Giới Ngày Nay (Gaudium et Spes)
. J.H Nicolas OP. – Une morale libératrice – Nova et Vetera.
. John Marshall, M.D. – Preparing for Marriage – New and Revise Edition, Libra,1972.
. Bernard Haring (Hồ Đỉnh) – Hôn nhân trong ánh sáng Công Đồng – Trao Đổi. Hoeffner – La Morale sexuelle à la lumière de la Foi – DC số 1628, 18 – 3.1973 trang 258-268.
Linh mục Anphong Nguyễn Công Vinh