Trong buổi tiếp kiến chung dành cho các tín hữu tại đại thính đường Phaolô VI sáng thứ tư ngày 12 tháng 12, ĐTC Phanxicô đã tiếp tục loạt bài giáo lý về Kinh Lạy Cha mới được bắt đầu tuần trước. Ngài mời gọi các tín hữu hãy cầu nguyện với sự tin tưởng, đừng sợ thưa với Thiên Chúa các tình cảnh của mình và cầu xin sự trợ giúp của Thiên Chúa. Ngài cũng khẳng định rằng lời cầu xin không phải là cách diễn tả một đức tin yếu kém, nhưng là lời cầu nguyện cao quý vì nó bày tỏ sự tín thác của người con đối với Cha của mình.
Kinh lạy Cha là lời cầu nguyện mạnh dạn
Mở đầu bài huấn dụ, ĐTC nhận định rằng Kinh Lạy Cha là lời cầu nguyện ngắn gọn nhưng đầy đủ trọn vẹn, với 7 lời cầu; theo Kinh thánh, con số 7 là con số diễn tả sự hoàn hảo trọn vẹn. Những lời cầu xin trong Kinh Lạy Cha xuất phát từ các nhu cầu cụ thể của con người. Đây cũng là một lời cầu nguyện can đảm mạnh dạn, mà nếu không được Chúa Giêsu gợi ý thì không có ai trong chúng ta dám thưa với Thiên Chúa như thế.
Cầu nguyện không phải là lấy lòng Chúa Cha, nhưng là tin tưởng
Lời cầu nguyện luôn bắt đầu từ chính cuộc sống
ĐTC giải thích rằng Kinh Lạy Cha bắt nguồn từ thực tế cụ thể của con người. Ví dụ, chúng ta xin thức ăn, thức ăn hàng ngày: là lời cầu xin đơn giản nhưng thiết thực, nó nói lên rằng đức tin không phải là câu hỏi “trang trí”, tách rời khỏi cuộc sống, hay là thứ chỉ xảy đến khi mọi nhu cầu đã được đáp ứng. Lời cầu nguyện luôn bắt đầu từ chính cuộc sống. Lời cầu nguyện mà Chúa Giêsu dạy chúng ta không bắt đầu trong cuộc sống con người khi mà bụng họ đã no đầy: đúng hơn là nó có mặt ở bất cứ nơi nào có con người, bất kỳ một người nào đang đói, đang khóc, đang tranh đấu, đang đau khổ và tự hỏi “tại sao”.
Con người luôn tìm kiếm hạnh phúc
Lời cầu nguyện đầu tiên của chúng ta, theo một nghĩa nào đó, là tiếng than khóc mà con người cất lên khi bắt đầu thở hơi đầu tiên. Trong tiếng khóc của đứa trẻ sơ sinh đó, số phận của tất cả cuộc sống chúng ta đã được loan báo: cơn đói không ngừng của chúng ta, cơn khát không ngừng của chúng ta, cuộc tìm kiếm hạnh phúc của chúng ta.
Chúa Giêsu, trong cầu nguyện, không muốn dập tắt tính nhân văn, không muốn làm tê liệt ru ngủ nó. Người không muốn rằng chúng ta dẹp bỏ những câu hỏi và những ời cầu xin bằng cách học chịu đựng. Ngược lại, Người muốn rằng mỗi đau khổ, mỗi sự bất an, được kêu lên tới trời và trở thành cuộc đối thoại.
Có đức tin nghĩa là có thói quen kêu cứu, cầu khẩn
Vì thế, ĐTC nhận xét: có đức tin nghĩa là có thói quen kêu cứu, cầu khẩn như anh mù Bartimê đã làm. Tất cả chúng ta phải như anh mù Bartimê trong Tin mừng thánh Marco 10.46-52, người mù ngồi ăn xin ở Giêricô. Xung quanh anh là đám đông mạnh mẽ, yêu cầu anh im miệng lại, đừng quấy rầy vị Thầy bằng những tiếng kêu la phiền toái nữa. Nhưng anh mù, với sự kiên quyết thánh thiện của mình, nghĩ rằng hoàn cảnh đau thương của anh cuối cùng có thể gặp được Chúa Giêsu. Và anh kêu lớn tiếng hơn nữa. “Lạy Thầy Giêsu, xin thương xót con!” (c. 47).
Chúa Giêsu đã chữa cho anh được nhìn thấy và nói với anh: “Đức tin của con đã cứu con” (c.52); dường như Chúa giải thích rằng điều quyết định cho việc chữa lành của anh chính là lời cầu nguyện đó, là lời kêu xin gào thét với đức tin, mạnh mẽ hơn sự “lịch sự” của đám đông đang muốn anh im tiếng đi. Lời cầu nguyện không chỉ đi trước ơn cứu độ nhưng cách nào đó, nó bao gồm ơn cứu độ, bởi vì nó giải thoát khỏi sự thất vọng của người không tin vào một cuộc sống có lối thoát cho bao nhiêu tình trạng không thể chịu đựng nỗi.
Lời nguyện xin là hành động của đức tin
ĐTC bác bỏ những lý luận cho rằng lời cầu nguyện xin xỏ là một hình thức đức tin yếu đuối, trong khi lời cầu nguyện chân thực nhất sẽ là lời khen ngợi thuần khiết, là tìm kiếm Thiên Chúa mà không lo cầu xin bất cứ điều gì. ĐTC cho rằng ý tưởng này là không đúng. Lời nguyện xin là chân thật và tự phát. Đó là một hành động của đức tin nơi Thiên Chúa là Cha tốt lành và toàn năng. Đó là hành động của đức tin vào tôi, bé nhỏ, tội lỗi, nghèo khổ. Và bởi thế lời cầu nguyện cầu xin điều gì đó, rất cao quý. Thiên Chúa là Cha, Đấng thương xót chúng ta vô cùng và muốn con cái mình thưa chuyện với mình mà không sợ hãi. Vì thế chúng ta có thể nói mọi thứ với Người, ngay cả những điều trong cuộc sống của chúng ta vẫn bị bóp méo và không thể hiểu được. Và Người hứa với chúng ta rằng Người sẽ ở cùng chúng ta mãi mãi, cho đến những ngày cuối cùng của trái đất này.
Hồng Thủy – Vatican